"Tôi đã quyết định không nói gì với anh em ngoài Chúa Cứu Thế Giê-xu, Đấng chịu đóng đinh trên cây thập tự" (I Cô-rinh-tô 2:2). Câu hỏi suy ngẫm: Tại sao Đức Chúa Trời khôn ngoan và quyền năng thường dùng những điều có vẻ rồ dại và vô năng dưới mắt con người để bày tỏ về chính Ngài? Đối với Phao-lô, thập tự giá quan trọng thế nào? Vai trò Đức Thánh Linh quan trọng ra sao? Bạn học được gì về lý tưởng rao truyền thập tự giá của Phao-lô? Mầu nhiệm của Đức Chúa Trời thường được bày tỏ cho chúng ta qua những cái mà thế gian cho là yếu đuối, vô năng. Qua hình ảnh một Hài Nhi bé bỏng, yếu đuối, Đức Chúa Trời đã khải tỏ chương trình cứu chuộc của Ngài cho những nhà thông thái giàu sang, quyền thế từ đông phương tìm đến tôn thờ. Trong phân đoạn này, Phao-lô cho thấy Đức Chúa Trời khải tỏ về chính Ngài cho nhân loại qua một Chúa Cứu Thế bị đóng đinh trên thập tự giá. Qua Chúa Cứu Thế, Đấng trở nên yếu đuối trong cái sinh và vô năng trong cái chết, chúng ta nhận biết về Đức Chúa Trời. Chính lẽ thật này đã đặt nền tảng cho lý tưởng truyền bá Phúc Âm mà Phao-lô theo đuổi. 1. lý tưởng của cuộc đời Phao-lô là rao giảng về Chúa Cứu Thế. Khi rao truyền Phúc Âm, thập tự giá luôn luôn là trọng tâm được Phao-lô nhấn mạnh (câu #2). Dầu Phao-lô là người trí thức thông hiểu các luồng triết học và tư tưởng đương thời nhưng ông không dùng những kiến thức và hiểu biết đó để thu hút người nghe. Từ A-thên đến Cô-rinh-tô, Phao-lô luôn luôn trực diện và rao giảng cho đám người trí thức, và dầu bị họ cho là rồ dại, ông vẫn không nói một điều gì khác hơn là Chúa Cứu Thế Giê-xu và thập tự giá của Ngài. Phao-lô tôn cao Chúa Cứu Thế Giê-xu để đức tin của người nghe "không dựa trên khôn ngan loài người nhưng xây dựng trên quyền năng Đức Chúa Trời" (câu #5). Tôn cao danh Chúa Giê-xu chính lý tưởng mà mỗi Cơ Đốc nhân phải theo đuổi. 2. Phao-lô bày tỏ quyền năng của Đức Thánh Linh. Chính đời sống và chức vụ của Phao-lô là dấu hiệu về công tác và quyền năng của Thánh Linh (câu #5). Chính Thánh Linh đã chuyển hướng và biến đổi cuộc đời của Phao-lô. Cũng chính Thánh Linh khải tỏ và ban cho Phao-lô năng quyền để rao giảng Phúc Âm. Những giá trị trần gian như học thức, đạo đức mà mọi người cho là ưu điểm nơi Phao-lô bị ông coi là "rơm rác" và vứt lại phía sau để chỉ còn là con người với vẻ yếu đuối, run rẩy. Nhưng trong sự yếu đuối run rẩy của ta chính là chỗ để Thánh Linh hành động và sử dụng cho mục đích của Ngài. 3. Phao Lô nhận mạc khải về Đức Chúa Trời. Sự khôn ngoan của Đức Chúa Trời vẫn là một mầu nhiệm cho người chưa biết Ngài (câu #6-9), nhưng đối với người tin thì sự mầu nhiệm đó đã được bày tỏ (câu #10-16). Phao-lô đồng ý rằng không ai biết Đức Chúa Trời trừ Thánh Linh của Đức Chúa Trời (câu #11), tuy nhiên Thánh Linh của Đức Chúa Trời chính là điều mà người tin đã nhận được. Vì Thánh Linh ở trong chúng ta nên chúng ta biết được "những ân tứ của Thượng Đế" (câu #12). Nói cách khác, Thánh Linh là dẫn chúng ta vào mọi lẽ thật. Trên phương diện luận lý, Phao-lô trình bày ý tưởng của ông theo thứ tự trên, tuy nhiên theo thứ tự thời gian, trước hết ông nhận được mạc khải về Đức Chúa Trời, sau đó cuộc đời ông được biến đổi bởi quyền năng Thánh Linh, để rồi cuối cùng ông rao giảng về Chúa Cứu Thế. Đây cũng là kinh nghiệm mà người tin Chúa trải qua. Khi được Chúa khải tỏ về chính Ngài và chinh phục là lúc chúng ta được ân sủng Ngài đụng tới. Khi ta đáp ứng lại ân sủng đó cũng là lúc ta được quyền năng Thánh Linh biến đổi. Trong mục đích biến đổi, Thánh Linh sẽ tác động liên tục trong ta. Càng từ bỏ những điều thuộc về con người cũ tức những ham muốn xác thịt và trần gian, ta càng được Thánh Linh chiếm hữu và cuộc đời ta càng được biến đổi. Chính Thánh Linh cũng sẽ thúc giục chúng ta rao truyền Phúc Âm của Chúa Cứu Thế. Cám ơn Chúa đã bày tỏ chính mình Ngài cho con. Xin Chúa tiếp tục biến đổi con và giúp con rao truyền thập tự giá của Ngài.
(c) 2024 svtk.net