Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 15

Nhân Từ Và Khiêm Nhượng Theo Gương Đấng Christ

Mục sư Lê Văn Thể

• Kinh Thánh: Phi-Líp 2: 1-11

• Câu gốc: "Hãy có đồng tâm tình như Đấng Christ đã có."

(Phi-líp 2: 5)

I. Thế nào là nhân từ và khiêm nhượng?

Định nghĩa:

1. Nhân từ: Đọc Kinh Thánh Phi-líp (5: 1, 2)

Nhân: là nhân đức, nhân ái, nhân nghĩa. Từ là từ tâm, hiền từ. Nhân từ theo nghĩa của Kinh Thánh là lòng thương xót, cảm thông, trắc ẩn, tha thứ dồi dào.

Trong Phi-líp (đoạn 2 câu 1 và 2) mà Sứ đồ Phao Lô gửi cho các thánh đồ, giám mục và chấp sự thành Phi-líp, chúng ta hãy để ý các nhóm từ sau đây:

Yên ủi, yêu thương, cứu giúp, thông công nơi Thánh Linh, yêu mến, thương xót, thì phải hiệp với nhau đồng tình, đồng tư tưởng.

Trong Kính Thánh Ma-thi-ơ có kể câu chuyện về lòng nhân từ của Chúa Jesus đối với người phụ nữ bị bắt quả tang về tội tà dâm, mọi người đều muốn ném đá để giết chết người phụ nữ kia. Nhưng Chúa Jesus đã nói gì? "Ai trong các ngươi là người vô tội, hãy trước nhất ném đá vào người! Nghe lời này, mọi người đều bỏ đi. Những người có tuổi đi trước." (Giăng 8:1-11).

Như vậy lòng nhân từ ở đây là gì? Chính là lời phán của Chúa Jesus trong câu 11b: "Ta cũng không định tội ngươi; hãy đi, đừng phạm tội nữa." Lòng nhân từ ở đây chính là sự tha thứ vì thương xót.

Thưa qúy con cái Chúa!

Con người thường có khuynh hướng lên án kẻ khác, "bới lông tìm vết" và thích ném đá, giấu tay, hay tấn công người mình không thích bởi nhiều lý do khác nhau. Có thể vì lòng tranh cạnh, ganh ghét, hay bất đồng ý kiến, cũng có thể vì những ý đồ không tốt đẹp hoặc tự ái cá nhân. Tình trạng tiêu cực đã và đang gây nên sự chia rẽ trong các Hội thánh Chúa ngày nay. Chính vì vậy mà Chúa Jesus đã phán:

"Các ngươi đừng đoán xét ai, để mình khỏi bị đoán xét. Vì các ngươi đoán xét người ta thể nào, thì họ cũng đoán xét lại thể ấy…Sao ngươi dòm thấy cái rác trong mắt anh em ngươi, mà chẳng thấy cây đà trong mắt mình…Hỡi kẻ giả hình, trước hết phải lấy cây đà khỏi mắt mình đi, rồi mới thấy rõ mà lấy cái rác ra khỏi mắt anh em mình được." (Ma-thi-ơ 7: 1-5)

Thay vì tìm kiếm một định nghĩa thích hợp cho hai chữ, "nhân từ," tôi xin mượn đoạn văn sau đây của mục sư Christian Le; đăng trên tạp chí Songdaoonline để chuyển tải ý nghĩa của sự "nhân từ":

"Anh chị em yêu dấu, "Đừng để bất cứ người nào đến với bạn mà ra đi không cảm thấy vui vẻ hơn, hạnh phúc hơn. Hãy để lòng tốt, lòng nhân từ của Thiên Chúa sống động, bày tỏ trên gương mặc rạng rỡ của bạn, nơi ánh mắt lung linh sáng ngời của bạn, trên đôi môi bung nở nụ cười của bạn, trong vòng tay chào đón ấm áp của bạn. Lòng tốt, lòng nhân từ chân thành luôn mãi sẽ giúp bạn gặt hái được nhiều kết quả trong đời. Như sự ấm áp của mặt trời có thể làm cho đá lạnh tan chảy, thì lòng tốt - lòng nhân từ của bạn có thể xua đuổi đánh tan bao hiểu lầm, nghi ngờ và ngay cả đắng cay, hận thù, và ganh ghét."

Nếu đọc xuyên suốt Kinh Thánh từ Cựu ước đến Tân ước, chúng ta thấy sự nhân từ của Đức Chúa Trời đối với con người không giới hạn. Tuy con người luôn cứng cỏi, quay lại với tình yêu và sự thương xót của Đức Chúa Trời, bằng chứng rõ ràng nhất là khi Đức Chúa Trời giải thoát dân của Ngài ra khỏi xứ nô lệ Ê-díp-tô, ban ngày Đức Chúa Trời dẫn dắt dân sự bằng trụ mây, ban đêm bằng trụ lửa. Khi đói, Ngài ban cho ma-na, chim cuốc. Khi khát Ngài ban cho nước uống giữa sa mạc khô cháy. Thế mà con người vẫn trách móc, và cãi lộn cùng Môi-se; thiếu đều họ muốn ném đá ông (Ê-díp-tô 17: 1-4). Thậm chí, còn đúc con bò bằng vàng rồi quỳ mọp xuống mà thờ lạy và dâng của lễ cho nó. "Hỡi Y-sơ-ra-ên! Đây là các thần đã dẫn ngươi lên khỏi xứ Ê-díp-tô. Đức Giê-hô-va cũng phán cùng Môi-se rằng: Ta đã xem thấy dân này, kìa là một dân cứng cổ." (Xuất Ê-díp-tô ký 13: 20- 22 và 32:1-8)

Lòng con loài người là vậy, nhưng Đức Chúa Trời không đối xử theo cách của thế gian, nhưng theo cách của Ngài:

"Dầu núi dời đồi chuyển, nhưng lòng nhân từ ta đối với ngươi chẳng dời khỏi ngươi, lời giao ước bình an của ta chẳng chuyển, Đức Giê-hô-va là Đấng thương xót ngươi, phán vậy."

Vào ngày Sa-bát, Đức Chúa Jesus đi qua giữa đồng lúa mì, các môn đồ đói, bức bông lúa mì mà ăn. Người Pha-ri-si thấy vậy bèn quở trách. " Kìa! Môn đồ thầy làm đều không nên trong ngày Sa-bát. Chúa Jesus bèn phán rằng: "Phải chi hiểu nghĩa câu này. Ta muốn lòng nhân từ chứ không muốn của lễ, thì các ngươi không trách những người vô tội, vì Con người là Chúa ngày Sa-bát" (Ma-thi-ơ 12: 7, 8)

Như vậy, nhân từ chính là lòng trắc ẩn, cảm thông, thương xót và tha thứ.

2. Khiêm nhượng (Câu 3)

Khiêm tức là khiêm nhu, khiêm tốn, mềm mại. Nhượng tức là nhường nhịn cho người khác về điều tốt, cái tốt. Khiêm nhường là thái độ từ tốn, lễ độ, nhận thấy mình không ra gì, và tôn trọng người khác hơn mình. Không khoe khoang, không ca tụng về mình, nhưng ca tụng về Đức Chúa Trời như tiên tri Ê-sai đã dạy dỗ:

"Vì chính Đức Giê-hô-va, chính Đức Giê-hô-va là sức mạnh của tôi, lời ca tụng của tôi; Ngài đã nên sự cứu rỗi tôi…Hãy xưng danh Ngài là tôn trọng! Hãy ca tụng Đức Giê-hô-va vì Ngài đã làm những công việc rực rỡ, nên phô cho thế gian đều biết." (Ê-sai 12: 3,4b,5).

Sứ đồ Phao Lô là một người có kiến thức uyên thâm từ khi chưa tin nhận Chúa. Khi ông tin Chúa rồi; trở nên vị sứ đồ đầy ơn Chúa và nhận biết rằng kiến thức của thế gian chỉ là rơm rác trước sự khôn ngoan của Đức Chúa Trời, nên ông đã tuyên bố:

"Chớ ai tự dối mình: nếu có ai trong vòng anh em tưởng rằng mình khôn ngoan theo cách đời này, hãy trở nên dại dột, để được nên khôn ngoan; vì sự khôn ngoan đời này trước mặt Đức Chúa Trời là sự dại dột…Vậy chớ ai khoe mình về loài người vì mọi sự đều thuộc về anh em."

Kinh Thánh Tân ước có chép câu chuyện về hai người con trai của Xê-bê-đê:

"Mẹ của hai con trai cùng các môn đồ lại gần Chúa Jesus mà thưa rằng: Xin cho hai con trai tôi đây ngồi đứa bên hữu, đứa bên tả Ngài. Đức Chúa Jesus đáp rằng: Các ngươi không hiểu đều mình xin…Trong các ngươi kẻ nào muốn làm lớn, thì sẽ làm đầy tớ các ngươi,còn kẻ nào muốn làm đầu thì sẽ làm tôi mọi các ngươi." ( Ma-thi-ơ 20: 20-27)

Trong (Ma-thi-ơ chương 18: 1-4) Chúa Jesus cũng dạy cho các môn đồ của Ngài về bài học khiêm nhường:

"Môn đồ lại gần Chúa Jesus mà hỏi rằng: Ai là lớn hơn hết trong nước thiên đàng? Đức Chúa Jesus gọi một đứa trẻ đến, để ở giữa môn đồ, mà phán rằng: Quả thật ta nói cùng các ngươi, nếu các ngươi không đổi lại mà trở nên như con trẻ, thì chẳng vào nước thiên đàng đâu. Vậy nếu ai trở nên khiêm nhường như đứa trẻ này, sẽ là lớn hơn hết trong nước thiên đàng." (Ma-thi-ơ 18: 1-4).

Điều này có nghĩa gì? Điều này Chúa Jesus muốn dạy dỗ về sự khiêm nhường cùng với đức tin của chúng ta. Nếu ai vỗ ngực tự hào rằng mình tin Chúa Jesus bằng lý trí, sự khôn ngoan của đời, bằng triết học, bằng luận lý học, bằng khoa học; xem Chúa Jesus như một nhà đạo đức giống như Khổng Tử, Lão Tử, Phật Thích Ca, hay các giáo chủ của đời này, thì nên xem xét lại đức tin của mình:

"Bởi vì ai tự nhắc mình lên thì sẽ phải hạ xuống, còn nếu ai tự hạ mình xuống, sẽ được nhắc lên." (Luca 14:11)

II .Nhân từ và khiêm nhượng theo gương Đấng Christ

1. Khiêm nhường theo gương Đấng Christ:

"Vậy anh em là kẻ mạnh, phải gánh vác sự yếu đuối cho những kẻ kém sức, chớ làm cho đẹp lòng mình. Mỗi người trong chúng ta nên làm đẹp lòng kẻ lân cận mình, đặng làm điều ích mà nên gương tốt. Vì Đấng Christ cũng không làm cho đẹp lòng mình…Xin Đức Chúa Trời hay nhịn nhục và yên ủi ban cho an hem được đồng lòng ở với nhau theo Đức Chúa Jesus Christ, để anh em lấy một lòng, một miệng mà ngợi khen Đức Chúa Trời là Cha của Đức Chúa Jesus Christ chúng ta." (Rô-ma 15: 1-6)

2. Phao Lô cảnh báo những người thiếu sự khiêm nhường và nhân từ:

"Tại họ không lo nhìn biết Đức Chúa Trời, nên Đức Chúa Trời đã phó họ theo lòng hư xấu, đặng phạm những sự chẳng xứng đáng. Họ đầy dẫy mọi sự không công bình, độc ác, tham lam, hung dữ, chan chứa những điều ghen ghét, giết người, cãi lẫy, dối trá, giận dữ, hay mách, gièm chê, chẳng tin kính, xấc xược, kiêu ngạo, khoe khoang, khôn khéo về sự làm dữ, không vâng lời cha mẹ, dại dột, trái lời giao ước, không có tình nghĩa tự nhiên, không có lòng thương xót. Dầu họ biết mạng lịnh Đức Chúa Trời tỏ ra những người phạm các tội dường ấy là đáng chết, thế mà chẳng những họ tự làm thôi đâu, lại còn ưng thuận cho kẻ khác phạm đều ấy nữa…Hỡi những người đoán xét kẻ phạm những việc dường ấy, mà mình cũng phạm kia, vậy ngươi tưởng rằng chính mình ngươi sẽ tránh khỏi sự đoán xét của Đức Chúa Trời sao? Hay là ngươi khinh dễ sự dư dật của lòng nhân từ, nhịn nhục, khoan dung Ngài, mà không nhận biết lòng nhân từ của Đức Chúa Trời đem ngươi đến sự ăn năn sao? Bởi lòng ngươi cứng cỏi, không ăn năn, tự chấp chứa cho mình sự giận về ngày thạnh nộ, khi sẽ hiện ra sự phán xét công bình của Đức Chúa Trời." (Rô-ma 1: 28-32; 2: 3-5)

III. Kết luận:

Con dân Chúa phải mặc lấy sự nhân từ và khiêm nhượng. (Câu 9, 10, 11) Chúng ta không nên ỷ lại sự nhân từ của Ngài; mà cứ tiếp tục bước đi trong sự sai trật, bởi vì sự cứng cỏi và lòng kiêu hãnh; hụp lặn trong vũng bùn tội lỗi. Chúng ta không thể mặc chiếc áo Cơ đốc nhân mà lại sống trong thái độ hận thù, lòng đầy mưu kế để hành hại anh em mình; gây cho họ thương thích cùng với sự đau đớn. Hãy chú ý lắng nghe lời cảnh báo của Kinh Thánh:

"Vì những kẻ làm ác sẽ bị diệt

Còn kẻ nào trông đợi Đức Giê-hô-va sẽ được đất làm cơ nghiệp.

Kẻ ác đã rút gươm và dương cung mình

Đặng đánh đổ người khốn cùng và thiếu thốn

Đặng giết người đi theo sự ngay thẳng

Gươm chúng nó sẽ đâm vào lòng chúng nó

Và cung chúng nó sẽ bị gãy."

(Thi Thiên 37: 9, 14, 15)

Qua nhiều năm tháng nghiền ngẫm để tìm hiểu lý do tại sao Hội Thánh Chúa ngày nay bị èo ọp không tăng trưởng. Tôi tìm thấy hai nguyên nhân chủ yếu đó là: Vị mục sư hay truyền đạo giảng cốt để ru ngủ và làm êm tai người nghe, chứ không phải làm đẹp lòng Đức Chúa Trời bằng " Lời của Lẽ Thật." Vị mục sư muốn nhìn thấy con cái Chúa cười và vỗ tay tán dương; hơn là để Chúa tán thưởng: "Hỡi đầy tớ ngay lành trung tín của Ta, hãy đến đây nhận mão triều vinh hiển." Một lý do khác nữa, là con cái Chúa thiếu Lời Chúa, không được học hỏi trang bị đến nơi đến chốn. Đi nhà thờ mười năm hay hơn thế nữa Lời Chúa vẫn trống không. Chính vì lẽ đó, đức tin con cái Chúa lung lay trước những tà giáo, và đạo lạc. Không biết chắc vào niềm tin kính của mình; không tôn thờ chỉ một mình Đức Chúa Trời mà thờ đủ các thứ thần tượng. Đó là những nguyên nhân chính tạo nên những Cơ đốc nhân đau khổ, hôn nhân và gia đình tan vỡ, Hội Thánh trì trệ, ma quỷ có nhiều kẻ hở để tấn công.

Nguyện xin Lời của Chúa hôm nay nhắc nhở mỗi đời sống cần phải cảnh tỉnh, ăn năn và xin Chúa tha thứ cùng với sự đổi mới tâm linh. Có một quyết tâm như vậy, thì Hội Thánh Hy Vọng mới có một ngày phục hưng thực sự trong ơn thương xót của Đức Chúa Trời. Amen!