Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 12

Chúa Chữa Lành Người Phung

Kinh thánh, sách Ma-thi-ơ, chép:

                         Khi Đức Chúa Jesus ở trên núi xuống,

                         Có đoàn dân đông lắm theo Ngài.

                         Nầy, có một người phung đến gần, lạy Ngài, mà thưa rằng:

                         Lạy Chúa, nếu Chúa khứng, chắc có thể làm tôi được sạch.

                         Đức Chúa Jesus giơ tay rờ người, mà phán rằng:

                         Ta khứng, hãy sạch đi, tức thì người phung được sạch.

                         Đức Chúa Jesus bèn phán cùng người rằng:

                         Hãy giữ, chớ nói cùng ai, song hãy đi tỏ mình cùng thầy cả,

                       Và dâng của lễ theo như Môi-se dạy, để làm chứng cho họ (Ma-thi-ơ 8:1-4)

Câu chuyện nầy cũng được ký thuật trong Mac 1:40- 45, và trong Lu-ca 5:12-16

Có thể dựa vào cả ba đoạn kinh thánh trên, tóm tắt diễn biến câu chuyện Chúa Jesus chữa lành người phung như sau:

Sau khi Chúa Jesus giảng cho đoàn dân trên núi (Ma-thi-ơ 5,6,7), Chúa xuống núi và đoàn dân đông đúc theo Ngài. Bỗng có một người phung đến gần Ngài: Anh ta quì, sấp mặt xuống dất, lạy Ngài và xin Ngài rằng: Nếu Chúa khứng thì chắc tôi sẽ được lành. Chúa Jesus động lòng thương xót: đưa tay rờ đến người phung và phán với anh rằng: Ta khứng hãy sạch đi, tức thì người phung được lành. Sau đó, Chúa dặn người phung không được đi ra rao chuyện được chữa lành cho bất kỳ ai, nhưng phải đến đền thờ dâng của lễ cảm tạ, để được các thầy tế lễ xác nhận, đồng thời qua đó làm chứng cho họ. Nhưng người phung đã không làm như vậy: Anh đồn ra chuyện Chúa chữa lành cho mình khắp nơi: Điều nầy khiến Chúa Jesus không thể công khai vào thành như trước được.

Chúng ta sẽ xem xét câu chuyện nầy trong ba phần sau:

-          Người phung và đoàn dân đông

-          Người phung và Chúa Jesus

-          Vâng lời dễ hay khó?

I.                 NGƯỜI PHUNG VÀ ĐOÀN DÂN ĐÔNG

1. NGƯỜI PHUNG

Y học ngày nay xác định: Bệnh phung gây ra bởi trực khuẩn Mycobacterium Leprea, vi khuẩn nầy được phát hiện bởi nhà bác học Hansen năm 1873. Do vậy vi khuẩn thường được gọi là vi khuẩn Hansen và bệnh phung cũng được gọi là bệnh Hansen.

Các dấu hiệu ngày nay dùng để nhận diện bệnh phung, cũng giống hệt điều được ghi lại trong Lê-vy ký đoạn 13:2-3

                   Khi một người thấy trên da mình có chỗ sưng, hay nổi mụt nhọt,

                   hay đốm trắng có thể thành bệnh phung, người ấy phải được dẫn đến Aron

                   hay các con trai Aron cũng làm thầy tế lễ

                   Thầy tế lễ phải khám chỗ đau, trên da người ấy.

                  Nếu thấy lông trên chỗ ấy hóa trắng và chỗ đau lõm xuống sâu hơn mặt da,

                  thì đó là bệnh phung

Phung là căn bệnh truyền nhiễm đáng sợ: Các vết loét trên da lan rộng, hệ thần kinh ngoại biên bị nhiễm độc khiến người bệnh mất cảm giác nóng, lạnh, hoặc đau. Các bộ phận trên cơ thể bị biến đổi: Lông mày rụng dần, mặt nỗi những cục sần, tai, mũi, bị biến dạng. Thần kinh ngoại biên bị nhiễm độc cũng khiến các đầu chi của người bệnh rụng dần, khi bệnh năng: các ngón không còn nữa, người phung đi đứng xiêu vẹo và rất khó cầm nắm được dù là các vật đơn giản như đủa muỗng, bát đĩa…

Người Y-sơ-ra-el xưa khi bị xác định là mắc bệnh phung, người ấy sẽ bị cách ly khỏi cộng đồng dân chúng: Không còn được tiếp xúc với bất kỳ ai dù là cha mẹ hay vợ con. Họ phải xé rách quần áo, để đầu trần, che râu và khi gặp người khác phải la to: “Ô uế, ô uế” để người khác tránh xa.( Lê-vy-ký 13: 45)

 Luật của người Y-sơ-ra-el cũng qui định cụ thể khi đứng trên gió hoặc ngược gió người phung phải giữ khoảng cách với người không bị bệnh là bao nhiêu để đề phòng việc lây truyền bệnh. Việc nầy gây nên một tâm lý nặng nề cho cả người phung lẫn cộng đồng dân chúng, đặc biệt là người phung: Không được chuyện trò, không được tiếp xúc với bất cứ con người bình thường nào, bị xua đuổi, khinh miệt, xa lánh, người phung không chỉ đau đớn về phần thân thể, nhưng còn đau đớn bội phần hơn về mặt tình cảm, khiến người khác và cả chính họ xem mình không còn là người sống nữa, nhưng chỉ là một xác chết biết đi.

Cứ như vậy: đám đông dân chúng trở thành nỗi ám ảnh không nguôi đè nặng trên cuộc đời người bị bệnh phung, và Ngược lại cũng vậy: đám đông dân chúng cũng chẳng bao giờ muốn gặp người phung nào trên đường đời của mình. 

2. ĐOÀN DÂN ĐÔNG

Câu chuyện trong Ma-thi-ơ 8:1-4 đề cập đến cuộc chạm trán rất bất ngờ giữa người phung và một đoàn dân đông:

                     Khi Chúa Jesus ở trên núi xuống,

                     Có đoàn dân đông lắm theo Ngài.

                     Nầy, có một người phung đến gần (Ma-thi-ơ 8:1-2)

Đoàn dân đông: mà sứ đồ Ma-thi-ơ đề cập ở đây, là ai vậy?

 Không khó để trả lời: Họ là những người theo Chúa, nghe Chúa dạy trên núi và khi Ngài xuống núi họ vẫn không rời Ngài.

Tại sao họ không rời Ngài:

Họ vẫn theo Chúa, vẫn không rời Ngài, vì những điều họ nghe từ Chúa quá đổi diệu kỳ đối với họ: Những điều mà ngày nay người ta vẫn gọi là luật vàng. Trước họ, chưa có ai có hân hạnh được chứng kiến những điều Chúa Jesus làm, chưa từng có ai được nghe những lời như họ đã nghe: Những lời họ nghe được, mang uy quyền tối hậu từ thiên thượng. Những lời dạy họ nhận được là thứ đạo đức tốt nhất, tinh tuyền nhất, mà loài người tự cổ chí kim từng nghe, từng thấy.

Trước họ, chưa từng có ai phán với họ lời đầy uy quyền rằng:

                     Phước cho kẻ có lòng khó khăn, vì nước thiên đàng là của những kẻ ấy

                     Phước cho kẻ nhu mì vì sẽ hưởng được đất

                     …

Trước họ, chưa có ai từng được nghe thứ đạo đức tinh tuyền rằng:

                    Các ngươi có nghe lời phán rằng: Hãy yêu kẻ lân cận,

                   và hãy ghét kẻ thù nghịch

                    Song Ta nói cùng các ngươi rằng: hãy yêu kẻ thù nghịch

                    Và cầu nguyện cho kẻ bắt bớ các ngươi

                    …

Những Lời lạ lùng đầy tràn ơn phước được rót vào lỗ tai và tấm lòng của họ.

 Chua Jesus há chẳng từng phán rằng:

               “Phước cho mắt các ngươi vì thấy được;

                 Phước cho tai các ngươi vì nghe được.

                 Quả thật, Ta nói cùng các ngươi, có nhiều đấng tiên tri,

                 Nhiều người công chính đã ước ao được thấy điều các ngươi thấy

                 Mà chẳng được thấy,

             Ước ao được nghe những điều các ngươi nghe mà chẳng được nghe” (Ma-thi-ơ 13:16-17)

Hẳn nhiều người trong số họ nghĩ trong lòng rằng:

      Thật: “Chúa đã truyền cho chúng tôi các giềng mối Chúa

                  Hầu cho chúng tôi cẩn thận giữ lấy.

                  Ồ chớ chi đường lối tôi được vững chắc

                  Để tôi giữ các luật lệ Chúa

                                                        (Thi thiên 119: 4-5)

Hẳn nhiều người trong số họ tự nói với lòng rằng:

        Thật: “Lời Chúa là ngọn đèn cho chân tôi

                   Ánh sáng cho đường lối tôi

                   Tôi đã thề gìn giữ mạng lịnh công bình của Chúa

                   Và cũng đã làm theo sự thề ấy”.

                                                          (Thi 119:105-106)

Thật có phước cho người được nghe lời Chúa mỗi ngày, hứa nguyện trong lòng làm theo lời Chúa mỗi ngày. Tuy nhiên nghe lời Chúa, hứa nguyện với Chúa là một việc, còn “cẩn thận làm theo lời Chúa” là một việc khác. Nhiều người nghe lời Chúa, hứa nguyện với Chúa nhưng không phải ai nghe, ai hứa cũng sẽ làm theo.Điều quan trọng trước mặt Chúa không phải là nghe nhưng chính là làm theo, chính vì vậy kết thúc bài giảng trên núi Chúa Jesus phán:

                   “Vậy, kẻ nào nghe và làm theo lời ta phán đây,

                     thì giống như một người khôn ngoan, cất nhà mình trên vầng đá.

                     Có mưa sa, nước chảy, gió lay, xô động nhà ấy;

                     Song không sập, vì đã cất trên đá.

                     Kẻ nào nghe lời ta phán đây, mà không làm theo,

                     Khác nào người dại cất nhà mình trên đất cát.

                     Có mưa sa, nước chảy, gió lay, xô động nhà ấy, thì bị sập, hư hại rất nhiều.

                                                                                                                            (Ma-thi-ơ 7:24-27)

Để nhận được phước hạnh thật và dài lâu con người không phải chỉ nghe. Phước hạnh chỉ đến với người cẩn thận làm theo lời Chúa. Sứ đồ Gia cơ nhắc rằng:

                    Hãy làm theo Lời, chớ lấy nghe làm đủ mà lừa dối mình.

                                                                                                  (Gia cơ 1:23)

“Chúa Jesus xuống núi,

Đoàn dân đông đúc đi theo Ngài

“Nầy, có một người phung đến gần... “

Người phung muốn đến gần Chúa Jesus: Tuy nhiên trước khi đến gần được Chúa, người phung phải chạm mặt với đám đông.

Sứ đồ Ma-thi-ơ không ghi lại những gì xảy ra khi người phung chạm mặt với đám đông, nhưng rõ ràng với một tâm lý nặng nề ở cả hai phía: người phung và đám đông, ta có thể hình dung ra tiếng kêu lên từ đám đông: Kìa người phung, người phung… và sau đó là một cảnh hổn loạn: nhiều người chạy tránh người phung, nhiều người la to xua đuổi, nhiều người thì phàn nàn sự có mặt của người phung… Cũng có thể: một ai đó trong đám đông có lòng thương xót đối với người phung, nhưng bối rối bởi nỗi sợ lây của bệnh và sự bất lực của mình.

Rõ ràng chẳng ai trong đám đông còn nhớ tới và thực hành lời dạy của Chúa Jesus mà họ đã nghe một cách say sưa khi còn ở trên núi với Ngài.

          II.CHÚA JESUS VÀ NGƯỜI PHUNG

1.    NGƯỜI PHUNG TRƯỚC MẶT CHÚA

Có ba điều người phung làm trước mặt Chúa

-          Anh đến gần Chúa

-          Anh quì gối, sấp mình sát đất và lạy Ngài

-          Anh kêu xin Ngài

ĐẾN GẦN CHÚA:

Để có thể đến gần Chúa, người phung không chỉ gặp trở ngại từ đám đông, nhưng gặp trở ngại từ luật pháp, và cũng trở ngại trong chính nội tâm của mình nữa

Luật pháp: cấm một người phung như anh, không được tiếp xúc với bất kỳ người nào, huống chi giờ nầy anh xông thẳng vào đám đông để gặp Chúa.

 Nỗi sợ hãi trong lòng cũng cản bước anh: Chạy đến gần Chúa gây nên một tình trạng hoảng loạn cho đám đông có phải là điều nên làm không? thêm nữa, nếu bị từ chối điều lòng ước ao thì mình sẽ ra sao?

 Bao nhiêu câu hỏi vấn vương trong đầu, không khỏi khiến anh chùn bước.

Tuy vậy anh nghĩ: Các thầy tế lễ tuyên anh bị bệnh phung và buộc anh phải ra khỏi cộng đồng, nhưng chẳng có ai đề cập đến việc chữa lành anh.

Đám đông dù thương hay ghét anh, cũng chẳng thể giúp gì được cho anh. Mọi hy vọng của anh chỉ còn trong Chúa Jesus: Đấng mà anh nghe rằng đã chữa lành không biết bao nhiêu người với đủ loại bệnh tật, Đấng đó há không phải đến từ trời sao, Đấng đó há không phải là Đấng duy nhất, anh đang cần đến hay sao? Vậy tại sao anh không dành cho chính mình, một cơ hội?

Anh đã quyết định: bất chấp luật pháp, bất chấp những lo ngại còn trong lòng, bất chấp rắc rối có thể đến từ đám đông: Anh chạy đến với Chúa Jesus.

QUÌ GỐI, SẤP MÌNH, LẠY CHÚA JESUS

Quì gối, sấp mặt sát đất, trước Chúa là những động tác bày tỏ sự tôn kính tột cùng đối với Ngài. Tuy nhiên người phung còn làm một điều hơn thế nữa: Anh lạy Ngài.

Quì gối, sấp mặt sát đất và lạy là chuổi hành động thờ phượng: Nói đến sự thờ phượng của một người Y-sơ-ra-el như anh, là nói đến thờ phượng Đức Chúa Trời. Điều nầy cũng có nghĩa rằng: Thờ phượng Chúa Jesus chính là thờ phượng Đức Chúa Trời

Nhà giải kinh Barclay giải thích chỗ nầy rất hay:

           Người phung nầy không thể thổ lộ với ai suy nghĩ của mình về Chúa Jesus, nhưng anh biết: đứng trước Chúa là anh đang ở trong sự hiện diện của Đức Chúa Trời. Không cần phải trình bày điều nầy bằng ngôn ngữ thần học hay triết học mà chỉ cần đứng trước Chúa Jesus đủ khiến chúng ta thấy mình đối diện với tình yêu và quyền phép của Đức Chúa Trời cao cả[1]

KÊU XIN CHÚA

Người phung không cầu xin Chúa rằng:

“Chúa ôi, con đang đau khổ vì bệnh phung, mỗi ngày thân thể con mỗi tàn tạ, mỗi ngày con khốn khổ trong tâm hồn: cả xã hội khinh chê con, xa lánh con, kinh tởm con: Chúa ôi, xin chữa lành bệnh cho con”.

Lẽ ra anh phải: mô tả hoàn cảnh bi đát của mình, và phải lên tiếng dứt khoát xin Ngài chữa lành. Nhưng thật đáng ngạc nhiên: Lời kêu xin của anh không phải như vậy.

Anh thưa với Chúa rằng:

             “Lạy Chúa, nếu Chúa khứng thì chắc có thể làm tôi sạch được tôi sẽ được”

                                                                                                             (Ma-thi-ơ 8:2)

Lời cầu xin nầy thật đặc biệt: Dù mong ước được chữa lành nhưng anh không xin, anh chỉ  bày tỏ một cách đơn giản tình cảnh của anh, và lòng tin của anh vào quyền phép của Chúa, còn việc chữa lành hay không là quyết định của Ngài.

Anh thấy không cần mô tả tỉ mĩ nan đề của anh, vì anh tin rằng Chúa biết hết mọi điều: Ngài biết rõ bệnh tật và những hậu quả đi kèm về mặt tâm sinh lý cũng như về mặt xã hội rõ ràng hơn chính anh biết về mình.

Anh không nói lên trực tiếp lời kêu xin Ngài chữa lành, vì anh tin cậy vào lòng thương xót của Chúa. Anh không nài xin Chúa chữa lành nhưng giao thác thân thể, linh hồn anh cho Ngài: Chính Ngài sẽ làm điều Ngài muốn. Lời cầu nguyện nầy thật lạ thường, phải chăng đây là điều mà Sứ đồ Phao Lô khích lệ con cái Chúa:

                   “Thường thường làm đủ mọi thứ cầu nguyện và nài xin”

                                                                                                                (Ê phê-sô 6:13)

2.    CHÚA VÀ NGƯỜI PHUNG

Sách Mac chép:

         “Chúa Jesus động lòng thương xót, giơ tay rờ người, mà phán rằng:

        Ta khứng hãy sạch đi”

                                         (Mac 1:41)

CHÚA ĐỘNG LÒNG THƯƠNG XÓT

Nhà giải kinh Barlay chú giải về lòng thương xót như sau:

Thương xót một người: không chỉ đơn giản là cảm thấy thương hại cho người trong cơn khốn khổ của họ. Thương xót một người: là khả năng đồng hóa mình vào địa vị của người ấy, cho đến chừng chúng ta nhìn sự vật bằng chính cái nhìn của người ấy, suy nghĩ bằng tâm trí của người ấy, và cảm xúc bằng chính cảm xúc của người ấy.[2]

Chính vì cảm nghiệm trọn vẹn nỗi đau của con người, nên lòng Chúa trào dâng niềm thương cảm: tình yêu Ngài như suối nguồn tuôn đỗ mạnh mẽ mà không điều gì cản trở được, để làm nên điều diệu kỳ cho con người:

 Trong số mười hai lần Ma-thi-ơ, Mac hay Lu-ca chép: “Chúa Jesus động lòng thương xót”  thì có đến tám lần phép lạ xảy ra: Người mù được thấy, người đói được chăm nuôi, người phung được sạch và người chết được sống lại.

CHÚA ĐƯA TAY RỜ NGƯỜI PHUNG

Đối với Chúa Jesus chẳng có luật nào lớn hơn luật tình yêu, Chẳng có điều gì bó buộc được Ngài ngoại trừ tình yêu: Lòng thương xót khiến tay Ngài vươn ra chạm đến thân thể lở lói của người phung, bàn tay Ngài nắm lấy bàn tay đã mất đi nhiều ngón của người bệnh.

Rờ đến người phung chúa mang lấy sự ô uế của người phung như lời chép:

               “Thật người đã mang lấy sự đau ốm của chúng ta,

                 đã gánh lấy sự buồn bực của chúng ta” (Ê-sai 53:4)

Không chỉ vậy, chạm đến người phung, Chúa đã truyền sự sống Ngài cho anh:

 Đây là lần đầu tiên kể từ khi bị bệnh, người phung được chạm vào bàn tay của một con người lành: Mà thực ra, không chỉ là bàn tay một người lành, nhưng chính là bàn tay của Đức Chúa Trời.

Đã từ lâu thân thể và con người anh không tiếp xúc với con người: Nghĩa là từ lâu anh thật sự đã chết đối với con người, thế rồi bàn tay Chúa chạm đến anh, bàn tay ấy đem lại sự nối kết:

Giờ phút tay Chúa chạm đến anh là giờ phút anh sống lại trong sự nối kết với con người. Và vì bàn tay ấy còn là bàn tay của đấng EMMANUEL, (Đức Chúa Trời ở cùng chúng ta), nên sự kết nối ấy khiến anh không chỉ sống lại trong mối tương quan với con người, mà anh còn được nối kết với chính Đức Chúa Trời hằng sống.

TA KHỨNG HÃY SẠCH ĐI

Tình yêu khiến tay Ngài đưa ra với người phung, và tình yêu cũng khiến miệng Ngài nhanh chóng đáp ứng lời kêu xin của anh:

                            “Ta khứng, hãy lành đi” (Ma-thi-ơ 8:3a)

Lời Con Đức Chúa Trời đã được ban ra: Mọi chủ quyền, mọi thế lực đều phải phục tùng Lời:

                            “Tức thì người phung được sạch”(Ma-thi-ơ 8:3b)

III.          VÂNG LỜI DỄ HAY KHÓ

     “Đức Chúa Jesus bèn phán cùng người rằng:

       Hãy giữ chớ nói cùng ai, song hãy đi tỏ mình cùng thầy cả.

       Và dâng của lễ theo như Môi-se dạy, để làm chứng cho họ”

                                                                                        (Ma-thi-ơ 8:4)

Các thầy tế lễ là những người đã khám và đã xác định bệnh của người phung, thì các thầy tế lễ cũng sẽ là người xác nhận sự lành bệnh của người phung: Cho nên Chúa Jesus phán cùng người phung được Ngài chữa lành rằng: Hãy đi tỏ mình cùng thầy tế lễ

Chúa Jesus cũng yêu cầu người được chữa lành “dâng của lễ theo như Môi-se dạy”: Chúa Jesus muốn người nầy tôn trọng luật pháp của Đức Chúa Trời qua Môi-se. Điều nầy cũng là điều tốt cho chính người phung: Người được chính thức xác nhận trước mặt không chỉ với các thầy tế lễ, mà thông qua họ là một sự xác định công khai trước mặt cộng đồng dân sự.

Các nghi lễ xác định người phung được lành, tuy phức tạp nhưng không khó thực hiện, của lễ cũng vậy: nhiều hoặc ít phụ thuộc vào khả năng tài chính của gia đình người phung.

Yêu cầu của Chúa đối với người phung không khó để thực hiện: Vấn đề là người có vâng lời hay không mà thôi.

Và kinh thánh cho biết:

               “Nhưng người ấy đi, đồn việc ấy ra, tới đâu cũng thuật chuyện,

                Đến nỗi Chúa Jesus không vào thành cách rõ ràng được nữa;

               Song Ngài ở ngoài, tại nơi vắng vẻ, và người từ bốn phương đều đến cùng Ngài”

                                                                                                                                    (Mac 1: 45)

Rõ ràng người phung được lành đã không vâng lời Chúa: Vâng lời Chúa không phải là điều dễ làm

Phải chăng: rao ra điều nhơn lành, Chúa Jesus đã làm cho mình là điều không tốt?

 Không phải vậy:

 Điều quan trọng nhất, đáng quan tâm nhất, điều phải làm trước tiên không phải là làm những gì mình nghĩ là tôt, nhưng phải là: vâng lời Chúa, là cẩn thận làm theo lời Chúa. Chúa không cấm người được chữa lành làm chứng về Ngài: Nhưng trong trường hợp cụ thể như câu chuyện trên, thì chỗ làm chứng quan trọng nhứt, thích hợp nhứt, ích lợi nhứt chính là làm chúng cho chính các thầy tế lễ: Các thầy tế lễ tuyên bố một người bị bệnh phung, họ cũng có phận sự tuyên bố xác nhận việc người phung được lành. Nhưng điều gì khiến người phung được lành, là điều họ không biết:

 Bởi đâu người phung được lành: bởi quyền phép của Con Đức Chúa Trời.

 Con người có thể chối bỏ Con Đức Chúa Trời, nhưng chẳng bao giờ có thể chối bỏ chứng cớ về quyền phép mà Con Đức Chúa Trời tỏ ra trên con người.

Con người vốn hữu hạn trong suy nghĩ và tầm nhìn của mình. Con người có thể nghĩ rằng: Làm điều nầy là tốt, là ích lợi cho Chúa và cho công việc của Đức Chúa Trời. Nhưng như có lời Chúa:

                 Vì các từng trời cao hơn đất bao nhiêu

                 Thì đường lối ta cao hơn đường lối các ngươi,

                Ý tưởng ta cao hơn ý tưởng các ngươi cũng bấy nhiêu.

                                                                                                 (Ê-sai 55: 9)

Điều tốt nhất cho người theo Chúa luôn là: cẩn thận làm theo Lời Ngài:

              “Quyển sách luật pháp nầy chớ xa miệng ngươi, hãy suy gẫm ngày và đêm,

               Hầu cho cẩn thận làm theo mọi điều chép ở trong:

               Vì như vậy ngươi mới được may mắn trên con đường mình, và mới được phước.

                                                                                                                                   (Giô-suê 1:8)

Phải: Vâng lời Chúa, cẩn thận làm theo lời Chúa, luôn là điều tốt nhất cho mỗi chúng ta


[1] William Barlay,Phúc âm Ma-thi-ơ II,Văn phẩm nguồn sống,1991,3

[2] Barlay,Phúc âm Ma-thi-ơ I, Văn phẩm nguồn sống, 1991,107