Trang Đầu | Mục Lục | << Chương 1 | Chương 3 >> | Hướng Dẫn

Chương 2

NGÀI HÀNH ĐẠO...

Có lần, Giê-xu hỏi thẳng các môn đồ của Ngài: “Các ngươi biết ta là ai không?” Phi-e-rơ thưa: “Thầy là Chúa Cứu Thế, Con Thượng Đế hằng sống!”1 Phi-e-rơ trả lời như vậy vì ông không còn câu trả lời nào khác. Hơn ai hết, Phi-e-rơ biết rõ về đời sống và sự khôn ngoan của Giê-xu. Biến kiến thức nầy thành những phương trình để giải bài toán về Ngài, Phi-e-rơ thấy rõ rằng Giê-xu không thể nào khùng hay khoác lác ba hoa.

Có lẽ ít ai cho Giê-xu là một người điên, tưởng mình là Con Thượng Đế, dầu thật sự chỉ mang thân phận con người. Thật ra, trên đời nầy những người như vậy không phải là hiếm. Các bệnh viện tâm trí chứa đầy những người tự xưng là Hoàng Đế, là Napoléon, hay ngay cả là Giê-xu tái sanh. Họ vào đó vì không ai tin họ, có chăng là các bệnh nhân khác là đồng viện. Người ta không tin vì đời sống của họ không phù hợp với lời họ tự nhận.

Ngược lại, trong trường hợp Giê-xu, không những có nhiều người tin nhưng Ngài còn có một ảnh hưởng sâu đậm trên thế giới hơn bất cứ một ai. Sanh ra trong một gia đình thợ mộc nghèo hèn, Ngài đã chinh phục nhiều người hơn Thành Cát Tư Hãn. Ngài không có một mảnh bằng, nhưng những lời Ngài dạy đã cho con người thấy rõ về mình và Thượng Đế hơn bất cứ một triết gia nào khác trên đời. Ngài chưa từng bước ra khỏi nơi chôn nhau cắt rốn hơn hai trăm dặm, nhưng danh Ngài đã lừng lẫy khắp năm châu. Ngài chưa hề viết một cuốn sách, nhưng sách viết về Ngài nhiều hơn về bất cứ người nào khác. Ngài chưa hề soạn một bài hát, nhưng những bài ca tán tụng danh Ngài ngân vang trên khắp mọi nơi.

Người ta tin Giê-xu vì tất cả mọi khía cạnh khác của cuộc đời Ngài phù hợp với lời tự nhận của Ngài.

Trước hết, nếu thật sự là Con Thượng Đế thì Giê-xu phải không có tội. Không tội đây không chỉ có nghĩa là chưa bao giờ bị tòa kết án vì làm hại kẻ khác, nhưng bao hàm một ý nghĩa tuyệt đối, vượt lên trên tình trạng tội lỗi của con người.

Điều khó là không ai có thể chứng minh được rằng Giê-xu vô tội một cách tuyệt đối. Chúng ta chỉ có thể ghi nhận rằng, với một lối dạy dỗ thẳng thắn, Giê-xu đã bị nhiều người chống lại Ngài. Có lần Ngài thách thức họ: “Anh em đã cố gắng bới lông tìm vết, nhưng có ai tìm thấy một lỗi lầm nào trong đời tôi không?”2 Không ai trả lời.

Trong dịp khác, Mác ghi lại rằng người Do-thái buộc Giê-xu bốn tội. Tội đầu tiên là phạm thượng, vì Ngài nhận mình là Con Thượng Đế. Tội thứ hai là thân thiện với những người mang tiếng xấu như những người thâu thuế; đối với họ, những người nầy là cặn bã của xã hội nên cần phải tránh xa. Tội thứ ba là hững hờ với các nghi lễ tôn giáo, vì Ngài không bắt môn đồ của Ngài nhịn ăn hằng tuần. Tội thứ tư là chữa bịnh và để các môn đồ ngắt bông lúa trong ngày thứ bảy, là ngày ai cũng phải nghỉ ngơi theo lời dạy trong Cựu Ước.3

Quả thật đây là một vòng lẩn quẩn. Nếu Giê-xu thật sự là Con Thượng Đế thì Ngài xưng như vậy có gì là phạm thượng? Còn tội làm bạn với những kẻ đáng khinh cũng vô lý không kém. Thượng Đế có thể “gần bùn nhưng vẫn không tanh mùi bùn,” không cần tránh xa những người mang tiếng xấu để giữ mình trong sạch. Hơn nữa, theo Ngài, “Người bệnh mới cần y sĩ, chứ người khỏe mạnh không cần! Ta đến trần gian không phải để thuyết giảng cho người thánh thiện, nhưng để kêu gọi người có tội quay về với Thượng Đế.”4 Còn nếu nhịn ăn là một lối để bày tỏ sự buồn khổ thương xót,5 thì cớ sao các môn đồ của con Thượng Đế phải nhịn ăn khi sống bên Ngài? Cũng vậy, nếu ngày cuối tuần là ngày Thượng Đế đặt cho con người, và nếu Giê-xu là Con Thượng Đế, thì cớ sao Ngài phải tuân theo? Ngài trả lời: “Chúa Cứu Thế cũng là Chúa của ngày lễ.”6 Ngài phán thêm: “Lễ cuối tuần được lập ra để giúp loài người, chứ không phải loài người được tạo nên để phục vụ ngày lễ đó.”7 Thâm thúy biết bao!

Cuối cùng, khi Ngài bị bắt đem ra trước Hội Đồng Quốc Gia Do-thái, những kẻ chống lại Ngài đã phải mướn người làm chứng dối, nói nghịch lại Ngài. Không may cho họ, những lời chứng này lại mâu thuẫn với nhau. Cuối cùng, Thầy Tế Lễ Tối Cao mới hỏi: “Anh có phải là Chúa Cứu Thế, Con Thượng Đế không?” Giê-xu đáp: “Phải! Rồi đây các ngươi sẽ thấy ta ngồi bên phải ngai Thượng Đế, và cỡi mây trời trở lại trần gian.” Thầy Tế Lễ Tối Cao liền xé áo mình, tuyên bố: “Chúng ta cần gì nhân chứng nữa! Quý ngài vừa nghe tận tai lời phạm thượng. Vậy, quý ngài quyết định thế nào?” Các lãnh tụ Do-thái đồng ý lên án tử hình Giê-xu.8 Quanh đi quẩn lại cũng chỉ vì tội tự nhận là con Thượng Đế!

Lãnh thổ Do-thái lúc bấy giờ nằm dưới quyền thống trị của Đế Quốc La-mã, nên bản án tử hình của Hội Đồng Quốc Gia Do-thái cần phải được Tổng Trấn Phi-lát phê chuẩn. Phi-lát nhiều lần tìm cách trốn tránh trách nhiệm, nhưng vì áp lực mạnh mẽ của người Do-thái, đã phải đồng ý xử tử Giê-xu. Tuy nhiên, trước đó ông lấy nước rửa tay trước mặt mọi người và tuyên bố: “Ta không tham dự vào việc giết người nầy! Trách nhiệm về phần các anh!”9 Theo ông, “Giê-xu có tội gì đâu?”10

Kinh nghiệm cho thấy rằng, khi gần người xấu xa, chúng ta không thấy mình tội lỗi bằng khi gần người tốt. Càng đến gần sự trong sạch vẹn toàn, ta càng cảm thấy mình nhơ bẩn; càng đến gần nét đẹp tuyệt vời, ta càng cảm thấy mình xấu xa đen tối. Đây cũng là kinh nghiệm của người Do-thái. Với họ, Thượng Đế là Đấng Thánh Thiện Tuyệt Đối. Vì vậy, một người Do-thái có thể lên mặt khinh bỉ người khác nhưng không ai có đầu óc sáng suốt lại nghĩ mình hoàn toàn vô tội, nhất là trong những lúc họ hướng lòng đến Thượng Đế. Kinh Thánh kể lại rằng khi nhà tiên tri Ê-sai thấy Thượng Đế ngồi trên ngôi cao sang, phản ứng đầu tiên của ông là buột miệng than: “Khốn nạn cho tôi! Xong đời tôi rồi! Vì tôi là người có môi dơ dáy, ở giữa một dân có môi dơ dáy!”11

Thế mà, trong cùng một câu nói, Giê-xu khẳng định rằng mình luôn ở với Thượng Đế cao sang, nhưng không bao giờ cảm thấy tội lỗi: “Đấng sai ta vẫn ở với ta, không bao giờ để ta cô đơn, vì ta luôn luôn làm vui lòng Ngài.”12

Nếu tôi nói: “Einstein thích nói chuyện với tôi, vì ông thấy tôi rất thông minh,” thì hoặc tôi điên, hoặc tôi thật thông minh xuất chúng. Cũng vậy, nếu ta đặt mình vào lối suy nghĩ của người Do-thái lúc bấy giờ, một lần nữa, chúng ta phải nhận rằng Giê-xu chỉ có thể hoặc là một người không biết xấu hổ là gì, hoặc là Con của Thượng Đế, tuyệt đối vô tội và luôn làm đẹp lòng Ngài.

Sự khác người đến độ khó hiểu nầy không phải là một vài trường hợp lẻ tẻ. Trong suốt các sách Phúc Âm, Giê-xu luôn dạy rằng con người đầy tội lỗi. Thế mà khi xem xét thật kỹ những lời nói của Ngài, không ai tìm được một bằng cớ nào chứng tỏ rằng Ngài cho mình cũng tội lỗi như vậy.

Thật ra, nếu Giê-xu có một tội lỗi bí mật nào đó, thì chúng ta sẽ khó công nhận rằng Ngài là tác giả của những bài giảng luân lý tuyệt tác vẫn còn lưu truyền cho đến ngày nay.

Xin chúng ta đọc một vài đoạn trong “Bài Giảng Trên Núi” của Ngài:

Phúc cho ai biết tâm linh mình nghèo khổ, vì sẽ hưởng Nước Trời.

Phúc cho người than khóc, vì sẽ được an ủi.

Phúc cho kẻ khiêm nhu, vì sẽ được đất đai.

Phúc cho người khao khát điều công chính, vì sẽ được thỏa mãn.

Phúc cho kẻ có lòng thương người, vì sẽ được Chúa thương.

Phúc cho tâm hồn trong sạch, vì sẽ thấy Thượng Đế.

Phúc cho người hòa giải, vì sẽ được gọi là con của Thượng Đế.

Phúc cho ai chịu khủng bố khi làm điều công chính, vì sẽ hưởng Nước Trời.

Phúc cho các con khi bị người ta nhục mạ khủng bố và vu cáo đủ điều chỉ vì các con theo ta. Các con nên hân hoan mừng rỡ, vì sẽ được giải thưởng lớn trên trời. Ngày xưa, các nhà tiên tri cũng từng bị khủng bố hãm hại như thế.13

Luật pháp Môi-se dạy: “Không được phạm tội ngoại tình.” Nhưng ta bảo các con: Người nào nhìn đàn bà với con mắt thèm muốn là đã phạm tội ngoại tình trong lòng rồi. Nếu mắt bên phải gây cho các con phạm tội, cứ móc quăng đi, vì thà chột mắt còn hơn cả thân thể bị ném vào hỏa ngục. Nếu tay phải gây cho các con phạm tội, cứ cắt bỏ đi, vì thà cụt tay còn hơn cả thân thể bị sa vào hỏa ngục.14

Luật pháp Môi-se dạy: “Người nào móc mắt kẻ khác, phải bị móc mắt; ai đánh gãy răng người, phải bị đánh gãy răng.” Nhưng ta bảo: Đừng chống cự bạo lực! Nếu các con bị tát má bên này, cứ đưa luôn má bên kia! Nếu có người đưa các con ra tòa để đoạt chiếc áo ngắn, cứ cho luôn áo dài. Nếu có ai bắt các con khuân vác một dặm đường, nên đi luôn hai dặm. Ai xin gì, cứ cho; ai mượn gì, đừng từ chối.15

Những bài giảng của Giê-xu không phải chỉ là những lời nói khô khan nhưng có một quyền uy thật lạ lùng khiến người nghe phải ngạc nhiên. Có lần, các nhà lãnh đạo Do-thái phải hỏi nhau: “Ông này có đi học đâu? Sao mà uyên bác thế?” Giê-xu đáp: “Ta không đặt ra những lời này. Đó là lời Thượng Đế, Đấng sai ta xuống trần gian. Người nào sẵn lòng làm theo ý muốn Thượng Đế hẳn biết lời ta dạy là của Thượng Đế hay của ta.”16

Chúng ta tin những lời này? Hay vẫn còn cho Ngài là một người có biệt tài nói khoác?

Có lẽ giờ đây bạn đang nhủ thầm: “Đừng nghe những gì Giê-xu nói; nhưng hãy nhìn những gì Giê-xu làm!” Đây là một thái độ chín chắn và vì thế xin chúng ta nhìn vào những điều Giê-xu đã làm.

Theo các ông Ma-thi-ơ, Mác, Lu-ca và Giăng, Giê-xu làm nhiều điều mà chúng ta chỉ có thể gọi là phép lạ. Ngài đi bộ trên mặt biển;17 gió ngưng và biển lặng theo lệnh Ngài.18 Ngài hóa nước thành rượu,19 biến năm ổ bánh và hai con cá thành thức ăn cho cả năm ngàn người.20 Ngài làm người què đi được,21 người câm biết nói22 và người mù thấy đường.23 Ngài cầm tay một em bé thì em đứng dậy.24 Ngài đặt tay lên một quan tài và gọi thì chàng thanh niên đã chết trong đó ngồi lên.25 Ngài kêu: “La-xa-rơ, ra đây!” thì La-xa-rơ bước ra khỏi mộ, mặc dầu đã bị chôn ba ngày, tay chân còn quấn vải liệm, mặt còn phủ khăn.26

Chúng ta có thể nghi ngờ những phép lạ này và coi chúng chỉ là sản phẩm của óc tưởng tượng của các tác giả. Tuy nhiên, khi chúng ta nhìn đến hai lý lẽ sau đây, sự nghi ngờ của chúng ta sẽ không còn mạnh nữa.

Thứ nhất là những phép lạ này thường được thực hiện trước đám đông chứ không phải chỉ trước một nhóm người chọn lọc. Bốn cuốn sách Phúc Âm được viết sau những biến cố này không lâu và trong thế hệ của những người chứng. Nếu chúng là bịa đặt thì sẽ có người lên tiếng phủ nhận. Thật ra, khi La-xa-rơ sống lại, các kẻ thù của Giê-xu đã không phủ nhận điều này nhưng họp lại bàn: “Chúng ta phải tìm biện pháp cứng rắn vì người này đã làm phép lạ hiển nhiên. Nếu cứ để yên không can thiệp, nhân dân sẽ tin theo người, rồi quân đội La-mã sẽ đến tàn phá đền thờ và tiêu diệt tổ quốc chúng ta.”27

Những người đồng thời với Giê-xu, từ các sứ đồ đến các kẻ thù của Ngài, ai cũng phải công nhận rằng Ngài có quyền làm phép lạ. Nhưng các kẻ thù của Ngài lại cho rằng Ngài là ma quỷ, dùng quyền của Quỷ Vương để đuổi quỷ. Đối với lời buộc tội này, Ngài giảng giải: “Một quốc gia chia rẽ phải bị tiêu diệt. Một thành phố hay một gia đình chia rẽ cũng không thể bền vững. Nếu Sa-tăng đuổi Sa-tăng thì nước nó bị chia rẽ và tự tiêu diệt.”28

Thứ hai là nếu nghi ngờ, thì chúng ta phải tìm hiểu xem các sứ đồ bịa các phép lạ với mục đích gì. Ta sẽ thấy họ không bịa để chứng tỏ Giê-xu là Con Thượng Đế. Nói đúng hơn, họ ghi lại nhiều chi tiết chứng tỏ rằng Giê-xu làm phép lạ không phải để người khác thấy mà tin. Giê-xu thường dặn các bệnh nhân được Ngài chữa lành đừng cho ai biết.29 Khi bị thách thức làm phép lạ để chứng tỏ quyền năng, Ngài luôn từ chối. Như lúc Ngài bắt đầu hành đạo, Sa-tăng đến cám dỗ, “Thầy cứ hóa đá thành bánh mà ăn, có thế mới chứng tỏ Thầy là Con Thượng Đế!” Nhưng Giê-xu cương quyết, “Thánh Kinh chép: 'Người ta sống không phải chỉ nhờ cơm nhờ bánh, nhưng nhờ vâng theo mọi lời Thượng Đế phán dạy.'” Sa-tăng sau đó đưa Giê-xu đến thành Giê-ru-sa-lem, đặt Ngài trên nóc Đền Thờ, xúi, “Để chứng tỏ Thầy là Con Thượng Đế, Thầy cứ lao mình xuống đi! Vì Thánh Kinh chép: 'Thượng Đế sẽ sai thiên sứ đưa tay nâng đỡ con, cho chân con khỏi vấp vào đá.'” Giê-xu một mực cứng rắn, “Thánh Kinh bảo: 'Đừng dại dột thử thách Chúa là Thượng Đế ngươi.'”30

Phép lạ, đối với Giê-xu, không phải là chiếc áo khoác ngoài để phô trương, để người ta thán phục. Ngài còn dặn các tín đồ đừng vội tin vào những người làm phép lạ, vì trong ngày cuối cùng, “nhiều người sẽ mạo nhận là Chúa Cứu Thế, hay tiên tri, làm phép lạ để lừa gạt nhiều người, có thể đánh lừa cả con dân Chúa. Ta nói trước để các con đề phòng.”31

Nói như thế nhưng Giê-xu vẫn làm phép lạ. Nếu tôi thật sự là một bác sĩ, tôi không cần phải khoác áo choàng, đeo ống nghe để người ta biết tôi là bác sĩ. Tôi có thể cảnh cáo người khác kẻo họ bị những người mạo nhận là bác sĩ lừa gạt vì bề ngoài. Tuy nhiên, khi gặp người bệnh tôi vẫn chữa, và nếu ai hỏi làm sao họ biết tôi là bác sĩ, tôi sẽ bảo họ cứ nhìn vào những việc tôi làm.

Đó là thái độ của Giê-xu. Phép lạ Ngài làm không phải để phô trương nhưng luôn luôn được thực hiện một cách tự nhiên để làm vinh danh Thượng Đế, và đem lại lợi ích cho người chung quanh. Đây là những hành động chứa đầy ân sủng và tình yêu thương, mang đến biết bao bài học quí giá cho những người tìm kiếm một niềm tin, và luôn luôn hòa đồng một cách nhiệm mầu với bản tính và sứ mệnh của Ngài. Thế nhưng khi có người như Giăng Báp-tít hơi thắc mắc về Ngài, Ngài nhắn: “Về thuật lại mọi việc anh em đã chứng kiến: người mù được thấy, người què được đi, người cùi được sạch, người điếc được nghe, người chết sống lại và người nghèo được nghe giảng Phúc Âm. Cũng nhắn cho Giăng lời nầy: Phúc cho người nào không nghi ngờ ta!”32

Đó cũng là thái độ của các sứ đồ khi họ kể lại những phép lạ Giê-xu đã làm: Họ không kể để người khác tin Ngài. Đối với họ, Giê-xu làm phép lạ cũng giống như bác sĩ chữa bệnh, giáo sư dạy học hay lực sĩ tập thể dục; chúng là một phần của đời sống của Ngài và vì thế không thể nào không nói đến.

Chính việc Giê-xu làm phép lạ không để người khác thấy và tin rằng Ngài là Con Thượng Đế lại khiến ta càng tin. Tuy nhiên, nếu bạn vẫn chưa tin và muốn tìm hiểu thêm về những phép lạ Giê-xu đã làm, thì Ngài cũng đã làm một phép lạ thật vĩ đại, một phép lạ không ai làm được. Đây là một phép lạ mà trong vòng hai ngàn năm qua, có biết bao người tìm cách chứng minh rằng đã không xảy ra để đả phá Tin Lành, nhưng tất cả chỉ là luống công. Nếu phép lạ này không thực, tòa nhà niềm tin sẽ sụp đổ vì thiếu nền tảng. Trong trường hợp này, như sứ đồ Phao-lô viết, trong cả nhân loại, những người tín đồ là “những người bất hạnh hơn hết.”33

Chúng ta hãy cùng nhau tìm hiểu thêm về phép lạ quan trọng này.