Trang Đầu | Mục Lục | << Chương 90 | Chương 92 >> | Hướng Dẫn

THÁNH KINH

Sử Ký Hội Thánh 12

Danh Sách Các Giáo Hoàng Và Chế Ðộ Giáo Hoàng 7

 

Những Giáo hoàng chống lại cuộc Cải chánh

Jules III (1550-1555). Marcel II (1555). Paul IV (1555-1559) thiết lập Tôn giáo Pháp đình La-mã. Pie IV (1559-1565). Pie V (1566-1572). Grégoire XIII (1572-1585) cử hành lễ Mi-sa trọng thể, kèm theo sự cảm tạ và vui chơi, để mừng cuộc tàn sát St-Barthélemy; thúc giục vua Philippe II khai chiến với nước Anh. Sixte V (1585-1590) ra sắc chỉ tuyên bố phát hành bản Kinh Thánh "Vulgate"; bản nầy có 2000 chỗ dịch sai. Urbain VII (1590). Grégoire XIV (1590-1591). Innocent IX (1591). Clément VIII (1592-1605). Léon XI (1605). Paul V (1605-1621). Grégoire XV (1621-1623). Urbain VIII (1623-1644), với sự giúp đỡ của giáo phái Jésuite, tiêu diệt tín đồ Tin Lành ở xứ Bohême.

 

Các Giáo hoàng kim thời

Innocent X (1644-1655). Alexandre VII (1655-1667). Clément IX (1667-1669). Clément X (1670-1676). Innocent XI (1676-1689). Alexandre VIII (1689-1691). Innocent XII (1691-1700). Clément XI (1700-1721) tuyên bố rằng phải có ông phê chuẩn, thì các vua mới trị vì được; công bố một sắc lịnh chống lại sự tự do đọc Kinh Thánh. Innocent XIII (1721-1724). Bénédict XIII (1724-1730). Clément XII (1730-1740). Bénédict XIV (1740-1758). Clément XIII (1758-1769). Clément XIV (1769-1774) bãi bỏ hội Jésuite "cho đến đời đời."

Pie VI (1775-1799). Pie VII (1800-1820) khôi phục dòng Jésuite bằng một sắc lịnh "đời đời bất khả di dịch và bất khả xâm phạm." Thật là một hành động kỳ lạ! Một Giáo hoàng "vô ngộ" khôi phục cái mà một Giáo hoàng "vô ngộ" khác vừa mới bãi bỏ "cho đến đời đời!" Pie VII cũng công bố một sắc lịnh rằng "các Hội Xuất bản Kinh Thánh là một dụng cụ của ma quỉ để phá hoại nền tảng tôn giáo."

Léon XII (1821-1829) lên án sự tự do tín ngưỡng, sự khoan dung tôn giáo, các Hội Xuất bản Kinh Thánh, và sự phiên dịch Kinh Thánh; tuyên bố rằng "người nào không gia nhập Giáo hội Công giáo La-mã, thì dầu sống một đời không chỗ trách được về mọi phương diện tới mực nào, cũng không được hưởng sự sống đời đời."

Pie VIII (1829-1830) mạt sát sự tự do tín ngưỡng, các Hội Xuất bản Kinh Thánh, và Hội Tam điểm (Franc-maconnerie).

Grégoire XVI (1831-1846) hăng hái binh vực sự vô ngộ của Giáo hoàng; lên án các Hội Xuất bản Kinh Thánh của Hội Thánh Tin Lành.

Pie IX (1846-1878) mất các lãnh thổ của Giáo hoàng; ký sắc lịnh tuyên bố Giáo Hoàng Vô Ngộ; công bố quyền dùng võ lực để tiểu trừ tà giáo; lên án sự phân rẽ giữa Giáo hội và nhà nước; truyền lịnh cho hết thảy tín đồ Công giáo chân chánh phải vâng lời Ðầu của Giáo hội hơn là vâng phục các quan quyền hành chánh; mạt sát sự tự do tín ngưỡng, tự do thờ phượng, tự do ngôn luận và tự do báo chí; tuyên bố bà Ma-ri đã được thai dựng không mắc nguyên tội (Immaculée Conception) và thần thánh hóa bà Ma-ri; khuyến khích sự mê tín tôn sùng các thánh tích (reliques); lên án các Hội Xuất bản Kinh Thánh, và tuyên bố rằng đạo Tin Lành (Protestantisme) không phải là một hình thức Cơ-đốc giáo;" tuyên bố rằng "hết thảy tín điều của Giáo hội Công giáo La-mã là do Ðấng Christ truyền phán qua các đại diện của Ngài trên mặt đất."

 

Sự vô ngộ của Giáo hoàng

Trải qua 600 năm, trong văn chương của đạo Ðấng Christ không hề bày tỏ ý niệm rằng Giáo hoàng vô ngộ. Ý niệm ấy được nêu lên khi các Giáo lịnh (décrétales) giả mạo xuất hiện; rồi nó nảy nở khi Giáo hoàng quả quyết mở các cuộc viễn chinh của Thập tự quân và khi Giáo hoàng xung đột với các hoàng đế. Từ Innocent III trở đi, có nhiều Giáo hoàng binh vực sự vô ngộ đó. Nhưng các Giáo hội nghị Pise, ConstanceBâle biểu quyết minh bạch rằng Giáo hoàng phải phục tòng Giáo hội nghị. Năm 1854, Giáo hoàng Pie IX "dùng quyền hành cao cả của mình và không có sự hợp tác của một Giáo hội nghị," đã công bố giáo lý về bà Ma-ri được thai dựng không mắc nguyên tội, cốt để dò ý giới Công giáo La-mã về vấn đề Giáo hoàng vô ngộ. Giáo lý ấy được nhìn nhận, nên ông dạn dĩ triệu tập Giáo hội nghị Vatican (1870 với mục đích rõ rệt, là để họ tuyên bố ông vô ngộ; và do sự điều khiển khéo léo của ông, họ đã tuyên bố như vậy. Sắc lịnh công bố "Ðức Chúa Trời đã khải thị" rằng khi Giáo hoàng nói "với tư cách thầy" (ex cathedra), thì ông "có sự vô ngộ để giải thích các giáo lý về đức tin và luân lý," và "các lời giải thích ấy tự nó không thể sửa đổi, lại không cần phải được Giáo hội ưng chuẩn." Như vậy, ngày nay, Giáo hoàng Vô Ngộ vì Giáo hội nghị Vatican đã theo lịnh ông mà bỏ phiếu nhìn nhận ông vô ngộ. Giáo hội Ðông phương cho đó là sự phạm thượng tột bậc của chế độ Giáo hoàng.

 

Mất quyền hành đời nầy

Kể từ năm 754, các Giáo hoàng đã cầm quyền hành chánh trong một nước gọi là "Lãnh thổ của Giáo hoàng" gồm một phần lớn nước Ý, lấy La-mã làm thủ đô; nhiều Giáo hoàng đã lo mở mang biên giới, sự giàu có và thế lực của nước nầy hơn là lo cho Giáo hội được hạnh phước thiêng liêng. Họ thường dùng địa vị thiêng liêng của mình, là Ðầu của Giáo hội, để bành trướng thế lực đời nầy. Sự bại hoại của Giáo hoàng hiển nhiên trong nền cai trị phần đời cũng như trong nền cai trị phần thiêng liêng của họ. Sự cai trị tồi tệ của Giáo hoàng đã trở thành ngạn ngữ: quan chức vụ lợi, trọng tội thường có, đường phố bẩn thỉu, du khách bị yêu sách tiền bạc, đúc tiền giả và xổ số. Pie IX cai trị thành La-mã với sự yểm trợ của 10 ngàn lính Pháp. Khi chiến tranh bùng nổ giữa Pháp và Ðức (1870), những lính nầy bị triệu hồi; Victor-Emmanuel, vua Ý bèn chiếm lấy thành, và sáp nhập các lãnh thổ Giáo hoàng vào nước Ý. Dân chúng bỏ 133.648 phiếu chống 1507, để chuyển thành La-mã từ Giáo hoàng qua chánh phủ Ý. Như vậy, Giáo hoàng chẳng những mất nước trần gian, song chính ông trở thành thần dân của một chánh phủ khác; đó là sự nhục nhã tột bậc cho một người vẫn tự nhận là cai trị hết thảy vua chúa. Năm 1929, Mussolini đã khôi phục quyền hành đời nầy của Giáo hoàng, nhưng thâu hẹp nhiều lắm. Dầu thành Vatican chỉ gồm có 40 mẫu tây, nhưng Giáo hoàng lại được làm quân vương, không phục dưới quyền hành trần gian nào hết.

 

Các Giáo hoàng thời nay

Léon XIII (1878-1903) tự nhận là được chỉ định làm Ðầu hết thảy vua chúa, và giữ địa vị Ðức Chúa Trời Toàn năng trên mặt đất; nhấn mạnh sự vô ngộ của Giáo hoàng; tuyên bố Tin Lành là "kẻ thù của Danh Ðấng Christ;" mạt sát "phong tục nước Mỹ" (américanisme); gọi Hội Tam điểm là "nguồn gốc mọi tội ác;" quả quyết rằng phương pháp hợp tác duy nhất là hoàn toàn đầu phục Giáo hoàng La-mã.

Pie X (1903-1914) tố cáo các thủ lãnh cuộc Cải chánh là "kẻ thù của Thập tự giá Ðấng Christ."

Bénédict XV (1914-1922). Pie XI (1922-1939) tái quyết Giáo hội La-mã Công giáo là Giáo hội duy nhứt của Ðấng Christ, và không thể nào lại thống nhứt giới tín đồ Ðấng Christ, trừ khi hết thảy phục tòng Giáo hoàng ở La-mã.

Pie XII (1939-1958).(1)

 

 



(1) Sau khi Giáo hoàng Pie XII qua đời, một vị khác đã được cử thay thế.