Trang Chủ :: Chia Sẻ

BÀI 16

6:1-5 MANG LẤY GÁNH NẶNG CHO NHAU

1 Hỡi anh em, ví bằng có người nào tình cờ phạm lỗi gì, anh em là kẻ có Đức Thánh Linh, hãy lấy lòng mềm mại mà sửa họ lại; chính mình anh em lại phải giữ, e cũng bị dỗ dành chăng.

2 Hãy mang lấy gánh nặng cho nhau, như vậy anh em sẽ làm trọn luật pháp của Đấng Christ. 3 Vì, nếu có ai, dầu mình không ra chi hết, mà cũng tưởng mình ra chi ấy là mình dối lấy mình. 4 Mỗi người phải thử xét việc làm của mình, thì sự khoe mình chỉ tại mình thôi, chớ chẳng phải tại kẻ khác. 5 Vì ai sẽ gánh lấy riêng phần nấy.

 

1. “Tình cờ phạm lỗi” nghĩa là thế nào?

2. “Anh em là kẻ có Đức Thánh Linh” hàm ý điều gì?

3. “Sửa lại với lòng mềm mại” là sửa lại như thế nào?

4. Tại sao Phao-lô thêm vào câu: “Chính mình anh em lại phải giữ, e cũng bị dỗ dành chăng” (c. 1b)?

5. “Mang lấy gánh nặng cho nhau” nghĩa là gì? Tại sao “mang lấy gánh nặng cho nhau” là “làm trọn luật pháp của Đấng Christ” (c. 2)?

6. “Mình không ra chi hết mà cũng tưởng mình ra chi” (c. 3) là thái độ gì?

7. Phao-lô muốn nói điều gì trong câu 4?

7. Câu 2 và câu 5 có mâu thuẫn nhau không? Tại sao?

 

Trong phần cuối Chương 5, sứ đồ Phao-lô đối chiếu giữa việc làm của xác thịttrái của Thánh Linh, ông không nói đến điều nầy cách trừu tượng nhưng đưa ra những áp dụng thực tế trong phần còn lại của Thư Ga-la-ti.

Trước hết, Phao-lô nói đến thái độ của chúng ta đối với người vô tình phạm lỗi:

Hỡi anh em, ví bằng có người nào tình cờ phạm lỗi gì, anh em là kẻ có Đức Thánh Linh, hãy lấy lòng mềm mại mà sửa họ lại. Chính mình anh em lại phải giữ, e cũng bị dỗ dành chăng (c. 1)

Tình cờ phạm lỗi gì mang ý nghĩa bị sập vào bẫy tội. Con người không ai toàn hảo, người tin Chúa cũng có lúc lầm lỡ phạm tội. Thái độ của chúng ta đối với những người đó là thông cảm vì biết rằng chính mình cũng có lúc lầm lỡ. Phao-lô gọi độc giả là kẻ có Đức Thánh Linh. Kẻ có Đức Thánh Linh có thể có hai nghĩa:

(1) Là những người sống theo Thánh Linh, bước theo Thánh LinhPhao-lô vừa nói ở trên. Đây là cách xử sự của người có Chúa Thánh Linh. Phao-lô muốn nhắc cho họ nhớ điều đó.

(2) Những người cho mình là thiêng liêng và cho người khác ít thiêng liêng hơn. Phao-lô muốn nhắn nhủ rằng, nếu họ thật sự thiêng liêng thì phải xử sự như điều ông nói đây.

Cách chúng ta xử sự với người vô tình phạm lỗi là, Hãy lấy lòng mềm mại mà sửa họ lại. Mềm mại là một trong những trái của Thánh Linh (5:22) và đây là cách chúng ta áp dụng mềm mại vào đời sống. Sửa lại mang ý nghĩa đem lại tình trạng ban đầu (động từ nầy nghĩa là “vá lưới” trong Ma-thi-ơ 4:21).

Hành động tích cực khi có người lầm lỡ phạm tội là giúp người đó phục hồi nhưng giúp trong tinh thần mềm mại, còn trên phương diện tiêu cực, chúng ta phải đề phòng chính mình:

Chính mình anh em lại phải giữ, e cũng bị dỗ dành chăng (c. 1b)

Chữ anh em trong phần nầy ở thể số ít, hàm ý nhắn nhủ với mỗi cá nhân trong Hội Thánh. Giữ nghĩa là thận trọng (BHĐ). Dỗ dành mang ý nghĩa cám dỗ. Không một người nào được miễn trừ khỏi cám dỗ, vì vậy, cùng với cố gắng phục hồi người anh em, mỗi chúng ta phải cẩn thận giữ mình vì chính chúng ta cũng dễ dàng bị sa vào bẫy lưới của ma quỷ (I Cô. 10:12).

Áp dụng thực tế thứ nhì về trái của Thánh Linh là mang lấy gánh nặng cho nhau (c. 2). Câu nầy mang ý nghĩa giúp đỡ, chia sẻ gánh nặng với anh chị em trong Chúa. Gánh nặng đây có thể là thử thách, cám dỗ, khó khăn hay bất cứ thách thức nào trong đời sống.

Trong 5:14, Phao-lô cho thấy luật pháp được tóm lại trong một điều, đó là, Ngươi hãy yêu kẻ lân cận như mình. Khi yêu thương người khác bằng cách chia sẻ gánh nặng với họ là chúng ta sống theo luật yêu thương và như vậy là chúng ta làm trọn luật pháp của Đấng Christ.

Hai điều có thể ngăn trở chúng ta mang gánh nặng cho người khác là:

(1) Tính tự cao, tự phụ, coi thường người khác:

Vì nếu có ai tưởng mình quan trọng, trong khi mình chẳng là gì cả, thì chỉ tự lừa dối mình thôi (c. 3, BHĐ)

Khi một người cho mình quan trọng, người ấy sẽ không quan tâm ghé vai gánh vác bất cứ việc gì cho người khác. Phao-lô cho thấy tự cho mình là quan trọng như vậy là tự lừa dối mình (c. 3b) vì khi so sánh với tiêu chuẩn của Chúa, chúng ta chẳng là gì cả. Một bên là tưởng (theo suy nghĩ của mình) trong khi thực tế thì chẳng là gì cả! Ngược lại với suy nghĩ nầy, Phao-lô khuyên trong Rô-ma 12:3:

Đừng nghĩ quá cao về chính mình, nhưng phải suy nghĩ đúng mực, tùy theo lượng đức tin mà Đức Chúa Trời đã ban cho từng người (BHĐ)

 

 (2) So sánh với người khác:

Mỗi người hãy tự xem xét công việc mình rồi sẽ thấy lý do để tự hào là dựa vào chính mình, chứ không phải so sánh với người khác (c. 4, BHĐ)

Tự cao, tự phụ sẽ khiến chúng ta không muốn chia sẻ gánh nặng với người khác, ngược lại, cho rằng mình không tài giỏi như người khác cũng ngăn trở chúng ta giúp đỡ người khác. Lời khuyên của Phao-lô là, “Đừng so sánh mình với người khác!” Phao-lô nói: Lý do để tự hào là dựa vào chính mình, chứ không phải so sánh với người khác (BHĐ). Câu nầy hàm ý rằng, Chúa ban cho mỗi người những khả năng và ân tứ khác nhau, chúng ta dựa vào đó để làm việc, không nên so sánh với người khác. Tự hào hay khoe mình ở đây không mang ý nghĩa kiêu ngạo nhưng là thỏa lòng và hãnh diện với những gì mình làm trong khả năng và ân tứ Chúa ban. Phao-lô kết luận phần nầy với câu:

Vì ai sẽ gánh lấy riêng phần nấy (c. 5)

Bản Hiệu Đính dịch câu nầy là:

Vì mỗi người sẽ phải mang gánh nặng của riêng mình (BHĐ)

Câu nầy không mâu thuẫn với câu 2 ở trên vì Phao-lô dùng hai chữ gánh nặng khác nhau bare (c. 2) và phortion (c. 5). Bare nói đến gánh nặng “ngàn cân” cần phải có người giúp còn phortion chỉ về gánh nặng thích đáng cho mỗi người, tương tự như cái ba-lô vừa cho sức mỗi người. Đối với những gánh nặng quá lớn, chúng ta phải chia sẻ với nhau, giúp đỡ nhau. Còn đối với mỗi người, Chúa đặt để một gánh nặng vừa sức mang, không nên phàn nàn hay so sánh với người khác.