Trang Đầu | Mục Lục | << Chương 2 | Chương 4 >> | Hướng Dẫn

Chương 3

... VÀ SỐNG LẠI

Tổng Trấn Phi-lát, sau khi hậm hực rửa tay trước công chúng, từ chối trách nhiệm trong việc xử tử Giê-xu, đã ra lệnh đánh đòn Ngài trước. Không những phải cắn răng chịu một trận đòn khốc liệt, Giê-xu còn bị quân lính La-mã đem ra làm trò đùa. Chúng mặc cho Ngài chiếc áo choàng màu đỏ, đội cho Ngài chiếc mão bằng gai. Rồi chúng lấy gậy đập lên đầu Ngài, nhổ vào mặt Ngài, quỳ gối giả vờ lạy Ngài “Lạy Vua dân Do-thái.” Chế giễu chán rồi, chúng cởi áo màu đỏ ra, mặc áo dài lại cho Ngài. Không biết chúng có cảm thấy được nỗi đau đớn Giê-xu gánh chịu khi chúng choàng lên thân thể rướm máu của Ngài hết áo này đến áo khác?

Rồi chúng dẫn Ngài đi đến đồi Gô-gô-tha để chịu đóng đinh trên cây thập tự.

Có lẽ trong tất cả những cách hành hình người tử tội lúc đó, đóng đinh trên thập tự giá là lối dã man nhất. Tội nhân phải chịu bao nhiêu cực hình và đau đớn. Dọc theo hai cánh tay bị căng thẳng, những mạch máu vỡ nát và những đường gân bị nghiền dập vẫn tiếp tục chuyển đến toàn thân những cơn đau đến độ điên người. Rồi thịt da quanh vết thương, mang nguyên trọng lượng của thân thể, trở thành hư thối dần dần khiến cường độ cơn đau càng tăng. Không những thế, người tử tội càng lúc càng đói lả, cổ nóng cháy vì khát, đầu nhức như búa bổ và vũ trụ cứ quay cuồng. Oái oăm thay, cơn đau lại không mạnh đủ để làm người tử tội sớm ngất lịm hay chết đi. Nhưng với nỗi đau đớn đó, cộng thêm với sự xấu hổ xót xa, người tử tội đón chờ cái chết, một cái chết giải thoát nhưng đến một cách từ từ khoan thai, như thể muốn gói ghém bao nhiêu thế kỷ đọa đày vào trong một vài tiếng đồng hồ ngắn ngủi.

Vào sáng thứ sáu lịch sử hôm đó, một ngày trước lễ Vượt Qua, Giê-xu bị đóng đinh trên cây thập tự, hai bên là hai tên cướp. Trên thập tự giá của Ngài, Phi-lát cho treo tấm bảng ghi hàng chữ “Giê-xu người Na-xa-rét, Vua dân Do-thái.” Từ mười hai giờ trưa đến ba giờ chiều, khắp nơi tối đen như mực, như thể mặt trời muốn lánh mặt để khỏi chứng kiến một cảnh thương tâm. Đúng ba giờ, Giê-xu thốt lên lời cuối cùng “Mọi việc đã được trọn,” rồi gục đầu xuống trút hơi thở cuối cùng.

Vì ngày thứ bảy hôm sau là lễ Vượt Qua, một ngày lễ rất long trọng, nên người Do-thái không thể để xác người treo trên thập tự giá. Vì thế, họ đến xin Phi-lát cho đánh gãy chân các người tử tội để họ chết sớm hầu kịp thời đem xác đi chôn. Mấy người lính, sau khi đánh gãy chân hai tên cướp, thấy Giê-xu đã chết nên không đánh gãy chân Ngài. Dầu vậy, một người lính lấy giáo đâm vào hông Giê-xu làm cho máu và nước chảy ra.

Giô-xép là một hội viên của Hội Đồng Quốc Gia Do-thái và từ lâu vốn là người thầm ngưỡng mộ Giê-xu. Thấy Ngài đã chết, ông liền đến xin Phi-lát cho đem xác về chôn. Được phép, ông cùng một người nữa tên là Ni-cô-đem dùng hương liệu và vải gai mịn tẩm liệm thi hài Ngài thể theo tục lệ Do-thái, rồi vội vã đem mai táng tạm trong một huyệt đá. Huyệt này ông vừa mới cho đào tại sườn núi, gần nơi Giê-xu bị đóng đinh. Giô-xép còn cho lăn một hòn đá lớn chặn trước cửa mộ. Có các bà Ma-ri Ma-đơ-len và Ma-ri mẹ Gia-cơ đi theo chứng kiến việc này.

Chôn cất Giê-xu xong xuôi, tất cả trở về nhà trước khi trời tối, để chuẩn bị cho ngày lễ cuối tuần, như luật Cựu Ước đòi hỏi.

Đến hừng đông Chúa Nhật, các bà Ma-ri Ma-đơ-len và Ma-ri mẹ Gia-cơ lại kéo nhau đến nơi Giô-xép đặt tạm xác Giê-xu để ướp thêm thuốc thơm vào xác Ngài. Dọc đường, các bà băn khoăn không biết phải nhờ ai lăn tảng đá chặn cửa mộ. Các bà không ngờ rằng, khi đến nơi, các bà lại được diễm phúc trở thành những người đầu tiên chứng kiến một phép lạ lớn nhất của Giê-xu: Tảng đá, do một động lực nào đó, đã bị lăn ra khỏi cửa mộ; và khi bước vào, các bà không còn thấy thi hài của Ngài đâu nữa. Sững sờ, các bà vội chạy về thành Giê-ru-sa-lem báo tin cho các môn đồ. Khi Phi-e-rơ đến, ông bước vào, thấy vải liệm còn đó, nhưng thi hài của Giê-xu đã biệt tích nơi đâu!

Các bà không tìm được thi hài của Giê-xu, các sứ đồ cũng không tìm được. Mãi cho đến ngày nay, không ai có thể tìm được một vật gì thuộc về thân xác của Ngài. Người tin Giê-xu là Con Thượng Đế có lời giải thích riêng về hiện tượng này. Người không tin cũng có lời giải thích của họ. Trước hết, chúng ta hãy cùng nhau tìm hiểu một vài giả thuyết được những người không tin nhận Ngài đưa ra.

Lời giải thích đầu tiên về sự mất xác của Giê-xu xuất phát từ các thầy trưởng tế Do-thái. Ma-thi-ơ kể lại rằng, trong khi các bà chạy đi báo tin cho các sứ đồ, mấy người lính canh cũng vào thành thuật lại cho các thầy biết mọi việc đã xảy ra. Các thầy bèn nhóm lại bàn luận, rồi cho những người lính đó thật nhiều tiền, dặn khai rằng các môn đồ đã lẻn vào mộ lúc ban đêm, khi họ đang ngủ, mà trộm xác Giê-xu. Họ bảo đảm rằng nếu tin nầy thấu đến tai Tổng Trấn, họ sẽ giải thích để các người lính nầy khỏi bị trừng phạt. Mấy người lính nhận tiền và làm theo. Lời giải thích ấy từ đó đồn ra trong cả dân Do-thái.1

Tưởng cũng nên nói thêm rằng những người lính canh trên đây là những người Phi-lát cho canh giữ mộ Giê-xu, theo lời yêu cầu của các thầy trưởng tế. Trong ngày thứ bảy sau ngày Giê-xu chết, các thầy tìm đến Phi-lát và thưa: “Chúng tôi nhớ khi còn sống tên lừa bịp nầy đã nói: 'Sau ba ngày ta sẽ sống lại.' Để đề phòng mưu gian, xin Tổng Trấn ra lệnh canh gác mộ nó thật nghiêm ngặt suốt ba ngày; như thế đồ đệ nó không thể đánh cắp xác nó rồi phao tin rằng nó đã sống lại. Nếu mưu gian ấy được thành, việc dối gạt nầy sẽ tai hại hơn lần trước.” Phi-lát nói với họ: “Các anh có lính canh, cứ việc canh gác cho cẩn mật!” Họ liền đi, niêm phong mộ Giê-xu, cắt lính canh giữ thật chắc chắn.2

Mặc dầu không biết những lính canh đây thuộc quân đội La-mã lúc đó hay thuộc đoàn “Nhân dân tự vệ” Do-thái chuyên canh giữ đền thờ, chúng ta biết rằng cả hai tổ chức đều có một kỷ luật rất khắt khe đối với những người lính ngủ gục trong phiên gác. Đối với quân đội La-mã, hình phạt của tội nầy là cái chết! Với một hình phạt đến tối đa như vậy, làm sao có người lính nào dám nhận tội nếu không có sự thỏa thuận của “cấp trên” và “cấp trên” biết rõ rằng đây chỉ là chuyện bịa?

Hơn nữa, xin nhớ rằng lúc Giê-xu bị bắt, các môn đồ đã trở nên rất hoang mang và mất hết cả niềm tin nơi Đấng họ theo. Họ không ngờ rằng Chúa của họ lại thiếu quyền năng đến nỗi phải bị bắt và xử tử một cách nhục nhã như vậy. Trong đêm thứ năm, ngay sau khi Giê-xu bị bắt, ba lần người ta nhận diện Phi-e-rơ là đệ tử của Ngài, cả ba lần ông đều chối! Làm sao những môn đồ nhút nhát như vậy lại có can đảm tìm cách qua mặt những người lính canh chuyên nghiệp?

Cũng như việc các môn đồ lúc đó không ý thức được ý nghĩa và tầm quan trọng trong cái chết của Giê-xu trên thập tự giá, họ cũng không ý thức được ý nghĩa và tầm quan trọng của việc mất xác Ngài. Họ hoàn toàn không có khả năng và động lực nào để mạo hiểm ăn cắp thi hài của Giê-xu.

Mãi cho đến khi Ngài đích thân hiện ra với họ, giải thích cho họ tất cả mọi sự, các môn đồ mới trở thành những người mới. Từ một nhóm người sợ hãi và hèn nhát, giam mình trong một phòng kín, họ đã trở thành những người hăng hái và can đảm. Bị đánh đập, bị dọa nạt, bị tù đày, bị mạ lỵ, họ vẫn không sờn. Họ đã thay đổi toàn bộ mặt thế giới. Làm sao một nhóm người có thể thay đổi hoàn toàn theo chiều hướng đi lên như vậy chỉ vì một câu chuyện mà họ bịa ra để lừa thiên hạ? Sau nầy, tất cả các sứ đồ, trừ Giăng, đều đã tử vì đạo. Người ta có thể sẵn sàng chết cho điều mình tin là đúng, mặc dầu có thể sai; nhưng không ai sẵn sàng chết cho điều mình biết chắc là sai.

Có hai chi tiết nữa cũng rất đáng để ý trong trường hợp nầy, đó là hòn đá lớn ngăn cửa mộ và tấm vải liệm thi hài Giê-xu.

Giả sử các sứ đồ đã tìm cách ăn cắp thi hài của Giê-xu, thì làm sao họ có thể lăn hòn đá lớn ngăn cửa mộ mà không đánh thức các người lính canh?

Lại nữa, có ai đi ăn cắp xác trong một trường hợp như vậy mà lại bỏ thì giờ lột tấm vải liệm ra và để lại đó. Điều đáng ghi nhận là tấm vải liệm này đã được để lại một cách rất đàng hoàng, cuộn tròn và xẹp xuống như thể thi hài của Giê-xu đã bốc hơi qua tấm vải.3 Làm sao chúng ta có thể giải thích được hiện tượng này nếu tin rằng các sứ đồ đã ăn cắp xác Giê-xu?

Một giả thuyết khác có vẻ vững vàng hơn là chính quyền La-mã hay các vị trưởng lão Do-thái đã dời xác Giê-xu đi nơi khác. Tuy nhiên, nếu họ đã đặt lính canh nơi cửa mộ và niêm phong chắc chắn như vậy thì đưa xác đi nơi khác để làm gì? Hơn nữa, sau biến cố này, cả thành Giê-ru-sa-lem xôn xao vì tin đồn mất xác của Giê-xu. Nếu chính quyền La-mã và các vị trưởng lão Do-thái biết xác Giê-xu ở đâu thì tại sao họ không đưa xác ra để đánh đổ tin đồn rằng Giê-xu sống lại? Ngược lại họ chỉ có thể gọi các môn đồ lại và chất vấn: “Chúng tôi đã truyền lệnh nghiêm cấm các anh nhân danh Người ấy giảng dạy, nhưng bây giờ đạo lý của các anh đã tràn ngập thủ đô. Các anh muốn bắt chúng tôi chịu trách nhiệm về huyết của Người ấy sao?”4 Những người nầy bực tức và lo sợ nhưng không làm gì được. Không tìm được xác Giê-xu, họ chỉ có thể bắt các sứ đồ, tra tấn và cấm họ nói về Ngài.

Có người lại cho rằng trong lúc trời còn mờ sáng, mấy người đàn bà đã đi đến ngôi mộ khác mà không biết. Giả thuyết nầy thật không vững, vì cũng như trên, chính quyền La-mã chỉ cần chỉ ngôi mộ thật của Giê-xu là xong chuyện. Hơn nữa, có thể những người đàn bà nầy đã đi đến một ngôi mộ khác, nhưng chẳng lẽ các sứ đồ và Giô-xép cũng lầm sao? Xin nhớ rằng ngôi mộ nầy là một ngôi mộ tư, và không có ngôi mộ nào khác kế cận.

Một giả thuyết khác được đưa ra là Giê-xu không thật sự chết trên thập tự giá. Ngài chỉ ngất xỉu và sau đó tỉnh lại, rồi rời khỏi mộ.

Một điều đáng lưu ý là mãi cho đến thế kỷ thứ mười tám mới có người đưa ra giả thuyết nầy. Trước đó, không ai nghi ngờ rằng Giê-xu đã không thật sự chết.

Cây thập tự là một khí cụ giết người rất hữu hiệu. Hai cánh tay bị căng ra làm lồng ngực bị nở rộng, cơ hoành bị kéo xuống khiến người bị treo có thể hít vào nhưng nếu không dùng chân để đẩy cả thân người lên thì không thở ra được. Đây là lý do tại sao lính La-mã phải đánh gãy chân người tử tội để họ chết sớm. Hơn nữa, ở tư thế đó, ta chỉ cần nhìn đến bụng và ngực người tử tội để có thể biết chắc là họ còn thở hay không.

Thật ra, Giê-xu chết trên thập tự giá nhanh hơn những người khác. Khi Giô-xép đến xin xác Ngài, Phi-lát lấy làm ngạc nhiên và cho điệu vị đại đội trưởng đến để phối kiểm. Khi vị sĩ quan nầy xác nhận rằng Giê-xu đã chết, Phi-lát mới cho Giô-xép đem xác đi chôn. Những người lính La-mã nầy không còn lạ lùng gì với cái chết nên họ không thể nào lầm lẫn; và dù cho họ có lầm đi chăng nữa, ta cũng còn có hai ông Giô-xép và Ni-cô-đem, là những người hạ xác Ngài xuống để đem đi chôn. Không lẽ họ cũng lầm sao?

Giăng ghi lại một chi tiết rất đáng để ý là khi một tên lính lấy giáo đâm vào hông Giê-xu, máu và nước chảy ra.5 Giăng ghi lại điều nầy trước khi có những khám phá của y khoa liên quan đến vấn đề. Nếu Giê-xu còn sống, và nếu bị đâm như vậy, máu sẽ phun ra theo nhịp đập của tim chứ không thể chảy từ từ và có nước theo sau. Chỉ sau nầy người ta mới khám phá ra rằng nếu ta lấy một con dao lớn đâm vào hông một người đã chết, chỉ có một vài trường hợp ta thấy nước chảy ra sau máu. Một trong những trường hợp đó là người ấy bị đứng tim trong lúc bị treo trên thập tự giá. Giăng không thể nào bịa chuyện. Ông chỉ kể lại trung thực những điều ông thấy.

Dù Giê-xu chưa chết lúc đó, Ngài không thể nào sống sót trong một ngôi mộ lạnh lẽo, thiếu không khí trong sạch, thuốc men và không được chăm sóc sau khi bị đánh đập tàn nhẫn và bị treo trên thập tự giá. Rồi làm sao Ngài lại có thể tự giải thoát khỏi tấm vải liệm quấn quanh thân thể, tự đẩy tảng đá lớn ngăn cửa mộ, trốn sự chú ý của các tên lính canh, đi hàng dặm đến gặp các môn đồ và nhiều người khác?

Vâng, vì sau đó, không những chỉ có các sứ đồ, mà có rất nhiều người đã làm chứng rằng Ngài đã hiện ra trước mắt họ bằng xương bằng thịt!

Giê-xu không chỉ hiện ra một lần, nhưng trong bốn mươi ngày, Ngài đã hiện ra ít nhất mười lần trước những người mà Phi-e-rơ gọi là “những người được Thượng Đế lựa chọn làm nhân chứng.”6 Ngài hiện ra với Ma-ri Ma-đơ-len,7 với những người đàn bà thăm mộ sáng Chúa Nhật hôm đó,8 với Phi-e-rơ,9 với hai sứ đồ trên đường Em-ma-út,10 với mười người sứ đồ trong phòng kín,11 với mười một sứ đồ kể cả sứ đồ Thô-ma,12 với trên năm trăm người trong cùng một lúc,13 với Gia-cơ,14 với các sứ đồ trên bờ biển Ti-bê-ri-át,15 với một đám đông trước khi

Ngài thăng thiên,16 và với sứ đồ Phao-lô trên đường đến thành Đa-mách.17

Dù có thể chấp nhận những giả thuyết bàn trên về sự mất xác của Giê-xu, chúng ta còn phải giải thích sự hiện ra của Ngài. Nếu không nghi ngờ sự chân thành của những người chứng, và cũng không tin rằng Giê-xu là Con Thượng Đế, chúng ta chỉ còn một lối giải thích, đó là những lần hiện ra nầy đều do ảo giác gây ra bởi những tác động tâm lý trên người chứng.

Tuy nhiên, tâm lý học ngày nay cho thấy rằng giả thuyết nầy không đứng vững. Trước hết, chỉ có những người giàu tình cảm và giàu óc tưởng tượng mới có ảo giác. Trong đám đông trên năm trăm người được thấy Giê-xu hiện ra, không những có những người đàn bà nhạy cảm như Ma-ri Ma-đơ-len nhưng cũng có những sứ đồ dày dạn phong sương như ngư phủ Phi-e-rơ hay người thu thuế Ma-thi-ơ.

Ảo giác thay đổi từ người nầy sang người khác. Nó phát xuất từ tiềm thức, và tùy thuộc rất nhiều vào quá khứ của mỗi cá nhân. Ngay cả chuyện hai người có cùng một ảo giác giống nhau trong cùng một lúc đã là một điều khó xảy ra. Giê-xu không những đã hiện ra trước một người nhưng cũng đã hiện ra trước một đám đông.

Ảo giác chỉ xảy ra khi thời gian và không gian thuận tiện. Đây, Giê-xu hiện ra trong nhiều thời điểm và vị trí khác nhau: có lúc trước một người, có lúc trước một đám đông; có khi ở một khu vườn cạnh ngôi mộ, có khi trong một phòng kín; một lần trên đường đi từ Giê-ru-sa-lem đến Em-ma-út, lần khác ở mãi tận Ga-li-lê.

Sau cùng, ảo giác thường là kết quả của những chờ đợi khát khao. Nếu ta mong chờ một điều gì mãnh liệt, ta có thể thấy nó trong ảo giác. Trong trường hợp nầy, các sứ đồ không có sự mong chờ đó. Sáng Chúa Nhật, khi các bà đến ngôi mộ để tẩm liệm thi hài Giê-xu, không ai ngờ rằng xác Ngài không còn đó. Đến khi Ngài hiện ra trước họ, Ma-ri Ma-đơ-len lại ngỡ là người làm vườn. Chỉ đến khi Ngài nói chuyện, bà mới hay. Rồi các sứ đồ lại không tin điều bà kể lại. Để rồi khi Ngài hiện ra với họ lần đầu, họ lại tưởng là ma! Lần nầy không có sứ đồ Thô-ma ở đó. Khi Thô-ma được kể lại, ông không tin: “Nếu mắt tôi không thấy dấu đinh trên bàn tay Chúa, nếu ngón tay tôi không sờ vết thương, nếu bàn tay tôi không đặt vào sườn Chúa, thì tôi không tin!”18 Lần sau, khi Giê-xu hiện ra trước các sứ đồ, trong đó có cả Thô-ma, Ngài bảo Thô-ma quan sát bàn tay và sườn Ngài. Lúc đó, Thô-ma mới thưa: “Lạy Chúa tôi và Thượng Đế tôi!” Giê-xu phán: “Vì con thấy ta nên con tin. Phúc cho những người chưa thấy mà tin ta!”19

Vâng, sau Thô-ma và cho đến ngày hôm nay đã có hàng tỉ người tin rằng Giê-xu là Con Thượng Đế. Đúng như lời Ngài, những người nầy là những người có phước nhất đời, vì niềm tin của họ không “tĩnh,” nhưng “động,” không chấm dứt nơi đây nhưng là khởi đầu của một cuộc hành trình tâm linh hứa hẹn nhiều khám phá bất ngờ, để đưa đời sống của họ từ một trạng thái thiếu mất ý nghĩa làm người đến một bình an tuyệt diệu và một hy vọng chắc vào một ngày về Thiên Thượng.

Phần Hai