Trang Đầu | Mục Lục | << Chương 73 | Chương 75 >> | Hướng Dẫn

THÁNH KINH

Khải Huyền

         

 

Chung kết vĩ đại của truyện tích Kinh Thánh

Một khúc ca khải hoàn

Sự đắc thắng tối hậu của Ðấng Christ

Các từng trời mới và trái đất mới

 

Sách Khải Huyền căn cứ trên bài giảng của Ðấng Christ về những việc tương lai, có chép ở Ma-thi-ơ 24, Mác 13 và Lu-ca 21; hoặc nói rằng nó giải thích bài giảng ấy một cách tường tận hơn. Sách Khải Huyền chứa rất nhiều thành ngữ mà Ðức Chúa Jêsus đã dùng. Một vài hình bóng của nó dường như lấy từ sách Ê-xê-chi-ên và sách Ða-ni-ên.

 

Tác giả

Là chính Ðức Chúa Trời. Ðó là lời quả quyết đầu tiên trong sách nầy. Chính Ðức Chúa Trời đọc sách nầy qua Ðấng Christ, bởi một thiên sứ, cho Giăng chép lại và gởi sách toàn vẹn cho Bảy Hội Thánh (1:1).

Một vài nhà phê bình duy lý kim thời thấy trong sách Khải Huyền chẳng có lời tiên tri được soi dẫn chi hết, nhưng chỉ có "sự tưởng tượng của tôn giáo được phô bày không hạn chế, và mặc lấy hình thức tưởng là sự hiện thấy, song chẳng thật có như vậy." Chúng tôi chán ghét một ý kiến như vậy.

Chúng tôi tuyệt đối tin rằng sách nầy tự nhận là cái gì, thì nó chính là cái đó; rằng nó mang ấn tín của Tác giả nó; rằng một vài đoạn của nó là kỳ diệu và quí báu hơn hết trong cả Kinh Thánh; rằng sự vĩ đại tuyệt vời của nó thành ra phần kết thích hợp hơn hết của cả truyện tích Kinh Thánh; rằng những sự hiện thấy vinh hiển của nó về công ơn cứu chuộc hoàn thành của Ðấng Christ khiến nó thành ra con đường chân chánh của Ðức Chúa Trời đi thấu vào linh hồn người ta.

 

Người được dùng làm tác giả

Do truyền thoại rất vững chắc, ngay từ đời các Giáo phụ Hội Thánh, và theo sự phán đoán của đại đoàn thể tín đồ Ðấng Christ, thì Sứ đồ Giăng, "môn đồ yêu quí," bạn thân thiết nhứt của Ðức Chúa Jêsus ở trần gian nầy, tác giả sách Tin Lành Giăng, cũng chính là tác giả của sách Khải Huyền (1:1, 4, 9; 22:8; Giăng 21:20, 24). Rõ ràng lắm, do lòng muốn làm mất giá trị của sách nầy, có người nêu ý kiến rằng ấy là một Giăng khác; song ý kiến nầy chẳng có căn cứ chi hết.

 

Niên hiệu

Giăng đã bị đày ra đảo Bát-mô (1:9). Theo truyền thoại về các Sứ đồ, thì việc nầy xảy ra trong cơn bắt bớ của Domitien, khoảng năm 95 S.C.. Năm sau (96 S.C.), là năm đầu đời trị vì của Nerva, Giăng được thả ra và được phép trở về thành Ê-phê-sô.

Sự dùng quá khứ ở đây ("đã ở trong đảo gọi là Bát-mô" -- 1:9) dường như tỏ ra rằng dầu ông được các sự hiện thấy tại đảo Bát-mô, nhưng sau khi được thả ra và trở về thành Ê-phê-sô, ông mới viết thành sách (khoảng năm 96 S.C.).

 

Những sách vở luận về sách Khải Huyền

Người nào nghiên cứu những án văn phong phú luận về sách Khải Huyền, thì sẽ chú ý tới điểm nầy: Một cách Hoàn Toàn Ðộc Ðoán, nhiều người đã nêu lên ý kiến (họ không kể là ý kiến, song kể là lời quả quyết tuyệt đối) về nghĩa của cả những đoạn mầu nhiệm hơn hết, dường như họ hiểu biết hết cả, và lời tuyên bố của họ giải quyết được vấn đề. Chúng tôi tưởng rằng những ai muốn giải thích một sách như sách Khải Huyền nầy, thì tốt hơn nên có tinh thần khiêm cung và thành thực.

 

Những cách giải thích

Có nhiều cách giải thích sách Khải Huyền. Cách giải thích nào cũng mắc phải những sự khó khăn riêng. Bất cứ bản giải thích nào được thừa nhận, cũng còn những chi tiết cần phải gò bó đề được thích hợp với bản giải thích ấy.

Nói sơ qua, thì có bốn loại hoặc phái giải thích, loại hoặc phái nầy khác với loại hoặc phái kia nhiều lắm. Họ thường được gọi là "phái Quá khứ," "phái Lịch sử," "phái Tương lai" và phái Duy linh."

Phái giải thích "Quá khứ" cho rằng sách Khải Huyền liên quan đến thời kỳ trứ tác nó, tức là lúc Hội Thánh đấu tranh với đế quốc La-mã.

Phái giải thích "Lịch sử" nói là sách Khải Huyền cốt để dự ngôn tình hình tổng quát của cả thời kỳ Lịch sử Hội Thánh, từ thời Giăng cho tới khi tận thế. Ðó là một cảnh trạng, một loạt bức tranh phác họa các giai đoạn kế tiếp nhau và các đặc điểm trong cuộc đấu tranh của Hội Thánh cho tới khi đắc thắng chung kết. Ðó là "Sự hiện thấy về các thời đại" hoặc là "Các bức tranh diễn tả những thời kỳ và biến chuyển trọng đại của Hội Thánh."

Phái giải thích "Tương lai" cho rằng phần lớn sách Khải Huyền chú trọng vào lúc Chúa tái lâm và lúc tận thế.

Phái giải thích "Duy linh" hoàn toàn cho rằng các hình bóng trong sách Khải Huyền không chỉ về bất cứ biến cố nào trong lịch sử, -- hoặc các biến cố đương thời Giăng, hoặc các biến cố lúc tận thế, hoặc các biến cố giữa hai khoảng đó. Trái lại, họ cho đó là một cách dùng tranh và lời lẽ đầy nghĩa bóng để hình dung các nguyên tắc trọng đại trong nền cai trị của Ðức Chúa Trời áp dụng cho mọi thời đại.

Cứ xét theo ý nghĩa hiển nhiên hơn hết của lời lẽ trong sách Khải Huyền, thì chúng tôi tưởng rằng cách giải thích giản dị, rõ ràng, tự nhiên, và hợp lý hơn hết chính là dung hòa phái "Lịch sử" với phái "Tương lai." Có sự hiện thấy mô tả những biến cố trọng đại và đặc điểm của lịch sử Hội Thánh; có sự hiện thấy dự ngôn những biến chuyển trọng đại của ngày sau rốt; có sự hiện thấy có lẽ liên quan đến cả hai, -- cái thứ nhứt có lẽ làm hình bóng và dự ngôn về cái thứ hai.

Các hình bóng của sách Khải Huyền và dòng Lịch sử Hội Thánh tương đồng lạ lùng đến nỗi một trong những mục đích của sách nầy chắc là để dự ngôn Lịch sử Hội Thánh.

Lại nữa, trong sách Khải Huyền nầy có rất nhiều điều liên quan đến kỳ sau rốt, nên bất cứ bản giải thích nào cũng phải kể đến kỳ sau rốt.

 

Sách chia làm hai phần

Ðoạn 1 đến 3: "Những việc nay hiện có" (1:19), tức là những việc xảy ra đương thời Giăng. Bảy bức thơ gởi cho Bảy Hội Thánh luận về tình hình đương lúc ấy. Theo một phương diện, đó là phần mở đầu cho phần chính của sách theo sau, tức là:

Ðoạn 4 đến 22: "Những việc sau sẽ đến" (1:1, 19; 4:1), gồm thời gian từ lúc ấy cho tới ngày sau rốt.

 

Ðoạn 1:1-3 -- "Sự mặc thị" những điều sẽ xảy đến

Ðó là tên sách nầy tự đặc cho nó: Một sự khải thị, hoặc lộ thiên cơ, hoặc cho biết những việc tương lai (1:1, 19; 4:1). Như vậy, ngay trong lời đầu tiên, sách Khải Huyền đã hiển nhiên có tánh cách dự ngôn. Nó viết ra cốt để bày tỏ tương lai, và phác họa dòng lịch sử cùng số phận của Hội Thánh.

 

Ðây là một sách rất thực tế

Dầu là một sách rất mầu nhiệm, chứa nhiều điều chúng ta không hiểu, song nó cũng chứa nhiều điều mà chúng ta thật hiểu rõ.

Gắn vào các hình bóng mầu nhiệm của sách Khải Huyền, chúng ta thấy một vài lời cảnh cáo bổ ích hơn hết và một vài lời hứa quí báu hơn hết trong cả Kinh Thánh.

Chắc hẳn Giăng cũng không hiểu một vài điều ông đã thấy và viết. Chắc Ðức Chúa Trời nhứt định rằng một vài sự hiện thấy chỉ được rõ nghĩa khi lịch sử vén màn trải qua các thời đại. Tuy nhiên, linh hồn của Giăng rung động, và ông vui mừng, hớn hở khôn xiết khi mải nghĩ về những cảnh trạng mình đã thấy.

Khi thì bày tỏ chân lý giản dị hơn hết, khi thì dùng những hình bóng thần bí hơn hết, sách Khải Huyền chứa sự lạc quan thuần túy cho con cái Ðức Chúa Trời, nhiều lần quả quyết với chúng ta rằng ta được Ngài che chở, và bất cứ điều gì xảy ra, ta cũng có sự sống hạnh phước vô tận đang đợi chờ mình.

Khi thì trình bày cảnh tượng ở dưới đất, khi thì trình bày cảnh tượng ở trên trời, Khải Huyền cũng là sách nói về "cơn thạnh nộ của Ðức Chúa Trời," thỉnh thoảng đối chiếu sự hỉ lạc của người được cứu chuộc với sự thống khổ của kẻ bị hư mất. Ôi! Trong thế hệ hờ hững và không kính thờ Ðức Chúa Trời nầy, chúng ta cần được nhắc cho nhớ hai tình trạng khác nhau đó là dường nào!

 

Thái độ đối với sách Khải Huyền

Nhiều nhà văn, hoặc nhà Truyền đạo, hoặc người khác, sử dụng sách Khải Huyền hoặc những ý tưởng đặc biệt của họ về sách Khải Huyền một cách thái quá. Vì cớ đó, ít ra là một phần nào, lại có người hoàn toàn không đụng tới sách Khải Huyền. Cả hai thái độ nầy sai lạc. Không nên xao lãng sách Khải Huyền, và cũng không nên tôn nó quá cao hơn các quyển khác trong Kinh Thánh. Nhưng chắc rằng sách Khải Huyền đáng chiếm được một phần khả quan trong sự học hỏi và tôn sùng của tín đồ Ðấng Christ; nó sẽ ban thưởng lớn lao cho tín đồ nào làm như vậy.

 

Bối cảnh của sách Khải Huyền

Những sự hiện thấy đã được ban cho và sách đã được viết ra trong ánh lửa đỏ thiêu các thánh tuận đạo. Hội Thánh đã được 66 tuổi, đã lớn lên phi thường, đã và đang trải qua những cơn bắt bớ khủng khiếp.

30 năm trước khi Giăng viết sách Khải Huyền, tín đồ đã bị bắt bớ lần đầu tiên, do tay Hoàng đế Néron (64-67 S.C.). Trong cơn bắt bớ nầy, vô số tín đồ đã bị đóng đinh vào thập tự giá, hoặc bị quăng cho thú dữ cắn xé, hoặc bị tẩm nhiên liệu vào áo xống mà thiêu cho đến chết, trong khi Néron cười ha hả trước tiếng kêu thương quằn quại của những người đờn ông, đờn bà đang bốc cháy. Trong cơn bắt bớ của Néron, Phao-lô và Phi-e-rơ đã bỏ mình vì Chúa.

Cuộc bắt bớ thứ hai do Hoàng đế Domitien (95-96 S.C.). Nó ngắn ngủi, nhưng ác liệt vô cùng. Trên 40 ngàn tín đồ đã bị tra khảo và giết chết. Trong cơn bắt bớ nầy, Giăng bị đày ra đảo Bát-mô (1:9). Khi Ðức Chúa Trời ban những sự hiện thấy trong sách Khải Huyền, thì cơn bắt bớ nầy đang diễn ra.

Cơn bắt bớ thứ ba theo gần liền sau đó, và do tay Hoàng đế Trajan (năm 98 S.C.). Giăng đã sống sót trong hai cơn bắt bớ trước, và bây giờ sắp trải qua cơn bắt bớ thứ ba của đế quốc La-mã đang cố gắng tiêu trừ đạo Ðấng Christ. Ðó là những ngày tối tăm của Hội Thánh. Nhưng sẽ còn những ngày tối tăm hơn nữa.

Chẳng những có sự bắt bớ từ bên ngoài, song chính ở nội bộ, Hội Thánh cũng bắt đầu có những dấu hiệu hư hoại và bội đạo.

Rõ ràng lắm, Ðức Chúa Trời ban những sự hiện thấy nầy để làm cho Hội Thánh vững vàng, ngõ hầu đối phó với những ngày khủng khiếp gần xảy đến.

 

"Phước cho kẻ đọc" (1:3)

Cùng kẻ nghe và giữ theo những lời trong sách nầy! Sách nầy mở đầu như vậy đó, và nó cũng kết thúc như vậy đó (22:7). Chính Ðức Chúa Trời đã phán lời nầy.  Lời hứa nầy dành cho sự đọc riêng một mình và sự nghe đọc trước hội chúng trong nhà thờ. Ðương thời ấy, các sách phải chép bằng tay, rất hiếm và rất mắc tiền. Ðể hiểu biết Kinh Thánh, phần lớn người ta phải nhờ nghe đọc và nghe giảng dạy trong nhà thờ. Sự phát minh máy in ngày nay và sự phân phát Kinh Thánh chữ in cho rất nhiều người, thì chẳng làm tiêu mất nhu cầu và giá trị của sự thường xuyên bày giải Lời Ðức Chúa Trời trong các cuộc nhóm họp ở nhà thờ.

Ðức Chúa Trời định rằng Lời Ngài phải chiếm địa vị trọng yếu trong các cuộc nhóm họp ở nhà thờ khi ấy, ngày nay và luôn mãi. Kinh Thánh là phương tiện duy nhứt mà Ðức Chúa Trời tuyển định để giữ cho Hội Thánh trung thành với sứ mạng của mình.

Nếu ngay từ ban đầu, các thủ lãnh Hội Thánh chú ý đến lời cảnh cáo nguyên thủy nầy, thì Hội Thánh có lẽ đã được cứu khỏi sự hư hoại khủng khiếp mà mình phải chuốc lấy trải qua các thời đại. Chúng tôi chẳng bao giờ hết ngạc nhiên vì giới lãnh đạo Hội Thánh ngày nay chỉ thừa nhận Lời Ðức Chúa Trời một cách hữu danh vô thực trong các cuộc nhóm họp ở nhà thờ. Thật ra Lời Ðức Chúa Trời đáng phải là chính trái tim của các cuộc nhóm họp ấy.

 

Ðoạn 1:4-8 -- Lời chào thăm Bảy Hội Thánh

Tại Ê-phê-sô, Si-miệc-nơ, Bẹt-găm, Thi-a-ti-rơ, Sạt-đe, Phi-la-đen-phi, và Lao-đi-xê.

Bảy đô thị nầy nối liền nhau bởi một đại lộ hình tam giác, và được nêu tên theo thứ tự địa dư, bắt đầu từ Ê-phê-sô, đi chừng 100 dặm về phía Bắc tới Bẹt-găm, rồi lại đi về phía Ðông-nam tới Lao-đi-xê, cách Ê-phê-sô chừng 100 dặm về phía Ðông.

"Xứ A-si" (câu 1:4) là một tỉnh La-mã ở miền Tây của Tiểu-Á-tế-á, và ngày nay thuộc lãnh thổ Thổ-nhĩ-kỳ. Ê-phê-sô là đô thị trọng yếu nhứt, còn Bẹt-găm là thủ đô chánh trị.

Có nhiều chi hội ở "xứ A-si". Những chi hội gọi là "Bảy Hội Thánh" đây chắc là mấy trung tâm trọng yếu trong các địa hạt liên hệ, là những đô thị then chốt cho chức vụ Mục sư của Giăng ở cả vùng nầy.

Chỉ thành Ê-phê-sô được nêu tên ở chỗ khác trong lịch sử Tân Ước. Thi-a-ti-rơ được nói đến là quê hương của Ly-đi (Công vụ các sứ đồ 16:14); Lao-đi-xê đã nhận một bức thơ của Phao-lô (Cô-lô-se 4:13-16), nhưng thơ nầy nay đã thất lạc. Còn 4 chi hội kia không được ghi nhắc ở chỗ nào khác trong Tân Ước, chắc là Hội nhánh do chức vụ của Phao-lô tại thành Ê-phê-sô.


Bản đồ số 59

 


Con số "Bảy"

Sách Khải Huyền được cấu tạo chung quanh một hệ thống số "bảy". Bảy bức thơ gởi cho Bảy Hội Thánh (đoạn 1-3); bảy cái ấn và bảy ống loa (đoạn 4:11); bảy bát (đoạn 15, 16); bảy chơn đèn (1:12, 20); bảy ngôi sao (1:16, 20); bảy vị thiên sứ (1:20); bảy vị thần (1:4); Chiên Con có bảy sừng và bảy mắt (5:6); bảy ngọn đèn (4:5); bảy tiếng sấm (10:3-4); con rồng sắc đỏ có bảy đầu và bảy mũ triều thiên (12:1); con thú giống như con beo có bảy đầu (13:1); con thú sắc đỏ sậm có bảy đầu (17:3, 7); bảy hòn núi (17:9); bảy vua (17:10).

Suốt cả Kinh Thánh, con số "bảy" hoàn toàn dễ thấy. Ngày Sa-bát là ngày thứ bảy. Chế độ Lê-vi của Cựu Ước được xây dựng trên một chu kỷ (cycle) những con số "bảy."

Giê-ri-cô sụp đổ sau khi bảy thầy tế lễ cầm bảy cây kèn, đi vòng quanh vách thành trong bảy ngày, và đến ngày thứ bảy, thì đi vòng quanh bảy lần. Na-a-man dầm mình bảy lần dưới sông Giô-đanh.

Kinh Thánh bắt đầu với bảy ngày sáng tạo và chấm dứt với một sách gồm những số "bảy" liên quan đến số phận chung cuộc của muôn vật thọ tạo.

Số "bảy" được Ðức Chúa Trời ưa thích lắm. Có bảy ngày trong một tuần lễ. Âm nhạc có bảy cung. Cái mống có bảy màu sắc.

Vì số "bảy" thường được dùng và theo cách dùng số "bảy," ta chắc rằng nó có một ý nghĩa cao hơn giá trị của nó như một con số. Về hình bóng, người ta cho rằng nó tượng trưng cho ý niệm về sự toàn vẹn, một đơn vị, sự đầu dẫy, toàn bộ.

 

Bảy "phước" của sách Khải Huyền

Trong sách nầy có bảy lần chép: "Phước cho...!" Chúng ta không biết con số nầy do định ý hay là do tình cờ.

"Phước cho kẻ đọc lời tiên tri nầy!"

"Phước cho những người chết, là người chết trong Chúa!" (14:13).

"Phước cho kẻ tỉnh thức" (chờ Chúa tái lâm)! (16:15).

"Phước thay cho những kẻ được mời đến dự tiệc cưới Chiên Con!" (19:9)

"Phước thay và thánh thay, những kẻ được dự phần về sự sống lại thứ nhứt!" (20:6).

"Phước thay cho kẻ nào giữ những lời tiên tri trong sách nầy!" (22:7).

Phước thay cho những kẻ giặt áo mình!" (22:14).

 

Ý nghĩa của những con số khác

Có những con số khác được dùng một cách khiến ta nghĩ rằng chính nó là một lời nói có ý nghĩa vượt quá giá trị của nó như một con số. Ðây là một vài con số ấy:

3: Dấu hiệu đặc biệt của Ðức Chúa Trời bằng con số.

4: Dấu hiệu đặc biệt của cõi thiên nhiên, của muôn loài thọ tạo bằng con số.

7:3 cộng với 4: Dấu hiệu đặc biệt chỉ về toàn bộ.

12:3 lần 4: Dấu hiệu đặc biệt của dân Ðức Chúa Trời.

10: Dấu hiệu đặc biệt của quyền lực trần gian.

 

"Ðấng hiện có, đã có và còn đến" (1:4)

Bổn tánh của Ðức Chúa Trời còn đến đời đời: Ðó là một trong những điểm mà sách nầy nhấn mạnh.

"Ðấng hằng sống đời đời " (4:10).

"Chúa, là Ðức Chúa Trời, Ðấng Toàn năng, trước đã có, nay hiện có, sau còn đến" (4:8).

"Ta là An-pha và Ô-mê-ga, là thứ nhứt và là sau chót, là đầu và là rốt" (21:6; 22:13).

"Chúa là Ðức Chúa Trời, Ðấng hiện có, đã có và còn đến, là Ðấng Toàn năng, phán rằng: Ta là An-pha và Ô-mê-ga" (1:8).

Ta là Ðấng trước hết, và là Ðấng sau cùng, là Ðấng Sống, Ta đã chết, kìa nay Ta sống đời đời, cầm chìa khóa của sự chết và Âm phủ" (1:17, 18).

Trong một thế giới mà các đế quốc dấy lên và sụp đổ, mọi vật chết và qua đi, chúng ta được nhắc nhở rằng Ðức Chúa Trời không có sự thay đổi, không có thời gian, và hằng có đời đời. Ngài hứa rằng bổn tánh Ngài có thể được truyền cho chúng ta; rằng cũng như Ngài và bởi ân điển Ngài, chúng ta không bị Tử thần làm hại, song có thể cứ sống mãi mãi. Ta sống đời đời, hưởng tuổi thanh niên bất diệt. Thực sự nầy cho đời ta có ý nghĩa quí báu biết bao! Các thánh đồ đương thời ấy phải tuận đạo đã được yên ủi biết bao!

 

"Ðức Chúa Jêsus Christ... làm Chúa của các vua" (1:5)

Lời nầy chứng quyết rằng Ngài là Bá chủ không hạn chế của thế giới. Không phải dường là như vậy luôn luôn. Nhiều vua đã đố thách và còn cứ đố thách Ðấng Christ một cách táo tợn, om sòm, vô liêm sỉ. Cả đến ngày nay, nhiều quỉ sứ của địa ngục còn đi dọc ngang trên mặt đất, cai trị loài người. Nhưng chắc chắn chúng sẽ bị đoán phạt.

Nước mà xưa kia Sa-tan cống hiến và Ðấng Christ từ chối, thì Ngài vẫn chiếm được, nhưng theo phương pháp của Ngài, chớ không theo phương pháp của Sa-tan. Những người được cứu chuộc trong mọi thời đại, tức là các linh hồn ở Ba-ra-đi và các thánh nay còn sống, đang móng chờ ngày vui sướng ấy. Nó sẽ đến chắc chắn như buổi sáng vậy. Ðấng Christ ngự trên ngôi, cả khi tình hình dường như tối tăm hơn hết. Chúng ta chớ bao giờ quên điều đó.

 

"Ðã lấy Huyết mình rửa sạch tội lỗi chúng ta" (1:16)

Chúng ta được cứu bởi Huyết Ðấng Christ: đó lại là một điểm khác mà sách nầy nhấn mạnh.

"Ngài đã lấy Huyết mình mà chuộc cho Ðức Chúa Trời những người thuộc về mọi chi phái... " (5:9).

"Chúng đã thắng nó (Sa-tan) bởi Huyết Chiên Con" (12:11).

"Ðó là những kẻ... đã giặt và phiếu trắng áo mình trong Huyết Chiên Con" (7:14).

"Phước thay cho những kẻ giặt áo mình đặng có phép đến nơi "Cây Sự Sống!" (22:14).

Có những nhà trí thức khô khan chống lại tư tưởng đó. Nhưng đó là một sự dạy dỗ liên tiếp của Kinh Thánh, được Tân Ước nhấn mạnh nhiều lần. Nó cảm động lòng chúng ta biết bao! Vì cớ nó, chúng ta sẽ kính mến và thờ lạy Ngài là dường nào trải qua các thời đại vô tận của cõi đời đời!

 

Ngài "đáng được sự vinh hiển và quyền năng đời đời vô cùng" (1:6)

Sách nầy đầy dẫy những lời ca tụng, ngợi khen Ðức Chúa Trời.

"Chúa đáng được vinh hiển, tôn quí và quyền lực" (4:11).

"Sự ngợi khen, vinh hiển, khôn ngoan, chúc tạ, tôn quí, quyền phép và sức mạnh đều thuộc về Ðức Chúa Trời ta, là Ðấng ngự trên ngôi, và thuộc về Chiên Con đời đời vô cùng!" (5:13; 7:10, 12).

"Hỡi Chúa là Ðức Chúa Trời Toàn năng, công việc Chúa lớn lao và lạ lùng thay! Hỡi Vua của muôn đời, đường lối Ngài là công bình và chơn thật!" (15:3).

"Ha-lê-lu-gia! Sự cứu chuộc, vinh hiển, quyền phép đều thuộc về Ðức Chúa Trời chúng ta... Ha-lê-lu-gia!... Ha-lê-lu-gia!... Ha-lê-lu-gia! Chúa là Ðức Chúa Trời chúng ta, là Ðấng Toàn năng, đã cầm quyền cai trị. Chúng ta hãy hớn hở vui mừng, tôn vinh Ngài" (19:1-7).

Bốn con sanh vật, 24 trưởng lão, muôn triệu thiên sứ và vô vàn người được cứu chuộc từ mọi dân tộc, cất tiếng như đại dương gầm thét, làm cho Thiên đàng vang lừng khúc ca ngợi khen Ðức Chúa Trời. Tại sao trong các nhà thờ chúng ta không có như vậy? Tại sao không để cho tín đồ HÁT thánh ca?

 

"Kìa, Ngài đến giữa những đám mây!" (1:7)

Sự tái lâm của Chúa cũng lại là một đề mục chánh yếu của sách nầy.

"Mọi mắt sẽ thấy Ngài, cả đến những kẻ đã đâm Ngài cũng trông thấy" (1:7).

"Các ngươi khá bền giữ... cho tới chừng Ta đến" (2:25).

"Ta sẽ đến như kẻ trộm" (3:3).

"Ta đến mau kíp; hãy giữ lấy điều ngươi có" (3:11).

"Kìa, Ta đến như kẻ trộm. Phước cho kẻ tỉnh thức!" (16:15).

"Kìa, Ta đến mau chóng" (22:7).

"Nầy, Ta đến mau chóng, và đem phần thưởng theo với Ta" (22:12).

"Phải, Ta đến mau chóng" (22:20).

Sự tái lâm của Chúa là một trong những lời đầu tiên của sách nầy. Và là lời cuối cùng của sách nầy lời Giăng cầu xin Ngài "Hãy đến."

Ðấng Christ sắp tái lâm. Sự tái lâm của Ngài là kết cuộc vĩ đại của lịch sử loài người. Ngài sẽ ngự đến trên đám mây, có quyền năng và vinh hiển. Cả thế giới sẽ thấy Ngài. Một ngày sầu thảm, kinh khiếp cho mọi người đã chối bỏ Ngài. Một ngày vui mừng khôn xiết cho những kẻ thuộc về Ngài.

Chính Ðức Chúa Jêsus cũng đã phán những điều đó nhiều lần (Ma-thi-ơ 13:42, 50; 24:30, 51; 25:30; 26:64; Lu-ca 21:25-28). Sách Công vụ các sứ đồ 1:9, 11 chép rằng Ðức Chúa Jêsus ngự lên trời trong một đám mây, và "cũng sẽ trở lại như cách... Ngài lên trời vậy."

Gần 2000 năm đã trôi qua, mà Ngài vẫn chưa tái lâm. Nhưng đối với bối cảnh của cõi đời đời, thì 1000 năm chỉ như một ngày. Một ngày kia, Ngài sẽ ngự đến thình lình. Ðức Chúa Jêsus ngự đến lần thứ nhứt nhằm thì giờ chỉ định. Và Ngài sẽ tái lâm nhằm thì giờ đã định trong chương trình của Ngài.

"Thì giờ đã gần rồi" (1:3). Sách Khải Huyền mở đầu như vậy đó. Và nó cũng kết thúc như vậy đó (22:10). Có thể gần hơn là chúng ta vẫn suy nghĩ.

 

Ðoạn 1:9-20 -- Ðấng CHRIST ở Giữa Hội Thánh

"Bát-mô" (1:9) là đảo mà Giăng bị đày tới trong cơn bắt bớ do tay Hoàng đế Domitien, và là nơi Giăng nhận được những sự hiện thấy nầy. Nó ở biển Égée, cách thành Ê-phê-sô chừng 60 dặm về phía Tây-nam, và cách thành A-thên chừng 150 dặm về phía Ðông. Nó dài 10 dặm và rộng 6 dặm, có nhiều đá và không có cây cối.

"Ngày của Chúa" (1:10), rõ ràng là "ngày thứ nhứt trong tuần lễ" (Công vụ các sứ đồ 20:7; I Cô-rinh-tô 16:2), là ngày các tín đồ nhóm họp để thờ phượng Chúa và kỷ niệm sự sống lại của Chúa. Ngày thứ bảy được giữ để kỷ niệm công cuộc sáng tạo thể nào, thì cũng một thể ấy, ngày thứ nhứt được biệt riêng để khiến trí óc loài người đời đời nhớ truyện tích Ðức Chúa Jêsus sống lại từ trong kẻ chết, nhớ ngày quan trọng hơn hết trong cả lịch sử, nhớ biến cố duy nhứt làm cho đời người có ý nghĩa.

"Ðược Ðức Thánh Linh cảm hóa" (1:10; 4:2; 17:3; 21:10); đây dường như có nghĩa là các quan năng của ông đã hoàn toàn bị Thánh Linh Ðức Chúa Trời chiếm lấy.

 

"Hãy chép" (1:11)

Ðó là lịnh của tiếng từ trời truyền xuống.

"Ðiều ngươi thấy, hãy chép vào một quyển sách" (1:11).

"Hãy chép lấy những sự ngươi đã thấy" (1:19).

Hãy viết cho... Ê-phê-sô." "Hãy viết cho... Si-mẹc-nơ." "Hãy viết cho... Bẹt-găm." "Hãy viết cho... Thi-a-ti-rơ" "Hãy viết cho ... Sạt-đe" "Hãy viết cho... Phi-la-đen-phi." "Hãy viết cho... Lao-đi-xê" (2:1, 8, 12, 18; 13:1, 7, 14).

"Hãy viết lấy: Từ rày, phước thay cho những người chết trong Chúa!" (14:13).

"Hãy chép: Phước thay cho những người được mời đến dự tiệc cưới Chiên Con!" (19:9).

Như vậy, đã nhiều lần được nhấn mạnh mẽ hết sức rằng chính Ðức Chúa Trời truyền lịnh chép sách Khải Huyền nầy, và chính Ngài bảo cho Giăng biết đúng phải chép những gì.

 

Sự hiện thấy về Ðấng Christ (1:13-18)

Cầm thiên sứ của các Hội Thánh trong tay Ngài.

Tóc Ngài trắng như tuyết. Mắt Ngài như ngọn lửa.

Mặt Ngài như mặt trời. Chơn Ngài như đồng đánh bóng.

Tiếng Ngài phán như tiếng nước lớn.

Miệng Ngài thò ra thanh gươm bén hai lưỡi.

Cứu Chúa nhu mì của các sách Tin Lành bây giờ hiện ra với Hội Thánh Ngài dưới hình trạng đó; và cùng với Hội Thánh, Ngài đã thắt lưng để giao tranh. Ngài là một Chiến sĩ, một Ðấng Toàn thắng, đối địch với những quân thù chí tử và hùng mạnh. Hình trạng Ngài khuyến khích Hội Thánh hãy tin cậy tài lãnh đạo của Ngài. Ðó cũng là một lời nghiệm khắc và nhiệt thành cảnh cáo Hội Thánh Ngài (đang có dấu hiệu hư hoại và bội đạo càng ngày càng hơn) rằng Ngài sẽ chẳng dung thứ sự phân tâm hoặc bất trung.

 

Các thiên sứ (1:20)

Các thiên sứ dự phần quan trọng trong sự trình diễn cảnh trạng của những sự hiện thấy và trong sự chép sách nầy.

Một thiên sứ đọc sách nầy cho Giăng chép (1:2; 22:16).

Trong số Bảy Hội Thánh, thì mỗi Hội Thánh có một thiên sứ (1:20; 2:1; v.v...).

Một thiên sứ chú ý đến quyển sách đóng ấn (5:2).

Muôn vàn thiên sứ hát khen ngợi Chiên Con (5:11).

Bốn thiên sứ được ban cho quyền phép để làm hại trái đất (7:1-4).

Một thiên sứ đóng ấn cho những người được chọn (7:1-4).

Các thiên sứ sắp mình xuống trước mặt Ðức Chúa Trời (7:11).

Một thiên sứ được dùng trong sự đáp lại lời cầu nguyện của các thánh đồ (8:3-5).

Bảy thiên sứ thổi bảy ống loa (8:6, 7 v.v...).

Một thiên sứ của vực sâu làm vua của đạo quân châu chấu (9:11).

Bốn thiên sứ được cởi trói cùng 200 triệu lính mã kỵ ở bờ sông Ơ-phơ-rát (9:15, 16).

Một thiên sứ cầm quyền sách mở ra và báo cáo kỳ sau rốt (10:1, 2, 6).

Mi-chên cùng các thiên sứ trực thuộc giao chiến với con rồng và các thiên sứ của nó (12:7).

Một thiên sứ bay đi rao báo Tin Lành cho các nước (14:6).

Một thiên sứ khác bay đi rao báo sự suy sụp của Ba-by-lôn (14:8).

Một thiên sứ tuyên án phạt những kẻ theo Con Thú (14:9, 10).

Một thiên sứ rao báo mùa gặt của trái đất (14:15).

Một thiên sứ rao báo mùa hái nho của trái đất (14:18, 19).

Bảy thiên sứ cầm bảy tai vạ sau cùng (15:1).  Một thiên sứ rao báo sự đoán phạt Ba-by-lôn (17:1, 5).

Một thiên sứ lại rao báo sự suy sụp của Ba-by-lôn (18:2).

Một thiên sứ dự phần đánh cho Ba-by-lôn một đòn chí tử (18:21).

Một thiên sứ cầm đầu sự hủy diệt Ba-by-lôn (19:17).

Một thiên sứ xiềng xích Sa-tan lại (20:1, 2).

Một thiên sứ chỉ cho Giăng thấy thành Giê-ru-sa-lem mới (21:9).

12 thiên sứ gác 12 cổng thành Giê-ru-sa-lem mới (21:19).

Một thiên sứ cấm Giăng thờ lạy mình (22:9).

Như vậy, trong sách Khải Huyền nầy, có 27 lần nói đến sự hoạt động của các thiên sứ. Trong nguyên văn, chữ "thiên sứ" nghĩa là "sứ giả." Theo như Kinh Thánh đã dùng, thì chữ nầy phần nhiều ứng dụng cho các thân vị siêu nhiên của thế giới vô hình, dùng làm sứ giả hầu việc Ðức Chúa Trời hoặc quỉ Sa-tan.

Các thiên sứ xuất hiện rất nhiều trong cuộc đời Ðức Chúa Jêsus. Suốt cả Kinh Thánh có nói nhiều về các thiên sứ.

Một số người cho rằng "thiên sứ" của các Hội Thánh (2:1, v.v...) là những sứ giả do các Hội Thánh gởi tới thăm Sứ đồ Giăng ở đảo Bát-mô, hoặc là Mục sư của các Hội Thánh ấy, hoặc là thiên sứ bảo vệ các Hội Thánh ấy, hoặc là đại diện thiên thượng của các Hội Thánh ấy.

Do sự dắt dẫn của Ðức Chúa Trời, trong bảy bức thơ nầy, Giăng diễn tả Thiên đàng nhận xét giá trị của các Hội Thánh trên mặt đất thể nào.

 

Ðoạn 2, 3 -- Thơ gởi cho bảy Hội Thánh

Mỗi thơ gồm cả sách Khải Huyền, và có một sứ điệp ngắn ngủi đặc biệt cho mỗi Hội Thánh. Chúng tôi đoán rằng sách Khải Huyền đã chép thành bảy bản, và gởi tới mỗi thành một bản. Như vậy, mỗi Hội Thánh chẳng những có thể đọc biết Chúa đánh giá chính mình, song còn có thể đọc biết Chúa đánh giá các Hội Thánh khác nữa. Cả đến ngày nay, các chi hội cũng có thể nhờ những bức thơ nầy mà tự đánh giá mình.

 

Tánh chất của các Hội Thánh

Hai Hội Thánh rất tốt: Si-miệc-nơ và Phi-la-đen-phi.

Hai Hội Thánh rất xấu: Sạt-đe và Lao-đi-xê.

Ba Hội Thánh vừa tốt, vừa xấu: Ê-phê-sô, Bẹt-găm, Thi-a-ti-rơ.

Hai Hội Thánh tốt, là Si-miệc-nơ và Phi-la-đen-phi, gồm những người thuộc giai cấp thấp thỏi và đang chịu bắt bớ.

Hai Hội Thánh xấu, là Sạt-đe và Lao-đi-xê, gồm những người thuộc giai cấp cầm quyền; họ có tiếng là tín đồ Ðấng Christ, nhưng sống như người ngoại đạo.

Hội Thánh Ê-phê-sô dạy đạo chánh thống, nhưng đã mất lòng kính mến ban đầu.

Hội Thánh Bẹt-găm theo tà giáo, nhưng vẫn trung thành với Danh Ðấng Christ.

Hội Thánh Thi-a-ti-rơ theo tà giáo, dung thứ Giê-sa-bên, nhưng có thêm lòng sốt sắng.

 

Tà giáo

Nó liên quan đến tội "tà dâm" và tội "ăn thịt cúng thần tượng" (2:20). Dâm dục thật là một phần trong sự thờ lạy thần tượng, và được nhìn nhận là thích hợp với những buổi lễ ngoại đạo. Bọn tăng nữ của tà thần Ði-anh và của những tà thần giống như vậy đều là kỵ nữ.

Ðó là một vấn đề rắc rối cho Hội Thánh dân ngoại từ lúc ban đầu. Bức thông điệp của các Sứ đồ tại Giê-ru-sa-lem gởi cho Hội Thánh dân ngoại gần 50 năm trước (Công vụ các sứ đồ, đoạn 15), dầu có tánh chất khoan hồng, song cũng dứt khoát nhấn mạnh rằng tín đồ phải tránh xa những hành động phóng túng liên quan đến sự thờ lạy thần tượng.

Trong thời gian ấy, vô số người ngoại đạo đã trở thành môn đồ Ðấng Christ và đã đem một số ý niệm cũ của mình vào trong đạo mới.

Sự quyến rũ theo nhục dục trong cuộc thờ lạy nữ thần Ði-anh đã đánh mạnh vào bổn tánh loài người; những kẻ quen với sự quyến rũ ấy chẳng dễ từ bỏ nó đâu. Lẽ tự nhiên, họ tìm đủ cách để dung hòa những thói tục ngoại đạo đó với đạo Ðấng Christ. Nhiều kẻ tự nhận là giáo sư đạo Ðấng Christ, tự coi là được Ðức Chúa Trời soi dẫn, song lại binh vực quyền tự do dự phần những thói tục hủ hoại của đạo thờ thần tượng.

Tại Ê-phê-sô, toàn thể các Mục sư Cơ-đốc-giáo loại trừ bọn giáo sư đó. Nhưng tại Bẹt-găm và Thi-a-ti-rơ, dầu chúng tôi chẳng nghĩ rằng phần đông Mục sư giảng dạy như vậy, song họ dung thứ bọn giảng dạy như vậy trong hàng ngũ của mình.

Bảy thơ nầy rập theo một mẫu:

Mở đầu: "Nầy là lời phán của Ðấng..." và "Ta biết công việc ngươi..."

Kết thúc: "Ai có tai, hãy nghe lời Ðức Thánh Linh phán cùng các Hội Thánh..." và "Kẻ nào thắng..."

 

"Nầy là lời phán của Ðấng..."

Tỏ ra một phương diện của bổn tánh Ngài có liên quan đến mỗi Hội Thánh.

Với Hội Thánh Ê-phê-sô lớn lao và mạnh mẽ, song đã mất lòng sốt sắng:

"Nầy là lời phán của Ðấng cầm bảy ngôi sao trong tay hữu..."

Với Hội Thánh Si-miệc-nơ nghèo nàn, đang chịu đau đớn và bắt bớ:

"Nầy là lời phán của Ðấng chết rồi mà đã sống lại..."

Với Hội Thánh Bẹt-găm đang dung thứ bọn giáo sư dạy sự hủ hoại:

"Nầy là lời phán của Ðấng có thanh gươm nhọn hai lưỡi..."

Với Hội Thánh Thi-a-ti-rơ đang thêm lòng sốt sắng, nhưng dung thứ Giê-sa-bên:

"Nầy là lời phán của Con Ðức Chúa Trời, là Ðấng mắt như ngọn lửa..."

Với Hội Thánh Sạt-đe có tiếng là sống, mà thật là chết:

"Nầy là lời phán của Ðấng có bảy vì thần Ðức Chúa Trời..."

Với Hội Thánh Phi-la-đen-phi không có tên tuổi trong đô thị, nhưng trung tín:

"Nầy là lời phán của Ðấng... mở thì không ai đóng được..."

Với Hội Thánh Lao-đi-xê đang hâm hẩm:

"Nầy là lời phán của Ðấng làm chứng thành tín, chơn thật..."

 

"Ta biết công việc ngươi"

Với Hội Thánh Ê-phê-sô: "Ta biết công việc ngươi, sự khó nhọc ngươi, sự nhịn nhục ngươi."

Với Hội Thánh Si-miệc-nơ: "Ta biết sự khốn khó, nghèo khổ của ngươi."

Với Hội Thánh Bẹt-găm: "Ta biết nơi ngươi ở, đó là ngôi của quỉ Sa-tan."

Với Hội Thánh Thi-a-ti-rơ: "Ta biết công việc ngươi, lòng yêu thương ngươi, đức tin ngươi,... lòng nhịn nhục ngươi."

Với Hội Thánh Sạt-đe: "Ta biết công việc ngươi ngươi có tiếng là sống, nhưng mà là chết."

Với Hội Thánh Phi-la-đen-phi: "Ta biết công việc ngươi... ngươi... đã giữ đạo Ta."

Với Hội Thánh Lao-đi-xê: "Ta biết công việc của ngươi; ngươi không lạnh, cũng không nóng."

 

"Kẻ nào thắng..."

Tại Ê-phê-sô: "Kẻ nào thắng, Ta sẽ cho ăn trái cây sự sống."

Tại Si-miệc-nơ: "Kẻ nào thắng, sẽ chẳng bị hại gì về lần chết thứ hai."

Tại Bẹt-găm: "Kẻ nào thắng, Ta sẽ ban cho ma-na đương giấu kín."

Tại Thi-a-ti-rơ: "Kẻ nào thắng, Ta sẽ ban cho kẻ ấy ngôi sao mai."

Tại Sạt-đe: "Kẻ nào thắng, Ta sẽ không xóa tên người khỏi sách sự sống."

Tại Phi-la-đen-phi: "Kẻ nào thắng, Ta sẽ cho làm trụ trong Ðền Ðức Chúa Trời Ta."

Tại Lao-đi-xê: "Kẻ nào thắng, Ta sẽ cho ngồi với Ta trên ngôi Ta."

 

"Ai có tai, hãy nghe"

Bức thơ nào cũng kết thúc như vậy, dường như Chúa cảnh cáo các Hội Thánh rằng họ thận trọng về lời Ngài phán với mình đó, thì tốt hơn.

Ðoạn 2: 1-7 -- Thơ gởi cho Hội Thánh Ê-phê-sô

Ê-phê-sô, mẫu hội của các chi hội xứ A-si, dân số 225.000 người, là thủ đô và trung tâm thương mại của xứ A-si. Miễu thờ nữ thần Ði-anh tại đó là một trong bảy kỳ quan của thế giới.

Tại đó, 40 năm trước, Phao-lô đã làm việc được thành công hơn hết (54-57 S.C.); có vô số người trở lại tin theo Ðấng Christ đến nỗi sau thời gian rất ngắn, Hội Thánh đã trở nên một ảnh hưởng mạnh nhứt trong đô thị, và một Hội Thánh có danh tiếng nhứt trên thế giới.

Người ta nói rằng sau khi Phao-lô qua đời, thì Ti-mô-thê để hầu hết thì giờ ở tại Ê-phê-sô, và tuận đạo tại đó trong cơn bắt bớ của Domitien, tức là cơn bắt bớ đã khiến cho Sứ đồ Giăng bị đày ra đảo Bát-mô.

Lúc cao tuổi, Sứ đồ Giăng ở tại Ê-phê-sô. Nếu ông không tích cực hành chức Mục sư, thì vì cớ tuổi tác và rốt lại, vì là Sứ đồ của Ðấng Christ còn sống sót, chắc ông cũng có ảnh hưởng lớn nhứt trong vòng các Mục sư.  Theo một phương diện, Ê-phê-sô là chính Hội Thánh của Giăng. Tại đó, ông đã viết năm quyển sách cho Tân Ước: sách Tin Lành, ba thơ tín và sách Khải Huyền.

Có ba thơ tín của Phao-lô liên quan đến công việc Chúa tại Ê-phê-sô: thơ Ê-phê-sô, các thơ I và II Ti-mô-thê. Và người ta cho rằng hai thơ tín của Phi-e-rơ và thơ tín của Giu-đe có lẽ đã được lưu hành trước nhứt tại vùng nầy.

Ê-phê-sô ở vào khoảng giữa đường từ Giê-ru-sa-lem đến La-mã, và gần là trung tâm địa dư của đế quốc La-mã. Lúc sanh tiền của Giăng, nó đã trở thành gần như trung tâm địa dư và nhân số của tín đồ Ðấng Christ trên thế giới.

Khoảng 10 năm sau khi Giăng qua đời, Hoàng đế Trajan sai Pline tới miền A-si để điều tra xem có nên bắt bớ tín đồ Ðấng Christ chăng? Pline gởi phúc trình cho Trajan rằng tín đồ Ðấng Christ đông đúc quá, đến nỗi các miễu thờ tà thần gần như bỏ hoang.

Trong nhiều đô thị của miền nầy, các chi hội Tin Lành rất đông đúc, gồm nhiều phần tử có thế lực, và Ê-phê-sô là chi hội trọng yếu nhứt.

Từ Lễ Ngũ Tuần, là sanh nhật của Hội Thánh tại Giê-ru-sa-lem, tới nay đã được 66 năm. Khắp mọi nơi, Hội Thánh đã phát triển hết sức lớn mạnh. Song các dấu hiệu bại hoại đã bắt đầu lộ ra. Chúng tôi cho rằng đó là một trong các lý do đòi hỏi có sách Khải Huyền.

 

"Hội Thánh Ê-phê-sô" (2:1)

Hội Thánh nầy có từ trước thời người ta quen xây cất nhà thờ. Họ phải nhóm họp ở tiền đàng, nhà riêng hoặc bất cứ nơi nào có thể nhóm họp. Họ không có một đại giáo đường trung ương, song có nhiều, có lẽ hàng trăm hội chúng nhỏ, mỗi hội chúng có Mục sư riêng lãnh đạo. Tuy nhiên, thơ nầy gởi cho "Hội Thánh Ê-phê-sô." (Nên dịch là: "Hội Thánh tại Ê-phê-sô.") Như vậy, có nhiều hội chúng, song chỉ có một Hội Thánh.

 

"Ðấng cầm bảy ngôi sao trong tay hữu" (2:1)

Ðó là biểu hiệu về quyền phép của Ngài. Có lẽ cốt để gợi ý cảnh cáo rằng Hội Thánh đã quá kiêu hãnh vì uy tín của mình, đã khoe khoang về những cái chẳng ích lợi bao nhiêu cho sứ mạng chân chánh của mình.

 

Những Sứ đồ giả (2:2)

Rõ ràng lắm, đây là những kẻ tự nhận đã quen biết Ðấng Christ và được Ngài ban cho quyền dạy dỗ; họ cố gắng dung hòa sự phóng túng hủ hoại của đạo thờ thần tượng với đạo thuần túy của Ðấng Christ.

Người ta cho rằng "đảng Ni-cô-la" (2:6) là một phái binh vực rằng sự hoang dâm là một cách sống thích hợp.

Các giáo sư giả nầy đã gây nhiều rắc rối, khó khăn trong Hội Thánh. Dường như toàn thể các Mục sư tại Ê-phê-sô kiên nhẫn và vững vàng chống lại sự dạy dỗ của chúng; vì cớ đó, Chúa khen ngợi họ (2:2, 3).

 

"Ðã bỏ lòng kính mến ban đầu" (2:4, 5)

Ðó là tội lỗi của họ. Lòng sốt sắng của họ đối với Ðấng Christ đã nguội đi. Họ không còn kính mến Ngài như trước nữa. Họ đã hóa ra lãnh đạm, phân tâm; chưa hâm hẩm như Hội Thánh Lao-đi-xê (3:16), nhưng đang tiến theo hướng đó. Tình trạng nầy làm đau lòng Ðấng Christ. Vì cớ đó, họ bị quở trách thấm thía, và Ngài cảnh cáo họ hãy ăn năn (2:5); bằng không, "chơn đèn của họ sẽ bị cất khỏi chỗ nó." Và thật đã có như vậy, vì vị trí thành Ê-phê-sô ngày nay hoang vu.

 

"Cây sự sống" (2:7)

Chúa hứa ban "trái cây sự sống" cho những ai thắng được sức quyến rũ của tà giáo và sự tự nhiên cám dỗ theo phóng túng xác thịt và khoái lạc trần tục.

Dầu Hội Thánh Ê-phê-sô đã tiêu mất, song lời hứa ban trái cây sự sống vẫn còn hiệu lực cho những cá nhân đắc thắng, bất cứ họ thuộc về Hội Thánh nào.

 

Khảo cổ học và thành Ê-phê-sô

Thành Ê-phê-sô đã được đào bới bởi J.T.Wood (1869-1873), bởi nhân viên Anh quốc Bảo tàng viện (1904-1905), và bởi một phái đoàn Áo quốc (1894-1930).

Họ đã phám phá được di tích miễu thờ nữ thần Ði-anh, cùng di tích của rạp hát, nơi đám dân làm loạn đã hội họp (Công vụ các sứ đồ 19:29).

Họ cũng tìm thấy di tích một nhà tắm La-mã, xây toàn bằng cẩm thạch, có nhiều phòng: phòng hơi nước, phòng lạnh, phòng để nằm ngả nghiêng; đó là bằng cớ tỏ ra sự xa hoa, mỹ lệ của đô thị nầy.

Họ cũng tìm thấy một miễu thờ trong có tượng của Hoàng đế Domitien, người đã tự xưng là "Ðức Chúa Trời," đã đày Giăng ra đảo Bát-mô, và đã bắt bớ tín đồ Ðấng Christ đang khi những sự hiện thấy của sách Khải Huyền nầy được ban cho Giăng.

 

Ðoạn 2:8-11 -- Thơ gởi cho Hội Thánh Si-miệc-nơ

Ðây là Hội Thánh đang chịu đau đớn. Không có lời quở trách nào, toàn là lời yên ủi từ ái.

Si-miệc-nơ cách Ê-phê-sô chừng 50 dặm về phía Bắc, là một đô thị mỹ lệ khác thường, xây dựng trên một vũng biển đẹp đẽ. Nó là địch thủ ngang hàng với Ê-phê- sô, và lại hãnh diện vì theo truyền thoại, nó là nơi sanh trưởng của Homère.

Ðương thời ấy, vị Giám mục tại Si-miệc-nơ, là ông Polycarpe yêu quí. Irénée, người đã trò chuyện với Polycarpe, nói rằng Sứ đồ Giăng đã cử Polycarpe làm Giám mục tại Si-miệc-nơ. Hội Thánh nầy gồm những người nghèo, không có số đông hoặc uy tín như Hội Thánh Ê-phê-sô. Họ "nghèo khổ" nhưng lại "giàu có," trái với Hội Thánh Lao-đi-xê, tuy "giàu có" nhưng lại "nghèo ngặt" (3:17).

"Ðấng chết rồi mà đã sống lại" (Nên dịch là: "Mà nay đang sống.") (2:8)

Ðối với những người đang tuận đạo, lời trên đây nhắc họ nhớ rằng Ngài đã chịu điều họ sắp phải chịu, và cũng như Ngài, chẳng bao lâu họ sẽ Sống Ðời Ðời Vô Cùng.

 

"Hoạn nạn trong mười ngày" (2:10)

Ðây có lẽ chỉ về một cơn bắt bớ ngắn ngủi. Hoặc có lẽ chỉ về cơn bắt bớ của Trajan sắp bắt đầu, trong đó Ignace tuận đạo; có lẽ cơn bắt bớ nầy đã làm hại Hội Thánh Si-miệc-nơ rất nặng nề. Hoặc "mười ngày" có lẽ chỉ bóng về mười cơn bắt bớ do các Hoàng đế La-mã.

 

"Mũ triều thiên của sự sống" (2:10)

Trong thơ gởi cho Hội Thánh Ê-phê-sô, Chúa hứa ban cho "trái cây sự sống" (2:7). Trong thơ gởi cho Hội Thánh Sạt-đe, Chúa hứa giữ tên trong "Sách Sự Sống" (3:5). Trong thơ gởi cho Hội Thánh Si-miệc-nơ đây, Chúa hứa cho "mũ triều thiên của sự sống" và cho "chẳng bị hại gì về lần chết thứ hai" (2:11; 21:8).

Dầu những lời hứa nầy ban cho các cá nhân đắc thắng, song Si-miệc-nơ, với tư cách một thành, đã được Chúa ban cho một mũ triều thiên: Nó tồn tại trải qua mọi thế kỷ, và hiện nay là đô thị lớn nhứt miền Tiểu-Á-tế-á, 200.000 dân, và tên mới là Izmir.

 

Ðoạn 2:12-17 -- Thơ gởi cho Hội Thánh Bẹt-găm

Ðây là một Hội Thánh trung thành với Danh Ðấng Christ, thậm chí chịu tuận đạo (2:13), nhưng dung chịu bọn giáo sư giả, có lẽ cùng một loại với bọn giáo sư giả ở thành Ê-phê-sô. Tuy nhiên, toàn thể các Mục sư ở Ê-phê-sô đứng vững chống bọn giáo sư giả, còn các Mục sư ở Bẹt-găm dầu chẳng theo tà giáo, song lại dung chịu bọn dạy tà giáo trong hàng ngũ của mình. Tà giáo ấy là tín đồ Ðấng Christ có quyền phóng túng theo hành vi hủ hoại của người ngoại đạo .

Ðối với một Hội Thánh dường ấy, dầu Chúa khen ngợi họ vì trung thành với Danh Ngài, song Ngài cũng tự giới thiệu cùng họ là "Ðấng có thanh gươm nhọn hai lưỡi." Tốt hơn là hãy coi chừng. Hội Thánh của Chúa dung chịu sự phóng túng tội lỗi, thì Chúa sẽ chẳng đẹp lòng đâu.

 

Thành Bẹt-găm.

Cách Si-miệc-nơ chừng 50 dặm về phía Bắc; là thủ đô chánh trị của" xứ A-si;" một trung tâm văn nghệ; một trung tâm chánh yếu của nền văn hóa Hy-lạp; nổi tiếng vì có thư viện 200.000 cuốn sách, chỉ kém thư viện của thành A-léc-xan-đơ-ri. Giấy da chiên (Parchemin  tốt hơn giấy chỉ thảo (papyrus) của Ai-cập bội phần, đã được chế tạo ở Bẹt-găm. Khi một vua Ai-cập ganh tị vì Bẹt-găm nổi tiếng về phương diện văn nghệ, và cấm chở giấy chỉ thảo tới Bẹt-găm, thì dân thành này bèn chế tạo được một thứ giấy riêng, đặt tên cho nó dựa theo tên thành Bẹt-găm (Trong tiếng Hy-lạp, chữ "giấy da chiên" viết và đọc gần như chữ "Bẹt-găm".) Thành Bẹt-găm nay vẫn, tồn tại 13.000 dân, và tên mới là Bergah.

 

"Ngôi của quỷ Sa-tan " (2:13)

Bẹt-găm là một trung tâm thờ lạy hoàng đế La-mã, tại đó họ dâng hương trước tượng hoàng đế ấy cũng như dâng cho Ðức Chúa Trời vậy. Tín đồ Ðấng Christ thường phải chết vì không chịu làm điều đó. Cũng có một bàn thờ đồ sộ cho thần Jupiter, và một miễu hữu danh thờ Esculape, thần y-khoa mà họ thờ dưới hình thức con rắn, là một tên của Sa-tan. Ngoài ra, Bẹt-găm còn là thành trì của các giáo sư thuộc thành Ba-la-am và phái Ni-cô-la. Như vậy, nó gọi là"ngôi của quỷ Sa-tan" vì là trung tâm đạo thờ thần tượng và tội ác.

Lại nữa, Sa-tan sắp bắt bớ tín đồ ở Si-miệc-nơ (2:10), nhưng đã khởi sự bắt bớ họ tại Bẹt-găm (2:13), vì An-ti-ba phải tuận-đạo rồi.

 

"Ðạo Ba-la-am" (2:14)

Trong sách Dân số ký, đoạn 25, có chép thể nào dân Y-sơ-ra-ên đã thông dâm với đám phụ nữ Ma-đi-an, và ở Dân số ký 31:16 có chép rằng họ làm như vậy vì theo lời Ba-la-am xui giục. Cho nên tại Bẹt-găm, bọn theo tục lệ ngoại đạo đã len lỏi vào hàng ngũ tín đồ Ðấng Christ và đã xui giục họ dự phần hoang dâm trong sự thờ lạy thần tượng, đều được đặt cho biệt hiệu Ba-la-am. Rõ ràng lắm, có rất nhiều người theo chúng.

 

" Ma-na đương giấu kín " (2:17)

Những kẻ nào thắng sự cám dỗ buông theo khoái lạc tội lỗi, thì Chúa hứa ban cho họ " Ma-na đương giấu kín," " hòn sỏi trắng " và " một tên mới, ngoài kẻ nhận lấy không ai biết đến." " ma-na đương dấu kín " có lẽ là trái cây sự sống (22:2) "tên mới" có thể chỉ về một hình thức sanh tồn làm cho ta thỏa mãn hơn mọi sự ta từng nếm biết, hoặc từng mơ tưởng trong đời này (xem trang 856). "Trắng" (xem trang 855).

 

Ðoạn 2:18-29 -- Thơ gởi cho Hội Thánh Thi-a-ti-rơ

Ðây là Hội Thánh thỏa hiệp. Họ có một vài điểm tốt. Họ nổi tiếng vì có "lòng yêu thương, đức tin, sự hầu việc trung tín và lòng nhịn nhục." Họ đang thêm lòng sốt sắng," và công việc sau rốt... còn nhiều hơn công việc ban đầu nữa"(2:19). -- Thật khác hẳn Hội Thánh Ê-phê-sô "đã bỏ lòng kính mến ban đầu" (2:4).

Song cũng như Hội Thánh Bẹt-găm, họ dung thứ bọn giáo sư giả; và tệ hại hơn nữa, họ để cho Giê-sa-bên tồn tại với mình.

 

Giê-sa-bên là ai? (2:20-24)

Thi-a-ti-rơ nổi tiếng vì có miễu tráng lệ thờ Artémis, một tên khác của nữ thần Ði-anh. Người ta cho rằng Giê-sa-bên có thể là một bậc phụ nữ cao sang sùng kính Ði-anh, có tài làm thủ lãnh, được nhiều người quyền thế trong thành theo mình; dầu được hấp dẫn theo chánh nghĩa ngày càng phát triển của đạo Ðấng Christ và liên kết với Hội Thánh, nhưng bà nầy vẫn hăng hái nhấn mạnh rằng mình có quyền dạy bảo và thực hành sự phóng túng theo nhục dục, lại tự nhận là được sự soi dẫn để dạy bảo như vậy.

Bà gọi là "Giê-sa-bên" vì cũng như Giê-sa-bên, vợ quỉ quái của A-háp đã đem mọi sự gớm ghiếc trong cuộc thờ lạy tà thần Át-tạt-tê vào nước Y-sơ-ra-ên (I Các Vua, đoạn 16), bà đem các hành vi xấu xa như vậy vào trong Hội Thánh Ðấng Christ. Và giới thủ lãnh Hội Thánh vẫn dung chịu bà.

Không phải hết thảy Mục sư ở Thi-a-ti-rơ đã nhìn nhận sự dạy bảo của bà. Nhưng họ muốn có tinh thần tự do và nghĩ rằng bà có thể dự phần dắt đem cả thành về tin nhận Danh Ðấng Christ, nên đã đón tiếp bà vào trong Hội Thánh và nhìn nhận bà là bạn đồng liêu.

Chúa lấy đó làm phiền lòng lắm. Trong một lời quở trách thấm thía, Ngài tự giới thiệu với họ là "Con Ðức Chúa Trời, là Ðấng mắt như ngọn lửa, và chơn như đồng sáng" (2:18). Tình trạng một Hội Thánh như vậy chẳng phải là chuyện chơi đâu!

 

"Ðiều sâu hiểm của quỉ Sa-tan" (2:24)

Ðây là lần thứ ba chép đến Sa-tan trong bảy thơ nầy. Tại Si-miệc-nơ, nó xô tín đồ vào khám tù (2:9, 10). Tại Bẹt-găm, là "ngôi" của quỉ Sa-tan, nó đang bắt bớ Hội Thánh, và dùng giáo sư giả làm cho Hội Thánh bại hoại (2:13, 14). Tại Thi-a-ti-rơ đây, sự dạy dỗ của Giê-sa-bên được kể là "điều sâu hiểm của quỉ Sa-tan" (2:24). Lại nữa, nó được ghi chép là kẻ thù của Hội Thánh tại Phi-la-đen-phi (3:9).

 

"Ngôi sao mai" (2:28)

Chúa hứa ban Ngôi Sao Mai cho những "kẻ nào thắng." Chính Ðức Chúa Jêsus là Ngôi Sao Mai (22:16). Một lời tiên tri thượng cổ về Ðấng Mê-si xưng Ngài là "Một Ngôi Sao" (Dân số ký 24:17). Bởi trung tín chớ không phải bởi thỏa hiệp, Hội Thánh sẽ đạt tới bậc lãnh đạo chân chánh và chung hưởng vinh quang đời trị vì của Ðấng Christ.

 

Ðoạn 3:1-6 -- Thơ gởi cho Hội Thánh Sạt-đe

Ðây là Hội Thánh "chết," chỉ "có tiếng là sống." Nhưng "có mấy người chưa làm ô uế áo xống mình" (3:4). Chúa ngụ ý phán rằng trừ "có mấy người," còn Hội Thánh nầy sắp bị xóa khỏi sổ sách trên Thiên đàng (3:5).

Với một Hội Thánh dường ấy, Ðấng Christ tự giới thiệu là Ðấng có quyền năng để xóa họ khỏi sổ Thiên đàng, vì Ngài "có bảy vì thần" (3:1). Nhằm thế kỷ thứ 6 T.C., dưới đời trị vì của Croésus, Sạt-đe là một đô thị giàu có và hùng mạnh bậc nhứt thế giới. Ðương thời đế quốc La-mã, nó vẫn còn là một đô thị hữu danh. Việc thành nầy trở lại cùng Ðấng Christ, dầu phần lớn chỉ là bề ngoài, cũng đã có ảnh hưởng sâu xa đến cả vùng ấy.

 

"Bảy vì thần" (3:1)

"Bảy vì thần" cùng chung chào thăm các Hội Thánh (1:4).

Chính Ðấng Christ đọc bảy bức thơ cho Giăng chép (1:19).

Nhưng mỗi bức thơ lại là lời phán của Ðức Thánh Linh (Trong nguyên văn, các chữ "Thần" và Thánh Linh" là một) (2:7 v.v...).

"Bảy vì thần " ở trước ngôi (4:5).

Bảy mắt của Chiên Con là bảy vì thần (5:6).

Bảy vì thần dường như chỉ về hành động đầy đủ (số 7) của Ðức Thánh Linh, là Thần của Ðấng Christ, Thần của Ðức Chúa Trời, -- Ngài là Thần duy nhứt có quyền phép đầy trọn. Bảy vì thần chỉ về hình thức Ðấng Christ hành động trong Hội Thánh Ngài và với Hội Thánh Ngài, trong thời kỳ ở giữa sự hiện đến thứ nhứt và sự hiện đến thứ hai của Ngài.

 

"Những kẻ đó sẽ mặc áo trắng mà đi cùng Ta" (3:4)

Trong sự hiện thấy, "đầu và tóc" của Ðức Chúa Jêsus "trắng" như tuyết (1:14).

Kẻ nào thắng sẽ được mặc áo "trắng" (3:5).

Các công dân của Thiên đàng sẽ được mặc áo "trắng" (3:18).

24 vị trưởng lão mặc áo "trắng" (4:4).

Các thánh tử đạo mặc áo dài "trắng" (6:11).

Muôn vàn người được cứu chuộc mặc áo dài "trắng" (7:9).

Áo được phiếu "trắng" trong Huyết Chiên Con (7:14).

Chúa sẽ cưỡi ngựa "bạch" mà ngự đến (19:11).

Ðạo binh của Ngài bận áo "trắng" và cỡi ngựa "bạch" (19:14).

Mọi sự nầy có thể là chỉ một cách nói bóng. Nó có thể gợi ý về tánh chất thân thể vinh hiển của chúng ta. Ðức Chúa Trời ở trong sự sáng không ai đến gần được (I Ti-mô-thê 6:16). Khi Ðức Chúa Jêsus Hóa hình, thì áo xống Ngài cũng trắng (Mác 9:3).

 

"Sách Sự Sống"

"Ta sẽ không xóa tên ngươi khỏi sách sự sống" (3:5).

Những kẻ theo con thú đều không có tên trong sách sự sống (13:8; 17:8).

Những kẻ nào không có tên trong sách sự sống đều bị quăng xuống hồ lửa (20:12, 15).

Chỉ những kẻ nào được ghi tên trong sách sự sống mới được ở Thiên đàng (21:27).

Ða-ni-ên (12:1) và Ma-la-chi (3:16) có nói đến các sổ ghi chép ở Thiên đàng.

 

Ðoạn 3:7-13 -- Thơ gởi cho Hội Thánh Phi-la-đen-phi

Ðây là một Hội Thánh thấp thỏi nhưng trung tín. Không có làm bộ hoặc mong ước cai trị cả thành. Họ thỏa lòng vì treo gương sống như Ðức Chúa Jêsus giữa một xã hội ngoại đạo hư hoại. Họ yêu mến Lời Ðức Chúa Trời và quyết định vâng giữ Lời ấy. Họ được Chúa hết lòng thương mến, và không bị Ngài quở trách một lời nào.

 

"Ta đã mở... một cái cửa không ai đóng được" (3:8)

Ðức Chúa Trời đã cảnh cáo các chi hội Ê-phê-sô và Sạt-đe chớ có khoe khoang địa vị quyền thế của mình. Ðây, Ngài khuyên chi hội Phi-la-đen-phi chớ có ngã lòng vì mình chẳng có địa vị gì trong thành ấy; bởi chưng trong công việc của Ðức Chúa Trời, Ngài chẳng nhờ cậy uy tín trần gian đâu.

 

"Giữ ngươi khỏi giờ thử thách" (3:10)

Chúa bảo chi hội Si-miệc-nơ rằng họ sẽ phải chịu bắt bớ (2:10). Ðây, với chi hội Phi-la-đen-phi, Chúa hứa gìn giữ họ khỏi sự đau đớn (3:10). Cả hai chi hội nầy trung tín với Chúa. Ðức Chúa Trời chẳng đối xử với mọi người cùng một cách, song Ngài đối xử với mỗi người theo cách Ngài biết là tốt nhứt, vượt quá trí hiểu của chúng ta, cho đến khi ta tới Thiên đàng.

 

"Danh mới" (3:12)

"Tên mới" (2:17) mà "ngoài kẻ nhận lấy, không ai biết đến" dường như chỉ về những sự vui mừng mầu nhiệm sẽ thực hiện trên Thiên đàng. Ðây, kẻ nào thắng sẽ được mang Danh mới của Cứu Chúa (3:12). Ðó là một dấu hiệu về quyền sở hữu, về quyền công dân. Cũng một thể ấy, những kẻ theo Con thú phải mang dấu của chủ họ (13:16, 17). Mỗi người chúng ta thuộc về Chúa hay là về Con thú.

Phi-la-đen-phi, vẫn còn là một đô thị thạnh vượng, có chừng 15.000 dân, trong số đó, nhiều người tin theo Ðấng Christ.

 

Ðoạn 3:14-22 -- Thơ gởi cho Hội Thánh Lao-đi-xê

Ðây là chi hội hâm hẩm. Lao-đi-xê là một trung tâm ngân hàng, kiêu hãnh vì mình giàu có. Thành nầy mỹ lệ vì có những miễu thờ và rạp hát nguy nga. Nó nổi tiếng vì chế tạo thứ áo quí giá bằng lông chiên đen bóng láng và vì có trường y khoa chế một thứ thuốc bột chữa mắt. Có lẽ do đó mà thơ nầy đã dùng những chữ "giàu có," "áo" và "thuốc xức mắt" (3:17, 18).

 

"Nhả ngươi ra khỏi miệng Ta" (3:16)

Ðây là một lời khá mạnh mẽ tỏ sự bất mãn và bất bình. Do lời nầy, ta nghĩ rằng Ðấng Christ thích sự chống đối tỏ tường hơn sự hâm hẩm. Lao-đi-xê thật đã bị nhả ra khỏi miệng Chúa. Ngày nay nó là một vị trí hoang vu.

 

"Ta đứng ngoài cửa mà gõ" (3:20)

Một bức tranh kỳ lạ. Một Hội Thánh của Ðấng Christ mà chính Ðấng Christ lại ÐỨNG NGOÀI xin cho vào. Một phần nào, đó là thực trạng của nhiều Hội Thánh ngày nay: Họ nhơn Danh Ðấng Christ mà hoạt động, nhưng rõ ràng lắm, chỉ cốt để các vị lãnh đạo được lợi lộc và vẻ vang, còn Ðấng Christ thì ít được ai biết đến.

 

"Ngồi với Ta trên ngôi Ta" (3:21)

Ấy là chung hưởng với Ðấng Christ sự vinh hiển của Nước Ngài. Thơ nào cũng nhắc rằng ơn phước chung kết chỉ dành cho những kẻ Thắng; điều nầy dường như ngụ ý rằng nhiều người bắt đầu đi đường Ðấng Christ, song đã ngã dọc đường bởi cách nầy hoặc cách khác.

Si-miệc-nơ và Phi-la-đen-phi, hai thành có Hội Thánh tốt, ngày nay còn là những đô thị phồn thạnh, Sạt-đe và Lao-đi-xê, hai thành có Hội Thánh xấu, thì ngày nay là những vị trí hoang vu, chẳng có người ở.

 

Ý nghĩa hình bóng của Bảy Hội Thánh 

Có lẽ Bảy Hội Thánh nầy đã được lựa chọn để đại diện cho một số nhiều Hội Thánh của thế hệ ấy. Có lẽ theo nhiều trình độ, Bảy Hội Thánh nầy làm hình bóng về các Hội Thánh của mọi thế hệ, ở các giai đoạn chân lý và bội đạo khác nhau, phàm nhân hóa vì các cổ phong trần tục theo nhiều bậc khác nhau; mỗi Hội Thánh phần lớn là tác phẩm của các vị thủ lãnh, có những tỷ lệ thủ lãnh trung tín và thánh đồ trung tín khác nhau. Ðáng thương thay, nhiều chi hội pha trộn Hội Thánh với thế gian, chân lý với tà giáo.

Có người cho rằng Bảy Hội Thánh, theo thứ tự trình bày sau trước và theo thứ tự vị trí chung quanh khu tam giác địa lý, đại diện cho bảy thời đại kế tiếp nhau của Lịch sử Hội Thánh. Có lẽ là như vậy, song chính sách Khải Huyền chẳng có chỗ nào nói như vậy. Chúng tôi tưởng tốt nhứt là đừng nên quá độc đoán về một lời giải thích thể ấy.

Nói sơ lược, các thời kỳ trọng đại của Lịch sử Hội Thánh thường được tóm tắt như sau nầy:

Hội Thánh bị bắt bớ: Ba thế kỷ đầu tiên

Hội Thánh của đế quốc: Thế kỷ thứ 4 và thứ 5.

Hội Thánh của Thủ lãnh kia: Thế kỷ thứ 6 đến thế kỷ thứ 16.

Hội Thánh Cải chánh: Thế kỷ thứ 16 cho tới ngày nay.

Chúng tôi không dám nói Bảy Hội Thánh nầy có thể là khuôn mẫu dự ngôn về tình trạng trên đây cho tới mực nào. Tuy nhiên, xem xét tất cả Lịch sử Hội Thánh từ lúc khởi đầu cho tới ngày nay, thì hình thức mà đạo Ðấng Christ có tổ chức được trình bày hiển nhiên hơn hết cho thế giới, trong hầu hết thời gian đạo Ngài có ở thế giới nầy, chính là CHẾ Ðộ THỦ LÃNH kia. Tất cả sự tệ hại, gian ác trong Bảy Hội Thánh hợp lại hầu như cũng chưa đủ để làm hình bóng về những sự khủng khiếp và gớm ghiếc do chế độ Thủ lãnh kia đã biến đổi và lạm dụng đạo Ðấng Christ.

 

Ðoạn 4 -- Sự hiện thấy về Ngôi của Ðức Chúa Trời

Ðây bắt đầu phần dự ngôn của sách Khải Huyền.

"Những việc nay hiện có" (1:19) đã được mô tả trong bảy bức thơ gởi cho Bảy Hội Thánh, luận về tình hình Hội Thánh đương thời ấy.

"Ðiều sau nầy phải xảy đến" (4:1) là đề mục từ đây trở đi, có liên quan đến lịch sử và số phận của Hội Thánh.

Có người cho rằng Hội Thánh được biến hóa ở chỗ nầy. Có lẽ như vậy. Song trong sách Khải Huyền không chỗ nào nói như vậy. Ðó chỉ là một ý kiến, và phải được nêu lên như một ý kiến, chớ không như một sự dạy dỗ minh bạch của Kinh Thánh.

 

Ngôi của Ðức Chúa Trời (4:2, 3)

Khi giở bức màn tương lai lên, thì điều thứ nhứt là sự hiện thấy về Ðức Chúa Trời, cốt để quả quyết với Hội Thánh rằng dầu một vài sự khải thị có thể làm cho ngã lòng chừng nào, nhưng Ðức Chúa Trời Vẫn Còn Ngự Trên Ngôi.

Không mô tả hình trạng của Ðức Chúa Trời, trừ ra có nói rằng Ngài "rực rỡ như bích ngọc và mã não, có cái móng dáng như lục bửu thạch bao chung quanh." Người ta cho rằng bích ngọc là một loại kim cương; mã não màu hồng, còn lục bửu thạch màu xanh lá cây. Như vậy, Ðức Chúa Trời tự tỏ mình cho con mắt phàm trần thấy Ngài là Ðấng có vầng hào quang trong trắng bao quanh, phủ thêm màu đỏ và xanh lá cây. Xem thêm màu "Trắng" ở trang 855.

 

Hai mươi bốn trưởng lão (4:4, 5)

Ngồi trên 24 chiếc ngôi chung quanh Ngôi Ðức Chúa Trời, mặc áo trắng, và đầu đội mũ triều thiên bằng vàng. Có người cho rằng họ đại diện cho Hội Thánh đã được vinh hiển, tức là sự hiệp một của 12 chi phái Cựu Ước với 12 Sứ đồ Tân Ước, và là biểu hiện của dân Ðức Chúa Trời.

Hoặc họ có thể đại diện cho một giai cấp đặc biệt gồm những bậc trí thức thiên thượng, các vị tôn trưởng của Thiên đàng, hay là nhiều giai cấp thiên sứ. Hãy chú ý, con số 24 xuất hiện ở cái cốt của Ngôi Ðức Chúa Trời, cũng như ở cái cốt của thành Giê-ru-sa-lem mới.

"Những chớp nhoáng... cùng sấm" (câu 5): Sự oai nghi và quyền phép của Ðức Chúa Trời.

"Bảy ngọn đèn sáng rực" (câu 5): Công việc toàn vẹn của Ðức Thánh Linh.

"Biển trong ngần giống thủy tinh" (câu 6): Ðức Chúa Trời bình tĩnh cai trị.

 

Bốn con sanh vật (4:6-11)

Ðây là những thân vị thiên thượng. Có bản dịch là "con thú" thì sai, vì theo nguyên văn, chữ dùng ở đây dùng khác hẳn với chữ dịch là "Con Thú" ở đoạn 13:1, tức là con quái vật gớm ghiếc hiện ra rất nhiều ở phần cuối sách Khải Huyền. Người ta cho rằng đây là các chê-ru-bin, có nói đến ở Sáng-thế Ký 3:24 và Ê-xê-chi-ên 1:10; 10:14. Ðây, các chê-ru-bin nhập đoàn ca hát ngợi khen Ðức Chúa Trời vì Ngài đã cứu chuộc loài người.

 

Ðoạn 5 -- Quyển Sách được đóng ấn

Ðoạn 4 có sự hiện thấy về Ðức Chúa Trời là Ðấng Tạo Hóa. Trong đoạn nầy có sự hiện thấy về Ðấng Christ là Ðấng Cứu chuộc. Quyển Sách được đóng ấn chứa những sự bí mật của tương lai. Chính Ðấng Christ đã mở Sách nầy.

Bảy ống loa phát xuất từ ấn thứ bảy. Bảy ấn và bảy ống loa (2 lần 7) hợp thành cái cốt của sách Khải Huyền (đoạn 6 đến đoạn 11). Lúc tiếng loa thứ bảy nổi lên, thì các nước thế gian trở thành Nước của Ðấng Christ (11:15).

Rồi theo văn pháp thông thường của Kinh Thánh, tác giả quay trở lại và bắt đầu chép những chi tiết bổ sung hoặc giải thích .

Chiên con có "bảy sừng, bảy mắt, bảy vì thần của Ðức Chúa Trời" (5:6), thì nghĩa là Ngài có sức mạnh toàn thắng, trí thức đầy trọn và tất cả quyền năng. Ngài biết tương lai và có thể kiểm soát nó.

 

Chiên con

Trong sự hiện thấy dành cho bảy Hội Thánh, Ðấng Christ hiện ra như một Chiến sĩ. Ðây ngài được gọi là "Sư tử" (5:6). Nhưng khi Giăng thấy Sư tử, thì lại là "Chiên Con" (5:6). "Sư tử" chỉ về quyền năng , còn "Chiên Con" chỉ về sự hy sinh (hoặc tế lễ). Bí quyết quyền năng của Ðấng Christ chính là sự thương khó của Ngài.

"Chiên Con" là danh hiệu mà sách Khải huyền ưa dùng để chỉ về Ðấng Christ.

"Chiên Con" cầm lấy Quyển Sách đóng ấn và mở ra (5:6, 7; 6:1).

Các sanh vật và các trưởng lão thờ lạy "Chiên Con" (5:8, 14)

Muôn triệu thiên sứ thờ lạy "Chiên Con" (5:11-13).

Ngày lớn của cơn thạnh nộ "Chiên Con" đã đến (6:16, 17).

Muôn vàn người thuộc về mọi nước thờ lạy "Chiên Con" (7:9, 10).

Áo họ được giặt trong Huyết "Chiên Con" (7:14).

"Chiên Con" dẫn họ đến những suối nước sống (7:17).

Họ thắng Sa tan bởi Huyết "Chiên Con" (12:11).

144.000 người đi theo hầu "Chiên Con" (14:1, 4).

Họ hát bài ca của Môi-se và "Chiên Con" (15:3).

"Chiên Con" là Chúa của các chúa, Vua của các vua (17:14).

Ðã tới lúc "Chiên Con" thành hôn với Tân phụ Ngài (19:7, 9; 21:9).

12 nền của Thành là 12 Sứ đồ của "Chiên Con" (21:14).

"Chiên Con" là Ðền thờ và ánh sáng của Thành (21:22, 23).

Chỉ những ai có tên trong Sách Sự Sống của "Chiên Con" mới được vào trong Thành (21:27).

Nước sự sống từ ngôi của "Chiên Con" tràn ra (22:1, 3).

Như vậy, trong cảnh trạng giao tranh giữa nước thế gian và Nước của Ðức Chúa Trời, từ đoạn 6:1 đến 11:15, chính Chiên Con chịu thương khó của Ðức Chúa Trời là Ðấng thắng trận. Chiên Con Của Ðức Chúa Trời dâng mình làm Tế lễ (đã được lễ Vượt qua của dân Do-thái làm hình bóng cho trong 1400 năm và được lễ Tiệc Thánh kỷ niệm gần 2000 năm nay), thì chính Ngài là Trung tâm của thế giới được cứu chuộc do Ngài sẽ tạo nên.

 

Bài hát ngợi khen (5:8-14)

Ðoạn 4:8-11 có bài ca khen Ðức Chúa Trời là Ðấng Tạo Hóa. Ðây, hai bài ca đầu dành cho Chiên Con, (câu 9, 12), còn bài thứ hai dành cho Ðấng Tạo Hóa và Chiên Con (câu 13).

"Bài ca mới" (câu 9) tức bài ca Cứu chuộc, là mới đối với bài ca Sáng tạo.

Ðây là một quang cảnh vĩ đại tuyệt vời. 4 con sanh vật, 24 trưởng lão, muôn triệu thiên sứ và cả vũ trụ được dựng nên hợp lại mà hớn hở cảm tạ Chúa vì ơn cứu chuộc loài người.

Trên Thiên đàng, ai nấy ca hát. Trong các cuộc nhóm họp thường xuyên, Hội Thánh chúng ta quá xao lãng phần ca hát, thì thật là tệ hại.

"Những lời cầu nguyện của các thánh" ở đây (5:8) và ở đoạn 8:4 đều được cân lường bởi Ðấng Trọng tài khi Ngài ghi dòng lịch sử. Ðiều nầy chiếu sáng vào sự cầu nguyện là dường nào!

 

Ðoạn 6:1, 2 -- Ấn thứ nhứt

Con ngựa bạch: Người cưỡi ngựa là một Vua chiến thắng

Ðiều nầy có thể làm hình bóng về Ðấng Christ ra đi chinh phục thế giới. Gần cuối sách (19:11), một con ngựa bạch khác hiện ra, và Người cỡi nó được tuyên bố rõ ràng là Ðấng Christ. Có lẽ cả hai là cùng một Ðấng: Trước hết, Ngài bắt đầu chinh phục, rồi Ngài hoàn thành cuộc chinh phục.

Hoặc người cưỡi ngựa có thể làm hình bóng không phải về Ðấng Christ, nhưng về cường quốc bá chủ thế giới tại đó, Ngài đã khởi làm công việc. Lời tuyên bố ở sau bảy cái ấn và bảy ống loa: "Nước của thế gian thuộc về Chúa chúng ta và Ðấng Christ của Ngài" (11:15) có thể ngụ ý rằng "Nước của thế gian" đã cầm quyền cai trị lúc Chúa bắt đầu công việc.

Hoặc người cưỡi ngựa nầy có thể làm hình bóng về khởi đầu cuộc trị vì của Antichrist ở kỳ sau rốt. Hoặc có lẽ làm hình bóng về cường quốc bao gồm thế giới tại đó Ðấng Christ đã khởi làm công việc, và cả cường quốc bao gồm thế giới lúc sau rốt tại đó Ngài sẽ hoàn thành công việc. Cường quốc nầy lại làm kiểu mẫu cho cường quốc kia.

Nếu người cưỡi ngựa nầy chỉ về cường quốc bao gồm thế giới tại đó Ðấng Christ đã bắt đầu làm công việc, thì thật là bức tranh mô tả cường quốc ấy rất đúng. Ðế quốc La-mã, chánh quyền hùng mạnh nhứt từng có trên thế giới xưa nay, đã cai trị hầu hết thế giới mà người ta được biết lúc đó; và đương thời ấy, nó vừa mới bước vào hoàng kim thời đại. Sử gia Gibbon gọi đời trị vì của 5 hoàng đế Nerva, Trajan, Hadrien, Antonin le Pieux (Tin kính) và Marc-Aurèle (96 S.C. đến 180 S.C.) là "thời kỳ sung sướng nhứt và thạnh vượng nhứt trong cả lịch sử loài người."

 

Ðoạn 6:3-4 -- Ấn thứ hai

Con ngựa hồng: Nội chiến

Nếu con ngựa bạch của ấn thứ nhứt chỉ về Ðấng Christ, thì con ngựa hồng của ấn thứ hai, con ngựa ô của ấn thứ ba và con ngựa vàng vàng của ấn thứ tư có thể chỉ về những khổ nạn giáng trên loài người vì cớ họ chối bỏ Ðấng Christ.

Nếu cái ấn thứ nhứt chỉ về Antichrist, thì ba ấn nầy chắc chỉ về những cuộc chiến tranh khủng khiếp của nó.

Nếu cái ấn thứ nhứt chỉ về đế quốc La-mã ở hoàng kim thời đại của nó, thì ba ấn nầy (chiến tranh, đói kém và sự chết) chắc chỉ về những thời đại theo sau của đế quốc ấy. Lại nữa, bức tranh nầy thật ăn khớp với lịch sử: Từ năm 200 S.C. đến năm 300 S.C., trên 50 người đòi lên ngôi hoàng đế La-mã. Thay vì có những vua hùng mạnh ngồi trên ngôi, họ đã đánh nhau cho biết ai sẽ làm hoàng đế. Vì cớ 100 năm nội chiến và những khổ nạn luôn luôn theo sau những cuộc hiến tranh kéo dài, -- tức là đói kém, dịch lệ và chết chóc, -- nên trong thế kỷ nầy, đế quốc La-mã đã mất hơn một nửa dân số và bắt đầu đi đường hủy diệt.

 

 

 

 

 


Bản đồ số 60 -- Ðế quốc La-mã

 


Ðoạn 6:5, 6 -- Ấn thứ ba

Con ngựa ô: Ðói kém, kết quả do chiến tranh

"Cái cân": Thực phẩm sẽ hiếm, phải cân mà bán.

"Một đơ-ni-ê": Thời ấy, một đơ-ni-ê là tiền công một ngày theo mức thường.

"Một đấu" lúa mì chừng 1 lít. Khi ấy, bình thường một đơ-ni-ê có thể mua được từ 15 đến 20 đấu.

"Dầu và rượu chớ động đến." (Hoặc dịch là: "Chớ làm cho thiệt hại.") Lời nầy dường như chỉ tỏ một tình trạng xa xỉ phẩm dư dật, còn những vật cần thiết thì bán theo giá lúc đói kém. Có thể có nghĩa rằng những kẻ cầm quyền được dư dật, còn thường dân thì chịu thiếu thốn. Ðây là kết quả do các cuộc chiến tranh kéo dài của ấn thứ hai.

 

Ðoạn 6:7, 8 -- Ấn thứ tư

Con ngựa vàng vàng: Kết quả do chiến tranh và đói kém

"Một góc tư thế gian" bị "sát hại." Trong một thế kỷ nội chiến (200 S.C. đến 300 S.C.), đế quốc La-mã có nói đến ở ấn thứ hai, bị thiệt rất nhiều dân số; sau đó lại thêm lắm "loài thú dữ" (6:8) giết hại người ta.

 

Ðoạn 6:9-11 -- Ấn thứ năm

Sự hiện thấy về linh hồn các thánh tử đạo

Ðây dường như làm hình bóng về sự bắt bớ Hội Thánh. Ðã có bao nhiêu ngàn người tuận đạo trong các cơn bắt bớ do tay NéronDomitien. Còn vô số người khác phải tuận đạo nữa. Từ Néron (64 S.C.) tới Dioclétien (305 S.C.), Hội Thánh chịu mười cơn bắt bớ do các hoàng đế La-mã. Sự hiện thấy nầy cũng có thể ngụ ý tiên tri về các cơn bắt bớ do Thủ lãnh kia ở thời Trung cổ, và có lẽ về những cơn bắt bớ trong kỳ đại nạn của ngày sau rốt.

 

Ðoạn 6:12-17 -- Ấn thứ sáu

Ngày thạnh nộ đã đến

Trong các nước thế giới có cách mạng, chánh biến, biến động và thất kinh. Mặt trời tối tăm. Các ngôi sao sa xuống. Các từng trời bị cuống lại. Núi non và hải đảo bị dời đi. Các vua và các dân khủng khiếp.

Về một vài phương diện, tình trạng nầy giống như đoạn mô tả trận Ha-ma-ghê-đôn (16:12-21). Có lẽ tình trạng nầy khởi thủy ngụ ý đến trận ấy.

Ðức Chúa Jêsus cũng đã dùng lời lẽ giống như vậy khi luận về thì giờ Ngài tái lâm (Ma-thi-ơ 24:29, 30; Lu-ca 21:26).

Ê-sai cũng đã dùng lời lẽ giống như vậy khi dự ngôn sự suy vong của Ba-by-lôn (Ê-sai 13:10); và Ê-xê-chi-ên nữa, khi dự ngôn về sự suy vong của Ai-cập (Ê-xê-chi-ên 32:7). Lời lẽ giống như vậy cũng xuất hiện ở Ê-sai 34:4, Giô-ên 2:30-31, Công vụ các sứ đồ 2:20, và dường như chỉ về lúc Ðức Chúa Trời phán xét các nước, hoặc ngày phán xét sau cùng.

Cái ấn nầy cũng có thể là một dự ngôn về các chánh biến trong đế quốc La-mã nhằm thế kỷ thứ tư. Ðế quốc ấy thôi bắt bớ Hội Thánh. Hoàng đế Constantin trở nên tín đồ Ðấng Christ năm 312 S.C., ban hành một sắc lịnh khoan dung tôn giáo (năm 313 S.C.), và lấy đạo Ðấng Christ làm tôn giáo của triều đình. Năm 325 S.C., ông công bố bản khuyến cáo mọi người nên theo đạo Ðấng Christ. Ông dời thủ đô qua Constantinople. Théodose (378-395 S.C.) lập đạo Ðấng Christ làm tôn giáo của đế quốc, và người ta bắt buộc phải làm thuộc viên của Hội Thánh. Năm 395 S.C., đế quốc bị phân chia: Tây quốc đóng đô tại La-mã, và Ðông quốc đóng đô tại Constantinople. Ðó là khởi đầu suy vong của đế quốc hùng mạnh, bá chủ thế giới, trong 300 năm đã hết sức cố gắng tiêu diệt đạo Ðấng Christ.

 

Ðoạn 7:1-8 -- 144.000 người

từ trong 12 chi phái được đóng ấn

Ðoạn nầy xen vào giữa ấn thứ sáu và ấn thứ bảy và dường như là một phần của ấn thứ sáu, đối chiếu số phận hạnh phước của kẻ được lựa chọn với số phận khủng khiếp của thế giới (từ đó họ được gọi ra) mà những câu cuối cùng của đoạn 6 vừa mới mô tả

144.000 là bình phương (carré) của số 12 nhơn với 1000, và người ta cho rằng nên hiểu nó chỉ về (không theo hiệu số, nhưng theo nghĩa tượng trưng) tổng số những người được lựa chọn của Y-sơ-ra-ên, về những trái đầu mùa của Tin Lành, hay là tổng số tín đồ Ðấng Christ.

"Bốn hướng gió" (7:1-3) dường như là môi giới cho cơn thạnh nộ của Chiên Con mà đoạn 6:16 vừa mới nói đến. "Bốn hướng gió" giống như "bảy ống loa" sắp theo sau và đã được giữ lại tới khi đóng ấn xong cho những người được chọn.


Sự "đóng ấn... những tôi tớ Ðức Chúa Trời" (7:3) dường như chỉ về công cuộc rao giảng Tin Lành tiếp tục tại đế quốc La-mã trước khi đế quốc ấy sụp đổ, hoặc trên khắp thế giới, trải qua cả dòng lịch sử, trước ngày sau rốt có cơn thạnh nộ của Chiên Con.

Bản đồ số 61 -- Phân chia đế quốc La-mã.

 

Ðoạn 7:9-17 -- Ðoàn người vô cùng đông đảo ở Thiên đàng

"144.000 người" ở câu 4 và "vô số người" ở câu 9 dường như là hai nhóm khác nhau. Một đằng là những người Y-sơ-ra-ên được lựa chọn, còn một đằng từ muôn dân đến. Ðối với một nhóm, thì sân khấu ở trên mặt đất, còn đối với nhóm kia, thì sân khấu ở trên Thiên đàng. Một nhóm được đóng ấn cho thoát khỏi cơn đại nạn gần đến, còn đối với nhóm kia, thì cơn đại nạn đã qua rồi.

Tuy nhiên, cũng có thể là cùng một nhóm dưới những hình trạng khác nhau.

Một nhóm liên quan đến sự kêu gọi hoặc thời kỳ "đóng ấn" trên mặt đất, còn nhóm kia liên quan đến thời kỳ hạnh phước toàn thắng trên Thiên đàng. 144.000 người Y-sơ-ra-ên được lựa chọn trở thành kết quả đầy trọn, là muôn vàn người thuộc về mọi dân, mọi nước.

Ðám đông được Huyết rửa sạch, rốt lại, được bình an vô sự trong Nhà Cha đang khi ngày thạnh nộ diễn ra trên mặt đất (6:16); đó là lời đáp lại tiếng kêu của những thánh tuận đạo (6:10). Họ mặc áo trắng dài, tay cầm nhành chà là, và ca hát. Họ không đói nữa. Nước mắt lau ráo hết. Họ ở Nước có những suối đời đời tràn ra nước sống.

 

Ðoạn 8:1-6 -- Ấn thứ bảy

Bảy ống loa phát xuất từ ống thứ bảy. Người ta cho rằng hai lần bảy cốt để nhấn mạnh vào ý toàn thể. Như vậy, hai lần bảy (đoạn 6 đến đoạn 11) mô tả cuộc chiến đấu và sự đắc thắng đầy trọn, chung kết, đời đời của Ðấng Christ trên các nước (Nguyên văn là số nhiều) của thế gian" (11:15).

"Các lời cầu nguyện của mọi thánh đồ" (8:3, 4). Lúc nầy Ðức Chúa Trời sắp đáp lại tiếng kêu la của các thánh tử đạo ở đoạn 6:9-10. Sự đáp lại nầy tức là các cơn đoán phạt kinh khiếp của bảy ống loa. Sự trạng nầy dường như chỉ tỏ rằng lời cầu nguyện của loài người có ảnh hưởng đến Ðức Chúa Trời khi Ngài cấu tạo dòng lịch sử.

"Yên lặng chừng nửa giờ" và "sấm sét, chớp nhoáng, động đất" (8:1, 5) có thể ngụ ý rằng những biến cố quan trọng sắp xảy ra.

 

Ðoạn 8:7-13 -- Bốn ống loa đầu tiên

Tiếng vang của bốn ống loa nầy dường như báo hiệu phát ra "bốn hướng gió" của "cơn giận Chiên Con" đã bị cầm giữ đang khi đóng ấn cho những người được chọn.

Ống loa thứ nhứt: Mưa đá và lửa pha với huyết quăng xuống đất.

Ống loa thứ hai: Hòn núi lớn toàn bằng lửa bị ném xuống biển.

Ống loa thứ ba: Một ngôi sao lớn bùng cháy và rơi xuống sông ngòi.

Ống loa thứ tư: Mặt trời, mặt trăng và các ngôi sao hóa ra tối tăm.

Trong mỗi trường hợp, "một phần ba" của đất, biển, sông và các tinh tú bị hại, dường như chỉ một phần bị hủy diệt thôi.

Bốn ống loa nầy có thể chỉ về các sự đoán phạt của Ðức Chúa Trời giáng trên đế quốc La-mã, hoặc trên thế giới trong kỳ sau rốt, hoặc trên cả hai.

 

Ðế quốc La-mã suy vong

Nếu bốn ống loa nầy liên quan đến đế quốc La-mã, thì ở đây cũng như trong những sự hiện thấy trước, các cảnh tượng dường như là hình bóng dự ngôn rất đúng về lịch sử xác thực. Những biến cố song song với thực sự về đế quốc La-mã tan rã, mà chúng tôi trình bày ở trang sau, thật phù hợp với bốn ống loa nầy, đến nỗi ta chắc rằng những biến cố ấy đã gồm trong sự hiện thấy về bốn ống loa nầy.

Nhằm thế kỷ thứ 1 và thứ 2 S.C., đế quốc La-mã lên tới tuyệt điểm.

Nhằm thế kỷ thứ 3, nó bắt đầu nứt rạn vì cớ nội chiến.

Trong ba thế kỷ nầy, nó đã bắt bớ Hội Thánh.

Nhằm thế kỷ thứ 4, trong một cuộc chánh biến vĩ đại, đạo Ðấng Christ đã được thừa nhận và trở nên quốc giáo của đế quốc La-mã.

Cũng nhằm thế kỷ thứ 4, đế quốc hùng mạnh nầy bị phân chia và trở thành: Ðế quốc La-mã Ðông phương và đế quốc La-mã Tây phương. Xem bản đồ ở trang 865.

Trải qua 800 năm, không hề có bàn chơn ngoại bang nào đặt trên đất Ý (La-mã). Nhưng đến thế kỷ thứ 5 S.C., các dân dã man từ phương Bắc bắt đầu kéo vào đông đúc.

"Mưa đá, lửa và huyết" của ống loa thứ nhứt thiêu mặt đất (8:7). Năm 409 S.C., người Goths (Gót) xông vào nước Ý một cách hung hăng, mọi rợ; tới đâu, chúng cũng thiêu đốt thành trì, làm cho đất đai cháy sém, nhuốm máu và hoang vu.

"Hòn núi lớn toàn bằng lửa" của ống loa thứ hai ném xuống biển (8:8, 9). Năm 422 S.C., người Vandales tràn qua xứ Gaule (Pháp) và Tây-ban-nha để vào Phi-châu. Chúng đóng một đội chiến thuyền, và trong 30 năm, giao chiến với hải quân La-mã. Trải qua 600 năm, hải quân La-mã đã làm bá chủ Ðịa-trung-hải, nhưng lúc nầy bị chiến thuyền của người Vandales đuổi khỏi mặt biển.

"Ngôi sao lớn... cháy có ngọn" của ống loa thứ ba rơi xuống các sông lớn (8:10-11). Năm 440 S.C., Attila, đại tướng Hung-nô từ trung bộ Á-châu xuất hiện trên bờ sông Danube với 800.000 chiến sĩ. Tiến về phía Tây, gặp các đạo quân La-mã, hắn đánh cho thảm bại và tàn sát khủng khiếp lần lượt trên các sông Marne, Rhône, đến nỗi các sông nầy thật đã biến thành huyết. Hắn chiếm được vô số chiến lợi phẩm, và trở về sông Danube. Khi hắn chết, thì bộ hạ ngăn dòng sông và chôn hắn trong lòng sông. Ngày nay, nước sông Danube còn chảy qua mộ phần hắn. Quả thật, hắn là một tai họa cho các sông ngòi.

"Mặt trời, mặt trăng và các ngôi sao" trở nên tối tăm khi thổi ống loa thứ tư (8:12). Năm 476 S.C., một đoàn dân mọi rợ khác do Odeacer cầm đầu, từ miền sông Rhin kéo đến vây hãm và chiếm lấy kinh thành La-mã.

Có bốn tai vạ liên tiếp: Người Goths xâm lăng đất Ý năm 409 S.C.; người Vandalcs tiêu diệt hải quân La-mã năm 422-452 S.C.; Attila tàn sát khủng khiếp trên các sông ngòi Trung âu; và Odeacer chiếm lấy kinh thành La-mã. Trong những tai vạ khủng khiếp nầy, đế quốc La-mã hùng mạnh, sau hơn 500 năm cai trị thế giới, đã suy vong, ánh sáng văn minh La-mã tàn tắt, và các thời kỳ hắc ám của thế giới bắt đầu.

"Một phần ba" (8:7, 8, 10, 12). Ðế quốc La-mã suy vong ở ba khu vực: Khu Tây, thủ đô là La-mã, thật là khu hùng mạnh nhứt của đế quốc La-mã nguyên thủy, suy vong năm 476 S.C.. Khu Á-phi của đế quốc bị quân Hồi giáo xâm lăng nhằm thế kỷ thứ 7. Còn đế quốc ở Ðông-âu, tách khỏi La-mã năm 395 S.C., thủ đô là Constantinople, bị quân Hồi giáo chiếm năm 1453 S.C..

 

Ðoạn 9:1-11 -- Ống loa thứ năm

Ðạo quân quái vật như châu chấu

Ðạo quân quái vật gớm ghiếc, trông giống cả châu chấu, ngựa, bò cạp, sư tử và người ta, từ vực sâu (Một bản tiếng Anh dịch là: "vực sâu không đáy") kéo ra (9:1, 2, 11), ở dưới quyền điều khiển của A-ba-đôn, hoặc A-bô-ly-ôn, tức là ma quỉ, hoặc một thiên sứ của nó. Ðiều nầy tỏ ra rằng những khổ nạn kế tiếp phát xuất từ địa ngục. Ðã có chép rằng Sa tan bắt bớ dữ dội và làm bại hoại Hội Thánh tại Si-miệc-nơ, Bẹt-găm và Thi-a-ti-rơ (2:9, 10, 13, 14, 24); và nó được gọi là kẻ xui giục các hoàng đế La-mã bắt bớ Hội Thánh (12:13-16) Tiếng kêu: "Khốn thay, khốn thay, khốn thay" báo cho chúng ta biết việc nó sắp làm bởi tai vạ châu chấu nầy; tiếng kêu ấy ngụ ý rằng sẽ kinh khiếp lắm.

Nhiều nhà giải thích Kinh Thánh cho rằng những quỉ sứ giống như châu chấu nầy là bức tranh dự ngôn về sự dấy lên và lan tràn của Hồi giáo, hoặc kỳ đại nạn của những ngày sau rốt, hoặc cả hai.

 

Hồi giáo

Hai đòn nặng nhứt mà đạo Ðấng Christ từng phải chịu lấy là Hồi giáo từ phía ngoài và sự chiếm quyền của Thủ lãnh kia từ phía trong.

Nhằm thế kỷ thứ 7 S.C., Hồi giáo tràn qua thế giới Ðông phương như ngọn thủy triều, quét sạch đạo Ðấng Christ khỏi vùng Tây nam Á châu và Bắc Phi châu, thung lũng sông Ơ-phơ-rát và sông Ni-lơ, bờ phía Ðông và bờ phía Nam của Ðịa trung hải, gồm những xứ của lịch sử Kinh Thánh, những xứ tại đó Kinh Thánh phát nguyên và tấn triển, những xứ tại đó sự khải thị của Ðức Chúa Trời về chính mình Ngài cho loài người được nảy nở và hoàn thành, xứ tại đó Ðức Chúa Trời đã tạo thành và huấn luyện dân Y-sơ-ra-ên trải qua 2000 năm để dọn đường cho Ðấng Christ ngự đến, những xứ được biệt nên thánh đời đời vì là nơi Ðấng Christ đã sống, chịu chết, sống lại và làm thành công ơn cứu chuộc loài người, những xứ làm nơi phát nguyên đạo Ðấng Christ, theo đạo Ðấng Christ trong 600 năm, và là thế giới Cơ đốc giáo nguyên thủy, -- ở những xứ đó, thanh gươm Hồi giáo đã chém một nhát ác liệt, Xóa Bỏ Ðạo Ðấng Christ và thành lập Hồi giáo. Từ Ðó Tới Nay, những xứ ấy Cứ Theo Hồi Giáo.

600 năm theo đạo Ðấng Christ. Rồi theo Hồi giáo 10 năm. Ngày nay trên thế giới tín đồ Hồi giáo đông hơn tín đồ Tin lành.

Tại Lamecque, xứ Ả-rập, Mahomet (570-632) tự xưng là tiên tri của Ðức Chúa Trời, và cầm đầu đạo quân, ra đi truyền bá đạo mình bằng lưỡi gươm. Chẳng bao lâu, ông chiếm được cả xứ Ả-rập. Các đạo quân Hồi giáo dưới quyền bọn chỉ huy kế tiếp, tràn mau, đắc thắng và chinh phục đất đai. Xứ Sy-ri bị chiếm năm 634 S.C., thành Giê-ru-sa-lem (năm 637 S.C.), xứ Ai-cập (638 S.C.), nước Ba-tư (năm 640 S.C.), và miền Bắc-phi (năm 689 S.C.), đều bị chiếm cứ.

Như vậy, đạo Ðấng Christ ở Á-châu và Phi-châu đã bị quét sạch, các đạo quân Hồi giáo bèn tiến tới Âu-châu. Nước Tây-ban-nha bị chiếm năm 711 S.C.. Chúng bèn tiến vào đất Pháp, nhưng năm 732 S.C., tại Tours, các đạo quân Hồi giáo bị Charles Martel, ông nội của Charlemagne, đánh bại. Ðó là một trong những trận quyết liệt của các thời đại. Nếu Không Có Cuộc Thắng Trận Nầy, Thì Ðạo Ðấng Christ Có Lẽ Ðã Bị Hoàn Toàn Tiêu Diệt Khỏi Mặt Ðất.

Dưới đây là một vài điểm khiến ta nghĩ rằng ống loa thứ năm có thể chỉ về Hồi giáo.

"Những châu chấu" (9:3): Xứ Ả-rập vốn là một miền nhiều châu chấu. Chính tại đó mà Hồi giáo đã phát nguyên.

"Những châu chấu đó giống như những ngựa sắm sẵn để đem ra chiến trận: trên đầu nó có như mão triều thiên tợ hồ bằng vàng, và mặt nó như mặt người ta; nó có tóc giống tóc đờn bà, và răng nó như răng sư tử. Nó có giáp như giáp bằng sắt; và tiếng cánh nó như tiếng của nhiều xe có nhiều ngựa kéo chạy ra nơi chiến trường. Ðuôi nó có nọc, như bò cạp" (9:7-10).

Quả thật, đây là lời mô tả các đạo quân Hồi giáo rất đúng, vì nó gồm những lính mã kỵ hung hăng, tàn ác, nổi tiếng vì bộ râu, tóc dài như tóc đờn bà, quấn khăn màu vàng trên đầu giống như vàng thật, và bận áo giáp sắt.

"Một luồng khói dưới vực bay lên" (9:2, 3). Châu chấu từ luồng khói đó bay ra. Khói đã làm tối tăm mặt trời và không khí. Ðiều nầy có lẽ chỉ về những tà giáo đã làm u ám và bại hoại Hội Thánh đương thời Mahomet vì sự thờ lạy hình tượng, thánh tích và các thánh. Sự thờ lạy hình tượng của Giáo hội đã hiến cơ hội tốt cho Mahomel. Khẩu hiệu của ông ta là hủy phá hình tượng.

"Chớ làm hại loài cỏ ở đất, thứ xanh và cây cối nào" (9:4). Quân Hồi giáo không phá hại cây, cỏ và mọi loài thực vật, vì Mahomet đã truyền lịnh như vậy; ấy vì đối với những kẻ ở vùng sa mạc Ả-rập hiu quạnh, không có cây cối, thì cây cối được coi là ơn phước quí báu hơn hết.

"Làm khổ những người đó trong năm tháng" (9:5): 5 tháng là khoảng sống bình thường của châu chấu (từ tháng 5 đến tháng 9), và gồm chừng 150 ngày. Theo cách giải thích một ngày là một năm (Ê-xê-chi-ên 4:6), thì 150 ngày là 150 năm. Ðó là gần đúng thời gian (630 S.C. đến 786 S.C.) Hồi giáo tiếp tục cố gắng chinh phục hoàn cầu. Khi Haroun-Al-Raschid (786-809 S.C.) đưa quyền lực và vinh quang của Hồi giáo lên tới tuyệt điểm, thì họ bỏ ý tưởng chinh phục, và bắt đầu gây liên lạc hòa bình với các nước khác.

 

 

 


Bản đồ số 62 -- Thế giới Hồi giáo hiện tại.

 


Ðoạn 9:12-21 -- Ống loa thứ sáu

Ðạo quân gồm 200 triệu lính mã kỵ ở bờ sông Ơ-phơ-rát

Một đạo quân khác gồm những quái vật gớm ghiếc, trông giống như người, ngựa, sư tử, rắn, phun lửa, khói và diêm sanh.

Ðây có lẽ cũng là một bức tranh dự ngôn về Hồi giáo, và có thể đã được ứng nghiệm đúng tự nghĩa hơn những biến cố tương lai.

Người Ả-rập thống trị thế giới Hồi giáo trong 400 năm (630-1058 S.C.).

Rồi tới Người Thổ-nhĩ-kỳ: Họ cầm quyền kiểm soát hầu hết thời gian từ đó cho đến ngày nay. Một vài điểm của ống loa nầy dường như chỉ về Hồi giáo tại Thổ-Nhĩ- kỳ.

"Sông cái Ơ-phơ-rát" (9:14) từ đó đạo quân mã kỵ được thả ra. Năm 1057, một đạo quân Thổ-nhĩ-kỳ rất đông đúc từ Trung bộ Á-châu xuất hiện trên bờ sông Ơ-phơ-rát. Trong cuộc tiến qua Tây-phương, họ đã thay thế người Ả-rập để cai trị các xứ Hồi giáo.

Người Thổ-nhĩ-kỳ tàn ác và kỳ thị tôn giáo còn hơn người Ả-rập. Họ đối đãi tín đồ Ðấng Christ ở xứ Pa-lét-tin rất dã man, nên đã gây ra các cuộc viễn chinh của Thập-tự-quân (Croisades) (1095-1272). Trong ngót 200 năm chiến tranh có khi gián đoạn nầy, các tín đồ Âu-châu cố gắng chiếm lại Ðất Thánh nơi tay người Hồi giáo.

"Miệng nó (ngựa) có phun lửa, khói và diêm sanh" (9:17). Trải qua nhiều thế kỷ (630-1453), Ðông đế quốc La-mã (395-1453), mà thủ đô là Constantinople, chính là thành trì của Châu-âu chống lại Hồi giáo. Nhưng năm 1453, Ðông đế quốc bị Thổ- nhĩ-kỳ chiếm lấy.

Trọng pháo có dùng THUỐC SÚNG đã đem dùng lần đầu tiên tại trận Constantinople, năm 1453; do đó, người Thổ-nhĩ-kỳ đã thắng trận. Ấy tức là "lửa, khói, và diêm sanh" ở đoạn 9:17.

Rồi đạo Ðấng Christ ở Âu-châu gặp một sự đe dọa khác. Quân Thổ-nhĩ-kỳ toàn thắng, tiến thẳng vào Trung-Âu, nhưng năm 1683, chúng bị bại trận tại Vienne, bởi tay của đạo quân Ba-lan, do Jean Sobieski điều khiển. Cũng như ở trận Tours năm 732, tại đây, một lần nữa, sau gần 1000 năm, Âu-châu lại được cứu khỏi quân Hồi giáo.

"Giờ, ngày, tháng, và năm" (9:15). Có thể nghĩa là nhằm một thì giờ nhất định, không sai. Hoặc theo cách giải thích một ngày bằng một năm (Ê-xê-chi-ên 4:6), thì 365 cộng với 30, cộng với 1, là 396 ngày, tức là 396 năm. Từ năm 1057, là lúc quân Thổ-nhĩ-kỳ vượt qua sông Ơ-phơ-rát, tới lúc kinh thành Constantinople bị chiếm cứ năm 1453, thì có đúng 396 năm.

"Một phần ba loài người bị giết" (9:18). Câu nầy có thể chỉ về sự suy vong của Ðông đế quốc La-mã (năm 1453 S.C.), là "phần ba" còn sót lại của đế quốc La-mã nguyên thủy, bởi tay quân Thổ-nhĩ-kỳ.

"Những người sót lại... vẫn không ăn năn" sự "thờ lạy ma quỉ cùng thần tượng," và "những tội giết người, tà thuật, gian dâm" (9:20, 21). Giáo hội kia, dưới quyền Thủ lãnh, vẫn cứ thờ lạy thần tượng, cứ giết rất nhiều thánh đồ, và cứ làm nhiều điều hủ hoại.

 

Antichrist (Kẻ địch lại Ðấng Christ)

Sách Khải Huyền chẳng có một chỗ nào dùng danh từ "Antichrist." Thật là lạ lùng, vì danh từ nầy lại dùng rất nhiều trong các sách luận về sách Khải Huyền. Danh từ nầy có dùng ở I Giăng 2:18, 22; 4:3; II Giăng 7. Những câu nầy nói rằng đã có nhiều kẻ địch lại Ðấng Christ.

Dầu một vài nhà giải luận Kinh Thánh quá chú trọng đến Antichrist và đặt nó vào nhiều câu vốn không định nói đến nó, song thật có nhiều câu Kinh Thánh tuy chẳng gọi đích danh Antichrist, nhưng lại chỉ tỏ khá rõ ràng rằng thời đại Tin Lành nầy sẽ kết liễu bằng một sự bộc phát khủng khiếp của tội ác ngay trước khi Chúa ngự đến.

Ðức Chúa Jêsus phán rằng trước khi Ngài ngự đến, sẽ có "hoạn nạn lớn," hoặc cơn đại nạn (Ma-thi-ơ 24:21, 29); rằng đó sẽ là một thời kỳ tang chế cho mọi nước (Ma-thi-ơ 24:29, 30), và "người ta nhơn trong khi đợi việc hung dữ xảy ra cho thế gian, thì thất kinh mất vía" (Lu-ca 21:24-26). Ngài cũng ngụ ý phán rằng trong thời kỳ đó sẽ ít có đức tin (Lu-ca 18:8).

Ða-ni-ên nói rằng "kỳ cuối cùng" sẽ "có tai nạn, đến nỗi chẳng có như vậy bao giờ" (Ða-ni-ên 12:1, 4, 9, 13). Trong thơ II Tê-sa-lô-ni-ca 2:3-10 có chép rằng một "người tội ác" nói phạm thượng sẽ dấy lên cầm quyền và sẽ bị hủy diệt, bởi sự ngự đến của Chúa.

Khi ta thử giải thích hình bóng tiên tri của sách Khải Huyền, thì tìm kiếm các điểm tương tự ở những biến cố đã xảy ra từ trước tới nay còn dễ hơn là quyết chắc rằng nó thật có ảnh hưởng đến những biến cố thuộc về tương lai.

Dầu bảy cái ấn và bảy ống loa dường như mô tả đúng những đặc điểm trọng đại của lịch sử thế giới cho đến ngày nay, song có lẽ còn một lần ứng nghiệm đầy đủ hơn nữa sắp diễn ra.

Ðế quốc La-mã hung hăng bắt bớ Hội Thánh, há chẳng có thể là một sự phát hiện của Antichrist sao? Hồi giáo và chế độ Thủ lãnh kia há chẳng có thể là những sự phát hiện khác của Antichrist sao? Và ngày nay, trước mắt chúng ta, Nga-sô Cộng sản vô thần dấy lên địa vị cường quốc thế giới, -- đó há chẳng có thể là tiếng gầm gừ mới mẻ của Antichrist sao? Há chẳng có thể rằng Ðêm Gần Tàn và Ngày Gần Rạng sao?

 

Ðoạn 10 -- Quyển sách nhỏ mở ra

Ở đoạn 5 có quyển sách đóng ấn. Ở đây, quyển sách mở ra. Quyển sách mở ra là một trong những sứ điệp của quyển sách đóng ấn, vì nó xuất hiện dưới ống loa thứ sáu phát xuất từ cái ấn thứ bảy.

Ðây dường như là một lời báo cáo, trong khung cảnh oai nghiêm, khủng khiếp, rằng kỳ cuối cùng gần đến (10:7); nhưng trước khi đến kỳ cuối cùng, còn phải có một thời kỳ tiên tri khác nữa (10:8-11), theo như đã chép ở đoạn sau.

"Không còn có thì giờ nào nữa" (10:6) có thể nghĩa là trong cõi đời đời, quan niệm trần gian của chúng ta về thì giờ sẽ bị bãi bỏ, và ta cũng có thể nói như Ðức Chúa Jêsus rằng: "Trước khi chưa có Áp-ra-ham, đã có ta" (Giăng 8:58). Nhưng có người cho rằng dịch là "trì hoãn" thì đúng hơn dịch là "thì giờ;" trong trường hợp nầy, có nghĩa là: Ngày trọng đại của Ðức Chúa Trời đã đến, và giờ đoán phạt gần điểm.

Sứ điệp đặc biệt của quyển sách mở ra dường như là lời tiên tri về việc đo Ðền thờ và về hai người làm chứng (đoạn 11). Lời tiên tri nầy làm cho Giăng đau lòng (10:10).

Nhưng ngoài mấy điều bày tỏ trên đây, "quyển sách nhỏ Mở Ra," vì chính danh hiệu của nó và vì nó xuất hiện ngay trước ống loa thứ bảy, há chẳng có thể ngụ ý hình bóng rằng sẽ có một kỷ nguyên Quyển Sách Mở Ra ngay trước khi tận thế, sao?

Nếu vậy, nó hoàn toàn phù hợp với dòng lịch sử. Kỳ lạ thay, Hội Thánh, hoặc cái tự xưng là Hội Thánh thì đúng hơn, đương thời Trung cổ, đã Giựt KINH THÁNH Của Người Ta!

Các vị Thủ lãnh kia tự tôn là chúa của giới Cơ-đốc-giáo, chiếm lấy địa vị của Ðức Chúa Trời trên mặt đất, xen vào giữa Ðức Chúa Trời và loài người, tuyên bố rằng người ta chỉ nhờ họ mới được đến gần Ðức Chúa Trời, truyền rằng tín đồ nào tự mình đọc Kinh Thánh tức là theo tà giáo, và họ lên án tử hình cho kẻ nào theo tà giáo. Trong khoảng 500 năm, bởi lịnh của các Thủ lãnh kia và do tay của các chánh phủ phục vụ họ, vô số tín đồ Ðấng Christ đã bị tra khảo và tàn sát vì theo "tà giáo đọc Kinh Thánh." Như vậy, Lời Ðức Chúa Trời bị cấm lưu hành và trở thành một Quyển Sách vô danh.

Nhưng cuộc Cải chánh Tin Lành, do Martin Luther lãnh đạo, đã Trả Lại Kinh Thánh Cho Người Ta. Và cuộc sáng chế máy in vào khoảng đó đã gom góp rất nhiều để làm cho Kinh Thánh thành Quyển Sách của dân chúng. Lịch sử kim thời là kỷ nguyên của Quyển Sách Mở Ra theo một ý nghĩa mà ta chưa từng biết. Mỗi phước lành của nền văn minh kim thời là một sản phẩm do quyển Kinh Thánh mở ra: Nào tự do công dân và tự do tôn giáo, nào giáo dục bình dân, nào cải cách xã hội, nào tự do tín ngưỡng, nào tự do ngôn luận.

 

Ðoạn 11:1, 2 -- Ðo Ðền thờ

Ðo Ðền thờ, nhưng Thành Thánh và sân ngoài (hành lang) Ðền thờ thì để cho các dân ngoại giày đạp 42 tháng. Ðây dường như phân biệt giữa Hội Thánh chân chánh bề trong và Hội Thánh hữu hình bề ngoài, tự nhận là theo Chúa" Một đằng được Ðức Chúa Trời giữ gìn và che chở, còn đằng kia bị thế gian làm cho hư hoại, phàm tục hóa và khai thác.

Ðây dường như dự ngôn về sự bội đạo đại qui mô trong Hội Thánh; về sau, sự bội đạo nầy được mô tả đầy đủ hơn ở đoạn 13, dưới hình thức con beo và con chiên, và ở đoạn 17, dưới hình thức Ba-by-lôn, đại dâm phụ. Sự hiện thấy về tình trạng nầy làm cho Giăng đau lòng (10:10).

 

Ðoạn 11:3-13 -- Hai người làm chứng

Hai người làm chứng nầy mặc áo bao gai mà nói tiên tri 1260 ngày (11:3); họ dường như liên quan với Ðền thờ ở bên trong (11:1), vì Thành Thánh bên ngoài bị các dân ngoại giày đạp 42 tháng. Cả hai là cùng một thời gian: 42 tháng, mỗi tháng 30 ngày, là 1260 ngày.

Thành Thánh bên ngoài, hoặc Hội Thánh bội đạo, có hình thức con beo và con chiên ở đoạn 13 thể nào, thì cũng một thể ấy, ở đây Ðền thờ bên trong, hoặc Hội Thánh chân chánh bề trong, có hình thức hai người làm chứng, và được mô tả đầy đủ hơn trong đoạn 14 là 144.000 người thật lòng theo Chiên Con.

"Hai cây ô-li-ve và hai chơn đèn" (11:4) chỉ rõ vào sách Xa-cha-ri 4:1-14, tại đó có giải thích rằng chơn đèn chỉ về Nhà Ðức Chúa Trời và cây ô-li-ve chỉ về Thánh Linh Ðức Chúa Trời, dường như để Ðức Thánh Linh cũng dự phần sự làm chứng của Hội Thánh. Hoặc giả, vì đây là sứ điệp của "Quyển Sách mở ra" (10:2, 10, 11), và vì Ðức Thánh Linh hành động qua lời Kinh Thánh, nên hai người làm chứng nầy có thể là Hội Thánh chân chánh và Lời Ðức Chúa Trời trung tín làm chứng đang khi Hội Thánh bội đạo ngồi trên ngôi của con beo và con chiên, như có nói đến ở đoạn 13.

Nếu giải thích như vậy là đúng, thì việc Con Thú giết hai người làm chứng (11:7) có thể làm hình bóng về chế độ Thủ lãnh kia đã bắt bớ dữ dội và tàn sát các thánh đồ. Còn hai người làm chứng sống lại và được cất lên trời (11:11, 12) có thể làm hình bóng về Hội Thánh được tẩy sạch, Lời Ðức Chúa Trời lại được tự do và chiếm địa vị ưu thế trên thế giới, dưới sự lãnh đạo của cuộc Cải chánh do Luther khởi xướng. Ta không thể nào lường hết ảnh hưởng của phong trào Luther đối với sự trả lại Lời Ðức Chúa Trời cho loài người. Quả thật, đó giống như sự sống lại từ trong kẻ chết của hai người làm chứng về Ðức Chúa Trời cho thế gian (11:11, 12).

Tuy nhiên, sự hiện thấy nầy có thể có những ý nghĩa sẽ được bày tỏ ở các biến cố trong cuộc giao tranh chung kết với Antichrist.

 

Ðoạn 11:14-19 -- Ống loa thứ bảy

Cuộc đắc thắng chung kết. Các nước thế gian trở thành Nước của Ðấng Christ.

"Nạn thứ ba" (11:14). Sự phán xét sau cùng giáng trên kẻ gian ác (11:18).

Như vậy, bảy cái ấn và bảy ống loa, trong một khung cảnh phác họa, dường như cho ta thấy tổng quát dòng lịch sử.

 

Ðoạn 12:1-6 -- Người đờn bà, Con Trai, và con rồng

Cho tới đây. do bảy cái ấn và bảy ống loa, lịch sử đã tấn triển tới ngày phán xét sau cùng (11:15, 18), và phần lớn luận về số phận của Thế Giới.

Trong đoạn 12 nầy, tác giả quay về khởi điểm, và bằng một loạt sự hiện thấy khác, ông bắt đầu mô tả những sự trạng mà trước kia ông bỏ sót; những sự trạng nầy liên quan với số phận của Hội Thánh.

 

Người đờn bà

Người đờn bà sắp sanh con trai dường như chỉ về dân Y-sơ-ra-ên (cho tới câu 5) và Hội Thánh (từ câu 6 trở đi).

Dân tộc Hê-bơ-rơ được Ðức Chúa Trời trưởng dưỡng trải qua bao nhiêu thế kỷ, cốt để đưa Ðấng Christ vào trong thế gian, thì đây được nhân cách hóa là một nữ hoàng có vinh quang thiên thượng, sanh ra Con Trai của các thời đại.

 

Con Trai

Con Trai chính là Christ, Ðấng Mê-si. Sa-tan chờ đợi cắn nuốt Ngài ngay lúc Ngài sanh ra (12:4). Ðây dường như ngụ ý nói đến việc Hê-rốt cố sức giết Hài nhi Christ. Nếu nó thành công, ắt đã cản trở được công ơn cứu chuộc của Ðấng Christ; vì một Hài nhi mới sanh chắc không thể nào chết thế tội lỗi của loài người được.

Tuy nhiên, bởi tay Giu-đa (Giăng 13:2, 27), Sa-tan thật đã thành công mà làm cho Ðức Chúa Jêsus phải chết lúc Ngài thành nhân. Nhưng sự trạng ấy đã quay lại làm hại Sa-tan; vì nó cung hiến cho con cái Ðức Chúa Trời khí giới duy nhứt mà Sa-tan không sao cự địch nổi, tức là "Huyết Chiên Con."

 

Con rồng

Con rồng bị chỉ đích danh là ma quỉ, là Sa-tan, là con rắn xưa (12:9). Ðã có chép rằng nó bắt bớ Hội Thánh tại Si-miệc-nơ, Bẹt-găm (2:10, 13), và nó, hoặc một thiên sứ nó từ vực sâu lên, làm vua của đạo quân châu chấu quái gở (9:11), cùng giết hai người làm chứng (11:7). "Sắc đỏ" (12:3) có thể tượng trưng cho bổn tánh sát nhân của nó.

"Có bảy đầu, mười sừng, và trên đầu có bảy mão triều thiên" (12:3), rõ ràng lắm, làm hình bóng về nó làm vua chúa cai trị thế gian nầy; theo sự khôn ngoan của Ðức Chúa Trời và bởi một lý do vượt quá sự hiểu biết loài người, nó được phép gây rối trong một thời gian. Nhưng nó chẳng phải là Ðức Chúa Trời đâu. Không có hai Ðức Chúa Trời. Sa-tan chẳng phải là toàn năng, và nó chẳng ở khắp mọi nơi, chẳng biết hết mọi sự. Nó sợ Danh của Ðấng Christ, và nó không sao tránh khỏi hình phạt.

"Các ngôi sao trên trời" (12:4 mà nó "đem quăng xuống đất," có thể làm hình bóng về nó có quyền kéo đoàn quân của thế giới vô hình đi chống nghịch các thánh đồ, hoặc có quyền gây ảnh hưởng làm cho các Thủ lãnh Hội Thánh phải bội đạo, hoặc cả hai quyến ấy.

 

Ðoạn 12:7-12 -- Cuộc chiến tranh trên trời

Ðây có thể có nghĩa rằng Sa-tan giận hoảng vì không thể tiêu diệt Ðấng Christ bằng cách đóng đinh Ngài vào Thập tự giá, bèn theo Ngài khi Ngài thăng thiên, và táo tợn tấn công thành lũy Thiên đàng; tại đó, nó bị thảm bại do tay "Mi-chen và các sứ người" (câu 7), và cho đến đời đời, nó mất hết quyền làm hại Ðấng Christ hoặc linh hồn những kẻ đã được Ngài cứu chuộc.

Vậy, từ đó trở đi, Sa-tan chăm chú tìm phương tính kế để ngăn cản công việc của Hội Thánh trên mặt đất.

"Mi-chen" (12:7) là thiên sứ trưởng, thống lãnh các thiên sứ, và trước kia đã có kinh nghiệm giao chiến với ma quỉ (Giu-đe 9). Mi-chen là thiên sứ bảo vệ dân Y-sơ-ra-ên (Ða-ni-ên 10:13-21). Mi-chen sẽ có công tác ở kỳ sau rốt, trong cơn đại nạn (Ða-ni-ên 8:17; 12:1, 9, 13), và lúc Chúa tái lâm (I Tê-sa-lô-ni-ca 4:16).

Ngay bây giờ, có lẽ "Mi-chen và các sứ người" cũng giao chiến giúp chúng ta trên mặt đất nầy, theo một ý nghĩa thiết thực hơn là ta được biết. Chúng ta giao chiến chẳng phải là hoàn toàn với huyết và thịt (Ê-phê-sô 6:12). Kết quả có thể tùy thuộc các đạo quân của thế giới vô hình bội phần hơn là chúng ta từng nhận thấy.

 

Ðoạn 12:13-17 -- Người đờn bà trốn vào đồng vắng

Người đờn bà ẩn núp trong "đồng vắng" (12:14) để tránh khỏi con rồng. Ðây dường như làm hình bóng về Hội Thánh chân chánh đang phải biến vào vòng bí mật vì cớ sự bắt bớ. Chính ở "đồng vắng" mà Ba-by-lôn, Hội Thánh dâm phụ, đã phát triển (17:3). Nhưng một ngày kia, đối với Hội Thánh chân chánh, sẽ không còn là "đồng vắng" nữa, song là "núi... vinh hiển của Ðức Chúa Trời" (21:10, 11).

"Nước... như sông" (12:15) mà con rồng phun đuổi theo người đờn bà, có thể chỉ về những cơn bắt bớ Hội Thánh do tay đế quốc La-mã.

"Ðất tiếp cứu người đờn bà" (12:16) có thể ngụ ý về việc hoàng đế Constantin trở lại tin Chúa và việc đế quốc La-mã theo Cơ-đốc-giáo, do đó các cơn bắt bớ chấm dứt.

 

1260 ngày

Người đờn bà ở đồng vắng 1260 ngày (12:6).

Bà ở đồng vắng "một thì, các thì và nửa thì" (12:14).

Hai người làm chứng mặc áo bao gai mà nói tiên tri 1260 ngày (11:3).

Còn Thành Thánh bị giày đạp 42 tháng (13:5).

Sau khi bị đánh tử thương và được chữa lành, thì Con Thú cai trị 42 tháng (11:2).

42 tháng, 1260 ngày, một thì, các thì và nửa thì (1 năm, các năm và nửa năm, tức là 3 năm rưỡi) cùng chỉ tỏ một thời gian. 3 năm rưỡi tức là 42 tháng, mỗi tháng 30 ngày, tức là 1260 ngày.

Như vậy, có bốn sự trạng được tỏ ra là đồng thời gian và đồng chung cuộc: Người đờn bà trong đồng vắng; Thành Thánh bị các dân ngoại giày đạp, hai người làm chứng mặc áo bao gai mà nói tiên tri. Con Thú cai trị sau khi bị đánh tử thương. Cả bốn sự trạng cùng ở một lúc. Xem thêm ở các đoạn 13 và 17.

 

Ðoạn 13: 1-10 -- Con Thú giống như con beo

Ðây dường như là mô tả thêm Con Thú đã giết hai người làm chứng (11:7); nó còn được mô tả đầy đủ hơn ở đoạn 17 nữa.

Con rồng, tức là ma quỉ, đã không hủy diệt được Hội Thánh bởi sự bắt bớ, bây giờ bèn nhập vào Con Thú nầy để tiếp tục giao chiến với các thánh đồ (12:13-13:1).

Con Thú trông giống như con beo, con gấu và con sư tử (13:2); đó là những biểu tượng mà Ða-ni-ên đã dùng để chỉ về quyền bá chủ thế giới (Ða-ni-ên 7:3-6).

 

Ðoạn 13:11-18 -- Con Thú giống như con chiên

Con Thú nầy trông giống như con chiên (13:11). Con thú thứ nhứt trông giống như con beo. Nhưng chúng đồng minh với nhau. Con Thú giống như con beo đã bị giết (13:3). Chính Con Thú giống như con chiên làm cho nó sống lại (13:15); con rồng hành động trong cả hai con nầy (13:2, 4, 11).

Con Thú giống như con chiên chính là Con Thú giống như con beo sống lại. Dầu nó như con chiên, song nó lại nói như con rồng (13:11). Nó có quyền giết bất cứ ai không chịu mang dấu hiệu của nó (13:15). Nó nói phạm thượng đến Danh Ðức Chúa Trời và giao chiến với các thánh đồ (13:6, 7).

Thẻ căn cước của nó mang số 666 (13:18).

Về sau Con Thú giống như con chiên được gọi là "Tiên tri giả" (16:13; 19:20; 20:10), nghĩa là Chiên Con giả mạo. Con rồng tấn công từ phía ngoài, nhưng thất bại; bây giờ nó tấn công từ phía trong, và giả mạo làm Chiên Con.

 

Cuộc liên minh của Con Thú giống như con beo với Con Thú giống như con chiên

Cuộc liên minh nầy kéo dài 42 tháng và lập thành một chánh quyền bá chủ thế giới (13:5). Ðây dường như là một biểu tượng khác về Thành Thánh bị phàm tục hóa và bị thế gian khai thác trong 42 tháng (11:2).

Một Con Thú giống như Chiên Con, nhơn Danh Chiên Con mà cai trị, và Thành Thánh bị các dân ngoại giày đạp dưới chơn, -- hai biểu tượng nầy dường như có nghĩa là một chánh quyền bá chủ thế giới hành động nhơn danh một Hội Thánh bội đạo và với sự tiếp trợ của Hội Thánh ấy. Nếu không, thì còn có ý nghĩa chi khác nữa?

Con Thú giống như con beo chỉ về quyền lực đời nầy. Con Thú giống như con chiên chỉ về quyền lực Cơ-đốc-giáo giả mạo. Con rồng liên kết chúng thành một quyền cai trị hoàn cầu.

Về sau, tình trạng nầy được gọi là "Ba-by-lôn" và được mô tả đầy đủ hơn trong đoạn 17 và 18.

Ðang khi Ba-by-lôn ngồi trên ngôi của quyền cai trị hoàn cầu, thì hai người làm chứng mặc áo bao gai mà nói tiên tri (11:3).

Có một số người cho rằng Con Thú giống như con beo nầy là Antichrist. Kẻ khác lại cho là nó tượng trưng cho một vài đặc điểm của lịch sử thế giới. Ít ra, việc nó phù hợp với lịch trình Hội Thánh trải qua lịch sử cho tới thời kỳ hiện tại, thật rất lạ lùng, như ta sẽ nhận thấy ở trang sau.

 

Bảy cái đầu và mười cái sừng

Con rồng có chừng đó (12:3). Con thú giống như con beo cũng có chừng đó (13:1). Con Thú màu đỏ sậm của "Ba-by-lôn" cũng có chừng đó (17:3).

Con số 7 tượng trưng cho toàn bộ, còn con số 10 tượng trưng cho quyền lực thế gian. Như vậy, bảy cái đầu và mười cái sừng dường như chỉ về toàn bộ quyền cai trị hoàn cầu; hoặc chỉ về sự tập trung và nhân cách hóa của quyền cai trị hoàn cầu cứ tồn tại như một thực thể trải qua cả thời kỳ lịch sử, và tự phát hiện dưới nhiều hình thức khác nhau, ở nhiều mực độ khác nhau, trong nhiều thời đại khác nhau, và có nhiều lần sửa đổi khác nhau.

Trước khi bắt đầu kỷ nguyên hiện tại của chúng ta, có bảy cường quốc bá chủ hoàn cầu đã đứng hiên ngang và chi phối phần lớn dòng lịch sử thế giới. Ai-cập là một cường quốc bá chủ thế giới chừng 400 năm (1600-1200 T.C.). Rồi tới A-si-ri, chừng 300 năm (900-600 T.C.). Rồi tới Ba-by-lôn, 70 năm (606-536 T.C.); Ba-tư, 200 năm (536-330 T.C.); Hy-lạp, chừng 200 năm (330-146 T.C.); La-mã, 600 năm (200 T.C.-400 S.C.); chế độ Thủ lãnh kia, 1200 năm (600-1800 S.C.).

 

Vết tử thương của một trong bảy cái đầu (13:3)

Lúc Giăng chép sách Khải Huyền, thì năm trong số bảy cường quốc bá chủ hoàn cầu đã sụp đổ. Một rõ ràng là đế quốc La-mã, còn một nữa chưa xuất hiện (17:10); rõ ràng lắm đế quốc La-mã bị thương và được Con Thú giống như con chiên làm cho sống lại (13:3, 12).

Ðế quốc La-mã sụp đổ năm 476 S.C.. Nhưng La-mã đã sống lại nhơn Danh Ðấng Christ và nhờ sự giúp đỡ của Giáo hội. Vậy, La-mã của chế độ Thủ lãnh kia đã cai trị thế giới trên một phạm vi rộng lớn hơn, trong một thời gian lâu dài hơn, với một bàn tay độc tài hơn; nền cai trị nầy hơn cả nền cai trị của đế quốc La-mã ngoại đạo và bất cứ cường quốc bá chủ hoàn cầu nào có trước nó.

"42 tháng" (13:5): Theo cách giải thích một ngày là một năm, thì được 1260 năm, gần đúng thời gian chế độ Thủ lãnh kia giữ địa vị cường quốc bá chủ hoàn cầu (từ thế kỷ thứ 6 đến thế kỷ thứ 18).

"Nói những lời kiêu ngạo, phạm thượng" (13:6): Hoàn toàn phù hợp với lời Thủ lãnh kia tự nhận là vô ngộ (infaillible), có quyền tha tội, giữ địa vị của Ðức Chúa Trời trên mặt đất v.v...

"Giao chiến cùng các thánh đồ" (13:7): Các sử gia tính phỏng rằng đương thời Trung cổ và lúc đầu kỷ nguyên Cải chánh, hơn 50 triệu thánh đồ đã tuận đạo vì chế độ Thủ lãnh kia, -- đó là giai đoạn khủng khiếp nhứt của lịch sử nhân loại.

 

"666," số của Con Thú (13:18)

Nó được gọi là "người," có thể nghĩa là một lớp người, hoặc một chế độ do một người hoặc một lớp người cầm đầu. Dường như đây là một tên, và những chữ cái của nó nếu được coi là con số, thì tổng cộng được 666.

Irénée, môn đệ của Polycarpe (Polycarpe là môn đệ của Sứ đồ Giăng), cho rằng con số 666 tương đương với chữ Hy-lạp: "LATEINOS" -- L = 30; A = 1; T = 300; E = 5; I = 10; N = 50; o = 70; S = 200. Cộng là 666.

"Lateinos" nghĩa là: Nước La-tinh." Chế độ Thủ lãnh kia lấy tiếng La-tinh làm ngôn ngữ chánh thức. Ngày nay vẫn còn như vậy. Các qui luật, bài kinh, bài cầu nguyện, sách lược giải, sắc lịnh, chiếu chỉ, lời chúc phước và lời rủa sả của họ đều bằng tiếng LA-TINH.

 

Ðoạn 14: 1-5 -- Chiên Con và 144.000 người theo Ngài

Sứ đồ Giăng vừa mới được sự hiện thấy về Con Thú giả làm Chiên Con (13:11). Ðây, ông được sự hiện thấy về chính mình Chiên Con (14:1).

144.000 người trung thành theo Chiên Con đã được ghi dấu bằng Danh của Chiên Con (14:1), cũng như những kẻ theo Chiên Con giả đã được ghi dấu bằng tên của nó (13:16). Ðây là đoạn mô tả thêm về hai người làm chứng (11:3), về Hội Thánh chân chánh của Chiên Con đối chiếu với Hội Thánh giả của Chiên Con giả mạo. Người Vợ trung kiên ở trong đồng vắng (12:14), còn người vợ thất tiết đang vui chơi, dâm loạn với thế gian, đoạn 17.

Họ được thoát khỏi sự giả đối (14:5), đối chiếu với những dấu lạ giả dối và tà giáo của Chiên Con giả mạo (13:14).

Họ "còn trinh khiết" (14:4), tức là trung tín với Ðấng Christ, đối chiếu với sự "tà dâm" của Hội Thánh giả dối (17:5). Chúng ta chẳng nên hiểu rằng họ thật là kẻ độc thân, vì không có chỗ nào trong Tân Ước kể hôn nhân là có tội; trái lại, Tân Ước dùng hôn nhân làm hình bóng về mối liên hiệp giữa Ðấng Christ và Tân phụ Ngài, tức là Hội Thánh.

Họ là "trái đầu mùa" (14:4), có lẽ chính là 144.000 người ở đoạn 7:4, đối với mùa gặt chung (14:15, 16).

"Bài ca mới" (14:2, 3) của 144.000 người (14:2, 3), vang lừng bên tai như sóng bủa, là bài ca mà chỉ người được cứu chuộc mới biết. Người không được cứu thì chẳng có thể biết những sự vui mừng của người đã được cứu chuộc. Khi tới Thiên đàng, chính những người được cứu chuộc sẽ nếm trải sự vui mừng, hớn hở vượt quá mọi điều họ tưởng tượng trước kia. Trên Thiên đàng, Mọi Người Sẽ Hát. Tại sao trong các nhà thờ của chúng ta lại không hát? Tại sao không xin Tín Ðồ Hát?

 

Ðoạn 14:6, 7 -- Một thiên sứ có Tin Lành đời đời

Sự hiện thấy nầy dường như làm hình bóng về công cuộc rao giảng Tin Lành khắp thế gian, suốt cả thời đại Tin Lành. Tuy nhiên, sự hiện thấy nầy có ngay trước khi báo cáo "Ba-by-lôn" sụp đổ (14:8), thì há chẳng có thể là bức tranh mô tả kỷ nguyên hiện tại của các Hội Truyền giáo khắp thế giới, sao?

Hãy chú ý: Phương pháp chinh phục của Chiên Con giả là giết những kẻ không chịu thờ lạy nó (13:15), còn khí giới của Chiên Con là giản dị rao giảng Tin Lành (14:6).

 

Ðoạn 14:3 -- Ba-by-lôn sụp đổ

Ðây là lần đầu tiên sách Khải Huyền nói đến "Ba-by-lôn." Và điều thứ nhứt chép về Ba-by-lôn là nó đã Sụp Ðổ, sự sụp đổ của nó được rao báo cả trước khi ngụ ý nói rằng nó dấy lên. Nó là một sự trạng kinh khủng đến nỗi tác giả nghĩ tốt nhứt là trước khi nói cho độc giả biết nó, hãy quả quyết với họ rằng nó sẽ chỉ tồn tại ít lâu thôi.

"Ba-by-lôn" được mô tả đầy đủ ở đoạn 17 và 18, nên ta thấy nó là một tên khác của Con Thú giống như con beo và chiên con ở đoạn 13.

 

Ðoạn 14:9-11 -- Ðoán phạt những kẻ theo Con Thú

Buồn thay, đây, số phận khốn cực của những kẻ theo Con Thú được đối chiếu với sự vui mừng khôn tả của những người thuộc về Chiên Con (14:3)! Sự đoán phạt họ được mô tả đầy đủ hơn ở các đoạn 19 và 20. Sự đối chiếu số phận của người được cứu chuộc và người bị hư mất, mà ta thường nhận thấy trong sách Khải Huyền nầy, cũng là một điểm dạy dỗ đặc biệt của Ðức Chúa Jêsus trong các sách Tin Lành.

 

Ðoạn 14:12-13 -- Những người chết có phước

Hạnh phước nầy lại cũng đối chiếu với sự đau đớn của kẻ gian ác vừa mới nói ở trên. Sự đau đớn của các thánh tuận đạo đã hết. Rốt lại, thời kỳ mà họ cầu xin Chúa thực hiện đã đến. Họ được cứu rỗi và được hạnh phước đời đời .

 

Ðoạn 14:14-16 -- Gặt mùa của trái đất

Ðoạn nầy bắt đầu bằng một sự hiện thấy về "trái đầu mùa" (14:4) của Tin Lành; rồi tới kỷ nguyên rao giảng Tin Lành khắp thế gian (14:6); và tới đây thì kết liễu bằng những sự hiện thấy về mùa gặt sau rốt.

Từ nhiều thế kỷ trước, đã có nói đến mùa gặt của nhân loại ở sách Giô-ên 3:13, 14 -- "Ðoàn đông dường nào, đoàn đông dường nào tại trong trũng đoán định (Nên dịch là: "Quyết định."! Hãy tra lưỡi hái, vì mùa gặt đã chín."

"Mùa màng dưới đất đã chín rồi" (14:15): Một lý do Chúa chậm tái lâm có lẽ là vì Ngài chờ cho mùa màng chín.

 

Ðoạn 14:17-20 -- Hái nho ở dưới đất

"Mùa màng" chỉ về sự thâu góp những người được cứu rỗi. Còn "hái những chùm nho" chỉ về sự hình phạt dành cho kẻ bị hư mất.

"Thùng" (bàn ép rượu nho) chỉ về cơn thạnh nộ của Ðức Chúa Trời giáng trên những kẻ gian ác.

"1600 dặm" (14:20): Chừng 330 cây số, theo cách đo của chúng ta ngày nay. Ý nghĩa của nó chắc ở trong con số 1600, chớ không phải ở trong quãng dài thực sự. 1600 là 4 x 4 x 100, và có người cho rằng nó tượng trưng cho sự hủy diệt hoàn toàn.

"Tại ngoài thành" (14:20), có lẽ là Thành của Ðức Chúa Trời; ấy nghĩa là dân Ðức Chúa Trời không bị tổn hại chi khi cơn thạnh nộ của Ngài giáng trên kẻ ác.

"Ngựa" (14:20): Ðây dường như là cùng những con ngựa và cùng một biến cố được mô tả đầy đủ hơn ở đoạn 19:14-21.

 

Tóm tắt các đoạn 12 đến 14

Những cái ấn và những ống loa ở đoạn 6 đến đoạn 11 đưa toàn cảnh tới sự đắc thắng chung kết, và phần nhiều luận về giai đoạn đầu của truyện tích.

Các đoạn 12 đến 14 trở lại khởi điểm, và chứa một loạt bức tranh suốt tới kỳ sau rốt, nhưng luận nhiều hơn về giai đoạn giữa của truyện tích và ghi thêm nhiều chi tiết của những cảnh tượng kỳ sau rốt. Các sự hiện thấy dường như mô tả sự dấy lên của một Giáo hội bội đạo, ngồi trên ngôi của một đế quốc bá chủ hoàn cầu; trong khi ấy, Hội Thánh chân chánh cứ trung tín làm chứng cho cả thế giới; rồi tới mùa gặt.

 

Ðoạn 15 và 16 -- Bảy bát thạnh nộ của Ðức Chúa Trời

Ðây là những sự đoán phạt của Ðức Chúa Trời do đó quyền lực của Con Thú bị phá tan (15:2; 16:2, 10, 13). Rõ ràng lắm, Con Thú giống như con beo và chiên con ở đoạn 13 được gọi là "Ba-by-lôn" ở đoạn 16:19, và được mô tả tỉ mỉ, đầy đủ hơn ở các đoạn 17, 18.

 

Ðoạn 15:1-8 -- Bài ca của những người thắng trận

Trước khi mô tả các sự đoán phạt, tác giả cho chúng ta thoáng nghe bài ca của những người được cứu chuộc ngợi khen Ðức Chúa Trời vì cách Ngài đã cai trị dòng lịch sử (15:3, 4). Ðây giống như "bài ca mới" ở đoạn 5:8-14, -- tức là sự vui mừng, hớn hở khôn xiết trào ra, vì lần đầu tiên họ được thấy quang cảnh thiên thượng và được thấy Ðức Chúa Trời, không có chút gì che khuất.

Rồi trong một nghi lễ long trọng, bảy vị thiên sứ được trao cho bảy bát thạnh nộ của Ðức Chúa Trời. "Chẳng ai được vào Ðền thờ" (15:8) -- câu nầy có thể nghĩa là không ai có thể làm tiêu tan các sự đoán phạt, vì thời kỳ cầu thay đã qua rồi.

 

Ðoạn 16:1-9 -- Bốn bát đầu tiên

Về toàn thể, bảy cái bát dường như mô tả các tai họa kinh khiếp sẽ giáng xuống thế gian trong ngày sau rốt, và tuyệt điểm của nó là trận Ha-ma-ghê-đôn (16:14-16).

Năm cái bát đầu tiên cũng có thể đặc biệt liên quan đến sự sụp đổ của La-mã dưới chế độ Thủ lãnh kia, vốn là hình thức của một nền thống trị thế giới đã có và sẽ có giữa sự sụp đổ của đế quốc La-mã và nền thống trị chung kết của Antichrist: ấy cũng như các ống loa liên quan đến đế quốc La-mã ngoại đạo (đoạn 8).

Bốn cái bát đầu tiên, cũng như các tai vạ của bốn ống loa đầu tiên (8:7-12), lần lượt trút xuống đất, biển, sông và mặt trời.

"Các sông" mà bát thứ ba trút xuống (16:4) cũng là các sông tại đó huyết thánh tuận đạo đã bị đổ ra (16:6) bởi Con Thú (13:15) và bởi Ba-by-lôn (17:6; 18:24). Cái bát nầy có thể chỉ về các sự đoán phạt của Ðức Chúa Trời để trả thù chế độ Thủ lãnh kia ở chính những thung lũng tại đó hàng bao nhiêu triệu nạn nhân của chế độ ấy đã tuận đạo.

 

Ðoạn 16:10, 11 -- Bát thứ năm

Trút xuống ngôi của Con Thú, mà chính nước nó đã bị tổn hại kinh khủng do bốn cái bát đầu tiên. Dầu năm cái bát nầy có thể có nghĩa khác nữa, song về phương diện tiên tri, nó dường như chỉ về những chánh biến và loạn ly trọng đại ở thế kỷ 18, do đó chế độ Thủ lãnh kia chẳng còn là một chánh quyền bao trùm thế giới nữa.

Chế độ Thủ lãnh kia là một cường quốc thống trị thế giới từ thế kỷ thứ 6 đến thế kỷ thứ 18, và là cường quốc chuyên chế hơn hết trong lịch sử.

Nó lần lần bành trướng từ thế kỷ thứ 6, đến thế kỷ thứ 9 thì hoàn toàn vững mạnh.

Từ thế kỷ thứ 9 đến thế kỷ thứ 13, nó tuyệt đối cầm quyền trên các vua chúa Âu- châu.

Từ thế kỷ thứ 13, nó lần lần suy vi.

Quyền lực của nó đã bị lung lay khủng khiếp vì cuộc Cải chánh Tin Lành ở thế kỷ thứ 16, bởi cuộc Cách mạng nước Pháp, bởi các cuộc chiến tranh của Nã-phá-luân ở cuối thế kỷ thứ 18 và đầu thế kỷ thứ 19. Do tay của Nã-phá-luân, chế độ Thủ lãnh kia bị hạ thấp tột bậc và mất uy tín, không bao giờ khôi phục được nữa. Từ đó tới nay, quyền lực của Thủ lãnh kia trong sự cai trị thế giới chỉ còn là cái bóng của địa vị nó đương thời Trung cổ. Ðương thời Trung cổ, các Thủ lãnh kia truyền phán, thì các vua chúa run rẩy. Nhưng, Tạ Ơn Ðức Chúa Trời, thời đó đã qua rồi!

"Nói phạm đến Danh Ðức Chúa Trời" (16:9). Có lẽ lời nầy liên quan đến sắc chỉ của Thủ lãnh kia tuyên bố mình là vô ngộ (năm 1870). Ðó là hơi thở hấp hối của một cường quốc bá chủ hoàn cầu, và là lời phạm thượng tột bậc của các thời đại.

 

Ðoạn 16:12-16 -- Bát thứ sáu

Các trận tuyến đã được vạch rõ cho trận Ha-ma-ghê-đôn. Con rồng, Con Thú và Tiên tri giả tụ tập đạo quân quỉ quái của chúng để cố sức tấn công Hội Thánh lần chót (16:13, 14). Con rồng là quỉ Sa-tan, Con Thú là chánh quyền thống trị thế giới, và tiên tri giả là Hội Thánh bội đạo, -- cả ba liên minh với nhau.

"Sông cái Ơ-phơ-rát" (16:12): các bát vẫn đi song song với các ống loa. Khi thổi ống loa thứ sáu, một đạo quân từ sông Ơ-phơ-rát kéo lên đánh cho Hội Thánh một đòn kinh khủng thể nào (9:14-16), thì cũng một thể ấy, ở đây, khi bát thứ sáu đổ xuống, sông Ơ-phơ-rát bèn thành ra nơi tụ tập các đạo quân gian ác để cố gắng hủy diệt Hội Thánh lần chót.

Vườn Ê-đen, nơi phát nguyên của loài người, và tháp Ba-bên, nơi chánh quyền trần gian bắt đầu chống nghịch Ðức Chúa Trời, đều ở thung lũng sông Ơ-phơ-rát. Như vậy, lịch sử loài người sẽ chấm dứt ở nơi nó đã bắt đầu.

"Kìa, Ta đến" (16:15). Hãy chú ý lời cảnh cáo xen vào đây rằng khi trận Ha-ma-ghê-đôn gần đến, thì ngày của Chúa cũng gần đến.

 

Ðoạn 16:17-21 -- Bát thứ bảy

Ðây dường như là trận Ha-ma-ghê-đôn thật. "Những cục mưa đá" từ "không khí" rớt xuống, mỗi cục nặng một ta-lâng, nghĩa là chừng 45 kí lô. Ðây dường như là lời tiên tri về phi cơ và bom nguyên tử.

"Ba phần" (16:19): Ðế quốc La-mã bị chia làm ba phần thể nào (8:7-12; 9:18), thì cũng một thể ấy, chánh quyền bá chủ thế giới sau chót bài Cơ-đốc-giáo sẽ suy sụp trong ba giai đoạn; Ba-by-lôn, Con Thú và Tiên tri giả.

"Ðộng đất dữ dội" (16:18): Hai cuộc thế giới chiến tranh vừa qua, những mây mờ đe dọa của cuộc thế giới chiến tranh thứ ba, hiện tình hoang mang, bối rối và hỗn loạn của các nước và các chánh phủ, phần nửa thế giới đã ở dưới quyền kiểm soát của Cộng sản vô thần công khai quyết tâm tiêu diệt đạo Ðấng Christ, những sự trạng đó khiến chúng ta tự hỏi (nhiều khi kèm theo sự tiên đoán lo âu) rằng phải chăng hiện nay chúng ta đang ở các giai đoạn đầu của trận Ha-ma-ghê-đôn?

 

Ðoạn 17 -- Ba-by-lôn, đại dâm phụ

Thơ Ê-phê-sô 5:25, 32 luận rằng Hội Thánh là Tân phụ của Ðấng Christ. Chính Ðức Chúa Jêsus đã ví sánh sự tái lâm của Ngài với một tiệc cưới (Ma-thi-ơ 25:10). Hội Thánh vinh hiển được gọi là Tân phụ của Chiên Con (19:7; 21:2, 9). Nhưng đây, ta thấy Hội Thánh là một "dâm phụ," (Dịch là: "Kỵ nữ" thì đúng hơn) cũng như dân Y-sơ-ra-ên, Tân phụ của Ðức Giê-hô-va, đi thờ lạy hình tượng (Ê-xê-chi-ên 16:14-18), tức là "hành dâm " cùng mọi kẻ qua đường.

"Con đại dâm phụ" (17:1) liên lạc bất chánh với các vua (17:2). Dâm phụ ngồi trên Con Thú sắc đỏ sậm, mang đầy những tên phạm thượng, có bảy đầu và mười sừng (17:3); nó mặc áo màu tía và màu điều, phóng túng theo dâm dục và ô uế (17:4). Tên nó là "Ba-by-lôn lớn" (17:5), và nó "say huyết" các thánh tuận đạo (17:6).

 

Người đờn bà là một cái thành (17:18)

Con dâm phụ liên minh với Con Thú, tên gọi Ba-by-lôn, ngồi trên ngôi của chánh quyền bá chủ thế giới, và cai trị các vua trên mặt đất.

Hội Thánh chân chánh, Tân phụ của Ðấng Christ, vợ của Chiên Con, cũng được gọi là một Thành, -- Thành Giê-ru-sa-lem mới, Thành Thánh (19:7; 21:2, 9).

Hai người đờn bà: Dâm phụ và Tân phụ chân chánh của Ðấng Christ. Hai thành Ba- by-lôn và Giê-ru-sa-lem mới. Như vậy, Hội Thánh tà dâm và Hội Thánh chân chánh được đặt đối chiếu với nhau. Hội Thánh tà dâm ngồi cầm quyền trên ngôi vinh quang trần tục, dùng sự bắt bớ mà xô đuổi Hội Thánh chân chánh vào vòng bí mật. Những đặc điểm ấy dường như tỏ ra Ba-by-lôn, dâm phụ, ở đoạn nầy chính là Con Thú giống như con beo và chiên con ở đoạn 13.

 

Bảy đầu và mười sừng (17:3)

Con rồng có chừng đó (12:3). Con Thú giống như con beo và chiên con cũng có chừng đó (13:1). Tới đây, Con Thú dâm phụ, là Ba-by-lôn, cũng có chừng đó. Ta hiểu rằng chúng tượng trưng cho chánh quyền bá chủ thế giới.

"Ba-by-lôn" được tuyên bố là thành lớn cai trị các vua của trái đất (17:18); đương thời ấy, thành nầy chính là La-mã. Ta lại càng biết rõ là La-mã nhờ câu nầy: "Bảy cái đầu tức là bảy hòn núi mà người đờn bà ngồi lên" (17:9); vì thành La-mã thật được kiến thiết trên bảy hòn núi, và có tên là: "Thành có bảy ngọn đồi."

"Cũng là bảy vì vua nữa; năm vì trước đã đổ, một vì hiện có, còn một vì nữa chưa đến" (17:10). Lời nầy lại càng chỉ rõ La-mã. Trong lúc Sứ đồ Giăng chép sách Khải Huyền, thì năm đế quốc bá chủ hoàn cầu đã sụp đổ: Ai-cập, A-si-ri, Ba-by-lôn, Ba-tư, Hy-lạp; một hiện có, tức là La-mã, còn một chưa đến, tức là Ba-by-lôn, dâm phụ.

"Vì vua thứ tám... cũng ở trong số bảy" (17:11). Ðây dường như là Con Thú được phục hưng, sau khi bảy cái đầu và mười cái sừng đã qua đi, có lẽ là chỉ về hình thức sau cùng mà Antichrist sẽ khoác lấy.

 

Một Hội Thánh bội đạo trên ngôi của một đế quốc bá chủ hoàn cầu

Ðoạn mô tả Ba-by-lôn, đại dâm phụ ngồi trên Con Thú có bảy đầu và mười sừng, thật phù hợp với La-mã của chế độ Thủ lãnh kia, mặc dầu có lẽ nó liên quan tối hậu với một tình hình chưa xuất hiện. Cho tới nay, chưa có gì khác trong lịch sử thế giới phù hợp với đoạn mô tả đó.

Sự ham muốn quyền lực trần gian bắt đầu lộ ra đại qui mô trong Hội Thánh nhằm thế kỷ thứ 4, khi đế quốc La-mã thôi bắt bớ Hội Thánh và lập đạo Ðấng Christ làm quốc giáo. Tinh thần của đế quốc La-mã truyền qua Hội Thánh. Hội Thánh lần lần rập theo khuôn mẫu của đế quốc mà mình mới chiến thắng.

La-mã đã sụp đổ. Nhưng La-mã lại mượn danh của Hội Thánh mà sống lại, làm một cường quốc bá chủ hoàn cầu. Các Thủ lãnh kia ở La-mã là kẻ kế tự và kế vị các Sê-sa (hoàng đế) La-mã. Khu họ ở là vị trí các cung điện của Sê-sa thuở xưa. Các Thủ lãnh kia tự nhận lấy tất cả quyền hành mà các Sê-sa đã tự nhận lấy, và hơn nữa. Trải qua các thế kỷ, cung điện của Thủ lãnh kia thuộc hàng nguy nga, tráng lệ nhứt thế giới. Các Thủ lãnh kia đã sống trong huy hoàng, xa hoa hơn cả các vua trần gian. Không một nơi nào trên mặt đất bày ra cảnh tượng mỹ lệ, lộng lẫy cho bằng lễ đăng quang của Thủ lãnh kia. Kinh thành La-mã thuở trước là của đạo thờ thần tượng, về sau là của Thủ lãnh kia, đã chiếm địa vị cường quốc bá chủ hoàn cầu trải qua 2000 năm (200 T.C. đến 1800 S.C.).

"Ðầy những tên sự phạm thượng" (17:3). Các Thủ lãnh kia tự nhận giữ địa vị của Ðức Chúa Trời trên mặt đất, có quyền tối cao trên lương tâm loài người, có quyền tha thứ tội lỗi và ban lịnh ân xá họ cũng quả quyết rằng muốn được cứu rỗi, thì phải vâng phục họ. Há có điều gì phạm thượng hơn?

"Ðỏ sậm" (17:3, 4) là màu sắc của Con Thú, dâm phụ, và cũng của con rồng nữa (12:3) (Bản tiếng Việt cũng dịch là: "điều" và "đỏ;" nguyên văn là "đỏ sậm" (écarlate); nó chính là màu sắc của Thủ lãnh kia. Ngai của Thủ lãnh kia màu đỏ sậm, do 12 người bận áo đỏ sậm khiêng. Mũ và áo dài của các Giáo chủ trực thuộc cũng có màu đỏ sậm. Nguyên thủy nó là màu của ma quỉ (12:3); về sau được Thủ lãnh kia chọn lấy, và bây giờ là màu sắc của Cộng sản vô thần. Cộng sản thường được gọi là "Ðỏ;" họ có Hồng quân, Lãnh thổ Ðỏ, Công trường Ðỏ ở Mạc-tư-khoa; một lần nữa, ma quỉ lại triệu tập quân đội của nó từ phía ngoài Hội Thánh.

"Ðầy những đồ gớm ghiếc và dâm uế" (17:4). Người ta biết rõ hành vi hủ hoại của các Thủ lãnh kia đương thời Trung cổ.

"Say huyết những kẻ chết vì Ðức Chúa Jêsus" (17:6). Những hình phạt khủng khiếp của Tôn giáo Pháp đình, do các Thủ lãnh kia thiết lập và duy trì, trải qua hơn 500 năm, gây cho bao nhiêu triệu người bị khảo đả và thiêu đốt, chính là Bức Tranh Hung TợnQuỉ Quái hơn hết trong cả lịch sử.

Viết lại những điều nầy, thì chẳng vui thích chi. Ta không thể tưởng tượng một tổ chức Giáo hội nào vì quá ham mê quyền lực, lại có thể làm cho đạo thánh của Ðức Chúa Jêsus phải cong vẹo, phàm tục và bại hoại để chính mình được tôn cao, y như chế độ Thủ lãnh kia đã làm vậy.

Nhưng thực sự là thực sự. Lịch sử là lịch sử. Lạ lùng hơn hết, là mọi điều đó dường như đã được dự ngôn rất đúng bằng các hình bóng trong sách Khải Huyền. Sự hiện thấy của Giăng đã làm cho ông đau lòng (10:10), nào có lạ gì.

 

Ðoạn 18 -- Sự suy sụp của Ba-by-lôn

Ba-by-lôn của Cựu Ước, nguyên thủy gọi là Ba-bên, tại đó chính quyền loài người bắt đầu chống nghịch Ðức Chúa Trời (Sáng-thế Ký 11:1-9), về sau trở thành đô thị kỳ quan của thế giới thượng cổ, và bắt dân Y-sơ-ra-ên làm tôi mọi. Ðây tên nó được đặt cho một cường quốc bá chủ thế giới bắt Hội Thánh làm tôi mọi. Ðoạn nầy giống như khúc ai ca của Giê-rê-mi khóc thành Ba-by-lôn (Giê-rê-mi, đoạn 51).

"Hỡi dân Ta, hãy ra khỏi Ba-by-lôn" (18:4). Nếu "Ba-by-lôn" là danh hiệu dự ngôn của chế độ Thủ lãnh kia, theo như chúng tôi tưởng thật là như vậy, thì đây dường như là dự ngôn về cuộc Cải chánh. Ðương thời Trung cổ, tuy chế độ Thủ lãnh kia hủ hoại và quỉ quái chừng nào, nhưng Ðức Chúa Trời vẫn có dân Ngài ở trong lãnh vực của Thủ lãnh kia. Khi tiếng kèn của Luther vang lừng kêu gọi, nhằm thế kỷ thứ 16, thì một cuộc di cư và ly khai khỏi "ràn" của Thủ lãnh kia bắt đầu. Nó lan tới Ðức, Scandinavie, Anh, Tô-cách-lan, Hoa kỳ và Gia-nã-đại. Do cuộc Cải chánh đó đã phát xuất kỷ nguyên cận đại của chúng ta, có Kinh Thánh mở ra, tự do tín ngưỡng, giáo dục bình dân, và chánh quyền của dân, do dân và vì dân. Nhờ Martin Luther hơn là nhờ bất cứ người nào khác, chúng ta có những phước lành của nền văn minh kim thời.

"Trong một ngày, nó sẽ bị lửa thiêu" (18:8). Ðây dường như có nghĩa rằng Ba-by-lôn sẽ thình lình bị hủy diệt trơn trọi. Ðây có lẽ chỉ về một đặc điểm nào của cuộc giao tranh chung kết với Antichrist, hiện chưa xảy đến. Còn chế độ Thủ lãnh kia, với tư cách một cường quốc cai trị thế giới, đã ở vào tình trạng suy vi trong 400 năm qua. Quả thật, quyền hành chánh trị của chế độ ấy trong các chánh phủ thế giới đã chấm dứt, gần như thình lình, Bởi tay Nã-phá-luân, nhằm cuối thế kỷ 18.

Tuy nhiên, dầu chế độ Thủ lãnh kia là một tỉ dụ lịch sử hiển nhiên về Hội Thánh bội đạo, nhưng danh từ "Ba-by-lôn, con đại dâm phụ" có lẽ còn có ý nghĩa nhiều hơn là chế độ Thủ lãnh kia. Nó có thể là danh hiệu của Thiên đàng đặt cho toàn thể giới Cơ-đốc-giáo bội đạo.

Ngay trong nước chúng ta (Tức là nước Mỹ, quê hương của tác giả), là nơi ta tưởng mình có hình thức Cơ-đốc-giáo thuần túy hơn hết mà ai nấy được biết kể từ thời bắt bớ đầu tiên, dầu có rất đông thánh đồ tin kính, rất nhiều nhà thờ, trường Thần đạo, tổ chức và phong trào chân chánh, trung tín, ở dưới quyền lãnh đạo của các Mục sư và thủ lãnh có lòng trung thành không hề lay chuyển cùng đức tin không một điểm khả nghi, NHƯNG, trái lại, nói chung, các Hội Thánh của chúng ta hoàn toàn phàm nhân hóa, đầy dẫy lòng ham mến thế gian, lãnh đạm, phân tâm, ham vui và có đủ thứ buông lung theo tội ác; các tòa giảng và trường Thần đạo có sự không tin tới một mực độ kinh khủng. Ít có Lời Ðức Chúa Trời trong khi giảng dạy; ít có Ðấng Christ trong các cuộc thờ phượng; có rất nhiều nghi thức chết cứng; có rất nhiều tánh cách chuyên nghiệp và vẻ huy hoàng của giới phẩm chức; có rất ít tinh thần chân chánh của Ðấng Christ; rất dốt về Lời Ðức Chúa Trời, và người giảng dạy rất lãnh đạm đối với Lời ấy. Tất cả tình trạng nầy khiến ta nghĩ rằng dường như toàn thể Hội Thánh Chưa Hoàn Toàn Thoát Khỏi Sự Bội Ðạo Ðại Qui Mô.

 

Mười vua (17:11, 12)

Xen vào giữa những cường quốc bá chủ hoàng cầu, khi các nước ở dưới quyền một số chánh phủ mà số chẵn là "mười." Mười cái sừng ở sách Ða-ni-ên 7:7 dường như dự ngôn về các nước mà đế quốc La-mã chia thành và do đó La-mã của chế độ Thủ lãnh kia đã phát xuất thể nào, thì cũng một thể ấy, lời chép ở đoạn 17:12 có thể mô tả một khoảng xen vào giữa sự suy sụp của chế độ Thủ lãnh kia và sự dấy lên của Antichrist trong kỳ sau rốt. Kể từ ngày chế độ Thủ lãnh kia, với tư cách một cường quốc bá chủ hoàn cầu, bị suy sụp, thì chưa có một cường quốc nào khác cai trị cả thế giới nữa. Nã-phá-luân đã thử làm như vậy. Hoàng đế nước Ðức (Kaiser) đã thử làm như vậy. Hitler đã thử làm như vậy. Và ngày nay, Cộng sản vô thần Nga cũng đang thử làm như vậy.

 

Ðoạn 19:1-10 -- Tiệc cưới của Chiên Con

Hai điệp khúc "Ha-lê-lu-gia!" Ðiệp khúc thứ nhứt (câu 1-5) bày tỏ khánh tiết trên Thiên đàng vì Ba-by-lôn, là Giáo hội dâm phụ, bị hủy diệt.

Ðiệp khúc thứ hai (câu 6-8) có muôn vàn tiếng vang lên như đại dương gầm thét và có tiếng sấm động nơi xa, báo tin Chiên Con làm lễ thành hôn với Tân phụ chân chánh của Ngài.

Tại tiệc cưới, các cá nhân được gọi là "kẻ được mời" (câu 9); nhưng về toàn thể, họ được gọi là "Vợ" (câu 7).

 

Ðoạn 19:11-16 -- Con ngựa bạch và các đạo quân Thiên đàng

Nếu con ngựa bạch nầy cũng là con ngựa bạch của ấn thứ nhứt (6:2), thì đây là sự đắc thắng chung kết, còn đó là sự đắc thắng bắt đầu.

Nếu con ngựa bạch đó chỉ về nước của thế gian, thì con ngựa bạch nầy đã toàn thắng con đó.

Sự hiện thấy nầy dường như hình dung Chúa tái lâm trong vinh quang, với tư cách Vua Của Các Vua Và Chúa Của Các Chúa. Vinh hiển dành cho những kẻ thuộc về Ngài. Còn cơn thạnh nộ giáng trên những người gian ác. Ðiểm nầy cũng được bày tỏ ở thơ II Tê-sa-lô-ni-ca 1:7-10.

 

Ðoạn 19:17-21 -- Sự đoán phạt chung kết giáng trên Con Thú và Tiên tri giả

Bốn kẻ thù của Chiên Con là: Con rồng, Con Thú, Tiên tri giả và Ba-by-lôn.

Trong đoạn 18, Ba-by-lôn, là khối liên minh hoạt động của Con Thú và Tiên tri giả, đã sụp đổ. Dầu khối liên minh của Con Thú và Tiên tri giả, tức là chánh quyền và Giáo hội bội đạo, tan rã, nhưng chúng vẫn tồn tại ít lâu nữa. Mỗi tên trong phạm vi hoạt động riêng của nó. Tới đoạn nầy, thì dự ngôn về chúng bị hủy diệt. Rồi tới đoạn 20, thì con rồng, tức là Sa-tan, tức là tà linh xúi giục mọi sự nầy, phải chịu án phạt chung thẩm.

Con Thú, Tiên tri giả và Ba-by-lôn dường như là các chế độ được nhân cách hóa. Còn con rồng là một thân vị.

Chẳng những các chế độ bị hủy diệt, song mọi người mang "dấu" của các chế độ ấy cũng bị hủy diệt (14:9-11; 19:20).

Nếu "Con Thú" dưới hình thức "Ba-by-lôn" là chế độ Thủ lãnh kia, thì những người mang "dấu" của "Con Thú" có thể gồm hết thảy thuộc viên của Giáo hội bội đạo chăng? Chắc không. Chế độ ấy bại hoại và đi theo những mục đích trần gian. Nhưng trong "ràn" của Giáo hội ấy có thể có những người thật lòng kính mến Ðấng Christ hơn các đặc điểm hư hoại của Giáo hội họ. Thật ra, họ có thể có dấu của Ðấng Christ trên lòng mình. Dấu là một vấn đề thuộc tấm lòng. Nhiều tín đồ Tin Lành có lẽ không có dấu Con Thú ở bề ngoài, song lại có dấu ấy in lớn trên lòng mình. Là một chế độ, Hội Thánh Tin Lành thuần túy và thoát khỏi sự hư hoại của loài người bội phần hơn Giáo hội kia; cũng không đặt một trở lực nào của loài người giữa cá nhân và Cứu Chúa họ như Giáo hội kia vẫn làm. Nhưng ta có thể có dấu của Ðấng Christ bên ngoài, mà bên trong lại có dấu của Con Thú. Và ngược lại. Yếu tố quyết định là thái độ của mỗi người trực tiếp đối với Ðấng Christ. Ðức Chúa Trời biết rõ thái độ ấy, và Ngài có thể phán quyết chúng ta có "dấu" nào.

 

Ðoạn 20:1-10 -- Một ngàn năm hòa bình

Câu 2-7 có sáu lần chép "một ngàn năm." Suốt cả Kinh Thánh. Ðó là khúc sách duy nhứt thật có chép về một ngàn năm hòa bình. Người ta nói rằng trong Tân Ước có hơn 300 lần chép về sự tái lâm của Chúa; nhưng một ngàn năm hòa bình chỉ được nói đến ở đây, tại phần mầu nhiệm hơn hết của quyển sách mầu nhiệm hơn hết trong Kinh Thánh nầy.

Sống trong hy vọng hạnh phước và trong sự liên tục chờ đợi Chúa tái lâm là một điều; còn có lý thuyết nào về một ngàn năm hòa bình lại là một điều khác. Có người nghĩ rằng một ngàn năm hòa bình sẽ là một thời đại hạnh phước trong thế giới hiện tại; người khác lại cho rằng nó là một thời đại của cõi đời đời sau khi hình thức sanh tồn bằng thịt và huyết đã qua đi. Cũng có kẻ giải luận dường như họ biết hết về một ngàn năm hòa bình.

 

Sa-tan bị xiềng xích (câu 1-3)

Việc Sa-tan bị đuổi khỏi cõi trời (đoạn 12) có liên quan đến sự giáng sanh và sự thăng thiên của Ðấng Christ (12:5). Ðây, việc xiềng xích Sa-tan có liên quan với sự tái lâm của Ðấng Christ.

Có người cho rằng hai khúc sách nầy liên quan đến cùng một biến cố. Nhưng ở đằng kia, Sa-tan gây rối loạn cho trái đất (12:12), còn ở đây, nó bị ngăn cản, không gây rối loạn được nữa (20:3).

"Vực" (20:3) (Nên dịch là: "Vực sâu không đáy") là lãnh vực của Sa-tan, do chính mình nó hoặc một thiên sứ trưởng của nó cai trị (9:11), thì nay trở thành khám tù giam cầm nó.

 

Ðời trị vì một ngàn năm (câu 4-6)

Ðời trị vì nầy sẽ kéo dài 1000 năm. Có người cho rằng đây thật là 1000 năm, và theo nghĩa hình bóng, thì là một kỳ yên nghỉ (Sa-bát) sau 6000 năm lịch sử loài người. Ðối với kẻ khác, lại là một thời gian lâu dài vô hạn, vì theo niên đại học của Ðức Chúa Trời, thì "ở trước mặt Chúa, một ngày như ngàn năm, ngàn năm như một ngày" (II Phi-e-rơ 3:8).

"Sự sống lại thứ nhứt" (câu 5). Không nói đến sự sống lại thứ hai. Song câu: "Những kẻ chết khác chẳng được sống cho đến khi đủ một ngàn năm" dường như ngụ ý rằng sẽ có hai sự sống lại, -- một trước ngàn năm hòa bình, và một sau ngàn năm hòa bình.

Giáo lý của Tân Ước thường ràng buộc sự tái lâm của Chúa với sự sống lại và ngày phán xét, -- cả ba cùng trong một viễn thị (perspective). Ấy cũng như khi ta nhìn những ngọn núi xa xăm, ngọn nầy sau ngọn kia, cùng một hàng, thì chúng dường như gần nhau lắm, nhưng thật ra chúng cách xa nhau rất nhiều.

Tuy nhiên, khi Ðức Chúa Jêsus dùng câu: "Kỳ kẻ công bình sống lại" (Lu-ca 14:4), thì có lẽ Ngài ngụ ý phán mọi người chẳng cùng sống lại một lúc.

Luận về sự sống lại, Sứ đồ Phao-lô nói rằng: "Mỗi người theo thứ tự riêng của mình: Ðấng Christ là trái đầu mùa; rồi tới ngày Ðấng Christ đến, những kẻ thuộc về Ngài sẽ sống lại. Kế đó, cuối cùng sẽ đến" (I Cô-rinh-tô 15:23, 24). Dường như kỳ cuối cùng đến sau sự sống lại của dân (tín đồ) Chúa ít lâu, và sự sống lại của dân Chúa đến sau sự sống lại của Chúa một thời gian.

 

Sự đoán phạt chung kết dành cho Sa-tan (câu 7-10)

Ba-by-lôn, Con Thú và Tiên tri giả, là các môi giới do đó Sa-tan làm công việc tàn hại, đã bị tiêu diệt rồi (đoạn 17, 18, 19), nên rốt lại, chính thì giờ của Sa-tan cũng điểm nốt. Nó hung hăng cố gắng chiếm lại quyền cai trị trái đất, nhưng sự cố gắng của nó chỉ ngắn ngủi và vô ích.

"Ma-gót" (câu 8) là tên chung của các dân tộc phương Bắc, dòng dõi của Gia-phết (Sáng-thế Ký 10:2). "Gót" (câu 8) là vua chúa của chúng (Ê-xê-chi-ên 38:2). Có lẽ đây dùng làm tên chung cho những kẻ gian ác ở mọi nước từ "bốn phương trên đất" kéo đến tấn công các thánh đồ của Ðức Chúa Trời lần chót.

Chúng ta tự hỏi Sa-tan làm thế nào mà triệu tập được người theo nó đông đúc như vậy sau khi đã bị xiềng xích 1000 năm? Có người cho rằng lúc đó là thời kỳ sống lại toàn thể, nên vô số người nam, người nữ xấu xa, gian ác, thuộc về mọi thế kỷ và mọi dân tộc, sẽ sống lại và hiến cho Sa-tan một phạm vi hoạt động tiện lợi.

"Hồ lửa và diêm" (câu 10, 15) là nơi ở cuối cùng của Sa-tan, Con Thú, Tiên tri giả và mọi người gian ác.

Nếu "Con Thú" và "Tiên tri giả" là những chế độ, chớ chẳng phải là người, thì ít ra nó cũng do người tạo thành, quản trị, và biểu dương tinh thần của các người đó.

Dầu đối với các chế độ, sự quăng vào lửa có nghĩa là tiêu diệt, nhưng người thì cứ sống mãi mãi trong khổ hình, "cả ngày lẫn đêm cho đến đời đời" (câu 10). Ðây là một câu mạnh mẽ, có nghĩa tuyệt đối vô cùng tận.

 

Ðoạn 20:11-15 -- Sự phán xét sau cùng

Ba-by-lôn, Con Thú, Tiên tri giả, Sa-tan và các ảnh hưởng tội ác bây giờ đã bị loại trừ, nên rốt lại đã tới lúc chỉ định cho mỗi người đến nơi ở cuối cùng.

Có lẽ vì lửa đốt (II Phi-e-rơ 3:10-12), nên "đất trốn" trước mặt "Ðấng đương ngồi ở trên tòa lớn và trắng."

Những kẻ đã được xét xử là đáng dự phần sự sống lại thứ nhứt, thì tại đây sự xét xử họ sẽ được xác nhận trước hiện diện của cả vũ trụ họp lại.

Sự phán xét sẽ hoàn toàn. Mọi người thuộc mọi thời đại và mọi dân tộc sẽ có ở đó. Mọi công việc và cớ tích đã được ghi chép. Ấy sẽ là ngày "Ðức Chúa Trời... xét đoán những việc kín nhiệm của loài người," theo như Phao-lô đã nói ở thơ Rô-ma 2:16.

Sẽ chỉ có hai hạng người: Người được cứu rỗi và người bị hư mất. "Các sách" ghi chép đời sống từng người. Còn "Sách Sự Sống" ghi tên những người được cứu rỗi. Nhiều người có tâm tánh pha lộn đến nỗi ta không biết đặt họ vào đâu. Nhưng Ðức Chúa Trời biết.

"Sự chết thứ hai" (câu 14) là sự đoán phạt chung thẩm lúc cuối cùng, khác hẳn sự chết thân thể mà cả loài người phải trải qua. Ðây gọi nó là "hồ lửa."

Trong các sách Tin Lành, Ðức Chúa Jêsus đã phán về hồ lửa; Ngài gọi nó là "nơi lửa chẳng hề tắt" (Mác 9:43), và "lửa đời đời đã sắm sẵn cho ma quỉ và những quỉ sứ nó" (Ma-thi-ơ 25:41).

Lửa thật chăng? Ai biết? có lẽ nó làm cho linh hồn đau đớn hơn là lửa thật làm cho thân thể đau đớn.

Cả đến sự chết cũng bị quăng xuống hồ lửa (câu 14). Tử thần, là cơn ác mộng của cuộc sống trần gian, sẽ không bao giờ ngước đầu gớm ghiếc đe dọa những người ở ngoài "hồ lửa" (21:4).

 

Ðoạn 21:1-8 -- Trời mới và đất mới

Ðoạn nầy không mô tả một chế độ xã hội mới mẻ trong thế giới hiện tại nầy, song mô tả nơi ở đời đời của những người được cứu chuộc, tức là "Nhà Cha có nhiều chỗ ở" (Giăng 14:2). Ðây là một trong những đoạn quí báu nhứt của Kinh Thánh. Chúng ta ưa đọc nó biết bao!

Trời và đất thứ nhứt đã qua đi, như có chép ở thơ II Phi-e-rơ 3:10 -- "Các từng trời sẽ có tiếng vang rầm (nổ?) ma qua đi,... đất cùng mọi công trình trên nó đều sẽ bị đốt cháy cả." Vũ trụ vật chất sẽ được thay đổi tới mực nào, chúng ta không biết. Chúng ta cũng không biết hoặc trái đất nầy sẽ được sửa lại và đổi mới bởi lửa, hay là sẽ có một trái đất khác hẳn.

Ngày nay, chúng ta cũng không thể hiểu thân thể vinh hiển, thiêng liêng, chẳng hay hư nát của mình có thể bị hạn chế ở một hành tinh hoặc tinh tú vật chất tới mực nào, hay là sẽ được tự do ngao du trong không gian không biên giới.

 

"Biển cũng không còn nữa" (câu 1)

Nhưng có một con sông (22:1). Vậy, chúng ta tự hỏi có nên hiểu theo nghĩa đen chăng? Có lẽ vì đất bị thiêu đốt bằng "lửa," nên không còn biển nữa. Hoặc có lẽ "Sông nước sự sống" không phải thật là nước như của trái đất nầy, song là một biểu hiện tốt đẹp về sự sống ở trong Ðấng Christ, như Ngài đã phán cùng người đờn bà Sa-ma-ri rằng: "Ai uống nước Ta sẽ cho, thì chẳng hề khát nữa" (Giăng 4:14), và "Kẻ nào muốn, khá nhận lấy nước sự sống cách nhưng không" (Khải Huyền 22:17).

 

"Ðền tạm của Ðức Chúa Trời ở giữa loài người" (câu 3)

Trong vườn Ê-đen, loài người đã bị đuổi khỏi Hiện diện thiết thực, trực tiếp của Ðức Chúa Trời mà họ ý thức được. Tới đây, Hiện diện Ngài được ban lại cho họ. Trong thế gian nầy, chúng ta bước đi bởi đức tin. Trên trời, chúng ta thật sẽ thấy Ðức Chúa Trời, sẽ ở với Ngài và thông công thân ái với Ngài trải qua muôn ngàn đời vô tận.

Không còn sự chết, nước mắt, bịnh tật, đau lòng, hoặc sầu não nữa. Một vũ trụ mới xuất hiện. Ðược ở đó là điều kỳ diệu dường nào! Nhứt là những người đã chịu đau đớn rất nhiều trong đời nầy: Càng chịu đau đớn trong đời nầy, thì càng được vinh hiển ở trên trời.

 

"Kẻ đáng gớm ghét" không được vào đó (câu 8)

Nhiều tín đồ mắc một vài tội chép ở đây. Ðối với chúng ta, dường như có nhiều thứ bậc tâm tánh, và ta không biết phân hạng ở nơi nào. Nhưng Ðức Chúa Trời biết. Ðối với Ðức Chúa Trời, chỉ có hai hạng: Những kẻ thuộc về Ngài và những kẻ chẳng thuộc về Ngài.

 

Ðoạn 21:9-27 -- Thành Giê-ru-sa-lem mới

Ðầu Kinh Thánh có một cái vườn, và cuối Kinh Thánh có một cái thành. Thành Thánh, Giê-ru-sa-lem mới, Tân Phụ của Ðấng Christ, Vợ của Chiên Con (câu 2, 9, 10), đã bị giày đạp dưới chơn ở đoạn 11:2, nhưng tới đây thì sáng chói vinh quang. "Thành Thánh" đối lại với "Ba-by-lôn." Ba-by-lôn là Giáo hội tà dâm. Còn Thành Thánh là Hội Thánh chân chánh, Tân Phụ của Ðấng Christ. Kẻ tà dâm đã biến đi, còn Vợ chân chánh được vinh hiển.

 

Một Thành bằng vàng (câu 18, 21)

Ðược chỉ cho Giăng thấy bởi vị thiên sứ đã chỉ cho ông thấy Ba-by-lôn (câu 9, 17:1). Thành Ba-by-lôn thời xưa đã lấy tên nó đặt cho Giáo hội tà dâm, cũng được gọi là "thành bằng vàng" (Ê-sai 14:4 -- theo nguyên văn), là thành kỳ quan của thế giới thượng cổ. Bây giờ Thành bằng vàng thật xuất hiện, vinh quang và tráng lệ vô cùng.

 

Kích thước của Thành (câu 16)

Mười hai ngàn ếch-ta-đơ (chừng 2400 cây số) mỗi phía, hoặc cả châu vi. Ðây là một hình vuông, một hình khối, làm hình bóng về nó có nơi Chí thánh của Ðền tạm, là một hình khối mỗi bề chừng 4 thước rưỡi, và nơi Chí thánh của Ðền thờ do Sa-lô-môn xây cất, là một hình khối mỗi bề chừng 9 thước tây.

Tường đo được 144 cu-đê. Ðó là bề cao hay là bề dày? nếu là bề cao, thì Thành bằng vàng ở phía trong sẽ cao hơn tường bội phần.

Kích thước là bội số (multiple) của 12. 12 dường như là biểu hiệu và đặc điểm của dân Ðức Chúa Trời. 1000 lần 12 chỉ về Thủ đô vinh quang của vũ trụ mà Ðức Chúa Trời đã cứu chuộc. 12 lần 12 (144) chỉ về tường của Thủ đô ấy. 12 cổng có khắc tên 12 chi phái. 12 nền có ghi tên 12 Sứ đồ. Ấy dường như để nói rằng vinh quang của Thành là kết quả do công việc nền tảng mà Y-sơ-ra-ên và các Sứ đồ đã làm trong những thời đại quá khứ. Cây sự sống có 12 thứ trái cho 12 tháng.

Kiểu tổng quát của Thành (hình vuông, có tường và sông nước sự sống) có lẽ đã phỏng theo kiểu thành Ba-by-lôn thời xưa, vì Ba-by-lôn cũng hình vuông, châu vi vách thành là 60 dặm, cao chừng 90 thước tây, có 100 cổng bằng đồng, và có sông Ơ-phơ-rát chảy ở giữa, chia làm hai phần.

 

Các bửu thạch của Thành (câu 19-21)

Mỗi cổng là một hột châu. 12 nền thì mỗi nền xây bằng một bửu thạch: Bích ngọc, đá lam bửu, lục mã não, đá lục cẩm, hồng mã não, hoàng ngọc, hoàng bích, ngọc thủy thương, ngọc hồng bích, ngọc phỉ túy, đá hồng bửu, đá tử bửu. Nó giống tên 12 viên ngọc trên bảng đeo ngực của thầy tế lễ thượng phẩm, có khắc tên 12 chi phái Y-sơ-ra-ên (Xuất Ê-díp-tô Ký 28:15-30). 12 viên ngọc nầy chắc cốt dùng làm tấm hình phảng phất ở thời quá khứ xa xăm, để tỏ ra công tác mà Ðức Chúa Trời muốn thực hiện.

Một vài viên ngọc nầy có lẽ không đúng như những viên ngọc ngày nay mang tên nó. Người ta cho rằng nó có các màu sắc sau đây: Bích ngọc màu kim cương. Ðá lam bửu màu xanh lơ. Lục mã não màu xanh da trời. Ðá lục cẩm màu xanh lá cây. Hồng mã não màu đỏ và trắng. Hoàng ngọc màu đỏ như lửa. Hoàng bích màu vàng. Ngọc thủy thương màu xanh biển. Ngọc hồng bích màu xanh lá cây trong vắt. Ngọc phỉ túy màu tía. Ðá hồng bửu màu đỏ. Ðá tử bửu màu tím.

Thành bằng vàng. Tường bằng kim cương. Cổng bằng hột châu. Nền bằng bửu thạch. Dầu thật là như vậy, hay tượng trưng cho một cái gì vinh quang hơn nữa, nó cũng sáng chói không sao tưởng tượng được.

 

Ðoạn 22:1-5 -- Cây sự sống

Cây sự sống mọc bên sông nước sự sống (22:1, 2) từ ngôi Ðức Chúa Trời tràn ra đời đời. Trong hết được mô tả ở cảnh cây sự sống và con sông của vườn Ê-đen (Sáng-thế Ký 2:9, 10). Về sau được mô tả trong sự hiện thấy của Ê-xê-chi-ên về dòng sông chữa lành (Ê-xê-chi-ên 47:1-2). Về sau nữa, Ðức Chúa Jêsus phán rằng: "Ai uống nước Ta sẽ cho, thì chẳng hề khát nữa" (Giăng 4:14); lại rằng: "Ta là Bánh của Sự Sống... Nếu ai ăn Bánh ấy, thì sẽ sống vô cùng" (Giăng 6:35, 51). Tới đây, mọi sự đó được ứng nghiệm chung kết cho các công dân trong thế giới của Chiên Con.

 

Ðoạn 22:6-10 -- Tánh cách quan trọng của sách nầy

Ðây tái quyết rằng sách Khải Huyền là Lời Của Ðức Chúa Trời (22:6). Lúc mở đầu (1:3) cũng như lúc chấm dứt (22:7), sách nầy chúc phước cho kẻ nào đọc và giữ những lời của nó. "Chớ niêm phong những lời tiên tri trong sách nầy" (22:10), -- đó là một lời nghiêm trọng cảnh cáo chớ có xao lãng nó.

 

Ðoạn 22:11-15 -- Hết thời kỳ ân điển

"Kẻ nào ô uế, cứ còn ô uế mãi;... kẻ nào là thánh, cứ làm nên thánh nữa!" (22:11). Ðó là một lời nghiêm trọng phó kẻ hư mất cho số phận họ, và cũng đặt người được cứu rỗi vào địa vị của họ mãi mãi. Tâm tánh có thể trở nên tốt hơn hoặc xấu hơn trong đời nầy, đang khi thời kỳ ân điển hãy còn. Nhưng một ngày kia, tâm tánh sẽ bất di bất dịch cho đến đời đời, cũng như trái từ nụ nẩy ra rồi vậy.

Cũng hãy chú ý sự tuyệt đối phân rẽ giữa những kẻ đã giặt áo mình và những kẻ không giặt (22:14-15, cũng như 21:6, 8). Nhiều lần trong Kinh Thánh quả quyết rằng chỉ có hai hạng người và chỉ có hai số phận đời đời.

 

Ðoạn 22:16-17 -- Lời mời sau chót

"Ta là Chồi và Hậu tự của Ða-vít, là Sao Mai sáng chói" (22:16; Dân số ký 24:17). Ấy có nghĩa rằng Ðức Chúa Jêsus là ÐẤNG mà mọi lời tiên tri chỉ vào Ngài và được ứng nghiệm trong Ngài. Không còn Ðấng nào khác. Một mình Ngài là Cứu Chúa. Ngoài Ngài, chẳng còn hy vọng chi nữa.

Ngài phán với mọi người muốn rằng: "Kẻ nào muốn, khá nhận lấy nước sự sống cách nhưng không." Thánh Linh Ngài phán rằng: "Hãy đến." Hội Thánh Ngài nói: "Hãy đến." Ai cũng có thể nhận lời mời. Một thế giới vinh quang đang đợi chờ ta. Hãy đến, chớ để trễ quá.

 

Ðoạn 22:18-21 -- Lời cảnh cáo sau chót

Chớ có xén bớt phần nào của sách nầy. Làm vậy, sẽ mất các lời hứa vinh hiển trong đó. Những nhà phê bình duy lý không thích khúc sách nầy, vì nó lên án họ đã dám tự do loại bỏ bất cứ phần nào trong Kinh Thánh mà họ không thích (Phục truyền luật lệ ký 4:2; 12:32). Tốt hơn là Lời Ðức Chúa Trời thể nào, thì cứ tiếp nhận thể ấy, và hãy cẩn thận, chớ quá coi thường bất cứ phần nào của Lời ấy.

"Ta đến mau chóng!" Lời Chúa phán đây được lập lại ba lần trong đoạn nầy (câu 7, 12, 20). Ðây là lời cuối cùng của Ðức Chúa Jêsus được chép lại, là lời Ngài tạm biệt Tân phụ đang đợi chờ trong khi Ngài khuất khỏi mắt họ. "A-men, lạy Ðức Chúa Jêsus, xin hãy đến!"