"Vậy, anh chị em hãy bền chí như thể thắt lưng, hãy tiết độ, lấy sự trông cậy trọn vẹn đợi chờ ơn sẽ ban cho mình trong khi Chúa Giê-xu Cơ Đốc hiện ra" (1 Phi-e-rơ 1:13).
Câu hỏi suy ngẫm: Sứ đồ Phi-e-rơ khuyên chúng ta nên ở tư thế nào trong khi chờ đợi ngày Chúa trở lại? Trong phần Kinh Thánh này, ông lặp đi lặp lại chữ "mong, trông đợi," ông muốn nói gì? Sứ đồ Phi-e-rơ và tác giả Hê-bơ-rơ dạy chúng ta sẵn sàng trông đợi Chúa qua những cách sống nào? Tại sao tác giả Hê-bơ-rơ dạy không được lười biếng? Bạn áp dụng bài học này vào đời sống hằng ngày thế nào?
Một số người nghĩ sống bây giờ mà nói về thiên đàng là không thực tế, nên lo cho hiện tại thì tốt hơn. Tuy nhiên, một trong những chân lý Kinh Thánh dạy là cách sống trong hiện tại, quyết định số phận tương lai của chúng ta. Nếu biết con đường trước mặt dẫn đến một hố thẳm, chúng ta sẽ không tiếp tục chạy tới.
Sứ đồ Phi-e-rơ đặt vấn đề với mỗi chúng ta: "Vì mọi sự sẽ bị hủy diệt bằng cách này, anh chị em phải trở nên như người như thế nào?" (câu 11). Khi đã biết về thiên đàng và những gì sẽ xảy đến trong tương lai, chúng ta phải thay đổi cách sống. Phải sống trong ánh sáng tương lai mà Đức Chúa Trời bày tỏ. Sứ đồ Phi-e-rơ dạy, trước hết hãy tin cậy, chờ đợi tương lai Chúa hứa cho chúng ta. Câu 12 ông viết: "như anh chị em trông chờ và mong ngày của Chúa mau đến," câu 13: "chúng ta chờ đợi một trời mới và đất mới," rồi ông lặp lại trong câu 14: "vì anh chị em đang trông chờ việc này." Ba lần ông dùng động từ "trông chờ" với ý nghĩa chờ đợi trong trạng thái sẵn sàng, cảnh giác. Từ "trông chờ" trong nguyên ngữ là "prosdokao" ở thì hiện tại, ngụ ý đây là thói quen hay nếp sống của một tín hữu. Chờ đợi không có nghĩa không làm gì hết. 1 Phi-e-rơ 1:13 ông dùng từ ngữ "thắt lưng" mô tả một người chuẩn bị chạy, chuẩn bị chiến đấu; diễn tả ý đã đến lúc phải "xăn tay áo của tâm trí" lên. Không thể vô tư trong suy nghĩ nữa, không thể buông thả đời sống nữa, phải đề cao cảnh giác để chiến đấu, nếu không, chúng ta sẽ giống như người thế gian không có Chúa, không biết việc Ngài sẽ làm. Phải chuẩn bị tâm trí chúng ta bằng hành động, sống cho mục đích Chúa bày tỏ. Điều chúng ta "trông đợi" phải liên hệ trực tiếp với mục đích chúng ta sống.
Tác giả thư Hê-bơ-rơ thúc giục con dân Chúa nhiệt thành trong nếp sống với Chúa. Ông nói: "Chúng tôi mong muốn mỗi người trong anh chị em cũng bày tỏ lòng nhiệt thành như thế, để nhận thức được sự bảo đảm đầy đủ về niềm hy vọng cho đến cuối cùng, để anh chị em đừng biếng nhác, nhưng noi gương những người đã hưởng trọn lời hứa bởi đức tin và lòng kiên nhẫn" (6:11-12 BDM). Nhiều người nói: "Tôi mong Chúa đến," nhưng lười biếng, sống buông thả và thụ hưởng. Vấn đề không phải là có trông đợi Chúa đến không, nhưng qua cách sống cho thấy chúng ta thật lòng trông đợi ngày Chúa Giê-xu trở lại.
Nếu biết ngày cưới và thật sự nghĩ về người bạn đời của mình, chúng ta sẽ không để mình bị người khác quyến rũ. Cũng vậy, khi hết lòng trông đợi thiên đàng, tội lỗi không thể quyến rũ chúng ta. Chỉ khi nào tâm trí chúng ta trôi lạc khỏi thiên đàng, tội lỗi mới trở nên hấp dẫn. Hằng ngày, bạn có đang sống với ý nghĩ hướng về cõi đời đời không? Nếu có, ý nghĩ ấy ảnh hưởng đến những mục tiêu bạn sống thế nào?
Lạy Chúa, xin giúp cho những điều con nghĩ, nói, hành động đều hướng về thiên đàng, nơi Ngài ngự và là nơi con sẽ sống đời đời với Ngài, để con luôn sẵn sàng gặp Chúa.
(c) 2024 svtk.net