"Các ngươi vào thành nào hay là làng nào, hãy hỏi thăm ai là người đáng tiếp rước mình, rồi ở nhà họ cho đến lúc đi". (c. #11)
Câu hỏi suy ngẫm: Trong phân đoạn này Chúa dặn các môn đệ được sai đi điều gì? Hành động "phủi bụi" mang ý nghĩa nào? Điều này có thể áp dụng cho phương pháp truyền bá Phúc Âm ngày nay không? Tại sao? Chúng ta có thể chia sẻ cho người chống đối đức tin không? Bằng cách nào?
Đây là một đoạn sách có nhiều lời khuyên thiết thực cho các sứ giả của Vua.
Khi vào một thành hoặc một làng, họ phải tìm xem nhà nào xứng đáng. Vấn đề là nếu họ ở trong một nhà có tiếng xấu về đạo đức, tác phong hay về giao tế, chắc chắn sẽ gây trở ngại cho chức vụ. Họ không nên hòa mình với người gây trở ngại cho công tác của mình. Điều đó không có nghĩa là không tìm cách dẫn đưa những người như thế đến cùng Chúa Giê-xu, nhưng chỉ có nghĩa là sứ giả của Chúa Cứu Thế phải cẩn thận trong việc kết bạn tâm giao.
Khi vào nhà nào phải ở đó cho đến khi đi. Đây là vấn đề lịch sự. Họ có thể bị cám dỗ ở một nhà trước rồi sau khi đã có nhiều người ủng hộ và qui đạo, thì lại đến ở một nhà khác tiếp đãi nồng hậu với tiện nghi đầy đủ hơn. Sứ giả của Chúa Giê-xu không bao giờ để cho người ta có ấn tượng mình dụ dỗ dân chúng để được lợi vật chất và mình đổi chỗ ở là vì thỏa mãn cá nhân.
Trong phân đoạn này có cả chân lý tạm thời lẫn chân lý vĩnh viễn.
Chân lý tạm thời là Chúa Giê-xu không nói người nào đó bị loại bỏ ra ngoài sứ điệp của Phúc Âm và ở ngoài tầm âm sủng. Cũng như lời chỉ dẫn mở đầu bảo đừng đến với người ngoại bang và dân Sa-ma-ri. Chính do hoàn cảnh nên mới có huấn thị này và đó chỉ là yếu tố thời gian; thì giờ rất ngắn ngủi, nhưng nhiều người cần được nghe Phúc Âm về Nước Trời; lúc đó không có thì giờ để tranh luận, để thuyết phục. Trong lúc này, môn đệ phải du tuần khắp nơi càng mau càng tốt và bởi vậy, nhằm lúc ấy họ phải tiếp tục di chuyển dù người ta không tức khắc nhận sứ điệp của họ.
Chân lý vĩnh viễn là một trong những sự kiện cơ bản của cuộc sống là thỉnh thoảng cơ hội đến với một người, nhưng rồi không trở lại. Người dân Palestine có dịp nghe và chấp nhận Phúc Âm nhưng nếu họ không nắm lấy cơ hội thì dịp tiện đó có thể chẳng bao giờ trở lại.
Cuối cùng, Chúa phán rằng Sô-đôm và Gô-mô-rơ trong ngày phán xét còn nhẹ hơn thành, làng nào từ chối sứ điệp của Chúa Cứu Thế và của Nước Trời, Sô-đôm và Gô-mô-rơ là biểu tượng cho gian ác (Ma-thi-ơ 11:23-24; Lu-ca 10:12-13; 19: 29; Rô-ma 9:29; II Phi-e-rơ 2:6; Giu-đe 1:7). Điều đáng chú ý là ngay trước lúc bị hủy diệt, thành Sô-đôm và Gô-mô-rơ đã vi phạm qui luật hiếu khách (Sáng-thế Ký 19:1-11), vì thế họ đã từ chối sứ giả của Đức Chúa Trời. Dầu vậy, Sô-đôm và Gô-mô-rơ đã không có dịp chối bỏ sứ điệp của Chúa Cứu Thế và Nước Ngài. Đó là lý do tại sao Sô-đôm và Gô-mô-rơ còn bị phạt nhẹ hơn là các thành và làng tại xứ Ga-li-lê; vì bao giờ cũng vậy, đặc ân càng lớn thì trách nhiệm càng lớn theo.
Lạy Chúa Thánh Linh, xin cho con có tấm lòng biết lắng nghe Ngài để con biết những điều nào phải chia sẻ, phải sống xứng đáng là sứ giả của Ngài trên đất này.
(c) 2024 svtk.net