Trang Đầu | Mục Lục | << Chương 6 | Chương 8 >> | Hướng Dẫn

Chương 7

NHƯNG …

Thật tình mà nói, tôi không quá lạc quan để hy vọng rằng ai đọc đến chương nầy cũng đã có lần cầu nguyện mời Chúa Cứu Thế Giê-xu vào lòng để được cứu. Có thể bạn đã hoàn toàn đồng ý những điểm chúng ta bàn trước đây, nhưng muốn tìm hiểu thêm trước khi quyết định. Có thể bạn đã có một vài câu hỏi về sự cứu rỗi dựa vào dòng máu của Chúa Cứu Thế Giê-xu.

Bạn có thể đã tự hỏi: “Tại sao sự cứu rỗi lại quá giản dị như vậy? Nếu những cố gắng ăn hiền ở lành suốt đời không đi đến đâu thì làm sao một hành động cầu nguyện đơn giản chân thành đón mời Chúa Cứu Thế Giê-xu vào lòng lại đủ?”

Vâng, sống trong một xã hội bon chen, tôi cũng biết rằng “tiền nào của nấy.” Nếu được ai cho không vật gì, tôi cũng nghi ngờ giá trị của vật đó, hay mục đích của người cho.

Tuy nhiên, đôi khi chúng ta đi hơi quá xa. Có người nhìn một bức tranh không thấy đẹp gì hơn tấm khăn trải bàn; rồi đến chừng biết được số tiền khổ chủ đã bỏ ra mua nó, liền tự nhiên thấy nhà họa sĩ sao tài hoa quá mức!

Cảm ơn Thượng Đế, Ngài không như chúng ta. Qua nhà tiên tri Ê-sai, Ngài phán: “Ý tưởng ta chẳng phải ý tưởng các ngươi; đường lối các ngươi chẳng phải đường lối ta. Các từng trời cao hơn đất bao nhiêu, thì đường lối ta cao hơn đường lối các ngươi, ý tưởng ta cao hơn ý tưởng các ngươi cũng bấy nhiêu.”1 Theo chương trình của Ngài, sự sống đời đời là một món quà tặng cho con người. “Tiền công của tội lỗi là sự chết, nhưng tặng phẩm của Thượng Đế là đời sống vĩnh viễn trong Chúa Cứu Thế Giê-xu, Chúa chúng ta.”2 Tặng phẩm nầy không đến từ những tính toán thương mại của thế nhân nhưng từ ân điển của Thượng Đế. “Nhờ ân điển, mà anh em được cứu.”3

Nếu sự cứu rỗi của Thượng Đế đòi hỏi từ chúng ta điều gì khác hơn đức tin, thì tôi sẽ cho rằng Ngài cũng “trần tục” như chúng ta, ưu đãi những người có điều kiện. Ngài đòi hỏi tôi phải bố thí hay cất nhà thờ ư? Phải chăng Ngài chỉ muốn cứu những người giàu có? Ngài đòi hỏi tôi phải thuộc làu Kinh Thánh ư? Tôi e rằng Ngài quá thiên vị những kẻ “dài lưng tốn vải.” Không, Thượng Đế muốn cứu tất cả mọi người, bất kể họ là ai và đang sống cách nào, miễn là họ chịu đến với Con Ngài trong đức tin.

Hơn nữa, nếu tiêu chuẩn cứu rỗi của Thượng Đế không phải là đức tin, thì Ngài chỉ ban cho con người thêm duyên cớ để kiêu hãnh. Nếu Ngài phán, “Người nào đi nhà thờ mỗi chúa nhật thì sẽ được cứu,” thì trong Ngày Cuối Cùng, sẽ có người vỗ ngực nói với Ngài: “Vì tôi đi nhà thờ...” Phải chăng đây là một vòng luẩn quẩn, vì chúng ta đã thấy rằng cái tôi là cái tội? “Anh em được cứu nhờ ân phúc Thượng Đế, do đức tin nơi Chúa Cứu Thế. Sự cứu rỗi là một tặng phẩm của Thượng Đế, chứ không do anh em tự tạo. Không phải là kết quả của công đức anh em, nên chẳng ai có thể khoe khoang.”4 Có ai sau khi được cứu khỏi chết đuối lại tự hào: “Nhờ tôi đưa tay nắm sợi dây người ta quăng cho”?

Nhưng thật ra, mặc dầu có vẻ đơn giản, việc đến với Chúa Giê-xu trong niềm tin có một ảnh hưởng sâu đậm trong đời sống và đòi hỏi thật nhiều từ chúng ta. Trong cuốn sách nầy tôi không tìm cách hứa hẹn hão huyền để lôi cuốn bạn vào một tổ chức tôn giáo, nhưng muốn nhấn mạnh đến sự trở lại trong một đời sống ăn năn và tin cậy. Chính Chúa Cứu Thế Giê-xu cũng nói: “Người giàu vào Nước Trời thật khó! Ta cho các con biết, lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giàu vào Nước của Thượng Đế.”5

Ta có thể cố gắng bước vào Phòng Thiên Đàng bằng hai cách. Cách thứ nhất là dùng hết sức mình đưa vai tông cho bể cánh cửa; cách thứ hai là nhờ chiếc chìa khóa mang hình thập tự. Trong lúc cách thứ nhất hoàn toàn vô hiệu và chỉ làm cho ta thêm đau đớn, cách thứ hai, mặc dầu xem ra đơn giản, chắc chắn sẽ đưa đến thành công.

“Nhưng còn những người không bao giờ nghe đến Chúa Cứu Thế Giê-xu thì sao?” bạn nghĩ thầm, “Phải chăng định mệnh của họ chỉ là địa ngục đen tối?”

Trước hết, xin chúng ta nhớ rằng có rất nhiều điều vượt ngoài khả năng hiểu biết của chúng ta và chúng ta không có quyền biết đến. Những điều nào liên quan đến sự cứu rỗi của bạn Thượng Đế đã cho bạn biết qua cuốn Kinh Thánh. Trong một trận chiến, người lính không thể nào đòi hỏi phải biết hết kế hoạch hành quân của mỗi đơn vị trước khi thi hành trách nhiệm.

Tuy nhiên, có điều nầy ta biết, đó là Thượng Đế rất công minh. Ngài sẽ không trừng trị một người chỉ vì người ấy chưa bao giờ nghe nói đến Chúa Cứu Thế Giê-xu nên đã không biết đặt niềm tin vào Ngài. Nếu họ chịu sự hủy diệt đời đời, đó là vì họ đã phạm tội cùng Ngài và cùng người khác. Sứ đồ Phao-lô viết: “Người nước ngoài phạm tội khi chưa biết luật pháp Môi-se, sẽ bị hình phạt, nhưng không chiếu theo luật ấy.... Theo phúc âm tôi truyền giảng, đến ngày Thượng Đế đã định, Chúa Cứu Thế Giê-xu sẽ xét xử mọi tư tưởng, hành động kín đáo của loài người.”6

Nhưng thưa bạn, điều quan trọng là bạn đã biết về Tin Lành Cứu Rỗi. Thay vì để bạn chịu sự hủy diệt như bao nhiêu người khác, Thượng Đế muốn cứu chính bạn qua dòng máu của Con Ngài. Giả sử rằng trên chiếc thuyền gần chìm, có một chiếc tàu muốn cứu bạn, bạn có nói với họ rằng bạn không muốn được cứu vì có nhiều chiếc thuyền khác cũng bị chìm trên biển cả?

Nếu những người chưa bao giờ nghe đến Chúa Cứu Thế Giê-xu mà bạn nghĩ đến là những người ở mãi tận Phi Châu hẻo lánh hai thế kỷ trước thì xin bạn nhường quyền xét xử họ lại cho Thượng Đế. Còn nếu những người nầy là những người thân yêu của bạn thì bạn cần phải thêm hối hả để đến với Ngài. Vì chỉ khi nào bạn đã mời Chúa Cứu Thế Giê-xu vào lòng, bạn mới có thể đem Tin Lành Cứu Rỗi đến cho họ, để họ cũng được cứu như bạn.

Tôi cũng xin đưa ra lý lẽ này để thưa với bạn nếu bạn là người quan tâm đến văn hóa dân tộc. Có nhiều người tâm sự với tôi rằng họ không muốn tin Chúa, vì làm như vậy là đi ngược lại với truyền thống dân tộc.

Thật ra, cũng như ngôn ngữ hay khoa học, nền văn hóa của một dân tộc không thể đứng yên một chỗ, nhưng phải sẵn sàng thay đổi để trường tồn. Người đóng góp nhiều nhất trong một nền văn hóa không phải là người làm theo những gì người khác làm, nhưng là những người tiên phong mạnh dạn áp dụng và truyền bá những điều hay mới mình tìm thấy được. Chính sách Bế Môn Tỏa Cảng ngày xưa đã thành một bài học quá đắt cho chúng ta.

Xin chúng ta thẳng thắn nhìn vào những tôn giáo lớn hiện có giữa vòng người Việt. Phải chăng những tôn giáo nầy bắt nguồn từ ngoại quốc? Nếu ngày xưa ai cũng muốn đi theo truyền thống dân tộc thì làm sao những tôn giáo đó vào Việt Nam để trở thành một phần của nền văn hóa hiện tại? Cũng vậy, có nhiều người cho rằng Tin Lành Cứu Rỗi là đạo Tây Phương, đạo Mỹ. Nhưng như bạn biết, Chúa Giê-xu là người Do-thái, thuộc Trung Đông Châu Á. Sở dĩ người ta nghĩ như vậy là vì trước kia có nhiều người Tây Phương đã mạnh dạn đến với Chúa Cứu Thế Giê-xu, rồi truyền bá chân lý đến xã hội quanh mình. Nếu bạn thấy Tin lành cứu rỗi là chân lý nhưng không muốn áp dụng vào đời sống mình trước rồi tìm cách loan truyền đến những người chung quanh, thì làm sao dân mình được cứu? Mong rằng trong tương lai, Tin Lành Cứu Rỗi sẽ trở thành một truyền thống của dân Việt, để mặc dầu chúng ta phải bị tản mác khắp nơi trên thế gian nầy, chúng ta sẽ được sum họp trên Thiên Đàng của Thượng Đế.

“Nhưng người ta nói tin Chúa là bỏ ông bỏ bà.…” Vâng, người ta có nói như vậy; nhưng, thưa bạn, Kinh Thánh không bao giờ dạy như vậy.

Ngược lại, Kinh Thánh nhấn mạnh nhiều đến lòng kính yêu cha mẹ. Một trong mười điều răn của Thượng Đế là “Hãy hiếu kính cha mẹ ngươi.”7 Sứ đồ Phao-lô dạy, “Hỡi kẻ làm con, mọi sự hãy vâng phục cha mẹ mình, vì điều đó làm đẹp lòng Chúa.”8 Kinh Thánh dạy rằng hỗn láo với cha mẹ, cũng giống như xấc xược, kiêu ngạo, khoe khoang, bội ước, là điều làm phật lòng Thượng Đế vô hạn.9

Giữa cơn đau đến tột cùng trên thập tự giá, Chúa Cứu Thế Giê-xu nhìn thấy mẹ Ngài đứng bên dưới, liền phán với một môn đồ: “Đây là mẹ ngươi,” và môn đồ đó rước mẹ về nhà.10

Sở dĩ người tin Chúa bị mang tiếng là bỏ ông bỏ bà là vì họ không cúng tế. Nhưng đối với họ, chữ hiếu không nằm trong mâm cao cổ đầy trong ngày giỗ kỵ nhưng thể hiện trong sự lo lắng, chăm sóc và vâng lời ông bà, cha mẹ khi còn sống. Nếu tôi tin rằng thứ sáu mười ba là ngày xui xẻo, hay gặp tai nạn, thì tôi sẽ không ra đường ngày đó. Nếu không tin thì tôi vẫn đi làm như thường. Tuy nhiên, khi tôi không tin, và vẫn đi làm, thì điều đó không có nghĩa là tôi coi thường mạng sống mình. Cũng vậy, nếu tôi không tin rằng, sau khi chết đi ông bà tôi cần trái cây tôi cúng để ăn hay chiếc xe hơi giấy tôi đốt để đi chơi, thì tôi không cúng. Và như thế không có nghĩa là tôi không tưởng nhớ đến tổ tiên tôi.

Nói cho cùng, nếu muốn thờ cúng tổ tiên cho đúng nghĩa, chúng ta phải thờ cúng tất cả, chứ không phải chỉ năm mười đời. Hơn nữa, các đấng thuộc thế hệ trước phải được đặt trên các đấng thuộc thế hệ sau. Nếu cha mẹ tôi thờ cúng ông bà tôi, thì tôi phải tưởng nhớ đến ông bà tôi nhiều hơn cha mẹ tôi. Dùng phương pháp qui nạp để lý luận, chúng ta sẽ đi đến Thượng Đế, và đặt Ngài lên trên hết tổ tiên ta. Đó chính là Đấng người tin Chúa thờ phượng, trong một lối thờ phượng theo Kinh Thánh: “Đức Chúa Trời là Thần, nên ai thờ lạy Ngài thì phải lấy tâm thần và lẽ thật mà thờ lạy.”11

“Tôi đã có dịp tiếp xúc với nhiều tín đồ,” bạn nghĩ tiếp, “và tôi thấy họ cũng không hơn ai. Đôi khi họ đạo đức giả quá sức. Như vậy thì làm sao tôi tin Chúa được?”

Vâng, tôi không chối với bạn điều nầy. Như đã tâm sự cùng bạn trong Lời Mở Đầu, tôi cũng đã thấy như vậy. Tuy nhiên, có những lý lẽ sau đây tôi muốn phân trần cùng bạn.

Trước hết, như đã trình bày, có rất nhiều người đi nhà thờ nhưng chưa bao giờ mời Chúa Cứu Thế Giê-xu vào lòng để đời sống họ được thay đổi. Đối với người đời, họ là tín đồ, đôi khi còn là mục sư, giám mục; nhưng đối với Thượng Đế, họ vẫn phải chịu sự hủy diệt đời đời. Nếu những người nầy làm những điều không đẹp, chẳng lẽ bạn lại vì họ mà không muốn chính mình được cứu sao?

Chúa Giê-xu chết cho kẻ có tội, nhưng Ngài quở trách những kẻ giả hình thời đó: “Khốn cho giới dạy luật và Biệt Lập, hạng đạo đức giả! ...Các ông làm ra vẻ thánh thiện bằng cách đọc những bài cầu nguyện tràng giang đại hải, nhưng đồng thời cướp đoạt nhà của những quả phụ cô đơn. Vì thế, các ông sẽ bị hình phạt nặng hơn.”12

Nhưng ngay các tín đồ chân thật cũng phải có hơn một lần lầm lỗi. Xin nhớ rằng người tin Chúa là người được Thượng Đế tha tội chứ không phải là người vô tội, được cứu vì hạnh kiểm của mình. Ngay sau khi bạn tin Chúa, Ngài sẽ coi bạn như không có tội vì Chúa Cứu Thế Giê-xu đã đền tội cho bạn. Nói theo Kinh Thánh, bạn sẽ được “kể là công chính.”13 Tuy nhiên mặc dầu giờ đây bạn thấy ghét những điều tội lỗi, bạn có thể sẽ không thấy đời mình thay đổi hoàn toàn trong phút chốc. Bạn chỉ biết sống như một chiếc thuyền nhắm sao Bắc Đẩu Thánh Thiện Tuyệt Đối mà đi, để trở thành hoàn toàn giống Chúa Cứu Thế Giê-xu chỉ trong ngày thân thể bạn chết mất. Không ai có thể đòi hỏi rằng, sau khi tin nhận Chúa, bạn sẽ trở thành một “ông Thánh” trên đời nầy. (Và cũng xin bạn đừng đợi để trở thành một “ông Thánh” trước khi tin nhận Chúa.)

Ví dầu có những tín đồ đạo đức giả đi chăng nữa thì điều nầy không có nghĩa rằng Tin lành Cứu Rỗi không đúng. Trước kia, có nhiều người tuyên bố “Tiếng Việt còn, dân ta còn,” nhưng cứ thích nói tiếng Tây với nhau. Điều nầy không có nghĩa là tiếng Việt không có giá trị.

Nhưng thật ra, trở về với Thượng Đế là nhìn đến Chúa Cứu Thế Giê-xu chứ không phải đến người khác. Sứ đồ Phao-lô khuyên chúng ta “hãy nhìn xem Đức Chúa Giê-xu là cội rễ và cuối cùng của đức tin.”14 Ngài không đạo đức giả và đời sống của Ngài luôn phù hợp với lời dạy của Ngài. Trong Ngày Cuối Cùng, khi Ngài hỏi chúng ta có tin vào Ngài không, chúng ta không thể nào nói: “Nhưng sao con thấy có mấy ông làm mục sư mà đi lấy vợ?!”

Có thể điều cản trở bạn trở về với Thượng Đế còn sâu xa hơn nữa. Vì bạn chưa tin rằng Kinh Thánh là lời của Ngài nên bạn chưa chắc những lời dạy trong đó như về sự trừng phạt hay Thiên Đàng là đúng. Đây là một vấn đề quan trọng, và vì thế chúng ta hãy cùng nhau nghiên cứu cho tường tận trong chương sau.