Trang Chủ :: Chia Sẻ

BÀI 61

27:32-54 - Chúa Chịu Đóng Đinh

Hội Thánh Tin Lành Orange December 13, 2017

Học Kinh Thánh

 

MA-THI-Ơ 27:32-54

 

1. Xin kể ra những sự kiện về việc Chúa chịu đóng đinh (c. 32-37).

2. Xin kể ra những sự việc xảy ra chung quanh cây thập tự của Chúa (c. 38-39).

3. Xin kể ra những lời người ta chế giễu Chúa (c. 40-43). Chúa Giê-xu có thể làm những điều người ta nói về Chúa trong các câu 40 và 42-43 được không? Tại sao Chúa không làm?

4. Xin đối chiếu câu 44 với Lu-ca 23:39-43. Hai điều nầy có mâu thuẫn nhau không? Tại sao?

5. Xin cho biết ý nghĩa của tiếng kêu, “Đức Chúa Trời tôi ơi! Đức Chúa Trời tôi ơi! sao Ngài lìa bỏ tôi?” (c. 46)

6. Những hiện tượng nào đã xảy ra sau khi Chúa chết (c. 51-53)?

7. Xin cho biết ý nghĩa của việc “cái màn trong đền thờ, bị xé ra làm hai từ trên chí dưới” (c. 51a).

8. Lời tuyên bố, “Thật người nầy là Con Đức Chúa Trời!” (c. 54b) cho thấy điều gì?

 

Chúa Chịu Đóng Dinh

Ma-thi-ơ 27:32-54

 

Việc Chúa Giê-xu bị đóng đinh trên thập giá được Ma-thi-ơ mô tả ngắn gọn với những chi tiết sau:

1. Si-môn, người Sy-ren là người bị bắt vác cây thập tự thay cho Chúa Giê-xu.

2. Nơi Chúa Giê-xu bị đóng đinh là Gô-gô-tha nghĩa là “chỗ cái sọ.”

3. Chúa Giê-xu không chịu uống rượu trộn với mật đắng.

4. Những người lính La-mã sau khi đóng đinh Chúa đã bắt thăm để chia áo xống của Chúa.

5. Bản án của Chúa là, “Người Nầy Là Jêsus, Vua Dân Giu-đa.”

Hình cụ xử tử của người La-mã gồm hai thanh gỗ ghép lại thành hình chữ thập. Thanh đứng có sẵn ở pháp trường còn tử tội phải vác thanh ngang ra pháp trường. Vác cây thập tự (c. 32) nghĩa là vác thanh cây ngang đó. Chúa Giê-xu đã bị tra vấn suốt đêm (26:57-27:1), rồi bị đánh đòn (thân thể nạn nhân thường bị lột nát ra vì những roi da, đầu có những móc làm bằng kim loại hay bằng những miếng xương nhỏ cho nên chắc chắn đã không còn sức để vác thanh gỗ thập tự. Những người lính La-mã hẳn đã thấy rõ điều đó nên mới bắt người khác vác cây thập tự của Chúa. Lính La-mã có quyền bắt người dân trong những vùng đất họ cai trị làm bất cứ công việc nào nào họ thấy cần. Bắt phải đi một dặm đường để mang thư từ (5:41) là trường hợp tương tự như việc vác cây thập tự ở đây. Si-môn là người họ bất chợt gặp ở đây. Lu-ca cho biết ông đang “từ ngoài đồng về” (Lu-ca 23:26). Mác thêm vào chi tiết Si-môn “là cha A-léc-xăn-đơ và Ru-phu” (Mác 15:21). A-léc-xăn-đơ và Ru-phu hẳn là tín đồ trong Hội Thánh đầu tiên mà độc giả của Phúc Âm Mác biết nên mới được nêu tên như vậy. Điều nầy hàm ý Si-môn cũng là người tin Chúa sau việc ông phải vác cây thập tự thay cho Chúa Giê-xu. Si-môn là người ở thành Sy-ren. Sy-ren là thành phố ở Bắc Phi, cho nên chúng ta có thể hiểu ông là người Do-thái nhưng sinh trưởng ở nước ngoài và về nước để dự Lễ Vượt Qua.

Địa điểm Chúa Giê-xu bị hành hình là Gô-gô-tha phiên âm từ tiếng A-ram và tiếng Hê-bơ-rơ nghĩa là “chỗ cái sọ.” Tại Giê-ru-sa-lem ngày nay có một địa điểm trên một ngọn đồi mà người ta cho là đó Gô-gô-tha (Gordon’s Calvary) vì đồi nầy có hình thù như một cái cái sọ người. Tuy nhiên, điều nầy không chắc chắn. “Chỗ cái sọ” có thể chỉ có nghĩa là “chỗ sọ người” tức là pháp trường, nơi các tội nhân bị hành hình.

Việc Chúa Giê-xu nếm rượu hay uống giấm khi bị đóng đinh được cả ba Phúc Âm ghi lại nhưng không giống nhau:

 

Ma-thi-ơ 27:34

Họ cho Ngài uống rượu trộn với mật đắng, song Ngài nếm, thì không chịu uống

Mác 15:23

Họ cho Ngài uống rượu hòa với một dược song Ngài không uống

Lu-ca 23:36

Quân lính cũng giỡn cợt Ngài, lại gần đưa giấm cho Ngài uống

 

Sự việc nầy có thể có hai ý nghĩa:

(1) Người ta thường cho tử tội uống rượu hòa với một dược như một loại thuốc giúp nạn nhân đỡ bị đau đớn khi bị hành hình. Chúa Giê-xu đã khước từ điều nầy.

(2) Ma-thi-ơ 27:34 ghi là quân lính cho Chúa uống rượu trộn với mật đắng (không phải một dược) là để chế nhạo Chúa (đối chiếu với Lu-ca 23:36, giấm đúng hơn là “rượu chua,” loại rượu lính La-mã thường uống). Vì thức uống quá đắng nầy nên Chúa đã nếm và không uống.

Việc quân lính chia nhau áo xống của Chúa, Ma-thi-ơ chỉ ghi lại một câu ngắn gọn:

Họ đã đóng đinh Ngài trên cây thập tự rồi, thì bắt thăm mà chia nhau áo xống của Ngài (c. 35).

Phúc Âm Giăng mô tả nhiều hơn (Giăng 19:23-24) và cho biết điều nầy đã ứng nghiệm Thi thiên 22:18 từng chi tiết một!

Bản án của Chúa được ghi trên đầu cây thập tự bằng ba thứ tiếng: Hê-bơ-rơ, La-tinh và Hy-lạp (Giăng 19:20) với mục đích cho mọi người biết. Vua dân Giu-đa hàm ý phản loạn chống lại chính quyền La-mã. Bản án cũng hàm ý nhạo cười, vua mà lại bị hành hình như vậy. Chính vì vậy mà các thầy tế lễ cả đã yêu cầu sửa bản án thành, “Người nói (tự xưng) Ta là vua dân Giu-đa.” (Giăng 19:21).

Lu-ca 23:39-43 cũng cho biết có hai tên trộm cướp cùng bị đóng đinh với Chúa nhưng một tên đã ăn năn và xin Chúa nhớ đến mình. Ma-thi-ơ thì ghi:

Hai tên trộm cướp bị đóng đinh trên cây thập tự với Ngài cũng nhiếc móc Ngài như vậy (c. 44).

Hai sự việc nầy không mâu thuẫn nhau nhưng hàm ý rằng, lúc đầu cả hai tên trộm cướp cùng nhiếc móc Chúa nhưng sau đó đã được thức tỉnh và thay đổi. Ngoài ra ngôn ngữ Hê-bơ-rơ và Hy-lạp có khi cũng dùng từ số nhiều để chỉ việc làm của một người (tương tự như trong tiếng Việt nói “chúng tôi” nhưng thật sự chỉ một người nói).

Chúa Giê-xu chẳng những chịu đau đớn kinh khủng về thể xác trên cây thập tự nhưng Ngài cũng nghe bao nhiêu tiếng nhạo cười:

1. Ngươi là kẻ phá đền thờ và dựng lại trong ba ngày, hãy cứu lấy mình đi (c. 40a).

2. Nếu ngươi là Con Đức Chúa Trời, hãy xuống khỏi cây thập tự (c. 40b).

3. Nó đã cứu kẻ khác mà cứu mình không được (c. 42a).

4. Nếu phải Vua dân Y-sơ-ra-ên, bây giờ hãy xuống khỏi cây thập tự đi, thì chúng ta mới tin (c. 42b).

5. Nó nhờ cậy Đức Chúa Trời, nếu Đức Chúa Trời yêu nó thì bây giờ Ngài phải giải cứu cho, vì nó đã nói rằng: Ta là Con Đức Chúa Trời (c. 43).

Đây là những lời thật đau lòng và cũng đầy cám dỗ, thách thức cho Chúa. Chúa Giê-xu thật sự có thể xuống khỏi cây thập tự, có thể tự cứu mình và Đức Chúa Trời cũng có thể giải  cứu Ngài khỏi chết trên cây thập tự nhưng Chúa đã không làm như vậy vì Ngài phải chịu chết để hoàn thành chương trình của Đức Chúa Trời.

Giờ thứ sáu đến giờ thứ chín (c. 45a) là từ giữa trưa đến ba giờ chiều. Khắp cả xứ đều tối tăm mù mịt (c. 45b) không thể là do hiện tượng nhật thực vì đây là vào dịp Lễ Vượt Qua, trăng tròn, không thể có hiện tượng nhật thực vào thời điểm nầy. Có người cho rằng tối tăm mù mịt có thể do bão cát gây ra nhưng chúng ta không có bằng chứng nào về điều nầy. Cách giải thích duy nhất là, đây là một hiện tượng siêu nhiên Đức Chúa Trời cho phép xảy ra để cho thấy cái kinh khủng của án phạt Đức Chúa Trời trên tội lỗi. Kinh Thánh thường dùng hình ảnh tối tăm để nói đến sự phán xét của Đức Chúa Trời (Ê-sai 5:30; 13:10-11; Giô-ên 3:14-15).

Bốn sách Phúc Âm ghi lại bảy lời nói của Chúa Giê-xu khi Ngài chịu đóng đinh trên cây thập tự. Ma-thi-ơ chỉ ghi lại một lời:

Ê-li, Ê-li, lam-ma sa-bách-ta-ni? nghĩa là: Đức Chúa Trời tôi ơi! Đức Chúa Trời tôi ơi! Sao Ngài lìa bỏ tôi (c. 46b).

Ê-li phiên âm tiếng Hê-bơ-rơ nghĩa là “Đức Chúa Trời tôi.” (Ê-lô-i trong Mác 15:34 là tiếng A-ram).  Lam-ma sa-bách-ta-ni là tiếng A-ram, ngôn ngữ của người Do-thái thời đó. Đây cũng là câu mở đầu của Thi thiên 22. Chúa Giê-xu có thể đã dùng lời của Thi thiên 22:1 làm lời cầu nguyện của Ngài với Đức Chúa Cha nhưng đây cũng đúng là tâm trạng của Chúa Giê-xu lúc bấy giờ. Chúa cảm nhận sự phân cách kinh khủng giữa Ngài với Đức Chúa Cha vì Ngài phải mang tội của toàn thể nhân loại. Chúa Giê-xu với Đức Chúa Cha là một (Giăng 10:30), không thể phân cách được, nhưng khi đối chiếu giữa sự thánh khiết của Đức Chúa Trời (Ha-ba-cúc 1:13) và việc Chúa Giê-xu phải gánh tội thay cho nhân loại (II Cô-rinh-tô 5:21) và bị Đức Chúa Trời rủa sả (Ga-la-ti 3:13) thì sự phân cách nầy là điều phải xảy ra và Chúa Giê-xu đã diễn tả nỗi đau đớn cùng cực đó trong lời cầu nguyện bằng tiếng mẹ đẻ của mình: Ê-lô-i, Ê-lô-i, lam-ma sa-bách-ta-ni? “Đức Chúa Trời tôi ơi! Đức Chúa Trời tôi ơi! Sao Ngài lìa bỏ tôi?”

Trong tiếng Hê-bơ-rơ cũng như phiên âm trong tiếng Việt thì “Đức Chúa Trời tôi” (Ê-li) và tên của tiên tri Ê-li nghe giống như nhau, do đó có người nghĩ là Chúa kêu tiên tri Ê-li. Tiên tri Ê-li là người đã được Đức Chúa Trời cất lên trời và không chết (II Các Vua 2). Truyền thống Do-thái tin Ê-li là người làm phép lạ và thường đến cứu giúp những người bị nạn trên trần gian. Chính vì vậy mà những người chung quanh nghĩ rằng Chúa gọi tiên tri Ê-li đến giúp Ngài.

Liền có một người trong bọn họ chạy lấy một miếng bông đá, và thấm đầy giấm, để trên đầu cây sậy mà đưa cho Ngài uống (c. 48).

Nghe Chúa kêu “Ê-li,” một người trong bọn họ (c. 48a) có thể là một trong những người chứng kiến Chúa bị đóng đinh hay một người lính La-mã đã nhanh nhẹn (“liền” và “chạy”) giúp Chúa trong hoàn cảnh nầy. Người nầy đã lấy một miếng bông đá, và thấm đầy giấm, để trên đầu cây sậy mà đưa cho Ngài uống (c. 48b). Giấm ở đây là loại rượu nho rẻ tiền mà quân lính hay uống và hành động nầy đã làm ứng nghiệm lời Kinh Thánh trong Thi thiên 69:21.

Một người phản ứng trước lời kêu của Chúa bằng cách cho Ngài uống giấm còn những người khác thì chờ xem thử tiên tri Ê-li có đến cứu Ngài hay không (c. 49).

Đối chiếu với Phúc Âm Giăng (Giăng 19:30) thì Chúa Giê-xu đã trút linh hồn sau khi nếm giấm trong miếng bông đá.

Đức Chúa Jêsus lại kêu lên một tiếng lớn nữa, rồi trút linh hồn (c. 50).

Phúc Âm Giăng cho biết tiếng lớn Chúa Giê-xu kêu là “Mọi việc đã được trọn” (Giăng 19:30) hàm ý Chúa đã hoàn tất công tác cứu chuộc nhân loại mà Đức Chúa Cha trao phó cho Ngài.

Những hiện tượng xảy ra sau khi Chúa chết là:

1. Cái màn trong đền thờ, bị xé ra làm hai từ trên chí dưới (c. 51a).

2. Đất thì rúng động, đá lớn bể ra (c. 51b).

3. Mồ mả mở ra, và nhiều thây của các thánh qua đời được sống lại (c. 52).

Cái màn trong đền thờ thường được hiểu là cái màn ngăn giữa nơi thánh và nơi chí thánh là nơi mà chỉ thầy tế lễ thượng phẩm mới được vào mỗi năm một lần. Điều nầy đã được tác giả Thư Hê-bơ-rơ xác nhận (Hê-bơ-rơ 9:6-8; 10:19-20). Cái chết của Chúa Giê-xu đã mở con đường mới cho con người trực tiếp đến với Đức Chúa Trời.

Đất thì rúng động, đá lớn bể ra (c. 51b) cho thấy đây không phải chỉ là trận động đất thường nhưng là một hiện tượng siêu nhiên Đức Chúa Trời cho phép xảy ra.

Mồ mả thời đó thường là những hang đá, mở ra hàm ý những tảng đá lớn chận cửa mộ ngã xuống và nhiều thây của các thánh qua đời được sống lại (c. 52). Câu tiếp theo ghi:

Sau khi Đức Chúa Jêsus đã sống lại, các thánh đó ra khỏi mồ mả, đi vào thành thánh và hiện ra cho nhiều người thấy (c. 53).

Điều nầy cho thấy họ chỉ sống lại sau khi Chúa Giê-xu sống lại chứ không phải lúc Chúa chết.

Thầy đội và những lính cùng với người canh giữ Đức Chúa Jêsus, thấy đất rúng động và những điều xảy đến, thì sợ hãi lắm, mà nói rằng: Thật người nầy là Con Đức Chúa Trời (c. 54).

Thầy đội là viên sĩ quan La-mã chỉ huy một trăm người cùng với binh sĩ của ông đã sợ hãi trước cái chết của Chúa và tuyên bố: Thật người nầy là Con Đức Chúa Trời. Đây cũng là điều các môn đồ của Chúa đã công nhận khi Chúa dẹp yên cơn bão (14:33). Điều nầy cho thấy cái chết của Chúa Giê-xu không phải là cái chết thường tình vì ngay cả Dân Ngoại cũng phải đi đến kết luận Chúa thật là Con của Đức Chúa Trời.