Trang Chủ :: Chia Sẻ

BÀI 57

14:22-36 - ĐI BỘ TRÊN MẶT BIỂN

22 Kế đó, Ngài liền hối môn đồ xuống thuyền, qua trước bờ bên kia, trong khi Ngài đang truyền cho dân chúng tan đi. 23 Xong rồi, Ngài lên núi để cầu nguyện riêng; đến chiều tối, Ngài ở đó một mình.

24  Bấy giờ, thuyền đã ra giữa biển rồi, vì gió ngược, nên bị sóng vỗ. 25 Song đến canh tư đêm ấy, Đức Chúa Jêsus đi bộ trên mặt biển mà đến cùng môn đồ. 26 Khi thấy Ngài đi bộ trên mặt biển, thì môn đồ bối rối mà nói rằng: Ấy là một con ma; rồi sợ hãi mà la lên. 27 Nhưng Đức Chúa Jêsus liền phán rằng: Các ngươi hãy yên lòng; ấy là Ta đây, đừng sợ! 28 Phi-e-rơ bèn thưa rằng: Lạy Chúa, nếu phải Chúa, xin khiến tôi đi trên mặt nước mà đến cùng Chúa. 29 Ngài phán rằng: Hãy lại đây! Phi-e-rơ ở trên thuyền bước xuống, đi bộ trên mặt nước mà đến cùng Đức Chúa Jêsus. 30 Song khi thấy gió thổi, thì Phi-e-rơ sợ hãi, hòng sụp xuống nước, bèn la lên rằng: Chúa ơn, xin cứu lấy tôi! 31 Tức thì Đức Chúa Jêsus giơ tay ra nắm lấy người, mà nói rằng: Hỡi người ít đức tin, sao ngươi hồ nghi làm vậy? 32 Ngài cùng Phi-e-rơ lên thuyền rồi, thì gió yên lặng. 33 Các người trong thuyền bèn đến quì lạy Ngài mà nói rằng: Thầy thật là Con Đức Chúa Trời!

34 Khi qua biển rồi, Ngài và môn đồ đến xứ Ghê-nê-xa-rết. 35 Người xứ đó nhận biết Ngài, thì sai người báo tin cho khắp các miền xung quanh, và họ đem các kẻ bịnh đến cùng Ngài, 36 xin chỉ cho rờ đến viền áo mà thôi; vậy ai rờ đến cũng đều được lành bịnh cả.

 

1. Xin đọc thêm Giăng 6:14-15 và cho biết tại sao Chúa Giê-xu lại “hối môn đồ xuống thuyền, qua trước bờ bên kia?”

2. Bạn nghĩ gì về việc Chúa Giê-xu “cầu nguyện riêng một mình trên núi?” (c. 23)

3. Hai vấn đề các môn đồ trong thuyền phải đương đầu là gì? (c. 24)

4. Phản ứng của họ khi thấy Chúa đi bộ trên mặt biển mà đến với họ là gì? (c. 26) Tại sao?

5. Câu trả lời của Chúa Giê-xu với họ là gì? (c. 27) Hàm ý gì?

6. Bạn nghĩ gì về việc Phi-e-rơ xin Chúa cho ông “đi trên mặt nước mà đến cùng Chúa?” (c. 28)

7. Lý do nào khiến Phi-e-rơ “hòng sụp xuống nước?” (c. 30)

8. Hai từ Chúa Giê-xu dùng để nói về Phi-e-rơ trong câu 31 là gì? Mang ý nghĩa gì?

9. Câu những người trong thuyền nói với Chúa Giê-xu: “Thầy thật là Con Đức Chúa Trời” (c. 33) mang ý nghĩa gì?

10. Xin xem lại Ma-thi-ơ 8-10 và so sánh với 14:34-36 về chức vụ chữa bệnh của Chúa Giê-xu.

 

Đọc thêm trong Phúc Âm Giăng 6:14-15, chúng ta thấy rằng sau phép lạ hóa bánh, dân chúng có ý tôn Ngài làm vua. Để giải tỏa áp lực nầy, Chúa Giê-xu đã ra lệnh cho các môn đồ (hối) xuống thuyền sang bờ bên kia và truyền cho dân chúng tan đi. (c. 22). Chúa Giê-xu là Đấng Mê-si-a không phải trên phương diện thể chất hay vương quyền trần gian nhưng là Vị Cứu Tinh trên phương diện tâm linh. Chúa Giê-xu phải tránh mọi áp lực đưa đến chỗ bị bắt buộc làm vua theo mong đợi của con dân Chúa lúc bấy giờ.

Thay vì để cho dân chúng tôn Ngài làm vua, Chúa Giê-xu đã lên núi để cầu nguyện riêngở đó một mình (c. 23). Chúa Giê-xu nhiều lần dành thì giờ yên lặng ở riêng một mình với Đức Chúa Cha như vậy (Mác 1:35; Lu-ca 6:12; 9:28; Giăng 6:15). Riêngmột mình để cầu nguyện là điều quan trọng trong cuộc đời của Chúa Giê-xu là Con của Đức Chúa Trời. Chúng ta là con người lại càng không thể thiếu hai điều nầy.

So sánh với Giăng 6:19 thì các môn đồ đã chèo ra độ chừng hai mươi lăm hay là ba mươi ếch-ta-đơ. Ếch-ta-đơ là độ dài khoảng 185 mét. Như vậy, các môn đồ đã đi được khoảng hơn 5 km. Chiều ngang hồ Ga-li-lê chỗ rộng nhất là 13 km nhưng chắc chắn họ không đi ngang hồ nhưng chỉ đi từ bờ phía Đông Bắc sang Tây Bắc mà thôi (nơi đến là xứ Ghê-nê-sa-rết, c. 34, ở Tây ngạn phía Bắc của hồ Ga-li-lê). Nói khác đi, các môn đồ đã đi khá xa và vì gió ngược nên bị sóng vỗ (c. 24). Bản Hiệu Đính dịch là: bị sóng vỗ mạnh vì gió ngược. Sóng vỗ mạnh và gió ngược là hai nan đề các môn đồ phải đương đầu và khi Chúa đến với họ thì lúc đó đã là canh tư. Theo cách tính giờ của La-mã canh tư là khoảng từ ba đến sáu giờ sáng. Như vậy, các môn đồ đã phải đương đầu với sóng mạnh và gió ngược suốt đêm.

Phản ứng của các môn đồ khi thấy Chúa đi bộ trên biển mà đến với họ là bối rốisợ hãi (c. 26). Bối rối hàm ý họ không giải thích được điều họ đang thấy: một người đi trên mặt nước là điều chưa ai thấy bao giờ! Và vì vậy chỉ có thể có một kết luận đó là ma. Ma nghĩa là không phải người thật vì người thật không thể nào đi được trên mặt nước như vậy.

Để cho các môn đồ an lòng, ngay lập tức, Chúa Giê-xu nói với họ: Các ngươi hãy yên lòng, ấy là Ta đây, đừng sợ! (c. 27). Hãy yên lòng hay Hãy vững lòng là câu thường được ghi lại trong Ma-thi-ơ (9:2, 22) hàm ý hãy vui lên, hãy bình tâm. Những chữ ấy là Ta đây có thể chỉ là một lời nói thông thường. Tuy nhiên cấu trúc ego emi (“Ta là”) của tiếng Hy-lạp thường hàm ý đây là lời phán từ Đức Chúa Trời. “Đấng Tự Hữu Hằng Hữu” trong Xuất 3:14 trong Bản Bảy Mươi (bản dịch Cựu Ước từ tiếng Hy-bá sang Hy-lạp) là ego emi (“Ta là”). Cho nên lời phán của Chúa Giê-xu ở đây có thể hàm ý Chúa chính là Đức Chúa Trời. Và đối với Đức Chúa Trời thì việc đi trên mặt nước không phải là chuyện lạ. Do đó, Chúa bảo họ Đừng sợ hàm ý “đừng sợ nữa!” Các môn đồ đang bối rốisợ hãi thì Chúa Giê-xu đến với họ với hai lời: vững lòngđừng sợ.

Dựa trên các phân đoạn khác của Phúc Âm, chúng ta biết Phi-e-rơ là người nông nổi, với nhiều hành động không suy nghĩ. Sau khi bình tâm, biết đó chính là Chúa, ông nói: Lạy Chúa, nếu phải Chúa, xin khiến tôi đi trên mặt nước mà đến cùng Chúa (c. 28). Câu nói nầy cho thấy đức tin thật của Phi-e-rơ nơi Thầy của mình: (1) Chúa là tiếng gọi tôn cao (7:22). (2) Nếu phải Chúa, theo cấu trúc văn phạm, mang ý nghĩa giả định có thật (tương tự như Cô-lô-se 3:1) hàm ý “vì Chúa có thể đi trên mặt nước như vậy.” (3) Xin khiến tôi trong nguyên văn là: “Xin hãy ra lệnh cho tôi.” (4) Đến cùng Chúa là ý chính của Phi-e-rơ trong câu nầy (không có chữ đi trong nguyên văn): “Xin ra lệnh cho tôi đến cùng Chúa trên mặt nước!”

Chúng ta không rõ Phi-e-rơ đi trên mặt nước được bao lâu nhưng khi ông kêu cứu thì Chúa đã có thể giơ tay ra nắm lấy người (c. 31) chứng tỏ ông đã đi đến gần Chúa. Yếu tố khiến Phi-e-rơ hoảng sợ và kêu Chúa cứu là vì ông quay nhìn thấy gió và không còn nhìn thấy Chúa (c. 30). Phi-e-rơ bắt đầu là người can đảm, hành động với đức tin nhưng khi nhìn sóng gió thì ông không còn bước đi bằng đức tin nữa, do đó ông đã hoảng sợ và hòng sụp xuống nước (c. 30).

Hai điều Chúa nói về Phi-e-rơ là: (1) Ít đức tin. Và: (2) Hồ nghi (nghi ngờ). Trong Phúc Âm Ma-thi-ơ, ít đức tin chỉ được dùng cho các môn đồ, hàm ý lẽ ra họ phải có nhiều đức tin hơn, đức tin họ lẽ ra phải mạnh hơn. Nghi ngờ phản nghĩa với tin cậy. Phi-e-rơ có đức tin nơi Chúa và hành động can đảm nhưng đã thiếu lòng nhờ cậy hoàn toàn nơi Chúa vì đã chú mục vào ngoại cảnh.

Câu chuyện Chúa đi bộ trên mặt nước và biển yên lặng sau đó đã đưa đến việc mọi người trên thuyền thờ lạy (2:2; 4:9) và tôn xưng Chúa là Con Đức Chúa Trời. Đây phải là đáp ứng tự nhiên của mỗi người khi thấy quyền tể trị của Chúa trên thiên nhiên và trên mọi hoàn cảnh.

Ma-thi-ơ 14:34-36 một lần nữa tóm tắt chức vụ chữa bệnh của Chúa Giê-xu như chúng ta đã thấy trong 9:35 là câu tóm tắt chức vụ chữa bệnh của Ngài trong Ma-thi-ơ 8-10. Vì có qua đông người nên người ta xin chỉ cho rờ đến viền áo mà thôi, vậy ai rờ đến cũng đều được lành bịnh cả (c. 36). Điều nầy không mang ý nghĩa ma thuật nhưng hàm ý Chúa biết và cho phép xảy ra như trong trường hợp thiếu phụ được Chúa chữa lành (9:20-22). Việc chữa lành nầy đến từ quyền năng của Chúa và đức tin của người bệnh.