Trang Đầu | Mục Lục | << Chương 1 | Chương 3 >> | Hướng Dẫn

Chương 2

Chương II

Làm con mục sư đôi lúc nản chí hết sức. Bạn sẽ thấy mọi người luôn luôn nhìn bạn với con mắt dò xét. Họ đòi hỏi phải mẫu mực hoàn toàn nhất thiên hạ. Nếu không búa rìu dư luận sẽ nhất định không tha. "Con cái mục sư gì thế kia!"

Đã thế, tôi và thằng Tuấn lại hay làm những cái người ta không thích. Dĩ nhiên, chúng tôi đâu có bảo là mình hoàn toàn. Ngay cả Bố Mẹ cũng thường mắng mỏ chê trách chúng tôi luôn – nhất là Mẹ.

Đôi khi mẹ cũng xì sầm với Bố vài người trong Hội thánh. Tôi không có ý nói Mẹ tôi đặt chuyện nói hành nói tỏi gì ai đâu nhé. Mẹ chỉ lưu ý Bố, thế thôi! Thường thường, Bố Mẹ chỉ bàn chuyện Hội thánh khi không có chúng tôi, nhưng cũng có khi nói trong bữa cơm. Những lúc ấy Bố Mẹ cho rằng chúng tôi đã lớn biết ý thức đến việc không nên kể lại với ai những điều nghe thấy. Nhưng đáng tiếc là chúng tôi đã không có ý thức đó hoặc không vận dụng nó. Mẹ thì cứ quả quyết rằng, chúng tôi đã lớn, hiểu biết, có ý thức mà không chịu sử dụng ý thức của mình. Tôi chẳng biết có phải vậy không. Có lúc Mẹ tôi chỉ muốn chúng tôi đi nghỉ hè ở đâu đó thật xa rồi quên cả chuyện về cho bà đỡ bực mình!

Trong Hội thánh có nhiều người trông dễ coi, nhưng cũng có những gương mặt "hề" không chịu được. Những lúc Bố Mẹ vui vẻ, tụi tôi tha hồ diễn, bắt chước, chọc quê người khác, nhưng lúc nào tình hình không thuận lợi thì đừng dại dột dở trò ra.

Một hôm lúc ăn cơm tối, Mẹ có đề cập đến ông Sáu, hai đứa tôi vểnh tai lên nghe. Ông Sáu lớn tuổi rồi nhưng còn độc thân, đầu hói, luôn luôn mặc bộ véc xám đi nhóm. Vì chưa vợ con, không có người chăm sóc, quần áo ông bèo nhèo, nhăn nhúm, chả bao giờ bàn ủi đi qua. Chẳng hiểu sao ông không lập gia đình vì kể ra, trông ông cũng không đến nỗi xấu trai cơ mà. Khi nhìn quanh các cô lớn tuổi trong nhà thờ, chao ơi sao mà đông thế này. Không chừng ông Sáu không lấy vợ được vì bị "tràn ngập, biển người" đấy thôi.

Bố bảo hồi trẻ ông Sáu cũng bô trai lắm, tôi không hoàn toàn đồng ý, nhưng nghĩ là ông ấy hồi một hai tuổi, chắc trông cũng dễ thương. Ừ, trẻ con đứa nào trông chẳng hay!

Đầu ông Sáu chỉ lơ thơ tơ liễu có vài sợi tóc, nhiều lắm cũng chỉ bằng hồi ông ấy mới sinh và chèn ơi! Sao mà nó tròn và láng thế cơ chứ! Tuấn với tôi chuyên môn chọn ngồi phía sau vì đã có mặc ước rằng đầu ông là mặt trời chói sáng, ngồi đó có thể thấy khắp mọi người trong giờ nhóm.

Tuấn lại ví đầu ông Sáu như cái cầu tuột ở sân chơi, có điều không được dốc lắm. Một sáng Chúa Nhật đẹp trời, có con ruồi từ từ đáp xuống phi trường là đỉnh đầu. Bạn phải có mặt ở đó mới chứng kiến được cảnh ông Sáu đập ruồi như thế nào. Cả tôi và Tuấn đều cười ngất ngư. Ông xoa xoa cái đầu hói sau ngón đòn trừng phạt con ruồi mất dạy. Chao ơi! Láng phải biết. Tôi dám chắc là suốt đời, ông Sáu chẳng bao giờ dùng lược cả.

Hầu hết mọi người trong Hội thánh đều được chúng tôi đặt cho một biệt hiệu khôi hài. Bà Phán được gọi là "Miệng hầm xe lửa" vì lối hát độc đáo. Ông Sáu với bộ véc xám bốn mùa được gọi là "Sáu xám sọi", cái âm "xì" trong cả ba tiếng này trở thành buồn cười khi chúng tôi thì thào, xì xầm tập phát âm "s" trong giờ nhóm. Dĩ nhiên Bố Mẹ đâu có biết những mỹ từ này – Biết có mà no đòn à!

Một hôm, lúc ông Sáu đang len lỏi đi xuống, tôi nghiêng qua nói nhỏ vào tai Tuấn "Suỵt! Sáu xám sọi xuống!" Tôi ngỡ là mình thì thầm, ai dè lại to đến thế. Ông Sáu vừa đi qua, chợt quay lại ngó tôi – mặt ông đau đớn đến tôi tưởng là ông sắp khóc. Mồ hôi lạnh toát ra. Chao ơi! Sao tôi khổ sở thế này? Ngoài mặt tôi làm bộ tỉnh như không, nhưng trong lòng tôi cảm thấy mình hèn hạ, ti tiện quá chừng.

Càng ngày tôi càng cảm thấy mình phải theo lời khuyên của Bố: tiếp nhận Chúa Jesus làm Cứu Chúa; nhưng tôi vẫn không quyết định. Tôi nghĩ mình chỉ nên xin Chúa giúp sống tốt đẹp hơn, nhưng sao tôi cứ lao vào làm những chuyện tày đình kia? Có lẽ vì tôi chưa xin Chúa nhận tôi làm con cái Ngài, và theo lời Bố nói điều đó do ma quỷ xúi giục. Nghe Bố bảo ma quỷ đang dùng tôi như một công cụ của nó, tôi ghét lắm, nhưng biết đâu lại đúng? Ma quỷ không cần ra oai, hay hò hét bên tai mà sao lúc nào tôi cũng âm thầm đồng loã với nó?

Trưa thứ hai đi học về, nhìn mâm cơm chỉ thấy có món canh rau và đĩa đậu rang, tôi nản chí quá. Thường thường bữa trưa mẹ cho ăn đầy đủ lắm mà, bảo để lấy sức chiều làm việc. Nhưng sáng nay mẹ bận đi họp Hội Phụ nữ, thế nào mà chẳng có bánh nước giải lao, chắc vậy nên mẹ nghĩ buổi trưa ăn sơ sơ được rồi! Chả biết có phải vậy không, chỉ biết bây giờ có canh rau, đậu rang – Ăn làm sao cho vô?

Bố bảo tôi cảm ơn Chúa trước khi ăn cơm. Tính Bố không thích loại cầu nguyện công thức, hay thuộc lòng, nên tôi định sẽ cầu nguyện "tự phát" cho Bố vui lòng, dù vậy tôi chắc khó lòng cầu nguyện hay được. Nhìn quanh thấy tô canh, tôi cúi đầu: Lạy Chúa, xin ban phước cho tô canh cải – Cầu nguyện nhân danh… ý quên – Xin Chúa ban phước cho đĩa đậu rang nữa. A-men". Chưa mở mắt ra thằng Tuấn đã cười hô hố. Bố hết nhìn tôi lại nhìn tô canh, không nói gì. Tôi chẳng nhớ Bố đã cầu nguyện như vậy bao giờ chưa, nhưng tôi cầu nguyện như thế cũng được chứ có sao. Xin Chúa ban phước cho từng món ăn mà! Ừ, nếu không có hai tiếng "ý quên" thì đỡ. Dù sao thì cũng lâu lắm về sau Bố mới bảo tôi cầu nguyện lại.

Bố rất nặng lòng với chức vụ, nhưng trong Hội thánh mấy ai có cái nhìn như Bố, khó khăn là ở đó. Bố giảng về sự tái sanh trong khi ai cũng chỉ nghĩ đi nhà thờ là quá đủ. Còn tôi và Tuấn cũng là một khó khăn gấp đôi với Bố vì chẳng đứa nào chịu tiếp nhận Đấng Christ làm Cứu Chúa. Bố giảng cho chúng tôi luôn nhưng cả hai đều bỏ ngoài tai.

Bố Mẹ bận rộn thăm viếng suốt tuần. Thăm kẻ đau người ốm, thăm ở nhà, thăm ở bệnh viện… Mỗi lần đến, Bố thường đọc một đoạn Kinh Thánh rồi cầu nguyện.

Có khi tôi và Tuấn cũng được tháp tùng. Đó là buổi tối Bố Mẹ đến nhà ông Lâm. Gớm, gia đình này lắm con nít quá – "đông nuôi không nổi" theo như lời bà Phán tuyên bố. Tôi thắc mắc không biết nuôi như vậy thì tốn bao nhiêu và ông Lâm kiếm được bao nhiêu tiền. Liệu ông có nuôi nổi không thì tôi không biết, nhưng chắc chắn là ông Lâm đông con dễ sợ! Không chừng ở trường, lớp nào cũng có một đứa đại diện gia đình nhà họ Lâm.

Suốt thời gian ở đây, tôi cứ ngó đám nhỏ và thắc mắc mỗi đứa như vậy nuôi tốn bao nhiêu. Tôi cũng muốn biết ông Lâm kiếm được bao nhiêu tiền. Trên đường về nhà, tôi hỏi Mẹ: "Mỗi đứa nhỏ nuôi tốn bao nhiêu tiền hả Mẹ?"

Mẹ giật mình: "Cái gì? Con hỏi làm sao?"

"Con muốn biết mỗi đứa con nít tốn bao nhiêu?"

Bố đang lái xe nhưng cũng quay lại một chút:

"Con muốn hỏi là đi bác sĩ tốn bao nhiêu hay sao?"

Tôi thấy chán và bực mình. Chỉ hỏi muốn biết có mỗi một điều là mỗi đứa nhỏ nuôi tốn bao nhiêu thế mà người lớn không chịu hiểu, cứ hỏi đi hỏi lại. Tôi chán nản thưa:

"Dạ, con nghe bà Phán bảo ông Lâm đông con quá nuôi không nổi. Con muốn biết nuôi mỗi đứa nhỏ tốn bao nhiêu và ông Lâm kiếm được bao nhiêu tiền."

Bố tằng hắng mấy cái liền rồi đổi đề tài câu chuyện, không đả động gì và cũng không trả lời thắc mắc của tôi. Cho đến nay, tôi vẫn không biết nếu nuôi một "chú lỏi" phải tốn bao nhiêu.

Cứ mỗi lần làm lỗi tôi lại thấy khổ sở hết sức, nhưng tôi vẫn cứ làm. Buồn cười thế cơ chứ! Mỗi lần như vậy tôi lại có ý tưởng thoát ly. Như sau giờ nhóm sáng nay, hay sau khi tôi hỏi những câu ngớ ngẩn. Những lúc nghĩ lại chuyện bỏ nhà ra đi, tôi thấy chẳng hay ho gì, nên cứ đành nuốt hận ở nhà chịu đựng.