Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 14

Sự Nghi Ngờ của Giăng Báp-tít

Ma-thi-ơ 11:1-19, Lu-ca 7:19-35

 

Kính thưa quý vị: Có bao giờ quý vị cảm thấy rằng tin Chúa có thể là một điều sai lầm lớn trên đời? Có nhiều lúc tôi tự hỏi như vậy. Hôm nay, chúng ta sẽ học một đoạn Kinh thánh để thấy rằng đây là một điều xảy ra cho tất cả mọi người, và chúng ta cần phải biết đối phó đúng đắn với những sự nghi ngờ như vậy để khỏi đánh mất niềm tin.

Sau loạt bài giảng trên núi của Chúa Giê-xu được chép lại trong sách Ma-thi-ơ từ chương 5 đến chương 7, Ma-thi-ơ ghi lại những phép lạ Ngài làm trong các chương 8 và 9. Trong chương 10, chúng ta thấy Ngài sai các môn đồ đi ra rao giảng Tin Lành, và cảnh cáo họ về những sự bách hại đang chờ họ. Giờ đây, qua chương 11, Ma-thi-ơ cho chúng ta thấy rằng Chúa không sai người khác đi vào những nơi nguy hiểm nhưng lại “ngồi chơi xơi nước.” Ma-thi-ơ ghi, “1Vả, Ðức Chúa Giê-xu đã dạy các điều đó cho mười hai môn đồ rồi, bèn lìa khỏi chỗ nầy đặng đi giảng dạy trong các thành xứ đó.” Sau đó, Ma-thi-ơ ghi lại phản ứng của nhiều người đối với những lời dạy và việc làm của Chúa Giê-xu. Phản ứng đầu tiên mà chúng ta học ngày hôm nay là của Giăng Báp-tít, được chép trong sách Ma-thi-ơ 11:1-19 và Lu-ca 7:19-35.

 

Ma-thi-ơ 11:

2Khi Giăng ở trong ngục nghe nói về các công việc của Ðấng Christ, thì sai môn đồ mình đến thưa cùng Ngài rằng:

3Thầy có phải là Ðấng phải đến, hay là chúng tôi còn phải đợi Ðấng khác chăng?

4Ðức Chúa Giê-xu đáp rằng: hãy về thuật lại cùng Giăng những điều các ngươi nghe và thấy:

5kẻ mù được thấy, kẻ què được đi, kẻ phung được sạch, kẻ điếc được nghe, kẻ chết được sống lại, kẻ khó khăn được nghe giảng tin lành.

6Phước cho ai chẳng vấp phạm vì cớ ta!

 

Lu-ca 7

18Môn đồ của Giăng trình lại hết cả chuyện đó với người.

19Người bèn gọi hai môn đồ mình, sai đến thưa cùng Chúa rằng: Thầy có phải là Ðấng phải đến, hay chúng tôi còn phải đợi Ðấng khác?

20Hai người đã đến cùng Ðức Chúa Giê-xu, thưa rằng: Giăng Báp-tít sai chúng tôi đến hỏi thầy: Thầy có phải là Ðấng phải đến, hay chúng tôi còn phải đợi Ðấng khác?

21Vả, chính giờ đó, Ðức Chúa Giê-xu chữa lành nhiều kẻ bịnh, kẻ tàn tật, kẻ mắc quỉ dữ, và làm cho nhiều người đui được sáng.

22Ðoạn, Ngài đáp rằng: hãy về báo cho Giăng sự các ngươi đã thấy và đã nghe: kẻ đui được sáng, kẻ què được đi, kẻ phung được sạch, kẻ điếc được nghe, kẻ chết được sống lại, Tin Lành đã rao giảng cho kẻ nghèo.

23Phước cho kẻ không vấp phạm vì cớ ta!

 

I.                   Sự nghi ngờ

 

Nhiều người chúng ta đã quá quen thuộc với Giăng Báp-tít. Ông có liên hệ máu mủ với Chúa Giê-xu. Cha ông, là thầy tế lễ Xa-cha-ri, được thiên sứ báo cho biết về sự giáng sinh của Chúa trong khi dâng hương tại đền thờ (Lu-ca 1:1-20). Khi bà Ma-ri (lúc đó đang hoài thai Chúa Giê-xu) đến thăm người bà con của mình là bà Ê-li-sa-bét mẹ ông (lúc đó đang hoài thai ông), “Ê-li-sa-bét vừa nghe tiếng Ma-ri chào, con nhỏ ở trong lòng liền nhảy nhót” (Lu-ca 1:41). Ông bắt đầu hành đạo khoảng 30 tuổi tại đồng vắng thuộc xứ Giu-đê. Sứ đồ Giăng ghi rằng, “1:29-36Qua ngày sau, Giăng thấy Ðức Chúa Giê-xu đến cùng mình, thì nói rằng: Kìa, Chiên con của Ðức Chúa Trời, là Ðấng cất tội lỗi thế gian đi. Ấy về Ðấng đó mà ta đã nói: Có một người đến sau ta, trổi hơn ta, vì người vốn trước ta. Về phần ta, ta vốn chẳng biết Ngài; nhưng ta đã đến làm phép báp-tem bằng nước, để Ngài được tỏ ra cho dân Y-sơ-ra-ên. Giăng lại còn làm chứng nầy nữa: Ta đã thấy Thánh Linh từ trời giáng xuống như chim bồ câu, đậu trên mình Ngài. Về phần ta, ta vốn không biết Ngài; nhưng Ðấng sai ta làm phép báp-tem bằng nước có phán cùng ta rằng: Ðấng mà ngươi sẽ thấy Thánh Linh ngự xuống đậu lên trên, ấy là Ðấng làm phép báp-tem bằng Ðức Thánh Linh. Ta đã thấy nên ta làm chứng rằng: Ấy chính Ngài là Con Ðức Chúa Trời. Ngày mai, Giăng lại ở đó với hai môn đồ mình; nhìn Ðức Chúa Giê-xu đi ngang qua, bèn nói rằng: Kìa, Chiên con của Ðức Chúa Trời!”

Là một người có sự liên hệ mật thiết với Chúa Giê-xu và có một niềm tin mãnh liệt vào Ngài như thế, chắc ông không bao giờ nghi ngờ niềm tin của mình vào Chúa Giê-xu. Thế nhưng, Ma-thi-ơ ghi, “2-3Khi Giăng ở trong ngục nghe nói về các công việc của Ðấng Christ, thì sai môn đồ mình đến thưa cùng Ngài rằng: Thầy có phải là Ðấng phải đến, hay là chúng tôi còn phải đợi Ðấng khác chăng?” “Ðấng-phải-đến” là danh xưng Cựu Ước dành cho Ðấng sẽ đến để cứu người Do thái, như Ê-sai 59:20 ghi, “Ðấng Cứu chuộc sẽ đến Si-ôn, đến cùng những kẻ thuộc về Gia-cốp, là kẻ bỏ tội lỗi, Ðức Giê-hô-va phán vậy.”

Trước hết, xin chúng ta đoán xem lý do nào khiến ông có sự nghi ngờ như thế. Ma-thi-ơ ghi rõ rằng lúc đó “2Giăng ở trong ngục.” Ma-thi-ơ đã nói đến điều này trước kia trong câu 4:12, nhưng chỉ giải thích lý do trong chương 14, khi ghi lại việc ông bị vua Hê-rốt giết chết: “3-5Số là, bởi cớ Hê-rô-đia, vợ Phi-líp, là em mình, nên vua Hê-rốt đã truyền bắt trói Giăng và bỏ tù. Vì Giăng có can vua rằng: Vua không có phép được lấy người đó làm vợ. Vua muốn giết Giăng, song sợ dân chúng, vì họ đều tôn Giăng là đấng tiên tri.” Dĩ nhiên Giăng không muốn ngồi trong tù. Là một người đã từng sống tự do trong đồng vắng, Giăng không muốn bị giam hãm. Là một người đã từng công khai giảng đạo, Giăng không muốn thấy mình nói mà không ai nghe. Giăng cũng có lý do để nghi ngờ Chúa Giê-xu. Ngài đang hành đạo quanh đó, nhưng có vẻ như không để ý gì đến ông, là một người đã từng tận tâm rao giảng nước Ðức Chúa Trời. Nếu thật sự là Ðấng Cứu Thế, Ngài đã giải cứu Giăng ra khỏi sự bất công này từ lâu! “Tại sao người hăng hái hầu việc Chúa như tôi lại bị bỏ tù? Nếu Chúa Giê-xu giải cứu tôi thì tôi có thể chuẩn bị thêm lòng nhiều người, để họ tin Chúa. Ở trong tù có lợi gì đâu?” Giăng không hiểu tại sao Chúa lại để vua Hê-rốt hoành hành, cũng như để đời ông kết liễu như thế!

Rồi Giăng cũng “2nghe nói về các công việc của Ðấng Christ,” kể cả những lời dạy của Ngài. Vâng, Giăng có thể không trông chờ một Ðấng đến giải cứu người Do thái khỏi ách thống trị của ngoại bang như những người khác, nhưng hình ảnh của ông về một Ðấng Cứu Rỗi có vẻ khác với điều Chúa Giê-xu làm. Trong Ma-thi-ơ chương 3, ông giảng, “11-12Ðấng đến sau ta có quyền phép hơn ta, ta không đáng xách giày Ngài. Ấy là Ðấng sẽ làm phép báp-tem cho các ngươi bằng Ðức Thánh Linh và bằng lửa. Tay Ngài cầm nia mà dê thật sạch sân lúa mình và Ngài sẽ chứa lúa vào kho, còn rơm rạ thì đốt trong lửa chẳng hề tắt.” Ông mong chờ một Quan Án thanh liêm, hơn là một vì Vua nhân từ. Nhưng thay vì giảng như Giăng, Chúa Giê-xu lại giảng về ân điển; thay vì trừng phạt hay ít nhất xa lánh kẻ phạm tội, Ngài đến với họ, có khi còn nhận họ làm đệ tử. Mác ghi thêm, “2:18Vả, môn đồ của Giăng và người Pha-ri-si đều kiêng ăn. Có người đến thưa cùng Ðức Chúa Giê-xu rằng: Bởi cớ nào môn đồ của Giăng và môn đồ của người Pha-ri-si đều kiêng ăn, còn môn đồ của thầy không kiêng ăn?”

Tại sông Giô-đanh trước kia, Giăng hùng hồn tuyên bố Chúa Giê-xu là “Chiên con của Ðức Chúa Trời” với một dấu chấm than; hôm nay, ngồi trong tù Giăng chấm dứt câu này với một dấu hỏi.

 

Câu chuyện này trước nhất đã an ủi tôi rất nhiều, vì nếu một người như Giăng Báp-tít còn nghi ngờ niềm tin của mình nơi Chúa Giê-xu, thì huống chi chúng ta? Có nhiều lý do khiến chúng ta nghi ngờ.

Thứ nhất, có khi chúng ta nghi ngờ vì thấy nhiều điều không tốt lành xảy ra trên thế gian này, chẳng hạn như sự đói kém, bịnh hoạn, hay thiên tai. Nếu Ðức Chúa Trời yêu thương thế gian thì tại sao Ngài lại để những điều này xảy ra? Nhưng chính vì đó mà chúng ta cần niềm tin. Nếu thế gian này đầy “sữa và mật” thì ai cũng có thể thờ phượng Ðức Chúa Trời. Rồi có nhiều người rõ ràng là có tội “tày trời” nhưng vẫn cứ nhởn nhơ sống trên nhung lụa. Nhưng chúng ta phải chờ đến ngày cuối cùng để biết được sự thánh khiết và công bình của Ðức Chúa Trời. Trong ngày hôm nay, chúng ta phải chấp nhận rằng mình đang sống trong một thế giới bị hư hoại vì tội lỗi, và đó càng là lý do khiến chúng ta phải bám víu vào dòng huyết cứu rỗi của Chúa Giê-xu trên thập tự giá.

Nhưng lý do thứ hai quan trọng và thông thường hơn khiến chúng ta có sự nghi ngờ niềm tin của mình là những bất hạnh cá nhân, như việc Giăng ngồi trong tù. Khi chúng ta đi qua những thung lũng cuộc đời, kinh nghiệm trực tiếp những điều như bịnh hoạn, mất việc, hay lục đục trong gia đình, và đặc biệt là khi cảm thấy lời cầu nguyện khẩn thiết của mình không được trả lời, chúng ta bắt đầu nghi ngờ tình yêu hay quyền năng của Ðức Chúa Trời. Nhưng chúng ta cần phải nhớ rằng Ðức Chúa Trời có chương trình tốt đẹp cho mỗi người tín đồ, và có khi Ngài không trả lời liền những điều chúng ta cầu xin, theo như ý chúng ta. Ê-sai 55:8-9 viết, “Ðức Giê-hô-va phán: Ý tưởng ta chẳng phải ý tưởng các ngươi, đường lối các ngươi chẳng phải đường lối ta. Vì các từng trời cao hơn đất bao nhiêu, thì đường lối ta cao hơn đường lối các ngươi, ý tưởng ta cao hơn ý tưởng các ngươi cũng bấy nhiêu.” Hơn nữa, những điều xảy ra trên thế gian này đến và đi trong khoảnh khắc, so với sự sống đời đời mà Ngài đã dành cho tín đồ của Ngài trên thiên đàng.

Nhiều khi chúng ta nghi ngờ vì không hiểu rõ điều mình tin, cũng như những điều dạy trong Kinh thánh. Chẳng hạn như chúng ta phải biết rằng Chúa không hứa hẹn cho người tín đồ những điều tốt lành trên thế gian này, nhưng ngược lại, như chúng ta đã học trong những tuần trước, sự bách hại và chống đối luôn đón chờ chúng ta.

Lý do thứ ba là Sa-tan. Ngày xưa, Sa-tan hiện ra dưới hình dạng con rắn trong Sáng Thế Ký 3 để gieo sự nghi ngờ trong đầu Ê-va: “1-5Vả, trong các loài thú đồng mà Giê-hô-va Ðức Chúa Trời đã làm nên, có con rắn là giống quỉ quyệt hơn hết. Rắn nói cùng người nữ rằng: Mà chi! Ðức Chúa Trời há có phán dặn các ngươi không được phép ăn trái các cây trong vườn sao? Người nữ đáp rằng: Chúng ta được ăn trái các cây trong vườn, song về phần trái của cây mọc giữa vườn, Ðức Chúa Trời có phán rằng: Hai ngươi chẳng nên ăn đến và cũng chẳng nên đá-động đến, e khi hai ngươi phải chết chăng. Rắn bèn nói với người nữ rằng: Hai ngươi chẳng chết đâu; nhưng Ðức Chúa Trời biết rằng hễ ngày nào hai ngươi ăn trái cây đó, mắt mình mở ra, sẽ như Ðức Chúa Trời, biết điều thiện và điều ác.” Ngày nay, Sa-tan có thể hiện ra dưới dạng các giáo sư giả. Phao-lồ nhắc chúng ta trong thơ Ê-phê-sô 6:12, “Vì chúng ta đánh trận, chẳng phải cùng thịt và huyết, bèn là cùng chủ quyền, cùng thế lực, cùng vua chúa của thế gian mờ tối nầy, cùng các thần dữ ở các miền trên trời vậy.”

 

II.                Ðối diện với sự nghi ngờ

 

Thế thì, khi có sự nghi ngờ trong lòng, chúng ta phải làm gì? Trước hết, chúng ta cần ghi nhận nó, và đi tìm câu trả lời. Ðiều quan trọng là chúng ta phải tìm đúng người để hỏi. Giăng không ngồi đó giận hờn, hay than phiền với cai tù. Vì lúc đó chưa có Kinh thánh, nhưng vẫn còn có Chúa Giê-xu, ông “2sai môn đồ mình” đến đặt câu hỏi thẳng với Ngài. Ngài có mọi câu trả lời (Thật ra, Ngài là câu trả lời cho mọi vấn đề!) Giờ đây, chúng ta không đi tìm những người không tin Chúa để bày tỏ sự nghi ngờ của mình, nhưng phải đến với những người tín đồ đi trước, đã thật sự kinh nghiệm được Chúa, và vì thế có sự thông hiểu lời Ngài để hỏi. Nhưng trước hết, chúng ta phải đến với Ðức Chúa Trời trong sự cầu nguyện, và dâng lên Ngài mọi thắc mắc của mình. Ngài không bao giờ tự nhủ, “Mong rằng tên này không hỏi mình một câu hỏi quá hóc búa mà mình không biết trả lời làm sao.”

Ðức Chúa Trời cũng sẽ không nổi giận hay coi thường chúng ta khi chúng ta đặt câu hỏi. Chúa Giê-xu không nhắn lại với Giăng, “Giăng, ta thất vọng vì ngươi. Ai nghi ngờ ta còn hiểu được, nhưng ngươi, là người có trách nhiệm dọn đường cho ta, lại nghi ngờ ta!” Thật ra, như Ma-thi-ơ ghi lại, sau khi trả lời câu hỏi của Giăng, Chúa Giê-xu không để những người xung quanh nghĩ xấu về ông, nên tức thì khen ông:

“7 Khi họ ra về, Ðức Chúa Giê-xu mới phán về việc Giăng cho đoàn dân nghe, rằng: Các ngươi đã đi xem chi trong đồng vắng? Có phải xem cây sậy bị gió rung chăng?

8 Các ngươi đi xem cái chi nữa? Có phải xem người mặc áo tốt đẹp chăng? Kìa, những người mặc áo tốt đẹp thì ở trong đền vua.

9 Nhưng các ngươi lại đi xem cái chi nữa? Có phải là xem đấng tiên tri chăng? Phải, ta nói cùng các ngươi, cũng hơn đấng tiên tri nữa.

10 Ấy vì người đó mà có chép rằng: Nầy, ta sai sứ ta đến trước mặt con, Ðặng dọn đường sẵn cho con đi.

11 Quả thật, ta nói cùng các ngươi, trong những người bởi đàn bà sanh ra, không có ai được tôn trọng hơn Giăng Báp-tít, nhưng mà kẻ rất nhỏ hèn trong nước thiên đàng còn được tôn trọng hơn người.

12 Song, từ ngày Giăng Báp-tít đến nay, nước thiên đàng bị hãm ép, và là kẻ hãm ép đó choán lấy.

13 Vì hết thảy các đấng tiên tri và sách luật đã nói trước cho đến đời Giăng.

14 Nếu các ngươi muốn hiểu biết, thì ấy là Ê-li, là đấng phải đến.

15 Ai có tai mà nghe, hãy nghe.

16 Ta sẽ sánh dòng dõi nầy với ai? Dòng dõi nầy giống như con trẻ ngồi giữa chợ, kêu la cùng bạn mình,

17 mà rằng: Ta đã thổi sáo, mà bay không nhảy múa; ta đã than vãn, mà bay không khóc.

18 Vì Giăng đã đến, không ăn, không uống, người ta nói rằng: Giăng bị quỉ ám.

19 Con người đến, hay ăn hay uống, thì họ nói rằng: Kìa, là người ham ăn mê uống, bạn bè với người thâu thuế cùng kẻ xấu nết. Song le, sự khôn ngoan được xưng là phải, bởi những việc làm của sự ấy.”

Chúa Giê-xu muốn nói là Giăng không những là một nhà tiên tri như những nhà tiên tri khác trong Cựu Ước, nhưng cũng là người mà các nhà tiên tri trước đã nói đến, tức là người dọn đường cho Ðấng Cứu Thế, như lời tiên tri Ma-la-chi dự đoán, “3:1Nầy, ta sai sứ giả ta, người sẽ dọn đường trước mặt ta.” Giăng là nhà tiên tri cuối cùng, sau đó Chúa Giê-xu đến để hoàn thành tất cả mọi lời tiên tri.

Không trả lời cho các môn đồ của Giăng một cách ngắn gọn rằng Ngài là Ðấng-phải-đến đó, Chúa Giê-xu trích Ê-sai 35:5-6 và 61:1-2 như sau: “4-5Hãy về thuật lại cùng Giăng những điều các ngươi nghe và thấy: kẻ mù được thấy, kẻ què được đi, kẻ phung được sạch, kẻ điếc được nghe, kẻ chết được sống lại, kẻ khó khăn được nghe giảng tin lành.” Ðại ý, Chúa bảo Giăng đừng nhìn đến trường hợp riêng của ông, nhưng hãy nhìn đến Chúa và những việc Ngài làm. Ngài có quyền năng, và đang thực thi chương trình của Ngài cho nhân loại.

Chúa nói thêm, “6Phước cho ai chẳng vấp phạm vì cớ ta!” Ngài không giải thích thêm câu này, nhưng có vẻ nói rằng Giăng đã vấp phạm. Xin chúng ta nhớ rằng ở trong ngục, Giăng đã “2nghe nói về các công việc của Ðấng Christ.” Những điều Ngài kể trong câu 4 và 5 không phải là điều mới lạ gì đối với Giăng. Nhưng Giăng vấp phạm vì đã đòi hỏi quyền năng của Chúa đó được thi hành cho chính mình. Chúa Giê-xu trả lời rằng điều Giăng giảng dạy về nước Ðức Chúa Trời đã đến, và bằng chứng là nó đã được thể hiện trong những phép lạ Ngài đã làm cho con người nói chung, chứ không phải chỉ riêng cá nhân Giăng.

Có lẽ vì thế mà sau khi nghe câu hỏi của Giăng, Chúa không giải cứu ông ra khỏi gông cùm. Ngài không phải đến tận nơi Giăng bị giam, nhưng chỉ cần nói một tiếng là Giăng được tự do. Nhưng Ngài đã không làm như thế, vì người tín đồ không thể đặt niềm tin của mình vào những điều vật chất mà Chúa đã hay đang làm cho mình. Nước thiên đàng không chỉ giới hạn vào sự giàu có hay hạnh thông của một cá nhân nào, dầu là Giăng. Khác hẳn với việc Chúa giải cứu Phi-e-rơ ra khỏi tù sau đó, Ngài có chương trình riêng cho Giăng, và theo chương trình đó, ông phải bị chết trong tù.

Có nhiều người tín đồ không nhìn Chúa Giê-xu như một Ðấng mình phải thờ phượng, nhưng chỉ là một Ðấng phải phục vụ mình, làm thỏa mãn những đòi hỏi vật chất của mình. Sự cầu nguyện của họ chỉ là cách giúp họ đạt được những điều đó. Sớm muộn gì, họ cũng sẽ gặp một trường hợp bất hạnh mà có vẻ như Chúa không giải cứu, và đâm ra nghi ngờ Ngài. Chúa muốn chúng ta biết rằng Ngài đang làm việc trong đời sống mỗi chúng ta, dầu chúng ta biết hay không. Và đó chính là đức tin, tức là mặc dầu đang có những câu hỏi không được trả lời, hay những vấn đề không được giải quyết, chúng ta vẫn luôn trông cậy vào quyền năng và tình yêu của Ðức Chúa Trời. Chúa muốn chúng ta phải có một sự hiểu biết tối thiểu vào chương trình cứu rỗi của Ngài, nhưng không đòi hỏi phải biết hết mọi chương trình của Thượng Ðế dành cho mình. Làm như thế chỉ đưa đến sự vấp phạm.

Sống trên đất nước giàu có này, chúng ta được Chúa ban phước thật nhiều. Nhưng đó là một ân huệ Ngài ban, chứ không phải là quyền lợi của chúng ta. Chúa Giê-xu muốn nói rằng, “Phước cho người nào không nghi ngờ chương trình tốt lành của ta cho người đó, dầu đang đối diện với bao khó khăn trên đời.” Phước cho Gióp, bị mất mát quá nhiều, nhưng vẫn một lòng trung tín. Phước cho Phao-lồ, bi dằm xóc trong thân, nhưng biết vâng phục khi nghe Chúa phán, “Ân điển ta đủ cho ngươi rồi, vì sức mạnh của ta nên trọn vẹn trong sự yếu đuối.” (II Cô-rinh-tô 12:9). Chúa Giê-xu muốn dạy chúng ta nói như Gióp, “13:15Dẫu Chúa giết ta, ta cũng còn nhờ cậy nơi Ngài.”

Dầu đời sống của chúng ta như thế nào, khi nhìn chung quanh, chắc chắn chúng ta có thể chứng kiến được những cảnh Chúa giải thoát con người khỏi gông cùm của rượu chè, cờ bạc, khỏi những sự bối rối, bất an. Nhưng quan trọng hơn hết, chúng ta cũng phải nhìn những việc làm của Ngài qua lăng kính thuộc linh: Như người mù, chúng ta đã được Chúa cứu ra khỏi sự tối tăm thuộc linh; như một người phung, chúng ta đã được Chúa cứu ra khỏi sự ô uế của tội lỗi; là một người đã chết về phương diện thuộc linh, chúng ta đã được Chúa cho sự sống đời đời.

 

Tóm lại, vấn đề không phải là chúng ta có bao giờ nghi ngờ Chúa hay không, nhưng làm gì với sự nghi ngờ đó. Ðiều quan trọng là khi có sự nghi ngờ, chúng ta phải đến với Chúa trong sự cầu nguyện, và để Ngài chiếm hữu chúng ta, thay vì để sự nghi ngờ gặm nhấm đức tin. Chúng ta phải nhớ rằng con người sẽ không bao giờ thấu hiểu được Ðức Chúa Trời, và phước thay cho những ai không bị vấp phạm vì không biết hết chương trình Ðức Chúa Trời dành cho mình, hay không được Ngài giải cứu khỏi những khó khăn mình đang gặp phải.

 

Mục Sư Ðỗ Lê Minh