Trang Chủ :: Chia Sẻ

BÀI 14

5:1-12 NÔ LỆ VÀ TỰ DO

1 Đấng Christ đã buông tha chúng ta cho được tự do; vậy hãy đứng vững, chớ lại để mình dưới ách tôi mọi nữa. 2 Tôi là Phao-lô nói với anh em rằng, nếu anh em chịu làm phép cắt bì, thì Đấng Christ không bổ ích chi cho anh em hết. 3 Tôi lại rao cho mọi người chịu cắt bì rằng, họ buộc phải vâng giữ trọn cả luật pháp. 4 Anh em thảy đều muốn cậy luật pháp cho được xưng công bình, thì đã lìa khỏi Đấng Christ, mất ân điển rồi.

5 Về phần chúng ta, ấy là bởi đức tin và nhờ Thánh Linh mà chúng ta được nhận lãnh sự trông cậy của sự công bình. 6 Vì trong Đức Chúa Jêsus Christ, cái điều có giá trị, không phải tại chịu phép cắt bì hoặc không chịu phép cắt bì, nhưng tại đức tin hay làm ra bởi sự yêu thương vậy.

7 Anh em chạy giỏi; ai đã ngăn trở anh em đặng không cho vâng phục lẽ thật? 8 Sự xui giục đó không phải đến từ Đấng gọi anh em. 9 Một ít men làm cho dậy cả đống bột. 10 Trong Chúa, tôi đối với anh em có lòng tin cậy nầy, là anh em chắc không có ý khác; nhưng kẻ làm rối trí anh em, bất luận người nào, sẽ chịu hình phạt về điều đó. 11 Hỡi anh em, về phần tôi, nếu tôi còn giảng phép cắt bì, thì sao tôi còn bị bắt bớ nữa? Sự vấp phạm về thập tự giá há chẳng phải bỏ hết rồi sao? 12 Nguyền cho kẻ gieo sự rối loạn trong anh em thà họ tự chặt mình là hơn!

 

1. “Được buông tha” (c. 1a) là buông tha khỏi điều gì? “Dưới ách tôi mọi” (c. 1b) là tôi mọi ai?

2. “Cậy luật pháp cho được xưng công bình” (c. 4a) nghĩa là thế nào?

3. Tại sao “cậy luật pháp cho được xưng công bình”  là “lìa khỏi Đấng Christ” và “mất ân điển” (c. 4b)?

4. “Lìa khỏi Đấng Christ” nghĩa là gì? Thế nào là “mất ân điển”?

5. “Sự trông cậy của sự công bình” (c. 5b) chỉ về điều gì?

6. “Đức tin hay làm ra bởi sự yêu thương” (c. 6b) là đức tin gì?

7. “Chạy giỏi” (c. 7a) hàm ý điều gì?

8. Xin giải thích ý nghĩa của câu 9.

9. “Tự chặt mình” (c. 12b) nghĩa là thế nào?

 

Chủ đề của Thư Ga-la-ti là được xưng công chính bởi đức tin, ngược lại với chủ trương duy luật (legalism), cố gắng tuân giữ luật pháp Môi-se để được cứu. Phao-lô dựa vào Kinh Thánh Cựu Ước và kinh nghiệm bản thân để cho độc giả thấy rằng, Chúa Giê-xu đã chịu chết để chuộc những kẻ ở dưới luật pháp (4:5a). Chúng ta không còn là nô lệ cho luật pháp nữa nhưng được tự do (5:1). Tuy nhiên, những người chống đối Phao-lô cho rằng, chủ trương như vậy sẽ đưa người ta đến chỗ vô luật (antinomialism), nghĩa là vì không còn phải giữ luật nên sẽ sống phóng túng, bừa bãi. Phao-lô cho thấy rằng không cần tuân giữ luật pháp để được cứu không có nghĩa là sống phóng túng nhưng là sống yêu thương và sống theo Thánh Linh (5:13-16). Phần còn lại của Thư Ga-la-ti (5:1-6:18) là những lời dạy của Phao-lô về tư tưởng nầy.

Câu mở đầu cho thấy Chúa đã làm gì cho chúng ta và chúng ta nên sống như thế nào:

Đấng Christ đã buông tha chúng ta cho được tự do, vậy hãy đứng vững, chớ lại để mình dưới ách tôi mọi nữa (c. 1)

(1) Chúa đã buông tha chúng ta.

(2) Chúng ta hãy đứng vững.

(3) Đừng lại để mình dưới ách tôi mọi nữa.

Buông tha chúng ta cho được tự do nghĩa là buông tha chúng ta khỏi ách nô lệ của luật pháp, chúng ta không còn buộc phải tuân giữ luật pháp nữa. Được tự do thật là điều Chúa Giê-xu đã làm cho chúng ta khi Ngài gánh chịu hình phạt thay cho chúng ta trên thập giá.

Tự do là điều chúng ta đang có và đang hưởng. Để có thể tiếp tục sống trong tự do đó, phương cách duy nhất là đứng vững. Đứng vững mang ý nghĩa kiên trì và trong tư thế sẵn sàng như lực sĩ trong đấu trường (Ê-phê-sô 6:11).

Sứ đồ Phi-e-rơ dùng ách để mô tả gánh nặng người ta phải mang vì tuân giữ luật pháp (Công vụ 15:10). Vì vậy, Chớ lại để mình dưới ách tôi mọi nữa (c. 1b) nghĩa là đừng để luật pháp thống trị mình nữa. Tin theo Chúa Giê-xu cũng mang ý nghĩa mang lấy ách của Chúa là ách dễ chịu và nhẹ nhàng (Ma-thi-ơ 11:28-29).

Hành động tích cực của người đã được Chúa cứu (buông tha chúng ta cho được tự do) là đứng vững. Về mặt tiêu cực: chúng ta không để mình dưới ách tôi mọi (của luật pháp) nữa!

Trước khi đi vào phần áp dụng (từ câu 13 trở đi), Phao-lô một lần nữa khẳng định tính cách vô ích của việc tuân giữ luật pháp và giá trị của ơn cứu rỗi trong Chúa Giê-xu. Ngụ ý lời nhắn nhủ của Phao-lô cho các tín hữu tại Ga-la-ti trong phần nầy là, “Nếu anh em thật sự muốn sống một đời nhân đức, hãy từ bỏ chủ trương duy luật và sống đức tin!” (Boice).

 Tôi, là Phao-lô, nói với anh em rằng (c. 2a) nghĩa là, “Anh em hãy nghe đây!” Đây là một lời khẳng định, giống như phán quyết của tòa án. Phán quyết đó là:

Nếu anh em chịu làm phép cắt bì, thì Đấng Christ không bổ ích chi cho anh em hết (c. 2b)

Ý của Phao-lô trong câu nầy là: Nếu anh em nghe lời những người chủ trương duy luật và chịu phép cắt bì và nghĩ rằng phải làm như vậy mới được cứu thì những gì Chúa Giê-xu đã làm (chịu chết trên thập giá) không đem lại lợi ích gì cho anh em cả! Phép cắt bì là một trong những điều mà những người duy luật muốn người Ga-la-ti phải làm để theo chủ trương của họ. Phao-lô không phá đổ giá trị của phép cắt bì vì phép cắt bì do chính Đức Chúa Trời thiết lập cho người Y-sơ-ra-ên, có giá trị và chỗ đứng của nó (Sáng 17:9-14; I Cô. 7:18). Vấn đề ở đây là lựa chọn giữa Đấng Christphép cắt bì. Hoặc chỉ Đấng Christ mà thôi, hoặc chỉ phép cắt bì mà thôi. Tác giả James Boice mô tả điều nầy trong hình ảnh phương trình toán học như sau, “Nếu người Ga-la-ti cộng thêm một điều gì đó cho sự cứu rỗi của mình thì Đức Chúa Trời sẽ đánh một dấu trừ (triệt tiêu) trước việc làm của Chúa Giê-xu trên thập giá” (2:21). Lỗi lầm của người Ga-la-ti nếu họ theo chủ trương của những người duy luật và chịu phép cắt bì là họ cậy vào việc làm thay vì ân sủng (c. 4-5).

Chủ trương duy luật bắt đầu với việc giữ ngày, tháng, mùa, năm (4:10), rồi đến phải chịu phép cắt bì (c. 2) và Phao-lô cho biết, bước tiếp theo là phải vâng giữ trọn cả luật pháp (c. 3b). Phao-lô nhắc cho các tín hữu Ga-la-ti nhớ rằng, giữ luật pháp là phải giữ trọn cả luật pháp là điều không ai làm được (3:10).

Điều nguy hiểm của việc cậy luật pháp cho được xưng công bình (c. 4a) là: (1) Lìa khỏi Đấng Christ. (2) Mất ân điển.

Lìa khỏi Đấng Christ nghĩa là tự mình ly khai khỏi Đấng Christ, phủ nhận hoàn toàn ơn cứu rỗi của Ngài.

Mất ân điển không phải là mất sự cứu rỗi nhưng nghĩa là khước từ ân điển cứu chuộc qua Chúa Giê-xu và để cho mình rơi vào ách nô lệ của luật pháp.

Phao-lô đối chiếu việc cố gắng tuân giữ luật pháp sau khi đã tin Chúa với đức tin và Thánh Linh:

Về phần chúng ta, ấy là bởi đức tin và nhờ Thánh Linh mà chúng ta được nhận lãnh sự trông cậy của sự công bình (c. 5)

Từ câu 2 đến câu 4Phao-lô nói với các tín hữu Ga-la-ti, ông gọi họ là anh em. Trong câu 5, Phao-lô kể mình chung với họ: Về phần chúng ta. Đối với mọi người tin Chúa, kể cả Phao-lô, vấn đề chủ yếu là đức tinThánh Linh. Được nhận lãnh trong nguyên văn là “đợi”:

Còn chúng ta thì bởi đức tin và nhờ Thánh Linh mà trông đợi niềm hy vọng về sự công chính (BHĐ)

Đối với người chủ trương duy luật họ phải LÀM để được công chính, chúng ta chỉ cần CHỜ! Công chính chẳng những là điều trong hiện tại (địa vị công chính) nhưng cũng là điều trong tương lai (hoàn toàn công chính) khi Chúa trở lại (I Giăng 3:2). Chính trong hy vọng đó mà chúng ta giữ đời sống thánh sạch khi còn sống trên trần gian nầy (I Giăng 3:3). 

Phao-lô kết luận phần nầy với câu:

Vì trong Đức Chúa Jêsus Christ, cái điều có giá trị, không phải tại chịu phép cắt bì hoặc không chịu phép cắt bì, nhưng tại đức tin hay làm ra bởi sự yêu thương vậy (c. 6)

Trong Đức Chúa Giê-xu Christ chỉ về người tín đồ thật, có đức tin thật nơi Chúa, có mối quan hệ mật thiết với Chúa, không phải tin Chúa theo bề ngoài. Thực chất của vấn đề tin Chúa (cái điều có giá trị) không phải là vấn đề lễ nghi bên ngoài. Phao-lô không đả phá việc người Do-thái chịu phép cắt bì, nhưng ông nhấn mạnh về đức tin thật bên trong, thể hiện qua hành động yêu thương bên ngoài. Chịu phép cắt bì hoặc không chịu phép cắt bì cùng ý với 3:28 nghĩa là Do-thái hay Dân Ngoại, điểm chung của người tin Chúa thật là đức tin và yêu thương.  Đức tin thật thể hiện trong tình yêu thương.

Lý do khiến sứ đồ Phao-lô phải viết thư Ga-la-ti là những người chủ trương Do-thái hóa hay duy luật xui giục các tín hữu  tại đây đi theo chủ trương của họ. Ga-la-ti 5:7-12 là những lời Phao-lô trực tiếp nói với người Ga-la-ti về vấn đề nầy. Trước hết Phao-lô nói:

Anh em chạy giỏi, ai đã ngăn trở anh em đặng không cho vâng phục lẽ thật? (c. 7)

Phao-lô thường so sánh đời sống người tin Chúa với cuộc chạy đua (2:2; I Cô. 9:24, Phi-líp 3:14). Trong bối cảnh nầy Phao-lô nhắc nhở độc giả rằng họ là những người chạy giỏi (c. 7a) tức là họ đã trung tín sống theo chân lý cho đến giờ phút nầy. Bây giờ Phao-lô đặt câu hỏi cho họ:

Ai đã ngăn trở anh em đặng không cho vâng phục lẽ thật? (c. 7b)

Những chữ ngăn trở… đặng không cho vâng phục lẽ thật hàm ý các tín hữu Ga-la-ti “bị người khác thuyết phục để không làm theo lẽ thật” tức là bị nhóm người chủ trương Do-thái hóa thuyết phục. Lẽ thật hay chân lý trong câu nầy là Phúc Âm về Chúa Giê-xu mà Phao-lô rao giảng cho họ. Câu 7 có thể diễn ý như sau: “Anh em đã theo Chúa trung tín từ đầu, tại sao bây giờ anh em lại để cho người khác dụ dỗ mà từ bỏ chân lý Phúc Âm tôi truyền cho anh em?”

Từ bỏ chân lý Phúc Âm chắc chắn không thể đến từ Đức Chúa Trời vì Ngài là Đấng kêu gọi chúng ta tin nhận Phúc Âm:

Sự xui giục đó không phải đến từ Đấng gọi anh em (c. 8).

Một ít men làm cho dậy cả đống bột (c. 9) là một thành ngữ Do-thái (Ma-thi-ơ 13:33; I Cô. 5:6) nói về những yếu tố nhỏ lúc đầu có thể tạo ảnh hưởng sâu rộng về sau. Phao-lô muốn nói đến tà thuyết mà những người chủ trương Do-thái hóa đang gieo rắc trong Hội Thánh Ga-la-ti.

Người gieo chủ trương Do-thái hóa trong các Hội Thánh vùng Ga-la-ti là ai, chúng ta không rõ. Nhưng sứ đồ Phao-lô dựa vào Kinh Thánh Cựu Ước, kinh nghiệm bản thân và mạc khải Phúc Âm đến từ Chúa Giê-xu với lập luận đầy đủ, rõ ràng đã cho các tín hữu tại Ga-la-ti thấy sự sai lầm của chủ trương đó (1:6-5:6). Và ông kết luận:

Trong Chúa, tôi đối với anh em có lòng tin cậy nầy, là anh em chắc không có ý khác, nhưng kẻ làm rối trí anh em, bất luận người nào, sẽ chịu hình phạt về điều đó (c. 10)

Kết luận của Phao-lô là, ông tin rằng (tôi đối với anh em có lòng tin cậy nầy):

(1) Anh em không có ý khác: Anh em không theo chủ trương sai lầm của những người chủ trương Do-thái hóa.

(2)  Kẻ làm rối trí anh em, bất luận người nào, sẽ chịu hình phạt về điều đó: Dù người quấy rối anh em là ai (làm rối trí mang ý nghĩa gây chia rẽ), người ấy sẽ bị hình phạt (hàm ý hình phạt của Chúa).

Đó là đối với người chủ trương Do-thái hóa (Dân Ngoại phải chịu phép cắt bì cùng với việc tin Chúa Giê-xu). Còn Phao-lô thì sao? Ông nói:

Hỡi anh em, về phần tôi, nếu tôi còn giảng phép cắt bì, thì sao tôi còn bị bắt bớ nữa? Sự vấp phạm về thập tự giá há chẳng phải bỏ hết rồi sao? (c. 11)

Bằng chứng rõ ràng nhất cho thấy Phao-lô không chủ trương như vậy là việc ông vẫn còn chịu bắt bớ. Bắt bớ là điều Phao-lô đã đối xử với người tin Chúa trước kia (1:13). Nếu Phao-lô chủ trương Dân Ngoại phải chịu cắt bì, ông hẳn đã không gặp khó khăn (bị bắt bớ) với những người Do-thái khác vì phép cắt bì là niềm tự hào của họ. Ngược lại thập tự giá (việc Chúa Giê-xu chịu chết để chuộc tội) là điều người Do-thái coi là gương xấu (I Cô. 1:23) - gương xấusự vấp phạm là cùng một chữ trong nguyên ngữ. Phao-lô vẫn còn gặp khó khăn khi rao giảng thập tự giá, điều nầy chứng tỏ ông không thể là người rao giảng điều gì ngược lại với điều mình rao giảng xưa nay.

Tự chặt mình (c. 12) nghĩa là tự cắt da thịt mình. Đây là từ Phao-lô dùng để gọi những người chủ trương phải chịu cắt bì mới được cứu mà ông gọi là phép cắt bì giả (Phi-líp 3:2). Theo Phao-lô, họ chỉ là những người tự chặt mình, tự cắt da thịt mình mà thôi!

Ước gì những kẻ gây rối cho anh em tự cắt mình đi là hơn! (Bản Hiệu Đính)