Trang Chủ :: Chia Sẻ

Ngày 10

Chậm Giận

Châm-ngôn 15:18; Gia-cơ 1:19-21

"Người hay giận gây điều đánh lộn; nhưng người chậm nóng giận làm nguôi cơn tranh cãi" (Châm-ngôn 15:18 Bản Truyền Thống—BTT). "Kẻ nhạy giận thường gây xung đột, nhưng người chậm giận làm yên cuộc tranh cãi" (Châm-ngôn 15:18).

Câu hỏi suy ngẫm: Nhạy giận gây ra những tác hại nào? Chậm giận đem đến những ích lợi ra sao? Làm thế nào bạn kiềm chế được cơn giận?

Giận là một phản ứng tự nhiên của con người bày tỏ cảm xúc khi bị tấn công, xúc phạm, lừa dối hay thất bại. Tuy nhiên, nếu không kiềm chế cơn giận, con người sẽ mất kiểm soát cảm xúc hoặc mất bình tĩnh. Vua Sa-lô-môn cho thấy rõ ràng sự khác nhau giữa người nhạy giận và chậm giận. Người nhạy giận, nóng tính, thường gây xung đột, cãi vã, nhưng người chậm giận làm yên cơn tranh cãi, dịu cuộc đôi co. Người mau giận lý trí bị che mờ dẫn đến những suy nghĩ không chín chắn, lời nói, việc làm thiếu chuẩn mực. Từ "đánh lộn" hay "xung đột" trong nguyên ngữ là yegareh, cũng có nghĩa là bất hòa, hoặc tranh cãi. Người "chậm nóng giận" hay nhẫn nại là người khôn ngoan, nguyên ngữ là erek (xem Châm-ngôn 14:29) có nghĩa là người làm chủ được cơn giận của mình để quay trở lại trạng thái hòa bình và yên tĩnh. Cơn giận mất kiểm soát sẽ biến tình yêu ra hận thù, từ bình yên thành rối loạn. Một người phẫn nộ không thể kiểm soát được phẫn uất đang bùng cháy trong mình nên dễ làm những điều dại dột (xem Châm-ngôn 14:17; 22:24; 25:28).

Ông Gia-cơ khẳng định: "Cơn giận của người ta không làm nên sự công bình của Đức Chúa Trời" (Gia-cơ 1:20). Trong vườn Ghết-sê-ma-nê, Sứ đồ Phi-e-rơ tỏ ra chậm nghe nhưng mau nói và mau giận nên đã dùng gươm chém đứt tai người đầy tớ của thầy tế lễ thượng phẩm, suýt phạm tội sát nhân và gây bạo loạn. Cơ Đốc nhân cần thể hiện phẩm tính "nhu mì" của trái Thánh Linh. Lòng nhu mì sẽ chống lại cơn giận dữ. Khi càng yêu Chúa, lòng chúng ta càng nhu mì trước mặt Chúa và trước mặt mọi người, đồng thời cũng giúp nguội dần cơn giận. Sứ đồ Phao-lô dạy: "Phải bỏ khỏi anh em những sự cay đắng, buồn giận, tức mình, kêu rêu, mắng nhiếc, cùng mọi điều hung ác. Hãy ở với nhau cách nhân từ, đầy dẫy lòng thương xót, tha thứ nhau như Đức Chúa Trời đã tha thứ anh em trong Đấng Christ vậy" (Ê-phê-sô 4:31-32).

Trong cuộc sống, kể cả trong sự phục vụ Chúa với nhau, không tránh khỏi những bất đồng, thậm chí xung đột. Chúng ta chỉ có thể cư xử với người khác bằng những gì chúng ta đã nhận được từ nơi Chúa, cho nên chỉ khi nhận biết tình yêu và sự tha thứ của Chúa dành cho chúng ta quá lớn, chúng ta mới có thể cầu xin Chúa giúp chúng ta sống yêu thương, tha thứ anh chị em mình. Đây chính là nền tảng để chúng ta kiềm chế cơn giận, sống nhu mì và chậm giận trong mối liên hệ với nhau.

Bạn có thành công trong việc kiềm chế cơn giận không?

Tạ ơn Chúa đã chậm giận khi con phạm tội, để mọi lời nói, việc làm của con đem lại tình yêu thương cho mọi người. Xin dạy con chậm giận và giúp con học được tình yêu của Ngài.

(c) 2024 svtk.net