1 Hỡi anh em, sau hết, anh em hãy vui mừng trong Chúa! Tôi chẳng hề sợ phiền mà lại viết những điều nầy cho anh em nữa, vì ấy là có ích cho anh em.
2 Hãy coi chừng loài chó. Hãy coi chừng kẻ làm công gian ác. Hãy coi chừng phép cắt bì giả. 3 Vì, ấy chính chúng ta là kẻ chịu phép cắt bì thật, là kẻ cậy Thánh Linh Đức Chúa Trời mà hầu việc Đức Chúa Trời, khoe mình trong Đấng Christ và không để lòng tin cậy trong xác thịt bao giờ.
1. “Chữ “sau hết” (c. 1a) hàm ý gì? Tại sai Phao-lô nói “sau hết” ở đây?
2. Thế nào là “vui mừng trong Chúa” (c. 1a)?
3. Tại sao “viết những điều nầy cho anh em nữa” lại “có ích cho anh em” (c. 1b)?
4. Những đối tượng Phao-lô bảo phải coi chừng là gì (c. 2)? Tại sao?
5. “Phép cắt bì giả” và “phép cắt bì thật” (c. 3) khác nhau thế nào?
6. Thế nào là “để lòng tin cậy trong xác thịt” (c. 3b)?
Chữ sau hết (c. 1a) có thể là dấu hiệu cho thấy Phao-lô muốn kết thúc lá thư ở đây, tuy nhiên ông đã quay sang một đề tài khác cho đến 4:4 mới trở lại đề tài vui mừng. Một số các nhà giải nghĩa Kinh Thánh thì cho rằng sau hết chỉ có nghĩa “sau đây” hay “để tiếp tục” chứ không mang ý nghĩa kết thúc.
Phao-lô kêu gọi các tín hữu:
Anh em hãy vui mừng trong Chúa (c. 1a)
Trong Chúa mang ý nghĩa “vì chúng ta thuộc về Chúa” (ở trong Chúa chúng ta có sự vui mừng) hay “vì những gì Chúa đã làm.” Cả câu Hãy vui mừng trong Chúa cũng tương đương như chữ Ha-lê-lu-gia (“Hãy ngợi khen Chúa”) trong Cựu Ước.
Câu: Tôi chẳng hề sợ phiền mà lại viết những điều nầy cho anh em nữa (c. 1b) là nói đến những điều Phao-lô viết tiếp theo. Sợ phiền, trong nguyên văn mang ý nghĩa bảo đảm an toàn (safeguard):
Tôi không ngại mà nhắc lại những điều nầy với anh em, vì đó là sự an toàn cho anh em (c. 1b, BHĐ)
Những điều Phao-lô bảo phải coi chừng là: loài chó, kẻ làm công gian ác và phép cắt bì giả. Phao-lô ám chỉ ai qua những danh xưng nầy? Trong câu tiếp theo, Phao-lô cho thấy ông và các tín hữu Phi-líp là những người:
(1) Chịu phép cắt bì thật
(2) Cậy Thánh Linh Đức Chúa Trời mà hầu việc Đức Chúa Trời.
(3) Khoe mình trong Đấng Christ.
(4) Không để lòng tin cậy trong xác thịt bao giờ.
Đây là những điều ngược lại với nhóm người Phao-lô mô tả trong câu 2. Trong suốt cuộc đời chức vụ, kẻ thù mà Phao-lô phải luôn luôn chống lại là những người Do-thái tin Chúa Giê-xu nhưng chủ trương phải vâng giữ luật pháp. Họ là những người đòi Do-thái hóa các tín hữu Dân Ngoại, buộc phải chịu phép cắt bì. Phao-lô chống lại điều nầy rõ ràng trong thư gởi cho người Ga-la-ti. Những thành phần nầy có lẽ đang len lỏi trong Hội Thánh Phi-líp nên Phao-lô muốn các tín hữu phải đề cao cảnh giác về những người nầy.
Ông gọi họ là loài chó là từ người Do-thái thường dùng để gọi Dân Ngoại và người họ khinh bỉ. Phao-lô cho thấy, người đã tin Chúa Giê-xu mà còn cố gắng tuân giữ luật pháp cũng đáng bị khinh bỉ như vậy.
Kẻ làm công gian ác nhấn mạnh đến yếu tố LÀM, nói đến người cố gắng dùng sức riêng, vào việc làm (tuân giữ luật pháp) để được cứu rỗi.
Phép cắt bì giả, katatomê, là người tự cắt da thịt. Từ đúng nói về phép cắt bì là peritomê. Phao-lô gọi những người chủ trương phải chịu phép cắt bì mới được cứu là những người cắt da thịt, đó là cắt bì giả, tương tự như điều Phao-lô nói trong Ga-la-ti 5:12.
Ngược lại với những người chủ trương như trên, Phao-lô và tín hữu tại Phi-líp là những người:
Chịu phép cắt bì thật (c. 3a) là điều ông nói trong Rô-ma 2:25-29.
Cậy Thánh Linh Đức Chúa Trời mà hầu việc Đức Chúa Trời (c. 3b). Chữ hầu việc trong nguyên văn là “thờ phượng.” Người thờ phượng thật là người thờ phượng bởi Thánh Linh (Giăng 4:24).
Khoe mình trong Đấng Christ (c. 3c). Ý nghĩa của chữ khoe mình phát xuất từ Giê-rê-mi 9:23-24 và I Cô. 1:31. Người tin Chúa thật không thể cậy mình hay khoe mình về những gì mình có nhưng niềm tự hào của chúng ta và những gì chúng ta có đều đến từ Chúa.
Không để lòng tin cậy trong xác thịt bao giờ (c. 3d). Để lòng tin cậy nghĩa là dựa vào, đặt căn bản trên đó. Xác thịt nói đến tất cả cố gắng của con người để được cứu rỗi. Trong trường hợp nầy, nhấn mạnh đến phép cắt bì. Theo Calvin, dựa vào bất cứ điều gì ngoài Đấng Christ, là để lòng tin cậy trong xác thịt và như vậy là đánh đổ nền tảng của Phúc Âm và đem nguy hại cho linh hồn (Martin, 148).