Trang Chủ :: Chia Sẻ

BÀI 12

4:12-20 ĐẤNG CHRIST THÀNH  HÌNH TRONG CÁC CON

12 Hỡi anh em, tôi xin anh em hãy giống như tôi; vì tôi cũng như anh em. Anh em không làm hại gì cho tôi. 13 Anh em biết rằng ấy là đang lúc xác thịt yếu đuối mà tôi truyền Tin Lành cho anh em lần thứ nhất, 14 vì xác thịt tôi yếu đuối sanh ra sự rèn thử cho anh em mặc dầu, anh em cũng chẳng khinh tôi, chẳng chối tôi, mà lại tiếp rước tôi như một vị thiên sứ của Đức Chúa Trời, thật như chính mình Đức Chúa Jêsus Christ. 15 Vậy thì sự vui mừng của anh em đã trở nên thể nào? Vì tôi làm chứng cho anh em rằng, lúc bấy giờ, nếu có thể được thì anh em cũng móc con mắt mà cho tôi 16 Tôi lấy lẽ thật bảo anh em, lại trở nên thù nghịch của anh em sao? 17 Những người đó vì anh em mà sốt sắng, thì không phải là ý tốt; nhưng họ muốn anh em lìa bỏ chúng tôi, hầu cho anh em sốt sắng vì họ. 18 Có lòng sốt sắng vì điều thiện thì tốt lắm, lúc nào cũng thế, không những khi tôi có mặt giữa anh em.

19 Hỡi các con, vì các con mà ta lại chịu đau đớn của sự sanh nở, cho đến chừng nào Đấng Christ thành hình trong các con, 20 ta muốn ở cùng các con và thay đổi cách nói; vì về việc các con, ta rất là bối rối khó xử.

 

1. “Xin anh em hãy giống như tôi vì tôi cũng như anh em” (c. 12) nghĩa là thế nào? Tại sao Phao-lô i như vậy?

2. “Tôi truyền Tin Lành cho anh em lần thứ nhất” (c. 13) là Phao-lô muốn nói đến khi nào?

3. Phao-lô hàm ý điều gì khi ông nói, “Đang lúc xác thịt yếu đuối mà tôi truyền Tin Lành cho anh em lần thứ nhất” (c. 13)?

4. Các tín hữu tại Ga-la-ti đã tiếp rước Phao-lô như thế nào khi ông đến với họ lần đầu (c. 14b)?

5. Tiếp rước như tiếp rước thiên sứ, như tiếp rước chính Chúa (c. 14b) nghĩa là thế nào?

6. “Nếu có thể được thì anh em cũng móc con mắt mà cho tôi” (c. 15) nghĩa là thế nào?

7. Câu 17 chỉ về ai? Động cơ của những người nầy là gì?

8. “Chịu đau đớn của sự sinh nở” (c. 19a) nghĩa là thế nào?

9. Phao-lô muốn nói đến điều gì khi ông nói, “Đấng Christ thành hình trong các con” (c. 19b)?

10. “Thay đổi cách nói” (c. 20) nghĩa là thế nào?

 

Suốt ba chương đầu của Thư Ga-la-ti cho đến 4:11, sứ đồ Phao-lô lý luận với các tín hữu tại Ga-la-ti như một nhà thần học, một thầy giáo giải thích vấn đề giáo lý. Nhưng trong phân đoạn nầy (4:12-20), chúng ta thấy tâm tình của Phao-lô là tâm tình của một vị mục sư với con chiên của mình. Ông gọi họ là anh em (c. 12-18) rồi lại gọi họ các con (c. 19) với những lời thật chân tình.

Trước hết, ông nói với họ:

Hỡi anh em, tôi xin anh em hãy giống như tôi, vì tôi cũng như anh em (c. 12a)

Tôi xin anh em hãy giống như tôi là lời Phao-lô kêu gọi các tín hữu ở Ga-la-ti hãy giống như ông trong đức tin đối với Chúa Giê-xu để được xưng công chính chứ đừng cậy vào luật pháp. Tôi cũng như anh em hàm ý rằng trước kia ông đã hòa mình với họ để giảng Phúc Âm cho họ (I Cô. 9:19-23). Khi Phao-lô đến giảng Phúc Âm cho người Ga-la-ti, ông không bắt họ phải trở nên người Do-thái trước, nhưng ông rao giảng cho họ về Đức Chúa Trời là Đức Chúa Trời của mọi dân tộc (Công vụ 14:15-17). Đây là nguyên tắc quan trọng trong công tác truyền giáo. Mục sư John Stott nói về nguyên tắc nầy như sau:

Khi chinh phục người về cho Chúa, cứu cánh của chúng ta là làm thế nào để họ trở nên giống như chúng ta nhưng phương tiện để đạt được điều đó là chúng ta phải trở nên giống như họ. Để người khác có thể làm một với chúng ta trong đức tin và kinh nghiệm, chúng ta phải làm một với họ trong lòng thương xót của Chúa (James Boice trích John Stott).

Anh em không làm hại gì cho tôi (c. 12b) nối tiếp với ý của câu 13-15 cho thấy cách các tín hữu đối xử với Phao-lô khi ông đến rao giảng Phúc Âm cho họ. Tôi truyền Tin Lành cho anh em lần thứ nhất (c. 13b) là thời điểm trong sách Công vụ 14:1-26, trong chuyến truyền giáo thứ nhất của Phao-lô, bao gồm các thành phố trong xứ Ga-la-ti (xem lời mở đầu).

Chúng ta không rõ Phao-lô muốn nói đến điều gì khi ông nói, Đang lúc xác thịt yếu đuối mà tôi truyền Tin Lành cho anh em lần thứ nhất (c. 13). Bản Hiệu Đính dịch câu nầy là: “Anh em biết rằng lần đầu tiên tôi đến truyền giảng Tin Lành cho anh em với một thể xác đau yếu.” “Thể xác đau yếu” có thể là chứng bệnh sốt rét hay chứng sưng mí mắt mà người vùng Địa Trung Hải thời đó thường bị. Có người cho rằng “cái giằm xóc vào thịt tôi” (II Cô. 12:7) là một trong hai chứng bệnh nầy. “Thể xác đau yếu” cũng có thể là việc Phao-lô bị ném đá tại Lít-trơ (Công vụ 14:19) hay những bắt bớ, hoạn nạn Phao-lô nhắc đến trong lá thư gửi cho Ti-mô-thê (II Ti. 3:11).

Dựa vào hai câu, Nếu có thể được thì anh em cũng móc con mắt mà cho tôi (c. 15b) và, Hãy xem chính tay tôi viết thơ nầy cho anh em, chữ lớn là dường nào (6:11), thì “thể xác đau yếu” có lẽ nói đến chứng đau mắt của Phao-lô. Dù là điều gì, Phao-lô nói:

Vì xác thịt tôi yếu đuối sanh ra sự rèn thử cho anh em mặc dầu, anh em cũng chẳng khinh tôi, chẳng chối tôi, mà lại tiếp rước tôi như một vị thiên sứ của Đức Chúa Trời, thật như chính mình Đức Chúa Jêsus Christ (c. 14)

Có lẽ Phao-lô nói đến sự việc tại Lít-trơ khi dân chúng nghênh tiếp ông và Ba-na-ba như thần từ trời đến (Công vụ 14:11-15). Dĩ nhiên Phao-lô chống lại điều nầy (Công vụ 14:14-15). Điều Phao-lô muốn nói là khi ông đến với họ lần đầu, dù với thân thể bệnh tật, họ đã không coi thường ông (“khinh khi hay miệt thị,” BHĐ) nhưng coi ông như sứ giả của Chúa (thiên sứ mang ý nghĩa sứ giả) và cũng coi ông như chính Chúa Giê-xu chỉ vì ông đem đến cho họ sứ điệp Phúc Âm là Chúa Giê-xu. Thêm vào đó, họ cũng sẵn sàng hy sinh mọi điều để giúp Phao-lô trong hoàn cảnh yếu đau: Lúc bấy giờ, nếu có thể được thì anh em cũng móc con mắt mà cho tôi (c. 15b). Móc con mắt mà cho tôi, hiểu theo nghĩa bóng là sẵn sàng hy sinh dù cho phải móc mắt của mình!

Phao-lô nhắc lại chuyện cũ để đối chiếu với cách họ đối xử với ông bây giờ:

Vậy thì sự vui mừng của anh em đã trở nên thể nào? (c. 15a)

Chữ vui mừng trong nguyên văn là makarismos mang ý nghĩa ơn phước hay phước hạnh. Trước kia, người Ga-la-ti coi việc đón tiếp Phao-lô như một ơn phước vì ông rao giảng chân lý cho họ (c. 16a). Giờ đây, Phao-lô tự hỏi, chẳng lẽ chỉ vì rao giảng chân lý mà ông lại trở thành kẻ thù của họ sao (c. 16b)? Đây là điều hoàn toàn ngược lại với ơn phước họ đón tiếp ông lần đầu (c. 13-15).

Những người đó vì anh em mà sốt sắng, thì không phải là ý tốt nhưng họ muốn anh em lìa bỏ chúng tôi, hầu cho anh em sốt sắng vì họ. Có lòng sốt sắng vì điều thiện thì tốt lắm, lúc nào cũng thế, không những khi tôi có mặt giữa anh em (c. 17-18)

Những người đó chỉ về những người chủ trương duy luật đang muốn lôi kéo các tín hữu Ga-la-ti về phía họ. Những người nầy hăng hái, sốt sắng nhưng động cơ không tốt vì họ chỉ muốn các tín hữu Ga-la-ti từ bỏ Phao-lô để theo họ (c. 17). Trở lại với các tin hữu Ga-la-ti, Phao-lô nhắn nhủ họ phải sốt sắng nhưng là sốt sắng vì điều thiện (c. 18a). Ông ước mong thấy họ có lòng sốt sắng như vậy luôn luôn, nghĩa là ngay cả khi ông không có mặt với họ. Câu nầy hàm ý nhắn nhủ người Ga-la-ti không nên sốt sắng theo điều sai lầm của những người chủ trương duy luật đã đến đó khi Phao-lô không có mặt.

Cuối cùng, Phao-lô thay đổi cách xưng hô, cho thấy tâm tình của ông đối với các tín hữu tại Ga-la-ti:

Hỡi các con, vì các con mà ta lại chịu đau đớn của sự sanh nở, cho đến chừng nào Đấng Christ thành hình trong các con. Ta muốn ở cùng các con và thay đổi cách nói, vì về việc các con, ta rất là bối rối khó xử (c. 19-20)

Chịu đau đớn của sự sanh nở nói đến cái đau của sản phụ khi sinh con. Một người mẹ khi sinh con phải đau đớn thế nào thì đó cũng là nỗi đau đớn của Phao-lô để được thấy hình ảnh Đấng Christ hình thành trong họ (c. 19). Mục đích tối hậu của sự cứu rỗi là người tin Chúa được trở nên giống như Chúa (Rô-ma 8:29). Chính vì vậy mà Phao-lô trăn trở, khuyên dạy, hướng dẫn với bao nhiêu khó nhọc-như nỗi đau sản phụ phải trải qua khi sinh con-để các tín hữu tại Ga-la-ti đạt đến mức trưởng thành nầy.

Ta muốn ở cùng các con (c. 20a) hàm ý Phao-lô không thể trở lại thăm họ: “Ước gì ta được ở với các con trong lúc nầy” (BHĐ). Thay đổi cách nói ngụ ý phải gặp tận mặt thì mới nói được tất cả những gì cần nói (“lựa lời nói cho thích hợp,” BHĐ).

Chúng ta thấy tâm tình của Phao-lô thật sâu đậm với các tín hữu tại Ga-la-ti. Ông không mong ước gì hơn là họ trưởng thành trong Chúatrở nên giống như Chúa Giê-xu, dù chính ông phải chịu đau đớn. Trở nên giống như Chúa Giê-xu phải là tâm niệm của mỗi người tin Chúa để không phụ lòng những người dẫn dắt chúng ta trong đức tin.