Trang Đầu | Mục Lục | << Chương 22 | Chương 24 >> | Hướng Dẫn

THÁNH KINH

Nhã Ca Của Sa-lô-môn

 

Tôn vinh tình phu phụ

 

Một bản tình ca đặt giữa mùa xuân trăm hoa đua nở, đầy dẫy cách nói bóng và biểu tượng (images) Ðông phương, tỏ ra Sa-lô-môn rất yêu mến cõi thiên nhiên, vườn tược, đồng cỏ, vườn nho, vườn cây trái và các bầy súc vật (I Các vua 4:33). Trong nguyên văn, sách nầy gọi là "Bản Ca của các bản ca," có lẽ để tỏ ra rằng Sa-lô-môn coi nó là hay nhứt trong số 1005 bài ca mà ông đã trứ tác (I Các vua 4:32). Còn trong tiếng La-tinh, thì gọi là "Bài ca ngợi." Người ta cho rằng sách Nhã Ca đã được trứ tác để mừng cuộc thành hôn của Sa-lô-môn với người vợ mà ông sủng ái.

Là một thi ca, nó được các nhà học giả thông thạo cách kết cấu thi văn Hê-bơ-rơ kể là một tác phẩm tuyệt diệu. Nhưng ta khó hiểu sách nầy vì nó thình lình chuyển từ người đối thoại nầy qua người đối thoại khác và từ chỗ nầy qua chỗ khác, mà không một lời giải thích nào về sự thay đổi cảnh trí và vai trò. Trong tiếng Hê-bơ-rơ, sự thay đổi người đối thoại được chỉ tỏ bằng sự thay đổi giống (genre).

Những người đối thoại.-- Dường như rõ ràng rằng những người đối thoại gồm có: Tan phụ, tên là "Su-la-mít" (6:13), vua và một đoàn cung nữ gọi là "các con gái Giê-ru-sa-lem." Cho tới lúc nầy, hậu cung của Sa-lô-môn chưa đông đúc, chỉ gồm có 60 hoàng hậu, 80 cung phi và vô số cung nữ (6:8). Về sau hậu cung tăng số, gồm 700 hoàng hậu và 300 cung phi (I Các vua 11:3; xem bí chú ở câu nầy và cũng xem bí chú sách truyền đạo 7:26-28).

Tân phụ.-- Theo ý kiến thông thường và có lẽ là ý kiến đúng nhứt, thì "Sa-lu-mít" chính là A-bi-sát, người Su-nem, là "người gái trẻ... rất... lịch sự" đã hầu hạ Ðấng Christ trong những ngày cuối cùng của ông (I Các vua 1:1-4). Nàng chắc đã trở thành vợ của Sa-lô-môn, vì nếu nàng làm vợ của người khác, ắt sẽ nguy hại cho ngôi vua của Sa-lô- môn (I Các vua 2:17, 22). Người khác lại cho rằng Tân phụ có thể là con gái của Pha-ra-ôn (I Các vua 3:1). Một vài nhà học giả thời nay lại nêu lý thuyết rằng thiếu nữ ở đây không phải là một tân phụ của Sa-lô-môn, nhưng là tình nhơn của một gã chăn chiên và giữ lòng chung thủy với gã, mặc dầu Sa-lô-môn cố toan dụ dỗ nàng vào hậu cung của mình.

Các cách giải thích.-- Về mặt ngoài, thi ca nầy là một bài tán tụng những niềm vui của đời sống hôn nhân; song ta thấy tinh túy của nó trong những lời dịu hiền và nồng nàn diễn tả sự thân mật và lạc thú của tình phu phụ. Ví bằng nó chẳng có chi hơn nữa, nó cũng đáng có một chỗ trong Lời Ðức Chúa Trời, mặc dầu Danh Ngài chẳng được ghi nhắc một lần nào. Ấy vì hôn nhân đã do Ðức Chúa Trời thiết lập, và hạnh phúc và sự an lạc của loài người một phần lớn tùy thuộc thái độ hổ tương thích hợp trong những liên lạc rất thân mật của đời sống hôn nhơn.

Tuy nhiên, cả người Do-thái lẫn tín đồ Ðấng Christ đã thấy trong thi ca nầy những ý nghĩa sâu nhiệm hơn là liên quan đến cuộc hôn nhơn của loài người. Người Do-thái đọc sách nầy trong ngày Lễ Vượt Qua, coi như một truyện nói bóng về cuộc di cư khỏi Ai-cập, tại đó Ðức Chúa Trời đã "cưới" dân Y-sơ-ra-ên cho chính mình Ngài; ấy vì trong sách nầy, "lòng yêu thương tự nhiên của một vua oai hùng và một thiếu nữ thấp thỏi" làm thí dụ về lòng yêu thương của Ngài đối với họ. Trong Cựu Ước, dân Y-sơ-ra-ên được gọi là vợ của Ðức Chúa Trời (Giê-rê-mi 3:1; Ê-xê-chi-ên 16 và 23).

Nói chung, tín đồ Ðấng Christ coi sách Nhã Ca của Sa-lô-môn như là bản ca hôn lễ của Ðấng Christ và Hội Thánh; vì trong Tân Ước, Hội Thánh được gọi là "Tân phụ của Ðấng Christ" (Ma-thi-ơ 9:15; 25:1; Giăng 3:29; II Cô-rinh-tô 11:2; Ê-phê-sô 5:23; Khải Huyền 19:7; 21:2; 22:17). Ấy để tỏ ra rằng niềm vui của cuộc hôn nhơn loài người là điểm đối chiếu và tiền vị của mối liên lạc hoan hỉ giữa Ðấng Christ và Hội Thánh Ngài.

Tại sao một vua có cả ngàn vợ lại có thể yêu thương một người trong bọn họ đến nỗi đáng làm hình bóng về lòng yêu thương của Ðấng Christ đối với Hội Thánh Ngài? Nầy, một số thánh đồ Cựu Ước đã cưới nhiều vợ. Mặc dầu ngay từ ban đầu, luật pháp của Ðức Chúa Trời đã chống chủ nghĩa đa thê, theo như Ðấng Christ đã tuyên bố rõ ràng, nhưng đương thời Cựu Ước, Ðức Chúa Trời dường như đã chiều theo các phong tục đang thạnh hành một phần nào. Vua Chúa thường có nhiều vợ. Ðó là một trong những dấu hiệu của vương quyền. Vậy, sự tận tụy của Sa-lô-môn đối với giai nhơn nầy dường như là chân thành và quang minh. Lại nữa, ông là vua thuộc về gia tộc sẽ phát sanh Ðấng Mê-si. Vậy, cuộc hôn nhơn của ông làm hình bóng về cuộc hôn nhơn vĩnh cửu của Ðấng Mê-si với Tân phụ của Ngài, tưởng không phải là không thích đáng. Chúng tôi nghĩ rằng niềm vui của bài ca nầy sẽ lên tới tuyệt điểm khi muôn triệu tiếng "Ha-lê-lu-gia" vang lừng trong tiệc cưới Chiên Con (Khải Huyền 19:6-9).

Theo cách giải nghĩa bóng Cựu Ước do Origène khởi xướng vào thế kỷ thứ 3 S.C., một số người nhận thấy bản thi ca nầy ám chỉ tỉ mỉ về nhiều biến cố trong đời sống Ðấng Christ và lịch sử Hội Thánh. Chúng tôi tưởng tốt nhứt là đừng quá câu chấp đối với những cách giải thích ấy. Nhưng đối với chúng tôi, nó có vẻ hơi gò ép.

Ðoạn 1 -- Lòng yêu thương của tân phụ đối với vua. Phần nhiều là lời thiết tha, nồng nhiệt của nàng, xen vào có những câu đáp ngắn ngủi của vua và ban hợp xướng.

Ðoạn 2 -- Tân phụ vui thỏa vì lòng yêu thương của vua. Hầu hết là lời nàng nói một mình về sự ôm ấp của vua.

Ðoạn 3:1-5 -- Tân phụ chiêm bao thấy người yêu của mình biến mất, và vui mừng vì lại thấy chàng.

Ðoạn 3:6-11 -- Ðám cưới. Tại vườn ngự uyển, các cung nữ chào mừng xe đám cưới.

Ðoạn 4 -- Vua quí mến tân phụ. Nàng đáp lại, mời vua đến vườn của mình để sum vầy.

Ðoạn 5 -- Một chiêm bao khác. Lại thấy người yêu của mình biến mất sau cuộc sum vầy; nàng tỏ lòng chân thành thương mến chàng.

Ðoạn 6 -- Su-la-mít là người đẹp nhứt trong các người đẹp, ở giữa 140 mỹ nhơn trong cung vua; chính vua và các mỹ nhơn ấy cũng nhìn nhận nàng là đẹp nhứt.

Ðoạn 7 -- Họ tỏ lòng thành thực quí mến lẫn nhau bằng rất nhiều lời nói bóng giữa khúc ca mùa xuân.

Ðoạn 8 -- Lòng yêu thương của họ không dập tắt được, và sự phối hợp của họ không tiêu tan được. Một phần là lời của tân phụ, một phần là lời của ban hợp xướng.