“Hỡi anh em, về phần tôi, khi tôi đến cùng anh em, chẳng dùng lời cao xa hay là khôn sáng mà rao giảng cho anh em biết chứng cớ của Đức Chúa Trời” (câu 1).
Câu hỏi suy ngẫm: Sứ đồ Phao-lô khẳng định vai trò của ông trong công tác rao truyền Phúc Âm là gì? Lời xác định này có ý nghĩa thế nào trong việc hoàn thành trách nhiệm Chúa giao phó? Tại sao có nhiều người nhiệt tình làm chứng cho Chúa nhưng thất bại?
Trong hành trình truyền giáo lần thứ hai của Sứ đồ Phao-lô, ông đã có dịp đến thăm thành Cô-rinh-tô và rao giảng Phúc Âm tại đây. Vì thế, trong thư thứ nhất viết cho những tín hữu tại Cô-rinh-tô, ông nhắc họ nhớ rằng, đức tin mà ngày nay họ đặt nơi Chúa Giê-xu Christ chính là do họ đã được nghe ông làm chứng về Phúc Âm. Và ông cũng muốn khẳng định lại với các tín hữu tại nơi đây rằng khi ông giới thiệu Phúc Âm, ông hoàn toàn “chẳng dùng lời cao xa hay là khôn sáng” (câu 1), vì ông xác định rõ vai trò của mình trong công tác rao truyền Phúc Âm không phải là nhà hùng biện hay một triết gia, song là người làm chứng lại “chứng cớ của Đức Chúa Trời” (Công-vụ Các Sứ-đồ 22:1-15). Có lẽ vì những tín hữu tại Cô-rinh-tô quá tôn sùng tri thức và triết lý, đến nỗi họ đã tôn cao những đối tượng dùng những “lời cao xa” “khôn sáng” dạy dỗ chân lý. Từ đó gây nên sự chia rẽ trong Hội Thánh của Chúa. Sứ đồ
Phao-lô đã nhấn mạnh vai trò của mình chỉ là chứng nhân để làm chứng lại những chứng cớ hay huyền nhiệm của Đức Chúa Trời mà thôi.
Xác định điều này sẽ giúp cho chúng ta tập trung chu toàn trách nhiệm. Vì khi ý thức vai trò của mình là chứng nhân, chúng ta sẽ không thêm hay bớt vào nội dung mà mình sẽ làm chứng, cũng sẽ không lo lắng về những lời chứng mình có hấp dẫn hay có làm vui tai người nghe hay không, nhưng cứ chuyên tâm thuật lại một cách trung thực những điều chính đời sống mình đã được trải nghiệm và đổi mới như thế nào. Sứ đồ Phao-lô không chiều theo người Cô-rinh-tô để nói những điều vui họ thích nghe, nhưng ông đến với họ trong cương vị là một chứng nhân trung thực để trình bày cho họ biết về Phúc Âm cứu rỗi. Ngày nay, vẫn không ít người nhiệt tình ra đi làm chứng cho Chúa nhưng lại thích thêm thắt vào lời chứng những điều huyễn hoặc, những triết lý về sự khôn ngoan của đời với mong muốn làm vui tai người nghe, hoặc dùng những kiến thức của mình để tranh cãi hơn thua với người mình làm chứng. Làm chứng như vậy có thể thu hút nhiều người tin nhưng không đem họ đến với chân lý, thu hút nhiều người theo nhưng không giúp họ sở hữu món quà cứu rỗi mà Chúa ban tặng.
Đức Chúa Trời muốn bạn trở nên một chứng nhân cho Ngài. Bạn đã thực hiện công tác chứng nhân như thế nào?
Lạy Đức Chúa Trời! Xin giúp con tìm điều vui lòng Chúa khi làm chứng nhân của Phúc Âm, trung thành rao truyền chứng cớ của Đức Chúa Trời.
(c) 2024 svtk.net