"Các ngươi hãy theo ta, ta sẽ cho các ngươi nên tay đánh lưới người." (c. #19)
Câu hỏi suy ngẫm: Ngư phủ thuộc thành phần nào trong xã hội bấy giờ? Tại sao Chúa chọn họ làm môn đệ của Chúa? Một ngư phủ cần có những đức tính nào? Chúng ta cần có đức tính nào để dắt đem nhiều người trở về với Chúa?
Chúa Giê-xu đang đi trên bờ hồ, trong lúc đi Ngài gọi Phi-e-rơ, Anh-rê, Gia-cơ, Giăng. Người ta không nghĩ đây là lần đầu tiên Ngài thấy họ hoặc họ thấy Ngài. Khi nghe Giăng thuật truyện tích ít nhất có vài người trong họ đã là môn đệ của Giăng Báp-tít (Giăng 1:35). Chắc chắn họ đã từng trò truyện với Chúa Giê-xu và đã từng nghe Ngài... Nhưng lúc này lời thách thức đến một lần đủ cả, thách thức họ cùng chia sẻ số phận với Ngài.
Chúa Giê-xu gọi những người đánh cá theo Ngài. Thật lý thú khi chúng ta biết họ là hạng người nào. Họ không phải là những học giả uyên bác, hoặc người có ảnh hưởng trong xã hội. Họ cũng không phải là những người nghèo mạt, chỉ là những công nhân bình thường không thân thế quan trọng, và chắc chắn cũng không có tương lai sáng lạn. Chúa Giê-xu đã lựa chọn những người tầm thường này. Điều Chúa Giê-xu cần là những người tầm thường tự hiến dâng mình. Với những người như thế Ngài có thể dùng họ làm bất cứ công tác nào. Họ là những người đánh cá, nhiều học giả cho rằng những ngư phủ lành nghề có một số đức tính thiết yếu cho những tay đánh lưới người.
1. Kiên nhẫn: Phải biết kiên nhẫn chờ đợi đến khi cá cắn mồi. Nếu cứ sốt ruột và dời chỗ luôn thì không bao giờ thành người thợ câu. Một tay đánh lưới giỏi cũng cần phải có kiên nhẫn. Kết quả mau chóng trong việc truyền giảng và dạy dỗ rất hiếm có. Chúng ta phải học tập chờ đợi.
2. Bền chí: Người đánh cá phải học không bao giờ ngã lòng, nhưng luôn luôn thua keo này, bày keo khác. Thầy giảng và giáo sư giỏi không được phép ngã lòng khi công việc dường như chẳng có kết quả gì. Người phải sẵn sàng làm lại.
3. Can đảm: Người Y Lạp thuở xưa, khi cầu khẩn các thần phù hộ thì nói: "Thuyền tôi quá nhỏ mà biển cả thì lớn quá". Người ấy phải liều mình đương đầu với biển cả và sóng gió. Thầy giảng và giáo sư tốt phải ý thức rằng, bao giờ cũng có sự nguy hiểm trong việc phổ biến chân lý cho người đời. Người giảng rao chân lý phải sẵn sàng hy sinh sự sống và danh dự.
4. Thấy thời cơ. Người đánh cá khôn ngoan biết rõ những thời điểm không có cá. Người ấy phải biết khi nào không nên thả lưới. Giáo sư và thầy giảng tốt biết lựa chọn thì giờ. Có khi người đời hoan nghênh chân lý và có lúc lại chối bỏ. Có khi chân lý cảm hoá lòng họ mà cũng có lúc khiến lòng họ cứng cõi chống đối. Thầy giảng và giáo sư khôn ngoan biết lúc nào phải nói và lúc nào nên yên lặng.
5. Biết dùng mồi thích hợp: Cá này ưa mồi này, cá nọ ưa mồi khác. Phao-lô nói: "Tôi trở nên mọi cách đối với mọi người để may ra được một vài người." Mục sư và giáo sư khôn ngoan biết rằng cùng một cách đề cập thì không giúp ích cho nhiều hạng người, và người ấy phải biết và thừa nhận những hạn chế của mình, phải khám phá ra những địa hạt mình có thể làm và địa hạt nào mình bị giới hạn.
6. Biết nấp kín: Nếu ngư phủ lộ diện, dầu chỉ là cái bóng, cá cũng không cắn câu đâu. Mục sư và giáo sư khôn ngoan không bao giờ tìm cách giới thiệu mình mà giới thiệu Chúa Giê-xu. Mục đích của người là khiến mắt người ta không chăm chú vào mình mà chăm vào chính Chúa Cứu Thế.
Lạy Chúa, xin ban cho con đức tính của một ngư phủ để con trở nên thật hữu ích cho Ngài.
(c) 2024 svtk.net