Trang Đầu | Mục Lục | << Chương 69 | Chương 71 >> | Hướng Dẫn

THÁNH KINH

Thơ  I Giăng

 

 

Ðức Chúa Jêsus là Con Ðức Chúa Trời

Những kẻ theo Ngài phải làm sự công bình

Nếu chúng ta thuộc về Ngài, thì sẽ yêu thương lẫn nhau

 

Cũng như thơ Hê-bơ-rơ, thơ tín nầy không chỉ danh của tác giả và của người nhận thơ, mặc dầu nó tuyệt đối có tánh cách riêng vì thường dùng những chữ "ta" (tôi) và "anh em." Ngay từ lúc đầu, người ta đã thừa nhận đây là bức thơ của Sứ đồ Giăng gởi chung cho các chi hội ở chung quanh thành Ê-phê-sô, để nhấn mạnh vào những giáo lý chánh yếu của Tin Lành và để cảnh cáo về những tà giáo mới chớm nở, nhưng sau lại sanh ra cho đạo Ðấng Christ một hình thức bại hoại và ngoại đạo hóa.

Giăng. Theo truyền thoại được thừa nhận từ lâu đời, Giăng đã cư trú tại Giê-ru-sa-lem, phụng dưỡng mẹ của Ðức Chúa Jêsus cho tới khi bà qua đời; sau khi Giê-ru-sa-lem bị phá hủy, ông dời qua ở thành Ê-phê-sô. Vào lúc cuối thế hệ các Sứ dồ, Ê-phê-sô là trung tâm của đạo Ðấng Christ vì vị trí địa dư và số giáo hữu tại đó. Ông đã sống ở đây cho tới khi rất cao tuổi. Ông đặc biệt chăm nom các chi hội ở Tiểu-Á-tế-á. Trong số các môn đệ của ông có Polycarpe, PapiasIgnace, là những người đã trở thành Giám mục tại Si-miệc-nơ, Hiérapolis và An-ti-ốt. Lúc cao tuổi, tức là gần cuối thế kỷ, ông viết sách Tin Lành, ba thơ tín và sách Khải Huyền.

Bối cảnh của thơ tín. Ðạo Tin Lành đã ở giữa thế gian chừng 60 hoặc 70 năm; ở nhiều khu vực của đế quốc La-mã, đạo Chúa đã trở thành một tôn giáo trọng yếu và một ảnh hưởng mạnh mẽ. Lẽ tự nhiên, người ta cố gắng đủ cách để hỗn hợp Tin Lành với các triết lý và hệ thống tư tưởng đang thạnh hành. Một hình thức của chủ nghĩa duy trí (gnosticisme) đã phân chia Hội Thánh đương thời Sứ đồ Giăng; nó phóng đại giá trị của trí thức chủ nghĩa, và quả quyết rằng trong bổn tánh loài người có yếu tố bất khả dung hòa của nhị nguyên thuyết (dualisme); rằng thần linh và thân thể là hai thực thể (entité) riêng biệt, chống chọi với nhau; rằng tội lỗi chỉ ở trong xác thịt. Thần linh có thể có những khoái cảm của nó, và thân thể cũng có thể làm theo điều nó ưa thích. Sự tin kính thần bí, cao siêu của tâm thần hoàn toàn tương hợp với sự sanh hoạt khoái lạc, nhục dục. Chủ nghĩa nầy chối bỏ sự thành nhục thể của Ðấng Christ, và quả quyết rằng Ðấng Christ chỉ hiện hình người, chỉ là một ảo tượng; rằng một khi loại bỏ những ý niệm duy vật, tỉ như Ðức Chúa Trời trở thành nhục thể, thì người ta khả dĩ đạt tới bậc hiểu biết Ðức Chúa Trời một cách thiêng liêng hơn. Tại thành Ê-phê-sô, một người tên là Cerinthus, làm thủ lãnh phong trào nầy. Ông tự nhận đã có những sự từng trải thần bí trong tâm linh, và tôn cao sự hiểu biết Ðức Chúa Trời, song lại là một người dâm đãng, giống như các giáo sư gian ác đang khuấy rối Bảy Hội Thánh (Khải Huyền 2:2, 6, 14, 15, 20, 21). Suốt cả thơ tín nầy, dường như Giăng chú ý đến bọn tà giáo đó, và ông nhấn mạnh rằng sự thật hiểu biết Ðức Chúa Trời phải sanh ra sự biến cải phần đạo đức; rằng Ðức Chúa Jêsus thật là sự phát hiện thể chất và chân chánh của Ðức Chúa Trời trong xác thịt.

 

Ðoạn 1 -- Ðức Chúa Trời Là Sự Sáng

Tác giả là một bạn thiết của Ðấng Christ (câu 1-4), và là một người cộng sự với Ngài. "Tay chúng tôi đã rờ" (câu 1). Có lẽ Giăng dùng câu nầy vì cớ tà giáo lan tràn rằng Ðức Chúa Jêsus chỉ là một "ảo tượng." "Rờ" một "ảo tượng" thể nào được?

Ðức Chúa Trời là Sự Sáng (câu 5-10). Ðó là lời mở đầu sách Tin Lành (Giăng 1:4). Ðức Chúa Jêsus đã phán như vậy (Giăng 8:12). Nhiều điều trong thơ tín nầy giống như lời phán của Ðức Chúa Jêsus. "Sự sáng" chỉ về Nước chân lý, công bình, trong sạch, vui vẻ và vinh quang khôn tả xiết. "Tối tăm" chỉ về thế gian nầy có sự lầm lạc, xấu xa, nghi ngờ, sầu thảm, ngu dốt, gian ác. Theo một ý nghĩa thiết thực và trực tự (littéral), thì "sự sáng" có thể là một đặc tánh của Ðức Chúa Trời, vượt quá sự hiểu biết của con mắt xác thịt. Ðức Chúa Trời "ở nơi sự sáng không thể đến gần được" (I Ti-mô-thê 6:16); Ngài "bao phủ mình bằng ánh sáng" (Thi Thiên 104:2); "Cha sáng láng" là một trong những danh hiệu của Ðức Chúa Trời (Gia-cơ 1:17). Lúc Ðức Chúa Jêsus hóa hình, thì "áo xống Ngài trở nên sáng rực và trắng tinh" (Mác 9:3). Thiên sứ chứng kiến sự sống lại của Ðức Chúa Jêsus mặc "áo trắng như tuyết" (Ma-thi-ơ 28:2). Hai thiên sứ theo hầu Ðức Chúa Jêsus lúc Ngài thăng thiên cũng "mặc áo trắng" (Công vụ các sứ đồ 1:10). Trong sự hiện thấy ở sách Khải Huyền 1:14-16, "đầu và tóc" Ðức Chúa Jêsus "trắng như tuyết." Xem thêm ở Khải Huyền 3:4.

 

Ðoạn 2 -- Bước Ði Trong Sự Sáng, AntiCHRIST

Bước đi trong sự sáng (câu 1-17). Cùng đi với Ðức Chúa Trời chẳng có nghĩa là chúng ta phải hoàn toàn không vướng tội lỗi. Chúng ta đã phạm tội trong quá khứ, và còn có tội lỗi trong bổn tánh mình. Chúng ta được giao hảo với Ðức Chúa Trời chẳng phải nhờ sự vô tội của mình, bèn là nhờ Ðấng Christ chịu chết vì tội lỗi ta. Lúc nào ta cảm biết mình có một hành động tội lỗi, mà thật lòng khiêm nhường xưng tội với Chúa ngay, thì sự thông công của ta với Ðức Chúa Trời có thể không bị gián đoạn. Một trong những điều kiện để được tha thứ tội lỗi là chúng ta "giữ điều răn Ngài" (câu 4-6). Tuy nhiên, chính tội lỗi là không vâng giữ các điều răn của Ngài. Ðó là một trong những lẽ mâu thuẫn của Giăng. Theo một phương diện, người ta có thể được kể là công bình, hiền đức. Nhưng đó chẳng có nghĩa là họ đã hoàn toàn thoát khỏi tội lỗi. Những người thánh khiết hơn hết đều cảm biết sâu xa địa vị tội lỗi của mình. Xem thêm ở đoạn 3:1-12.

Antichrist (kẻ địch lại Ðấng Christ) (câu 18, 22; 4:3; II Giăng 7). Không còn chỗ nào khác trong Kinh Thánh dùng danh từ nầy. Người ta thường cho "kẻ địch lại Ðấng Christ" là một với "người tội ác" ở II Tê-sa-lô-ni-ca 2 và "con thú" ở Khải Huyền 13. Nhưng chính Kinh Thánh không đồng hóa như vậy. Lời lẽ của Giăng ngụ ý rằng ông dạy bảo các độc giả hãy trông đợi sẽ có Antichrist ở cuối kỷ nguyên Cơ-đốc-giáo (câu 18). Tuy nhiên, ông không ứng dụng danh từ nầy cho một người, song cho cả đám giáo sư chống lại Ðấng Christ (câu 18; 4:3). Ý tưởng của Tân Ước dường như là sự bội đạo sẽ dấy lên trong giới Cơ-đốc-giáo, sẽ phát hiện nhiều cách, và rốt lại, sẽ lên tới cực điểm trong một người, hoặc một tổ chức, hoặc cả hai.

* * *

Thơ  I Giăng 2

Ðoạn 3 -- Sư Công Bình, Sự Yêu Thương

Sự công bình (câu 1-12). Trong đoạn nầy có mấy lời tuyên bố rất mạnh mẽ về tội lỗi: "Ai phạm tội, thì chẳng từng thấy Ngài và chẳng từng biết Ngài" (câu 6); "Kẻ nào phạm tội là thuộc về ma quỉ" (câu 8); "Ai sanh bởi Ðức Chúa Trời, thì chẳng phạm tội" (câu 9). Nhưng ở đoạn 1:8, 10 Giăng vừa mới nói rằng: "Ví bằng chúng ta nói mình không có tội chi hết, ấy là chính chúng ta lừa dối mình;" và rằng: "Nhược bằng chúng ta nói mình chẳng từng phạm tội, ấy là chúng ta cho Ngài là kẻ nói dối." Chúng ta cắt nghĩa những lời tuyên bố mâu thuẫn nầy thế nào? Thứ nhứt, có sự khác nhau giữa phạm tội vì quen cố ý và phạm tội vì yếu đuối. Ðây phần lớn là vấn đề bổn tánh bề trong. Con phụng hoàng có thể lỡ nhúng cánh vào bùn, mà vẫn là con phụng hoàng. Thứ hai, có sự khác nhau giữa tuyệt đối và tương đối. So sánh với Ðức Chúa Trời, thì chúng ta là tội nhân. Nhưng so sánh chúng ta với những mực thước thường của loài người, thì có sự khác nhau rõ rệt giữa người công bình và người gian ác, mặc dầu người công bình chẳng phải là không có tội. Thứ ba, có lẽ Giăng nghĩ đến một vài giáo sư tà giáo, dầu họ khoe mình được thông công với Ðức Chúa Trời ở mức cao siêu hơn, nhưng đồng thời cũng ngụp lội trong sự ô uế, vô đạo, tỉ như Giê-sa-bên ở Thi-a-ti-rơ.

Sự yêu thương (3:13-24). Ðiểm chánh yếu của thơ tín nầy là sự yêu thương. "Sự yêu thương đến từ Ðức Chúa Trời" (4:7); "Ðức Chúa Trời là sự yêu thương" (4:8); "Ai ở trong sự yêu thương là ở trong Ðức Chúa Trời" (4:16); "Kẻ nào yêu, thì sanh từ Ðức Chúa Trời" (4:7); "Kẻ nào yêu, thì... nhìn biết Ðức Chúa Trời" (4:7); "Ai chẳng yêu, thì không biết Ðức Chúa Trời" (4:8); "Ai chẳng yêu, thì ở trong sự chết" (3:14); "Ai ghét anh em mình, là kẻ giết người" (3:15); "Ví có ai nói rằng: Ta yêu Ðức Chúa Trời, mà lại ghét anh em mình, thì là kẻ nói dối" (4:20); "Chúng ta biết rằng mình đã vượt khỏi sự chết qua sự sống, vì chúng ta yêu anh em mình" (3:14); "Kẻ nào chẳng yêu anh em mình thấy, thì không thể yêu Ðức Chúa Trời mình chẳng thấy được" (4:20); "Nếu ai có của cải đời nầy, thấy anh em mình đang cùng túng mà chặt dạ, thì lòng yêu mến Ðức Chúa Trời thể nào ở trong người ấy được?" (3:17); "Chúng ta yêu, vì Chúa đã yêu chúng ta trước" (3:19); "Hỡi kẻ rất yêu dấu, chúng ta hãy yêu mến lẫn nhau" (4:7); "Sự yêu thương trọn vẹn, thì cất bỏ sự sợ hãi" (4:18). Sự yêu thương không phải là không hòa hiệp với các đức tánh trượng phu. Giăng, Sứ đồ của sự Yêu thương, là một bậc đại trượng phu.

 

Ðoạn 4 -- Các Tiên Tri Giả, Sự Yêu Thương

"Hãy thử các thần" (câu 1-6). Lời nầy nghĩa là gì? Trong thế hệ các Sứ đồ, có những ân tứ đặc biệt của Ðức Thánh Linh (I Cô-rinh-tô 12), và cũng có kẻ mạo nhận có những ân tứ ấy. Khúc sách nầy tỏ ra cách thử nghiệm xem họ thật có hay không, -- tức là họ có nhìn nhận Ðấng Christ là Ðức Chúa Trời hay không?

Sự yêu thương (câu 7-21). Giăng trở lại đề mục mà ông ưa thích, là sự yêu thương, điểm chánh yếu của thơ tín nầy. Người ta thuật truyện tích về Giăng rằng khi ông già yếu quá, không đi được nữa, thì họ phải khiêng ông vào nhà thờ, và khi giảng, ông luôn luôn nói rằng: "Hỡi các con bé mọn, hãy yêu thương nhau." Khi họ hỏi tại sao ông lặp đi lặp lại cùng một lời ấy, thì ông đáp: "Ðó là điều răn của Chúa; khi chúng ta vâng giữ điều răn nầy, thì đã làm đủ rồi."

"Kẻ nói dối" (câu 20). Sứ đồ của sự Yêu thương là một người nói rất ngay thẳng. "Ai nói rằng: Ta yêu Ðức Chúa Trời, mà lại ghét anh em mình, thì là kẻ nói dối." "Ví bằng chúng ta nói mình được giao thông với Ngài, mà còn đi trong sự tối tăm, ấy là chúng ta nói dối" (1:6). "Kẻ nào nói: Ta biết Ngài, mà không giữ điều răn Ngài, là người nói dối" (2:4). "Ai là kẻ nói dối, há chẳng phải kẻ chối Ðức Chúa Jêsus là Ðấng Christ sao?" (2:22). Ấy tức là họ chối những chân lý đời đời của sự sanh tồn.

 

Ðoạn 5 -- Sự Biết Chắc

Chúng ta biết mình có sự sống đời đời (câu 21). "Biết" là một trong những chữ chánh yếu của thơ tín nầy. "Chúng ta biết Ngài" (2:3); "Chúng ta biết mình ở trong Ngài" (2:5); "Chúng ta biết rằng... chúng ta sẽ giống như Ngài" (3:2); "Chúng ta biết rằng mình đã vượt khỏi sự chết qua sự sống" (3:14); "Chúng ta biết mình là thuộc về lẽ thật" (3:19); "Chúng ta biết Ngài ở trong lòng chúng ta" (3:24); "Chúng ta biết mình ở trong Ngài" (4:13); "Chúng ta biết sự yêu thương của Ðức Chúa Trời đối với chúng ta" (4:16); "Chúng ta biết Ngài nghe chúng ta" (5:15); "Chúng ta biết mình thuộc về Ðức Chúa Trời" (5:19); "Ta đã viết những điều nầy cho các con, hầu cho các con biết mình có sự sống đời đời" (5:13). Có lẽ Giăng nhấn mạnh vào chữ "biết" vì cớ duy trí chủ nghĩa (gnosticisme) đang thạnh hành, và "hiểu biết" là chữ mà họ ưa nhứt. Trong khi mơ tưởng những điều mà họ chẳng biết chi hết, thì họ "biết" rất nhiều điều không thật. Giăng lặp đi lặp lại một vài điều mà tín đồ thật biết, và những điều ấy là thật.

Sự sống đời đời (câu 13). Chữ nầy được dùng rất nhiều lần trong sách Tin Lành Giăng. Sự sống đời đời bắt đầu khi một người tin nhận Ðấng Christ, và không bao giờ hết. Ấy là sự sống của Ðức Chúa Trời và vô cùng vô tận. Mục đích của thơ tín nầy là chứng quyết rằng chúng ta có sự sống đời đời (câu 13). Nhiều tín đồ ngã lòng vì không cảm biết chắc chắn rằng mình được cứu rỗi. Có khi ta nghe nói rằng nếu chúng ta không biết mình được cứu rỗi, thì đó là dấu hiệu tỏ ra mình không được cứu rỗi. Chúng tôi nghĩ rằng đó là một lời quả quyết cực đoan. Ðồng hóa sự biết chắc được cứu rỗi với sự cứu rỗi, thì sai lầm. Một hài nhi mới sanh ra, nhưng nó thật đã sanh ra. Khi nó lớn lên, thì sẽ biết chắc mình đã sanh ra. Chúng tôi tin rằng đức tin của tín đồ có thể càng ngày càng mạnh cho đến rốt lại, họ đạt tới sự hiểu biết chắc chắn, đầy trọn rằng mình đã được cứu rỗi.

Thánh Linh, Nước, và Huyết (câu 6-9). Chắc Giăng viết khúc sách mầu nhiệm nầy trong một trường hợp mà ta không biết, và trường hợp ấy làm cho khúc sách nầy có ý nghĩa khi nó được viết ra. Vì thơ tín nầy phát xuất trong bầu không khí chối bỏ sự thành nhục thể của Ðấng Christ, nên khúc sách nầy có thể chỉ về cái thực sự rằng Ðấng Christ thật đã chịu báp-têm -- khi ấy có Ðức Thánh Linh làm chứng, -- và thật đã chịu chết.

Tội lỗi đến nỗi chết (câu 16). Ðây có lẽ là tội lỗi không tha thứ được mà Ðức Chúa Jêsus đã phán tỏ (Ma-thi-ơ 12:31-32). Kết quả của tội lỗi nầy là linh hồn bị hủy diệt và tuyệt vọng. Thơ Hê-bơ-rơ 6:4-6 và 10:26 cũng có nói đến một tội lỗi giống như vậy. Xem lời chú giải thơ Hê-bơ-rơ 6:4-8.