Trang Chủ :: Chia Sẻ

Ngày 1

Đức Chúa Trời Hay Tha Thứ

Thi-thiên 103:1-12

"Phương đông xa cách phương tây bao nhiêu, thì Ngài đã đem sự vi phạm chúng tôi khỏi xa chúng tôi bấy nhiêu" (Thi-thiên 103:12).

Câu hỏi suy ngẫm: Vua Đa-vít tạ ơn Chúa về những gì? Bạn có thể hòa lòng với Vua Đa-vít ở những điểm nào? Tại sao sự tha thứ là trọng tâm trong phân đoạn Kinh Thánh này? Tha thứ liên hệ thế nào đến những ơn phước khác Chúa ban cho Vua Đa-vít? Tha thứ ảnh hưởng thế nào đến các khía cạnh khác của đời sống bạn?

Vua Đa-vít viết rất nhiều Thi-thiên để tôn ngợi Chúa. Không những Vua Đa-vít tôn ngợi Chúa, ông cũng muốn mọi người đều cùng ông tôn ngợi Ngài. Bản tính con người thường mau quên, nhưng chỉ quên những điều đáng nhớ, nhưng lại nhớ rất kỹ những điều đáng quên! Vì thế, Vua Đa-vít tự nhủ với lòng đừng bao giờ quên tạ ơn Chúa.

Vua Đa-vít tạ ơn Chúa vì được tha thứ. Càng cảm nhận sự ghê tởm của tội lỗi mình, ông càng cảm nhận sự tha thứ quá lớn Chúa ban. Đây là điều đầu tiên và quan trọng nhất trong mối liên hệ giữa Chúa và con người. Sự tha thứ từ Chúa mở ra các phước hạnh khác trong đời sống của một người. Vua Đa-vít tạ ơn Chúa vì được chữa lành. Vua Đa-vít tạ ơn Chúa vì được giải cứu. Vua Đa-vít tạ ơn Chúa vì được sống sung mãn. Ông đã từng đội vương miện bằng vàng, nhưng đối với ông, sự nhân từ và sự thương xót của Chúa mới chính là mão miện ông luôn mong ước.

Trung tâm của những điều này là bản chất yêu thương, tha thứ của Đức Chúa Trời. Vua Đa-vít cho biết, Đấng ông hết lòng thờ phượng và biết ơn là Đấng hay làm ơn, chậm nóng giận, và đầy sự nhân từ. Ngài không bắt tội luôn luôn cũng chẳng giữ lòng giận đến đời đời. Vua Đa-vít dùng hai hình ảnh quen thuộc nhất trong vũ trụ này để diễn tả lòng yêu thương, tha thứ của Chúa: Khoảng cách giữa trời và đất, khoảng cách giữa đông và tây. Nói cách khác, Đức Chúa Trời cao cả vĩ đại bao nhiêu, thì sự tha thứ của Ngài cũng lớn lao, khôn lường bấy nhiêu.

Sự tha thứ của Chúa hoàn toàn không làm giảm đi bản chất thánh khiết, công bình của Ngài. Kinh Thánh cho biết: "Vì chưng Đức Chúa Trời vốn ở trong Đấng Christ, làm cho thế gian lại hòa với Ngài" (II Cô-rinh-tô 5:19). Nói cách khác, "Đức Chúa Trời đã làm cho Đấng vốn chẳng biết tội lỗi trở nên tội lỗi vì chúng ta, hầu cho chúng ta nhờ Đấng đó mà được trở nên sự công bình của Đức Chúa Trời" (II Cô-rinh-tô 5:21). Chúa Giê-xu đại diện cho dòng giống loài người đã nhận lãnh án phạt của tội lỗi trên thân thể Ngài. Vì vậy, sự tha tội của Đức Chúa Trời cho nhân loại phải được hiểu qua thập tự giá và qua bản tính thần nhân độc nhất vô nhị của Chúa Giê-xu. Ngoài ân sủng của Chúa, không thể có sự tha thứ thật. Oswald Chambers nói rằng: "Chúng ta có thể nói huyên thuyên về sự tha thứ khi chúng ta chưa bị tổn thương; nhưng một khi đã bị tổn thương, chúng ta nhận ra rằng sự tha thứ giữa con người với nhau là điều không thể có, nếu không nhờ ân sủng của Đức Chúa Trời."

Lạy Chúa, xin cho con cứ ôn lại mỗi ngày lòng yêu thương tha thứ lớn lao kỳ diệu của Chúa dành cho con, để mỗi ngày nhờ ơn của Chúa con có thể tha thứ những người làm tổn thương con.

(c) 2024 svtk.net