Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 64

Mọi Việc Đã Được Trọn

19:28-42

28 Sau đó, Đức Chúa Jêsus biết mọi việc đã được trọn rồi, hầu cho lời Kinh thánh được ứng nghiệm, thì phán rằng: Ta khát. 29 Tại đó, có một cái bình đựng đầy giấm. Vậy, họ lấy một miếng bông đá thấm đầy giấm, buộc vào cây ngưu tất đưa kề miệng Ngài. 30 Khi Đức Chúa Jêsus chịu lấy giấm ấy rồi, bèn phán rằng: Mọi việc đã được trọn; rồi Ngài gục đầu mà trút linh hồn.

31 Vì bấy giờ là ngày sắm sửa về ngày Sa-bát, mà Sa-bát nầy là rất trọng thể, nên dân Giu-đa ngại rằng những thây còn treo lại trên thập tự giá trong ngày Sa-bát chăng, bèn xin Phi-lát cho đánh gãy ống chân những người đó và cất xuống. 32 Vậy, quân lính lại, đánh gãy chân người thứ nhứt, rồi đến người kia, tức là kẻ cùng bị đóng đinh với Ngài. 33 Khi quân lính đến nơi Đức Chúa Jêsus, thấy Ngài đã chết rồi, thì không đánh gãy ống chân Ngài; 34 nhưng có một tên lính lấy giáo đâm ngang sườn Ngài, tức thì máu và nước chảy ra. 35 Kẻ đã thấy thì làm chứng về việc đó, (lời chứng của người là thật, và người vẫn biết mình nói thật vậy), hầu cho các ngươi cũng tin. 36 Vì điều đó xảy ra, cho được ứng nghiệm lời Kinh thánh nầy: Chẳng một cái xương nào của Ngài sẽ bị gãy. 37 Lại có lời Kinh thánh nầy nữa: Chúng sẽ ngó thấy người mà mình đã đâm.

38 Sau đó, Giô-sép người A-ri-ma-thê, làm môn đồ Đức Chúa Jêsus một cách kín giấu, vì sợ dân Giu-đa, xin phép Phi-lát cho lấy xác Đức Chúa Jêsus; thì Phi-lát cho phép. Vậy, người đến và lấy xác Ngài. 39 Ni-cô-đem, là người khi trước đã tới cùng Đức Chúa Jêsus trong ban đêm, bấy giờ cũng đến, đem theo độ một trăm cân một dược hòa với lư hội. 40 Vậy, hai người lấy xác Đức Chúa Jêsus, dùng vải gai và thuốc thơm gói lại, theo như tục khâm liệm của dân Giu-đa. 41 Vả, tại nơi Ngài bị đóng đinh, có một cái vườn, trong vườn đó có một cái huyệt mới, chưa chôn ai. 42 Ấy là nơi hai người chôn Đức Chúa Jêsus, vì bấy giờ là ngày sắm sửa của dân Giu-đa, và mộ ấy ở gần.

 

1. Xin cho biết có bao nhiêu lời tiên tri được ứng nghiệm trong phần Kinh Thánh nầy?

2. Tại sao trước khi chịu đóng đinh Chúa khước từ không chịu uống rượu hòa với một dược (Mác 15:23) nhưng trước khi chết Chúa lại chịu uống giấm (c. 30)?

3. Tại sao người Do-thái lại xin Phi-lát cho đánh gãy ống chân các tử tội?

4. Xin đọc thêm Ma-thi-ơ 27:57-60, Mác 15:43 và Lu-ca 23:50-53 và cho biết những chi tiết về Giô-sép, người A-ri-ma-thê.

5. Dựa vào phân đoạn vừa đọc và Giăng 3:1-16; 7:50-52, xin cho biết cảm tưởng của Bạn về Ni-cô-đem.

Chúa Giê-xu đã bị treo trên cây thập tự ít nhất là 3 giờ đồng hồ (Ma-thi-ơ 27:45) và giờ đây, Chúa đã kiệt sức và biết mình sắp chết. Biết mình sắp chết, nhưng Kinh Thánh gọi đó là lúc Chúa biết mọi việc đã được trọn vì mục đích chính của Chúa khi đến trần gian là để chịu chết. Chết là chu toàn mục đích của Ngài. Vì vậy câu: "Đức Chúa Giê-xu biết mọi việc đã được trọn" cũng có thể hiểu là Chúa Giê-xu biết Ngài sắp từ giã cõi đời. Khi biết như vậy, Chúa nói: "Ta khát." Câu nói "Ta khát" chẳng những cho thấy Chúa sắp chết nhưng cũng là để làm ứng nghiệm lời Kinh Thánh trong Thi thiên 69:21.

Nạn nhân của việc đóng đinh mất máu nhiều và vì phải phơi mình dưới ánh nắng, cho nên phải chịu cơn khát nước là một cực hình thêm vào đó. Chúa Giê-xu kêu "Ta khát" chứng tỏ Chúa cũng mang một thân xác giống như chúng ta. Ngài đã chịu tất cả những đau đớn của con người nên Ngài có thể thông cảm với chúng ta. Chúa cũng đã chịu chết và đau đớn trong thân xác của một con người để cứu chúng ta. Chúa không dùng quyền năng của Ngài để chịu một cái chết không đau đớn. Trước lúc chịu đóng đinh, người ta dùng rượu hòa với một dược cho Chúa uống để giảm cơn đau, nhưng Chúa đã khước từ, không nếm rượu đó. Chúa đã chịu một cái chết đau đớn thật sự. Tuy nhiên, trước lúc chết Chúa đã chịu uống giấm vì những lý do sau:

(1) Để ứng nghiệm lời Kinh Thánh (Thi thiên 69:21).

(2) Để cho thấy Chúa chết một cái chết đau đớn thật sự về thân xác, không phải giả vờ, hoặc một cái chết siêu nhiên, không cảm thấy đau đớn.

Giấm ở đây có lẽ là một thứ rượu nho rẻ tiền của những người lính La-mã, là thức uống có sẵn ở đó. Khi đã chịu nếm giấm vì hai lý do vừa kể, Chúa đã nói lời cuối cùng, gục đầu và tắt thở. Đối với mọi người, chết là cản trở công việc hoặc sự nghiệp, nhưng đối với Chúa Giê-xu, cái chết đối với Ngài lại là hoàn thành sự nghiệp, vì vậy, Chúa nói: "Mọi việc đã được trọn." Ước mong mỗi chúng ta khi chết cũng nói được rằng mình đã chu toàn những việc Chúa giao trên trần gian nầy. Câu: "Mọi việc đã được trọn", cũng cho thấy chương trình cứu rỗi nhân loại của Đức Chúa Trời đã hoàn tất, con người chúng ta không thể và cũng không cần làm điều gì để thêm vào công trình cứu rỗi đó. Chúng ta chỉ cần tiếp nhận với đức tin là đủ.

Người La-mã khi xử tử thường treo nạn nhân hết ngày nầy qua ngày khác trên cây thập tự để cho chim chóc và thú vật đến rỉa thịt. Riêng đối với người Do-thái, để thây người chết qua đêm là phạm luật của Chúa (Phục truyền 21:22, 23). Hơn nữa, sắp đến ngày đại lễ nên việc để xác trên cây là điều tối kỵ. Do đó, người Do-thái đã yêu cầu Phi-lát cho đánh gãy ống chân các nạn nhân để làm cho họ mau chết. Sở dĩ đánh gãy ống chân làm cho người bị đóng đinh mau chết là vì các nạn nhạn bị đóng đinh muốn sống cần phải thở. Mỗi lần thở, họ phải dùng chân để rướn người lên mà thở vì tay và ngực lúc đó đã yếu. Đánh gãy ống chân sẽ làm cho nạn nhân không thở được nữa và như vậy chóng đưa đến cái chết. Riêng Chúa Giê-xu đã chết nên việc đánh gãy ống chân không cần thiết, và đây cũng là điều ứng nghiệm lời Kinh Thánh trong hai ý nghĩa:

(1) Người ta không được làm gãy xương con chiên của lễ Vượt Qua, biểu tượng cho Chúa Giê-xu (Xuất 12:46).

(2) Tác giả Thi thiên 34 nói trước về việc nầy (Thi thiên 34:20).

Dù biết Chúa đã chết nhưng người lính La-mã có lẽ muốn xem thử điều gì sẽ xảy ra khi đâm một người đã chết nên đã lấy giáo đâm vào hông Chúa. Sứ đồ Giăng là người chứng kiến tận mắt cho biết ông thấy máu và nước chảy ra. Một số người cho rằng hiện tượng như vậy không thể xảy ra cho một người đã chết. Tuy nhiên, một số y sĩ đã minh chứng cho thấy trường hợp đó vẫn có thể xảy ra và lời của sứ đồ Giăng là thật.

Câu "máu và nước chảy ra" không nhất thiết mô tả máu chảy ra trước nhưng chỉ có nghĩa là máu nhiều hơn và thấy rõ hơn. Các bác sĩ cho biết khi bị giáo đâm như vậy, nước dồn lại trong phổi sẽ tuôn ra, sau đó máu ở thành tâm thất phải của quả tim cũng sẽ chảy ra. Một bác sĩ y khoa đã chứng minh điều nầy bằng lối giải thích về sự co dãn của bắp thịt tim và cho biết Chúa Giê-xu đã chết với một quả tim hoàn toàn tan vỡ. Điều nầy cho thấy sự đau thương vô tận Chúa đã chịu vì chúng ta, đồng thời làm ứng nghiệm lời Kinh Thánh trong Xa-cha-ri 12:10: mặc dù không cần thiết, những người lính La-mã đã lấy giáo đâm Chúa để lời tiên tri nầy được ứng nghiệm.

So sánh với các sách Phúc Âm khác và những phần khác của Phúc Âm Giăng, chúng ta thấy cả Giô-sép người A-ri-ma-thê và Ni-cô-đem đều là hội viên tòa Công Luận. Chính tòa Công Luận hay Hội Đồng Tôn Giáo Tối Cao của người Do-thái thời đó chịu trách nhiệm về cái chết của Chúa Giê-xu. Riêng hai ông nầy dù không đồng ý về bản án của Chúa nhưng vì thiểu số và tin Chúa âm thầm, hai ông đã không làm được điều gì để đảo ngược tình thế. Sau khi Chúa chết, hai ông đã công khai xưng nhận đức tin của mình bằng cách đến xin xác Chúa và tống táng. Đây là một hành động can đảm và đáng khen. Những vật liệu dùng để xức xác Chúa cho thấy lòng yêu kính Chúa của cả hai người. Theo Phúc Âm Ma-thi-ơ, hang đá dùng để chôn Chúa là nơi Giô-sép chuẩn bị cho chính ông. Điều nầy một lần nữa làm ứng nghiệm lời Kinh Thánh trong Ê-sai 53:9 "Người ta đã đặt mộ người với những kẻ ác, nhưng khi chết người được chôn với kẻ giàu."

Cái chết và việc chôn Chúa là một chuỗi những sự kiện liên quan với nhau và đều làm ứng nghiệm lời tiên tri. Điều nầy cho thấy cái chết của Chúa Giê-xu không phải là cái chết như thường tình nhưng nằm trong kế hoạch cứu rỗi nhân loại của Đức Chúa Trời. Chúng ta cần đặt trọn niềm tin nơi Chúa vì biết rằng mọi việc đã được Chúa Giê-xu chu toàn. Chúng ta cần sống làm rạng danh Chúa để không phụ tình yêu cao cả Chúa dành cho chúng ta.