Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 23

Sự Thờ Phượng Phải Lẽ

(What is Worship?)

Giăng 4:19-24

 

19 Người đàn bà thưa rằng: Lạy Chúa, tôi nhìn thấy Chúa là một đấng tiên tri. 20 Tổ phụ chúng tôi đã thờ lạy trên hòn núi nầy; còn dân Giu-đa lại nói rằng nơi đáng thờ lạy là tại thành Giê-ru-sa-lem. 21 Đức Chúa Jêsus phán rằng: Hỡi người đàn bà, hãy tin ta, giờ đến, khi các ngươi thờ lạy Cha, chẳng tại trên hòn núi nầy, cũng chẳng tại thành Giê-ru-sa-lem. 22 Các ngươi thờ lạy sự các ngươi không biết, chúng ta thờ lạy sự chúng ta biết, vì sự cứu rỗi bởi người Giu-đa mà đến. 23 Nhưng giờ hầu đến, và đã đến rồi, khi những kẻ thờ phượng thật lấy tâm thần và lẽ thật mà thờ phượng Cha: ấy đó là những kẻ thờ phượng mà Cha ưa thích vậy. 24 Đức Chúa Trời là thần, nên ai thờ lạy Ngài thì phải lấy tâm thần và lẽ thật mà thờ lạy.

 

 

Từ hồi nhỏ lớn lên, tánh tình của tôi rất thích chơi thể thao bất cứ môn nào, từ môn bóng rổ cho đến đánh bóng bàn (ping pong). Có một môn thể thao tôi rất thích chơi khi còn nhỏ ở bên Việt-nam, đó là môn tennis (quần vợt). Cứ mỗi lần được ông bác chở đi xem ỗng chơi tennis thì tôi thích lắm, nhưng chỉ được lượm banh mà thôi, nhưng chưa bao giờ được cầm vợt ra sân. Khi gia đình tôi qua định cư ở Mỹ tại tiểu bang Hawaii, và được đi học Trung Học thì thấy đội banh tennis trong trường tập dợt mỗi ngày thật là mê, muốn được chơi giống như họ. Tôi cũng đi mua một cái vợt tennis gỗ và vài trái banh và vì không có ai chơi với, vả lại mình mới biết chơi nữa, nên chỉ tự đập vào tường mỗi khi xong giờ học. Một vài tháng sau, bà huấn luyện viên của đội banh trong trường thấy tôi ngày nào cũng ra đập banh vào tường, nên đến hỏi thăm xem tôi có muốn gia nhập vào đội banh tennis của trường không? Mộng ước đã thành, còn gì sung sướng cho bằng, nhưng khổ một cái là tôi đánh dở qua, cứ một là trái bánh đi xuống lưới hay hai trái banh quá bổng mà bay ra sân, vì mình chưa biết chơi. Bà coach thấy vậy bèn chỉ cho tôi một bí quyết căn bản để đánh được banh vào sân đó là thứ nhất nắm chặt lấy cán vợt và thứ hai khi đánh trái banh phải luôn giữ mặt vợt thẳng, thì tự nhiên trái banh sẽ bay qua sân bên kia đúng chỗ. Vì hiểu được bí quyết căn bản đó mà từ đó tôi bắt đầu biết chơi tennis đúng cách. Điều tôi muốn nói ở đây đó là muốn làm bất cứ một việc gì cho được tốt đẹp, chúng ta cần phải học biết rõ những điều căn bản, vì nó là nền tảng để gặt hái cho được sự thành công mỹ mãn. Nhiều người học dở, tại vì sao vậy? Cũng vì họ thiếu căn bản từ hồi nhỏ, phải không?

 

Trong đời sống đức tin của con cái Chúa cũng vậy, có vô số người đã tin Chúa lâu năm nhưng cứ còn ở trong trạng thái “trẻ con” hoài - tại sao vậy? Vì họ thiếu sự hiểu biết và thực hành những điều căn bản của đạo. Trong những tháng qua, tôi được ơn Chúa và sự cho phép của Hội Thánh ở đây được đến đây không ngoài mục đích để dạy dỗ những điều căn bản của đạo cho anh chị em, như là những mục đề về sự cầu nguyện, học và hành lời Chúa, và hôm nay về sự thờ phượng, mà nếu anh chị em chịu khó nghe và thực hành những điều căn bản này thì tôi tin rằng Hội Thánh ở đây sẽ luôn được lớn lên, mạnh khỏe và làm được nhiều việc khó và lớn cho Chúa. Nhớ rằng những bài giảng này chỉ là “cua sở đẳng - 101” mà thôi, nhưng mà nếu chúng ta chưa chịu thực hành, đánh mất căn bản thì làm sao bước lên cua học cao hơn “201,” phải không?

 

Sáng nay, chúng ta sẽ suy gẫm về đề tài thờ phượng là một trong những bổn phận căn bản trong đời sống của mỗi con cái Chúa, và cố gắng tìm hiểu ba điều sau đây:

 

1) Thờ phượng Chúa nghĩa là gì?

 

2) Thế nào là thái độ đúng trong sự thờ phượng? và

 

3) Sự thờ phượng đúng cách sẽ ảnh hưởng gì đến cho cuộc sống mỗi ngày của chúng ta?

 

 

I. Định Nghĩa Thờ Phượng

 

> Trước hết, chúng ta hãy tìm hiểu xem ý nghĩa của sự "Thờ phượng Chúa" là sao?

 

a) Theo định nghĩa của từ điển Webster, chữ "worship" (thờ phượng) có nghĩa là "to honor or reverence as a divine being or super natural power," tạm dịch là sự tôn kính Đấng tối cao. Sự thờ phượng có những đặc tính sau đây: respect, honor, devotion, adore and love, hay dịch ra ngắn gọn là tôn thờ và kính yêu mà tiếng Việt mình có hai chữ để tóm tắt những đặc tính này đó là hai chữ "kính mến." Trong sách Mathiơ 22:37 Chúa Giê-xu dạy gì về sự tôn kính Đức Chúa Trời? “Đức Chúa Jêsus đáp rằng: Ngươi hãy hết lòng, hết linh hồn, hết ý mà kính mến Chúa, là Đức Chúa Trời ngươi”.

 

b) Theo từ nghữ tiếng Hêbêrơ (Hebrew) của sách Kinh Thánh Cựu Ước thì thờ phượng từ chữ "shachah" mà ra, diễn tả một hành động “cúi xập xuống” trước mặt một đấng nào đó để bày tỏ lòng kính phục. Đây là một hành động khiêm cung, bái phục, hay đối với người Việt chúng ta gọi là động từ "lạy" để biểu lộ cho thấy được hình ảnh của sự thờ phượng Chúa. Chẳng hạn như trong sách Thi Thiên 95:6-7 chép gì về hành động này: “Hãy đến, cúi xuống mà thờ lạy; Khá quì gối xuống (thờ phượng) trước mặt Đức Giê-hô-va, là Đấng Tạo hóa chúng tôi."

 

c) Theo từ nghữ của tiếng Hylạp (Greek) của sách Kinh Thánh Tân Ước thì thờ phượng có chữ "proskuneo" được nói đến hơn 70 lần, để diễn ý thêm ý nghĩa của sự thờ phượng không phải là bề ngoài mà thôi, nhưng là sự nhận biết (acknowledgment) trong lòng Chúa là Chủ (Lord & Master) của cuộc đời mình và trong tinh thần tận hiến sẵn sàng để hầu việc Ngài.

 

Trên thực tế, chúng ta làm gì khi thờ phượng Chúa?

 

1) Khi chúng ta thờ phượng Chúa là lúc chúng ta tuyên bố với mọi người "Chúa của chúng ta là ai," chúng ta tuyên xưng sự cao quí và vinh hiển của Ngài cho mọi người biết. Một trong những cách chúng ta có thể tuyên bố sự vinh hiển của Chúa đó là khi chúng ta đọc lời của Ngài là Kinh Thánh, vì thế trong một buổi nhóm thờ phượng thường có mục đọc Kinh Thánh Đối Đáp là vậy. Nếu đọc Kinh Thánh trong sách Thi Thiên thì thấy rõ những nhà thi sĩ ngày xưa họ đã thường dùng lời thơ để diễn tả, để ngợi khen, để ca tụng thờ phượng Chúa như thế nào? Chẳng hạn như trong Thi Thiên 95:1-7, chúng ta thấy tác gỉa tuyên bố Đức Chúa Trời là ai? “1 Hãy đến hát xướng cho Đức Giê-hô-va, Cất tiếng mừng rỡ cho hòn đá về sự cứu rỗi chúng tôi. 2 Chúng tôi hãy lấy lời cảm tạ mà đến trước mặt Chúa, Vui mừng mà hát thơ ca cho Ngài. 3 Vì Giê-hô-va là Đức Chúa Trời rất lớn, Là Vua cao cả trên hết các thần. 4 Các vực sâu của đất đều ở nơi tay Ngài; Những đỉnh núi cũng thuộc về Ngài. 5 Biển thuộc về Ngài, vì chính Ngài đã làm nó; Còn đất khô, tay Ngài cũng đã nắn nên nó. 6 Hãy đến, cúi xuống mà thờ lạy; Khá quì gối xuống trước mặt Đức Giê-hô-va, là Đấng Tạo hóa chúng tôi! 7 Vì Ngài là Đức Chúa Trời chúng tôi: Chúng tôi là dân của đồng cỏ Ngài, Và là chiên tay Ngài dìu dắt. Ngày nay, nếu các ngươi nghe tiếng Ngài.” Trong câu 1 – Tác gỉa ca ngợi Đức Chúa Trời của mình là ai? Là "sự cứu rỗi" của mình và dân sự mình; Trong câu 3 – Tác gỉa tuyên bố Ngài là ai nữa? Là Đức Chúa Trời rất lớn (God is great!), lớn đến nỗi là Vua trên tất cả các thần (là Đấng lớn nhất); Trong câu 6 – Tác gỉa tuyên xưng ai là Đấng Tạo Hóa (the Creator) đã dựng nên các vực sâu, những đỉnh núi, biển, và đất khô…; Trong câu 7 - Đức Chúa Trời là ai nữa? Là Đấng dìu đắt, che chở, bảo vệ dân sự của Ngài. Chúng ta nên tập một thói quen tốt đó là đọc một đoạn Kinh Thánh Thi Thiên trước khi bước vào sự cầu nguyện, vì như đã học trước đây, trong sự cầu nguyện, việc đầu tiên chúng ta nên làm là ngợi khen Đức Chúa Trời. Chúng ta thấy có biết bao nhiêu những bài đoản ca và thánh ca được sáng tác không ngoài mục tiêu để biểu lộ sự thờ phượng Chúa bằng cách tuyên bố cho mọi người biết Đức Chúa Trời là ai. Chẳng hạn như bài đầu tiên trong thánh ca của người Báptít là bài có tên gì? “Thánh Thay” để bày tỏ một trong những thần tính của Đức Chúa Trời Ba Ngôi là Đấng thánh khiết vẹn toàn.

 

2) Trong sự thờ phượng, chúng ta dâng lời cảm tạ Chúa vì những gì Ngài đã làm cho chúng ta, vì Ngài là Đấng yêu thương, thánh khiết, hay tha thứ và thương xót. Trong sách Cựu Ước, chúng ta thấy một thói quen của những người muốn tôn vinh, tạ ơn Đức Chúa Trời là việc họ thường hay "đặt tên" cho Chúa, sau khi kinh nghiệm được một ơn phước gì đó mà Chúa đã ban cho mình. Chẳng hạn như trong sách Sáng Thế Ký 22:14 cho thấy Ápbraham ngợi khen, cảm tạ, thờ phượng Chúa bằng cách đặt tên cho Ngài là gì ? “Áp-ra-ham gọi chỗ đó là Giê-hô-va Di-rê. Bởi cớ ấy, ngày nay có tục ngữ rằng: Trên núi của Đức Giê-hô-va sẽ có sắm sẵn.” Tên “Jehova Jireh” dịch ra tiếng Việt nghĩa là “Đấng Sắm Sẵn.” Tại sao Ápbraham đặt tên cho Chúa như vậy? Vì Chúa đã cung cấp/sắm sẵn cho ông một con chiên đực để làm của lễ thiêu thay thế chỗ cho con trai mình là Ysác.

 

Đức Chúa Trời đã làm những gì cho chúng ta mà mình không thể quên dâng lời cảm tạ và thờ phượng Ngài được và đặt tên cho Ngài là “Đấng Sắm Sẵn” sao? Trong Rôma 5:8 nhắc điều gì mà Chúa đã làm gì cho chúng ta? “… Đức Chúa Trời tỏ lòng yêu thương Ngài đối với chúng ta, khi chúng ta còn là người có tội, thì Đấng Christ vì chúng ta chịu chết.” Ngài ban cho mỗi người chúng ta món quà ân điển trong Con Ngài đã đến thế gian, chịu chết trên cây thập tự gía thay thế cho mỗi người chúng ta, thay vì phải chịu sự đoán xét xứng với tội lỗi của mình. Câu chuyện của một người phụ nữ đứng trên một chiếc tàu, chẳng may té xuống biển, xém bị chết đuối thì có một người đàn ông đã hy sinh nhẩy xuống cứu thoát bà lên; Khi người ta đang cố gắng giúp bà tỉnh lại và hỏi: Bà có cần gì không? Một tô cháo ăn, gặp một bác sĩ, gọi điện thoại về nhà không? Người phụ nữ trả lời: "Không! tôi chỉ muốn gặp được người đã cứu tôi thoát chết để tôi nói lời "cám ơn!"  Trong sự thờ phượng là lúc chúng ta không thể quên bày tỏ tấm lòng yêu thương cảm tạ sâu đậm những gì Chúa đã làm cho chúng ta trong Con Ngài là Cứu Chúa Giê-xu!

 

3) Khi chúng ta thờ phượng Chúa là lúc chúng ta chứng tỏ quyền tể trị của Chúa ở trên đời sống và linh hồn của mình, giống như Đavít ngày xưa thờ phượng Chúa trong Thi Thiên 23:1 tuyên bố gì? “Đức Giê-hô-va là Đấng chăn giữ tôi: tôi sẽ chẳng thiếu thốn gì.” Khi chúng ta đến thờ phượng Chúa nghĩa là chúng ta trực tiếp tuyên bố với mọi người (hàng xóm, bạn bè, người thân...) rằng "Chúa là Người Chủ số một của cuộc đời tôi! Tôi thuộc của Ngài, tôi là chiên của đồng cỏ Ngài…" Chúa là Đấng tối cao nhất, Ngài làm chủ linh hồn và đời sống mình, Ngài quan trọng hơn là người bạn trai/gái của tôi, hơn là người vợ hay người chồng yêu dấu của tôi, hơn là những đứa con xinh xắn, hơn là tài sản của tôi, hơn là công ăn việc làm, hơn là những buổi ca nhạc ở dưới các xòng bài, hơn là những buổi birthday parties, họp mặt bạn bè.

 

 

II. Thờ Phượng Đúng Cách

 

Chúng ta đã hiểu ý nghĩa của sự thờ phượng, bây giờ suy gẫm đến làm sao thờ phượng đúng cách để làm Chúa vui lòng và được Ngài chấp nhận. Suy gẫm về sự kiện có chép trong cuộc đàm thoại giữa Chúa Giê-xu và người đàn bà Samari trong sách Giăng 4:19-24 như sau: “19 Người đàn bà thưa rằng: Lạy Chúa, tôi nhìn thấy Chúa là một đấng tiên tri. 20 Tổ phụ chúng tôi đã thờ lạy trên hòn núi nầy; còn dân Giu-đa lại nói rằng nơi đáng thờ lạy là tại thành Giê-ru-sa-lem. 21 Đức Chúa Jêsus phán rằng: Hỡi người đàn bà, hãy tin ta, giờ đến, khi các ngươi thờ lạy Cha, chẳng tại trên hòn núi nầy, cũng chẳng tại thành Giê-ru-sa-lem. 22 Các ngươi thờ lạy sự các ngươi không biết, chúng ta thờ lạy sự chúng ta biết, vì sự cứu rỗi bởi người Giu-đa mà đến. 23 Nhưng giờ hầu đến, và đã đến rồi, khi những kẻ thờ phượng thật lấy tâm thần và lẽ thật mà thờ phượng Cha: ấy đó là những kẻ thờ phượng mà Cha ưa thích vậy. 24 Đức Chúa Trời là thần, nên ai thờ lạy Ngài thì phải lấy tâm thần và lẽ thật mà thờ lạy.” Hai thái độ phải đúng trong sự thờ phượng mà Chúa Giê-xu sẽ chấp nhận đó là bằng tâm thần và lẽ thật.

 

1) Thứ nhất, tại sao Chúa đòi hỏi thờ phượng Chúa phải bằng tâm thần? Trong bối cảnh của cuộc đàm thoại này, người phụ nữ Samari lấy lý do bào chữa với Chúa Giê-xu là họ thờ phượng đấng của họ ở trên hòn núi này, còn Chúa Giê-xu là người Do Thái thì phải thờ phượng ở tại đền thờ trong thành Giêrusalem. Sự thờ phượng của người phụ nữ này bị giới hạn trong phạm vi vật chất, một chỗ nhất định nào đó, nhưng Chúa Giê-xu giải thích, Đức Chúa Trời là Chân Thần, nghĩa là Ngài không có thể chất, Ngài không thể bị giới hạn ở một chỗ nhất định nào hết, nên ai muốn thờ phượng Chúa thì phải lấy tâm thần mà thờ lạy Ngài. Ngày hôm nay cũng có biết bao nhiêu người đang thờ phượng Chúa nhưng còn bị giới hạn bởi một số điều kiện vật chất nào đó, nhưng chưa bằng tâm thần bên trong mà thờ lạy. Họ vào nhóm đòi hỏi nào là chỗ nhóm phải có những người hát hay với những bài nhạc mới, phải có những vị mục sư giảng hay, phải có một ban nhạc kích động với những nhạc khí đắt tiền, phòng nhóm phải được trang trí lộng lẫy… Không phải một số những điều này không cần thiết, nhưng đừng bao giờ thờ phượng sai thái độ, sai đối tượng, chỉ bằng cảm giác, lệ thuộc vào những thứ bên ngoài, thay vì đối tượng của sự thờ phượng của chúng ta phải là Thần và phải thờ phượng Ngài bằng tâm thần.

 

2) Thứ hai, thờ phượng Chúa phải bằng lẽ thật nghĩa là gì? Lẽ thật ở đâu? Lẽ thật của Chúa được bày tỏ rõ qua chính những điều răn của Ngài. Chẳng hạn như lấy thí dụ của 10 điều răn của Đức Chúa Trời có chép trong XEDTK 20:3-6 – “3 Trước mặt ta, ngươi chớ có các thần khác. 4 Ngươi chớ làm tượng chạm cho mình, cũng chớ làm tượng nào giống những vật trên trời cao kia, hoặc nơi đất thấp nầy, hoặc trong nước dưới đất. 5 Ngươi chớ quì lạy trước các hình tượng đó, và cũng đừng hầu việc chúng nó; vì ta là Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi, tức là Đức Chúa Trời kỵ tà, hễ ai ghét ta, ta sẽ nhân tội tổ phụ phạt lại con cháu đến ba bốn đời, 6 và sẽ làm ơn đến ngàn đời cho những kẻ yêu mến ta và giữ các điều răn ta.” Lẽ thật của Chúa trong những điều răn này cho thấy chỉ một mình Ngài là Đức Chúa Trời, độc tôn, xứng đáng được tôn vinh và thờ phượng (lạy), ngoài Ngài ra không có thần nào khác xứng đáng được cúi lạy. Như vậy khi chúng ta thờ phượng Chúa bằng lẽ thật nghĩa là trong tâm thần của mình không thể nào còn thờ lạy một đấng nào khác nữa. Chúa sẽ chẳng chấp nhận sự thờ phượng của bất cứ ai đến đây, nhưng mà ở nhà hay trong lòng còn chứa những tà thần, còn dựng những bàn thờ đốt nhan, hay còn một chúa nào nữa trong tâm thần của mình. Chúng ta không thể đến thờ phượng Chúa sáng nay mà cùng một lúc toan tính đi đến chùa sau giờ nhóm này, để nhỡ Chúa không ban phước thì cầu ông phật. Đây là một sự thờ phượng gớm ghiếch, ô uế mà Chúa rất ghê tởm.

 

 

III. Biến Đổi

 

Nếu muốn bắt đầu thờ phượng Chúa đúng cách thì tâm thần, tư tưởng của chúng ta phải được biến hóa/thay đổi theo lẽ thật của lời Chúa, chứ không còn suy nghĩ theo tánh xác thịt của mình. Chúng ta đang sống trong một xã hội đầy dẫy những sự đua đòi của vật chất, những quảng cáo xa hoa, ảnh hưởng của của mạng lưới hoàn cầu Internet, những bài ca nhạc đời, cuộn phim gỉa tưởng, những lời biểu quyết của những tài tử nổi tiếng Hollywood... cho nên chúng ta dễ có những sự suy nghĩ theo tánh xác thịt. Có rất nhiều điều mà biết bao nhiêu con cái của Chúa ngày nay đang tự suy nghĩ theo lối sống của thế gian trần tục này mà cho phép mình làm, thay vì xét xử theo những lẽ thật đã được chép trong Kinh Thánh là lời hằng sống của Chúa. Những sự suy nghĩ, ý tưởng theo lối trần tục này phải được vất bỏ đi, thay thế vào đó là những lẽ thật của lời Chúa thì chúng ta mới có thể bắt đầu thờ phượng Chúa đúng cách và làm vui lòng Ngài. Cho thí dụ sau đây của một ý tưởng theo tánh xác thịt cần được thay đổi trong sự thờ phượng:

 

1) Chúng ta đến đây nhóm thờ phượng thường đứng vai trò làm khán gỉa. Nhưng trong sự thờ phượng Chúa thật, chúng ta không phải là khan gỉa, nhưng chỉ là những người “trình diễn” cho Chúa xem, vì Ngài mới thật sự chính là “Khán Gỉa” của mọi buổi nhóm. Khi đi xem ca nhạc, hay dự một cuộc vui chơi nào thì chúng ta thường tự hỏi trước: "Buổi ca nhạc này có ‘đáng đồng tiền’ không? Cuộc vui này có đáng thì giờ quí báu của mình đã bỏ ra không?" Nhưng thờ phượng không phải là đi xem ca nhạc, vì buổi nhóm không phải là cho chúng ta, nhưng là cho Chúa, nên chỉ có Chúa mới được phép hỏi: "Sự thờ phượng của mỗi người chúng ta có xứng đáng, “đáng đồng tiền” cho Ngài không?" Chúng ta hiểu lầm điều này vì đang bị nhầm lẫn trong sự thứ tự của những vai trò trong buổi nhóm thờ phượng. Trong một buổi nhóm có ba vai trò chính: a) Khán gỉa - người xem (audience), b) những người trình diễn (the performers), và c) vai trò của người cảm động, cảm hoá (the Prompters). Số đông những người đến nhóm thường có sự suy nghĩ sai lầm là vì đang đứng trong vai trò làm khán giả, đến nhà thờ là chỉ để “xem lễ”, ngồi nghe, thưởng thức, có khi cho ý kiến phê bình nữa, rồi ra về (đôi khi giống như là đi xem một vở kịch, buổi ca nhạc, tuồng cải lương nào đó). Một số khác đến cũng nghĩ sai về vai trò của mình là những người trình diễn, có thể như là những người trong ban hát: trong đó có người hát, người đánh trống, chơi đờn, và rồi tài tử trình diễn chính là vị Mục Sư đứng ra với dọng nói hùng hồ, vang tai, cùng với những câu chuyện diễu, làm nhiều người vui cười, thoải mái. Và thường mọi người nghĩ ai là người cảm hóa, cảm động trong buổi nhóm? Chúa Thánh Linh đang bay xung quanh phòng nhóm, đang chúc phước xuống cho mọi người. Đây là sự suy nghĩ sai lầm trong sự thờ phượng Chúa mà cần phải được đổi mới thì mới kinh nghiệm được sự thờ phượng thật.

 

Muốn thờ phượng đúng cách, chúng ta phải ý thức và thay đổi sự thứ tự của ba vai trò này:

 

a) Mỗi người chúng ta bước vào nhóm đây không phải là khán gỉa, nhưng là những người trình diễn cho Chúa xem, vì buổi nhóm không phải là của mình, nhưng thuộc của Chúa và cho Ngài,

 

b) Vai trò của ban hát ca ngợi, của vị Mục Sư phải thay đổi từ những người trình diễn để trở thành những người cảm hóa, hướng dẫn giúp đỡ mọi người khác chú tâm và làm sao trình diễn (perform) hay nhất cho Chúa thưởng thức trong buổi nhóm,

 

c) Chúa Ba Ngôi không chỉ là Đấng chúc phước, nhưng Ngài chính là "Khán Gỉa" đang thưởng thức buổi nhóm thờ phượng, vì sự thờ phượng thuộc của Ngài, và chỉ cho một mình Ngài mà thôi. Nếu mỗi chúng ta bắt đầu hiểu và có sự thay đổi thứ tự này là mình không đến đây làm khán gỉa, nhưng là những người trình diễn cho Chúa xem vì Ngài đáng được thờ phượng, thì tôi tin rằng chúng ta bắt đầu thật sự kinh nghiệm được thờ phượng Chúa đúng cách.

 

Có biết bao nhiêu con cái của Chúa còn đang hiểu lầm về sự thứ tự này của sự thờ phượng, cho nên họ đi nhà thờ mà nghe những loại nhạc mà tai của mình không thích nghe thì họ cằn nhằn, than phiền, chê trách; Nếu đi nhà thờ mà cảm thấy không thích những lời của vị Mục Sư giảng thì ra về, họ đi tìm nhà thờ khác; Nếu đi nhà thờ mà gặp phải một người mình không ưa, hay những người không hợp tính với mình thì lấy cớ không đi nhà thờ nữa. Họ chưa hiểu rằng sự thờ phượng không phải cho mình, không phải là những điều gì lỗ tai tôi thích nghe, hay là gặp được những ai tôi thích làm quen, nhưng là điều gì Chúa thích, vì sự thờ phượng thuộc của Ngài, chứ không phải cho mình. Mục sư Rick Warren có nói một câu rất đúng: "Anything that brings pleasure to God (not to yourself) is an act of worship" Tạm dịch: "Tất cả những việc gì chúng ta làm vui lòng Chúa (không phải vui lòng mình hay người khác) là sự thờ phượng."

 

2) Điều thứ hai mà chúng ta cần thay đổi để biết thờ phượng Chúa đúng cách đó là vấn đề dâng hiến. Có người hay nói sau khi nhóm: “Hôm nay tôi đi nhà thờ mà chẳng thấy nhận được phước gì hết!” Đây là ý tưởng chúng ta cần thay đổi. Chúng ta đến thờ phượng Chúa thật sự không phải là để đòi nhận phước Chúa, nhưng là có gì để chúng ta dâng hiến cho Ngài không? Có một gia đình đi thăm viếng một Hội Thánh lần đầu tiên, sau khi ra về họ có toàn là những lời phê phán và phàn nàn: nào là nhạc dở - ban hát hát sai giọng hết, máy lạnh không đủ mát, Mục Sư giảng buồn ngủ… Thằng bé ngồi đằng sau cũng đưa ý kiến: “Nhưng mà với sự dâng hiến một đôla cho nhà thờ thì con thấy buổi nhóm sáng nay cũng đáng đồng tiền!”

 

a) Tại sao chúng ta dâng hiến, Chúa có cần của lễ của chúng ta không? Trong sách Thi Thiên 24:1 có chép – “Đất và muôn vật trên đất, thế gian và những kẻ ở trong đó, đều thuộc về Đức Giê-hô-va.” Vậy thì Chúa đâu có cần đến của lễ của chúng ta vì cả trái đất này thuộc của Ngài. Nhưng của lễ nói lên tấm lòng kính mến của chúng ta lớn hoặc nhỏ cỡ nào dối với Chúa. Ngoài ý nghĩa của sự dâng hiến là một mạng lệnh, nhưng dâng hiến còn là cơ hội để chúng ta bày tỏ động cơ của tấm lòng biết ơn Chúa bên trong nữa. Câu chuyện về một bà cụ gìa ngồi trước cửa cầm một dĩa cơm ngon sửa soạn ăn thì có một người ăn mày (homeless) đến xin ăn và nói: "Thưa bà tôi đói bụng quá, bà có thể nào cho tôi một chút thức ăn của bà được không?" Bà cụ thấy tội nghiệp bèn đưa hết dĩa cơm ngon cho người homeless. Ông homeless nói lời cám ơn và cầm lấy dĩa cơm bước đi. Đi được một vài bước, bỗng dưng ông quay trở lại nhìn chưng chưng bà cụ. Bà cụ nói: "Tôi đã cho cậu hết dĩa cơm rồi, cậu còn cần gì nữa không?" Người homeless đưa lại dĩa cơm cho bà cụ và nói: "Dĩa cơm này là vật tôi không thật sự tìm, tôi muốn bà cho tôi động cơ nào mà đã làm cho bà dám cho tôi hết dĩa cơm của mình, đó là điều tôi muốn có." Không phải dĩa cơm ngon, nhưng là động cơ yêu thương nào?  Không phải số tiền dâng là bao nhiêu, nhưng tấm lòng, động cơ dâng hiến là gì ở bên trong tấm lòng của chúng ta? Khi chúng ta dâng hiến là mình còn làm chứng rằng Đức Chúa Trời là Đấng cung cấp mọi nhu cầu cho đời sống mình, Ngài là Đấng gìn giữ của cải của mình. Khi chúng ta dâng hiến là lúc mình làm chứng đức tin của mình ở nơi sự quan phòng, cung cấp của Chúa, cho nên không cần phải đi mua vé số để mong trúng độc đắc; không cần phải làm việc thêm trội giờ mà bỏ ngày thanh; không cần phải ăn gian, trốn thuế mới có đủ mà ăn. Anh chị em có biết là nhiều khi Chúa dùng sự dâng hiến để làm thước đo lường thực tế tấm lòng và đức tin bên trong của một người cơ đốc lớn cỡ nào không? 

 

b) Điều chúng ta cần phải hiểu nữa, đó là sự dâng hiến của mình không phải bị giới hạn trong của lễ dâng mỗi Chúa Nhật mà thôi, nhưng cả đời sống của chúng ta mỗi ngày cho Chúa, đó là sự thờ phượng phải lẽ. Khi viết lá thư cho Hội Thánh thành Rôma, sứ đồ Phaolô khuyên con cái Chúa gì trong Rôma 12:1 – “Vậy, hỡi anh em, tôi lấy sự thương xót của Đức Chúa Trời khuyên anh em dâng thân thể mình làm của lễ sống và thánh, đẹp lòng Đức Chúa Trời, ấy là sự thờ phượng phải lẽ của anh em.” Có bao giờ anh chị em tự suy nghĩ, tại sao có biết bao nhiêu con cái Chúa đến nhà thờ, có thể thường xuyên đi nhóm, nhưng đời sống vẫn chưa thay đổi, cái “tư dục” vẫn làm chủ người đó? Lý do là vì những người đó đến nhà thờ thờ phượng Chúa, nhưng chưa thật sự dâng hiến Chúa đúng cách. Trong câu Kinh Thánh này, Phalô khuyên, nài nỉ con cái Chúa điều gì? Hãy dâng thân thể mình, chứ không phải chỉ tiền bạc để làm của lễ sống và thánh cho Chúa.

 

a) Động từ “dâng của lễ” mang hình ảnh gì? Trong Cựu Ước cho thấy người Do thái thường dâng hiến những của tế lễ sống (những con sinh tế sống) để “chuộc tội.” Con sinh tế phải được chọn lọc rất kỹ càng như thế nào để biệt riêng ra cho Chúa? Phải “thánh sạch,” không tì không vít. Con sinh tế phải là những con sinh vật còn sống, chứ không có chết rồi, không như những lễ vật của những người ngoại để trên bàn thờ, vì Đức Chúa Trời không nhận những của lễ chết đâu! Có hai thí dụ rõ ràng của sự dâng của lễ sống:

 

i) Thứ nhất, khi Ápbraham vâng lời Đức Chúa Trời dâng Ysác con trai mình, đến một hòn núi ở xứ Môria làm của lễ thiêu cho Ngài có chép trong sách Sáng Thế Ký 22.

 

ii) Thí dụ thứ hai đó chính là khi Chúa Giê-xu hy sinh dâng chính mình, chịu đóng đinh, chịu chết đổ huyết ra trên cây thập tự gía, để cứu chuộc nhân loại. Đức Chúa Trời có đã hy sinh một người nộm chết trên cây thập tự cho chúng ta không hay là một của lễ sống?

 

b) Như vậy “dâng thân thể sống và thánh” nghĩa là gì cho chúng ta ngày hôm nay? Hãy tự hỏi - những chi thể đang sống trong thân thể của chúng ta là gì? Mắt, tai, miệng, tay, chân và trí óc… có đang được biệt riêng ra (thánh hóa) dâng cho Chúa không? Trong sách Rôma 6:13 sứ đồ Phaolô khuyên gì? “Chớ nộp chi thể mình cho tội lỗi, như là đồ dùng gian ác, nhưng hãy phó chính mình anh em cho Đức Chúa Trời, dường như đã chết mà nay trở nên sống, và dâng những chi thể mình cho Đức Chúa Trời như là đồ dùng về sự công bình.” Tay chúng ta có đang dùng để “click” những mạng lưới Internet có hình ảnh ô dâm… hay giúp đỡ những kẻ nghèo yếu? Chân chúng ta có đang đi đến những chỗ không làm đẹp lòng Chúa, như là các sòng bài không hay để hầu việc Ngài, đi ra làm chứng đạo? Đầu gối chúng ta đang dùng cho sự cầu nguyện không, hay là đang dùng “lên gối” anh chị em mình? Miệng chúng ta đang dùng để nói xấu một người nào không, hay đang xử dụng để ngợi khen, ca tụng Chúa? Sứ đồ Phaolô nói, khi chúng ta dâng thân thể mình như vậy thì là sự thờ phượng phải lẽ, làm đẹp lòng Đức Chúa Trời.

 

Vô sống người đang thờ phượng Chúa còn bị giới hạn trong 4 bức tường, hay trong số tiền dâng mà thôi, nhưng chưa hiểu bàn thờ để thờ phượng Đức Chúa Trời đang ở đâu? Trong sách 1 Côr. 6:19 giúp trả lời như thế nào? “Anh em há chẳng biết rằng thân thể mình là đền thờ của Đức Thánh Linh đang ngự trong anh em, là Đấng mà anh em đã nhận bởi Đức Chúa Trời, và anh em chẳng phải thuộc về chính mình sao?” Như vậy bất cứ chỗ nào thân thể của chúng ta sống (bàn thờ di động) là sự thờ phượng sống và thánh cho Chúa ở đó. Tại sao biết bao nhiêu lần chúng ta đi nhà thờ, nhưng ra về “vẫn y nguyên,” chẳng “grow up,” tự dục vẫn làm ông chủ, chẳng thấy phước đâu hết? Bởi vì chúng ta chưa dâng đúng của lễ sống và thánh, chỉ dâng “tiền bạc” mà thôi, phủi tay xong rồi! Chúng ta chưa thờ phượng Chúa thật lòng, còn bị giới hạn bởi 4 bức tường và thời gian nhất định, thay vì cả cuộc sống và hơi thở mình có mỗi ngày, mà chính Phaolô nói trong sách 1 Côr. 10:31 – “Vậy, anh em hoặc ăn, hoặc uống, hay là làm sự chi khác, hãy vì sự vinh hiển Đức Chúa Trời mà làm.” Chúa không chỉ muốn chúng ta đến đây mỗi Chúa Nhật ngồi mòn băng ghế, nhưng Ngài muốn chúng ta sống mỗi ngày cho Ngài, đó là sự thờ phượng làm đẹp lòng Chúa.

 

IV. Ảnh Hưởng Đời Sống Mỗi Ngày

 

Sự thờ phượng thật không bị giới hạn bởi 4 bức tường hay một vài tiếng đồng hồ mỗi Chúa Nhật mà thôi, nhưng người nào thật sự đã gặp được Chúa rồi trong sự thờ phượng thì chắc chắn cuộc đời cũng bắt đầu có nhiều những biến đổi mỗi ngày làm đẹp lòng Chúa. Có người nói rất đúng: "Worship will change your destiny, worship will re-arrange your future" - Tạm dịch là: "Sự thờ phượng thật sẽ thay đổi định mệnh của một người, sẽ xếp đặt lại thứ tự cho cuộc sống tương lai của một người"

 

Trở lại trong bối cảnh của cuộc đàm thoại giữa Chúa Giê-xu và người phụ nữ Samari trong sách Giăng 4:28-30 thì thấy sau khi gặp Chúa và tin Ngài thì người phụ nữ này đã làm gì? “Người đàn bà bèn bỏ cái vò của mình lại và vào thành, nói với người tại đó rằng: Hãy đến xem một người đã bảo tôi mọi điều tôi đã làm; ấy chẳng phải là Đấng Christ sao? Chúng bèn từ trong thành ra và đến cùng Đức Chúa Jêsus.” Hồi xưa, chủ đích của bà đi đến giếng là để múc nước cho mình trong sự cáo trách của tội lỗi, nhưng sau khi gặp Chúa, và tin Ngài là “Nước Hằng Sống” bà đã thay đổi chí hướng của đời sống mình, bỏ vò mình lại tại giếng mà chạy ngược vào làng để làm chứng cho mọi người về Chúa Giê-xu.

 

a) Như vậy nếu chúng ta thật sự gặp Chúa trong giờ nhóm thờ phượng thì thể nào chúng ta ra về vẫn còn y nguyên được không? Khi đã thật sự gặp Chúa trong sự thờ phượng thì tự động những tư tưởng cũ, những thói hư tật xấu, những việc làm gian ác của chúng ta phải bắt đầu biến mất. Chúng ta sẽ thay đổi sự suy nghĩ mà xem nhẹ những điều thuộc thế gian tạm bợ này (không có nói là xem thường hay không thèm) nhưng coi là kém quan trọng hơn những điều trường tồn thuộc nước thiên đàng. Coi sự ganh đua xe xua giàu sang của đời này kém quan trọng hơn điều răn giữ ngày nghỉ làm nên ngày thánh; xem nhẹ cái máy TV, Internet, những cuộn phim kém quan trọng hơn thì giờ tĩnh tâm cầu nguyện mỗi ngày; xem nhẹ việc học hành hơn là học lời Chúa, kể cả xem nhẹ thì giờ ngủ nướng hơn là được dậy sớm để đến dự lớp Trường Chúa Nhật. Cái nhìn (perspective) của chúng ta cũng thay đổi về sự chọn bạn trăm năm: “Tôi nên chọn hay tránh xa những bạn trai hoặc bạn gái nào để tương lai đây và cả gia đình tôi sẽ hầu việc Chúa?” Chúng ta sẽ thay đổi cách đối xử với mọi người, không như ngày xưa nữa.

 

b) Không phải vậy thôi, nhưng ai thật sự kinh nghiệm sự thờ phượng Chúa đúng cách sẽ tự động nhận được quyền năng, sự nóng cháy, hăng hái để bắt đầu hầu việc Chúa. Sự kiện xẩy ra trong sách Tiên Tri Êsai 6 - sau khi tiên tri Êsai vào đền thờ thờ phượng Đức Chúa Trời, thấy được sự vinh hiển của Ngài, ông ngã xuống như người chết và rồi tiên tri Êsai nghe tiếng Chúa gọi: "Ta sẽ sai ai đi?" Êsai liền đáp lại ngay điều gì? Êsai không có nói: "Để coi đã..." nhưng đáp lời: "Có tôi đây! Xin Ngài sai tôi!" Người nào thật sự gặp Chúa trong buổi thờ phượng ra về chúng ta biết ngay, vì có tinh thần tự nguyện xung phong hầu việc Chúa; Họ đã gặp Chúa rồi thì không cần ai đến năn nỉ, kêu gọi, hay phải "đẩn" họ nữa, nhưng họ tự động gia nhập dự phần lo công việc Chúa với khả năng ân tứ Chúa ban cho mình. Người nào thật sự gặp Chúa trong buổi thờ phượng là người "hot" lắm? Are you hot Christians? Không phải "hot" theo nghĩa hình dáng sắc đẹp bề ngoài đâu, nhưng là nóng cháy, hăng say, đầy dẫy “passion” hầu việc Chúa mà chẳng mệt mỏi, chẳng có một lời than phiền chi hết. Câu chuyện của một người phụ nữ lập gia đình với một người chồng rất tàn ác. Mỗi ngày trước khi ông đi làm thì luôn để lại một tờ giấy, chi tiết tất cả những điều bà phải làm trước khi ông về, nào là việc dặt dũ, nấu ăn, lượm củi, chìu lau các cửa sổ. Nếu ông về mà việc chưa làm xong thì người chồng rủa sả vợ một cách tàn nhẫn mà hôm nào xong mọi việc thì ông không bao giờ thỏa lòng, luôn kiếm chuyện chê trách điều này việc nọ. Một vài năm sau, người chồng lâm bịnh qua đời,  khoảng một thời gian sau bà lập gia đình lại với một người đàn ông khác. Nhưng người chồng mới này rất yêu thương, chìu mến bà, không có đàn ép như người chồng cũ. Một ngày kia trong lúc làm việc ở nhà tình cờ khi bà dọn dẹp thì có một tờ giấy rớt xuống đất. Tờ giấy đó chính là một trong những tờ giấy mà người chồng cũ của bà thường hay để lại bắt bà phải làm những công việc nhà. Khi bà đọc tờ giấy này, nước mắt bà tuôn tràn và tự nghĩ: "Ngày hôm nay, tôi vẫn còn làm tất cả những điều này, chẳng thiếu điều chi, nhưng chỉ có một sự khác biệt mà thôi, tôi làm không vì sự bắt buộc nữa, nhưng là vì tôi yêu chồng tôi." Mong rằng chúng ta học được ý nghĩa của câu chuyện này mà mình cũng tự thầm nói: "Tất cả những gì con làm trong sự thờ phượng Chúa ngày hôm nay: dậy sớm đi nhà thờ, đem theo Kinh Thánh, dự lớp Trường Chúa Nhật đúng giờ, vui vẻ hát ngợi ca Chúa, sẵn sàng trong sự dâng hiến, hứa nguyện sống đẹp lòng Chúa... là vì con yêu mến Chúa, bởi tất cả những gì Chúa đã ban cho con trong Cứu Chúa Giê-xu. Con sẽ chẳng tiếc một điều gì, kể cả thì giờ quí báu và cả đời sống của con!"

 

Chúng ta có thật muốn nhận được phước từ Chúa trong buổi thờ phượng không? Chúng ta có thật muốn gặp được Chúa trong buổi thờ phượng không? Vậy thì hãy ra về và làm theo những gì anh chị em đã học biết về sự thờ phượng thật, nếu không thì e rằng sự hiểu biết của mình qua bài giảng này, một ngày chỉ luống công vô ích thôi chăng?

 

 

------------- Lời Mời Gọi

 

Mỗi người hãy tự xét lấy chính mình buổi sáng hôm nay, sự thờ phượng Chúa của tôi như thế nào, có đang làm đúng thái độ không? Mỗi lần đi vào nhóm thờ phượng Chúa, tâm hồn tôi như thế nào? Có vui vẻ, hớn hở được vào nhà của Đức Chúa Trời không, hay là đã trở nên một gánh nặng trong đời sống? Mỗi lần sau khi nhóm, tâm hồn tôi như thế nào? Có hân hoan, bình an, cảm thấy được phước của Chúa vì đã gặp được Ngài trong buổi nhóm, hay là tư tưởng “mất thì giờ” Có lẽ chúng ta chưa thấy phước hạnh trong sự thờ phượng Chúa là bởi vì chúng ta chưa thờ phượng Chúa đúng cách. Chúng ta cần nhờ cậy Đức Thánh Linh biến đổi tư tưởng và tâm linh của mình thì chúng ta mới thật sự bắt đầu thờ phượng Chúa có ý nghĩa. Chúng ta cần thay đổi gì?

 

a) Trong buổi nhóm, chúng ta đến đây không phải là khán gỉa, chỉ đi “xem lễ” xong rồi ra về, nhưng chúng ta là những người trình diễn cho Chúa xem, làm Chúa vui long vì Ngài là khán giả và mọi sự trong sự thờ phượng là thuộc của Chúa và cho một miình Ngài mà thôi.

 

b) Cần thay đổi ý nghĩa của sự dâng hiến trong thờ phượng không phải chỉ là tiền bạc, nhưng là cả thân thể, cuộc sống của chúng ta sống cho Ngài.

 

Sự thờ phượng phải lẽ làm vui lòng Chúa, phải bằng tâm thần và lẽ thật. Và khi chúng ta thật sự thờ phượng Chúa bằng tâm thần và lẽ thật, đời sống của chúng ta sẽ biến đổi, ghét điều ác và mến điều lành. Sẽ tự động thay đổi cách sống, cách đối xứ của chúng ta với mọi người một cách đẹp lòng Chúa luôn. Điều có lẽ mỗi người chúng ta cần làm ngay hôm nay là để Chúa Thánh Linh biến đổi ý tưởng sai lầm của mình để thật sự hiểu và thờ phượng Chúa đúng cách.

 

Phải hiểu rằng Đức Chúa Trời dựng nên chúng ta là để làm gì? Đức Chúa Trời ban cho Con Ngài cứu chúng ta là để làm gì? Để chúng ta hết thẩy trở nên những sinh vật thờ phượng và hầu việc Ngài. Thử hỏi mỗi người chúng ta sẽ làm gì trên thiên đàng một ngày? Thờ phượng Chúa ngày và đêm… Allêluia! Vậy hãy hết lòng cầu xin Đức Thánh Linh biến đổi tâm linh của mình mà thờ phượng Chúa cho phải lẽ. Amen!   

 


What is Worship?

(John 4:19-24)

 

Worship should be the first and important ministry of the church of God; unfortunately, it has many misconceptions that need to be corrected. We worship God by proclaiming Who He is, showing our gratitude in praises, and testifying His authority totally over our life. We need to understand that worship is a command from God, and not an option. The primary reason to go to church should be to worship God because worship is not for us, nor about us, but everything in worship is about God. Because God is Spirit, we must worship Him with spirit and truth and never be confined to a place. To have a true worship, our mind must be transformed about the roles in a worship service. We are not the audience, but are the performers for God. Worship is not about what I like or who I dislike: the music, the pastor, the preaching, the decorations... but worship is all about what does God like? You can come to the right church, meet the right people, hear the right thing, but that is not worship until you come with a heart wanting to please God. We come to worship God, not to just get something out of Him, but offer our life to Him because we love Him and that dedication is what God wants. True worship touches every area of our life and is not something that happens only on Sunday. It is possible that we do not change at all, because we haven't met Jesus in worship; but it is impossible that we met Jesus in worship and haven't changed! So how can the love for God be measured? It is measured by the heart of worship! When the heart of worship is dry, the love for God is slowly going out, the passion is dying. We need to revive our love for God in worship by 1) Remembering Who God is, 2) With thanksgiving for what He has done for us on the cross, and 3) Living a life to glorify God. Don’t forget that we were saved to be worshipers. Do you want to meet God in worship? Then get serious about worship, come and worship Him with all your heart, soul, mind and strength, and don't worry about the time and the things of this world. If we truly love God then worship is a passion, not a burden; a priveledge, not a responsibility, and until we find worship is a passion, we find the true meaning of this life! Amen!