Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 34

Nếp Sống Thờ Phượng

KInh thánh: Cô-lô-se 3:12-17

Một câu hỏi quen thuộc nhưng đôi khi khó để trả lời đầy đủ? Một số người nghĩ thờ phượng là đi nhà thờ, là cầu nguyện, là hát, là đọc Kinh thánh, là dâng hiến, là phục vụ…Những điều trên đây là những phần quan trọng, không thể thiếu trong sự thờ phượng nhưng chưa đầy đủ!

Thờ phượng không phải là worship styles (những cách thờ phượng) nhưng là worship life style! Nếp sống thờ phượng! Điều nầy được thánh Phao-lô khẳng định trong thư Rô-ma 12:1-2 1 Vậy, hỡi anh em, tôi lấy sự thương xót của Đức Chúa Trời khuyên anh em dâng thân thể mình làm của lễ sống và thánh, đẹp lòng Đức Chúa Trời, ấy là sự thờ phượng phải lẽ của anh em. 2 Đừng làm theo đời nầy, nhưng hãy biến hóa bởi sự đổi mới của tâm thần mình, để thử cho biết ý muốn tốt lành, đẹp lòng và trọn vẹn của Đức Chúa Trời là thể nào.”

Trong các câu KT chúng ta vừa đọc trong Cô-lô-se 3:12-17, Phao-lô đưa ra một hình ảnh đầy đủ về sự thờ phượng ĐCT! Thờ phượng không chỉ là ngồi trong nhà thờ, không chỉ là hát ngợi khen Chúa, không chỉ là cầu nguyện, không chỉ là đọc Kinh thánh… Thờ phượng là một nếp sống!

Một cuộc đời thờ phượng ĐCT sống với những thái độ sau đây:

I-SỐNG THƯƠNG YÊU

1. Sống thương xót (C. Cl12,13)

“12 Vậy anh em là kẻ chọn lựa của Đức Chúa Trời, là người thánh và rất yêu dấu của Ngài, hãy có lòng thương xót. Hãy mặc lấy sự nhân từ, khiêm nhượng, mềm mại, nhịn nhục,

Trong 3 năm chức vụ của Chúa Giê-xu. Chúa đã sống bằng tình yêu thương: Ngài chữa lành người bệnh khi họ kêu cầu Ngài. Ngài khóc với những người tang chế: cô gái trẻ con của thầy đội, chàng trai trẻ ở Na-In, gia đình La-xa-rơ. Câu chuyện cao điểm nói về lòng thương xót và sự tha thứ của Chúa Giê-xu: người đàn bà phạm tội trong Giăng 8:10-11 Chúa nói “Hỡi đàn bà kia, những kẻ cáo ngươi ở đâu? Không ai định tội ngươi sao?  Người thưa rằng: Lạy Chúa, không ai hết. Đức Chúa Jêsus phán rằng: Ta cũng không định tội ngươi; hãy đi, đừng phạm tội nữa.” Tuyệt đỉnh của tấm gương yêu thương của Chúa được bày tỏ qua lời nói của Ngài dành cho những người đóng đinh Ngài tại thập tự giá “Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết mình làm điều gì.” (Lu-ca 23:14)

 

2. Sống tha thứ 13 nếu một người trong anh em có sự gì phàn nàn với kẻ khác, thì hãy nhường nhịn nhau và tha thứ nhau: như Chúa đã tha thứ anh em thể nào, thì anh em cũng phải tha thứ thể ấy.”

Người cầu nguyện xưng tội với Chúa mỗi ngày, người ấy kinh nghiệm sự tha thứ của Chúa nhiều. Người kinh nghiệm sự tha thứ của Chúa nhiều sẽ dễ tha thứ cho người khác! Một u nói vui về sự nhường nhịn! “Tôi nhịn không phải là tôi hiền mà là bạn chưa đủ tư cách làm phiền đến tôi.” Đây không phải là nhường nhịn mà là kiêu ngạo! Chúa muốn chúng ta thật sự tha thứ!

-Yêu thương là một mạng lệnh! “Nhưng trên hết mọi sự đó, phải mặc lấy lòng yêu thương, vì là dây liên lạc của sự trọn lành.” (C.Cl 14)

Nếu chúng ta không yêu thương thì tất cả những gì chúng ta làm đều trở nên vô nghĩa! Thánh Phao-lô giải thích điều nầy trong thư I Cô-rinh-tô 13:1-3 1 Dầu tôi nói được các thứ tiếng loài người và thiên sứ, nếu không có tình yêu thương, thì tôi chỉ như đồng kêu lên hay là chập chỏa vang tiếng. 2 Dầu tôi được ơn nói tiên tri, cùng biết đủ các sự mầu nhiệm và mọi sự hay biết; dầu tôi có cả đức tin đến nỗi dời núi được, 3 Dầu tôi phân phát gia tài để nuôi kẻ nghèo khó, lại bỏ thân mình để chịu đốt, song không có tình yêu thương, thì điều đó chẳng ích chi cho tôi.”  

 

II-SỐNG TÍCH CỰC

 

1. Sống hòa bình “Nguyền xin sự bình an của Đấng Christ cai trị trong lòng anh em, là bình an mà anh em đã được gọi đến đặng hiệp nên một thể.” (C. 3:15)

Động từ cai trị xuất phát từ ngôn ngữ của môn điền kinh: trọng tài. Phao-lô bảo chúng ta hãy để cho sự bình an của Chúa Cứu Thế cai trị làm trọng tài trong lòng chúng ta.

-Lòng chúng ta là trung tâm của những xung đột, tranh chấp vì ở đó cảm xúc và các và ham muốn xác thịt tranh chiến với nhau!

-Các nỗi sợ hãi và hi vọng!

-Tin cậy không tin cậy!

-Ghen tị và yêu thương!  

Phao-lô giải thích rằng chúng ta phải giải quyết các yếu tố xung đột ấy bằng cách để Chúa cai trị  tấm lòng, chọn lựa những điều làm phát triển sự bình an trong tâm hồn. Môt đời sống bình an sẽ sống hòa thuận với những người chung quanh. Một nếp sống hòa thuận với người chung quanh sẽ đưa đến sự hiệp một trong HT Pl. Hiệp một là điều quan trọng để phát triển HT.               

 

2. Sống biết ơn “Lại phải biết ơn” (3:15b): Đây cũng là một mạng lệnh! Nếp sống tích cực ấy là biết ơn Chúa và biết ơn người.  Người không nhớ ơn phước của Chúa ban trên cuộc đời mình và không nhớ ơn với người đã giúp mình thì đời sống mất phước và không thể thành công trên đường đời. Chúng ta cần bày tỏ hành động biết ơn Chúa qua nếp sống phục vụ Chúa, tích cực xây dựng HT. Biết ơn người qua lời khích lệ, cầu thay, nâng đỡ, giúp đỡ…

 

3. Có lời Đức Chúa Trời trong lòng “Nguyền xin lời của Đấng Christ ở đầy trong lòng anh em” (C.16). Động từ “đầy” (fill up) nói lên hình ảnh đổ đầy dầu chiếc bình dầu và dầu tràn ra ngoài! Hình ảnh trong TT 23 “Chúa xức dầu cho đầu tôi, Chén tôi đầy tràn” (my cup overflows). Chúa Giê-xu phán trong Lu-ca 6:45 “Người lành bởi lòng chứa điều thiện mà phát ra điều thiện, kẻ dữ bởi lòng chứa điều ác mà phát ra điều ác; vì do sự đầy dẫy trong lòng mà miệng nói ra.”  Khi lòng chúng ta đầy lời Chúa, chúng ta sẽ nói, sẽ phản ứng, sẽ giải quyết, sẽ quyết định… bằng lời Chúa!

Vì vậy, chúng ta cần đọc, học, suy gẫm, thuộc lời Kinh thánh. Khi lời Chúa đầy trong lòng chúng ta thì dấu hiệu là: chúng ta có sự khôn ngoan từ Trời, chúng ta và người có lời Chúa và chúng ta sẽ “dùng những ca vịnh, thơ thánh, bài hát thiêng liêng mà dạy và khuyên nhau, vì được đầy ơn Ngài nên hãy hết lòng hát khen Đức Chúa Trời.” Lúc nầy sự hướng dẫn, tôn vinh, ngợi khen, cảm tạ, sự dâng hiến, sụ phục vụ của chúng ta được ĐCT ban phước!                                                                                                                

 

III-SỐNG TRUNG TÍN

1. Sống như người đại diện cho Chúa Cứu Thế Giê-xu “Mặc dầu anh em nói hay làm, cũng phải nhân danh Đức Chúa Jêsus mà làm mọi điều, nhờ Ngài mà tạ ơn Đức Chúa Trời, là Đức Chúa Cha. (3:17).

Chúng ta rất khó chịu và không vui khi người khác nói xấu về  gia đình mình hoặc nói xấu về người Việt Nam.

Cũng vậy, chúng ta là con ĐCT, là đại sứ của nước Trời, là thây tế lễ nhà Vua…vì vậy, lời nói, cách sống phải để người chung quanh thấy và biết chúng ta là con Chúa. Chúa Giê-xu nói điều nầy trong Ma-thi-ơ 5: 13-16 “Các con muối của đất là sự sáng của thế gian”

Bí quyết trong C. 17 là “phải nhân danh Đức Chúa Giê-xu mà làm mọi điều” Có nghĩa là nhờ cậy sức Chúa, nhờ danh Chúavì danh Chúa! Xin Chúa giúp chúng ta trung tín sống như người đại diện Chúa!

 

KẾT LUẬN

Chúa Giê-xu không nói rõ, không dạy chi tiết những cách thờ phượng nhưng Ngài đã sống nếp sống thờ phượng!  “Hãy tôn Đức Giê-hô-va vinh hiển xứng đáng cho danh Ngài; Hãy mặc trang sức thánh mà thờ lạy Đức Giê-hô-va.” (TT  29:2) Câu Kinh thánh nầy nói lên đối tượng chúng ta thờ phượng là ĐCT và con người thờ phượng phải có nếp sống thờ phượng!

-Khi chúng ta sống thương yêu: Nói, làm việc, quan tâm, phục vụ bày tỏ tình thương đối với người quanh ta: chúng ta đang thờ phượng ĐCT!

-Khi chúng ta sống tích cực: mang lại sự hòa thuận! Sống biết ơn! Sống với lời Chúa: chúng ta đang thờ phượng ĐCT!

-Khi chúng ta trung tín đi tham dự các buổi nhóm. Hết lòng phục vụ Chúa.  Tích cực góp phần xây dựng HT: Chúng ta đang thờ phượng ĐCT!

Nếp sống của người thờ phượng là:

-Cầu nguyện thường xuyên.

-Đọc lời Chúa mỗi ngày.

-Nhận biết Chúa Giê-xu làm chủ trong đời sống mình.

-Đầu tư thời gian qua việc chăm sóc, giúp người khác lớn lên trong Chúa.

-Sốt sắng phục vụ Chúa và mạnh mẽ chia sẻ niềm tin.

-Mỗi ngày dùng lời nói, hành động nâng đỡ khích lệ người chung quanh.

 

Phao Lô kết luận, nếp sống thờ phượng là:

“Vậy, anh em hoặc ăn, hoặc uống, hay là làm sự chi khác, hãy vì sự vinh hiển Đức Chúa Trời mà làm.” (I Cô-rinh-tô 10:31)

 

Xin Chúa ban ơn và sức để chúng ta có thể sống nếp sống thờ phượng!

 

Mục sư Nguyễn Duy Trung

Bài giảng cho HT Chúa nhật 24//2/2013