Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 31

ĂN NĂN

Sau khi Ađam và Êva phạm tội, Đức Chúa Trời đã hoạch định chương trình cứu rỗi, Đức Chúa Con đã thực hiện chương trình đó trên Thập tự giá, Đức Thánh Linh đem nó áp dụng vào đời sống của tội nhân. Nhu cầu của chúng ta Ngài đã cung cấp đầy đủ, nhưng chúng ta cũng có trách nhiệm để được cứu rỗi là phải Ăn năn.

Đức Chúa Trời không muốn một người nào hư mất, miễn là mọi người phải Aên năn.

I. Ý NGHĨA CỦA SỰ ĂN NĂN:

Ăn năn là thay đổi ý kiến, thái độ, tư tưởng, quan niệm, chiêu hướng của mình.

1-Thay đổi ý kiến đối với chính mình. Trước kia chúng ta xem mình là quan trọng, chỉ biết có mình, lo cho mình, lấy mình làm trung tâm nên sống hoàn toàn ích kỷ. Bây giờ chúng ta thấy mình không có chi, không ra chi, chỉ là một tội nhân khốn nạn, đang bị hình phạt. Khi thấy mình đúng như vậy, chúng ta sẽ đấm ngực kêu la: "Lạy Đức Chúa Trời, xin thương xót tôi là kẻ có tội" (Luca 18:13).

2-Thay đổi ý kiến đối với tội lỗi. Trước kia chúng ta xem tội lỗi là một điều mình ưa thích. Vì vậy, chúng ta đã tham lam, dối trá, gian dâm, uống rượu, đánh bạc và vô luận điều gì xấu xa. Bây giờ chúng ta xem tội lỗi là gớm ghê đáo để, thậm chí như kẻ thù không đội trời chung. Vì chính tội lỗi đã làm cho đời chúng ta đê hèn, nhục nhã, mà Chúa Giêxu đã giáng thế để cứu chúng ta.

3-Thay đổi ý kiến đối với Đức Chúa Trời. Trước khi chúng ta xem Đức Chúa Trời hoặc có hoặc không, chẳng quan trọng gì, giữa Ngài với chúng ta chẳng có tương quan gì. Bây giờ chúng ta biết Ngài là Đấng đã tạo thành trời đất, muôn vật, đã tạo thành chúng ta từ trong lòng mẹ cách kỳ diệu vô cùng ; Ngài đã yêu chúng ta bằng Tình yêu đời đời, nên sai Con Ngài xuống trần gian chịu chết đền tội cho chúng ta. Chúng ta biết giữa Ngài đối với chúng ta có một mối tương quan mật thiết như cha với con.

4-Khác hơn hối hận. Ăn năn khác hơn hối hận, hối tiếc. Một người hối hận biết mình đã phạm tội, nhưng không chịu có tội, lại muốn tiếp tục phạm tội một cách khéo léo. Một tên trộm cướp bị bắt quả tang thì rất hối hận vì đã không kháo tay, lẹ chơn, nhanh mắt. Anh phải cẩn thận để về sau sẽ không bị bắt. Người đó không ăn năn. Ông nhà giàu bị rơi xuống Âm phủ đau đớn, hối hận, nhưng đã hết cơ hội ăn năn. Khi tội nhân rơi vào Hỏa ngục đời đời, họ sẽ đấm ngực, khóc lóc, nghiến răng, nhưng không còn có thể ăn năn được nữa.

II. NHỮNG YẾU TỐ ĐƯA ĐẾN SỰ ĂN NĂN:

Ăn năn không phải là hành động mê tín, không phải như một người mù quáng làm cái việc tối tăm. Không, ăn năn là tỉnh ngộ như một người mù được sáng, như một người điếc được nghe, như một người đang ngủ được đánh thức, tức là biết rõ sự thực, hành động một cách sáng suốt, sử dụng lý trí để đưa mình đến sự ăn năn.

Có mấy yếu tố đưa đến sự ăn năn:

1-Cõi thiên nhiên (Rôma 1:18-21). Cõi thiên nhiên nói cho chúng ta biết rằng có Đấng tạo hóa Quyền năng, Vinh hiển vô cùng, đã dựng nên vũ trụ, cũng đã dựng nên chúng ta. Loài người không thể biện mình là không biết Đức Chúa Trời. "Vì điều chi có thể biết được về Đức Chúa Trời thì đã bày tỏ ra trong họ ; Đức Chúa Trời đã tỏ điều đó cho họ rồi". Vì bất khinh, bất nghĩa mà loài người đã trở thành ngoan cố, bướng bỉnh.

2-Lương tâm (Rôma 2:14-15). Đức Chúa Trời đặt trong mỗi chúng ta lương tâm. Nó là khả năng thiên phú để chúng ta phân biệt thiện ác. Nó là bản thiện ác mà Đức Chúa Trời đã ghi trong mọi người. Người ta sanh ra thì tự nhiên biết rằng có Đấng Tạo Hóa. Không cần giáo sư nào dạy dỗ. Biết Đấng Tạo Hóa đưa người ta đến sự ăn năn.

3-Lời của Đức Chúa Trời (Luca 24:37). Đây là yếu tố mạnh mẽ, hiệu lực hơn hết. Hễ nơi nào Lời của Đức Chúa Trời Truyền giảng, tại đó có người ăn năn. Dầu Thánh Linh có dùng cõi thiên nhiên, lương tâm đưa tội nhân đến sự ăn năn, thì Ngài dùng lời Đức Chúa Trời hơn hết. Khi vua Giôsia nghe đọc Kinh Thánh thì ông ăn năn (IIVua 22:11). Khi nghe Giôna giảng thì từ vua chí dân thành Ninive ăn năn (Giôna 3:5-9). Khi nghe Phierơ giảng thì ba ngàn người tại Giêrusalem đã ăn năn (Công 2:37-41). Trong các vòng truyền giáo thế giới, Phaolô luôn luôn kêu gọi mọi người ăn năn (Công 17:30;26:20).

III. THẾ NÀO LÀ ĂN NĂN?

1-Biết mình có tội. Nếu chưa biết mình có tội, thì không thể nào ăn năn. Một người ăn năn là một người biết mình chỉ là một tội nhân khốn nạn, không ra chi cả, đáng bị hình phạt trong hỏa ngục mà thôi.

a\ Người thâu thuế (Luca 18:13). Người thâu thuế lên Đền thờ, đứng xa xa không dám ngước mắt lên trời mà rằng: "Lạy Đức Chúa Trời, xin thương xót tôi là một tội nhân". Không có một lời khoe khoang nào ngoài ra chính mình là một tội nhân. Chúa Giêxu bảo rằng: "Người đó được tha thứ".

b\ Anh trộm cướp (Luca 23:41-42). Anh trộm cướp bên cạnh Chúa Giêxu trên Thập tự giá đã thưa: "Hỡi Giêxu, khi Ngài đến trong nước Ngài xin nhờ đến tôi". Nhớ gì? - Nhớ tôi là một tên trộm cướp bị án tử hình, một tội nhân khốn nạn, nhưng giờ nầy tôi ăn năn. Chúng ta đã biết Chúa phán gì với anh đó: "Quả thật, Ta nói cùng ngươi, hôm nay ngươi sẽ được ở với Ta trong Thiên đàng". Ngài đã tha thứ cho Anh, bởi Anh đã hết lòng ăn năn trong dịp tiện cuối cùng đó.

2-Đau đớn về tội (Thi thiên 38:18;51:17). Đavít thưa với Chúa: "Vì Chúa tôi sẽ xưng gian ác tôi ra, tôi buồn rầu về tội lỗi tôi ... Đức Chúa Trời ôi, lòng đau thương thống hối Chúa không khinh dễ đâu". Một người ăn năn phải có thái độ đó, nếu không thì người sẽ tiếp tục phạm tội mà thôi. Khi đã phạm tôi, Đavít cảm xúc đau đớn như xương của mình đã bị bẻ gãy (Thi 51:8).

Sau khi đã chối Chúa, Phierơ đã khóc lóc cay đắng, thảm thiết, không lời nào diễn tả được (Mat 26:75; Mác 14:72; Luca 22:62). Dầu đã được Chúa tha thứ, Phaolô cứ nhắc lại tội lỗi của mình, vì ông cảm xúc đau đớn (Công 22:4-5; 19:20; 26:9-11; ICôr 15:9; Gal 1:13; Êphê 3:8; ITimôthê 1:15). Khi có thái độ đó chúng ta mới thật sự ăn năn.

3-Xưng tội ra (Thi thiên 32:3-5;51:3-6; IGiăng 1:8-9). Sau khi biết mình có tội, đau đớn về tội, thì xưng tội ra. Đavít nói: "Khi tôi nín lặng, các xương cốt tôi tiên tàn, tôi rên xiết trọn ngày ; vì ngày và đêm tay Chúa đè nặng trên tôi ; nước bổ thân tôi tiêu hao như bởi khô hạn mùa hè". Khi ông đã phạm tội mà giữ tội đó trong lòng thì ông không thể nào chịu được, vì giống như một người chết mòn, mỗi lúc một kiệt quệ. Ông tiếp: "Tôi đã thú tội cùng Chúa, không giấu gian ác tôi. Tôi sẽ xưng các sự vi phạm tôi cùng Đức Giêhôva ; còn Chúa tha tội ác của tôi". Ông xưng hết mọi tội, không giấu một tội nào, vì biết rằng khi ông xưng ra không phải Chúa bắt tội, nhưng Chúa tha thứ.

Đức Chúa Trời chờ đợi chúng ta xưng tội ra để Ngài tha thứ ; Chúa ước ao tha thứ cho chúng ta hơn là chúng ta ước ao được Ngài tha thứ. "Còn nếu chúng ta xưng tội mình, thì Đức Chúa Trời là thành tín, công bình để tha tội cho chúng ta, và làm cho chúng ta sạch mọi điều gian ác".

4-Lìa bỏ tội (Châm ngôn 28:13;Êsai 55:7). "Người nào giấu tội lỗi mình sẽ không được may mắn. Nhưng ai xưng nó ra và lìa bỏ nó thì sẽ được thương xót". Xưng và lìa bỏ. Có khi chúng ta xưng ra mà không chịu lìa bỏ. Giấu tội trong lòng như giấu lửa trong áo (Gióp 31:12;Châm 6:27).

"Kẻ ác khá bỏ đường mình, người bất nghĩa khá bỏ các ý tưởng". Nếu không bỏ thì chưa ăn năn. Có người đã cầu nguyện: "Lạy Chúa, xin Ngài cất tội lỗi này ra khỏi con". Lời cầu nguyện có thể tha thiết, nhưng không được nhậm. Đức Chúa Trời không bao giờ cất tội ra khỏi chúng ta, mà chính chúng ta lìa bỏ rồi Chúa mới cất đi. Nếu chúng ta ôm ấp tội lỗi trong lòng mình, thì Chúa không bao giờ cướp quyền tự do của chúng ta mà cất nó đi.

Thi thiên 103:12: "Phương đông xa cách phương tây bao nhiêu, thì Ngài đã đem sự vi phạm chúng tôi khỏi xa chúng tôi bấy nhiêu". Phương đông, phương tây không bao giờ gặp nhau thì Chúa cũng đem tội lỗi của chúng ta như vậy, miễn là chúng ta lìa bỏ nó.

Đây là sự thật tôi nghe nói lại. Một tín hữu lâu năm mà vẫn còn hút thuốc lá. Ngày nọ, ông lên thành phố và trở về, trong túi vẫn còn gói thuốc lá. Khi về sắp qua cầu Bến Lức (Lúc bấy giờ xe lửa và xe hơn cùng chạy chung) Anh phụ xế la lên: "Xin bà con tắt thuốc để qua cầu". Mọi người đang cầm thuốc lá trong tay đều tắt hết. Ông nầy nghe câu: "Hãy tắt thuốc để qua cầu" thì chịu cảm động: "Qua cầu còn phải tắt thuốc, phương chi là vào Thiên đàng?". Tiếng đó cáo trách tội lỗi của ông, làm cho ông đau đớn vô cùng. Ông cúi đầu xin Chúa tha tội. Sau khi qua cầu, ông lấy gói thuốc lá ném qua cửa sổ. Kể từ đó, ông không còn hút thuốc lá.

5-Trở về với Đức Chúa Trời (Công vụ 3:19; 26:20). Biết mình có tội, đau đớn về tội, xưng tội ra, lìa bỏ nó chưa đủ, mà phải trở về với Đức Chúa Trời như con trai hoang đàng trở về với cha. Người nầy đã thực hiện đủ năm bước:

a\ Biết mình có tội: "Vậy nó mới tỉnh ngộ mà rằng: Tại nhà cha ta có biết bao người làm mướn được bánh ăn dư dật, mà ta đây phải chết đói" (Luca 15:17).

b\ Đau đớn về tội: "Thưa cha tôi đã đặng tội với trời và với cha..." (Luca 15:18).

c\ Xưng tội ra: "...Tôi không đáng gọi là con của cha nữa" (Luca 15:19).

d\ Lìa bỏ tội: "Nó bèn đứng dậy mà về..." (Luca 15:20a).

e\ Trở về cùng Đức Chúa Trời: "...về cùng Cha mình" (Luca 15:20b).

Nếu chúng ta biết mình có tội, làm hết mọi sự mà không trở về cùng Đức Chúa Trời, thì ai tha cho chúng ta? -Một mình Đức Chúa Trời có thẩm quyền tha thứ cho chúng ta và Ngài đang chờ đợi chúng ta trở về, để Ngài tha thứ. Phierơ kêu gọi: "Anh em hãy ăn năn và trở lại, để tội lỗi của mình được xoá đi". Phaolô cũng giảng: "Phải ăn năn và trở lại cùng Đức Chúa Trời, làm công việc xứng đáng của sự ăn năn".

6-Tin nhận Chúa Giêxu (Rôma 10:9-10). Đức Chúa Trời tha thứ tôi cho chúng ta qua dòng Huyết báu của Chúa Giêxu. Nếu không nhờ Huyết bàu của Chúa Giêxu thì không ai có thể được tha thứ, vì Huyết của Chúa, phiếu trắng chúng ta như tuyết và hơn thế nữa (Thi 51:7). "Huyết của Chúa Giêxu, Con Đức Chúa Trời làm sạch mọi tội chúng ta" (Giăng 1:7).

IV. ĂN NĂN LÀ VIỆC TRỌNG ĐẠI:

1-Ăn năn là trách nhiệm của tội nhân. Đức Chúa Trời đã làm hết mọi sự cho chúng ta, mà nếu chúng ta không ăn năn thì cũng bị hư mất đời đời trong hỏa ngục. Cả Kinh Thánh đều có những lời kêu gọi tội nhân ăn năn. Ngay trong Tân ước, Giăng Báptít kêu gọi mọi người ăn năn, Chúa Giêxu kêu gọi mọi người ăn năn, các Sứ đồ kêu gọi mọi người ăn năn (Mat 3:1-2;4:1).

Luca 13:3-5: Chúa Giêxu cảnh cáo: "Ta nói cùng các ngươi, không phải ;song nếu các ngươi chẳng ăn năn thì hết thảy sẽ bị hư mất như vậy". Người Dothái nghe Chúa giảng về sự ăn năn thì nghĩ rằng người nầy, người kia phải ăn năn vì họ có tội, song tội không cần phải ăn năn. Chúa tái quyết: "Nếu các ngươi chẳng ăn năn, thì hết thảy cũng sẽ bị hư mất như vậy". Mọi người đều đã phạm tội, thì mọi người phải ăn năn. Đức Chúa Trời không muốn một ai hư mất, miễn họ ăn năn.

2-Phải ăn năn ngay (Hêbêrơ 3:7-8; IICôrinhtô 6:2; Khải huyền 3:19).

Người ta thường nghĩ rằng: "Tôi phải ăn năn, nhưng chưa phải hôm nay, có lẽ tháng sau, có lẽ tuần tới, có lẽ ngày mai". Đức Chúa Trời không chấp nhận lời hứa hẹn, mà luôn luôn kêu gọi chúng ta phải ăn năn ngay. Hêbêrơ 3:7-8: "Cho nên, như Đức Thánh Linh phán rằng: Ngày nay nếu các ngươi nghe tiếng Ngài thì chớ cứng lòng, như lúc nổi loạn, là ngày thử Chúa trong đồng vắng".

IICôrinhtô 6:2: "Vì Ngài phán rằng: Ta đã nhậm lời ngươi trong thì thuận tiện, Ta đã phù hộ ngươi trong ngày cứu rỗi. Kìa hiện nay là thì thuận tiện ; kìa hiện nay là ngày cứu rỗi".

Khải huyền 3:19: "Phàm những kẻ ta yêu thì Ta quở trách sửa phạt, vậy hãy có lòng sốt sắng và ăn năn đi".

Không có tội nào lớn mà Chúa không tha được. Không có kẻ khốn nạn nào mà Chúa không cứu được. Một tội nhân khốn nạn hơn hết Chúa có thể thay đổi để trở thành con trai, con gái của Đức Chúa Trời, và sẽ hưởng được cơ nghiệp đời đời trên trời. Nhưng nếu không ăn năn thì bất cứ ai cũng bị hư mất.

V. LÀM THẾ NÀO ĐỂ CÓ THỂ ĂN NĂN?

Chúng ta phải ăn năn, nhưng sự ăn năn là một ân tứ của Đức Chúa Trời, Ngài ban cho chúng ta sự ăn năn.

IITimôthê 2:25: "Dùng cách mềm mại mà sửa dạy những kẻ chống trả, mong rằng Đức Chúa Trời ban cho họ sự ăn năn để nhìn biết lẽ thật". Như vậy Đức Chúa Trời ban cho người nầy mà không ban cho người khác sự ăn năn sao? - Không ! Đức Chúa Trời ban cho mọi người sự ăn năn, nhưng họ phải sẵn sàng nhận. Nếu chúng ta nghe tiếng Chúa, là cơ hội Ngài ban cho mình sự ăn năn. Nếu chúng ta bịt tai, nhắm mắt, cứng lòng, dầu Đức Chúa Trời muốn ban cho sự ăn năn thì chúng ta không nhận. Vì vậy, chúng ta phải xin Chúa ban cho mình cái ân tứ ăn năn thì mới ăn năn được.

Chúng ta ngày nay phải lịp thời ăn ăn, kẻo e đến một lúc nào đó chúng ta muốn ăn năn mà không ăn năn được. Vua Saulơ tìm phương giết Đavít: Saulơ đã nhiều lần biết tội mình, đau đớn về tội, xưng tội nhưng không lìa bỏ tội. Cuối cùng Saulơ muốn ăn năn mà không thể ăn năn được, vì quá trễ rồi, Thánh Linh đã bị cất khỏi ông.

Hơn ba năm theo chúa, ban nhiêu lần Chúa đã cảnh cáo Giuđa, trực tiếp có, gián tiếp có. Thế mà Giuđa cứ thản nhiên mà không ăn năn. Khi ông muốn ăn năn thì không thể ăn năn được. Biết mình có tội, đã nộp Huyết vô tội, thì chỉ còn một đường là đi thắt cổ, nghĩa là hối hận, nhưng không ăn năn, không hối cải.