Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 11

Chiên Giữa Muông Sói

Ma-thi-ơ 10:16-23, Mác 13:9-13, Lu-ca 21:12-19

 

Kính thưa quý vị: Tuần vừa rồi chúng ta học về việc Chúa Giê-xu sai các sứ đồ của Ngài ra đi rao giảng Tin Lành và làm phép lạ giúp người. Ngài dạy họ về đối tượng của chuyến đi, tức là “những con chiên lạc mất của nhà Y-sơ-ra-ên.” Ngài dạy họ cách ra đi: “9Ðừng đem vàng, hoặc bạc, hoặc tiền trong lưng các ngươi; 10cũng đừng đem cái bao đi đường, hoặc hai áo, hoặc giày, hoặc gậy.” Ngài cũng dạy họ cách đối phó với những người không tiếp rước họ. Hôm nay, chúng ta sẽ học đoạn kế tiếp, trong đó Chúa Giê-xu cho các sứ đồ biết rằng họ cũng sẽ gặp sự bách hại khi ra đi. Ðây là một bài học quan trọng cho nhiều người Việt Nam chúng ta ngày hôm nay, dầu rao giảng Tin Lành tại miền xa xôi, hay ngay trong gia đình, sở làm hay cộng đồng của mình. Chúng ta sẽ học theo những đoạn sau đây:

 

Ma-thi-ơ 10

16Kìa, ta sai các ngươi đi khác nào như chiên vào giữa bầy muông sói. Vậy, hãy khôn khéo như rắn, đơn sơ như chim bồ câu.

17Hãy coi chừng người ta; vì họ sẽ nộp các ngươi trước tòa án, đánh đòn các ngươi trong nhà hội;

18lại vì cớ ta mà các ngươi sẽ bị giải đến trước mặt các quan tổng đốc và các vua, để làm chứng trước mặt họ và các dân ngoại.

19Song khi họ sẽ đem nộp các ngươi, thì chớ lo về cách nói làm sao, hoặc nói lời gì; vì những lời đáng nói sẽ chỉ cho các ngươi chính trong giờ đó.

20Ấy chẳng phải tự các ngươi nói đâu, song là Thánh-Linh của Cha các ngươi sẽ từ trong lòng các ngươi nói ra.

21Anh sẽ nộp em cho bị giết, cha sẽ nộp con cho bị giết, con cái sẽ dấy lên nghịch cùng cha mẹ mà làm cho người phải chết đi.

22Các ngươi lại sẽ bị thiên hạ ghen ghét vì danh ta; song ai bền lòng cho đến cuối cùng, thì sẽ được rỗi.

23Khi nào người ta bắt bớ các ngươi trong thành nầy, thì hãy trốn qua thành kia; vì ta nói thật, các ngươi đi chưa khắp các thành dân Y-sơ-ra-ên thì Con người đã đến rồi.

 

Mác 13

9Còn các ngươi, phải giữ mình; họ sẽ nộp các ngươi trước tòa án; các ngươi sẽ bị đánh trong các nhà hội, và vì cớ ta, sẽ đứng trước mặt các quan tổng đốc và các vua, để làm chứng trước mặt họ.

10Nhưng trước hết Tin Lành phải được giảng ra cho khắp muôn dân đã.

11Vả, khi họ điệu các ngươi đi nộp, chớ có ngại trước về điều mình sẽ nói, nhưng đến giờ đó, hãy nói theo lời sẽ ban cho; vì ấy không phải các ngươi nói, bèn là Ðức Thánh Linh vậy.

12Bấy giờ, anh sẽ nộp em cho phải chết, cha sẽ nộp con; con cái sẽ dấy lên nghịch cùng cha mẹ mình mà làm cho phải chết.

13Các ngươi sẽ bị mọi người ghen ghét vì danh ta; song ai cứ bền lòng đến cuối cùng, người ấy sẽ được cứu.

 

Lu-ca 21

12Song trước những điều đó thiên hạ sẽ vì cớ danh ta mà tra tay bắt bớ các ngươi, nộp tại các nhà hội, bỏ vào ngục, kéo đến trước mặt các vua và các quan tổng đốc.

13Ðiều ấy xảy ra cho các ngươi để làm chứng cớ.

14Vậy các ngươi hãy nhớ kỹ trong trí, đừng lo trước về sự binh vực mình thể nào.

15Vì ta sẽ ban cho các ngươi lời lẽ và sự khôn ngoan, mà kẻ nghịch không chống cự và bẻ bác được.

16Các ngươi cũng sẽ bị cha, mẹ, anh, em, bà con, bạn hữu mình nộp mình; và họ sẽ làm cho nhiều người trong các ngươi phải chết.

17Các ngươi sẽ vì cớ danh ta bị mọi người ghen ghét.

18Nhưng một sợi tóc trên đầu các ngươi cũng không mất đâu.

19Nhờ sự nhịn nhục của các ngươi mà giữ được linh hồn mình.

 

I           Lời cảnh cáo: Chiên giữa muông sói.

 

Lần nữa, Chúa nhắc lại, “16Kìa, ta sai các ngươi đi.” Chúng ta phải nhớ rằng “Hãy đi ra” là một mạng lệnh Chúa sai tất cả mọi tín đồ, không phải chỉ cho những “siêu tín đồ” như các sứ đồ ngày xưa. Thật ra, ngay sau khi được cứu, điều tốt nhất mà Ðức Chúa Trời có thể làm cho chúng ta là đem chúng ta về với Ngài tức thì, để chúng ta khỏi phải sống thêm trên thế gian ô dơ này. Nhưng Ngài không làm như thế, vì muốn chúng ta đi ra đem Tin Lành đến những người chưa biết Ngài.

Một đàng Chúa Giê-xu sai chúng ta đi ra, một đàng Ngài nói rõ rằng đây là một điều rất khó làm. Trong cùng một câu, Ngài nói, “16Kìa, ta sai các ngươi đi khác nào như chiên vào giữa bầy muông sói.” Chiên là một con vật hiền lành, không có nhiều khả năng tự vệ. Nó chậm chạp, dễ sợ hãi, dễ đi lạc. Nó không có răng hay vuốt nhọn để chiến đấu với những con thú vật khác. Ngược lại, sói là loài động vật xảo trá, mạnh mẽ và nhanh nhẹn. Nó có thể giết những con thú lớn hơn nó nhiều, huống chi những con chiên hiền lành. Chúa Giê-xu biết rằng sai tín đồ của Ngài đem Tin Lành cho người khác là sai họ vào nơi nguy hiểm vô cùng.

Chúa nói rõ ràng hơn, “22Các ngươi lại sẽ bị thiên hạ ghen ghét vì danh ta.” Ngài đơn cử một vài ví dụ cụ thể lúc đó. Thứ nhất, “17người ta sẽ đánh đòn các ngươi trong nhà hội.” Ở đây Ngài muốn nói đến những nhà lãnh đạo tôn giáo. Thật ra, người chống đối Tin Lành mãnh liệt nhất lúc đó không phải là người ngoại, nhưng chính những lãnh tụ Do thái giáo. Họ oán ghét Chúa, và tìm mọi cách để triệt hạ Ngài, cùng các tín đồ của Ngài. Ngày hôm nay, Chúa muốn nói đến những nhà lãnh tụ các tôn giáo khác, đặc biệt là Hồi Giáo. Chúa Giê-xu không thể chấp nhận rằng một người có thể vừa tin Ngài, vừa tin một giáo chủ khác. Ngài không công nhận những ai xem Ngài thấp hơn Ðức Chúa Trời. Việc Chúa Giê-xu tự nhận là “đường đi, lẽ thật và sự sống” duy nhất đi ngược lại với sự dạy dỗ của tất cả mọi tôn giáo khác trên thế gian. Sự cứu rỗi nhờ ân điển của Ðức Chúa Trời khác hẳn lời dạy của nhiều tôn giáo khác rằng con người phải tự cứu lấy mình. Vì Tin Lành không đứng chung hay đồng ý với các tôn giáo khác, người rao giảng Tin Lành luôn bị ganh ghét và mạ lỵ.

Thứ hai, Chúa Giê-xu cảnh cáo rằng, “18Lại vì cớ ta mà các ngươi sẽ bị giải đến trước mặt các quan tổng đốc và các vua.” Là người Việt Nam, chúng ta không còn lạ lùng gì với điều này. Lo sợ cho sự tồn tại của mình, Cộng sản không thể chấp nhận người tín đồ Tin Lành, vì thấy họ tuân theo một thẩm quyền cao hơn chính quyền. Sự bách hại cũng đang xảy ra ngay trên nước Mỹ tự do. Việc cầu nguyện trong trường học bị cấm đoán. Tại Honolulu ngày 29 tháng 6 năm 2006, sau khi được tòa án tuyên bố vô tội đánh con, một người tên Junior Stowers vui mừng la lớn, “Cám ơn, Chúa Giê-xu.” Quan tòa tên Patrick Border liền ra lịnh bỏ ông vào tù vì tội coi thường tòa án!

Thứ ba, Chúa tiên tri về sự bách hại xảy ra trong gia đình người tín đồ: “21Anh sẽ nộp em cho bị giết, cha sẽ nộp con cho bị giết, con cái sẽ dấy lên nghịch cùng cha mẹ mà làm cho người phải chết đi.” Ðặc biệt điều này đang xảy ra trong những gia đình Hồi Giáo. Tại các nước khác, sự bách hại có thể tế nhị hơn, như nói xấu hay tẩy chay, vì người tín đồ không còn muốn góp phần vào những nghi lễ hay phong tục tôn giáo của gia đình. (Là người tin Chúa đầu tiên trong đại gia đình, tôi đã kinh nghiệm điều này.)

Chúa Giê-xu biết rõ mọi sự bách hại đang đón chờ người tín đồ. Dầu vậy Ngài vẫn sai họ ra đi. Tại sao? Thứ nhất, vì Tin Lành phải được rao giảng để người khác được cứu. Không nghe Tin Lành, người ta phải chịu sự trừng phạt vì tội lỗi của mình. Thứ hai, như chúng ta sẽ thấy hôm nay, nhờ những sự bách hại này, người tín đồ mới học được những bài học quý giá về sự quan phòng và quyền năng giải cứu của Ðức Chúa Trời. Nhưng trước hết, xin chúng ta nghiên cứu những lời khuyên của Chúa Giê-xu để chuẩn bị cho sự bách hại đến với chúng ta.

 

II.        Lời khuyên

 

1.            Khôn khéo

 

Lời khuyên thứ nhất là “16Vậy, hãy khôn khéo như rắn.” Có nhiều người dùng câu này để biện minh cho những hành động lươn lẹo, gần như bất chính của mình. Vâng, ngày xưa rắn được coi như con vật có nhiều mưu mẹo quỷ quyệt, nhưng Chúa Giê-xu không muốn dạy chúng ta tính xấu này. Thật ra, ngay sau câu này, Ngài dạy chúng ta phải “đơn sơ như chim bồ câu.” Ðây là con vật tượng trưng cho hòa bình, bất bạo động và thánh khiết. Ðặc biệt là sau khi Chúa Giê-xu chịu báp-têm, Thánh Linh của Ðức Chúa Trời hiện xuống trên Ngài với hình dạng chim bồ câu.

Chúa khuyên chúng ta phải vừa “như rắn” trên đầu, vừa “như chim bồ câu” trong trái tim, chứ không phải “như chim bồ câu” trên đầu và “như rắn” trong tim. Chúng ta “như chim bồ câu” trên đầu khi không hiểu biết niềm tin của mình để có thể chia sẻ Tin Lành với người khác; khi để người khác lợi dụng lòng tốt của mình; hay khi đi ra rao giảng Tin Lành mà thiếu khải tượng hay kế hoạch. Chúng ta “như rắn” trong tim khi chỉ biết phê phán người khác, xem họ kém hơn mình, đòi hỏi họ làm cho mình những điều mà mình không muốn làm cho họ, hay làm cho họ những điều mà mình không muốn họ làm cho mình.

Người tín đồ phải sống “như chim bồ câu” để làm đẹp lòng Chúa và người khác. Ngay cả việc đem Tin Lành đến người khác cũng phải được làm trong sự chân thật và kính trọng người nghe, cũng như kính trọng luật pháp và thuần phong mỹ tục. Phao-lồ tâm sự trong II Cô-rinh-tô 2:17, “Vả, chúng tôi chẳng giả mạo lời của Ðức Chúa Trời như nhiều kẻ khác; nhưng chúng tôi lấy lòng chân thật, theo như đạo từ Ðức Chúa Trời đến thể nào, thì giảng ra thể ấy trước mặt Ðức Chúa Trời, trong Ðấng Christ.”

 

Trong bối cảnh của sự bách hại, chúng ta phải học từ con rắn sự khôn khéo của nó, đặc biệt để tồn tại. Rắn rất nhậy cảm và cẩn thận trước những cạm bẫy. Biết cạm bẫy, rắn không tự mình đút đầu vào. Rắn biết khi nào tấn công, cũng như khi nào thối lui, thủ thế, hay thoát chạy. Cũng vậy, chúng ta không chọc giận người khác để họ bách hại mình. Chúa không sai chúng ta ra đi để thành tử đạo một cách oan ức. Không như những người Hồi Giáo cuồng tín ôm mìn cho nổ giữa đám đông, chúng ta phải có chương trình và kế hoạch để có thể gặt hái trong cánh đồng thuộc linh một cách có hiệu quả lâu dài, làm sáng danh Ðức Chúa Trời. Trong kế hoạch đó, chúng ta phải biết khi nào cần thối lui trước sự chống đối. Chúa dạy thêm điều này trong câu 10:23, “Khi nào người ta bắt bớ các ngươi trong thành nầy, thì hãy trốn qua thành kia.”

Buồn thay, nhiều người tín đồ không biết rằng sứ điệp Tin Lành đôi khi làm phật lòng người khác, và chúng ta phải hết sức cẩn thận khi rao giảng Tin Lành. Sách Công Vụ kể rằng, tại thành A-thên, Phao-lồ thấy “17:16động lòng tức giận, vì thấy thành đều đầy những thần tượng.” Dầu vẫy, ông không chọc giận họ bằng cánh tấn công việc thờ thần tượng này, nhưng khôn khéo dùng chúng để bắt đầu bài giảng: “17:22Hỡi người A-thên, phàm việc gì ta cũng thấy các ngươi sốt sắng quá chừng. 23Vì khi ta trải khắp thành các ngươi, xem xét khí vật các ngươi dùng thờ phượng, thì thấy một bàn thờ có chạm chữ rằng: Thờ Chúa Không Biết. Vậy, Ðấng các ngươi thờ mà không biết đó, là Ðấng ta đang rao truyền cho.”

Người tín đồ khôn ngoan biết nhận ra sự gian dối, nhưng không làm sự gian dối; biết tiến biết thoái; biết khi nào bị tấn công, cũng như khi nào cần tấn công. Người tín đồ khôn ngoan biết chuẩn bị, biết tránh né, và biết thối lui trước sự bạch hại nếu cần. Trước sự bách hại hay mạ lỵ, người tín đồ khôn ngoan biết khi nào dùng lý, và khi nào lì.

 

2.            Tin cậy

 

Nếu lời khuyên đầu tiên của Chúa là để chúng ta tránh sự bách hại, lời khuyên thứ hai là để giúp chúng ta đứng vững trong sự bách hại. Ngài nói, “19Song khi họ sẽ đem nộp các ngươi, thì chớ lo về cách nói làm sao, hoặc nói lời gì; vì những lời đáng nói sẽ chỉ cho các ngươi chính trong giờ đó.” Nếu muốn dùng những người có tài ăn nói đi ra giảng đạo, Chúa đã chọn các học giả như người Pha-ri-si hay các thầy thông giáo. Nhưng Ngài không chọn họ vì biết họ thường thích dựa vào khả năng của mình. Ngược lại, Ngài đã chọn những người ít học hơn, làm nghề đánh cá hay thâu thuế, vì họ sẵn sàng nghe lời dạy của Ngài. Ðặc biệt trong khi đương đầu với khó khăn bắt bớ, họ biết lắng nghe sự chỉ dẫn của Ngài qua tiếng nói của Ðức Thánh Linh.

Xuất Ê-díp-tô Ký ghi rằng, “4:10Môi-se thưa cùng Ðức Giê-hô-va rằng: Ôi! lạy Chúa, từ hôm qua, hôm kia, hay là từ lúc Chúa phán dạy kẻ tôi tớ Chúa, tôi vẫn chẳng phải một tay nói giỏi, vì miệng và lưỡi tôi hay ngập ngừng. 11 Ðức Giê-hô-va bèn phán rằng: Ai tạo miệng loài người ra? hay là ai đã làm câm, làm điếc, làm sáng, làm mờ? Có phải ta là Ðức Giê-hô-va chăng? 12Vậy bây giờ, hãy đi; ta sẽ ở cùng miệng ngươi và dạy ngươi những lời phải nói.”

Ngày nay tại Việt Nam, bị kêu lên “làm việc,” người tín đồ không khỏi bị lo âu và sợ hãi, không biết phải ăn nói làm sao. Ðể trấn an họ, Chúa Giê-xu muốn họ biết tin vào Ngài. Ðúng hơn, Ngài hứa là Ngài sẽ ở cùng với họ và nói qua họ. Ngài không bao giờ lìa bỏ chúng ta, đặc biệt là trong những lúc chúng ta cần Ngài.

Trong Mác, Chúa dạy thêm, “13:11Vả, khi họ điệu các ngươi đi nộp, chớ có ngại trước về điều mình sẽ nói, nhưng đến giờ đó, hãy nói theo lời sẽ ban cho; vì ấy không phải các ngươi nói, bèn là Ðức Thánh Linh vậy.” Ở đây Chúa nhấn mạnh đến sự lo ngại, phập phồng, chứ không ngăn cản chúng ta suy nghĩ hay chuẩn bị trước những điều cần nói. Người đi rao giảng lời Chúa ít nhất phải biết rõ quyền lợi của người công dân một nước, cũng như trách nhiệm và giới hạn của người đại diện chính quyền đang bách hại mình. Trong quyền năng của Ðức Chúa Trời, Ngài có thể thay đổi tình thế bằng cách dùng những lời nói thô thiển của chúng ta, hay dạy chúng ta biết chọn điều nào để nói, giữa những điều đã chuẩn bị trước trong đầu bởi khả năng hạn hẹp của mình.

 

3.            Bền lòng

 

Không những Chúa muốn chúng ta có sự tin cậy vào quyền năng của Ngài trong sự bách hại, Ngài cũng muốn chúng ta có sự tin cậy vào chương trình của Ngài sau sự bạch hại. Ngài hứa, “song ai bền lòng cho đến cuối cùng, thì sẽ được rỗi.”

Sống trong xã hội hôm nay, với đầy kỹ thuật tân tiến, chúng ta quen tìm kiếm những giải pháp tức thì. Muốn uống cà-phê, chúng ta có “instant coffee;” muốn có thức ăn nóng hổi, chúng ta chỉ cần bỏ chúng vào microwave một vài phút. Vì thế, chúng ta thường đánh mất sự kiên nhẫn, và trong mọi sự, thường đòi hỏi những giải pháp tức thì. Thế nhưng chúng ta phải biết rằng, khi Chúa hứa “được rỗi” hay “được cứu rỗi” ở đây, Ngài không nói đến việc giải thoát chúng ta ra khỏi sự bách hại về phương diện vật chất tức thì. Thật ra, Ðức Thánh Linh cho chúng ta “19những lời đáng nói” “18trước mặt các quan tổng đốc và các vua, để làm chứng trước mặt họ và các dân ngoại,” chứ không phải để chấm dứt sự bách hại.

Chữ “bền lòng” hàm ý rằng sự bách hại sẽ kéo dài, và người bị bách hại phải biết nhìn đến những điều thuộc linh đời đời, hơn là những khó khăn vật chất trước mắt, để rồi chối Chúa Giê-xu vì bị bách hại. Kinh thánh ghi lại nhiều lần Ðức Chúa Trời thay đổi những điều xem ra có vẻ như đau đớn, tủi nhục thành sự chiến thắng vinh quang về sau. Thí dụ điển hình là việc Chúa Giê-xu bị đóng đinh trên cây thập tự. Ðiều này lúc đầu xem như một thất bại lớn, nhưng sau đó lại đưa đến sự phục sinh khải hoàn. Cũng vậy, nếu bỏ cuộc quá sớm trước sự bách hại, chúng ta sẽ không có được sự vui mừng lớn trong ngày cuối cùng. Chúa nói ngay sau đó, “32Bởi đó, ai xưng ta ra trước mặt thiên hạ, thì ta cũng sẽ xưng họ trước mặt Cha ta ở trên trời; 33còn ai chối ta trước mặt thiên hạ, thì ta cũng sẽ chối họ trước mặt Cha ta ở trên trời.”

Niềm tin vào Chúa Giê-xu của một người được biểu lộ nhiều nhất trong việc bền lòng trước bách hại. I Giăng nói đến những “kẻ địch lại Ðấng Christ” như sau, “2:19Chúng nó đã từ giữa chúng ta mà ra, nhưng vốn chẳng phải thuộc về chúng ta; vì nếu chúng nó thuộc về chúng ta, thì đã ở cùng chúng ta; song điều đó đã xảy đến, hầu cho tỏ ra rằng mọi kẻ ấy chẳng thuộc về chúng ta vậy.” Trong những lúc thuận lợi, trời trong mây tạnh, rất dễ để một người nhận phép Báp-têm, đi thờ phượng mỗi Chúa Nhật, học Kinh thánh, hay đi ra làm chứng. Nhưng những người bền lòng trong sự bách hại là những người biết chắc mình có đức tin thật sự. Sự bền lòng nói lên sự tin tưởng và hy vọng, ngay cả khi sự bách hại gia tăng; nói lên lòng bất khuất, ngay cả khi thân xác muốn bỏ cuộc; nói lên ý chí thi hành mạng lệnh Chúa giao, dầu phải đối diện với bao nhiêu thử thách, khó khăn, hay thất bại.

Không những sự bền lòng trong bách hại biểu lộ niềm tin thật của một người, nó cũng cho thấy nhiều sự thật về Ðức Chúa Trời. Bỏ cuộc trước sự bách hại, chúng ta sẽ không thể nào biết rõ Ngài, và kinh nghiệm quyền năng của Ngài. Phải bao nhiêu năm sau khi bị anh em ruồng bỏ, bán làm nô lệ, Giô-sép mới thấy chương trình tốt lành của Ðức Chúa Trời cho mình để thốt lên câu, “50:19Các anh đừng sợ chi, vì tôi há thay mặt Ðức Chúa Trời sao? 20Các anh toan hại tôi, nhưng Ðức Chúa Trời lại toan làm điều ích cho tôi, hầu cho cứu sự sống cho nhiều người, y như đã xảy đến ngày nay, và giữ gìn sự sống của dân sự đông đảo.” Phải bền lòng trong sự bách hại, chúng ta mới thấy ơn điển của Ðức Chúa Trời là đủ rồi, và phần thưởng của Ngài đáng giá bội phần nhiều hơn những sự hy sinh đau đớn.

Bền lòng trong bách hại không phải là điều dễ làm. Nếu dễ, thì chúng ta đã không cần sự bền lòng, như chúng ta không cần bền lòng trong những điều vui thích. Nhưng người có sự bền lòng sẽ nhận được phần thưởng lớn từ Chúa. Ngoài việc Chúa Giê-xu sẽ không từ chối người đó trong ngày cuối cùng, chúng ta cần phải nói thêm đến sự trưởng thành trong Chúa trên đời này. Phao-lồ viết trong Rô-ma 5:3-4, “Nào những thế thôi, nhưng chúng ta cũng khoe mình trong hoạn nạn nữa, vì biết rằng hoạn nạn sanh sự nhịn nhục, sự nhịn nhục sanh sự rèn tập, sự rèn tập sanh sự trông cậy.” Gia-cơ khuyên, “1:2-4Hỡi anh em, hãy coi sự thử thách trăm bề thoạt đến cho anh em như là điều vui mừng trọn vẹn, vì biết rằng sự thử thách đức tin anh em sanh ra sự nhịn nhục. Nhưng sự nhịn nhục phải làm trọn việc nó, hầu cho chính mình anh em cũng trọn lành toàn vẹn, không thiếu thốn chút nào.”

 

Tóm lại, khi sai chúng ta đi rao giảng Tin Lành, Chúa Giê-xu cho biết thêm rằng đây không phải là một trách nhiệm dễ thi hành. Sự bách hại sẽ đến ngay từ trong gia đình, ngoài xã hội hay từ chính quyền. Vì thế Ngài khuyên chúng ta phải cẩn thận, dùng sự khôn ngoan trong đầu như con rắn và sự đơn sơ trong trái tim như chim bồ câu để không tự gây những khó khăn không cần thiết cho mình. Rồi khi gặp khó khăn, chúng ta phải biết nương tựa vào quyền năng của Ðức Chúa Trời, để biết nên nói gì hay làm gì, hầu có thể làm chứng cho người đang bách hại mình. Ðiều quan trọng là chúng ta phải có sự bền lòng, vì chỉ qua đó mà chúng ta mới biết thêm Ðức Chúa Trời và chính mình, và thấy mình càng ngày càng giống Chúa Giê-xu nhiều hơn.

 

Mục Sư Ðỗ Lê Minh