Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 4

CHÚA CHỌN PHI-E-RƠ

Kinh thánh chép về việc Chúa chọn Phi-e-rơ như sau:

Khi Đức Chúa Jesus ở trên bờ hồ Ghê-nê-xa-rêt,

 đoàn dân đông chen lấn nhau xung quanh.

 Ngài thấy hai chiếc thuyền đậu gần bờ,

 người đánh cá đã xuống khỏi thuyền giặt lưới

 thì Ngài lên một chiếc thuyền trong hai chiếc, là chiếc của Simon,

 biểu người đem ra khỏi bờ một chút, rồi ngồi mà dạy dỗ dân chúng.

 Khi Ngài phán xong thì biểu Simon rằng:

 Hãy chèo ra ngoài sâu, thả lưới mà đánh cá.

 Simon thưa rằng: Thưa thầy, chúng tôi đã làm suốt đêm không bắt được chi hết,

 dầu vậy, tôi theo lời thầy mà thả lưới.

 Họ thả lưới xuống, được nhiều cá lắm, đến nỗi lưới phải đứt ra.

Họ bèn ra vọi gọi đồng bạn mình ở thuyền khác đến giúp,

 bạn kia đến chở cá đầy hai chiếc thuyền, đến nỗi gần chìm.

 Simon Phi-e-rơ thấy vậy, liền sấp mình xuống ngang đầu gối Đức Chúa Jesus, mà thưa rằng:

 Lạy Chúa, xin ra khỏi tôi, vì tôi là người có tội.

 Số là, vì đánh cá dường ấy, nên Simon cùng mọi người ở với mình đều thất kinh,

 Gia cơ và Giăng con Xê-bê-đê, là những kẻ đồng bạn với Simon cũng đồng một thể ấy.

Đức Chúa Jesus bèn phán cùng Simon rằng : Đừng sợ chi, từ nay trở đi, ngươi sẽ trở nên tay đánh lưới người.

Đoạn, họ đem thuyền vào bờ, bỏ hết thảy mà theo Ngài. (Lu-ca 5:1-11

Khi đọc:“Họ đem thuyền vào bờ, bỏ hết mà theo Ngài”, chúng ta nghĩ rằng việc theo Chúa là một quyết định của Phi-e-rơ và các đồng bạn.Nói cách khác chính Phi-e-rơ, đồng bạn của ông  (và mỗi một chúng ta), đã chọn Chúa cho cuộc đời của mình. Tuy nhiên Lời Chúa cho biết: Vấn đề không phải như vậy, Chính.Chúa Jesus chon mỗi một chúng ta, chứ không phải chúng ta chọn Chúa. Ngài khẳng định rằng:

                   Ấy chẳng phải các ngươi chọn ta,

                   Bèn là ta đã chọn và lập các ngươi,

                   Để các ngươi đi và kết quả  (Giăng 15:16)

Ta có thể nhận ra cách Chúa chọn Phi-e-rơ trong đoạn Kinh thánh ở trên, qua ba phần sau:

-          Chúa chon

-          Biết Chúa

-          Theo Chúa

 

I. CHÚA CHỌN

Việc chọn một người cho công việc Chúa là việc của chính Đức Chúa Trời, theo ý chỉ đã được định trước của Ngài:

Kinh Thánh chép:

 Khi Đức Chúa Jesus ở trên bờ hồ Ghe-nê-xa-rết,

 đoàn dân đông chen lấn nhau xung quanh Ngài

 đặng nghe đạo Đức Chúa Trời.

 Ngài thấy hai chiếc thuyền đậu gần bờ,

 người đánh cá đã xuống khỏi thuyền giặt lưới,

 thì Ngài lên một chiếc thuyền trong hai chiếc,

 là chiếc của Si-môn, biểu người đem ra khỏi bờ một chút,

 rồi Ngài ngồi mà dạy dỗ đân chúng  (Lu-ca 5:1-3)

 

1.CHIẾC THUYỀN VÀ CUỘC ĐỜI

 

Hồ Galilee, còn gọi là hồ Ghê-nê-sa-rết, hồ Kinneret, hoặc hồ Ti-bê-ri-at, nằm ở phía bắc Y-sơ-ra-en, là hồ nước ngọt lớn nhất quốc gia nầy. Hồ có hình viên kim cương, diện tích khoảng 166 km2, chiều dài nhất 21 km, chỗ rộng nhất 13 km. Hồ Galilee nằm ở độ sâu - 209 m dưới mực nước biển, nên là hồ nước ngọt nằm ở vị trí thấp nhất trên thế giới..

Hồ Galiee nhận nước từ sông Jordan, sau đó chảy một phần vào Biển Chết ở phía nam.

Hồ là nguồn cung cấp nước ngọt chính cho nông nghiệp và cho sinh hoạt của người dân Y-sơ-ra-el, từ xưa đến nay.

Vào thời Chúa Jesus, nghề đánh cá trên hồ Galilee rất thịnh vượng. Theo sử gia Josephus: Mỗi ngày, có trên 200 thuyền, với nhiều ngư dân lành nghề, đánh cá trên hồ nầy.

 Phi-e-rơ là một, trong số các ngư phủ đó.

Năm 1986, một đợt hạn hán đã làm mực nước hồ Galilee giảm mạnh, một phần đáy hồ, gần bờ lộ ra. Qua đó, một số người địa phương đã phát hiện, và các nhà khảo cổ đã khai quật được một chiếc thuyền cổ, vùi trong bùn.

Chiếc thuyền nầy hiện được bảo quản tại viện bảo tàng thành phố Migdal, phía bắc hồ Galilee

Thuyền cổ nầy có chiều dài khoảng 9 mét, niên đại được xác định: khoảng năm 40 BC

Người ta cho rằng đây là loại thuyền đánh cá phổ biến trên hồ Galilee, trong thời Chúa Jesus, và có lẽ Phi-e-rơ sở hữu một trong những chiếc thuyền như vậy.  

 Từ xưa đến nay, đối với đa số trong chúng ta, chiếc thuyền chỉ là một loại phương tiện kiếm sống:

Chiếc thuyền nhỏ, nhẹ, hăng như con tuấn mã

Phăng mái chèo, mạnh mẽ vượt trường giang

Cánh buồm giương to, như mảnh hồn làng

Rướn thân trắng, bao la thu góp gió

Ngày hôm sau, ồn ào trên bến đỗ

Khắp dân làng tấp nập đón ghe về

Nhờ ơn trời, biển lặng cá đầy ghe

Những con cá tươi ngon, thân bạc trắng…

                                                          (Tế Hanh)

 Nhưng đối với một ngư dân, thì chiếc thuyền không chỉ là phương tiện kiếm sống, thuyền còn là phương tiện đi lại, là nơi cư ngụ. Cả cuộc đời người dân chài gắn chặc với chiếc thuyền của mình, nên thuyền không chỉ là thuyền. Thuyền là biểu tượng cho chính cuộc đời họ.

.Thuyền Phi-e-rơ là biểu tượng cho cuộc đời Phi-e-rơ.

Đang khi Chúa Jesus đứng gần bờ nước của Hồ Galilee, trước mặt Ngài lúc ấy có hai chiếc thuyền, Ngài cần dùng một trong hai chiếc thuyền ấy để giúp Ngài trong việc dạy đạo Trời.

 Ngài đã chọn một trong hai chiếc thuyền. Chiếc thuyền Ngài chọn là của Si-môn Phi-e-rơ.

Chúa chọn bước vào chiếc thuyền Phi-e-rơ, cũng có nghĩa rằng Chúa chọn bước vào cuộc đời của ông.

Phi-e-rơ không mời Chúa, Phi-e-rơ không chọn Chúa. Chính Ngài chọn Phi-e-rơ cho công việc Ngài, chỉ bởi Ngài và hoàn toàn theo ý Ngài.

 

2. AI LÀ NGƯỜI LÃNH ĐẠO?

 

Một khi Chúa Jesus bước vào cuộc đời của một con người trên đất, thì cuộc đời đó không còn là cuộc đời của riêng họ nữa, đó là một cuộc đời mới, một cuộc đời có Chúa Jesus ở cùng.

Vấn đề là khi có cùng lúc hai người trên một chiếc thuyền, thì ai sẽ là người lãnh đao?Ai là người ban ra mệnh lệnh? Ai là người chấp hành?

Bước vào chiếc thuyền Phi-e-rơ, phải chăng Chúa Jesus chỉ là khách đi nhờ?

Phải chăng Ngài đến với chúng ta như một người khách lạ, một người đến rồi đi, một người bàng quan như bao người khách khác, trên cuộc đời chúng ta.

Một người nào đó tin rằng:

                     “Chúa Jesus là người khách vô hình,

                       hiện diện trong mỗi bữa ăn của chúng ta,

                      Ngài yên lặng, lắng nghe từng câu chuyện vui buồn,

                      trong cuộc đời chúng ta”.

Thực ra, khi bước vào cuộc đời của mỗi chúng ta, khi ở cùng chúng ta, Chúa Jesus không muốn chỉ đóng vai trò người khách vô hình, vai trò người khách lạ, một người khách yên lặng và không can dự gì vào cuộc đời của chúng ta.

Bước vào cuộc đời của mỗi người trên đất, Chúa Jesus muốn biến cải, muốn đem lại mục đích sống, mang lại niềm hạnh phúc cho cuộc đời đó, Chúa thay đổi một cuộc sống, vốn chỉ sống vì mình, cho mình, thành cuộc sống tận hiến cho Đức Chúa Trời và cho đồng loại.

Chính vì vậy Ngài không đến chỉ để đóng vai trò khách lạ trong cuộc đời chúng ta: Ngài đến để làm chủ cuộc đời đó

 

3. HÃY ĐEM THUYỀN RA KHỎI BỜ MỘT CHÚT

 

Kinh thánh cho thấy: sau khi bước lên thuyền, Chúa Jesus ra lệnh cho Phi-e-rơ :

                       “… đem thuyền ra khỏi bờ một chút,

                         rồi Ngài ngồi mà dạy dỗ dân chúng” (Lu-ca 5: 3b)

 Phi-e-rơ được ở cùng, và làm việc cùng với Chúa Jesus. Công việc của Phi-e-rơ là đưa chiếc thuyền của mình “Xa bờ một chút”, không phải để đánh cá như lệ thường, nhưng để Chúa ngồi mà giảng dạy dân chúng: Phi-e-rơ và chiếc thuyền của mình đang phục sự Chúa.

Bởi có Chúa Jesus ở cùng, Phi-e-rơ mới có cơ hội: “xa bờ một chút”.

Chúa làm cho ông được ở gần Chúa, và tách khỏi đám đông..

 Khi chưa có Chúa Jesus ở cùng, Phi-e-rơ là một phần tử của đám đông, ông hòa lẫn trong đám đông: người ta thế nào, thì Phi-e-rơ thế ấy: Hành vi, cử chỉ được nắn đúc bởi đám đông, lời nói, việc làm của ông, có cùng khuôn mẫu như của đám đông.

 Một cuộc đời không có gì khác biệt với đám đông, thì chẳng thể giúp gì được cho đám đông đó.

Khi “đem thuyền ra khỏi bờ một chút”, chiếc thuyền Phi-e-rơ vốn là chiếc thuyền cũ, nhưng không còn làm việc cũ nữa. Chiếc thuyền cũ mà mới.

 Chúa chọn Phi-e-rơ, để Phi-e-rơ hôm nay, không còn là Phi-e-rơ của ngày hôm qua nữa:

Thay vì là lưới, là cá, là mồ hôi nhỏ trên sóng nước để đổi lấy miếng cơm, manh áo.

 Bây giờ trong con thuyền Phi-e-rơ có Đức Chúa Trời ở cùng, có Lời Đức Chúa Trời vang ra:

 Lời vang từ bên trong con thuyền đang bày tỏ chân lý,

 Lời vang ra từ chiếc thuyền, khiến kẻ ngã lòng được nâng đỡ,

 Lời vang ra từ bên trong con thuyền khiến kẻ mù bỗng thấy đường đi. Kẻ thất vọng, trở nên hy vọng.

 Lời vang ra từ bên trong con thuyền, khiến kẻ ở trong bóng sự chết, thấy ánh sáng của sự sống…

 Phước biết bao cho cuộc đời được Chúa chọn?

 

II.               BIẾT CHÚA

 

Một khi Đức Chúa Trời chọn một người cho Ngài, thì Ngài cũng sẽ bày tỏ cho người ấy biết Ngài. Vì chỉ “biết Chúa” mới có thể theo Ngài, phục sự Ngài.

Chúa Jesus đã chon Phi-e-rơ, nên Ngài cũng bày tỏ chính Ngài cho ông:

Kinh Thánh chép tiếp:

                        Ngài phán xong thì biểu Si-môn rằng:

                        Hãy chèo ra ngoài sâu, thả lưới mà đánh cá.

                        Si-môn thưa rằng:

                       Thưa Thầy, chúng tôi đã làm suốt đêm, không bắt được chi hết.

                        Dầu vậy, tôi cũng vâng lời thầy mà thả lưới.

                        Họ thả lưới xuống, được nhiều cá lắm,

                        đến nỗi lưới phải đứt ra.

                        Họ bèn ra vọi gọi đồng bạn ở thuyền khác đến giúp

                       Bạn kia đến chở đầy hai chiếc thuyền, đến nỗi gần chìm.  (Lu-ca 5:4-7)

 

1.      “BIẾT VỀ CHÚA”

 

 “Biết về Chúa” thì khác với “biết Chúa”Đây là hai giai đoạn của cùng một quá trình

 “Biết về Chúa” là bước đầu của nhận thức về Ngài, bước nầy có được khi chúng ta được nghe người khác làm chứng về Ngài, chúng ta được nghe lời Ngài, suy gẫm về lời Ngài phán, cũng như việc Ngai làm.

Tuy nhiên “biết về Chúa”là chưa đủ, chúng ta cần “biết Chúa” nghĩa là chúng ta cần gặp Chúa một cách riêng tư: Có thể Ngài dùng một lời đặc biệt, trong hoàn cảnh đặc biệt, để bày tỏ Ngài cho riêng chúng ta. Có thể Ngài thi thố quyền phép của Ngài cho riêng chúng ta, để chúng ta rờ đụng Ngài và thuộc về Ngài một cách riêng tư.Lúc đó chúng ta không chỉ “biết về Chúa”, nhưng chúng ta thật sự “biết Chúa

Chúa Jesus đã ra lệnh cho Phi-e-rơ “Chèo ra sâu, thả lưới mà đánh cá” không phải đơn giản giúp ông một mẻ lưới đầy cá. Ngài đang dùng cơ hội đặc biệt nầy để đưa ông từ chỗ “biết về Chúa” đến chỗ “biết Chúa

Lần Phi-e-rơ gặp Chúa trong đoạn Kinh Thánh Lu-ca 5:1-11, mà chúng ta đang xét không phải là lần đầu Phi-e-rơ gặp Chúa Jesus..

Trong sách Tin lành của mình, Sứ đồ Giăng kể rằng:

              Trong hai người đã nghe Giăng (Baptit) nói và đi theo Đức Chúa Jesus đó,

              một là Anh-rê, em của Si-môn Phi-e-rơ.

              Trước hết người gặp anh mình là Si-môn, thì nói rằng:

              Chúng ta đã gặp Đấng Mê-si (Nghĩa là Đáng Christ).

              Người bèn dẫn Si-môn đến cùng Đức Chúa Jesus.

              Ngài vừa ngó thấy Si-môn, liền phán rằng:

              Ngươi là Si-môn, con Giô-na, ngươi sẽ được gọi là Sê-pha (Nghĩa là Phi-e-rơ)

                                                                                                  (Giăng 1:40-42)

Như vậy, nhiều ngày trước câu chuyện trong Lu-ca 5:1-11, Anh-rê, em của Si-môn Phi-e-rơ, đã đến gặp Chúa Jesus, đã ở lại với Ngài, đã chuyện trò cùng Ngài.

 Anh-rê đã có những cảm nghĩ hết sức táo bạo và đặc biệt về Ngài: người em của Si-môn Phi-e-rơ tin rằng: Chúa Jesus là Đấng đã được các tiên tri dự ngôn từ trước trong Cựu ước, Ngài là Đấng Mê-si, mà cả dân Y-sơ-ra-en đang trông đợi.

Ông trở về làm chứng về Chúa Jesus, cho anh mình rằng:

              “Tôi đã gặp Đấng Mê-si” (Giăng 1:41)

 Lời chứng mạnh mẽ và bất ngờ nầy, hẳn đã làm dậy lên trong lòng Phi-e-rơ nhiều thắc mắc: Liệu Anh-rê nói có đúng không? Và “Chúa Jesus là ai”?

Anh-rê đã đưa anh mình đến gặp Chúa Jesus. Sau lần đó, Phi-e-rơ đã nhiều lần đến cùng Ngài, nghe lời Ngài, thấy những điều Ngài làm: Mỗi ngày qua đi, mỗi ngày ông biết về Chúa nhiều hơn.

 Những điều Mác viết trong sách Tin Lành Mác, (chính là những gì Phi-e-rơ kể lại cho Mác). Đó chính là những cảm nghiệm của ông về Chúa Jesus::

              “Ngài dạy như có quyền phép,

                chớ chẳng phải như các thầy thông giáo đâu”

                                                                                (Mác 1:22)

               Buổi chiều, mặt trời đã lặn,

               người ta đem mọi kẻ bịnh và kẻ bị quỉ ám đến cùng Ngài.

              Cả thành nhóm lại trước cửa.

              Ngài chữa lành nhiều kẻ đau các thứ bịnh,

              và đuổi nhiều quỉ, chẳng cho phép các quỉ nói ra, vì chúng nó biết Ngài

                                                                                                        (Mác 1: 32-33)

“Ngài là ai?” mà Lời dạy của Ngài đầy dẫy uy quyền,

“Ngài là ai?” mà việc Ngài làm, như tuôn ra từ một nguồn quyền phép tối thượng?

Khi Chúa Jesus bước lên con thuyền của Phi-e-rơ, và ra lệnh cho ông “chèo ra khỏi bờ một chút”. Dù ông vâng lời Ngài, nhưng câu hỏi “Ngài là ai?” vẫn còn là câu hỏi, mà Phi-e-rơ chưa có câu trả lời.

Lúc đó, Phi-e-rơ đã “biết nhiều về Chúa”, tuy nhiên các kinh nghiệm ông có, vẫn là những kinh nghiệm từ người khác chứ chưa phải là những kinh nghiệm trực tiếp đến từ Chúa cho riêng ông, cho tấm lòng của ông.

 

2.      BIẾT CHÚA

                                                                                                                                               

Sau mệnh lệnh đem thuyền

               “Ra khỏi bờ một chút”,

Bây giờ Ngài lại ra lệnh cho ông:

             “Hãy chèo ra ngoài sâu, thả lưới mà đánh cá”.

 “Chèo ra ngoài sâu” thì khác xa với“Ra khỏi bờ một chút

Người ngồi trên thuyền luôn cảm thấy an toàn, khi chỉ “ra khỏi bờ một chút”:

Làn gió nhẹ đung đưa con thuyền, nước dịu dàng vỗ nhẹ vào mạn thuyền. Mọi thứ đều dễ dàng, mọi thứ đều ở trong tầm kiểm soát, chẳng có gì đe dọa đến con thuyền, hay người ngồi trên thuyền.

Nhưng con thuyền được tạo ra không phải để chỉ “ra khỏi bờ một chút”.

Nếu chỉ cần đậu tại bến, hoặc ra “khỏi bờ một chút”, thì con người không cần đến con thuyền, họ có thể đi đến đó, bằng chính đôi chân của mình.

Chỗ gần bờ, là chỗ con người thường chỉ sống bằng sức lực của mình, bằng trí óc của mình, bằng tài năng và mối quan hệ xã hội của mình.

Người ta làm ra con thuyền không phải để đậu nơi gần bờ, nhưng là để có thể “chèo ra ngoài sâu”, nơi con người chỉ thấy mênh mông trời nước, nơi con thuyền có thể bất ngờ gặp phải sóng to gió lớn, nơi con thuyền có thể sẽ phải đối đầu với muôn ngàn hiểm nguy.

Giữa mênh mông trời nước, con người mới nhận ra sự nhỏ nhoi, yếu đuối của mình. Chính ở những nơi như vậy, con người mới biết đến cô đơn, mới sống bằng đức tin, mới thấy cần đến sự giúp đỡ của Đấng Tạo hóa mình.

Con thuyền vốn là như vậy, thuyền được tạo ra, là để dành cho biển rộng, sông dài.

 Chúa chọn Phi-e-rơ, không phải để Phi-e-rơ sống một đời an nhàn, không phải để giúp ông tránh việc đối đầu với áp bức, bất công., sĩ nhục, bắt bớ, giết chóc vốn vẫn hằng diễn ra, trong xã hội loài người.

Muốn có một Phi-e-rơ vững vàng giữa những nghiêng ngã, khi nhiều người bỏ Chúa, thì ông thưa với Ngài rằng::

                      “Tôi theo ai? Chúa có những lời của sự sống đời đời

                                                                            (Giăng 6:68)

 Muốn có một Phi-e-rơ có thể đứng giữa tòa công luận mạnh mẽ tuyên bố:

                      “Chẳng có sự cứu rỗi trong Đấng nào khác,

                        Vì ở dưới trời, chẳng có danh nào khác ban cho loài người,

                       Để chúng ta phải nhờ đó mà được cứu”

                                                                            (Công vụ 4:12)

 

Muốn có một Phi-e-rơ như vậy, Phi-e-rơ phải là người “biết Chúa”, chứ không chỉ một Phi-e-rơ “biết về Chúa

Mạng lệnh “chèo ra ngoài sâu, thả lưới mà đánh cá”. là cơ hội Chúa đưa đến, để Phi-e-rơ biết Ngài

Mạng lệnh nầy không chỉ là là cơ hội, nhưng cũng là thách thức cho Phi-e-rơ: Ông đã cần mẫn đánh cá suốt đêm trước đó, nhưng không bắt được gì.

 Là một ngư dân đầy kinh nghiệm, ông biết rằng đánh cá nơi sâu vào ban đêm, mà không được gì, thì không thể có kết quả tốt hơn, khi đánh cá ban ngày.

Nhưng đây là điều Chúa yêu cầu ông lúc nầy: Chúa muốn ông thả lưới đánh cá vào ngay chỗ mà ông vừa thất bại, và vào đúng thời điểm, mà ông nghĩ rằng: có làm cũng chẳng có kết quả gì.

Qua mệnh lệnh của Ngài, Chúa muốn tìm một Phi-e-rơ có đức tin vượt trên lý trí, Ngài muốn tìm một Phi-e-rơ biết vâng lời Ngài một cách tuyệt đối, chứ không phải một Phi-e-rơ chỉ biết trông cậy nơi sự khôn ngoan, hoặc kinh nghiệm sống, của riêng mình.

 Đức tin luôn được thể hiện bằng sự vâng lời, vì

                      Sự vâng lời tốt hơn của tế lễ,

                      Sự vâng theo tốt hơn mở chiên đực.

                     Sự bội nghịch cũng đáng tội bằng sự tà thuật,

                     Sự cố chấp giống như tội trọng cúng lạy hình tượng”

                                                                                           (I Sa-mu-ên 15:23)                  

Phi- e-rơ đã chọn sự vâng lời.Ông thưa với Chúa Jesus rằng:

                   “Thưa Thầy, chúng tôi đã làm suốt đêm mà không bắt được chi hết,

                      Dầu vậy, tôi cũng theo lời thầy mà thả lưới. (Lu-ca 5:5)

Chúa chờ đợi lời nói đức tin nầy của Phi-e-rơ, vì Ngài đã dành sẵn cho Phi-e-rơ điều mà Phi-e-rơ cần.

                    “Họ thả lưới xuống được nhiều cá lắm đến nỗi lưới phải đứt ra.

                     Họ bèn ra vọi gọi đồng bạn mình ở thuyền khác đến giúp,

                     Bạn kia đến chở cá đầy hai chiêc thuyền, đến nỗi gần chìm  (Lu-ca 5:6-7)

Người khác có thể không thấy điều ở phía sau một mẻ lưới đầy cá lạ lùng nầy, nhưng Phi-e-rơ thấy: Đây là phép lạ Chúa làm, chỉ vì ông và cho riêng ông.

Bấy giờ, Phi-e-rơ biết rằng ông đang đối diện với Con Đức Chúa Trời hằng sống. Đấng cầm quyền tễ trị trên muôn loài vạn vật.

Bấy giờ, cũng là lúc, ông thấy sự bất khiết, bất xứng của chính mình.

Bấy giờ, cũng là lúc, ông trải qua cảm nghiệm mà tiên tri Esai đã trải nghiệm:

                   “Khốn nạn cho tôi, xong đời tôi rồi, vì tôi có môi dơ dáy

                     ở giữa một dân có môi dơ dáy, vì tôi đã thấy Vua,       

                     tức là Đức Giê-hô-va vạn quân.  (Ê-Sai 6:5)

cũng như Ê-Sai, Ông cúi sát mình dưới chân Chúa Jesus:

                  “Lạy Chúa, xin ra khỏi tôi, vì tôi là người có tội. (Lu-ca 5:8)

Phi-e-rơ giờ đây không chỉ “biết về Chúa”, Phi-e-rơ đã “biết Chúa”

Bấy giờ, Chúa Jesus không chỉ là “thầy” (Epistates), nhưng là “Chúa” (Kurios) của ông

 

III.           THEO CHÚA

 

Sứ đồ Phao Lô suy nghiệm lại các bước xảy ra, khi Đức Chúa Trời chọn ông như sau:

               “Nhưng khi Đức Chúa Trời là Đấng đã để riêng tôi ra

                từ lúc còn trong lòng mẹ,  

                và lấy ân điển gọi tôi, vui lòng bày tỏ con của Ngài  ra trong tôi,

                hầu cho tôi rao truyền con đó ra trong người ngoại đạo,  

                thì lập tức tôi chẳng bàn với thịt và huyết  (Ga-la-ti 1:15-16)

Luôn có 4 bước trong việc Chúa chọn người hầu việc Ngài:

-          Ngài chọn: (Ngài biệt riêng tôi ra từ trong lòng mẹ, lấy ân điển gọi tôi)

-          Ngài bày tỏ cho tôi biết về Chúa Jesus con Ngài: (bày tỏ con của Ngài ra trong tôi)

-          Ngài giao công việc cho tôi: (Rao truyền chúa Jesus cho dân ngoại)

-          Và cuối cùng là sự đáp ứng của tôi (tôi không bàn với thịt và huyết).

Chúa Jesus cũng đã làm như vậy cho Phi-e-rơ.

Sau  khi đã bày tỏ chính Ngài cho ông. Chúa Jesus phán với ông rằng:

               “Đừng sợ chi, từ nay trở đi, ngươi sẽ nên tay đánh lưới người. (Lu-ca 5:10)

Cái sợ của Phi-e-rơ xuất phát từ chỗ ông cảm biết sự bất khiết, bất xứng của mình:

 Hiểu biết sự bất khiết và bất xứng của mình, là điều vô cùng cần thiết đối với một người được Chúa chọn, cho công việc của Ngài.

Nhưng mặc cảm bất xứng, bất khiết, một khi là mặc cảm, sẽ là một trở ngại trong công việc của người hầu viếc Chúa. Phi-e-rơ cần được giải phóng ra khỏi mặc cảm bất khiết, bất xứng, trước khi bước vào công việc Ngài: Ông cần được tha thứ về tội lỗi.

Chúa khích lệ ông:

               “Đừng sợ chi”: vì Ngài là Đấng đã tha thứ mọi tội lỗi cho ông rồi.

Và sau lời khích lệ, là công việc:

               “Từ nay trở đi, ngươi sẽ nên tay đánh lưới người”.

“Đánh lưới”là công việc từng làm của Phi-e-rơ, ông biết rõ, và cũng có nhiều kinh nghiệm trong việc đánh lưới, kinh nghiệm nầy có thể hữu ích cho công việc mới của ông. Tuy nhiên, ở đây Chúa không sai ông đi đánh lưới cá, nhưng đánh lưới người.

Công việc bây giờ của ông vừa quen nhưng cũng vừa lạ.

 Chiếc thuyền trong tay ông vốn chỉ dung để đánh cá, nhưng khi Chúa Jesus bước vào, thì chiếc thuyền đó không còn như cũ nữa: Chiếc thuyền trong tay Ngài trở thành chiếc thuyền đánh lưới người.

Rõ ràng công việc đánh lưới người lớn lao, phức tạp và đầy khó khăn vượt quá sự khôn ngoan, kinh nghiệm của con người. Phép lạ Chúa làm ra không chỉ giúp Phi-e-rơ biết Ngài, nhưng phép lạ đó còn cho ông thấy một chân lý đơn giản trong việc đánh lưới người:

 “sự khôn ngoan, tri thức của loài người có vai trò nhất định trong sự thành công của họ, nhưng chính ý chỉ, quyền phép, ân điển của Đức Chúa Trời mới là điều quyết định cho sự thành công thật và bền vững của một người.”

Chúa Jesus đã được Phi-e-rơ, như một ví dụ điển hình về việc đánh lưới người. Nhưng đánh lưới người để làm gì? Đánh lưới người để đem người ấy đến sự cứu rỗi đời đời, và cũng qua người ấy Tin lành ân điển của Đức Chúa trời đến với muôn ngàn người khác.

Chúa Jesus đã mời gọi Phi-e-rơ vào công việc đánh lưới người, một công việc mới lớn lao, khó khăn, phức tạp, nhưng cũng đầy vinh hiển.

Dĩ nhiên Ngài không bỏ mặc cho ông loay hoay với công việc lạ lẫm nầy: chính Ngài ở cùng, làm cùng với ông: “Ta ở cùng con cho đến tận thế” Đây là chìa khóa của mọi thành công. Thật vậy “Đức Chúa Trời ở cùng” là phương pháp duy nhất bảo đảm mọi sự thành công của một người trên đất dù đó là Môi-se, Giô-suê, Đa-vit, Ê-sai, Giê-rê-mi…

Quyết định đáp ứng lời kêu gọi thuộc về ông, và ông đã quyết định:

Ông cùng với Andre, Gia cơ, Giăng:

                 “ đem thuyền vào bờ, bỏ hết thảy mà theo Ngài”.