4 Hãy vui mừng trong Chúa luôn luôn. Tôi lại còn nói nữa: hãy vui mừng đi. 5 Hãy cho mọi người đều biết nết nhu mì của anh em. Chúa đã gần rồi.
6 Chớ lo phiền chi hết, nhưng trong mọi sự hãy dùng lời cầu nguyện, nài xin, và sự tạ ơn mà trình các sự cầu xin của mình cho Đức Chúa Trời. 7 Sự bình an của Đức Chúa Trời vượt quá mọi sự hiểu biết, sẽ giữ gìn lòng và ý tưởng anh em trong Đức Chúa Jêsus Christ.
8 Rốt lại, hỡi anh em, phàm điều chi chân thật, điều chi đáng tôn, điều chi công bình, điều chi thanh sạch, điều chi đáng yêu chuộng, điều chi có tiếng tốt, điều chi có nhân đức đáng khen, thì anh em phải nghĩ đến. 9 Hễ sự gì anh em đã học, đã nhận, đã nghe ở nơi tôi, và đã thấy trong tôi, hãy làm đi, thì Đức Chúa Trời của sự bình an sẽ ở cùng anh em.
1. Thế nào là “vui mừng TRONG CHÚA” (c. 4a)?
2. Tại sao Phao-lô nhắc lại câu, “Hãy vui mừng trong Chúa” (c. 4b)?
3. “Chúa đã gần rồi” (c. 5b) liên kết với câu, “Hãy cho mọi người đều biết nết nhu mì của anh em” (c. 5a) như thế nào?
4. Để tránh lo phiền, chúng ta cần làm gì (c. 6)?
5. “Cầu nguyện, nài xin, tạ ơn và cầu xin” (c. 6b) khác nhau thế nào?
6. “Sự bình an của Đức Chúa Trời” (c. 7a) chỉ về điều gì?
7. Xin giải thích mỗi điều Phao-lô bảo chúng ta phải nghĩ đến (c. 8).
9. Xin cho biết điểm giống nhau giữa câu 9 và 3:17. Phao-lô muốn nhắc nhở chúng ta điều gì?
Phao-lô đã khuyên các tín hữu tại Phi-líp, Hãy vui mừng trong Chúa (3:1, xem giải thích, trang 36) và bây giờ ông nhắc lại:
Hãy vui mừng trong Chúa luôn luôn. Tôi lại còn nói nữa: Hãy vui mừng đi (c. 4)
Chẳng những nhắc lại, Phao-lô cũng lặp lại: Tôi lại còn nói nữa: Hãy vui mừng đi. Điều nầy cho thấy niềm vui tràn ngập trong Phao-lô dù ông đang ở tù và ông muốn các tín hữu cũng có cùng tâm tình như ông. Vui mừng là điều phải có thường xuyên trong lòng người tin Chúa (I Tê. 5:16). Đây là một trong những trái Thánh Linh, tiếp ngay sau trái yêu thương.
Lời khuyên tiếp theo của Phao-lô là:
Hãy cho mọi người đều biết nết nhu mì của anh em. Chúa đã gần rồi (c. 5)
Từ nhu mì mang ý nghĩa chịu đựng, sẵn sàng tha thứ, không trả thù. Phao-lô nói: Hãy cho mọi người đều biết nết nhu mì của anh em hàm ý nếp sống yêu thương, tha thứ của người tín đồ phải bày tỏ cho thế gian đều thấy.
Cụm từ Chúa đã gần rồi có thể là một lối diễn đạt của từ Ma-ra-na-tha (I Cô. 16:22; Khải 22:20) hàm ý mong đợi hay cầu xin Chúa mau trở lại. Những chữ nầy không liên hệ đến thái độ nhu mì Phao-lô nhắc đến trước đó.
Lời khuyên tiếp theo của Phao-lô cho độc giả là:
Chớ lo phiền chi hết, nhưng trong mọi sự hãy dùng lời cầu nguyện, nài xin và sự tạ ơn mà trình các sự cầu xin của mình cho Đức Chúa Trời (c. 6)
Lời khuyên nầy gồm hai phần:
· Tiêu cực: Không lo phiền.
· Tích cực: Cầu nguyện.
Không lo phiền hay không lo lắng là điều chính Chúa Giê-xu đã dạy (Ma-thi-ơ 6:25; Lu-ca 12:22) cho nên một tác giả đã nói, đây là câu giải thích lời dạy đừng lo lắng của Chúa. Lo lắng chứng tỏ chúng ta thiếu lòng tin cậy Chúa và như vậy là chúng ta đã vô tình mắc tội “phạm thượng” với Ngài (Oswald Chambers).
Thay vì lo lắng, Phao-lô khuyên các tín hữu hãy cầu nguyện. Lời khuyên nầy có thể phân tích như sau:
Động từ chính là: Trình các sự cầu xin của mình cho Đức Chúa Trời.
Chúng ta trình các sự cầu xin dưới ba hình thức: cầu nguyện, nài xin và tạ ơn.
· Cầu nguyện nói đến lời cầu xin tổng quát, nói chung.
· Nài xin nhấn mạnh đến chi tiết.
· Tạ ơn nói đến thái độ biết ơn, nhớ lại những ơn lành Chúa đã ban trong quá khứ.
Những chữ trong mọi sự được đặt ở đầu câu trong nguyên văn, nhằm nhấn mạnh việc chúng ta phải cầu nguyện trong mọi hoàn cảnh.
Như vậy, trong mọi hoàn cảnh, thay vì lo lắng, chúng ta hãy dâng trình cho Chúa mọi nhu cầu của chúng ta cách chi tiết, với lòng biết ơn. Kết quả sẽ là:
Sự bình an của Đức Chúa Trời vượt quá mọi sự hiểu biết, sẽ giữ gìn lòng và ý tưởng anh em trong Đức Chúa Giê-xu Christ (c. 7)
Sự bình an của Đức Chúa Trời hàm ý đây là sự bình an đến từ Đức Chúa Trời, Ngài là nguồn của bình an (Ê-sai 26:3). Đây là kết quả của sự bình an VỚI Đức Chúa Trời qua Chúa Giê-xu (Rô-ma 5:1; Cô-lô-se 1:20).
Đây là sự bình an vượt quá mọi sự hiểu biết nghĩa là trí óc hữu hạn của con người không thể nào hiểu thấu. Sự bình an nầy sẽ GIỮ GÌN lòng và ý tưởng anh em. Động từ giữ gìn là một từ quân sự hàm ý canh giữ, canh gác, bảo vệ. Lòng và ý tưởng nói đến toàn thể con người: nội tâm, tình cảm và lý trí. Những chữ trong Đức Chúa Giê-xu Christ hàm ý chúng ta được sự bình an nầy qua mối tương giao với Chúa Giê-xu, vì được liên kết với Ngài.
Như vậy từ chỗ lo lắng (c. 6a) chúng ta có bình an trọn vẹn (c. 7) qua việc trình dâng mọi lo lắng của chúng ta cho Chúa (c. 6b).
Cuối cùng Phao-lô viết:
Rốt lại, hỡi anh em, phàm điều chi chân thật, điều chi đáng tôn, điều chi công bình, điều chi thanh sạch, điều chi đáng yêu chuộng, điều chi có tiếng tốt, điều chi có nhân đức đáng khen, thì anh em phải nghĩ đến (c. 8)
Động từ chính trong câu nầy là: Phải nghĩ đến. Nghĩ đến hàm ý “ghi nhớ, suy ngẫm và rồi để cho những điều nầy làm khuôn mẫu cho đời sống” (Martin, 178). Đây là mạng lệnh bảo chúng ta tập trung tư tưởng vào những điều nầy và theo đó để sống. Đời sống tâm trí rất quan trọng vì tâm trí là nguồn phát sinh mọi hành động. Tâm trí và tư tưởng thiện lành sẽ đưa đến đời sống thiện lành, cao đẹp. Những điều Phao-lô khuyên độc giả phải tập trung tư tưởng vào, phải nghĩ đến thường xuyên là:
Chân thật, ngược lại với giả dối, không thành thật.
Đáng tôn mang ý nghĩa đáng được đề cao, “đáng trọng” (BHĐ).
Công bình hay công chính là phù hợp với tiêu chuẩn của Chúa.
Thanh sạch nhấn mạnh đến tinh sạch trên phương diện luân lý, đạo đức, thuần khiết.
Đáng yêu chuộng hàm ý có cái đẹp thiện mỹ.
Có tiếng tốt nghĩa là được ca tụng, biểu dương.
Thay vì tiếp tục bảng liệt kê với những mỹ đức khác, Phao-lô bao gồm lại với hai từ nhân đức và đáng khen: “Nói chung là điều gì đức hạnh, đáng khen ngợi” (BHĐ).
Nhân đức mang ý nghĩa tuyệt hảo và đáng khen là được mọi người cho là tốt.
Đây là những điều người tin Chúa phải luôn để tâm suy ngẫm. Có người đã rút gọn những điều nầy như sau:
Điều gì THẬT, điều gì TRỌNG, điều gì ĐÚNG, điều gì SẠCH, điều gì ĐÁNG, điều gì TỐT. Nói chung, bất cứ điều gì TUYỆT HẢO và TỐT LÀNH, hãy đeo đuổi theo những điều nầy!
Trong 3:17, sứ đồ Phao-lô viết:
Hỡi anh em, hãy bắt chước tôi, lại xem những kẻ ăn ở theo mẫu mực mà anh em thấy trong chúng tôi (3:17)
Ông lặp lại ý nầy như sau:
Hễ sự gì anh em đã học, đã nhận, đã nghe ở nơi tôi và đã thấy trong tôi, hãy làm đi, thì Đức Chúa Trời của sự bình an sẽ ở cùng anh em (c. 9)
Câu nầy tiếp ngay sau câu 8 cho thấy đó là những điều Phao-lô đã làm và ông muốn các tín hữu bắt chước ông. Phao-lô có thể nói các mạnh dạn như vậy vì trong I Cô-rinh-tô 11:1, ông viết:
Hãy bắt chước tôi, cũng như chính mình tôi bắt chước Đấng Christ vậy (I Cô-rinh-tô 11:1)
Đây không phải là lời tự phụ nhưng Phao-lô muốn các tín hữu sống theo khuôn mẫu của Chúa như ông đã sống. Học, nhận, nghe và thấy nói đến cả cuộc đời của Phao-lô là gương sáng cho tín hữu noi theo. Chữ nhận mang ý nghĩa tiếp nhận một truyền thống (I Cô. 11:23; 15:3) hàm ý đây là những điều đã được thực hành trong đời sống các sứ đồ trước khi được ghi chép trong Tân Ước. Phải thật sự sống đúng với những điều mình dạy để làm gương cho người khác là điều Phao-lô nhắc nhở trong các câu nầy.