Trang Đầu | Mục Lục | << Chương 92 | Chương 94 >> | Hướng Dẫn

THÁNH KINH

Sử Ký Hội Thánh 14

Các Bậc Tiền Khu Của Cuộc Cải Chánh

Giáo phái Pétrobusien, do Pierre de Bruys, môn đệ của Abelard, sáng lập năm 1110 tại Pháp, không công nhận lễ Mi-sa; họ cũng quả quyết rằng Tiệc Thánh là một lễ kỷ niệm, và các Mục sư đáng phải cưới vợ.

Arnaud de Brascia, môn đệ của Abelard, năm 1155, giảng rằng Hội Thánh không nên có tài sản, quyền hành chánh thuộc về những người không có phẩm chức Hội Thánh, và thành La-mã phải được giải phóng khỏi quyền cai trị của Giáo hoàng. Ông bị thắt cổ chết theo lời yêu cầu của Giáo hoàng Adrien IV.

Giáo phái Albigeois, hoặc Cathares, ở miền Nam nước Pháp, miền Bắc Tây-ban-nha, và miền Bắc Ý-đại-lợi. Giảng chống lại hành vi hủ hoại của các thầy cả, sự thăm viếng các nơi thánh, sự thờ lạy các thánh và ảnh tượng; hoàn toàn không công nhận giới phẩm chức Giáo hội và các điều họ tự nhận; chỉ trích tình trạng Giáo hội; phản đối những yêu sách của Giáo hội La-mã; dùng Kinh Thánh rất nhiều; sống cuộc đời từ bỏ mình và rất sốt sắng đối với sự thanh khiết của tâm hồn. Khoảng năm 1167, giáo phái nầy có lẽ gồm đa số dân chúng miền Nam nước Pháp. Khoảng năm 1200, họ rất đông đúc ở miền Bắc Ý-đại-lợi. Năm 1208, Giáo hoàng Innocent III truyền lịnh mở một cuộc viễn chinh chống họ; theo sau đó, có một cuộc chiến tranh tuyệt diệt đẫm máu, hầu như độc nhất vô song trong lịch sử; lưỡi gươm đi qua hết thị trấn nầy đến thị trấn kia, dân chúng bị tàn sát không phân biệt tuổi tác, nam, nữ. Năm 1229, Tôn giáo Pháp đình được thiết lập, và trong vòng 100 năm, giáo phái Albigeois đã hoàn toàn bị trừ khử.

Giáo phái Vaudois ở miền Nam nước Pháp và miền Bắc Ý-đại-lợi. Giống như giáo phái Albigeois, nhưng không phải là một. Năm 1176, Waldo, một thương gia giàu có ở thành Lyon, miền Nam nước Pháp, đem tài sản phân phát cho người nghèo, rồi đi giảng đạo. Ông phản đối sự tiếm vị và phóng đãng của giới phẩm chức Giáo hội; không thừa nhận sự giảng Tin Lành là độc quyền của giới ấy; không nhìn nhận lễ Mi-sa, sự cầu nguyện cho kẻ chết và nơi luyện tội; dạy rằng Kinh Thánh là mực thước duy nhất cho đức tin và đời sống. Sự giảng dạy của Giáo phái nầy khiến dân chúng nôn nả ham thích đọc Kinh Thánh. Giáo phái nầy lần lần bị Tôn giáo Pháp đình trừ diệt; duy ở thung lũng dãy núi Alpes, về phía Tây nam thành Turin, ta còn thấy họ; đó là giáo phái duy nhất thời Trung cổ còn sống sót, để kể lại truyện tích anh dũng chịu đựng các cơn bắt bớ. Ngày nay, giáo phái nầy là đoàn thể Tin Lành quan trọng nhất ở nước Ý.

Pétrarque (1304-1374), Lãnh tụ trọng yếu của cuộc Phục hưng Văn nghệ; nói rằng Avignon, trú sở của các Giáo hoàng, là "cái rãnh của địa ngục."

Jean Wyclif (1324-1384), giáo sư tại thành phố Oxford, nước Anh. Giảng chống lại sự đô hộ thiêng liêng của giới thầy cả và quyền hành của Giáo hoàng; phản đối sự có các Giáo hoàng, Hồng y Giáo chủ, Giáo trưởng và tu sĩ; công kích giáo lý về sự biến thể (transsubstantiation) và sự xưng tội với thầy cả; binh vực dân chúng có quyền đọc Kinh Thánh; dịch Kinh Thánh ra tiếng Anh. Những người theo ông gọi là Lollards.

Jean Huss (1369-1415). Ðại học Viện trưởng tại thành Prague, xứ Bohême. Ông là môn đệ của Wiclif, và các tác phẩm của Wiclif đã được đem vào xứ Bohême. Ông trở thành một nhà Truyền đạo can đảm, chẳng sợ hãi ai; công kích thói hư tật xấu của giới phẩm chức Giáo hội và các sự hư hoại của Giáo hội; hết sức hăng hái lên án sự bán phiếu ân xá; không thừa nhận nơi luyện tội, sự thờ lạy các thánh, và sự hành lễ bằng ngoại ngữ; tôn cao Kinh Thánh lên trên các tín điều và mạng lịnh của Giáo hội. Ông bị thiêu sống trên giàn, và các môn đệ của ông, phần lớn là dân xứ Bohême, đã bị tiêu diệt gần hết trong một cuộc viễn chinh theo lịnh của Giáo hoàng.

Savonarole (1452-1498) ở thành Florence, nước Ý. Giảng dạy như một đấng tiên tri Hê-bơ-rơ, cho những đoàn dân đông đúc kéo đến nhà thờ của ông; ông chống lại sự phóng đãng và tội lỗi của thành nầy, cùng thói hư tật xấu của Giáo hoàng. Dân thành nầy ăn năn và cải cách. Nhưng Giáo hoàng Alexandre VI tìm đủ cách bịt miệng nhà Truyền đạo công bình nầy, thậm chí thử hối lộ ông bằng cách hứa phong cho ông làm Hồng y Giáo chủ, nhưng vô ích. Ông bị treo cổ chết giữa đại công trường thành Florence 19 năm trước khi Martin Luther niêm yết 95 luận đề.

Giáo phái Anabaptiste xuất hiện giữa thời Trung cổ, ở nhiều nước Âu-châu, dưới nhiều danh hiệu khác nhau, họp thành những nhóm độc lập, và đại diện cho nhiều giáo lý khác nhau. Nhưng nói chung, họ hăng hái chống lại giới phẩm chức Giáo hội, không thừa nhận sự làm lễ báp-têm cho trẻ sơ sanh, chuyên tâm học Kinh Thánh, và chủ trương Giáo hội phải tuyệt đối phân rẽ với nhà nước. Ðương thời Cải chánh, họ rất đông đúc ở Ðức, Hòa-lan, Thụy-sĩ, và trường cửu hóa những tư tưởng đã lưu truyền từ bao nhiêu thế hệ trước. Nói chung, họ là những người lặng lẽ và thật sùng kính Chúa, nhưng đã bị bắt bớ kịch liệt, nhất là ở Hòa lan.

Cuộc Phục hưng Văn nghệ đã thực hiện, một phần như là kết quả do các cuộc Viễn chinh của Thập tự quân, cuộc Phục hưng ấy, cùng áp lực của người Thổ-nhĩ-kỳ và sự suy vong của thành Constantinople, đã giúp cho phong trào Cải chánh. Người ta sanh ra ham mến những tác phẩm cổ điển, và bỏ ra bao nhiêu số tiền rất lớn để thâu thập các bản thảo và sáng lập thư viện. Chính lúc đó, người ta sáng chế được máy in, và kết quả có rất nhiều tự điển, sách văn phạm, bản dịch và sách giải nghĩa. Người ta nghiên cứu Kinh Thánh nguyên văn. "Vì lại biết nguồn gốc của đạo Ðấng Christ, nên người ta thấy chỗ khác nhau tột bậc giữa sự giản dị nguyên thủy của Tin Lành và sự giả tạo của giới phẩm chức Giáo hội vẫn tự nhận là xây dựng trên Tin Lành ấy." "Sở Dĩ Có Cuộc Cải Chánh Là Vì Tâm Trí Người Ta Ðược Tiếp Xúc Thẳng Với Kinh Thánh." Kết quả là tâm trí loài người được giải phóng khỏi quyền hành của giới thầy cả và của Giáo hoàng.

Erasme (1466-1536) là học giả tiếng tăm nhứt và người viết sách được hoan nghinh nhứt đương thời Cải chánh. Dục vọng lớn lao của ông là giải phóng người ta khỏi những ý niệm giả dối về tôn giáo; ông cho rằng phương pháp tốt nhứt để làm việc ấy là quay về với Kinh Thánh. Bản Tân Ước tiếng Hi-lạp của ông hiến cho các dịch giả một bản văn rất đúng để phiên dịch. Ông là người chỉ trích Giáo hội Công giáo La-mã rất kịch liệt, và đặc biệt ưa thích chế giễu "bọn người ô uế bận áo thánh." Ông giúp cuộc Cải chánh rất nhiều, nhưng không hề gia nhập phong trào ấy.

Tình hình. Sự bất mãn ngày càng lan rộng trước sự hư hoại của Giáo hội và của giới phẩm chức Giáo hội. Dân chúng đã hóa ra bướng bỉnh dưới sự tàn khốc của Tôn giáo Pháp đình. Các nhà cầm quyền hành chánh đã chán ghét sự Giáo hoàng can thiệp vào các công tác của chánh phủ. Tây-âu xao xuyến dưới hệ thống phẩm chức Giáo hội bắt họ làm tôi mọi; vậy, "khi tiếng kèn của Luther vang dậy, thì nước Ðức, nước Anh, xứ Tô-cách-lan và nhiều nước khác giựt mình vùng lên, chẳng khác gì những người khổng lồ đang ngủ thức dậy."