Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 6

Từ Bỏ Bản Ngã

Galati 5:16

Vào thế kỷ thứ IV, tại thành Antioche, có một người tên là Jean, nổi tiếng khôn ngoan và có tài giảng thuyết nên được mệnh danh là Chrysostome, có nghĩa là Kim khẩu (Cái miệng vàng). Mọi người cũng rất khâm phục cái tâm chí vững vàng và tư cách đạo đức của Jean. Cũng bởi tính tình cương trực và tiếng tăm vang dội của ông đã khiến cho vị hoàng đế ở Constantinople có ác cảm. Jean Chrysostome thường hay khuyên can và chỉ trích những sai trật của nhà Vua. Hoàng đế Arcadius căm tức nên cố tìm phương thế để trả thù cho hả giận. Các triều thần cũng muốn trừ khử Jean nên hiến kế với nhà Vua rằng : "Hãy đày hắn vào trong sa mạc Thébaide hoang vu để không còn ai nghe được tiếng của hắn nữa!" _ Người khác lại nói : "Hãy tịch biên hết sản nghiệp của hắn, để hắn phải chịu cảnh nghèo đói, xem có còn ‘khua môi, múa mép’ được nữa không?" _ Người nữa thì góp ý: "Bệ hạ há chẳng có quyền sinh sát đó sao? Xin hãy ra lệnh, lập tức đầu của nó sẽ rời khỏi cổ." Tất cả những ý kiến nêu ra đều không được ổn cho lắm! Bởi vì, nhà vua cũng rất lo ngại phản ứng của toàn dân. Cuối cùng, một viên cận thần ra dáng mưu sĩ đến bên vua Arcadius mà tâu rằng : "Từ nãy đến giờ, hạ thần nghe các quan hiến kế đều sai lầm… vì không biết rõ con người của Jean._ Đem đày vào sa mạc chăng? Nhưng đày làm sao cho người ấy xa cách Đức Chúa Trời của hắn được!_ Tịch biên hết sản nghiệp chăng? Chính ông ta đã đem hết của cải mà phân phát cho người nghèo từ lâu rồi…_ Giam vào ngục tối chăng? Làm vậy tức là giúp cho hắn có nhiều thì giờ yên tĩnh để cầu nguyện._ Còn nếu tử hình ư? Có nghĩa là chúng ta mở cửa Thiên đàng sớm cho hắn mà thôi!.." Hạ thần xin hiến một kế rất thần hiệu : "Hãy bắt ép nó phạm tội… Vì đó chính là hình phạt đau đớn nhất dành cho nó."

Điều đáng sợ nhất của một Thánh đồ chính là phạm tội. Bởi vì, tội lỗi khiến chúng ta phải xa cách Thiên Chúa, đánh mất sự bình an đích thực trong tâm hồn. Ma quỷ luôn luôn rình rập, tìm mọi mưu chước để dọa dẫm, dỗ dành, cám dỗ… bằng cách khơi dậy những "điều ưa muốn của xác thịt" những dục vọng đang ẩn nấp hay đang ngủ yên trong tâm thức của mỗi con người. Chỉ với mục đích là khiến chúng ta phạm tội.

Vì thế, sứ đồ Phao-lô đã kêu gọi : "Hãy bước đi theo Thánh Linh, chớ hề làm trọn những điều ưa muốn của xác thịt." (Galati 5:16)

Để đáp ứng lời kêu gọi này, trước hết, chúng ta phải chấp nhận ‘từ bỏ bản ngã’ của mình.

I. Bản ngã là gì?

Bản ngã là bản chất bẩm sinh xu hướng về dục vọng, là bản năng tự nhiên với những đòi hỏi, khát vọng trong vô thức nơi mỗi con người.

Vua Đa vít đã nhìn nhận bản chất thật của mình : "Kìa, tôi sanh ra trong sự gian ác, Mẹ tôi đã hoài thai tôi trong tội lỗi." (Thi 51:5) Còn Sứ đồ Phaolô thì than thở : "Vả, tôi biết điều lành chẳng ở trong tôi đâu, nghĩa là trong xác thịt tôi, bởi tôi có ý muốn làm điều lành, nhưng không có quyền làm trọn; vì tôi không làm điều lành mình muốn, nhưng làm điều dữ mình không muốn. Ví bằng tôi làm điều mình không muốn, ấy chẳng phải là tôi làm điều đó nữa, nhưng là tội lỗi ở trong tôi vậy." (Rom 7:18-20)

II. Thế nào là Từ bỏ Bản ngã?

1/ Là Dâng mình cho Thiên Chúa.

"Chớ nộp chi thể mình cho tội lỗi, như là đồ dùng gian ác, nhưng hãy phó chính mình anh em cho Đức Chúa Trời, dường như đã chết mà nay trở nên sống, và dâng chi thể mình cho Đức Chúa Trời như là đồ dùng về sự công bình." (Rom 6:13)

Trong bản ngã xác thịt, con người thường tạo nên oán thù thay vì đem lại yêu thương, thích lăng nhục người khác hơn là mở lòng tha thứ, ưa gây sự tranh cạnh hơn là đem lại mối giải hòa, hay gieo nỗi nghi ngờ thay vì tạo lập niềm tin…

Vì thế, khi dâng hiến cuộc đời để phụng sự Thiên Chúa, thánh Francis of Assisi vẫn luôn cầu nguyện :

"Lạy Chúa, xin hãy dùng con như khí cụ bình an của Chúa. Ðể con đem yêu thương vào nơi oán thù, Ðem thứ tha vào nơi lăng nhục, Ðem an hoà vào nơi tranh chấp, Ðem chân lý vào chốn lỗi lầm. Ðể con đem tin kính vào nơi nghi nan, chiếu trông cậy vào nơi thất vọng, Ðể con dọi ánh sáng vào nơi tối tăm, đem niềm vui đến chốn u sầu…."

2/ Là Từ bỏ nếp sống cũ

"Nhưng bây giờ anh em nên trừ bỏ hết mọi sự đó, tức là sự thạnh nộ, buồn giận và hung ác. Đừng nói hành ai, chớ có một lời tục tỉu nào ra từ miệng anh em. Chớ nói dối nhau, vì đã lột bỏ người cũ cùng công việc nó, mà mặc lấy người mới là người đang đổi ra mới theo hình tượng Đấng dựng nên người ấy, đặng đạt đến sự hiểu biết đầy trọn." (Col 3:8-10)

a. Lột bỏ : Là đoạn tuyệt không chút vấn vương. Với tất cả ý nguyện, hãy đem nộp Bản ngã (cái tôi) vốn là nguyên nhân gây ra bao ‘rắc rối’ trong cuộc đời. Đóng đinh vào Thập tự giá là phương pháp giải thoát duy nhất. Hãy nghe Sứ đồ Phao lô mạnh mẽ tuyên bố : "Tôi đã bị đóng đinh với Christ trên Thập tự giá." (Galati 2:20) Dĩ nhiên, Phao lô đang xác quyết bởi đức tin của mình.

b. Mặc lấy : Là quyết tâm thay đổi trọn vẹn theo chiều hướng tích cực, bằng những động thái thiết thực. Sứ đồ Phierơ đã dùng cụm từ ‘gắng hết sức…’ để mời gọi chúng ta nỗ lực hợp tác với Thiên Chúa trong tiến trình hoàn thiện phẩm chất Cơ đốc của mình : "Vậy nên, về phần anh em, phải gắng hết sức thêm cho đức tin mình sự nhân đức, thêm cho nhân đức sự học thức..." (II Phie 1:5)

III. Lý do từ bỏ Bản ngã?

1/ Bản ngã khiến con người xu hướng theo dục vọng

"Vì mọi sự trong thế gian, như sự mê tham của xác thịt, mê tham của mắt, và sự kiêu ngạo của đời, đều chẳng từ Cha mà đến, nhưng từ thế gian mà ra." (I Gi 2:16)

Ngay từ buổi sáng thế, ma quỷ đã cám dỗ Adam và Eva xu hướng theo tư dục. Ngày nay, ma quỷ thường khơi dậy những ‘Thất tình, lục dục’ trong mỗi con người.

Theo quan niệm của Đông phương thì Thất tình bao gồm bảy trạng thái cảm xúc luôn khuấy động tâm trí chúng ta không hề ngơi nghỉ. Đó là : Vui mừng, nóng giận, đau khổ, lo sợ, yêu thương, ghen ghét, khát khao…

Lục dục là những sự ham muốn xuất phát từ sáu giác quan của con người : Mắt ngó thấy sắc đẹp thì lòng dục dấy lên. Tai thì thích nghe những lời nịnh hót, nghe điều phi lễ… Mũi thì ưa ngửi hương thơm, hơi ngọt khiến lòng thèm khát. Lưỡi thì ưa nếm vật lạ món ngon, buông lời cợt nhả… Thân thì thích hưởng thụ, ham muốn khoái lạc. Ý lại thường tơ tưởng vẩn vơ. Ao ước sự nầy sang sự nọ…

Vì thế, Sứ đồ Phao lô đã kêu gọi : "Vậy, hỡi anh em, tôi lấy sự thương xót của Đức Chúa Trời khuyên anh em dâng thân thể mình làm của lễ sống và thánh, đẹp lòng Đức Chúa Trời, ấy là sự thờ phượng phải lẽ của anh em." (Rom 12:1)

2/ Là Điều kiện để theo Chúa Jesus

"Nếu ai muốn theo ta, phải tự bỏ mình đi, mỗi ngày vác thập tự giá mình mà theo ta." (Luc 9:23)

Nếu thật sự muốn bước đi theo Chúa Jesus, chúng ta cần phải ‘từ bỏ chính mình’, chấp nhận ‘chết’ mỗi ngày. Sứ đồ Phao lô nhắc nhở : "Vả, những kẻ thuộc về Đức Chúa Jêsus Christ đã đóng đinh xác thịt với tình dục và dâm dục mình trên thập tư giá rồi." (Galati 5:24) Trước những thử thách và cám dỗ, chúng ta cần phải khẳng định dứt khoát rằng : ‘Tôi đã thuộc về Chúa Jesus’.

IV. Phương cách để từ bỏ Bản ngã.

1/ Phải Nghiêm khắc với bản thân.

"Song tôi đãi thân thể tôi cách nghiêm khắc, bắt nó phải phục, e rằng sau khi tôi đã giảng dạy kẻ khác, mà chính mình phải bị bỏ chăng." (I Cor 9:27)

Danh ngôn : "Mọi sự dễ dãi đều dẫn đến thất bại. Dễ dãi với người thì bạn thất bại một, dễ dãi với bản thân bạn sẽ thất bại suốt đời." (Hiroshi Yamauchi)

Một học giả lỗi lạc thời đại nhà Tống của Trung Quốc thường xuyên nhắc nhở các con của mình: "Dù là kẻ ngu dốt nhất, người ấy cũng có thể hết sức sáng suốt khi quở trách người khác. Còn người thông minh cực kỳ cũng có thể vô cùng hồ đồ trong lúc tự tha thứ cho lỗi lầm của bản thân mình. Vì vậy, nếu các con có thể tự xét tìm những lỗi lầm của bản thân như khi phán xét lỗi lầm của người khác, và khoan dung cho người khác như khi tha thứ cho chính bản thân mình, thì các con chắc chắn có thể trở thành bậc Thánh hiền". ( Phạm Thuần Nhân)

Để đạt thành tích cao trên đấu trường, các vận động viên buộc phải tuân thủ một chế độ dinh dưỡng và tập luyện rất nghiêm ngặt. Chúng ta là những vận động viên trên đường đua thuộc linh thì càng phải nghiêm khắc với bản thân hơn bội phần, vì phần thưởng mà chúng ta sẽ lãnh nhận là ‘Vòng nguyệt quế’ giá trị vĩnh hằng.

2/ Phải Kể như mình đã chết.

"Tôi đã bị đóng đinh vào thập tự giá với Đấng Christ, mà tôi sống, không phải là tôi sống nữa, nhưng Đấng Christ sống trong tôi; nay tôi còn sống trong xác thịt, ấy là tôi sống trong đức tin của Con Đức Chúa Trời, là Đấng đã yêu tôi, và đã phó chính mình Ngài vì tôi" (Galati 2:20)

Chúng ta đã từng cam kết đồng chết và đồng chôn con người cũ với Chúa Jesus qua nghi lễ Báp têm. Trong hiện tại, đối với chúng ta Sống có nghĩa là ‘Kể như mình đã chết’. Chết bản ngã xác thịt yếu đuối, chết những khuynh hướng xấu xa, chết những đam mê tội lỗi, chết những ích kỷ, hận thù. Cuộc sống hôm nay, đối với chúng ta cũng là một cuộc mai táng liên lỉ.

Để từ bỏ bản ngã, bước đi theo Thánh Linh, hãy đặt mình trong sự dẫn dắt của Ngài. Hãy dâng thì giờ cho Chúa bằng việc suy gẫm và thực thi Lời Chúa. Hãy duy trì mối hiệp thông với Ngài luôn luôn.

Sứ đồ Giăng nhắc nhở rằng : "Ai ở trong Ngài thì không phạm tội…" (I Gi 3:6)

Mọi phước hạnh từ Thiên thượng sẽ luôn dành sẵn cho những ai chấp nhận ‘từ bỏ bản ngã’ để hoàn toàn thuộc về Chúa, ở trong Ngài và sống cho Ngài. Amen