Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 23

Mọi Sự Đã Được Trọn

John Stott, mục sư và là nhà truyền giáo nổi tiếng  người Anh, gọi chúa Jesus là “Đức Chúa Trời của tôi, Đức Chúa Trời trên cây thập tự”:

Đó là Đức Chúa Trời tôi, Đức Chúa Trời trên cây thập tự là điều mà người thành Cô-rinh-tô xưa, cũng như vô vàn con người trên đất qua các thời đại, xem là điều rồ dại (Icor 1:8)

Đó là Đức Chúa Trời tôi, Đức Chúa Trời trên cây thập tự: Đấng đã vì tôi bằng lòng bước vào thế giới tối tăm, đầy dẫy hận thù, chết chóc, với những con người xảo quyệt, lường gạt, hung bạo, bất nghĩa, bất nhân. Ngài đến để chịu treo thân trên thập tự giá vì tội lỗi tôi và toàn thể nhân loại nầy.

Đó là Đức Chúa Trời tôi, Đức Chúa Trời trên cây thập tự: Đấng mà tay chân bị đóng chặc vào cây gỗ, khuôn mặt đầy mồ hôi và máu, môi khô, lưỡi cứng, thân hình vặn vẹo và mỗi một cữ động là một đau đớn tột cùng kèm theo.

Đó là Đức Chúa Trời tôi, Đức Chúa Trời trên cây thập tự: Đấng khi sắp thở hơi cuối cùng, trong tư cách một sinh tế định sẵn của Đức Chúa Trời, đã công bố việc của Ngài và quyền phép của Đức Chúa Trời trên thập tự giá rằng: MỌI SỰ ĐÃ ĐƯỢC TRỌN.

- Trong mọi sự đã được trọn ấy, Ngài đã khiến một người đã chết trong tội lỗi như tôi, được sống lại trong sự sống lại của Ngài

- Trong mọi sự đã được trọn ấy, Ngài đã khiến một người đáng ở trong sự đoán phạt đời đời như tôi, được tha thứ .

- Trong mọi sự đã được trọn ấy, Ngài đã khiến một người bị cai trị bởi quyền lực của Satan như tôi, được giải phóng trọn vẹn, trong sự chiến thắng của Ngài trên thập tự giá, như điều đã được chép trong Cô-lô-se 2:13-15 như sau:

        “Khi anh em đã chết bởi tội lỗi mình, và sự xác thịt mình không chịu cắt bì,

         thì Đức Chúa Trời đã khiến anh em được sống lại với Đấng Christ, vì đã tha thứ

         hết mọi tội chúng ta. Ngài đã xóa bỏ tờ khế lập nghịch cùng chúng ta, các

         điều   khoản trái với chúng ta nữa, cũng phá hủy tờ khế đó và đóng đinh trên cây

         thập tự  Ngài đã truất bỏ các quyền cai trị cùng các thế lực, dùng thập tự giá

         chiến thắng chúng nó, và nộp ra tỏ tường giữa thiên hạ” (Cô-lô-se 2:13-15).

Trong ba câu kinh thánh ngắn ngủi đó chữ “Đã” xuất hiện đến 5 lần (đúng ra là 7 lần, vì ở các bản kinh thánh bằng ngôn ngữ khác, trong ba câu kinh thánh nầy, có đến 7 lần các động từ được dùng ở thì quá khứ). Chúng ta sẽ cùng suy gẫm đoạn kinh thánh nầy trong 4 điều sau:

-          Chúng ta đã chết

-          Bởi thập tự giá Ngài đã khiến chúng ta sống lại

-          Bởi thập tự giá Ngài đã tha thứ mọi tội cho chúng ta, đã xóa bỏ tờ khế lập nghịch cùng chúng ta

-          Bởi thập tự giá Ngài đã truất bỏ quyền cai trị của Satan trên đời sống chúng ta

I.                 CHÚNG TA ĐÃ CHẾT

Những người vô thần thì cho rằng: Chết là hết, chết là chấm dứt mọi sự, thực ra không phải vậy, Kinh Thánh khải thị cho chúng ta biết rằng: Chết không phải là chấm dứt, chết là phân cách. Khi nhận thư của Phao-lô, những tín hữu Cô-lô-se đang còn hít thở không khí, đang còn ăn uống, ngủ nghỉ, đang còn nói năng, làm việc...do vậy: “Đã chết” ở đây là chết thuộc linh nghĩa là bị phân cách với Đức Chúa Trời: nguồn của sự sống.

Tuy chết là phân cách, nhưng sứ đồ Phao-Lô không viết rằng: Anh em đã bị phân cách với Đức Chúa Trời, và Đấng Christ sẽ đem anh em hòa lại với Ngài. Viết như vậy hoàn toàn chính xác, nhưng sứ đồ Phao-Lô không viết vậy, Bởi sự cảm thúc của Chúa Thánh Linh, ông muốn nhấn mạnh đến tình trạng nặng nề, tuyệt vọng của chúng ta:

 Sứ đồ Phao-lô viết ANH EM ĐÃ CHẾT: Một người đã chết thì không còn là người nữa: Đó chỉ là một cái xác. Dầu chúng ta yêu thương: Tô điểm phấn son trên mặt, áo quần trên thân, giày vớ trên chân, nhưng xác chết vẫn chỉ là xác chết: Xác chết bị đặt vào tìến trình hũy hoại, phân rã, hôi thối. Người chết không còn tri giác, không có nối kết nào với con người và sự vật nữa. Người chết thuộc linh cũng vậy: Không có kết nối với Đức Chúa Trời và công việc của Ngài. Người chết thuộc linh cũng đang trong tiến trình hũy hoại, và nếu không có sự thây đổi nào, thì khi sự chết thuộc thể đến, con người bước vào sự chết đời đời: Nghĩa là phân rẽ mãi mãi với Đức Chúa Trời và hiện diện thường trưc trong hình án đời đời của hỏa ngục.

Sứ đồ Phao-Lô viết: ANH EM ĐÃ CHẾT để chúng ta ý thức về tình trạng bơ vơ, khốn khổ, không hy vọng của con người: Ông giúp chúng ta nhớ lại:

                “Trong thuở đó anh em không có Đấng Christ, ngoại quyền công dân trong

                 Y-sơ-ra-en, không dự vào giao ước của lời hữa, ở thế gian không có sự trông cậy,

                 không có Đức Chúa Trời”.  (Ê-phê-sô 2:12)

                    Sứ đồ Phao-Lô viết: CHÚNG TA ĐÃ CHẾT, nhấn mạnh đến tình trạng khôn khó của chúng ta, qua đó khơi dậy nơi chúng ta lòng khao khát được cứu chuộc, khao khát được một đời sống mới: Sống bởi Đức Chúa Trời, sống trong Đức Chúa Trời, sống phục sự Đức Chúa Trời và sống yêu thương con người.

II.BỞI THẬP TỰ GIÁ, NGÀI ĐÃ KHIẾN CHÚNG TA SỐNG LẠI

            Tại sao chúng ta chết? Câu trả lời là:

                                        “ Chúng ta đã chết vì tội lỗi mình và sự xác thịt mình không chịu cắt bì”

                                                                                                                                                             (Cô-lô-se 2: 13a)

                    Tội lỗi làm chúng ta chết. đây sứ đồ Phao lô phân biệt hai loại tội:

-          Tội lỗi mình: hay gọi là kỷ tội là những quá phạm mà chúng ta làm ra trong cuộc đời mình: “Gian dâm, ô uế, luông tuồng, thờ hình tượng, phù phép, thù oán, tranh đấu, ghen ghét, buồn giận, cải lẫy, bất bình, bè đảng, ganh gổ, say sưa, mê ăn uống

cùng những sự khác giống như vậy” (Gal 5:19)

-          Còn xác thịt mình không chịu cắt bì: là xác thịt chúng ta thừa hưởng từ tổ phụ mình là Adam, người vốn phạm tội từ buổi sáng thế. Tội Adam di truyền qua các đời đến với chúng ta: Tội ấy thuộc về bản chất mà các nhà thần học gọi là nguyên tội

Các tôn giáo ra từ loài người cũng có ý thức về tội, tuy nhiên các tôn giáo ấy tập chú vào kỷ tội: Họ cố gắng bằng các kiểu tu trì để hạn chế kỷ tội, nhưng họ không biết rằng: Kỷ tội chỉ là ngọn, còn nguyên tội mới là gốc: Con người luôn ngạc nhiên khi nghe lẽ thật nầy: Không phải tôi làm ra tội, nên tôi trở thành một tội nhân trước mặt Đức Chúa Trời, nhưng vì tôi là một tội nhân trước mặt Đức Chúa Trời, nên tôi cứ làm ra tội.

Do vậy: Sự cứu rỗi, trước hết, phải là sự cứu rỗi con người khỏi nguyên tội: bằng sự sống lại trong đời mới

Và các tôn giáo ra từ loài người cũng không đánh giá đúng về hậu quả của tội: Kinh Thánh khải thị cho con người biết: “Tiền công của tội lỗi là sự chết” (Roma 6:23a)

Người ta không thể thay cái giá về tội: Dù cố gắng làm lành, lánh dữ, dù cố gắng tu thân, tích đức, dù cố gắng làm nhiều điều từ thiện, thì những cố gắng đó cũng không thể thay cho cái giá đã định cho tội lỗi là sự chết: Giá đúng và đủ con người phải trả là giá mà chúa Jesus, con Đức Chúa Trời, Đấng vô tội, đã trả bằng cái chết trên cây thập tự

-          Đấng vô tội thì không thể chết, nhưng Ngài đã chết, nghĩa là Ngài đã trả cái giá mà đúng ra con người phải trả

-          Đức Chúa Trời là Đấng công bình không thể để Đấng vô tội trong sự chết, vì vậy Ngài đã khiến Đấng Christ sống lại từ trong kẻ chết

Qua đó :

                      Thập tự giá trở thành nơi biểu dương sự công bình của Đức Chuá Trời

                       Thập tự giá là nơi chứng minh sự công bình của Chúa Jesus

                      Và Thập tự giá cũng là nơi làm ra sự công bình cho những kẻ tin vào sự chết chuộc tội của Chúa Jesus. Vì khi tin vào Chúa cứu Thế Jesus thì chúng ta:

                  “Nhờ ân điển Ngài mà được xưng công bình, bởi sự chuộc tội

                  đã làm trọn trong Đưc Chúa Jesus Christ” (Roma 3:24)

Đức Thánh Linh đã đem chúng ta vào trong Chúa Jesus, nghĩa là chúng ta nhận phép Baptem trong Ngài và kết quả được chỉ ra trong Cô-lô-se 2:12:

                 Anh em đã bởi phép Baptem được chôn với Ngài thì cũng được

                sống lại với Ngài, bởi đức tin trong quyền phép Đức Chúa Trời

                là Đấng đã khiến Ngài từ kẻ chết sống lại (Cô-lô-se 2:12)

Đức Chúa Jesus đã sống lại với thân thể phục sinh, để những kẻ ở trong Ngài cũng được sống lại trong sự sống phục sinh của Ngài: Họ đã là người mới: Sự sống mới từ Đấng phục sinh tuôn đổ trong họ, để cuộc đời họ là cuộc đời mới:

                 “Vì nếu ai ở trong Đấng Christ, thì nấy là người được dựng nên mới,

                  mọi sự cũ đã qua đi, nầy mọi sự đều trở nên mới” (Ii cor 5:17).

Người mới là người được sinh lại trong Đấng Christ để sống cuộc đời mới: Sống bởi Đức Chúa Trời, sống trong Đức Chúa Trời, sống phục sự Đức Chúa Trời và sống yêu thương con người

III. BỞI THẬP TỰ GIÁ NGÀI THA THỨ MỌI TỘI CHO CHÚNG TA

Sứ đồ Phao Lô viết tiếp:

                 “Và đã tha thứ hết mọi tội chúng ta, Ngài đã xóa tờ khế lập nghịch cùng

                  chúng ta, các điều khoản trái với chúng ta nữa, cùng phá hủy tờ khế đó

                 mà đóng đinh trên cây thập tự” (Cô-lô-se 2:13b-14)

Sự tha thứ của Đức Chúa Trời đối với chúng ta luôn là một ân điển: Vì chúng ta không xứng đáng để được tha thứ. Đức Chúa Trời tha thứ cho chúng ta căn cứ trên những gì Chúa Jesus đã làm trên thập tự giá:

Chúa chết trên cây thập tự để chúng ta được tha thứ và được sống, Chúa gánh sự rủa sả trên cây thập tự để chúng ta được tha thứ khỏi sự rủa sả, được  vui mừng, phước hạnh.

Bởi thập tự giá, Chúa Jesus đã cứu chúng ta một cách trọn vẹn về sự chết và về sự rủa sả mà chúng ta đáng phải nhận: Điều nầy đã được khẳng định một cách chắc chắn bởi Lời của Đức Chúa Trời.

Tuy nhiên trong thực tế chúng ta thấy: Trong nhiều gia đình cơ đốc: Hết thế hệ nầy đến thế hệ khác cứ phải vật lộn với đói rét, nghèo khổ, thiếu thốn, trong nhiều gia đình cơ đốc vẫn có người mắc phải bệnh tâm thần, tôi thấy có gia đình cơ đốc trong đó mỗi người con trưởng nam đều chết trẻ một cách thảm thương, và nếu không vậy, thì vướng phải bệnh tâm thần, cũng có gia đình cơ đốc mà hầu hết anh chị em trong nhà đều mắc phải bệnh ung thư: Đó há không phải là sự rủa sả đeo đẳng trong các gia đình ấy sao? Chúng ta phải giải thích điều nầy thế nào?

Có một điều rất đáng ngạc nhiên về tương quan giữa tội lỗi và luật pháp của Đức Chúa Trời: Trong I Cor 15:55-56 chép

                  “Hởi sự chết cái nọc mầy ở đâu? Cái nọc của sự chết là tội lỗi,

                   sức mạnh của tội lỗi là luật pháp”

Tại sao sức mạnh của tội lỗi là luật pháp, vốn là lời của Đức Chúa Trời? Sứ đồ Phao-lô giải thích:

                “Xưa kia không có kinh luật thì tôi sống, nhưng khi có điều răn thì tội lỗi sống lại,

                 còn tôi thì chết, tôi nhận ra rằng điều răn nhằm đem sự sống thì lại đưa đến chỗ

                 chết. Vì qua điều răn, tội lỗi lợi dụng cơ hội lừa dối tôi, giết chết tôi.

                 Cho nên kinh luật là thánh, điều răng cũng là thánh, công chính và tốt lành.

                 Vậy điều lành trở thành sự chết cho tôi sao? Chẳng hề như vậy; nhưng chính tội lỗi,

                đã lấy điều lành làm cho tôi chết, hầu cho nó hiện rõ ra là tội lỗi.

                 Như thế, qua điều răn, tội lỗi đã trở thành cực ác” (Roma 7:9-13 BDM)

Trước khi dân Y-sơ-ra-en tiến vào đất hứa, Môi-se truyền lịnh rằng: Đại diện của 6 chi phái trong Y-sơ-ra-en sẽ đứng trên núi Ga-ri-xim chúc phước cho dân sự và đại diện của 6 chi phái còn lại đứng trên núi Ê-banh rủa sả dân sự:

               “Người Lê-vy cất tiếng nói lớn lên cùng mọi người nam trong Y-sơ-ra-en mà rằng:

                Đáng rủa sả thay là kẻ làm tượng chạm hay là tượng đúc là vật gớm ghiết cho

               Đức Giê-hô-va, công việc bởi tay người thợ, dựng nó lên trong nơi kín nhiệm.

               Cả dân sự phải đáp lại: A-men

               Đáng rủa sả thay người nào khinh bỉ cha mẹ mình ! Cả dân sự phải đáp lại: A-men

               Đáng rủa sả thay là kẻ dời mọc giới của kẻ lân cận mình! Cả dân sự phải đáp lại: A-men

               Đáng rủa sả thay người nào là cho người mù lạc đường! Cả dân sự phải đáp lại: A-men

               Đáng rủa sả thay người nào làm cong vạy pháp chánh của khách lạ, kẻ mồ côi,

               người góa bụa! Cả dân sự phải đáp lại :A-men

               Đáng rủa sả thay kẻ nào nằm cùng vợ kế của cha mình! Vì kẻ đó làm nhục cha mình.

               Cả dân sự phải đáp lại: A-men

               Đáng rủa sả thay kẻ nào nằm cùng con thú nào! Cả dân sự phải đáp rằng: A-men

               Đáng rủa sả thay kẻ nào nằm cùng chị em mình hoặc một cha khác mẹ hoặc

               một mẹ khác cha cả dân sự phải đáp lại: A-men

               Đáng rủa sả thay kẻ nào nằm cùng bà gia mình! Cả dân sự phải đáp A-men

               Đáng rủa sả thay kẻ đánh trộm kẻ lân cận mình! Cả dân sự phải đáp lại: A-men

               Đáng rủa sả thay kẻ nào nhận của hối lộ để giết người vô tội!

               cả dân sự phải đáp A-men

               Đáng rủa sả thay kẻ nào không giữ các lời của luật pháp nầy để làm theo!

               Cả dân sự phải đáp: A-men” (Phục truyền 27:14-26)

Người Y-sơ-ra-en xưa đã đại diện cho cả loài người lập lời thề trước mặt Đức Chúa Trời nghĩa là làm nên nên tờ khế trước mặt Ngài:

 Các điều răn của tờ khế là thánh, là công chính, là tốt lành nhằm hướng dẫn chúng ta sống tốt đẹp trước mặt Đức Chúa Trời và loài người. Nhưng khi chúng ta phạm tội, tờ khế nầy lại là căn cứ để sự rủa sả giáng trên chúng ta.

Dù chúng ta là ai, chúng ta cũng chẳng thể tránh khỏi tội lỗi, và dù có người nghĩ rằng họ vô tội thì họ cũng không thể phủ nhận rằng tổ phụ họ cũng đã phạm tội. Luật pháp bày tỏ rằng:

                “Vì Ta là Giê-Hô-va, Đức Chúa Trời ngươi, tức là Đức Chúa Trời kỵ tà,

                hễ ai ghét Ta, Ta sẽ nhơn tội tổ phụ phạt lại con cháu đến ba bốn đời.

                                                                                                                     (Phục truyền 5:9)

Tội lỗi của chính chúng ta và của cả tổ phụ chúng ta khiến chúng ta vi phạm các điều răn đã được ghi trong luật pháp: Tờ khế đang ở trước mặt chúng ta và sự rủa sả đang ở trên đầu chúng ta.

Satan là kẻ kiện cáo lợi dụng luật pháp của Đức Chúa Trời, dựa trên các điều khoản của tờ khế đã được lập ra, và căn cứ trên sự vi phạm của chúng ta, mà thực hành các sự rủa sả trên gia tộc chúng ta, trên gia đình, trên đời sống, và trên dòng dõi của chúng ta.

Nhưng thực ra Satan đã lừa dối chúng ta. Nó lừa dối như thế nào?

Thường thì chúng ta không phân biệt rõ ràng điều Chúa Jesus phán về luật pháp và về chính lời Ngài.

 Về Luật pháp Chúa Jesus phán:

                      “Đang khi trời đất chưa qua đi, thì một chấm, một nét trong luật pháp

                       cũng không qua đi cho đến khi mọi sự được trọn” (Ma-thi-ơ 5: 18)

Còn về lời của chính Ngài thì:

                    “Trời đất sẽ qua đi nhưng lời ta nói chẳng bao giờ qua đi” (Ma-thi-ơ 24:35)

Hai lời nầy khác nhau:

 Lời của Chúa Jesus là lời có giá trị đời đời: dù trời đất còn, hay đã qua đi, nên thẩm quyền của Lời Chúa Jesus là thẩm quyền tối hậu

Còn Luật pháp có giá trị: trong khi trời đất chưa qua đi, và mỗi lời đó có giá trị: cho đến khi lời đó được trọn.

Trên thập tự giá, chúa Jesus công bố : MỌI SỰ ĐÃ ĐƯỢC TRỌN nghĩa là Ngài đã trả hết mọi NỢ TỘI mà con người mắc phải, vì Ngài đã chịu đoán phạt thay cho những kẻ tin danh Ngài:

                  “Cho nên hiện nay chẳng còn có sự đoán phạt nào cho những kẻ ở trong

                   Đức Chúa Jesus Christ” (Roma 8:1)

 Bởi đó Chúa Jesus là Đấng duy nhất có thẩm quyền tối hậu công bố sự tha tội cho kẻ tin danh Ngài.

                      “Ngài đã tha thứ hết mọi tội chúng ta” (Cô-lô-se 2:13b)

Không dừng lại ở đó, Ngài muốn chúng ta không mắc mưu Satan nên:

                     “Ngài đã xóa bỏ tờ khế lập nghịch cùng chúng ta, các điều khoản trái

                     với chúng ta nữa, cũng phá hủy tờ khế đó mà đóng đinh trên cây thập tự”

                                                                                                                               (Cô-lô-se 2:14)

Bởi Chúa Jesus, Đức Chúa Trời chúng ta trên thập tự giá, chúng ta đã được tha thứ trọn vẹn, đã được tự do trọn vẹn, sự rủa sả không còn trên chúng ta nữa:

 Trước sự hiện diện của Ba Ngôi Đức Chúa Trời, và toàn cõi linh giới, chúng ta có quyền nhân danh Chúa Đức Jesus Christ tuyên bố sự tha thứ nầy và tuyên bố bẻ gảy sự rủa sả trên chúng ta, gia đình chúng ta, con cái chúng ta và dòng dõi chúng ta.

IV. BỞI THẬP TỰ GIÁ, ĐỨC CHÚA TRỜI TRUẤT BỎ QUYỀN CAI TRỊ CỦA KẺ THÙ ĐỊCH TRÊN CHÚNG TA

Sứ đồ Phao-lô viết tiếp:

               “Ngài đã truất bỏ các quyền cai tri cùng các thế lực, dùng thập tự giá

                chiến thắng chúng nó, và nộp ra tỏ tường giữa thiên hạ” (Cô-lô-se 2:15)

Trong buổi sáng thế, Satan đã thành công trong việc cám dỗ Adam và Eva ăn trái cấm và phải nhận hình án là sự chết cho chính mình và cho dòng dõi theo sau: ”Sự chết” đã là vũ khí trong tay Satan, Satan dùng vũ khí nầy khống chế con người và cai trị họ.

Tuy nhiên Đức Chúa Trời cũng đã công bố sự thất bại của Satan ngay từ buổi sáng thế :

             “Ta sẻ làm cho mầy cùng người nữ,dòng dõi mầy cùng dòng dõi người nữ

              nghịch thù nhau. Người sẽ giày đạp đầu mầy, còn mầy thì sẽ cắn gót chân người”

                                                                                                                       (Sáng thế ký 3:15)

Khi Chúa Jesus đến trong thế gian, Satan cùng với các thế lực của nó tìm mọi cách loại bỏ Ngài, bằng cách giết chết Ngài:

Khi biết được Chúa Jesus vừa giáng sinh tại Bêt-lê-hem như đã được dự ngôn (Ê-sai 7:17, Mi-chê 5:2), Satan đã dùng tay Hê-rôt, vua của xứ Giu-đe lúc bấy giờ, sai quân lính tìm giết Chúa. Nhưng bởi sự bảo vệ diệu kỳ của Đức Chúa Trời chí cao, Satan thất bại trong âm mưu của mình.

Trong suốt chức vụ của Chúa Jesus trên đất, Satan đã dùng tay các thầy tế lễ, các thầy thông giáo, người Pha-ri-si, người Sa-đu-sê tìm mọi cách ngáng trở, gài bẫy, chống phá công việc của Chúa.

Cuối cùng, tưởng như Satan đã đạt được thắng lợi lớn nhất của nó, khi dùng các thế lực tôn giáo cũng như chính trị bắt Chúa Jesus: đánh đập, sĩ nhục và đóng đinh Ngài trên cây thập tự.

Nhưng Satan không thể ngờ rằng: Cái chết của Đấng vô tội, con Đức Chúa Trời trên thập tự giá lại làm nên chiến thắng cho Ngài. Trên thập tự giá Con Đức Chúa Trời công bố sự chiến thắng rằng: MỌI SỰ ĐÃ ĐƯỢC TRỌN.

Đến lúc đó, Satan cũng chưa hiểu vì sao lại có lời công bố kỳ lạ nầy, chỉ đến khi Đức Chúa Trời căn cứ trên luật công bình: “Không thể giữ Đấng vô tội trong sự chết”, Ngài đã khiến Đấng bị treo thân trên thập tự sống lại.

Chúa Jesus đã sống lại từ trong kẻ chết và trở thành:

                  “Trái đầu mùa của những kẻ ngủ”(I Cor 15:20b)

Chúa Jesus đã bứt đứt dây trói của sự chết không chỉ cho chính Ngài mà còn cho mọi kẻ tin vào Ngài: Sự chết không còn hiệu lực trên kẻ ở trong Đấng Christ nữa. Satan đã bị tước vũ khí rồi, Satan đã chính thức bị đánh bại đến đời đời rồi, không còn có thể dọa nhát đối với người thuộc về Đấng Christ nữa: Đức Chúa Trời đã truất bỏ quyền cai trị độc ác của nó rồi:

                “Ngài đã truất bỏ các quyền cai trị cùng các thế lực, dùng thập tự giá

                 chiến thắng chúng nó, và nộp ra tỏ tường giữa thiên hạ” (Cô-lô-se 2:15)

Sứ đồ Phao-lô mượn hình ảnh cuộc diễu hành chiến thắng trong thời đế quốc Roma khi xưa, để bày tỏ việc Satan và các thế lực của nó bị đánh bại:

Trong cuộc diễu hành xưa: Kẻ bại trận bị lột trần, đeo xiềng và bị dẫn đi qua phố giữ tiếng kèn tiếng trống để mọi người biết.

Chiến thắng của Đấng Christ là chiến thắng cho chúng ta:

Chiến thắng ấy đã được công bố, đã bày ra tỏ tường giữa thiên hạ, để chúng ta không còn phải sợ, không còn phải khuất phục dưới quyền cai trị của Satan và các thế lực độc ác của nó nữa. Chúng ta được bình an trong Chúa vì Ngài phán với chúng ta rằng:
              “Ta đã bảo các ngươi những điều đó, hầu cho các ngươi có lòng bình yên

               trong ta. Các ngươi sẽ có sự hoạn nạn trong thế gian, nhưng hãy cứ vững lòng,

              TA ĐÃ THẮNG THẾ GIAN RỒI” (Giăng 16:33)