Trang Chủ :: Chia Sẻ

BÀI 7

3:1-9 NGƯỜI GA-LA-TI NGU MUỘI

1 Hỡi người Ga-la-ti ngu muội kia, ai bùa ếm anh em là người mà trước mắt đã được rõ bày ra Đức Chúa Jêsus Christ bị đóng đinh trên thập tự giá? 2 Tôi chỉ hỏi anh em một câu nầy: Ấy là cậy các việc luật pháp hay là bởi nghe và tin mà anh em đã nhận được Đức Thánh Linh? 3 Sao anh em ngu muội dường ấy? Sau khi đã khởi sự nhờ Đức Thánh Linh, nay sao lại cậy xác thịt mà làm cho trọn? 4 Anh em há luống công mà chịu sự khốn khó dường ấy sao? Nếu quả là luống công! 5 Đấng ban Đức Thánh Linh cho anh em và làm các phép lạ trong anh em, thì làm bởi các việc luật pháp, hay là bởi đã nghe mà tin? 6 Như Áp-ra-ham tin Đức Chúa Trời, thì đã kể là công bình cho người, 7 vậy anh em hãy nhận biết rằng những kẻ có đức tin là con cháu thật của Áp-ra-ham. 8 Kinh Thánh cũng biết trước rằng Đức Chúa Trời sẽ xưng dân ngoại là công bình bởi đức tin, nên đã rao truyền trước cho Áp-ra-ham tin lành nầy: Các dân sẽ nhờ ngươi mà được phước. 9 Ấy vậy, ai tin thì nấy được phước với Áp-ra-ham, là người có lòng tin.

 

1. Theo ý quý vị, tại sao Phao-lô gọi người Ga-la-ti là những người ngu muội (c. 1)?

2. “Bùa ếm” (c. 1a) nghĩa là gì? Tại sao Phao-lô cho rằng người Ga-la-ti bị bùa ếm?

3. Câu hỏi của Phao-lô trong câu 2 phải được trả lời như thế nào?

4. Câu 3 cho thấy người Ga-la-ti ngu muội trong ý nghĩa nào?

5. Câu hỏi của Phao-lô trong câu 5 phải được trả lời như thế nào?

6. Điểm giống nhau giữa chúng ta và Áp-ra-ham là gì?

7. Tại sao Phao-lô dùng Áp-ra-ham làm ví dụ về vấn đề nầy?

8. Tóm lại, vấn đề chính Phao-lô muốn người Ga-la-ti thấy rõ là gì? Áp dụng cho chúng ta như thế nào?

 

Chủ đề của Thư Ga-la-ti là cứu rỗi (xưng công chính) bởi đức tin không phải bởi luật pháp (tuân giữ luật pháp Môi-se hay cố gắng của con người). Trong hai chương đầu, Phao-lô dùng kinh nghiệm bản thân để minh chứng rằng Phúc Âm ông rao giảng là Phúc Âm chân chính vì nó đến từ Đức Chúa Trời và ông là người được chính Chúa kêu gọi để rao giảng Phúc Âm đó.

Trong phần tiếp theo (3:1-5:12), Phao-lô minh chứng giáo lý xưng công chính bởi đức tin dựa trên Kinh Thánh và lý luận thần học. Cốt lõi của vấn đề nầy được đưa ra trong 3:1-5 bằng một loạt câu hỏi Phao-lô đặt ra cho các tín hữu vùng Ga-la-ti. Ông gọi đích danh họ, ông muốn đặt vấn đề với chính họ: Hỡi người Ga-la-ti ngu muội kia! (c. 1a). Ba điều Phao-lô muốn nói với họ là ngu muội, vô lý và mâu thuẫn.

Ngu muội (c. 1a) chỉ về những người biết suy nghĩ nhưng không sử dụng nhận thức của mình vào đời sống (Lu-ca 24:25; Rô-ma 1:14; I Ti. 6:9; Tít 3:3). Trong trường hợp nầy, người Ga-la-ti đã biết rõ là nhờ cái chết thay thế của Chúa Giê-xu mà họ được cứu: Anh em là người mà trước mắt đã được rõ bày ra Đức Chúa Jêsus Christ bị đóng đinh trên thập tự giá (c. 1b). Biết rõ như vậy mà bây giờ lại cố vâng giữ luật pháp để được cứu tức là đương nhiên phủ nhận giá trị cái chết của Chúa Giê-xu. Ngu muội là như vậy.

Tình trạng ngu muội đó của người Ga-la-ti là điều Phao-lô không thể giải thích được, vì vậy ông cho rằng chỉ có một nguyên nhân khiến điều đó xảy ra, đó là họ bị bùa ếm: Ai bùa ếm anh em (c. 1a)? Bùa ếm hàm ý họ đã bị ma quỷ mê hoặc mà từ bỏ chân lý, chứ không thể vì một lý do nào khác! Câu hỏi của Phao-lô trong câu 1 mang tính cách tu từ (rhetoric question) nghĩa là hỏi chỉ để nhấn mạnh chứ không phải để trả lời.

Câu hỏi thứ hai của Phao-lô trong câu 2 mới cần được trả lời:

Tôi chỉ hỏi anh em một câu nầy: Ấy là cậy các việc luật pháp hay là bởi nghe và tin mà anh em đã nhận được Đức Thánh Linh?

Phao-lô đối chiếu giữa hai điều: (1) Các việc luật pháp. Và: (2) Nghe và tin. Các việc luật pháp hàm ý vâng giữ luật pháp Môi-se bằng cố gắng của con người. Nghe và tin nhấn mạnh đến ân sủng của Chúa (Ê-phê-sô 2:10). Nhận được Đức Thánh Linh nói đến kết quả của sự cứu rỗi: khi một người tin Chúa, người đó nhận được Đức Thánh Linh, có Thánh Linh ngự trị tâm hồn (Rô-ma 8:9). Câu hỏi của Phao-lô ở đây là: “Anh em được cứu nhờ ân sủng của Đức Chúa Trời hay nhờ cố gắng giữ luật pháp?” Câu trả lời hiển nhiên là bởi ân sủng, chỉ nhờ ân sủng, chỉ bởi nghe và tin mà thôi!

Nếu chỉ bởi nghe và tin mà được cứu mà bây giờ người Ga-la-ti lại cố gắng vâng giữ luật pháp để được cứu thì họ thật là dại dột:

Sao anh em ngu muội dường ấy? Sau khi đã khởi sự nhờ Đức Thánh Linh, nay sao lại cậy xác thịt mà làm cho trọn? (c. 3)

Khởi sự nhờ Đức Thánh Linh nghĩa là họ đã bắt đầu bằng đức tin thì cũng phải tiếp tục và kết thúc với đức tin, không thể thay đổi! Họ không thể bắt đầu với Thánh Linh rồi hoàn tất bằng xác thịt (cố gắng riêng của con người)! Chúng ta thấy rõ đối chiếu nầy trong 5:16-25. Phao-lô cho thấy rằng nếu bắt đầu với Chúa Thánh Linh rồi sau đó lại dùng cố gắng riêng của con người để hoàn tất thì thật là phí công vô ích (c. 4).

Để vấn đề được hoàn toàn sáng tỏ, sứ đồ Phao-lô đặt lại câu hỏi một lần nữa:

Đấng ban Đức Thánh Linh cho anh em và làm các phép lạ trong anh em, thì làm bởi các việc luật pháp, hay là bởi đã nghe mà tin? (c. 5)

Câu hỏi nầy cùng ý với câu hỏi trước (c. 2) chỉ đổi lại chủ từ. Trong câu 2, chủ từ nói về người nhận (anh em), còn trong câu 5, chủ từ là người ban cho (Đấng ban Đức Thánh Linh cho anh em) nhưng điều được đối chiếu trong hai câu nầy vẫn là giữa các việc luật pháp với việc nghe và tin (c. 2, 5).

Bắt đầu nói về đức tin, Phao-lô dùng Áp-ra-am để làm ví dụ cho đức tin đó:

Như Áp-ra-ham tin Đức Chúa Trời, thì đã kể là công bình cho người (c. 6)

Được kể là công chính bởi đức tin là chủ đề của Phao-lô trong phân đoạn trước (2:15-21). Bây giờ Phao-lô trở lại với đề tài đó qua ví dụ về Áp-ra-ham. Câu chuyện Áp-ra-ham được kể là công chính bởi đức tin được ghi trong Sáng thế ký 15:4-6 và cũng được chính Phao-lô nhắc lại trong Rô-ma 4. Phao-lô trình bày giáo lý được xưng công chính bởi đức tin trong 2:16 và bây giờ ông dùng trường hợp Áp-ra-ham để chứng minh. Điểm giống nhau giữa Áp-ra-ham và chúng ta là đức tin:

Vậy anh em hãy nhận biết rằng những kẻ có đức tin là con cháu thật của Áp-ra-ham (c. 7)

Chúng ta là con cháu Áp-ra-ham trong ý nghĩa là, nếu Áp-ra-ham đã được xưng công chính bởi đức tin thì cũng vậy khi chúng ta có đức tin nơi Chúa, chúng ta cũng được kể là công chính như vậy.

Áp-ra-ham là ông tổ của người Do-thái nhưng đa số tín hữu Ga-la-ti là Dân Ngoại nên Phao-lô nhắc thêm một yếu tố khác nữa để các tín hữu không phải là người Do-thái thấy rằng, dù không phải là người Do-thái, họ cũng là con cháu Áp-ra-ham trên căn bản đức tin. Áp-ra-ham là ông tổ của người Do-thái và cũng là ông tổ của đức tin, vì thế, người nào có đức tin, người đó là con cháu của Áp-ra-ham.

Căn bản khiến Dân Ngoại được xưng công chính bởi đức tin là lời hứa của Đức Chúa Trời cho Áp-ra-ham:

Kinh Thánh cũng biết trước rằng Đức Chúa Trời sẽ xưng dân ngoại là công bình bởi đức tin, nên đã rao truyền trước cho Áp-ra-ham tin lành nầy: Các dân sẽ nhờ ngươi mà được phước (c. 8)

Dân Ngoại được phước qua Áp-ra-ham trong ý nghĩa là chúng ta cũng được xưng công chính bởi đức tin như Áp-ra-ham! Những chữ: Rao truyền trước… tin lành nầy trong nguyên văn chỉ là một chữ, cho thấy rằng việc các dân nhờ Áp-ra-ham mà được phước, là Phúc Âm đã được loan báo cho Dân Ngoại qua lời hứa của Đức Chúa Trời cho Áp-ra-ham (Sáng thế ký 12:3). Các dân sẽ nhờ ngươi mà được phước, chính là tin lành cho Dân Ngoại đã được Đức Chúa Trời rao truyền cho Áp-ra-ham khi Chúa ban lời hứa cho Áp-ra-ham. Trong ý nghĩa đó, dù là Do-thái hay Dân Ngoại, tất cả chúng ta:

Ai tin thì nấy được phước với Áp-ra-ham, là người có lòng tin (c. 9)