Trang Chủ :: Chia Sẻ

BÀI 60

27:11-31 - Trước Mặt Phi-lát

Hội Thánh Tin Lành Orange December 6, 2017

Học Kinh Thánh

 

MA-THI-Ơ 27:11-31

 

1. Tại sao Phi-lát hỏi Chúa Giê-xu, “Có phải ngươi là vua của dân Giu-đa không” (c. 11a)?

2. Chúa Giê-xu là “vua của dân Giu-đa” (c. 11) trong ý nghĩa nào đối với Phi-lát? Đối với Chúa Giê-xu?

3. Tại sao Chúa Giê-xu “không đối đáp gì hết” (c. 12) khi các thầy tế lễ cả và các trưởng lão kiện Ngài?

4. Chi tiết về vợ Phi-lát (c. 19) nhằm cho thấy điều gì?

5. Xin đọc câu 21-23 và cho biết lý do nào khiến Phi-lát để cho Chúa Giê-xu chịu đóng đinh trên cây thập tự?

6. Việc Phi-lát “lấy nước rửa tay” (c. 24a)  hàm ý gì?

7. “Xin huyết người lại đổ trên chúng tôi và con cái chúng tôi” (c. 25) nghĩa là gì?

8. Quân lính khoác áo điều, đội mão gai và để cây sậy trong tay Chúa (c. 28-29) hàm ý điều gì? Tại sao họ làm như vậy?

9. Nếu được chứng kiến phiên tòa xử Chúa Giê-xu, Bạn sẽ có cảm nghĩ như thế nào? Tại sao?

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Trước Mặt Phi-lát

Ma-thi-ơ 27:11-31

Giới lãnh đạo Do-thái là những người quyết tâm giết Chúa Giê-xu (26:3-4). Trước Tòa Công Luận, tội danh họ buộc cho Chúa là phạm thượng và bản án cho tội phạm thượng là tử hình (26:65-66). Vì Palestine đang ở dưới quyền của La-mã nên bản án tử hình phải được chính quyền La-mã phê chuẩn (Giăng 18:31). Vì vậy các thầy tế lễ cả và các trưởng lão đã đem Chúa Giê-xu nộp cho Phi-lát (27:1-2). Diễn tiến của phiên xử Chúa Giê-xu trước mặt Phi-lát như sau:

Trước hết Phi-lát hỏi Chúa Giê-xu:

Có phải ngươi là vua của dân Giu-đa không? (c. 11a).

Đối với người La-mã, tội danh “phạm thượng” không có ý nghĩa gì đối với họ (Giăng 18:30-31a) cho nên tội danh mà giới lãnh đạo Do-thái nói với chính quyền La-mã là, Chúa Giê-xu tự xưng là vua (Giăng 19:12). Khi Phi-lát hỏi Chúa Giê-xu: “Có phải ngươi là vua của dân Giu-đa không?” hàm ý Chúa Giê-xu là người nổi lên chống lại chính quyền La-mã. Chúa Giê-xu trả lời “Phải” hay “Không phải” đều không được. Trả lời “Phải,” Phi-lát sẽ hiểu rằng Chúa Giê-xu là người nổi loạn chống lại La-mã như lời tố cáo của những nhà lãnh đạo tôn giáo. Trả lời “Không phải” thì cũng không đúng vì Chúa Giê-xu thật sự là vua của dân Giu-đa trong vương quốc Đức Chúa Trời. Câu trả lời của Chúa Giê-xu trong trường hợp nầy cũng tương  tự như câu Chúa đã trả lời thầy tế lễ thượng phẩm Cai-phe (26:64a): “Chính ngươi đã nói thế” (BHĐ). “Chính ngươi đã nói thế” hàm ý rằng, “Ta thật sự là vua như lời ngươi nói nhưng Ta là vua với ý nghĩa khác với ý nghĩa vua mà ngươi hiểu.”

Cũng tương tự như trong trường hợp trước mặt Cai-phe (26:62-63), Chúa Giê-xu đã yên lặng khi mọi người kiện cáo Chúa (c. 12-14). Điều nầy khiến cho Phi-lát phải ngạc nhiên (c. 14). Chúa Giê-xu bị người Do-thái cáo buộc với người La-mã để xử tử Chúa, những người bị cáo buộc như vậy thường lên tiếng biện hộ cho mình, nhất là một người vô tội như Chúa. Nhưng Chúa Giê-xu đã không đáp lại một lời gì, c. 14a (trong nguyên ngữ là, “Không nói một lời.”) Chúa Giê-xu đã không trả lời vì hai lý do:

(1) Câu trả lời nào cũng vô ích vì họ đã quyết tâm giết Chúa cho nên họ sẽ tìm đủ mọi cách, dù là gian dối, để buộc tội Ngài.

(2) Chúa Giê-xu biết kết quả của bản án là cái chết trên cây thập tự, đây là điều Chúa Giê-xu đã đến để gánh chịu. Chúa Giê-xu yên lặng chứng tỏ Ngài vâng phục chương trình của Đức Chúa Cha cho Ngài.

Phàm đến ngày lễ Vượt Qua, quan tổng đốc thường có lệ tha một tên tù tùy ý dân muốn (c. 15).

Câu nầy trong nguyên văn không có chữ “Vượt Qua” như Bản Hiệu Đính đã dịch: “Theo thông lệ, cứ vào dịp lễ, tổng đốc ân xá cho một tù nhân theo ý dân muốn.” Tuy nhiên, theo cách hành văn và đối chiếu với Giăng 18:39, đây thật là một thông lệ trong dịp Lễ Vượt Qua. Theo câu hỏi của Phi-lát trong Giăng 18:39, Phi-lát là người có quyền ân xá, nhưng chọn ai để ân xá thì người La-mã dành quyền đó cho người Do-thái. Vì người Do-thái muốn giết Chúa Giê-xu cho nên phải tìm một người bị án tương tự để “trao đổi.” Ba-ra-ba là tên tội phạm đó. Ma-thi-ơ gọi Ba-ra-ba là tên phạm nổi tiếng (c. 16) hay “một tù nhân khét tiếng” (BHĐ). Phúc Âm Mác cho biết Ba-ra-ba là người “bị tù với kẻ làm loạn vì trong khi nổi loạn, chúng nó phạm tội giết người” (Mác 15:7). Phi-lát biết Chúa Giê-xu vô tội và vì biết bởi lòng ghen ghét nên chúng đã nộp Ngài (c. 18) nên đưa ra một lựa chọn mà Phi-lát nghĩ là hiển nhiên giữa Chúa Giê-xu và một tên tội phạm, để cứu Ngài khỏi chết. Tuy nhiên, quyết định của các thầy tế lễ cả và các trưởng lão là xin tha Ba-ra-ba và giết Đức Chúa Jêsus (c. 20).

Đối thoại giữa Phi-lát và các thầy tế lễ cả như sau:

 

PHI-LÁT

CÁC THẦY TẾ LỄ CẢ

Trong hai người nầy, các ngươi muốn ta tha ai?

 

Ba-ra-ba!

Vậy, còn Jêsus gọi là Christ, thì ta sẽ xử thế nào?

Đóng đinh nó trên cây thập tự! 

Song người nầy đã làm việc dữ gì?

Đóng đinh nó trên cây thập tự!

 

Đọc phần đối thoại trên, chúng ta thấy các thầy tế lễ cả quyết tâm giết Chúa Giê-xu bằng mọi giá, không suy nghĩ gì đến công lý cả. Phiên xử Chúa Giê-xu trước tòa Phi-lát chỉ là buộc tội, lên án và đòi xử tử!

Giữa phiên xử, Ma-thi-ơ thêm vào chi tiết sau:

Quan tổng đốc đang ngồi trên tòa án, vợ người sai thưa cùng người rằng: Đừng làm gì đến người công bình đó vì hôm nay tôi đã bởi cớ người mà đau đớn nhiều trong chiêm bao (c. 19).

Chỉ trong Phúc Âm Ma-thi-ơ chúng ta mới có chi tiết về vợ của Phi-lát. Theo truyền thống, bà tên là Claudia Procla và là một tín hữu Cơ-đốc. Đông Giáo Hội cũng đã phong thánh cho bà. Bà đã nhắn tin cho Phi-lát khi ông đang ngồi trên tòa án (c. 19a) nghĩa là đang giữa vụ xử án. Điều nầy cho thấy tính cách khẩn cấp của vấn đề. Yêu cầu của bà là, Đừng làm gì đến người công bình đó (c. 19b) hàm ý bảo Phi-lát không nên có quyết định gì có phương hại đến Chúa Giê-xu mà bà gọi là người công bình, hàm ý Chúa Giê-xu là “người vô tội” (Bản NIV). Chúng ta không rõ chi tiết chiêm bao của vợ Phi-lát là gì chỉ biết là bà đã “bị dằn vặt nhiều trong chiêm bao” (BHĐ). Phúc Âm Ma-thi-ơ nhiều lần nói đến chiêm bao (1:20; 2:12, 13, 19, 22) cho nên chúng ta có thể hiểu chiêm bao nầy đến từ Đức Chúa Trời. Vợ Phi-lát cho biết lúc bà đau đớn nhiều trong chiêm bao là hôm nay (c. 19c). Điều nầy hàm ý là Phi-lát đã đến phiên xử từ sáng sớm (c. 1; Giăng 18:28) và vì vậy đã không thể nói chiêm bao của mình cho chồng.

Đối với Phi-lát, Chúa Giê-xu chỉ là một người vô danh từ Ga-li-lê nhưng cố gắng của ông muốn tha cho Chúa Giê-xu cho thấy lời nhắn của vợ Phi-lát chắc hẳn đã ảnh hưởng trên quyết định của ông.

Đọc cả bốn Phúc Âm, chúng ta thấy Phi-lát luôn luôn muốn tha cho Chúa Giê-xu: giải qua cho Hê-rốt (Lu-ca 23:1-7), đề nghị “đánh đòn” thay cho án tử hình (Lu-ca 23:22), giao Chúa lại cho người Do-thái (Giăng 19:6), đặt câu hỏi tối hậu cho người Do-thái (Giăng 19:15). Hành động rửa tay của Phi-lát tại đây nói lên cùng một điều: Chúa Giê-xu vô tội và ông không chịu trách nhiệm về cái chết của Ngài. Sở dĩ Phi-lát đi đến quyết định nầy vì:

Phi-lát thấy mình không thắng nổi chi hết, mà sự ồn ào càng thêm (c. 24a).

Một trong những trách nhiệm chính của vị tổng đốc La-mã lúc bấy giờ là phải giữ thế nào để dân không nổi loạn. Ba-ra-ba đối với người Do-thái lúc bấy giờ được kể như “anh hùng” vì là người chống lại La-mã (Mác 15:7-8). Tha cho Chúa Giê-xu thay vì Ba-ra-ba chắc chắn sẽ khiến cho dân chúng nổi loạn.

Xin huyết người lại đổ trên chúng tôi và con cái chúng tôi! (c. 25).

Đây là câu thường được dùng để cho rằng sở dĩ người Do-thái phải trải qua nhiều khổ nạn suốt dòng lịch sử vì lời tuyên bố nầy. Tuy nhiên, chúng ta không thể dựa vào một câu nói bốc đồng của đoàn người nổi loạn lại là nguyên nhân khiến cho con dân Chúa phải chịu khổ nạn như vậy.

Phi-lát bèn tha tên Ba-ra-ba cho chúng (c. 26a) cho thấy cố gắng của Phi-lát muốn tha Chúa Giê-xu đã không thực hiện được vì áp lực của đoàn dân do sự xúi giục của các thầy tế lễ cả và các trưởng lão (c. 20).

Và khiến đánh đòn Đức Chúa Giê-xu (c. 26b).

Đánh đòn là giai đoạn đầu trong tiến trình xử tử của người La-mã. Thân thể nạn nhân thường bị lột nát ra vì những roi da, đầu có những móc làm bằng kim loại hay bằng những miếng xương nhỏ. Có những tử tội đã chết ngay sau khi bị đánh đòn, không cần phải đóng đinh mới chết! Chính vì sự khủng khiếp của việc đánh đòn mà Phi-lát hy vọng rằng chỉ cần cho Chúa bị đánh đòn cũng đủ thỏa mãn lòng ganh ghét của những người muốn giết Chúa (Lu-ca 23:22-23).

Sau trận đòn chí tử là việc Chúa Giê-xu bị quân lính La-mã chế nhạo và làm nhục (c. 27-30). Trước hết họ lấy áo điều mà khoác cho Ngài (c. 28). Áo (chlamus) là phần vải choàng nhỏ mà các sĩ quan La-mã hay các viên chức cao cấp khoác lên vai. Điều là màu đỏ đậm. Mác 15:17 trong nguyên văn thì ghi là áo choàng “màu tím đậm.” Thời xưa, tím đậm là màu của vua chúa. Rất có thể áo điều mà lính La-mã khoác lên cho Chúa Giê-xu là phần vải choàng nhỏ cũ phai màu, ngã sang hơi tím của một sĩ quan La-mã nào đó mà quân lính tìm được và khoác lên cho Chúa, chế nhạo Chúa là vua.

Mão gaicây sậy ý chỉ về vương miện và và vương trượng của nhà vua là những hình ảnh chế nhạo khác của quân lính.

Nhục hình Chúa Giê-xu gánh chịu chẳng những là đau đớn thể xác (đánh đòn) nhưng cả những nhục nhã tinh thần (bị chế nhạo là vua) đúng như Ê-sai 53:1-6 đã mô tả thật đầy đủ. Chúng ta cần đọc lại hai phân đoạn Kinh Thánh (Ma-thi-ơ 27:11-31 và Ê-sai 53:1-6) chung với nhau để cảm nhận được tất cả những điều Chúa Giê-xu gánh chịu vì chúng ta.