16 Kìa, ta sai các ngươi đi khác nào như chiên vào giữa bầy muông sói. Vậy, hãy khôn khéo như rắn, đơn sơ như chim bò câu. 17 Hãy coi chừng người ta; vì họ sẽ nộp các ngươi trước tòa án, đánh đòn các ngươi trong nhà hội; 18 lại vì cớ ta mà các ngươi sẽ bị giải đến trước mặt các quan tổng đốc và các vua, để làm chứng trước mặt họ và các dân ngoại. 19 Song khi họ sẽ đem nộp các ngươi, thì chớ lo về cách nói làm sao, hoặc nói lời gì; vì những lời đáng nói sẽ chỉ cho các ngươi chính trong giờ đó. 20 Ấy chẳng phải tự các ngươi nói đâu, song là Thánh-Linh của Cha các ngươi sẽ từ trong lòng các ngươi nói ra.
21 Anh sẽ nộp em cho bị giết, cha sẽ nộp con cho bị giết, con cái sẽ dấy lên nghịch cùng cha mẹ mà làm cho người phải chết đi. 22 Các ngươi lại sẽ bị thiên hạ ghen ghét vì danh ta; song ai bền lòng cho đến cuối cùng, thì sẽ được rỗi. 23 Khi nào người ta bắt bớ các ngươi trong thành nầy, thì hãy trốn qua thành kia; vì ta nói thật, các ngươi đi chưa khắp các thành dân Y-sơ-ra-ên thì Con người đã đến rồi.
1. “Chiên vào giữa bầy muông sói” (c. 16a) là hình ảnh gì?
2. Thế nào là “khôn khéo như rắn?” Thế nào là “đơn sơ như chim bồ câu?”
3. Chúa Giê-xu báo trước cho các sứ đồ về vấn đề gì trong câu 17-18?
4. Các câu 19-20 có hàm ý bảo chúng ta không cần chuẩn bị khi rao giảng Lời Chúa không? Nếu không thì các câu nầy dạy chúng ta điều gì?
5. Câu 21 mô tả tình trạng gì?
6. Xin giải thích ý nghĩa câu 23.
Chiên vào giữa bầy muông sói là hình ảnh của nguy hiểm, không phương chống đỡ vì chiên là con vật hiền lành còn muông sói thì hung dữ. Chúa Giê-xu muốn nói đến những người chống đối Chúa và môn đồ của Ngài. Để ứng xử với hoàn cảnh nguy hiểm đó, Chúa bảo các sứ đồ phải khôn khéo như rắn, đơn sơ như chim bồ câu (c. 16b). Đây là nguyên tắc quân bình. Hiền lành hay đơn sơ không có nghĩa là để mặc cho người ta muốn áp chế mình thế nào cũng được. Trong các câu 19-20 tiếp theo, khôn khéo hàm ý biết cách đối đáp với những người bách hại mình. Khôn khéo như rắn là lối nói của người Do-thái, họ thường nói “khôn như rắn.” Câu nầy không hàm ý bảo chúng ta quỷ quyệt như con rắn trong Cựu Ước (Sáng thế ký 3:1) nhưng bảo chúng ta phải biết ứng xử khôn ngoan. Đơn sơ mang ý nghĩa ngây thơ như trẻ con (chữ nầy được dịch là “thanh sạch” trong Rô-ma 16:19). Nếu chỉ đơn sơ chúng ta trở nên dại dột, nếu chỉ khôn khéo chúng ta sẽ thành quỷ quyệt. Người của Chúa cần phải quân bình giữa khôn ngoan và đơn sơ là như vậy.
Các câu 17-18 cho thấy bách hại là điều sẽ không thiếu trong đời sống của người rao truyền Lời Chúa. Các câu 19-20 không hàm ý bảo chúng ta không cần chuẩn bị khi rao giảng Lời Chúa nhưng là lời hứa rằng Chúa sẽ giúp chúng ta biết cách đối đáp với người bách hại chúng ta. Câu 21 mô tả tình trạng những người trong một gia đình không có cùng niềm tin. Chia rẽ và nghịch thù nhau chỉ vì căn bản đức tin khác nhau.
Câu 22 cho thấy hai điều: (1) Người tin Chúa sẽ bị mọi người ganh ghét. Đây là điều chúng ta không thể tránh. (2) Bền chí cho đến cùng (kiên trì) là bí quyết để hưởng ân phúc của Chúa. Chữ rỗi hay cứu rỗi (c. 22b), dựa vào văn mạch đang nói về sự bắt bớ không nói đến sự cứu rỗi toàn diện nhưng nói về ơn phước của những người chịu đựng bắt bớ cho đến cuối cùng.
Câu 23 là một câu khó giải thích. Để hiểu, chúng ta cần nhìn câu nầy trong văn mạch. Chúa Giê-xu đang nói về sự bắt bớ, vì vậy phần đầu câu 23 hàm ý bảo các sứ đồ không phải ngồi yên một chỗ để chịu bách hại không cần thiết. Họ có thể lánh nạn sang nơi khác. Đây là sự bách hại của chính người Do-thái với các sứ đồ. Điểm khó hiểu là câu: Các ngươi đi chưa hết khắp các thành dân Y-sơ-ra-ên thì Con Người đã đến rồi. Con Người là Chúa Giê-xu nhưng đến là đến khi nào? Chắc chắn là không phải đến lần thứ hai. Đến vì vậy mang ý nghĩa hoàn tất công tác trên đất và trở về thiên đàng. Trong ý nghĩa đó, các sứ đồ thật sự chưa làm xong công tác (đi chưa hết khắp các thành dân Y-sơ-ra-ên) thì Chúa Giê-xu đã về trời rồi (đến trong Nước của Cha Ngài).