Trang Đầu | Mục Lục | << Chương 88 | Chương 90 >> | Hướng Dẫn

THÁNH KINH

Sử Ký Hội Thánh 10

Danh Sách Các Giáo Hoàng Và Chế Ðộ Giáo Hoàng 5

 

Tuyệt điểm của quyền lực Giáo hoàng

Innocent III (1198-1216) là Giáo hoàng có thế lực hơn hết. Ông tự nhận là "Ðại diện của Ðấng Christ," "Ðại diện của Ðức Chúa Trời," "Vua cao cả cầm quyền trên Giáo hội và thế giới;" tự nhận có quyền truất phế các vua chúa, và quả quyết rằng "mọi vật dưới đất, trên trời và ở địa ngục đều phải phục tòng vị Ðại diện của Ðấng Christ." Ông đưa Giáo hội lên cầm quyền kiểm soát tối cao trên nhà nước. Các vua Ðức, Pháp, Anh và -- về thực tế -- hết thảy vua chúa Âu-châu vâng theo ý muốn của ông. Thậm chí ông kiểm soát được cả Ðông đế quốc, mặc dầu vì ông đối xử Constantinople rất tàn bạo, nên kết quả Ðông phương càng thù ghét ông. Trong lịch sử chưa hề có một người nào hành quyền tới mức đó. Ông ra lịnh cho Thập tự quân đi viễn chinh hai lần; ký sắc lịnh tuyên bố phép hóa thể (transsubstantialion), tức là bánh và nước nho của Tiệc thánh biến thành Thịt và Huyết thật của Chúa; xác nhận sự xưng tội với thầy cả; tuyên bố rằng người kế vị Phi-e-rơ "không bao giờ, bằng bất cứ cách nào, có thể tách khỏi đức tin Công giáo," tức là sự vô ngộ của Giáo hoàng đó; lên án bản Tín điều; cấm đọc Kinh Thánh bằng tiếng bổn xứ; truyền lịnh tuyệt diệt bọn theo tà giáo; thiết lập Tôn Giáo Pháp Ðình (Inquisition); truyền lịnh tàn sát giáo phái Albigeois. Dưới quyền cai trị của ông và của những người kế vị ông gần nhứt, huyết đã đổ ra hơn bất cứ thời đại nào trong sử ký Hội Thánh, duy chỉ kém lúc Giáo hoàng cố gắng đè bẹp cuộc Cải chánh nhằm thế kỷ thứ 16 và 17. Người ta tưởng chừng con thú trong sách Khải Huyền đã lấy danh nghĩa chiên con mà xuất hiện.

 

Quyền lực của Giáo hoàng được duy trì bởi Tôn giáo Pháp đình

Tôn giáo Pháp đình, gọi là "ChứcC Vụ Thánh," đã do Giáo hoàng Innocent III thiết lập, và đã được kiện toàn dưới đời cai trị của Giáo hoàng thứ hai kế vị ông, là Grégoire IX. Ấy là tòa án của Giáo hội để khám phá và hình phạt những kẻ theo tà giáo. Dưới chế độ của Tôn giáo Pháp đình, ai nấy buộc phải tố cáo kẻ theo tà giáo. Kẻ nào bị nghi ngờ theo tà giáo thì bị tra khảo, mà không biết tên kẻ tố cáo mình là gì. Sự điều tra tiến hành bí mật. Viên chánh thẩm của Tôn giáo Pháp đình tuyên án, rồi nạn nhân bị giao cho chức quyền hành chánh để bỏ tù chung thân hoặc để thiêu chết. Tài sản của nạn nhân bị tịch thâu, rồi cho Giáo hội và nhà nước chia nhau. Trong thời kỳ kế tiếp ngay Innocent III, Tôn giáo Pháp đình đã làm công việc khủng khiếp hơn hết ở miền Nam nước Pháp (xem ở dưới mục: "Giáo phái Albigeois"), còn ở Tây-ban-nha, Ý, Ðức, Hà-lan, cũng có vô số nạn nhân của nó. Về sau, Tôn giáo Pháp đình là cơ quan chánh yếu mà Giáo hoàng sử dụng để cố gắng đè bẹp cuộc Cải chánh. Lịch sử chứng quyết rằng giữa khoảng 1540 và 1570, rất ít là 900.000 tín đồ Tin Lành đã bị xử tử trong cuộc chiến tranh của Giáo hoàng cốt để tiêu diệt giáo phái Vaudois. Hãy nghĩ xem, với sự tàn bạo vô lương tâm và hung ác vô nhân đạo, các tu sĩ và thầy cả chỉ huy cuộc tra khảo và thiêu sống những người nam, người nữ vô tội; và họ làm việc ấy nhơn Danh Ðấng Christ, do linh trực tiếp của vị "Ðại diện Ðấng Christ." Tôn Giáo Pháp ÐìnhSự Trạng Nhơ Nhuốc Hơn Hết trong lịch sử. Các Giáo hoàng đã thiết lập nó và dùng nó trong 500 năm để duy trì quyền hành của mình. Tất cả Giáo hoàng "thánh và vô ngộ" theo sau đều không hề tỏ ý ân hận về kỷ lục của nó.

 

Chiến tranh tiếp diễn chống hoàng đế Ðức

Honorius III (1216-1227). Grégoire IX (1227-1241). Innocent IV (1241-1254) đã lấy tư cách Giáo hoàng mà phê chuẩn sự dùng phương pháp tra khảo để bắt buộc những kẻ bị nghi theo tà giáo phải cung khai. Dưới đời cai trị của các Giáo hoàng nầy, Fredéric II, hoàng đế Ðức, cháu nội của Fredéric Barbarossa, một kẻ thù quyết tử mà chế độ Giáo hoàng gặp phải, đã lãnh đạo đế quốc mình trong cuộc giao tranh ác liệt cuối cùng chống chế độ Giáo hoàng. Sau nhiều cuộc chiến tranh tiếp diễn, đế quốc Ðức bị hạ xuống và Giáo hoàng vươn tới địa vị cao cả.

Alexandre IV (1254-1261). Urbain IV (1261-1264). Clément IV (1265-1268). Grégorie X (1271-1276). Innocent V (1276). Jean XXI (1276-1277). Nicolas III (1277-1280). Martin IV (1281-1285). Honorius IV (1285-1287). Nicolas IV (1288-1292). Célestin V (1294).

 

Chế độ Giáo hoàng bắt đầu suy yếu

Boniface VIII (1294-1303), trong sắc lịnh (bulle) "Unam Sanctam" nổi danh đã nói: "Ta tuyên bố, quả quyết, giải thích và báo cáo rằng muốn được cứu rỗi, người nào cũng tuyệt đối cần phải phục tòng Giáo hoàng La-mã." Tuy nhiên, ông bại hoại đến nỗi trong cuộc thăm viếng thành La-mã đang khi ông làm Giáo hoàng, thi sĩ Dante đã gọi Vatican là "lỗ cống hư hoại," và chỉ định ông cùng Nicolas III, Clément V đến ở nơi đáy địa ngục. Boniface VIII nhận chức Giáo hoàng lúc chức nầy ở tuyệt điểm; nhưng ông đã gặp tay địch thủ là Philippe le Bel, vua nước Pháp. Dưới chơn vua nầy, chế độ Giáo hoàng đã bị hạ xuống tận bụi đất, và bước vào KỶ NGUYÊN SUY YẾU.

 

Vua Pháp kiểm soát Giáo hoàng

Chế độ Giáo hoàng đã thắng trong cuộc giao tranh với đế quốc Ðức, kéo dài 200 năm. Nhưng lúc nầy, vua Pháp đã trở thành vị đế vương thủ lãnh Âu châu; một tinh thần quốc gia và độc lập đã nảy nở giữa vòng dân Pháp (chắc nó là kết quả một phần do Giáo hoàng tàn sát giáo phái Albigeois, người Pháp trong thế kỷ trước). Philippel le Bel, là người mở đầu trang sử hiện đại của Pháp, bèn ra tay chống lại chế độ Giáo hoàng. Cuộc xung đột bắt đầu với Boniface VIII, về vụ đánh thuế hàng giáo phẩm Pháp. Chế độ Giáo hoàng đã phải hoàn toàn đầu phục nhà nước, và sau khi Bénédict XI (1303-1304) qua đời, thì cung điện Giáo hoàng bị dời từ La-mã đến Avignon, trên biên giới phía Nam nước Pháp. Suốt 70 năm, chế độ Giáo hoàng chỉ là đồ chơi của triều đình Pháp.

 

Chế độ Giáo hoàng bị "lưu đày tại Ba-by-lôn"

Trong 70 năm (1305-1377), cung điện Giáo hoàng ở tại Avignon.

Clément V (1305-1314). Jean XXII (1316-1334), người giàu có nhứt Âu châu. Bénédict XII (1334-1342). Clément VI (1342-1352). Innocent VI (1352-1362). Urbain V (1362-1370). Grégoire XI (1370-1378). Sự biển lận của các Giáo hoàng tại Avignon thật không bờ bến; họ đánh thuế rất nặng, chức vị nào trong Giáo hội cũng đem bán lấy tiền; nhiều chức vị mới được đặt ra, bán lấy tiền để đựng đầy tủ sắt của các Giáo hoàng và đài thọ các khoản kinh phí trong triều đình xa hoa, hủ hoại của họ. Pétrarque tố cáo bộ hạ của Giáo hoàng đã hãm hiếp, ngoại tình và phạm đủ thứ gian dâm. Tại nhiều giáo khu, người ta nài xin thầy cả cưới vợ bé để che chở cho gia đình họ. Thời kỳ "lưu đày" là một đòn nặng cho uy tín của Giáo hoàng.