Trang Đầu | Mục Lục | << Chương 8 | Chương 10 >> | Hướng Dẫn

THÁNH KINH

Giô-Suê

 

Chinh phục xứ Ca-na-an

Vượt qua sông Giô-đanh

Thành Giê-ri-cô sụp đổ

Toàn thắng người Ca-na-an

Mặt trời dừng lại

Các chi phái định cư trong xứ

 

 

Con người Giô-suê

Ông thuộc về chi phái Ép-ra-im (Dân số ký 13:8). Nếu viết tên ông theo lối Hy-lạp, thì là "Jêsus." Vì ông đã dẫn dắt dân chúng vào xứ Ca-na-an, nên về phương diện nầy, ông có thể làm hình bóng về Ðấng cao trọng hơn kế vị mình, tức là Ðấng đang dẫn dắt dân mình vào Ðất hứa có Vinh quang đời đời.

Giô-suê là người đặc biệt theo hầu Môi-se suốt 40 năm lưu lạc trong đồng vắng. Ông đã cầm quân đánh người A-ma-léc (Xuất Ê-díp-tô ký 17:9), đã ở trên núi Si-na-i với Môi-se, và là một trong 12 thám tử (Dân số ký 13:8, 16). Sử gia Josèphe nói rằng khi kế vị Môi-se, Giô-suê đã 85 tuổi. Người ta cho rằng ông đã mất 6 năm để khắc phục xứ Ca-na-an, còn những năm sau đó của đời ông, thì ông định cư và cai trị 12 chi phái. Tổng cộng thời gian ông cầm quyền trên dân Y-sơ-ra-ên chừng 25 năm. Lúc qua đời, ông được 110 tuổi, và được an táng tại Sim-nát Sê-rách, thuộc miền Ép-ra-im. Ông là một chiến sĩ đại tài, thi hành kỷ luật đối với binh sĩ, cử thám tử đi, nhưng cũng cầu nguyện và tin cậy Ðức Chúa Trời.

Bí Chú Khảo Cổ:  Tên của Giô-suê

Trên các tấm bảng Amarna viết thời đó, từ xứ Pa-lét-tin gởi về cho Pha-ra-ôn ở Ai-cập, về sự thất bại của vua Pella, có mấy chữ nầy: "Hỏi Bên-gia-min. Hỏi Tadua. Hỏi Giô-suê."

 

Ðoạn 1 -- Quyển sách

Ðây là một đoạn vĩ đại. Dân Y-sơ-ra-ên có một Quyển Sách. Ðó chỉ là một phần của Kinh Thánh mà chúng ta có ngày nay. Nhưng, ôi, quan trọng biết bao! Lúc Giô-suê bắt tay làm công vụ trọng đại, Ðức Chúa Trời đã cảnh cáo ông phải cẩn thận làm theo mọi lời chép trong Sách ấy. Giô-suê đã vâng lời Ngài, nên Ngài tôn trọng ông, cho được thành công kỳ diệu. Ðó là một bài học quí giá biết bao cho các thủ lãnh Hội Thánh!

 

Ðoạn 2 -- Hai thám tử và nàng Ra-háp

Ra-háp đã nghe nói đến các phép lạ mà Ðức Chúa Trời làm để cứu giúp dân Y-sơ- ra-ên, và đã tin quyết rằng Ðức Chúa Trời của dân ấy là Chân Thần (câu 10, 11). Khi gặp các thám tử, nàng bèn liều mạng quyết đứng về phía dân Y-sơ-ra-ên và Ðức Chúa Trời của họ.

Có lẽ nàng không xấu xa như đã tỏ ra trong chữ "kỵ nữ" ta dùng ngày nay. Nàng sống giữa đám dân vô luân lý. Các nữ tế sư của tôn giáo người Ca-na-an đều hành nghề mãi dâm. Ðám dân mà nàng chung sống đó coi nghề nghiệp của nàng là danh giá, chớ chẳng phải là hổ nhục như giữa vòng chúng ta ngày nay.

Về sau, Ra-háp lấy một người Y-sơ-ra-ên, tên là Sanh-môn (Ma-thi-ơ 1:5). Ca-lép cũng có một con trai tên là Sanh-môn (I Sử ký 2:51). Có lẽ là cùng một Sanh-môn(1). Nếu vậy, thì do hôn nhơn, nàng đã gia nhập một gia đình cao quí trong dân Y-sơ-ra-ên. Dầu sao, do cuộc hôn nhơn nầy, nàng đã trở nên tổ mẫu của Bô-ô, Ða-vít và Ðấng Christ nữa. Nàng được ghi danh trong hàng các vị anh hùng đức tin (Hê-bơ-rơ 11:31).

 

Bí Chú Khảo Cổ:  Nhà Ra-háp ở trên vách thành

Tại Giê-ri-cô, người ta thật có xây nhà trên vách thành.

 

Ðoạn 3 -- Họ vượt qua sông Giô-đanh

Khi hòm giao ước của Ðức Giê-hô-va được khiêng xuống mé nước, thì sông dâng lên thành một đống cao ngất tại A-đam (câu 16). Thành A-đam ở cách đó 16 dặm về phía Bắc. Phía dưới thành nầy, nước khô cạn, bày lòng sông có đá sỏi, khá khô, có thể đi qua được. Vì là giữa mùa xuân, nước sông Giô-đanh đang chảy tràn, nên phép lạ nầy càng kỳ diệu. Tại A-đam, sông Giô-đanh chảy qua những bãi đất sét cao chừng 13 thước tây, rất dễ lở. Năm 1927, một cơn động đất lớn làm sụt những bãi đất nầy, đến nỗi suốt 21 giờ, nước không chảy qua được. Ðức Chúa Trời có thể dùng phương pháp ấy khiến nước "dồn" lại cho Giô-suê đi qua. Dầu sao, đó cũng là một phép lạ lớn lao, và khiến cho người Ca-na-an khiếp sợ lại càng thêm khiếp sợ (5:1).

1400 năm sau, Ðức Chúa Jêsus đã chịu lễ báp-têm tại chính chỗ Giô-suê vượt qua sông Giô-đanh.

Bản đồ số 34

 

Ðoạn 4 -- Các hòn đá kỷ niệm

Có hai đống đá nầy: Một tại chỗ hòm giao ước dừng lại ở mé phía Ðông sông Giô- đanh (câu 9), và một tại Ghinh-ganh, ở phía Tây, nơi họ đóng trại (4:20). Ðá đặt tại đó để cho các thế hệ tương lai không quên nơi đã xảy ra phép lạ vĩ đại.

 

Ðoạn 5 -- Giữ Lễ Vượt Qua

Rốt lại, trên Ðất Hứa, nhằm ngày thứ tư sau khi vượt qua sông Giô-đanh, việc đầu tiên họ làm là giữ Lễ Vượt Qua (4:19; 5:10). Ngày hôm sau, hết ma-na (5:2). Ðoạn, Ðức Chúa Trời sai một Vị Tướng lãnh đạo quân vô hình của Ngài đến giục lòng Giô-suê can đảm để làm trách vụ đang đợi chờ ông (5:13-15).

 

Ðoạn 6 -- Thành Giê-ri-cô sụp đổ

Giê-ri-cô bị chiếm do Ðức Chúa Trời trực tiếp giúp đỡ, cốt để khiến dân Y-sơ-ra-ên sanh lòng tin cậy trong lúc bắt đầu chiến thắng những dân tộc hùng mạnh hơn mình. Do hòm giao ước của Chúa dẫn đầu và có đội kèn thổi vang, họ đi vòng quanh thành Giê-ri-cô 7 ngày. Trên trời có đạo binh vô hình của Ðức Giê-hô-va bay lượn (5:14), chờ đợi giờ chỉ định; đến ngày thứ 7, lúc kèn thổi vang và dân chúng la lên, thì thành sụp đổ.

Trong một lời tiên tri kỳ lạ, có câu rủa sả kẻ nào toan tính xây lại thành nầy (câu 26). Xem I Các vua 16:34, thấy câu rủa sả nầy được ứng nghiệm.

Thành Giê-ri-cô cách bờ sông Giô-đanh chừng 6 dặm; Ghinh-ganh, tổng hành dinh của Giô-suê, ở khoảng giữa đường.

Vách thành Giê-ri-cô bao bọc chừng 3 mẫu tây. Nó là một đô thị có thành lũy, làm nơi trú ẩn cho dân chúng đông đúc ở chung quanh.

Thành Giê-ri-cô đời Tân Ước cách xa thành Giê-ri-cô đời Cựu Ước chừng 1 dặm về phía Nam. Làng Giê-ri-cô hiện thời cách xa chừng 1 dặm về phía Ðông-nam.

 

Bí Chú Khảo Cổ: 

Năm 1929-1936, Tấn sĩ John Garstang, Giám đốc Anh quốc Khảo-cổ-viện tại Giê-ru-sa-lem, kiêm Giám đốc Cổ-học-viện của chánh phủ xứ Pa-lét-tin, đã đào bới di tích thành Giê-ri-cô. Ông thấy đồ gốm và những di tích chứng tỏ rằng thành nầy đã bị hủy phá chừng năm 1400 T.C., phù hợp với niên hiệu của Giô-suê. Cũng có nhiều chi tiết xác nhận truyện tích Kinh Thánh một cách lạ lùng hết sức.

"Vách thành liền ngã sập" (câu 20). Tấn sĩ Garstang nhận thấy rằng vách thành thật đã ngã sập. Có hai vách thành, cách nhau gần 5 thước tây; vách ngoài dày gần 2 thước tây, vách trong dày gần 4 thước tây; cả hai cao gần 10 thước tây. Hai vách thành nầy xây không chắc chắn lắm, trên nền có khuyết điểm và không đều đặn, bằng gạch dày 10 phân tây, dài từ 30 đến 60 phân, trét hồ bùn. Hai vách thành nối liền bằng những nhà xây cất qua chót vách, tỉ như nhà của Ra-háp "ở tại trên vách thành" (2:15). Tấn sĩ Garstang nhận thấy vách thành phía ngoài đổ ra ngoài, trút xuống sườn đồi, kéo theo vách trong luôn với các nhà cửa, vì dọc theo sườn đồi, lớp gạch lần lần mỏng hơn. Vách làm nền cung điện, gồm 4 lớp đá chồng cao lên, vẫn còn ở nguyên vị trí, nhưng nghiêng ra phía ngoài. Tấn sĩ Garstang cho rằng có những dấu tích tỏ ra vách thành đã bị cơn động đất lay đổ, và ta có thể thấy vết tích của cơn động đất nầy; đó là phương pháp mà Ðức Chúa Trời có thể dùng dễ dàng như bất cứ phương pháp nào khác.

"Chúng phỏng hỏa cái thành" (câu 24). Những dấu tích hỏa hoạn và hủy phá rất rõ rệt. Tấn sĩ Garstang thấy nhiều lớp than và tro rộng lớn, cùng di tích các bức tường bị lửa đốt ra đỏ. Vách thành phía ngoài bị hư hại nặng nhứt. Nhà cửa dọc theo vách thành bị thiêu đốt tới mặt đất. Nói chung, địa tằng nầy phủ một lớp dày những mảnh vụn bị thiêu đen; dưới đó, lại có nhiều mảng tro trắng phủ một lớp gạch đổ, màu hơi đỏ.

"Hãy cẩn thận về vật các ngươi phú dâng diệt đi" (câu 18). Dưới những đống tro và vách tường đổ, trong di tích của những kho lương thực, Tấn sĩ Garstang thấy rất nhiều thực phẩm, lúa mì, lúa mạch, trái chà là, đậu, cùng nhiều thứ khác, cháy thành than vì nóng hực, chưa ai đụng đến và cũng chẳng ai ăn. Ðó là bằng cớ tỏ ra các người chiến thắng đã giữ mình, không chiếm lấy các thực phẩm, ý theo lịnh truyền.

 

Ðoạn 7, 8 -- Thành A-hi và thành Bê-tên bị chiếm

Tại A-hi, thoạt tiên dân Y-sơ-ra-ên bị bại trận kinh khủng vì cớ tội phạm của A-can. Sự bại trận nầy làm cho dân Y-sơ-ra-ên xúc động khủng khiếp, vì nó xảy ra ngay sau khi họ vượt qua sông Giô-đanh một cách lạ lùng và sau khi thành Giê-ri-cô sụp đổ cũng rất lạ lùng. Ðây là một bài học sửa trị. Ðức Chúa Trời ở cùng họ, nhưng Ngài muốn họ hiểu rằng Ngài mong ước họ vâng lời Ngài.

 

Bí Chú Khảo Cổ: Bê-tên

Lời chép ở đoạn 8:9, 12, 17 tỏ ra là một trận đánh cả A-hi lẫn Bê-tên; đoạn 8:28 và 12:9, 16 tỏ ra cả hai thành nầy đã bị hủy phá. Hai thành chỉ cách nhau một dặm rưỡi. Ông Albright cho rằng cả Bê-tên và A-hi mang chung một tên A-hi.

Gò nỗng Bê-tên (Beitan) đã được đào bới năm 1934, do phái đoàn kỷ niệm Kyle, dưới sự bảo trợ hỗn hợp của Mỹ-quốc Học đường ở Giê-ru-sa-lem và Thần đạo Học đường XeniaPittsburgh, có ông W.F.Albright cầm đầu. Họ thấy thành nầy bị hủy phá, đồng thời với lúc Giô-suê xâm lăng, bởi một "nạn cháy kinh khủng, hung hăng dữ dội vô cùng." Có một khối dày hơn 1 thước rưỡi, toàn "gạch đổ cháy đỏ, đất đen đầy tro, và mảnh vụn đốt thành than." Albright nói rằng ông không thấy ở nơi nào khác trong xứ Pa-lét-tin những dấu tích hỏa hoạn hủy phá nhiều hơn.

 

Ðoạn 8:30-35 -- Luật pháp khắc trên núi Ê-banh

Môi-se đã truyền lịnh phải làm việc ấy (xem thêm Phục truyền luật lệ ký 27). Thành Si-chem, trung tâm của xứ, ở giữa núi Ê-banh và núi Ga-ri-xim, trong một thung lũng đẹp tuyệt vời và có giá trị chiến lược vô song. Tại đây, 600 năm trước, Áp-ra-ham đã lập bàn thờ thứ nhứt trong xứ để thờ lạy Ðức Chúa Trời. Tại đây, trong một cuộc lễ long trọng, Giô-suê đã đọc Sách Luật pháp cho dân chúng nghe.

 

Ðoạn 9, 10-- Trận đánh và mặt trời dừng lại

Ga-ba-ôn là một trong những đô thị rộng lớn nhứt xứ Ca-na-an, ở cách Giê-ru-sa-lem 10 dặm về phía Tây-bắc. Người Ga-ba-ôn khủng khiếp vì thành Giê-ri-cô và thành A-hi sụp đổ, nên vội vã xin làm tôi mọi cho dân Y-sơ-ra-ên. Ðiều nầy chọc giận các vua ở Giê-ru-sa-lem, Hếp-rôn, Giạt-mút, La-ki, Éc-lôn, nên họ kéo quân đánh Ga-ba-ôn. Giô-suê bèn đến cứu ứng Ga-ba-ôn. Kết quả là trận đánh trứ danh ở Ga-ba-ôn, Bết-hô-rôn và ở phía Tây, tại đó mặt trời dừng lại cả một ngày. Chúng ta không biết mặt trời đã dừng lại thể nào. Có người tính rằng lịch đã mất một ngày vào khoảng thời kỳ đó. Dầu sao, bằng cách nầy hay bằng cách khác, sự sáng ban ngày đã kéo dài kỳ diệu, hầu cho Giô-suê được toàn thắng.

 

Bí Chú Khảo Cổ:  La-ki, Ðê-bia

Hai thành nầy ở trong số những thành bị hủy phá (10:32, 39).

La-ki.-- Năm 1931, phái đoàn khảo cổ Wellcome tìm thấy một lớp tro rộng lớn đồng thời với Giô-suê.

Bản đồ số 35

 

Ðê-bia. (Ki-ri-át-Sê-phe, Tel Beit Mirsim).-- Tại đây, năm 1926-1928, phái đoàn hỗn hợp của Thần đạo Học đường Xenia và Mỹ quốc Học đường ở Giê-ru-sa-lem đã tìm thấy một lớp tro, than và vôi dày, cùng những dấu tích chỉ rõ một nạn cháy kinh khủng; cũng có những dấu tích văn hóa tỏ ra nạn cháy nầy xảy ra đương thời Giô- suê, vì mọi vật ở dưới lớp nầy là của người Ca-na-an, còn mọi vật ở trên lớp nầy là của người Y-sơ-ra-ên.

 

Ðoạn 11-- Các vua phương Bắc bị đánh bại

Trong trận đánh ở Bết-hô-rôn, là nơi mặt trời dừng lại, Giô-suê đã phá tan oai lực của các vua phương Nam. Bây giờ, ông lại thắng các vua phương Bắc tại Mê-rôn, nên kiểm soát được toàn xứ.

Phần lớn sự thành công nầy do ba phép lạ kỳ diệu: Nước sông Giô-đanh rẽ ra, thành Giê-ri-cô sụp đổ, và mặt trời dừng lại. Ðức Chúa Trời đã làm mọi sự đó.

 

Bí Chú Khảo Cổ:  Hát-so

"Giô-suê... phóng hỏa thành Hát-so" (11:11). Tấn sĩ Garstang đã tìm thấy tro của hỏa hoạn nầy, và những đồ gốm chứng tỏ hỏa hoạn nầy đã xảy ra lối 1400 năm T.C..

Cũng có một tấm bảng Amarna do vị đặc sứ Ai-cập tại miền Bắc Pa-lét-tin viết cho Pha-ra-ôn, năm 1380 T.C., rằng: "Xin Hoàng thượng nhớ những hoạn nạn mà vua Hát-so và thành Hát-so đã phải chịu."

Vậy, cuộc chinh phục xứ Pa-lét-tin bởi Giô-suê đã được minh chứng bởi những lớp tro rộng lớn, mang dấu tích của thời Giô-suê, tại Giê-ri-cô, Bê-tên, La-ki, Ðê-bia, và Hát-so; do đó, truyện tích Kinh Thánh được xác nhận.

 

Ðoạn 12 -- Danh sách các vua bị tiêu diệt

Ðây kể tên 31 vua. Nói chung, toàn xứ đã bị chinh phục (10:40; 11:23; 21:43). Tuy nhiên, vẫn còn những nhóm người Ca-na-an thưa thớt (13:2-7; 15:63; 23:4; Các quan xét 1:2, 21, 27, 29, 30, 31, 33, 35). Sau khi Giô-suê qua đời, bọn nầy gây rối cho dân Y-sơ-ra-ên. Lại nữa, những xứ Phi-li-tin, Si-đôn và Li-ban vẫn chưa bị chinh phục.

Bản đồ số 36 -- Vị trí các chi phái

 

Ðoạn 13 đến 22 -- Phân chia xứ

Bản đồ ở trang trước chỉ tỏ vị trí gần đúng của các dân tộc Ca-na-an, và sự phân chia cho 12 chi phái Y-sơ-ra-ên. Có 6 thành ẩn náu (đoạn 20; xem thêm Phục truyền luật lệ ký, đoạn 19), và 48 thành cho người Lê-vi, kể cả 13 thành cho các thầy tế lễ (21:19, 14). Bàn thờ ở bờ sông Giô-đanh (đoạn 22) dầu thoạt tiên bị các chi phái phía Tây hiểu lầm, nhưng đã được dùng làm dấu hiệu thống nhứt quốc gia cho một dân tộc bị một con sông lớn chia làm hai.

 

Ðoạn 23, 24 -- Bài giảng từ biệt của Giô-suê

Giô-suê đã nhận từ nơi Môi-se Quyển Sách Luật pháp của Ðức Chúa Trời (1:8). Bây giờ ông thêm sách của mình vào đó (24:26). Giô-suê dùng các "sách" phải đường cũng như Môi-se đã dùng (xem Phục truyền luật lệ ký 31). Ông đã sai người đi vẽ địa đồ của xứ "trên một quyển sách" (18:9). Ông đọc "sách" của Môi-se cho dân chúng nghe (8:34). Tại núi Ê-banh, ông "khắc trên đá một bản luật pháp" (8:32). Ông có liên quan với "sách Gia-sa" (10:13), -- có lẽ đây là một bộ thánh ca.

Trong bài giảng cuối cùng của Giô-suê, ông cốt khuyên họ chống lại sự thờ lạy hình tượng. Sự thờ lạy hình tượng của người Ca-na-an là một hòa hợp thẩm mỹ giữa tôn giáo và sự tự do phóng túng theo nhục dục, nên chỉ những ai có tâm tình cương quyết đặc biệt mới chống được sức dụ dỗ của nó.

 

Dân Ca-na-an

"Dân Ca-na-an " là một danh từ chung để chỉ về cư dân trong xứ. Theo một nghĩa hẹp hơn, nó ứng dụng cho những người ở đồng bằng Ách-ca-lôn và các đồng bằng tiếp cận. "Dân A-mô-rít" cũng là một danh từ chung thường ứng dụng cho mọi cư dân, nhưng đặc biệt hơn cho một bộ lạc ở phía Tây Biển Chết, đã đánh đuổi người Am-môn mà chiếm lấy xứ ở phía Ðông sông Giô-đanh. "Dân Phê-rê-sít" và dân "Giê-bu-sít" chiếm các núi ở phía Nam. "Dân Hê-vít" và dân "Hê-tít" là hai nhóm tách khỏi nước hùng cường ở phía Bắc, đã đóng đô tại Cạt-kê-mít; họ chiếm miền Li-ban. Người ta cho rằng "dân Ghi-rê-ga-sít" ở phía Ðông biển Ga-li-lê, mặc dầu ta không biết rõ điều chi về họ. Biên giới của mọi dân nầy hay di chuyển, và có nhiều lúc họ chiếm cứ những chỗ khác nhau.

 

Tôn giáo của dân Ca-na-an

Ba-anh là thần thượng đẳng của họ; Ashtoreth, vợ của Ba-anh, là nữ thần thượng đẳng của họ. Ashtoreth là sự nhơn cách hóa cái yếu tố sanh sản trong cõi thiên nhiên. Tên của nó trong tiếng Ba-by-lôn là Ishtar. Át-tạt-tê là tên của nó trong tiếng Hy-lạp và La-mã. "Baallim" là số nhiều của Ba-anh, chỉ về các hình tượng của Ba-anh (Các quan xét 2:11). Ashtaroth(1) là số nhiều của Ashtoreth. A-sê-ra là một cây sào thánh, một phiến đá hình nón, hoặc một thân cây, hình dung nữ thần nầy. Các miễu thờ Ba-anh và Át-tạt-tê thường ở cùng một chỗ. Các nữ tế sư hành dâm trong miễu thờ. Còn bọn kê gian là đờn ông mãi dâm trong miễu thờ. Sự thờ lạy Ba-anh, Át-tạt-tê và những thần Ca-na-an khác gồm có những cuộc say sưa, phóng túng quá mức; miễu thờ của chúng là trung tâm hư xấu, tồi bại.

 

Bí Chú Khảo Cổ:  Tôn giáo của xứ Ca-na-an

Ðức Chúa Trời truyền lịnh rõ ràng cho dân Y-sơ-ra-ên phải tiêu diệt hoặc tống đuổi dân Ca-na-an (Phục truyền luật lệ ký 7:2, 3). Giô-suê hết sức sốt sắng làm công việc ấy, và chính Ðức Chúa Trời đã làm những phép lạ lớn lao để giúp đỡ ông. Thật ra, chính ÐỨức Chúa Trời Ðã Làm Việc Ấy.

Năm 1904-1909, trong cuộc đào bới tại Gezer, ông Macalister, nhơn viên của "Quỹ Thám hiểm xứ Pa-lét-tin," đã tìm thấy (trong địa tằng của dân Ca-na-an, ngay trước khi dân Y-sơ-ra-ên chiếm xứ, khoảng năm 1500 T.C.) di tích của một "nơi cao," vốn là cái miễu tại đó họ thờ lạy thần Ba-anh và nữ thần Ashtoreth (Át-tạt-tê).

Ðây là một khu đất dài chừng 50 thước và rộng chừng 40 thước, chung quanh có tường, không có mái; tại đó, dân chúng cử hành các hội hè tôn giáo. Phía trong tường có 10 trụ đá sù sì, cao từ 1 thước rưỡi tới 3 thước rưỡi; họ dâng tế lễ trước những trụ đá đó.

Tại "nơi cao" nầy, dưới những đống tàn vụn, Macalister tìm thấy rất nhiều hũ chứa hài cốt của các con trẻ đã dâng làm của lễ cho thần Ba-anh. Tất cả khu nầy là một nghĩa địa chôn vùi con trẻ sơ sanh.

Còn một tục lệ gớm ghiếc nữa, ấy là cái họ gọi là "tế lễ nền nhà." Khi xây nhà, họ phải dâng một đứa trẻ làm tế lễ, xác nó gắn chung vào vách tường để đem may mắn cho mọi người khác trong gia đình. Người ta tìm thấy nhiều xác con trẻ như vậy tại Gezer, và cũng tại Mê-ghi-đô, Giê-ri-cô và nhiều nơi khác nữa.

Cũng tại "nơi cao" nầy, dưới đống rác rến, ông Macalister tìm thấy rất nhiều hình tượng và tấm thẻ (plaques) của nữ thần Át-tạt-tê, có hình sanh-thực-khí quá thô lỗ, cốt để kích thích nhục dục.

Người Ca-na-an thờ lạy như vậy đó. Trước mặt thần, họ phóng túng, vô đạo, coi đó như một nghi lễ tôn giáo; rồi họ giết con đầu lòng để dâng làm của lễ cho các thần ấy.

Xứ Ca-na-an dường đã trở nên một xứ Sô-đôm và Gô-mô-rơ theo mực độ rộng lớn, vì cả nước như vậy.

Chúng ta còn ngạc nhiên chăng, khi Ðức Chúa Trời truyền cho dân Y-sơ-ra-ên phải tuyệt diệt người Ca-na-an? Một nền "văn minh" gớm ghiếc, ô uế và tàn bạo như vậy còn được quyền tồn tại chăng? Ðó là một gương trong lịch sử về cơn thạnh nộ Ðức Chúa Trời nghịch cùng sự gian ác của các dân.

Những nhà khảo cổ đào bới di tích các đô thị xứ Ca-na-an phải tự hỏi tại sao Ðức Chúa Trời không tiêu diệt chúng sớm hơn?

Ngoài sự đoán phạt dân Ca-na-an , mục đích của Ðức Chúa Trời khi Ngài truyền lịnh tuyệt diệt dân ấy, còn là để giữ cho người Y-sơ-ra-ên khỏi sa vào vòng thờ lạy hình tượng và các tục lệ nhơ nhuốc cặp theo. Ðức Chúa Trời sáng lập quốc gia Y-sơ-ra-ên vì mục đích duy nhứt, vĩ đại và đặc biệt, là dọn đường cho Ðấng Christ ngự đến bằng cách củng cố giữa thế giới các Ý Niệm rằng có một Ðức Chúa Trời chơn thật và hằng sống. Nếu dân Y-sơ-ra-ên sa vào vòng thờ lạy hình tượng, thì không còn lý do tồn tại với tư cách một quốc gia nữa. Ðể đề phòng, cần phải tẩy xứ Ca-na-an sạch hết vết tích cuối cùng của sự thờ lạy hình tượng. Trong vấn đề nầy, Giô-suê đã giúp dân Y-sơ-ra-ên khởi sự tốt đẹp. Nếu họ cứ tiếp tục như vậy, thì lịch sử của họ đã đổi khác là dường nào!

 



(1)  Bản Việt-nam dịch là "Sanh-môn" ở Ma-thi-ơ 1:5 và "Sanh-ma" ở I Sử ký 2:51; nhưng trong bản tiếng Anh là "Sanh-mô" cả.

(1)  Các quan xét 2:13 dùng chữ "Ashtaroth" (nguyên văn).