Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 20

Phẩm Cách Người Hầu Việc Đức Chúa Trời

Ms Lê Văn Thể

• Kinh Thánh: I Timôthê 3: 1-13

• Câu gốc: "Hãy chuyên tâm cho được đẹp lòng Đức Chúa Trời như người làm công không chỗ trách được, lấy lòng ngay thẳng giảng dạy lời của lẽ thật." (2 Timôthê 2: 15)

I. Chân Dung Đích Thực Của Người Lãnh Đạo Thuộc Linh

1. Định nghĩa:

Theo J. Oswald Sanders cho rằng những người lãnh đạo thường là khan hiếm. Mọi nhóm người đang tìm kiếm họ. Suốt cả Kinh Thánh, Đức Chúa Trời cũng tìm kiếm những nhà lãnh đạo. "Đức Giê-hô-va đã chọn lấy cho mình một người theo lòng Ngài, đặt người ấy làm trưởng của dân sự Ngài." (I Sa-mu-ên 13:14). "Hãy đi dạo các đường phố Giê-ru-sa-lem, và nhìn xem. Hãy dò hỏi tìm kiếm nơi các chợ, thử có mấy người chăng. Nếu có một người làm sự công bình, tìm sự trung tín, thì ta sẽ tha thứ cho thành ấy." (Giê-rê-mi 5:1) "Ta đã tìm được một người trong vòng chúng nó, đặng xây lại tường thành." Như vậy, để có một người lãnh đạo trong Hội Thánh, người đó phải được Đức Chúa Trời chọn lựa; đòi hỏi phải có sức mạnh và đức tin cao hơn người thường. Nhà truyền đạo Methodist (Giám Lý) ở Anh Quốc, ông William Sangster đã than thở, "Hội Thánh đang thiết tha cần có những người lãnh đạo. Tôi chờ đợi để nghe một tiếng nói, nhưng không có một âm thanh nào cả. Tôi muốn lắng nghe hơn là nói lên_ Nhưng không có âm vang thúc giục nào để tôi lắng nghe." Nếu thế giới đang cần lắng nghe tiếng nói của Hội Thánh nay, thì Hội Thánh cần có những nhà lãnh đạo có thẩm quyền, phải thiêng liêng và phải biết hy sinh. Có thẩm quyền vì người ta mong muốn nhà lãnh đạo phải biết mình đi đâu, và phải tin rằng mình có thể đi đến đó được. Phải thiêng liêng vì nếu không có mối tương giao mạnh mẽ với Đức Chúa Trời, thì dù là người hấp dẫn nhất, có khả năng nhất vẫn không thể nào dẫn dân sự của Đức Chúa Trời đến cùng với Ngài được. Hội Thánh sẽ mạnh mẽ, phát triển mọi mặt khi họ được dẫn dắt bởi những nhà lãnh đạo thuộc linh, mạnh mẽ, với sự đụng chạm của quyền năng siêu việt toả sáng trong sự phục vụ Chúa của họ. Hội Thánh sẽ chìm đắm vào sự tối tăm, rối rắm và bệnh hoạn nếu không có một người lãnh đạo đầy ơn Chúa. (1)

Nếu một người lãnh đạo Hội Thánh mà không được sự kêu gọi của Đức Chúa Trời, chỉ đến từ tham muốn cá nhân thì người ấy không những chọn cho mình "lửa điạ ngục," mà còn dắt đưa cả gia đình và hội chúng bước đi trên bờ vực thẳm!

2. Yêu Cầu Cần Có Của Người Lãnh Đạo Thuộc Linh:

a. Khải tượng: Khải tượng có thể xem như những giấc mơ, điều khao khát và cá nhân người lãnh đạo nhìn thấy rõ con đường mà mình phải bước tới. Người lãnh đạo không có khải tượng thì Hội Thánh sẽ lúng túng, không biết phương hướng là đâu. Vậy khải tượng của Hội Thánh của chúng ta là gi? Tôi xin được chia sẻ cho quý vị biết để biến khái tượng này trở thành khải tượng chung cho Hội Thánh chúng ta._ Là một Hội Thánh Yêu Thương, Hiệp Một và Tăng Trưởng (Trong vòng 3-5 năm. Hội Thánh sẽ có số thành viên nhóm lại từ 100- 150 người). Khải tượng của Hội Thánh chúng ta: Sẽ đứng ra tổ chức Đêm Ca Nhạc Truyền Giảng Giáng Sinh 2013. Phúc Âm sẽ được giảng ra cho nhiều người ngoại chưa biết Chúa. Nhiều đầu gối sẽ quỳ xuống tiếp nhận Ngài. Khải tượng này đang sắp trở thành sự thật vào ngày 21/ 12/ 2013 tới đây. Khải tượng của Hội Thánh là một nhóm nhỏ Trung Tráng Niên nòng cốt, được trang bị lời Chúa vững vàng, cùng những kiến thức, phương pháp, kinh nghiệm để trở thành người hầu việc Chúa. Khải tượng này đã hình thành gần hai tháng trôi qua đầy ơn phước Chúa. Khải tượng của chúng ta là tất cả các con cái Chúa được học và hiểu lời Chúa đến nơi đến chốn; để đức tin được lớn lên, sẵn sàng phục vụ Chúa; và nhất là trung tín với Ngài trong mọi sự; không bị lung lay bởi sự quậy phá hay cám đỗ đánh phá của ma quỉ và những tay sai của nó. Khải tượng này đã và đang bắt đầu khi tôi đã kêu gọi mọi con dân Chúa đọc và suy gẫm 21 chương sách Giăng từ nay cho đến giữa tháng 12/ 2013. Đây là khởi điểm cho chiến dịch học hỏi và suy gẫm lời Chúa cách sâu nhiệm, bài bản, đem lại kết quả bắt đầu từ hôm nay. Khải tượng của Hội Thánh chúng ta là hầu hết những con cái Chúa già yếu, bệnh tật, neo đơn, gặp phải những nan đề giữa vợ chồng, con cái.v.v… được thăm viếng, an uỉ, khích lệ bằng sự thăm viếng, cầu nguyện trực tiếp hoặc điện thoại để liên lạc; nhằm giúp cho con cái Chúa cảm thấy ấm lòng trong tình yêu của Cứu Chúa Jesus; để có thể vượt qua những nghịch cảnh của đời thường cũng như sự cô đơn quạnh quẻ khi tuổi già xế bóng, nơi đất khách quê người. Khải tượng này đã và đang thực hiện và sẽ tiếp tục đẩy mạnh trong những ngày sắp đến. Hội Thánh đã có được nhiều niềm vui và khích lệ. (Tôi cảm ơn quý con cái Chúa đã nhiệt tình giúp tôi lái xe và cùng đi thăm viếng con cái Chúa trong những ngày đầu mới đến đây). Tôi kêu gọi Ban Chứng đạo, Thăm viếng, Chăm sóc hãy tích cực và tiếp tục làm điều này vì nó cần thiết và ích lợi cho công việc Chúa. Khải tượng của tôi là những bài chia sẻ của những ngày Chúa Nhật ở Hội Thánh chúng ta, và những văn phẩm viết về Chúa, những lời chứng sống động về tình yêu thương của Ngài được đăng tải trên các trang mạng Tin Lành; nhằm đem Phúc Âm cho nhiều người, ấn chứng sự thực hữu cho một Chúa Jesus hôm qua, ngày nay và đời đời không hề thay đổi. Khải tượng này đã thành hiện thực và vô cùng được phước bởi vì nó đem lại sự khích lệ, giúp cho tín hữu thêm vững vàng đức tin, thúc giục sự nóng cháy cho hàng nghìn người đoc trong việc thực hiện Đại Mạng Lệnh của Chúa Jesus (Mathiơ 28: 19). Quý vị có thể vào xem các trang webs: (VNsalvation.com; Vietchristian.com; TinChuaJesusblogspot.com; và SongDaoonline. com).

b. Sứ mạng: Được Chúa sai phái đến đây, tôi mang lấy trọng trách của một người hầu việc Ngài với những công tác chủ yếu sau đây:

• Trước hết Hội Thánh phải có tình yêu thương sâu sắc, luôn quan tâm chăm sóc và cầu nguyện cho nhau, nâng đỡ những kẻ yếu đuối, ngã lòng, kém đức tin.

• Giúp cho Hội Thánh nhận rõ vai trò, trách nhiệm của mình đối với người hư mất.

• Tất cả mọi con cái Chúa đều bình đẳng. Công tác tổ chức, điều hành của Hội Thánh phải mang tính thuộc linh.

• Những người trong hội đồng lãnh đạo Hội Thánh phải luôn nhờ cậy Chúa, tìm cầu sự dẫn của Đức Thánh Linh, đối xử với mọi người trong sự công bình, nhân ái, kính trọng và yêu thương.

• Tìm kiếm những con chiên đi lạc trở về với Hội Thánh Chúa.

• Trang bị lời Chúa cho Hội Thánh cách sâu nhiệm; và giúp cho con cái Chúa sốt sắng làm chứng cho người chưa biết Chúa.

• Huấn luyện và đào tạo nhân sự trở thành những người hầu việc Chúa.

• Làm cho Hội Thánh lớn lên về mọi phương diện và mỗi ngày Chúa cứu thêm người vào Hội Thánh.

c. Các Nguyên Tắc Để Trở Thành Lgười lãnh Đạo Thuộc Linh:

• Sự kêu gọi thiên thượng: Nếu chức vụ không đến từ Chúa, thì mọi cố gắng của con người sẽ trở nên vô ích. Các đầy tớ Chúa như Môi-se, A-rôn, Giô-suê, Sau-lơ, Đa-vít, Ma-thi-ơ, Phi-e-rơ, Giăng, Phao Lô.v.v… đều nhận được sự kêu gọi từ nơi Chúa.

• Uy quyền thuộc linh: Ngày nay trong các nước dân chủ tây phương, uy quyền lãnh đạo bị giảm sút bởi vì quyền tự do cá nhân được đề cao, và trong Hội Thánh cũng bị ảnh hưởng. Một khi Hội Thánh đặt tay cầu nguyện bổ chức cho một Truyền đạo, hay một vị mục sư có nghĩa là Hội Thánh đó cầu xin Chúa xức dầu và ban uy quyền lãnh đạo cho đầy tớ Chúa đó, có đủ thẩm quyền lãnh đạo Hội Thánh đúng theo mục đích của Đức Chúa Trời. Điều này cũng có nghĩa là Hội Thánh đã trao phó thẩm quyền lãnh đạo thuộc linh cho tôi tớ Chúa.

Châm ngôn 29:2 chép: "Khi người công bình thêm nhiều lên, thì dân sự vui mừng. Nhưng khi kẻ ác cai trị, dân sự lại rên siếc." Tuy nhiên, đôi khi lại có người không chịu thừa nhận sự thật này, bởi vì hoặc là thiếu hiểu biết, hoặc vì bản tính con người là tội lỗi. Đa-vít đã xác nhận trong (Thi Thiên 51:5): "Kìa, tôi sinh ra trong sự gian ác. Mẹ tôi đã hoài thai tôi trong tội lỗi." Cảm tạ ơn Chúa, chúng ta được nhắc nhở qua những câu Kinh Thánh được chép trong Ê-phê-sô 2: 1-3 (bản diễn ý) như sau:

"Trước kia tâm linh anh em đã chết vì tội lỗi gian ác. Anh em theo nếp sống xấu xa của người đời, vâng phục Satan, bạo Chúa của đế quốc không gian, hiện đang hoạt động trong lòng người, chống nghịch Thượng Đế. Tất cả chúng ta một thời đã sống sa đoạ như thế, chiều chuộng ham muốn của xác thịt và ý tưởng gian ác của mình. Vì bản tính tội lỗi đó, chúng ta đáng bị Thượng Đế hình phạt như bao nhiêu người khác."

Bản tính của loài người vốn là phản loạn. Họ thường hướng đến "cái tôi" của chính mình, chứ không phải hướng đến uy quyền của đạo đức. Khi chúng ta là con cái Chúa được tái sinh, được mặc lấy bản tính mới từ Đức Chúa Trời, chúng ta biết hướng về Ngài. Đừng để cái cũ xấu xa thắng nếp sống mới thiện lành theo tiêu chuẩn của Chúa chúng ta. Điều này Phao Lô cũng đã dạy dỗ Timôthê: "Chúa biết người thuộc về Ngài và người kêu cầu danh Chúa phải tránh điều ác… Hãy hợp tác với người có lòng trong sạch, tin kính Chúa để theo đòi sự công chính, đức tin, yêu thương và bình an." (2Ti-mô-thê 2:19-22)

• Tôn vinh Đức Chúa Trời: "Các con là muối của đất, ánh sáng của thế gian… soi sáng cho mọi người để người ta thấy việc làm tốt đẹp của các con và ca ngợi Cha các con trên trời." (Mathiơ 5: 16-18)

• Sống gương mẫu: (I Timôthê 3: 1-7)

Câu chuyện kể có vị mục sư lớn tuổi một ngày nọ nói với thầy truyền đạo phụ tá tập sự:

- Hôm nay chúng ta đi ra ngoài giảng đạo nhé!

Rồi hai người cùng đi dạo quanh khắp phố phường. Bỗng vị mục sư lên tiếng:

- Bây giờ chúng ta hãy về!

Thầy truyền đạo ngơ ngác hỏi:

- Ủa thưa mục sư, chúng ta chưa giảng gì hết cơ mà!

Vị mục sư ôn tồn mỉm cười trả lời:

- Chúng ta đã giảng xong bằng sự nghiêm trang, tề chỉnh cũng như sự thân thiện chào họi mọi người. Bài giảng tốt nhất cho người hầu việc Chúa là tấm gương trong nếp sống đạo mỗi ngày. (2)

• Phải chịu khổ: "Các ngươi có uống được chén ta uống và chịu được phép báp-tem ta chịu chăng?" (Mác 10: 38)

• Phải vác thập tự cùng đi với Chúa:

"Ai không vác cây thập tự mình mà theo ta thì cũng chẳng đáng cho ta." (Mathiơ 10:38)

Hai con trai của Xê-bê-đê là Giăng và Gia Cơ mong muốn vinh quang, chứ không phải chén khổ nhục, mão triều chứ không phải thập tự giá, vai trò của người chủ, chứ không phải là tôi tớ của Đức Chúa Trời.

• Lãnh đạo trong tình thần tôi tớ:

Một người lãnh đạo trong tình thần tôi tớ là nhận biết Đức Chúa Jesus Christ là cứu Chúa của cá nhân mình, tận tâm phục vụ với tấm lòng của một đầy tớ Đức Chúa Trời nhằm tôn vinh Ngài. Hãy suy gẫm sự dạy dỗ sau đây của

"…nhưng ta ở giữa các ngươi như kẻ hầu việc vậy." (Luca 22: 27). Một người lãnh đạo trong tình thần tôi tớ là luôn quan tâm đến hạnh phúc của người khác, không phải vì sự an nhàn hay thanh danh của riêng mình, mà thường tìm mọi cơ hội để giúp đỡ người khác. (3)

• Khiêm nhường: Chúa Jesus đã tự bỏ mình đi (Phi Líp 2: 7) chép rằng: "Chính Ngài đã tự bỏ mình đi, lấy hình tôi tớ và trở nên giống như loài người. Ngài đã hiện ra như một người, tự hạ mình xuống, vâng phục cho đến chết, thậm chí chết trên cây thập tự." Khi chúng ta lột bỏ cái tôi của mình thì lúc đó Đức Thánh Linh sẽ sử dụng chúng ta.

• Nhân từ, yêu thương theo gương Đấng Christ:

"Vậy nếu trong Đấng Christ có điều yên ủi nào, nếu vì lòng yêu thương có điều cứu giúp nào, nếu có sự thông công nơi Thánh Linh, nếu có lòng yêu mến và lòng thương xót, thì anh em hãy hiệp ý với nhau, đồng tình yêu thương, đồng tâm, đồng tư tưởng mà làm cho vui mừng trọn vẹn. Chớ làm sự chi vì lòng tranh cạnh hoặc vì hư vinh; hãy khiêm nhường, coi người khác như tôn trọng hơn mình. Mỗi người trong anh em chớ chăm lợi riêng mình, nhưng phải chăm về lợi kẻ khác nữa."

Đầy tớ Chúa không lấy mình làm trung tâm của mọi vấn đề, không khoa trương, cường điệu và dường như sống cuộc đời gần như yên lặng. "Ngươi sẽ chẳng kêu la, chẳng lên tiếng." Cũng chính từ điểm này mà ma quỉ đã cám dỗ Chúa Jesus, thuyết phục Ngài thực hiện một cú nhảy từ nóc đền thờ để gây tiếng vang (Mathiơ 4: 5-7). Chúa Jesus không tìm sự nổi tiếng, nên Ngài đã không rơi vào cái bẫy của ma quỉ. Ngài là Đức Chúa Trời ẩn mình . (Êsai 45: 15)

• Cầu nguyện cho mọi người: Phao Lô dạy Ti-mô-thê rằng, "Vậy trước hết mọi sự ta dặn rằng, phải khẩn nguyện, cầu xin, kêu vang, tạ ơn cho mọi người, cho các vua, cho các bật cầm quyền, để chúng ta được thấy điều nhân đức, và thành thật mà ở đời cho bình tịnh yên ổn."

II. Sự Khác Biệt Giữa Giữa Người Lãnh Đạo Thuộc Linh Và Thế Gian:

1. So sánh sự khác biệt:

Người lãnh đạo thế gian: Người lãnh đạo thuộc linh:
• Tự quyết định + Tìm cầu ý Chúa
• Đầy tham vọng + Tôn vinh Đức Chúa Trời
• Muốn ra lịnh + Khiêm nhường và khích lệ
• Tìm sự khen thưởng nơi con người + Muốn làm đẹp lòng Đức Chúa Trời

2. Chân dung người lãnh đạo thuộc linh theo Kinh Thánh:

(I Timôthê 3: 1) cho thấy ước muốn trở thành người lãnh đạo thuộc linh là một khát vọng canh cánh bên lòng, một niềm khao khát khôn nguôi, một sự thôi thúc liên tục. Nói chung, người có khát vọng muốn trở thành người lãnh đạo thuộc linh phải nghe rõ tiếng Chúa; từ sâu thẳm trong tâm linh nhận ra được tiếng gọi của Đức Chúa Trời. Người lãnh đạo cần có sự trưởng thành và kinh nghiệm, lập trường dứt khoát sống theo Phúc Âm của Đấng Christ. Không chút do dự hay mơ hồ về mối tương quan của mình đối với Đấng Christ.

Con người thật của người lãnh đạo thuộc linh trong gia đình là bằng chứng cho thấy chúng ta có xứng hợp với với chức vụ lãnh đạo thuộc linh hay không: "Người giám mục cần phải không chỗ trách được, là chồng chỉ một vợ mà thôi, có tiết độ, có tài trí xứng đáng, hay tiếp khách và khéo dạy dỗ. Đừng mê rượu, cũng đừng hung bạo, nhưng phải mềm mại hoà nhã: lại đừng ham tiền bạc; phải khéo cai trị nhà riêng mình, giữ con cái mình cho vâng phục và ngay thật trọn vẹn. Vì nếu có ai không bết cai trị nhà riêng mình, thì làm sao cai trị được Hội Thánh của Đức Chúa Trời? Người mới tin đạo hoặc chưa trưởng thành không thể giữ chức vụ lãnh đạo, bởi vì người ấy "sẽ kiêu ngạo và sa vào án phạt của ma quỉ. Những người đó phải chịu thử thách trước đã." (I Timôthê 3: 2- 10)

Tóm lại: Chúng ta không thể trở người lãnh đạo thuộc linh khi ước muốn đó chỉ đến từ ước muốn của con người. Mẫu mực của người lãnh đạo thuộc linh phải được thể hiện qua nếp sống, và sự phục vụ Chúa mỗi ngày, qua mối tương giao với Chúa và với nhau. Bản ngã tội lỗi nếu không được tái sanh và thói quen của thế tục vẫn thường diễn ra cho một ai đó, thì họ không có chỗ đứng trong vai trò của người lãnh đạo thuộc linh.

III. Phẩm Cách Các Chấp Sự Trong Hội Thánh Của Đức Chúa Trời:

Vai trò của chấp sự trong thời Tân Ước chỉ lo phụ bàn tiệc Thánh. Ngày nay vì công tác tổ chức của Hội Thánh phức tạp hơn đòi hỏi nhiều công việc như thủ quỹ, tiếp tân, thăm viếng, quản trị cơ sở vật chất.v.v… Chính vì vậy, vai trò chấp sự nặng nề hơn, nhưng cũng chỉ bao gồm trong công tác tổ chức hành chánh quản trị là chủ yếu. Phần thuộc linh là do người chăn bầy đảm nhiệm. Ban chấp sự chỉ thay cho Mục sư Quản nhiệm khi ông đi vắng hoặc đau yếu mà thôi. Ngày nay một số Hội Thánh Báp đã không còn duy trì ban chấp sự nữa. Họ thay vào đó là Hội đồng Trưởng Lão cùng Mục sư Quản nhiệm gánh vác công việc Chúa chung. Tuy nhiên, dù là thành viên trong Ban Chấp Sự hay Hội đồng Trưởng lão cũng phải theo các nguyên tắc mà Phao Lô đã dạy dỗ; bởi vì những người này phải là những tấn gương tốt cho tín đồ noi theo:

• Không được nói hai lời, không ghiền rượu, không được tham lợi phi nghĩa.

• Lấy lương tâm trong sạch giữ lẽ mầu nhiệm của đức tin.

• Phải chịu thử thách trước đã thì mới được làm chấp sự.

• Vợ các chấp sự cũng phải nghiêm trang, chớ nói xấu, phải tiết độ và trung tín trong mọi việc.

• Các chấp sự chỉ nên làm chồng của một vợ mà thôi.

• Phải khéo cai trị con cái và nhà riêng mình. (I Timôthê 3: 8-12)

Phải thành thật xác nhận rằng, đó là những yêu cầu nghiêm túc mang tính thuộc linh; đòi hỏi cao đối với những người lãnh đạo trong Hội Thánh của Đức Chúa Trời. Hội Thánh càng chú trọng nhiều chừng nào về phẩm cách của những người lãnh đạo, thì ơn phước Đức Chúa Trời sẽ ban cho Hội Thánh nhiều chừng nấy. Con cái Chúa sẽ vui mừng, được sống thoả lòng trong nguồn phước hạnh trong mối thông công của tình yêu thương.

Sở dĩ ngày nay có quá nhiều nan đề cùng với sự chống đối, chia rẽ giữa các thành viên của Ban Chấp Sự và mục sư quản nhiệm, nguyên nhân chính có lẽ xuất phát từ những con người chưa được tái sanh, có thể nói là chưa trưởng thành trong Chúa. Họ suy nghĩ và hành động theo thế tục. Họ quan niệm mục sư chỉ là người được thuê và Hội Thánh trả lương. Chính vì ý niêm sai lầm này, cho nên biết bao nhiêu thảm kịch đã và đang xảy ra mỗi ngày trong Hội Thánh. Mục sư không thể hoàn thành sứ mạng mà Chúa giao phó bởi vì mọi kế hoạch, phương án phát triển Hội Thánh đều bị ngăn trở; thậm chí uy quyền lãnh đạo cũng bị quá nhiều hạn chế! Tuy nhiên, yếu điểm này không chỉ đến từ Ban Chấp Sự (hay Ban Chấp Hành) mà còn đến từ các đầy tớ Chúa nữa. Phần lớn là do sự phong chức quá dễ dãi; trong khi các đầy tớ Chúa chưa được trang bị đủ về những kiến thức thần học; cũng như phẩm hạnh xứng đáng, để đáp ứng nhu cầu tâm tinh cho con dân Chúa.

Kết luận:

Tôi muốn mượn những ý tưởng sâu sắc sau đây của tác giả quyển sách "Bảy định luật của người lãnh đạo thuộc linh" để kết thúc bài chia sẻ hôm nay: "Các cấp lãnh đạo thuộc linh phải thận trọng trong việc đánh giá các hành động của mình căn cứ vào những gì người khác nghĩ hoặc nói. Đấng mà chúng ta phải có trách nhiệm khai trình là chính Thượng Đế. Khi chúng ta đã hòa thuận với Ngài, thì điều người khác nghĩ chẳng có ý nghĩa gì cả! Khoảnh khắc chia sẻ tình yêu thương của Chúa Cứu Thế với một người khác sẽ trở thành sức mạnh cho chức vụ của chúng ta. Sẽ luôn luôn có người chỉ trích phê bình bạn! Phải cẩn thận đừng tỏ ra quá nhạy cảm! Trong một số trường hợp, làn da của chúng ta phải chai như da con hà mã vậy."

Ms Lê Văn Thể

______________________________

(1) Bảy Định Luật Của Người Lãnh Đạo Thuộc Linh (Bản dịch của Viện Thần Học Tin Lành Việt Nam, không ghi tác giả)

(2) Ms Nguyễn Văn Bình, Chuyện Hay Ý Đẹp, tập 3, Tr.

(3) Phạm Hoàng Ph.D, Sự Lãnh Đạo Trong tinh Thần Tôi Tớ, Tr. 205

Lời nói rất quan trọng. " Nhất tự hưng bang, nhất tự báng bang" " Lời nói không mất tiền mua. Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau." (cadao). Cũng lời nói làm cho nước nhà hưng thịnh, cũng lời nói làm cho quốc gia tang hoang. Gia cơ khuyên" Hãy mau nghe mà chậm nói ( Gia cơ 1:19). Ông cũng cảnh cáo, " Nhưng cái lưỡi không ai trị phục được nó." Là con cái Chúa lời nói của chúng ta " phải có ân hậu theo luôn và nêm thêm muối ( Côl 4:6 để gầy dựng Hội Thánh của Đức Chuá Trời."