Trang Chủ :: Chia Sẻ

BÀI 59

27:1-10 - Số Phận Giu-đa

1. Tại sao “các thầy tế lễ cả và các trưởng lão trong dân hội nghị nghịch cùng Đức Chúa Jêsus để giết Ngài” nhưng họ lại “đem nộp cho Phi-lát” (c. 1-2)?

2. “Khi ấy, Giu-đa, là kẻ đã phản Ngài, thấy Ngài bị án, thì ăn năn” (c. 3a). “Ăn năn” trong câu nầy mang ý nghĩa gì? Tại sao?

3. Theo lời của Giu-đa (c. 4a) thì tội của Giu-đa là tội gì? Nghĩa là gì?

4. Câu trả lời của các thầy tế lễ cả và các trưởng lão (c. 4b) cho thấy điều gì về những người nầy?

5. Xin đọc thêm Công vụ 1:15-20 và cho biết hai câu chuyện nầy có mâu thuẫn nhau không? Tại sao?

6. Theo Ma-thi-ơ, việc Giu-đa phản Chúa và những diễn tiến tiếp theo là để “được ứng nghiệm lời đấng tiên tri Giê-rê-mi đã nói…” (c. 9) cho thấy điều gì?

 

 

 

 

 

 

 

 

Số phận Giu-đa

Ma-thi-ơ 27:1-10

Cuộc xử án Chúa Giê-xu gồm hai giai đoạn:

1. Trước tòa án tôn giáo (Tòa Công Luận) với những lãnh đạo Do-thái (26:57-68).

2. Trước tòa án La-mã với quan tổng đốc Phi-lát (27:1-2; 11-31).

Khi La-mã cai trị những vùng đất chiếm đóng, họ cho các chính quyền địa phương có quyền quyết định về các vấn đề nội bộ và tín ngưỡng. Riêng án tử hình phải được chính quyền La-mã phê chuẩn thì mới được thi hành (Giăng 18:28-32). Chính vì vậy mà các thầy tế lễ cả và các trưởng lão đem Chúa Giê-xu nộp cho Phi-lát là quan tổng đốc người La-mã (c. 2) để có thể giết Chúa.

Mặc dù vụ án chưa đến hồi kết cuộc ở tòa án La-mã nhưng Giu-đa biết rằng một khi đã bị tòa công luận kết án, số phận của tội nhân đã được quyết định.

Khi ấy, Giu-đa, là kẻ đã phản Ngài, thấy Ngài bị án, thì ăn năn (c. 3a).

Ăn năn trong câu nầy mang ý “hối hận” (metamelomai) nói đến thay đổi trong cảm xúc chứ không phải ăn năn trong ý thức (metanoeo), thật sự thay đổi (3:2). Cảm nhận của Giu-đa lúc đó là mình đã nộp huyết vô tội (c. 4a). Nộp nghĩa là “phản nộp,” mang ý nghĩa bội phản. Huyết nói đến sự sống. Giu-đa nhìn nhận tội của mình là đã gây cái chết cho một người vô tội (c. 4a). Cùng với lòng hối hận, Giu-đa đem ba chục miếng bạc trả cho các thầy tế lễ cả và các trưởng lão (c. 3b) có lẽ với hàm ý là quy lỗi về cho họ vì trả lại như vậy chứng tỏ ông đã không hành động vì ba mươi miếng bạc đó! Các thầy tế lễ cả và các trưởng lão là những người lãnh đạo tinh thần, lẽ ra phải có lời an ủi hay lời khuyên cho một linh hồn tội lỗi đang hối hận, nhưng họ đã trả lời Giu-đa:

Sự đó can gì đến chúng ta? Mặc kệ ngươi (c. 4b).

Sự đó can gì đến chúng ta hàm ý là họ không có tội gì trong việc nầy cả. Mặc kệ ngươi có thể dịch là, “Đó là chuyện riêng của anh, không can hệ gì đến chúng tôi!”

Công vụ 1:15-20 cũng ký thuật cái chết của Giu-đa nhưng với nhiều chi tiết hơn. Ma-thi-ơ ghi vắn tắt:

Giu-đa bèn ném bạc vào đền thờ, liền trở ra, đi thắt cổ (c. 5).

Ngoài ra không thêm vào chi tiết nào khác. Sách Công vụ thì ghi:

Tên đó (Giu-đa) lấy tiền thưởng của tội ác mình mà mua một đám ruộng (Công vụ 1:18).

Ma-thi-ơ thì ghi:

Giu-đa bèn ném bạc vào đền thờ… Họ (các thầy tế lễ cả) bàn với nhau dùng bạc đó mua ruộng của kẻ làm đồ gốm để chôn những khách lạ (c. 5, 7).

Hai điều nầy thật ra không mâu thuẫn với nhau vì đó thật là tiền thưởng của Giu-đa đã được dùng để mua ruộng và đám ruộng đó có thể là chính nơi Giu-đa chết. Ma-thi-ơ mô tả cái chết của Giu-đa với câu ngắn gọn: trở ra, đi thắt cổ (c. 5b). Những điều được ghi trong sách Công vụ (nhào xuống, nứt bụng và ruột đổ ra hết) là chi tiết của cái chết đó. Có thể Giu-đa treo cổ chết ở đó nhiều ngày nhưng không ai biết cho đến khi thây bị sình lên và dây treo cổ đứt xuống gây nên cảnh tượng trên.

Điều quan trọng trong câu chuyện nầy cũng như nhiều phần khác trong Phúc Âm Ma-thi-ơ là:

Bấy giờ được ứng nghiệm lời đấng tiên tri… đã nói (c. 9a).

Điều nầy cho thấy cả cuộc đời của Chúa Giê-xu từ lúc sinh ra cho đến lúc chết đều nằm trong chương trình cứu rỗi của Đức Chúa Trời, được các tiên tri nói đến từ trước. Trong phần nầy, Ma-thi-ơ cho biết, Bấy giờ được ứng nghiệm lời đấng tiên tri Giê-rê-mi đã nói (c. 9a). Bản Truyền Thống chú thích như sau:

Lời trích dẫn ở đây không phải tất cả đều của Giê-rê-mi nhưng là một tập hợp những ý trong Xa-cha-ri 11:12-13; Giê-rê-mi 32:6-15; 18:2-10 và 19:1-13. Có thể vì liên quan nhiều hơn đến Giê-rê-mi nên được gán cho Giê-rê-mi.

Những bài học ghi nhận:

1. Giu-đa vẫn có thể được tha thứ nếu ông thật sự ăn năn: dứt khoát với tội lỗi và quay trở lại với Chúa. Chỉ hối hận trong việc làm sai quấy của mình thì không đủ.

2. Các thầy tế lễ cả sẵn sàng lấy tiền trong kho thánh để trả cho Giu-đa phản nộp Chúa nhưng khi Giu-đa trả số tiền đó lại thì họ nói rằng đó là giá của huyết (c. 6b). Đây là một hình ảnh đạo đức giả trắng trợn mà chúng ta phải tránh.

3. Dù là điều gì xảy ra, chương trình của Đức Chúa Trời bao giờ cũng sẽ được hình thành như đã được các vị tiên tri nói đến từ trước. Điều nầy thêm cho chúng ta lòng tin vào tính cách xác thực muôn đời của Kinh Thánh.