Trang Đầu | Mục Lục | << Chương 95 | Chương 97 >> | Hướng Dẫn

THÁNH KINH

Sử Ký Hội Thánh 17

Cuộc Cải Chánh 3

Tại Tây-ban-nha, cuộc Cải chánh không bao giờ tấn bộ được, vì Tôn giáo Pháp đình đã có ở đó. Một bàn tay tàn nhẫn đã đè bẹp mọi sự cố gắng giành quyền tự do hoặc tư tưởng độc lập. Torquemada (1420-1498), một tu sĩ dòng Dominicain, đứng đầu bọn thẩm phán Tôn giáo Pháp đình, trong 18 năm, đã thiêu chết 10.200 người và bỏ tù chung thân 97.000 người. Các nạn nhân thường bị thiêu sống ở công trường; đó là cơ hội cho giới tôn giáo ăn mừng. Từ 1481 đến 1808, có rất ít là 100.000 người bị giết và 1 triệu rưỡi người bị lưu đày. "Trong thế kỷ thứ 16 và 17, Tôn giáo Pháp đình dập tắt sự sanh hoạt văn chương ở Tây-ban-nha, và hầu như loại nước ấy ra khỏi nền văn minh Âu-châu." Khi cuộc Cải chánh nhóm lên, thì Tây-ban-nha là nước hùng mạnh nhứt thế giới. Ðịa vị lu mờ hiện tại của Tây-ban-nha ở giữa các dân chứng tỏ chế độ Giáo hoàng có thể làm gì cho một nước.

Hải quân Tây-ban-nha (1588) gọi là "Armada." Một đặc điểm của chiến lược dòng Jésuite là tìm cách lật đổ các nước theo đạo Tin Lành. Giáo hoàng Grégoire XIII "chẳng từ chút gì để thúc đẩy Philippe II, hoàng đế Tây-ban-nha, khai chiến với nước Anh theo đạo Tin Lành." Sixte V lên ngôi Giáo hoàng lúc kế hoạch nầy gần thực hiện, và ông gọi nó là một cuộc viễn chinh của Thập-tự-quân (croisade), nghĩa là ông tặng phiếu ân xá cho những kẻ dự chiến. Lúc đó, Tây-ban-nha có hải quân hùng mạnh nhứt từng ở trên mặt biển; nhưng "Armada" kiêu hãnh đã bị thảm bại ở eo biển Manche. "Cuộc đắc thắng của nước Anh là chỗ rẽ cuối cùng trong cuộc đấu kiếm vĩ đại giữa đạo Tin Lành và đạo La-mã; nó chẳng những giữ vững nước Anh và xứ Tô-cách-lan cho chánh nghĩa Tin Lành, song cũng giữ Hòa-lan, miền Bắc nước Ðức, Ðan-mạch, Thụy-điển, Na-uy nữa."

Ở nước Anh, cuộc khởi nghĩa đi trước, cuộc Cải chánh theo sau. Từ thời Guillaume le Conquérant (1066), đã có nhiều lần người Anh phản đối việc Giáo hoàng kiểm soát nước Anh. Henri VIII (1509-1547) tin như các vị tiền bối của mình rằng Hội Thánh Anh quốc phải độc lập đối với Giáo hoàng, và vua phải là đầu (thủ lãnh) của Hội Thánh ấy. Vụ ly dị của ông vua nầy không phải là nguyên nhân, mà là cơ hội để ông ly khai với Giáo hội La-mã. Henri không phải là bậc thánh, nhưng Giáo hoàng đồng thời với ông, là Paul III, cũng chẳng phải là bậc thánh, vì ông có rất nhiều con không chánh thức. Năm 1534, Hội Thánh Anh quốc dứt khoát chối bỏ quyền hành của Giáo hoàng, và tự tạo một đời sanh hoạt độc lập dưới sự lãnh đạo tinh thần của Tổng giám mục ở Canterbury, còn Henri VIII nhận tước vị là "Thủ lãnh Tối cao" để điều khiển các việc đời nầy và các mối liên lạc chánh trị của nước Anh. Thomas Cranmer là Tổng giám mục ở Canterbury, và cuộc Cải chánh bắt đầu dưới đời ông nầy. Các tu viện bị hủy bỏ, viện cớ nó hủ hoại. Kinh Thánh tiếng Anh được đặt ở các nhà thờ, và có quyển Cầu nguyện để dùng trong các cuộc thờ phượng bằng tiếng Anh; các chi hội cổi bỏ nhiều tục lệ của La-mã giáo. Dưới đời trị vì kế tiếp của Edouard VI (1547-1553), cuộc Cải chánh tấn bộ rất nhiều. Nhưng Nữ hoàng Mary khát máu (1553-1558) quyết cố gắng khôi phục La-mã giáo, và dưới đời trị vì của bà, nhiều tín đồ Tin Lành đã tuận đạo, trong số ấy có Latimer, RidleyCranmer. Dưới đời trị vì của Nữ hoàng Elizabeth (1558-1603), dân chúng lại được quyền tự do, và Hội Thánh Anh quốc được tái lập dưới hình thức còn đến ngày nay. Từ Hội Thánh Anh quốc đã phát xuất các giáo phái Puritain (Thanh giáo) và Méthodiste (Giám lý).

Ở xứ Tô-cách-lan vẫn còn ảnh hưởng của Wicliff. Khoảng 1528, giáo lý của Luther truyền bá tới đây, và giáo lý của Calvin theo sau. Truyện tích Cải chánh ở Tô-cách-lan chính là truyện tích John Knox.

John Knox (1515-1572) là một Linh mục Tô-cách-lan; khoảng năm 1540, ông bắt đầu dạy những tưởng Cải chánh. Năm 1547, ông bị quân đội Pháp bắt giải qua Pháp, tại đây ông làm tôi mọi trên một chiến thuyền suốt 19 tháng. Do ảnh hưởng của chánh phủ Anh, ông được thả ra, và năm 1549, ông trở về nước Anh, tiếp tục giảng dạy. Khi Nữ hoàng Mary khát máu lên ngôi năm 1553, ông đi qua Genève, tại đây ông hoàn toàn tiếp nhận giáo lý của Calvin. Năm 1559, Nghị viện của các vương hầu Tô-cách-lan triệu ông về xứ để làm thủ lãnh phong trào cải cách quốc gia. Tình hình chính trị khiến cuộc cải cách Hội Thánh và nền độc lập quốc gia trở thành MộT phong trào. Mary, nữ hoàng Tô-cách-lan, đã lấy Francois II, vua Pháp, là con trai của Catherine de Médicis (nổi danh vì cuộc tàn sát Saint Barthélemy). Như vậy, Tô-cách-lan và Pháp là thông gia, và ngôi vua của họ liên kết với nhau vì cuộc hôn nhân. Chánh quyền nước Pháp có ý tiêu diệt đạo Tin Lành. Philippe II, vua Tây-ban-nha, và nhiều người Công giáo khác toan mưu sát nữ hoàng Elizabeth để đặt Mary, nữ hoàng Tô-cách-lan, lên ngôi nước Anh. Giáo hoàng Pie V ủng hộ mưu chước ấy bằng cách ra sắc lịnh dứt phép thông công Elizabeth và giải phóng thần dân của bà khỏi phục tòng bà nữa (theo giáo lý của dòng Jésuite, thì đó có nghĩa là kẻ giết bà sẽ có một hành động hầu việc Ðức Chúa Trời). Như vậy, đang khi Hội Thánh Tô-cách-lan ở dưới sự kiểm soát của Pháp, thì không thể nào cải chánh được. John Knox tin rằng tương lai của đạo Tin Lành tùy thuộc một cuộc liên minh giữa nước Anh theo đạo Tin Lành và xứ Tô-cách-lan theo đạo Tin Lành. Ông tự tỏ ra là một bậc lãnh tụ kỳ diệu. Hội Thánh Cải chánh thành lập năm 1560; và với sự giúp đỡ của nước Anh, khoảng năm 1567, quân Pháp đã bị đánh đuổi; La-mã giáo đã bị quét sạch trơn trọi hơn là ở bất cứ nước nào khác. John Knox đã dự phần lớn tạo nên xứ Tô-cách-lan, tới ngày nay vẫn còn y nguyên vậy.

Cuộc Phản cải chánh.-- Trong 50 năm, cuộc Cải chánh đã nắm chặt Âu-châu, gồm phần lớn nước Ðức, Thụy-sĩ, Hòa-lan, Thụy-điển, Na-uy, Anh, Tô-cách-lan, xứ Bohême, Áo, Hung, Ba-lan, và tiến mạnh tới Pháp. Ðó là một đòn kinh khủng cho Giáo hội La-mã, và đến phiên Giáo hội nầy tổ chức cuộc Phản cải chánh. Nhờ Giáo hội nghị Trente (họp 18 năm, từ 1545 đến 1563), dòng Jésuite và Tôn giáo Pháp đình, một số điều quá lạm tinh thần của chế độ Giáo hoàng đã bị bãi bỏ. Khoảng cuối thế kỷ nầy, La-mã đã được tổ chức để tấn công đạo Tin Lành; dưới sự lãnh đạo xuất sắc và tàn ác của dòng Jésuite, La-mã chiếm lại được nhiều đất đai đã mất, tức là miền nam nước Ðức, xứ Bohême, Áo, Hung, Ba-lan, Bỉ, và đè bẹp cuộc Cải chánh ở pháp. Trong vòng 100 năm, khoảng 1689, cuộc Phản cải chánh đã tung ra hết lực lượng. Các vua chúa nòng cốt đã đánh trận cho Giáo hoàng là: Charles V (1519-1556), vua Tây-ban-nha, đánh tín đồ Tin Lành ở Ðức; Philippe II (1556-1598), vua Tây-ban-nha, chống Hòa-lan và Anh; Ferdinand II (1619-1637), vua Áo, đánh người xứ Bohême (ba ông nầy là hoàng đế của đế quốc La-mã thánh); Cathérine de Médicis, mẹ của ba vua nước Pháp, là Francois II (1559-1560), Charles IX (1560-1574), và Henri III (1574-1589), đã đánh trận để tuyệt diệt người Huguenots.