Vì sự hoạn nạn nhẹ và tạm của chúng ta sanh cho chúng ta sự vinh hiển cao trọng đời đời, vô lượng, vô biên.
II Cô-rinh-tô 4:17
Chính lửa của sự thương khó tạo ra vàng của lòng tin kính.
Madame Guyon
Đức Chúa Trời có một mục đích đằng sau mọi nan đề.
Ngài dùng những hoàn cảnh để phát triển nhân cách của chúng ta. Trên thực tế, Ngài dựa vào hoàn cảnh để khiến chúng ta trở nên giống với Chúa Giê-su nhiều hơn là dựa vào việc đọc Kinh Thánh của chúng ta. Lý do rất rõ ràng: bạn đối diện với hoàn cảnh 24 giờ một ngày.
Chúa Giê-su cảnh báo rằng chúng ta sẽ gặp nhiều nan đề trong thế gian.[i] Không ai được miễn trừ khỏi sự đau đớn hay cách ly khỏi sự thương khó, và cũng không có ai trải qua cuộc sống mà không bao giờ gặp phải nan đề. Cuộc sống là một loạt các nan đề. Mỗi khi bạn giải quyết được nan đề này, thì nan đề khác chờ chực để xuất hiện. Không phải tất cả các nan đề đều lớn lao, nhưng chúng lại quan trọng đối với quá trình tăng trưởng Đức Chúa Trời muốn thấy nơi bạn. Phi-e-rơ khẳng định với chúng ta rằng nan đề là chuyện bình thường, "Hỡi kẻ rất yêu dấu, khi anh em bị trong lò lửa thử thách, chớ lấy làm lạ như mình gặp một việc khác thường" (I Phi-e-rơ 4:12).
Đức Chúa Trời dùng các nan đề để thu hút bạn đến gần Ngài hơn. Kinh Thánh chép, "Đức Giê-hô-va ở gần những người có lòng đau thương, Và cứu kẻ nào có tâm hồn thống hối" (Thi Thiên 34:18). Những trải nghiệm thờ phượng sâu sắc và thân mật nhất hầu như chỉ đến trong những ngày tháng tăm tối nhất của bạn-khi lòng bạn tan vỡ, khi bạn cảm thấy bị bỏ rơi, khi bạn không còn một lựa chọn nào, khi nỗi đau tràn dâng và bạn chỉ chạy đến với một mình Đức Chúa Trời mà thôi. Chính trong sự thương khó mà chúng ta học biết cách cầu nguyện chân thật nhất. Lúc gặp đau đớn, chúng ta không có đủ sức lực để cầu nguyện những lời cạn cợt.
Joni Eareckson Tada nhận xét, "Khi cuộc đời màu hồng, chúng ta sẽ lướt đi bởi sự hiểu biết về Chúa Giê-su, noi gương, trích dẫn và nói về Ngài. Nhưng chỉ khi gặp thương khó, chúng ta mới thực sự biết Chúa Giê-su." Chúng ta học được nhiều điều về Đức Chúa Trời trong sự thương khó mà chúng ta không thể học được bằng những cách khác.
Đức Chúa Trời có thể ngăn Giô-sép bị tù,[ii] ngăn Đa-ni-ên bị bỏ vào chuồn sư tử,[iii] ngăn Giê-rê-mi khỏi bị quăng xuống hố,[iv] ngăn Phao-lô khỏi bị chìm tàu ba lần,[v] và khiến cho ba người bạn Hê-bơ-rơ không bị ném vào lò lửa hực[vi] nhưng Ngài đã không làm vậy. Ngài đã để cho những nan đề đó xảy ra, và kết quả là những người trong các hoàn cảnh đó đã đến gần Ngài hơn.
Các nan đề buộc chúng ta phải nhìn lên Đức Chúa Trời và lệ thuộc vào Ngài, thay vì chính bản thân chúng ta. Phao-lô làm chứng về ích lợi này: "Chúng tôi lại hình như đã nhận án xử tử, hầu cho chúng tôi không cậy mình, nhưng cậy Đức Chúa Trời là Đấng khiến kẻ chết sống lại" (II Cô-rinh-tô 1:9). Bạn sẽ không bao giờ biết rằng tất cả những gì bạn cần là Đức Chúa Trời cho tới khi nào bạn chỉ còn một mình Ngài.
Bất luận nguyên nhân gì, không có một nan đề nào có thể xảy đến mà không được phép của Đức Chúa Trời. Mọi sự đã xảy ra đối với con cái của Đức Chúa Trời đều được Cha chọn lọc, và Ngài muốn dùng nó vì lợi ích của họ, ngay cả khi Sa-tan và những người khác thì muốn hãm hại.
Đức Chúa Trời tể trị mọi sự, nên các tai nạn chỉ là những biến cố trong kế hoạch tốt lành của Ngài cho bạn. Mỗi ngày trong cuộc đời bạn đã được hoạch định trên lịch của Đức Chúa Trời trước khi bạn ra đời,[vii] nên mọi sự xảy ra cho bạn đều có ý nghĩa thuộc linh. Mọi sự! Rô-ma 8:28-29 giải thích lý do: "Chúng ta biết rằng Đức Chúa Trời khiến mọi sự hiệp lại làm ích cho kẻ yêu mến Ngài và cũng là kẻ được gọi theo ý muốn Ngài đã định. Vì Ngài đã biết trước dân sự mình, và Ngài lựa chọn họ để nên giống như Con Ngài..." (Rô-ma 8:28-29 bản NLT-ND).
Hiểu Rô-ma 8:28-29
Đây là một trong những phân đoạn Kinh Thánh thường được trích dẫn sai và hiểu sai nhiều nhất. Nó không nói rằng, "Đức Chúa Trời khiến mọi sự diễn ra theo ý tôi muốn." Rõ ràng điều đó không đúng. Nó cũng không nói, "Đức Chúa Trời khiến mọi sự diễn ra để có một kết cuộc tốt đẹp trên trần gian." Điều đó cũng sai luôn. Có rất nhiều kết cuộc bất hạnh trên trần gian này.
Chúng ta sống trong một thế giới sa ngã. Chỉ có trên thiên đàng thì mọi sự mới được làm cách hoàn hảo theo điều Đức Chúa Trời muốn. Đó là lý do tại sao chúng ta phải cầu nguyện "Ý Cha được nên, ở đất như trời."[viii] Để hiểu cách đầy đủ về Rô-ma 8:28-29, bạn phải xem xét nó theo từng cụm:
"Chúng ta biết." Hy vọng của chúng ta những lúc khó khăn không dựa trên sự suy nghĩ tích cực, trông đợi hay sự lạc quan tự nhiên. Chắc chắn nó dựa trên lẽ thật là Đức Chúa Trời hoàn toàn tể trị trên cõi vũ trụ và Ngài yêu thương chúng ta.
"Đức Chúa Trời khiến." Có một Nhà Thiết Kế vĩ đại đằng sau mọi sự. Cuộc đời của bạn không phải là kết quả của tình cờ, số mệnh hay may mắn. Có một kế hoạch lớn. Lịch sử là câu chuyện của Ngài. Đức Chúa Trời đang kéo dây. Chúng ta phạm sai lầm nhưng Đức Chúa Trời thì không bao giờ. Đức Chúa Trời không thể phạm sai lầm vì Ngài là Đức Chúa Trời.
"Mọi sự." Kế hoạch của Đức Chúa Trời cho cuộc đời bạn bao gồm tất cả những gì xảy đến cho bạn-kể cả những sai lầm, tội lỗi và đau đớn của bạn. Nó có thể là bệnh tật, nợ nần, tai họa, ly dị, và sự chết của những người chúng ta yêu quý. Đức Chúa Trời có thể đem lại ích lợi từ chuyện xấu nhất. Ngài đã làm điều đó ở Đồi Sọ.
"Hiệp lại." Không riêng lẽ hay độc lập. Các biến cố trong cuộc đời bạn hiệp lại trong kế hoạch của Đức Chúa Trời. Chúng không phải là những việc riêng lẻ, bèn là những phần lệ thuộc vào nhau trong tiến trình khiến bạn trở nên giống với Đấng Christ.
Để làm bánh, bạn cần phải dùng bột, muối, trứng sống, đường và dầu. Nếu ăn riêng từng món đó, thì vị của nó hẳn rất khó chịu, và đắng nữa. Nhưng khi nướng chung với nhau thì chúng lại trở nên ngon miệng. Nếu bạn trao cho Đức Chúa Trời mọi trải nghiệm khó chịu, đau đớn của bạn, Ngài sẽ hiệp chúng lại vì lợi ích cho bạn.
"Làm ích." Điều này không có nghĩa là mọi sự trong cuộc đời đều tốt lành. Phần lớn những gì xảy ra trong thế giới này là tội ác và xấu xa, nhưng Đức Chúa Trời chuyên biến chúng thành ra ích lợi.
Trong gia phả của Chúa Giê-su Christ,[ix] có bốn người phụ nữ được nêu tên: Tha-ma, Ra-háp, Ru-tơ và Bát-sê-ba. Tha-ma đã cám dỗ cha chồng mình và có thai. Ra-háp là một kỹ nữ. Ru-tơ không phải là người Do Thái và đã phạm luật khi kết hôn với một người Do Thái. Bát-sê-ba phạm tội ngoại tình với Đa-vít, dẫn đến hậu quả là chồng bà bị giết. Những người này không có tiếng tốt, nhưng Đức Chúa Trời đã đem lại điều tốt lành từ điều xấu, và Chúa Giê-su đã ra đời thông qua dòng dõi của họ. Mục đích của Đức Chúa Trời lớn hơn cả những nan đề, nỗi đau và thậm chí tội lỗi của chúng ta.
"Cho kẻ yêu mến Đức Chúa Trời và cũng là kẻ được gọi." Lời hứa này chỉ dành cho các con cái của Đức Chúa Trời. Nó không dành cho tất cả mọi người. Tất cả mọi sự đều sẽ trở nên xấu đi đối với những ai chống đối Đức Chúa Trời và cứ khăng khăng làm theo ý mình.
"Theo ý muốn Ngài đã định." Mục đích đó là gì? Để chúng ta "nên giống như Con Ngài..." Mọi sự Đức Chúa Trời cho phép xảy ra trong cuộc đời bạn là vì mục đích đó!
Xây Dựng Nhân Cách Giống Đấng Christ
Chúng ta giống như đá quý, được tạo hình bằng búa và đục của nghịch cảnh. Nếu búa của người thợ kim hoàn không đủ mạnh để đục bỏ những chỗ thô nhám của bạn, Đức Chúa Trời sẽ dùng búa tạ. Nếu chúng ta thực sự cứng lòng, Ngài sẽ dùng búa khoan. Ngài sẽ dùng bất cứ thứ gì cần thiết.
Mỗi nan đề là một cơ hội để xây dựng nhân cách, và càng khó khăn bao nhiêu, thì tiềm năng để phát triển cơ bắp thuộc linh cũng như đạo đức càng lớn bấy nhiêu. Phao-lô nói, "Nào những thế thôi, nhưng chúng ta cũng khoe mình trong hoạn nạn nữa, vì biết rằng hoạn nạn sanh sự nhịn nhục, sự nhịn nhục sanh sự rèn tập, sự rèn tập sanh sự trông cậy" (Rô-ma 5:3:4). Những gì xảy đến trong cuộc đời bạn không quan trọng bằng những gì xảy ra trong lòng bạn. Các hoàn cảnh chỉ là tạm thời, nhưng nhân cách của bạn sẽ tồn tại mãi mãi.
Kinh Thánh thường so sánh những thử thách với lửa tinh luyện để đốt bỏ những chất bẩn. Phi-e-rơ nói, "Sự thử thách đức tin anh em quí hơn vàng hay hư nát, dầu đã bị thử lửa" (I Phi-e-rơ 1:7a). Một người thợ bạc khi được hỏi, "Làm sao anh biết được khi nào bạc thuần khiết nhất?" đã trả lời, "Khi tôi thấy được hình phản chiếu của tôi trong đó." Khi bạn được tinh luyện bởi thử thách, những người khác có thể nhìn thấy phản chiếu của Chúa Giê-su trong bạn. Gia-cơ nói, "Trong thử thách, đời sống đức tin của anh em sẽ để lộ bản chất thật của mình" (Gia-cơ 1:3 bản Msg-ND).
Vì Đức Chúa Trời muốn khiến bạn trở nên giống như Đức Chúa Giê-su, Ngài sẽ đưa bạn qua một loạt những kinh nghiệm mà Chúa Giê-su đã trải qua. Điều đó bao gồm sự cô đơn, cám dỗ, căng thẳng, chỉ trích, phủ nhận và nhiều vấn đề khác. Kinh Thánh chép rằng Chúa Giê-su "học tập vâng lời bởi những sự khốn khổ mình đã chịu" và "trở nên cội rễ của sự cứu rỗi đời đời cho kẻ vâng lời Ngài" (Hê-bơ-rơ 5:8-9). Tại sao Đức Chúa Trời lại phải ngăn chúng ta khỏi những điều mà Ngài cho phép xảy ra đối với Con Ngài? Phao-lô nói, "Lại nếu chúng ta là con cái, thì cũng là kẻ kế tự: kẻ kế tự Đức Chúa Trời và là kẻ đồng kế tự với Đấng Christ, miễn chúng ta đều chịu đau đớn với Ngài, hầu cho cũng được vinh hiển với Ngài" (Rô-ma 8:17).
Đối Diện Nan Đề Theo Cách Của Chúa Giê-su
Các nan đề không tự động sản sinh ra điều Đức Chúa Trời muốn. Nhiều người trở nên cay đắng, thay vì trở nên tốt hơn, và không bao giờ tăng trưởng. Bạn phải đối diện theo cách của Chúa Giê-su.
Hãy nhớ rằng kế hoạch của Đức Chúa Trời là tốt lành. Ngài biết điều gì tốt nhất cho bạn và biết rõ những gì bạn thích nhất. Đức Chúa Trời phán với Giê-rê-mi, "Vì ta biết ý tưởng ta nghĩ đối cùng các ngươi, là ý tưởng bình an, không phải tai họa, để cho các ngươi được sự trông cậy trong lúc cuối cùng của mình" (Giê-rê-mi 29:11). Giô-sép hiểu điều này khi nói với những người anh đã bán ông làm nô lệ rằng, "Các anh toan hại tôi, nhưng Đức Chúa Trời lại toan làm điều ích cho tôi" (Sáng-thế ký 50:20). Ê-xê-chia cũng có thái độ như vậy trong căn bệnh đe dọa tính mạng ông: "Nầy, sự rất cay đắng của tôi đã trở nên sự bình an! Chúa đã yêu thương linh hồn tôi, đem nó ra khỏi hầm hư nát; vì Chúa đã ném mọi tội lỗi tôi ra sau lưng Ngài" (Ê-sai 38:17). Bất cứ khi nào Chúa nói "không" trước lời cầu xin của bạn, hãy nhớ rằng, "Đức Chúa Trời vì ích cho chúng ta mà sửa phạt, để khiến chúng ta được dự phần trong sự thánh khiết Ngài" (Hê-bơ-rơ 12:10b).
Điều quan trọng là bạn chú tâm vào kế hoạch của Đức Chúa Trời chứ không phải nỗi đau hay nan đề của bạn. Đó là cách Chúa Giê-su chịu đựng nỗi đau trên thánh giá và chúng ta được khuyến khích noi theo gương Ngài: "Nhìn xem Đức Chúa Jêsus, là cội rễ và cuối cùng của đức tin, tức là Đấng vì sự vui mừng đã đặt trước mặt mình, chịu lấy thập tự giá, khinh điều sỉ nhục, và hiện nay ngồi bên hữu ngai Đức Chúa Trời" (Hê-bơ-rơ 12:2). Corrie Ten Boom, người đã từng chịu khổ trong trại tập trung của Đức quốc xã, mô tả sức mạnh của sự tập trung như sau: "Nếu bạn nhìn thế giới bạn sẽ đau buồn. Nếu bạn nhìn chính mình, bạn sẽ chán nản. Nhưng nếu bạn nhìn Đấng Christ, bạn sẽ được nghỉ yên!" Sự tập trung sẽ quyết định những cảm xúc của bạn.
Chìa khóa của sự chịu đựng là hãy nhớ rằng nỗi đau của bạn chỉ tạm thời, nhưng phần thưởng của bạn là đời đời. Môi-se phải sống một đời đầy khó khăn "vì người ngửa trông sự ban thưởng" (Hê-bơ-rơ 11:26). Phao-lô chịu đựng sự cơ cực cũng vì lý do đó. Ông nói, "Vì sự hoạn nạn nhẹ và tạm của chúng ta sanh cho chúng ta sự vinh hiển cao trọng đời đời, vô lượng, vô biên" (II Cô-rinh-tô 4:17).
Đừng nhượng bộ những suy nghĩ ngắn hạn. Hãy tập trung vào kết quả cuối cùng: "Lại nếu chúng ta là con cái, thì cũng là kẻ kế tự: kẻ kế tự Đức Chúa Trời và là kẻ đồng kế tự với Đấng Christ, miễn chúng ta đều chịu đau đớn với Ngài, hầu cho cũng được vinh hiển với Ngài. Vả, tôi tưởng rằng những sự đau đớn bây giờ chẳng đáng so sánh với sự vinh hiển hầu đến, là sự sẽ được bày ra trong chúng ta" (Rô-ma 8:17-28).
Hãy vui mừng và tạ ơn. Kinh Thánh bảo chúng ta rằng, "Hãy tạ ơn trong mọi hoàn cảnh vì đó là ý muốn của Đức Chúa Trời cho anh em trong Đức Chúa Giê-su Christ" (I Tê-sa-lô-ni-ca 5:18 bản NIV-ND). Làm sao được? Hãy lưu ý rằng Đức Chúa Trời bảo chúng ta phải tạ ơn "trong mọi hoàn cảnh" chứ không phải "vì mọi hoàn cảnh." Đức Chúa Trời không muốn bạn tạ ơn vì điều ác, vì tội lỗi, vì sự khốn khó, hoặc những hậu quả của nó trong thế gian. Thay vào đó, Đức Chúa Trời muốn bạn tạ ơn vì Ngài sẽ dùng những nan đề của bạn mà làm thành các mục đích Ngài.
Kinh Thánh chép rằng, "Hãy vui mừng trong Chúa luôn luôn" (Phi-líp 4:4). Kinh Thánh không chép rằng, "Hãy vui mừng trong nỗi đau của anh em." Đó là khổ dâm! Bạn vui mừng "trong Chúa!" Bất luận điều gì xảy ra, bạn có thể vui mừng trong tình yêu thương, sự khôn ngoan, quyền năng và sự thành tín của Đức Chúa Trời. Chúa Giê-su phán, "Ngày đó, hãy vui vẻ, nhảy nhót và mừng rỡ, vì phần thưởng các ngươi trên trời sẽ lớn lắm; bởi tổ phụ họ cũng đối đãi các đấng tiên tri dường ấy" (Lu-ca 6:23).
Chúng ta cũng có thể vui mừng vì biết rằng Đức Chúa Trời cùng chia sẻ nỗi đau với chúng ta! Chúng ta không phục vụ một Đức Chúa Trời xa cách và không quan tâm, Đấng chỉ nói những lời khích lệ bên lề. Trái lại, Ngài bước vào và chịu khổ với chúng ta. Chúa Giê-su đã làm việc đó trong sự Nhập Thể, và Thánh Linh Ngài đang làm việc đó trong lòng chúng ta ngay bây giờ! Ngài sẽ không bao giờ để chúng ta một mình.
Không đầu hàng. Hãy nhẫn nại và kiên tâm. Kinh Thánh chép, "Sự thử thách đức tin anh em sanh ra sự nhịn nhục. Nhưng sự nhịn nhục phải làm trọn việc nó, hầu cho chính mình anh em cũng trọn lành toàn vẹn, không thiếu thốn chút nào" (Gia-cơ 1:3-4).
Xây dựng nhân cách là một tiến trình chậm chạp. Bất cứ khi nào chúng ta cố tránh né hoặc thoát khỏi những khó khăn trong cuộc sống, chúng ta đã làm rối cả tiến trình, trì hoãn sự tăng trưởng của mình, và chắc sẽ kết thúc với một nỗi đau còn lớn hơn-nỗi đau thường theo sau sự khước từ và tránh né. Khi bạn hiểu về những hệ quả đời đời của sự phát triển nhân cách, bạn sẽ ít cầu nguyện những lời "Xin yên ủi con" hơn ("Xin giúp con thấy tốt hơn") và thay vào đó là những lời cầu xin "Hãy biến đổi con" ("Hãy dùng điều này để khiến con trở nên giống Ngài càng hơn").
Bạn biết rằng mình đang trưởng thành khi bạn bắt đầu nhận thấy bàn tay của Đức Chúa Trời trong những hoàn cảnh thình lình, trở ngại, và có vẻ như vô nghĩa trong cuộc sống.
Nếu hiện nay bạn đang có nan đề, đừng hỏi, "Tại sao lại là tôi?" Thay vào đó, hãy hỏi, "Ngài muốn con học điều gì?" Và rồi tin cậy nơi Đức Chúa Trời đồng thời tiếp tục làm điều đúng. "Vì anh em cần phải nhịn nhục, hầu cho khi đã làm theo ý muốn Đức Chúa Trời rồi, thì được như lời đã hứa cho mình" (Hê-bơ-rơ 10:36). Đừng đầu hàng-hãy lớn lên!
Suy Nghĩ Về Mục Đích Của Tôi
Vấn Đề Suy Nghĩ: Có một mục đích đằng sau mỗi nan đề.
Câu Gốc: "Vả, chúng ta biết rằng mọi sự hiệp lại làm ích cho kẻ yêu mến Đức Chúa Trời, tức là cho kẻ được gọi theo ý muốn Ngài đã định." Rô-ma 8:28
Câu Hỏi Suy Gẫm: Nan đề nào trong cuộc đời khiến tôi tăng trưởng nhiều nhất?