Trang Chủ :: Chia Sẻ

Ngày 27

Hai Lối

Công-vụ các Sứ-đồ 15:35-41

“Ba-na-ba muốn đem theo Giăng cũng gọi là Mác. Nhưng Phao-lô không có ý đem Mác đi với, vì người đã lìa hai người trong xứ Bam-phi-ly, chẳng cùng đi làm việc với” (câu 37-38).

Câu hỏi suy ngẫm: Tại sao Sứ đồ Phao-lô và ông Ba-na-ba có sự bất đồng gay gắt? Họ đã giải quyết vấn đề này như thế nào? Bạn ủng hộ quan điểm của ai? Bạn học được gì qua bài học này?

Chúng ta đã được biết Sứ đồ Phao-lô và ông Ba-na-ba là hai vị lãnh đạo đầy dẫy Chúa Thánh Linh. Họ có tinh thần chịu khổ vì Danh Chúa và đã đồng hành, sống chết với nhau trong suốt chuyến truyền giáo lần thứ nhất. Họ hiệp với nhiều người để rao giảng Tin Lành và dạy Lời Chúa tại An-ti-ốt (câu 35). Sau đó ít lâu, hai người thống nhất nên trở lại thăm viếng các tín hữu ở những nơi họ đã đi qua trong chuyến truyền giáo lần thứ nhất, và ông Ba-na-ba muốn đem theo ông Giăng cũng gọi là Mác. Nhưng Sứ đồ Phao-lô không đồng ý vì ông Mác đã lìa bỏ hai người tại Bam-phi-ly (Công-vụ các Sứ-đồ 13:13). Một sự bất đồng ý kiến gay gắt đã xảy ra và họ phân rẽ nhau, ông Ba-na-ba đưa ông Mác đến đảo Síp, còn Sứ đồ Phao-lô đồng đi với ông Si-la đến khắp xứ Sy-ri và Si-li-si giúp cho các Hội Thánh thêm vững mạnh.

Trong cuộc tranh cãi này, Sứ đồ Phao-lô nghĩ rằng Mác là một người thiếu trưởng thành, thiếu quyết tâm, thiếu kỷ luật. Người như vậy không đáng tin cậy để nhận lãnh sứ mệnh truyền giáo. Còn ông Ba-na-ba muốn đưa ông Mác đi vì là người họ hàng của ông (Cô-lô-se 4:10). Hơn nữa ông Ba-na-ba được mang danh là “con trai của sự an ủi” (Công-vụ các Sứ-đồ 4:36), nên muốn nâng đỡ ông Mác. Mặc dù chuyến đi trước, ông Mác đã bỏ cuộc và gây phiền toái cho nhiều người, nhưng ông Ba-na-ba vẫn muốn cho ông Mác một cơ hội nữa để kinh nghiệm tình yêu của Chúa. Ông tin rằng ông Mác được kêu gọi vào sứ mệnh truyền giáo của vương quốc Chúa và sẽ trở nên một giáo sĩ tận hiến cho Chúa. Và lần này, ông Ba-na-ba nhận định đúng, ông Mác đã trở nên một giáo sĩ hiệu quả cho Chúa. Chính Sứ đồ Phao-lô sau này cũng nhìn nhận ông Mác là người đồng công đắc lực của ông (Cô-lô-se 4:10).

Chúng ta thấy sự việc xảy ra thật đáng buồn vì một lý do không mấy quan trọng mà có sự chia rẽ giữa hai vị giáo sĩ tầm cỡ của Chúa. Chúng ta không thể nói ai đúng ai sai. Nhưng cảm tạ Đức Chúa Trời vì Ngài vẫn tể trị và sử dụng những thiếu sót của con người để hình thành hai nhóm truyền giáo, mở rộng vương quốc của Ngài. Đây cũng là một cơ hội để Sứ đồ Phao-lô và chúng ta ngày nay rút kinh nghiệm về cách nhìn nhận con người. Một cái nhìn tích cực sẽ trở thành động lực giúp người khác sống tốt hơn.

Tạ ơn Chúa vì quyền tể trị của Ngài thật kỳ diệu trên những yếu đuối, bất toàn của con cái Ngài. Xin Chúa dùng con như một sứ giả của Ngài, đem sự hòa thuận giữa con người với Chúa và với nhau.

(c) 2024 svtk.net