Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 33

Khao Khát Chúa

Thirst for God

(Thi Thiên 42:1-2)

www.vietnamesehope.org

 

"Đức Chúa Trời ôi! linh hồn tôi mơ ước Chúa, Như con nai cái thèm khát khe nước.

2 Linh hồn tôi khát khao Đức Chúa Trời, là Đức Chúa Trời hằng sống:

Tôi sẽ đến ra mắt Đức Chúa Trời chừng nào?”

(As the deer pants for streams of water, so my soul pants for you, my God.

2 My soul thirsts for God, for the living God. When can I go and meet with God?)

 

 

Thời gian trôi qua thật là mau chóng, chúng ta lại bước vào tháng chạp, tháng cuối cùng của một năm. Mỗi lần tháng chạp đến, nó cũng nhắc nhở mọi người chúng ta về một mùa lễ rất quan trọng trong mỗi năm, đó là lễ Giáng Sinh. Khắp nơi thiên hạ đã bắt đầu sửa soạn đón đại lễ Giáng Sinh. Ai nấy hầu như đang rộn rã, nô núc và bận bịu trong công việc mua sắm quà cáp và trang trí. Nhiều nơi có những khúc nhạc Nôen lại bắt đầu trổi lên thật tưng bừng và náo nhiệt. Nhiều nhà và trên sân cỏ nhiều chỗ, người người đã trưng bày những cây thông xanh, hình tượng ông gìa Nôen với những ánh đèn lấp lánh đủ mầu. Tuy nhiên ở giữa những sự nhôn nhịp và tưng bừng của mùa lễ Giáng Sinh năm nay, thế giới đang đối diện với nhiều nan đề. Chẳng hạn như vấn đề kinh tế sa sút, nhà cửa bán không chạy, nhiều người bị thất nghiệp, chưa nói đến những nan đề ở xung quanh thế giới, nào là khủng bố phá hoại, băng đảng giết người khủng khiếp bên nước Mexico,  chiến tranh xung đột giữa nước Bắc và Nam Hàn, những vụ thông tin bí mật (wikileaks) giữa các nước bị lộ tẩy ra và có thể gây thêm sự căng thẳng giữa các nước đồng minh và làm tổn hại cho sự hòa bình thế giới.

 

Mặc dầu Giáng Sinh là một đại lễ, có thể nói là lễ lớn nhất trong một năm, nhưng điều trái ngược đó là sẽ có vô số người mỗi năm ăn mừng lễ Giáng Sinh, nhưng lại chẳng biết gì về ý nghĩa của nó. Sẽ có cả triệu triệu người mừng lễ Giáng Sinh mỗi năm, nhưng không hiểu ai là nhân vật chính cho mùa lễ này, không biết Chúa Giáng Sinh là ai và mục đích Ngài đã sanh ra đời là để làm gì? Giống như là một người đến dự một buổi mừng sinh nhật, hay một đám cưới, nhưng chẳng biết ai là người được mừng sinh nhật để tặng quà, hay ai là cô dâu và chú rễ trong bữa tiệc cưới đó? Có người còn bị lẫn lộn Giáng Sinh là ngày sinh nhật của ông già Nôen nữa. Thế gian chỉ biết bận rộn trong những thú vui chơi, trao đổi quà cáp, đeo đuổi những món hàng đại hạ gía đã được quảng cáo đến hoa mắt, nhưng chẳng biết ý nghĩa của Giáng Sinh là gì. Không phải chỉ những người trần thế mà thôi, nhưng kể cả chính những con cái của Chúa nữa, một số sẽ ăn mừng lễ Giáng Sinh mỗi năm, nhưng trong đời sống của mình chưa có kinh nghiệm được một mối liên hệ mật thiết với Chúa Giáng Sinh. Cho nên sáng nay chúng ta cùng suy gẫm lời Chúa về một đề tài đó là làm thế nào một con cái của Chúa tìm được mối liên hệ mật thiết với Ngài đây, để sửa soạn đón đại lễ Giáng Sinh năm nay cho thật đầy ý nghĩa?

 

 

I. Chúa của sự Mật Thiết Riêng Tư

 

Muốn xây dựng một mối liên hệ mật thiết với Chúa, điều thứ nhất chúng ta phải hiểu Đức Chúa Trời mà chúng ta đang thờ phượng là Chúa của sự mật thiết riêng tư (God of Intimacy). Ngài muốn có mối liên hệ riêng tư với mỗi người chúng ta.

 

          Con người chúng ta dù là người lương hay người có "đạo," hầu hết ai cũng có một khái niệm tổng quát về Thượng Ðế. Chẳng hạn như người Việt chúng ta biết có một Ðấng Sáng Tạo tối cao và gọi Ðấng đó là "Ông Trời" như những câu nói: “Trời sinh voi, sinh cỏ - trăm sự nhờ trời.” Mặc dầu con người thường ai cũng có khái niệm về Thượng Ðế, nhưng thường chúng ta biết rất ít về Ngài, mà có biết đi nữa thì nhiều khi chỉ biết qua sự hạn hẹp của những lễ nghi tôn giáo, những ngày đại lễ hơn là một mối liên hệ cá nhân mật thiết. Chẳng hạn như đạo Hồi Giáo, họ tin có “Thượng Đế” và gọi Ngài danh xưng là “Đức Allah,” nhưng cùng một lúc họ cũng tin rằng Ngài là Đấng “unreachable” nghĩa là không thể hiểu thấu, không thể đến gần, đụng đến và tương giao với được. Đạo Phật thì cũng tương tự, không cần biết đến Thượng Đế là ai, vì triết lý của đạo này sống theo lương tâm cá nhân, thì sự liên hệ với Thượng Đế này không cần thiết nữa. Nhưng đối với những người cơ đốc thì họ tin Thượng Đế là Đấng đã sáng tạo nên muôn loài, Đấng ban cho mọi loài sức sống mỗi ngày, Đấng đang quan phòng/chăm sóc trên đời sống của con người, và là Đấng mà loài người có thể tương giao với được, qua chính Đức Chúa Giê-xu Christ, Con Ngài. Chúng ta biết điều này qua những chứng cớ sau đây đã chép trong Kinh Thánh:

 

1) Từ lúc ban đầu, Kinh Thánh cho chúng ta biết chương trình của Đức Chúa Trời khi dựng nên hai người đầu tiên là Ađam và Êva thì có hình ảnh giống như Ngài và sanh khí của Ngài, để con người có khả năng tương giao với Chúa, mà không có một loài vật nào được dựng nên giống như vậy. Trong sách STK 1:26-27 có chép – (Then God said, “Let us make mankind in our image, in our likeness, so that they may rule over the fish in the sea and the birds in the sky, over the livestock and all the wild animals, and over all the creatures that move along the ground.” 27 So God created mankind in his own image, in the image of God he created them; male and female he created them.) “Đức Chúa Trời phán rằng: Chúng ta hãy làm nên loài người như hình ta và theo tượng ta, đặng quản trị loài cá biển, loài chim trời, loài súc vật, loài côn trùng bò trên mặt đất, và khắp cả đất. 27 Đức Chúa Trời dựng nên loài người như hình Ngài; Ngài dựng nên loài người giống như hình Đức Chúa Trời; Ngài dựng nên người nam cùng người nữ.” Mục đích Đức Chúa Trời dựng nên loài người chúng ta giống hình tượng của Ngài là vì Chúa muốn có mối tương đời đời với mỗi chúng ta.

 

          2) Trong phần Cựu Ước, chúng ta thấy Đức Chúa Trời thường tương giao với dân chọn riêng của mình qua sự hiện ra và nói chuyện với nhiều người tìm kiếm Ngài. Chẳng hạn như với nhà lãnh tụ Môise, Ngài tương giao như một người bạn có chép trong sách XEDTK 33:12-17 như sau: (12 Moses said to the LORD, “You have been telling me, ‘Lead these people,’ but you have not let me know whom you will send with me. You have said, ‘I know you by name and you have found favor with me.’ 13 If you are pleased with me, teach me your ways so I may know you and continue to find favor with you. Remember that this nation is your people.” 14 The LORD replied, “My Presence will go with you, and I will give you rest.” 15 Then Moses said to him, “If your Presence does not go with us, do not send us up from here. 16 How will anyone know that you are pleased with me and with your people unless you go with us? What else will distinguish me and your people from all the other people on the face of the earth?” 17 And the LORD said to Moses, “I will do the very thing you have asked, because I am pleased with you and I know you by name.) “Môi-se thưa cùng Đức Giê-hô-va rằng: Nầy, Chúa phán cùng tôi rằng: Hãy đem dân sự nầy lên! Song Chúa chẳng cho tôi biết Chúa sai ai đi cùng tôi. Vả, Chúa có phán rằng: Ta biết ngươi vì danh ngươi, và ngươi được ơn trước mặt ta. 13 Vậy bây giờ, nếu tôi được ơn trước mặt Chúa, xin cho tôi biết đường của Chúa, để cho tôi biết Chúa và được ơn trước mặt Ngài. Xin cũng hãy nghĩ rằng dân nầy là dân của Ngài! 14 Đức Giê-hô-va đáp rằng: Chính mình ta sẽ đi cùng ngươi, và ta sẽ cho ngươi an nghỉ. 15 Môi-se thưa rằng: Nếu chính mình Ngài chẳng đi, xin đừng đem chúng tôi lên khỏi đây. 16 Lấy cớ chi mà người ta sẽ biết rằng tôi cùng dân sự Ngài được ơn trước mặt Ngài? Có phải khi nào Ngài cùng đi với chúng tôi chăng? Thế thì, tôi cùng dân sự Ngài sẽ được phân biệt với muôn dân trên mặt đất. 17 Đức Giê-hô-va phán cùng Môi-se rằng: Ta sẽ làm điều ngươi cầu xin ta, vì ngươi được ơn trước mặt ta, và ta biết ngươi bởi danh ngươi vậy.” Đức Chúa Trời muốn cùng đi với Môise và biết chính tên của Môise nữa.

 

          3) Trong thời Tân Ước, Đức Chúa Trời là Đấng muốn có một mối liên hệ mật thiết với mọi người chúng ta rõ ràng qua sự giáng thế của Con một Ngài là Cứu Chúa Giê-xu, mà chúng ta đang sửa soạn kỷ niệm mừng lễ Giáng Sinh. Đấng vĩ đại, quyền năng, tối cao ở trên Trời đã bằng lòng chịu “thu nhỏ” lại xuống dưới đất, để được “gần gũi,” tương giao với loài người và cứu con người ra khỏi sự đoán xét của tội lỗi và để chúng ta được một ngày sống với Chúa đời đời. Khi còn ở trần thế, Ngài trà trộn với nhân loại, ngồi ăn chung với những kẻ có tội, đụng đến những người đau ốm, đặt tay trên những trẻ nhỏ, cùng khóc với kẻ khóc, vui với kẻ vui. Khoãng cách giữa Trời và con người là một sự phân biệt vĩ đại cao sâu hơn là biển cả, hơn là không gian mà chúng ta không thể nào đến gần được với Đức Chúa Trời, nhưng Chúa Giê-xu đã giáng sinh để loài người có thể “đụng” đến được Đức Chúa Trời và có mối tương giao với chính Ngài. Chính Chúa Giê-xu khi Ngài còn ở trên thế gian này đã dạy dỗ các môn đồ của mình có mối liên hệ mật thiết gần gũi với Đức Chúa Trời như là một người Cha yêu thương con cái mình qua lời cầu nguyện trong Mathiơ 6:9(This, then, is how you should pray: “‘Our Father in heaven, hallowed be your name.) “Vậy các ngươi hãy cầu như vầy: Lạy Cha chúng tôi ở trên trời; Danh Cha được thánh;”

 

 

II. Tiến Trình Tương Giao với Chúa

 

Sự tương giao với Chúa là một tiến trình trong đời sống của một người cơ đốc.

 

1) Bắt đầu bằng một tấm lòng bên trong khao khát Chúa. Trong sách Thi Thiên 42:1-2 – tác gỉa so sánh sự khao khát tìm kiếm Chúa giống như một con nai cái mong tìm được khe nước mát, vì đó là nhu cầu cần thiết phải có để nó có thể còn sống sót - (As the deer pants for streams of water, so my soul pants for you, my God. 2 My soul thirsts for God, for the living God. When can I go and meet with God?) “Đức Chúa Trời ôi! linh hồn tôi mơ ước Chúa, Như con nai cái thèm khát khe nước. 2 Linh hồn tôi khát khao Đức Chúa Trời, là Đức Chúa Trời hằng sống: Tôi sẽ đến ra mắt Đức Chúa Trời chừng nào?” Hình ảnh một con nai đang mệt mỏi, rã rời, có thể vì nó đang bị rượt chạy bởi những người thợ săn, hay là những con thú dữ, nay nó đang kiệt sức mà cần uống nước để có thể sống sót và phục sức lại. Có thể biểu lộ tâm trạng của tác gỉa trong Thi Thiên này đang gặp những gian truân trong đời sống, thử thách, những tai họa, khó khăn, mệt nhọc trong cuộc sống mà nay khao khát tìm kiếm Chúa để Ngài giải cứu và nâng đỡ mình?

 

Anh chị em có đang khao khát điều gì không trong mùa Giáng Sinh năm nay? Có chỉ mong được mua kịp những món hàng đại hạ gía? Mong được lành một căn bịnh? Mong tìm được một mối tình? Mong được thoát khỏi sự mệt nhọc, bận rộn của đời sống? Mong được thoát khỏi những gánh nặng của tội lỗi không? Hãy khao khát tìm kiếm Chúa để thật sự kinh nghiệm được sự yên nghỉ cho tâm hồn, như lời Chúa Giê-xu đã một lần hứa trong Mathiơ 11:28(“Come to me, all you who are weary and burdened, and I will give you rest.) “Hỡi những kẻ mệt mỏi và gánh nặng, hãy đến cùng ta, ta sẽ cho các ngươi được yên nghỉ.” Lời mời gọi của Chúa Giê-xu - hãy đến với Ngài, mở cửa lòng để tương giao với Chúa và tìm được sự bình an thật, nhất là trong giữa sự bận rộn, bon chen, xa hoa của mùa lễ Giáng Sinh đang đến. Người có tấm lòng khao khát tìm kiếm Chúa nghĩa là cũng ý thức rằng trên đời này chẳng còn có một thứ gì có thể thỏa mãn mình được; chẳng có một món đồ chơi nào, một món quà nào có thể làm mình thật sự có sự bình an của tâm linh, nhưng chỉ một mình Chúa mới có thể thỏa mãn mình mà thôi. Chỉ có một mình Chúa là nơi nương náu, là nguồn suối mát, là sức lực mà mình có thể tìm được những giờ phút yên tĩnh, tâm hồn được dịu dàng, thoải mái, khỏi những mệt nhọc và bận rộn của đời sống.

 

2) Hãy tìm kiếm sự tĩnh tâm. Phương cách hay nhất cho cơ đốc nhân để có thể xây dựng mối liên hệ mật thiết với Chúa đó là chúng ta phải tập có một đời sống tĩnh tâm với Chúa thường xuyên, ở giữa một cuộc sống đầy sự bon chen. Phương pháp này trong tiếng Anh thì có danh từ đặc biệt gọi là “solitude.” “Solitude” nghĩa là “tự từ chối, tránh xa những điều ở trong thế giới xung quanh mình, để ở riêng một mình và tương giao với Chúa.” Trong sách Thánh Ca, có bài số 332 với tựa đề “Buổi mai với Giê-xu,” diễn tả lại phần nào cho thấy hình ảnh của sự tĩnh tâm này vì trong bài hát có câu: “Tôi đi một mình vào nơi thanh vắng, lúc sương đêm chưa ráo trên ngàn bông hồng… Chúa với tôi… tâm giao khi Ngài đi bên tôi…”

 

a) Điều kiện thứ nhất để có sự tĩnh tâm với Chúa đó là chúng ta cần phải tập yên lặng. Sách Thi Thiên 46:10 – tác gỉa dạy dỗ điều gì để có thể tương giao biết Chúa? (Be still, and know that I am God; I will be exalted among the nations, I will be exalted in the earth") “Hãy yên lặng và biết rằng ta là Đức Chúa Trời; Ta sẽ được tôn cao trong các nước, cũng sẽ được tôn cao trên đất.” Yên lặng là môi trường phải có để chúng ta có thể tương giao với Chúa; hay nói cách khác, khi chúng ta chưa có thể tập yên lặng, chúng ta không thể nhận biết Chúa và tương giao với Ngài được. Ai muốn tương giao với Chúa thì phải tìm Ngài trong sự yên lặng tĩnh tâm một mình. Masơ Tarêsa khi còn sống đã một lần nói: “God rarely is found in the midst of noise and restlessness; instead He is the friend of silence.” Tạm dịch: “Rất hiếm khi chúng ta tìm được Chúa ở giữa sự ồn ào hay lúc bồn chồn, lo lắng; nhưng Ngài thường là bạn của sự yên tịnh và lắng lòng.” Phải tập gạt bỏ khỏi những “tiếng động” trong đời sống đó là sự bận rộn, bon chen, tranh đua, những việc làm, những nỗi lo lắng ở đời này để có thể tìm kiếm Chúa. Bài Thánh Ca số 137 chúng ta rất thích hát: "Lắng nghe tiếng Chúa" khi nào? Tại sao lại trong ban đêm? Vì lúc đó có sự yên lặng, không còn sự chi phối của những tiếng động, vì lúc đó tiếng nhạc Nôen đã chấm dứt, tiếng TV của phim hàn quốc đã được tắt đi, khi mọi công việc đã phải ngừng lại. Nếu không tập "Be still/ngồi yên" thì không thể nghe, thấy và hiểu được những việc lạ lùng Chúa đang làm, và nếu chưa thông hiểu thì không thể nào có một mối tương giao mật thiết với Ngài được.

 

b) Trong giờ phút yên lặng, chúng ta tương giao với Chúa qua sự cầu nguyện. Anh chị em có đang khao khát giờ cầu nguyện tương giao với Chúa mỗi ngày không? Anh chị em có bao giờ tự xét xem lời cầu nguyện của mình như thế nào không? Có bao nhiêu lời xin Chúa, còn bao nhiêu phút tương giao suy gẫm về Ngài, về lời và những việc lạ lùng Chúa đang làm xung quanh mình không? Mục đích chính chúng ta cần sự tĩnh tâm cầu nguyện với Chúa thường xuyên là để làm gì? Không phải để chúng ta chỉ xin xỏ Chúa đáp ứng những nhu cầu trong đời sống của mình mà thôi: cho con đậu được bài thi, chữa cho con bịnh nhức đầu, giúp con thành công trong công ăn việc làm, cho con tìm được người con thương… Chẳng lẽ Chúa không biết những nhu cầu và có quyền năng đáp ứng mọi nhu cầu của chúng ta sao? Kinh Thánh chép đến nỗi mỗi sợi tóc trên đầu của chúng ta, Ngài đã đếm hết rồi, nhưng điều Chúa mong mỏi ở chúng ta hơn trong lúc cầu nguyện là để chúng ta thông biết chính Chúa hơn và thưởng thức sự hiện diện của Ngài trong giữa cuộc sống tạm bợ này.

 

Tĩnh tâm đôi khi chỉ cần yên lặng để suy gẫm đến Chúa là ai. Tĩnh tâm đôi khi chỉ cần yên lặng để suy gẫm đến tình yêu thương vĩ đại của Ngài, mà chúng ta là những kẻ tội nhân, nay được Chúa cứu chuộc và gọi chúng ta là những con trai con gái của chính Ngài qua Cứu Chúa Giê-xu Con Ngài. Suy gẫm sự lạ lùng và mầu nhiệm của Giáng Sinh mà tại sao Chúa đã đến thế gian không qua những cung điện ngọc ngà và dòng dõi của những nhà vua, nhưng lại đến trong sự hèn yếu của một đứa trẻ sanh ra trong máng cỏ nghèo nàn và cuối cùng chịu đau đớn đổ huyết trên cây thập tự để chuộc tội cho mỗi người chúng ta.

 

Thì giờ quí báu tôi thích nhất mỗi ngày làm việc, dù cho bận rộn đến đâu đi nữa là lúc sau khi ăn trưa đi bộ cầu nguyện tương giao với Chúa ở tại một khu vườn yên tĩnh có một con đường tráng nhựa. Ở trên là một bầu trời xanh ngát, xung quanh có tiếng chim hót, ở dưới đất có những con chồn chạy qua lại tìm những hạt đậu pecans, cây cối xanh tươi, một bờ hồ nhỏ yên tịnh có tiếng nước phun ra róc rách - một khung cảnh bình an để chiêm ngưỡng những sự sáng tạo lạ lùng của Chúa mà tìm cho được những giây phút yên tĩnh cho tâm hồn và tương giao với Chúa. Thường không cầu xin chi hết, chỉ ngợi khen và cảm tạ, hát thầm một bài thánh ca, tương giao với Chúa như một người con nói chuyện với Cha mình. Kể lễ ra những nỗi ưu phiền trong đời sống, như chia xẻ với một người bạn thân. Nói ra những khó khăn, nan đề, những tranh đấu trong cuộc sống và tìm kiếm câu trả lời khôn ngoan, như nói chuyện với một Đấng Cố Vấn Mưu Luận tuyệt vời. Chia xẻ những thắc mắc về ý muốn của Chúa cho đời sống của mình mà mình cần phải làm gì? Những lúc lái xe, tôi chỉ muốn yên lặng suy gẫm về Chúa; không bật nhạc, cũng không nghe tin tức, cũng chẳng nghe những bài giảng luận, nhưng để tâm hồn nói chuyện với Chúa. Suy gẫm về lời Chúa, về bài giảng, bài học Kinh Thánh, xin Chúa giải đáp cho thêm sự thông sáng.

 

 

III. Tấm Gương Chúa Giê-xu

 

Hãy xem chính tấm gương của Chúa Giê-xu đó là Ngài thường xuyên tĩnh tâm với Đức Chúa Cha mỗi ngày và trong mỗi hoàn cảnh. Chúa có thói quen rất thường xuyên dậy sớm, khi trời còn tờ mờ sáng thì đã vào nơi vắng vẻ để tương giao với Chúa Cha mình. Trong sách Mác 1:35 chép Chúa thường làm gì? (Very early in the morning, while it was still dark, Jesus got up, left the house and went off to a solitary place, where he prayed.) “Sáng hôm sau trời còn mờ mờ, Ngài chờ dậy, bước ra, đi vào nơi vắng vẻ, và cầu nguyện tại đó.” Trong sách Luca 6:12-13 – Chúa Giê-xu vào nơi vắng vẻ để cầu nguyện trước khi đi ra gọi và chọn 12 môn đồ theo mình (One of those days Jesus went out to a mountainside to pray, and spent the night praying to God. When morning came, he called his disciples to him and chose twelve of them, whom he also designated apostles…) “Trong lúc đó, Đức Chúa Jêsus đi lên núi để cầu nguyện; và thức thâu đêm cầu nguyện Đức Chúa Trời. Đến sáng ngày, Ngài đòi môn đồ đến, chọn mười hai người, gọi là sứ đồ.” Thử hỏi có bao nhiêu người cơ đốc ngày nay trước khi sắp sửa làm một chuyện lớn gì đó: mở tiệm, mua nhà, lập gia đình, đi vào chức vụ… mà đã thức thâu đêm suốt sáng cầu nguyện trước đó không? Trong sách Mathiơ 14:10-13 – khi đối diện với sự đau buồn, Chúa bước vào sự tĩnh tâm cầu nguyện, tìm kiếm sự yên ủi từ nơi Đức Chúa Cha (and had John beheaded in the prison. His head was brought in on a platter and given to the girl, who carried it to her mother. John's disciples came and took his body and buried it. Then they went and told Jesus. When Jesus heard what had happened, he withdrew by boat privately to a solitary place…) “Vua bèn sai người chém Giăng trong ngục, rồi họ để đầu người trên mâm mà đem cho con gái ấy, nàng bèn đem cho mẹ mình. Đoạn, các môn đồ của Giăng đến, lấy xác mà chôn, rồi đi báo tin cho Đức Chúa Jêsus. Đức Chúa Jêsus vừa nghe tin ấy liền bỏ đó xuống thuyền, đi tẻ ra nơi đồng vắng…” Trong sách Tin Lành Mathiơ 26:36-44 chép nơi vườn Ghếtsêmane, trước khi đối diện với cái chết đau thương ở trên cây thập tự, đến ba lần Chúa Giê-xu đi riêng một mình, cầu nguyện tìm kiếm sức mạnh từ nơi Cha mình.

 

Nếu Chúa Giê-xu là Con Đức Chúa Trời mà còn cần sự tĩnh tâm, yên tĩnh, tương giao với Cha mình để sống làm trọn ý của Ngài thì chẳng lẽ chúng ta là con cái của Ngài, không cần đến điều này mỗi ngày sao? Có người tín đồ phàn nàn với vị Mục Sư của mình: "Tại sao tôi gọi cell phone Mục Sư sáng thứ Hai hoài mà Mục Sư không trả lời?" Ông Mục Sư trả lời: "Thứ Hai là ngày nghỉ của tôi mà, để tôi có thì giờ riêng tư với Chúa." Người tín đồ nói lại: "Nghỉ! satan nó có bao giờ nghỉ ngơi đâu Mục Sư!" Vị Mục Sư đáp: "Anh nói đúng rồi! Nếu tôi làm việc mà không nghỉ như satan thì tôi giống nó rồi; tôi đâu có giống Chúa Giê-xu nữa, vì Ngài rất thường nghỉ ngơi tĩnh tâm với Cha của mình…”

 

 

IV. Tập Tành

 

1) Muốn có một đời sống tĩnh tâm với Chúa mỗi người chúng ta phải tập tành làm điều này, vì thứ nhất từ khi đến biết Chúa, được “tái sanh” chúng ta không tự nhiên muốn được tương giao mật thiết với Chúa. Trong đời sống từ khi chúng ta lọt lòng mẹ, chào đời cho đến khi khôn lớn có những năng khiếu chúng ta không tự nhiên mà có được, nhưng phải tập tành, phải được huấn luyện thì mới phát triển và gặt hái được những khả năng đó. Chúng ta không ai sanh ra đời là biết nói hay hát Karaoke được ngay, nhưng chỉ biết hét, la hay khóc mà thôi, rồi theo thời gian bước tới giai đoạn phải đi đến trường học: tập đọc, tập phát âm từng vần, viết từng chữ một. Khi chúng ta mới qua Mỹ phải tập ăn đồ Mỹ, tập nói tiếng Anh, tập lái xe, tập làm việc không ngủ trưa. Như vậy nếu đời sống vật chất hay thể xác mà cần nhiều sự tập tành để tăng trưởng thì chúng ta cũng phải hiểu đời sống thuộc linh của chúng ta cũng cần sự tập tành nhiều thứ để đức tin được lớn lên. Một trong những điều cần thiết và căn bản nhất cho sự tăng trưởng của con người mới này là phải biết tập tĩnh tâm với Chúa, nếu không chúng ta không thể sống một cuộc sống bình an và làm vui lòng Chúa Giê-xu, Chúa chúng ta được.

 

2) Muốn tập tành sự tĩnh tâm chúng ta phải có ý chí, phải quyết định từ bỏ sự bận rộn, và chọn một thời điểm và một chỗ thích hợp cho chính mình để có thể làm được điều này. Ở đời này người ta nói: "Muốn là được" và "có chí thì nên; có công mài sắt có ngày nên kim." Chí khí đây là nghị lực mạnh mẽ quyết tâm muốn làm gì đó thì sẽ đạt được điều mình muốn. Người Việt chúng ta có cá tánh siêng năng, cần cù, vô số người qua đây muốn được giàu có, tiếng tăm họ sẵn sàng bỏ ăn bỏ nghủ, (có khi bỏ cả gia đình) cắm đầu cắm cổ làm lụng và cuối cùng đã đạt được điều mình mong muốn như là nhà cao cửa rộng và bằng cấp treo đầy tường. Cũng có người muốn kiếm được một người vợ đẹp và hiền nữa thì đâu còn ngại tốn kém, núi cao sông rộng, dù phải bay máy bay qua nửa vòng trái đất cũng sẽ dễ làm mà thôi. Ngược lại, khi mà không thương, không muốn rồi thì dù cho "nhà thờ" ở bên cạnh cũng không thèm bước qua, hay xe van nhà thờ đến đón tận cửa nhà mình cũng có cả trăm lý do không thèm đi, phải không? Ở Việt Nam nhiều con cái Chúa muốn đi nhóm, họ phải lội bộ, chèo ghe cả ngày, nhóm chỗ không có máy lạnh, nhưng lòng họ sốt sắng và ham thích; ngược lại tại sao bên đây, con cái Chúa lái toàn là xe đời mới không hà, mỗi người một chiếc, có máy lạnh máy nóng đầy đủ thì chúng ta lại bê trễ không muốn đi. Thật muốn tương giao với Chúa thì có gì ngăn cản chúng ta được không, còn không muốn thì dù nghe có cả ngàn bài giảng đi nữa, cũng sẽ chẳng thấm chi hết.

 

Tập yên lặng là một điều rất khó làm, nhất là trong thời đại máy móc văn minh tân tiến ngày nay vì cuộc sống hằng ngày của chúng ta đang có qúa nhiều những tiếng động ở khắp mọi nơi. Nào là tiếng xe hơi náo nhiệt, những mục quảng cáo ồn ào phát ra từ những cái máy TV, những tiếng la hét trong các cuộc đấu Football; tiếng động của những trò chơi điện tử, nhạc liên khúc từ máy Ipod, tiếng điện thoại cell phone reng lên, những tiếng rầm rộ từ những cái máy “boom box” đến nỗi làm rung cả cửa kính xe… Có nhiều người không thích sự yên lặng vì thế khi thức dậy là máy TV phải tự động bật lên, vào xe là nhạc liên khúc hay radio phải được bật lên, khi ngồi làm việc cũng vậy, phải gắn máy Ipod vào tai nghe nhạc mới chịu được. Con người chúng ta thích sự bận rộn, không ngồi yên được, phải làm cái này, xây cái kia, dựng cái nọ vì tự nghĩ những việc phải làm này giúp mình trở nên những nhân vật quan trọng trong xã hội. Chúng ta thích xe xua, thâu lượm, đầu tư vì tự nghĩ như thế mình mới thật sự là thành công trong cuộc sống, để cho những người khác tôn trọng mình hơn. Biết bao nhiêu người cơ đốc đang lăng xăng bận rộn làm nhiều việc, nhưng lại chỉ là những điều không mấy quan trọng, chẳng đem đến nhiều ích lợi chi cho nước thiên đàng. Câu chuyện về 2 người thợ chuyên đốn cây thi đua xem trong một ngày chặt được bao nhiêu cây. Một người thì hì hục cố gắng xuốt ngày, nhưng lại đốn cây thua người kia là người cũng làm việc sốt sắng nhưng lại hay nghỉ giải lao. Người bị thua thắc mắc hỏi người thắng cuộc tại sao anh làm ít hơn tôi và hay take breaks mà sao anh lại đốn được nhiều cây hơn tôi vậy? Anh kia trả lời: “Đúng rồi! Tôi thường nghỉ nhiều hơn anh; nhưng anh không thấy mỗi lần tôi ngồi nghỉ là mỗi lần tôi mài lưỡi rìu tôi cho bén hơn sao?”  Tĩnh tâm với Chúa là lúc chúng ta “mài lưỡi rìu” của phần tâm linh, nghỉ ngơi để biết điều chỉnh lại đường lối của mình, hầu để làm được những điều ưu tiên Chúa sai làm, một cách hữu hiệu hơn.

 

Có lẽ nhu cầu cần thiết nhất của con người đó là được sự bình an, yên tĩnh của tâm hồn. Sau một cái áo đẹp, một nhan sắc mỹ miều, sự giàu sang của đời này hay một đời sống đủ tiện nghi, những buổi party vui nhộn… con người vẫn còn có những nỗi bất an gọi là những "khoảng trống" trong tâm hồn mà không có gì lấp đầy được. Chắc ai cũng biết về một người nữ tài tử đóng phim Hollywood nổi tiếng đó là cô Marilyn Monroe. Cô có nhan sắc hấp dẫn, là “Icon” của sắc dục, nhưng trong một buổi tối thứ Bảy, lúc mới có 36 tuổi đã uống một lọ thuốc ngủ tự tử. Khi người ta khám phá ra thì giây điện thoại của cô đang dùng còn đeo lủng lẳng và bình thuốc ngủ đã trống rỗng, không còn một viên nào nữa. Marilyn chết vì suốt cả cuộc đời của cô đi tìm một mối liên hệ mật thiết để có thể trám được những khoãng trống trong tâm hồn mình, nhưng cô đã không bao giờ tìm được, cuối cùng chỉ là sự tuyệt vọng của cái chết mà thôi và chỉ để lại một lọ thuốc ngủ trống rỗng. Của cải vật chất, sắc đẹp, danh vọng chưa chắc đem đến cho con người sự bình an thỏa lòng thật đâu! Những món quà Giáng Sinh đắt tiền, những cuộc vui chơi chưa chắc đem đến cho chúng ta sự yên tĩnh của tâm hồn đâu, nhưng chỉ có mối liên hệ với Chúa là Đấng Hằng Sống mà thôi.

 

Không phải chỉ người đời mà thôi, nhưng kể cả vô số con cái Chúa, có những người đi nhóm mỗi tuần, ăn mừng đại lễ Giáng Sinh mỗi năm, nhưng bên trong lòng vẫn còn đầy dẫy những nỗi chán chường và trống rỗng vì chưa thật sự có mối tương giao với Chúa Giáng Sinh. Thật đúng như một người đã nói: “Nan đề của Hội Thánh ngày nay thật sự ra không phải là những hàng ghế trống, nhưng là những người đang ngồi trên hàng ghế mà đời sống tâm linh bên trong còn biết bao nhiêu những khoãng trống.” Biết bao nhiêu người sẽ ăn mừng đại lễ Giáng Sinh năm nay mà vẫn chưa tìm được sự bình an thật, trong đời sống sẽ vẫn còn đầy những nỗi chán chường, những khoãng trống cho đến khi nào người đó tìm được Chúa Giáng Sinh và có một mối liên hệ riêng tư mật thiết với Ngài. Anh chị em có hiểu điều này không? Anh chị em có khao khát mối liên hệ này với Chúa không? Anh chị em có sẽ tìm được mối liên hệ này trong mùa Giáng Sinh năm nay không? Hãy khao khát Chúa Giê-xu và tìm kiếm Ngài trong sự tĩnh tâm mỗi ngày, trong sự yên lặng cầu nguyện, trong mối tương giao mật thiết ở giữa những sự bận rộn và bon chen của đời sống này. Hãy tập yên lặng, để gặp được Chúa Giáng Sinh và thật thỏa lòng, như nai cái thỏa mãn khi tìm được khe nước mát. Amen!

 

--------------- Lời Mời Gọi

 

Anh chị em đang sửa soạn đón Giáng Sinh chưa? Cũng như mọi năm: lo việc mua sắm, trang trí, gởi thiệp, trao đổi quà, xem những trận đấu football… Nhưng anh chị em có hiểu ý nghĩa thật sự của mùa lễ Giáng Sinh là gì? Có phải chỉ là để thâu lượm những của cải vật chất, hưởng thụ… rồi “cuộc vui lại chóng tàn” sao? Muốn Giáng Sinh năm nay được đầy ý nghĩa, chúng ta cần khao khát tìm kiếm được mối liên hệ mật thiết với chính Chúa Giê-xu vì đó là tất cả ý nghĩa của Giáng Sinh. Đức Chúa Trời chúng ta đang thờ lạy là Đấng muốn có một mối liên hệ riêng tư mật thiết với mỗi người chúng ta. Ngài muốn có mối liên hệ này nên đã sai chính Con Ngài giáng sinh để gần gủi với mỗi người chúng ta.  Không phải một mối liên hệ tạm thời mà thôi, nhưng Con Ngài đến phải đổ huyết làm gía chuộc tội cho mỗi người chúng ta, hầu chúng ta có cả một mối liên hệ đời đời với Chúa nữa.

 

Chúng ta có sẽ đáp ứng lại mối liên hệ này không, để thật sự tìm được ý nghĩa cho cuộc sống này? Chúng ta có khao khát được tìm thấy Chúa và được tương giao với Ngài không, để thông biết Chúa hơn và thưởng thức kinh nghiệm được sự hiện diện của Ngài đi cùng chúng ta không? Chúng ta có thì giờ cho Ngài không? Biết bao nhiêu cặp vợ chồng ngày nay, sống bên cạnh nhau, ở chung trong một căn nhà, nhưng lại không có một mối liên hệ mật thiết, cũng vì thiếu thì giờ cho nhau. Biết bao nhiêu mối liên hệ giữa cha mẹ và con cái Chúa bị rời rạc, cũng vì trong mái gia đình đó ai cũng bận rộn mà không có thì giờ cho nhau. Cũng vậy, biết bao nhiêu con cái Chúa đến nhà thờ mỗi tuần, nhưng cũng chưa kinh nghiệm sự hiện diện và tương giao mật thiết với Chúa vì chưa chịu để dành thì giờ yên tĩnh tương giao với Chúa mỗi ngày. Chúa luôn có thì giờ cho mỗi người chúng ta, vì Ngài không hể nghủ. Ngài mong đợi những giây phút tương giao mật thiết với chúng ta. Hãy tập yên lặng, tìm kiếm Chúa trong sự cầu nguyện mỗi ngày, hãy lắng nghe tiếng Chúa Giê-xu phán cùng mình: (Giăng 7:37)(“Let anyone who is thirsty come to me and drink.) “Nếu người nào khát, hãy đến cùng ta mà uống.” Hãy tìm kiếm đến Chúa mà uống và được thỏa lòng!


-----------------

THIRST FOR GOD (Psalm 42:1-2)

December reminds us one of the greatest holidays of the year that is Christmas. Ironically, many people will celebrate Christmas every year without understanding its meaning. Many Christians will celebrate Christmas without experiencing a personal intimacy with Christ. How can one find this relationship? We must first understand that the God we worship is the God of intimacy. In the beginning, God created Adam and Eve in His image with a purpose to establish an eternal relationship with them. In the Old Testament, God revealed Himself and spoke to many as a friend. Even all have sinned, God sacrificed and sent His only Son to the world to re-establish the eternal relationship. To experience an intimate relationship with God, it begins with an intense desire to seek Him as a weary deer thirsts for water. Are you thirst for God? To meet God, we must often practice “solitude.” We must detune all the worldly noises to seek God in prayer. Prayer is not just about getting stuffs from God, but to enjoy His presence and seek deeper knowledge of His characters and wills. Meditate on how much God loves us. “Copy” Jesus Who always spent time with His Father while on earth. Practice self-discipline and re-prioritize daily schedule to make time for God. Will all the Christmas toys and gifts this year satisfy your soul? The real dilemma of the church is not the empty pews; but the people with empty heart? These hearts can only be filled with an intimate relationship with Jesus Who brings true peace and rest on earth. Do you have time for Jesus?