"Hỡi Chúa, bây giờ tôi trông đợi gì? Sự trông đợi tôi ở nơi Chúa" (c.7).
Câu hỏi suy ngẫm: Câu 1-3 cho thấy Đa-vít đang ở trong tâm trạng nào? Trong tâm trạng đó Đa-vít thấy cuộc đời thế nào? Nơi đâu ông tìm được sự nương cậy? Có khi nào bạn rơi vào tâm trạng giống Đa-vít không? Bạn ứng phó thế nào với tâm trạng đó? Nơi đâu bạn nương cậy?
Thi-thiên 39 là bài thơ nói lên tâm trạng của Đa-vít khi bị Chúa hình phạt. Trong nỗi đau đớn của thân xác, ông thấy cuộc đời thật mong manh và ông chỉ còn hy vọng nơi Chúa. Chữ "Giê-đu-thun" ở tựa bài thơ là tên của một nhạc trưởng được Đa-vít bổ nhiệm để hướng dẫn việc ca hát thờ phượng Chúa (I Sử-ký 16:41). Bài thơ này có thể chia làm ba phần:
1. Im lặng trong đau khổ (câu 1-3). Khi bị Chúa sửa phạt, Đa-vít cố gắng giữ im lặng vì sợ những gì ông nói sẽ giúp cho kẻ thù nói những lời không hay về Chúa. Tuy nhiên, sự im lặng đó làm Đa-vít đau khổ thêm nên cuối cùng ông phải nói lên những điều ông suy nghĩ.
Có khi nào Bạn mang tâm trạng giống như Đa-vít? Chỉ muốn yên lặng! Yên lặng là tốt nhưng đôi khi không nên, vì yên lặng làm chúng ta thêm đau khổ chứ không lợi ích. Cần nói những điều chúng ta suy nghĩ, nhất là thưa với Chúa những cảm nghĩ đó.
2. Đời quá ngắn ngủi (câu 4-11). Vì không thể im lặng lâu hơn nữa nên vua Đa-vít đã thưa với Chúa những điều ông suy nghĩ. Trong khó khăn, ông mới thấy đời sống thật mong manh. Câu 5 và 6 cho chúng ta thấy rõ sự thật về đời sống: "Ngày giờ tôi dài bằng bàn tay", "đời tôi như không trước mặt Chúa", "mỗi người, dầu đứng vững, chỉ là hư không", "người chất của cải, nhưng chẳng biết ai sẽ thâu lấy." Trước sự thật đó, Đa-vít chỉ còn một lối thoát: "Sự trông cậy tôi ở nơi Chúa."
Bạn có thấy đời sống ngắn ngủi không? Chỉ khi ý thức được tính cách mong manh của cuộc đời, ta mới thêm lòng nhờ cậy Chúa, nếu không, ta dễ cho rằng bàn tay ta làm nên tất cả. Chính hoàn cảnh khó khăn là những bài học quý giá cho chúng ta về vấn đề này.
3. Nguyện cầu trong hy vọng (câu 12,13). Sau khi im lặng và than thở, Đa-vít cầu nguyện xin Chúa thương như lời Chúa dạy phải thương yêu những khách lạ và người ngoại bang (Phục-truyền Luật-lệ Ký 10:18,19). Ông cần được Chúa thương xót như sự thương xót của người Do Thái dành cho khách lạ. Trước cái mong manh của đời sống, Đa-vít xin Chúa tha thứ để ông được hồi sức, nghĩa là có được niềm vui vì cuộc đời này sẽ qua đi.
Bạn có những khổ đau của riêng, chắc không ai biết và có lẽ bạn thấy mình chỉ đáng được Chúa thương như thương một người xa lạ. Ngay cả với tâm trạng ấy, Chúa vẫn thương chúng ta và Ngài chắc chắn sẽ "nghe lời cầu nguyện" và "lắng tai nghe tiếng kêu cầu" của chúng ta.
Lạy Chúa, dù ở trong tình cảnh nào, ngay cả lúc con không than thở được với Chúa, Chúa vẫn thương con, con tạ ơn Ngài.
(c) 2024 svtk.net