Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 15

Tám Phước Lành Trong Thời Đại Mới

Có người hỏi rằng: Có phải tám phước lành trong Phúc Âm Ma-thi-ơ chương năm là luật lệ của thời ân điển hay không? Vì mỗi phước lành bắt đầu bằng những chữ 'Phước cho' chứ không phải là 'Ngươi chớ' như trong mười điều giới răn? Có lẽ đúng như vậy, vì trong tám phước lành mở đầu bài giảng trên núi của Chúa Giê-xu mô tả thái độ và cách sống tích cực mà Chúa chấp nhận và ban thưởng. Mặc dù có vẻ rất đơn giản, nhưng hoàn toàn khác với thái độ và cách sống mà người đời chấp nhận và tán thưởng, chính vì vậy mà tám phước lành lên án những thế lực trong đời sống con người trên thế giới ngày nay.

Tám phước lành không ra lệnh cho chúng ta phải làm, nhưng cho chúng ta thấy những thái độ, những lối sống gương mẫu ảnh hưởng sâu xa đến tâm hồn chúng ta chứ không bắt buộc chúng ta phải theo nếu không sẽ bị trừng phạt như luật lệ.

Tám phước lành không những chỉ cho chúng ta thấy rõ chiến trận diễn ra hằng ngày trong tâm hồn chúng ta, giữa ý muốn của Chúa bà bản chất vị kỷ của con người, nhưng còn vẽ họa đồ cẩn thận kế hoạch chiến thắng trận giặc ấy nữa. Những gì Chúa dành ban cho chúng ta có lẽ sẽ thấy rõ hơn khi đem so với tám phước lành của trần gian sau đây:

1. Phước cho những kẻ có được tất cả mọi câu trả lời, vì sẽ tự tin và làm chủ tất cả.

Trong lớp học của trần gian, những người biết nhiều hơn cả là những người được điểm cao nhất. Dù vậy, người học trò dễ dạy nhất vẫn là người không sợ bị coi là ngu dại khi đặt một câu hỏi.

Trong lớp học của Chúa, chúng ta cũng được trắc nghiệm không phải để xem biết Kinh-thánh đến đâu, cầu nguyện ít hay nhiều, đi thờ phượng Chúa có thường xuyên không, nhưng là chúng ta có bằng lòng từ bỏ những thành công mình đạt được để lắng tâm hồn nghe lời Chúa hay không.

Người dòng Biệt-lập Pha-ri-si cho mọi người thấy họ rất sung mãn về mặt đạo hạnh, vì họ tuân giữ từng chi tiết nhỏ của Luật Thánh. Nhưng Chúa Giê-xu tuyên bố rằng, điếm đĩ và những người thu thuế đương thời sẽ vào nước Thiên-đàng trước họ, vì những hạng người cặn bã của xã hội ấy tuyệt đối không có gì trong đời họ là thánh thiện để dâng lên Chúa, nhưng chỉ nhờ vào thánh thiện của Chúa mà được tha tội. Chính vì vậy mà Chúa Giê-xu tuyên bố phước lành đầu tiên như sau: "Phước cho những kẻ tâm hồn nghèo khó, vì nước thiên-đàng thuộc về những kẻ ấy."

2. Phước lành thứ hai của trần gian có thể nói như sau: Phước cho những kẻ quên đi những gì mình đã mất, vì sẽ không bao giờ thấy đau khổ.

Không ai trong đời này thích đau khổ. Nhưng y như cuộc Phục Sinh sau đau thương trên thập giá, niềm vui trong cuộc sống chỉ có thể đạt được khi ta trung tín đi qua những đau khổ và với lên được tới Chúa. Kêu khóc là một hành động của lòng tin, vì đó là cách bỏ đi mọi cách tự vệ và tin nhờ vào lòng thương xót và quyền năng của Chúa. Vì thế, Chúa Giê-xu dạy: "Phước cho những kẻ than khóc vì sẽ được an ủi."

3. Phước lành thứ ba của trần gian có thể diễn ta như sau: Phước cho những kẻ kiêu hãnh, vì sẽ được những gì đáng được.

Đông phương chúng ta tin rằng 'nhân chi sơ tính bản thiện' vì vậy chúng ta đáng được hưởng phúc lộc trong đời - những gì thiếu hụt chỉ là luật thừa trừ. Nhưng nếu đúng như vậy, Thượng-đế đã chẳng cần sai Chúa Cứu Thế Giê-xu xuống đời để cứu chúng ta.

Khi việc không lành xảy ra, chúng ta thường ngỡ ngàng, tự hỏi: 'Tại sao ta phải gặp cảnh này?' Nhưng khi gặp điều tốt lành ta có hỏi như thế không? Có ai nói rằng: 'Tại sao Chúa vẫn ban cho tôi những điều tốt lành dù rằng lúc nào tôi cũng kiêu căng và ích kỷ' không? Người nào hạ mình đặt câu hỏi như thế sẽ thấy rõ phước lành không đáp ứng với tốt lành tầm thường của ta nhưng thật ra là biểu lộ đức tốt lành thánh thiện của Chúa. Một người tin Chúa không dám nói rằng: "Lạy Chúa xin cho con điều con đáng được" vì tất cả chúng ta đều phạm tội đáng chết cả.

Khi nào chúng ta được buông ra khỏi ràng buộc của lòng tham, là lúc chúng ta mở cửa tiếp nhận những gì Chúa muốn cho ta. Người theo Chúa sẽ ngạc nhiên nhận thấy rằng, như người Cha hiền, Chúa lúc nào cũng chờ đợi để ban cho chúng ta "nhiều hơn mọi điều chúng ta cầu xin hoặc suy tưởng" Ê-phê-sô 3:20.

Vì vậy Chúa Giê-xu dạy: "Phước cho những kẻ nhu mì vì sẽ hưởng được đất."

4. Phước lành thứ tư của trần gian có thể diễn tả như sau: "Phước cho những kẻ không bao giờ quan tâm những gì Chúa muốn, vì họ sẽ được những gì mình muốn."

Thập niên 60 có một bản nhạc nổi danh của đoàn nhạc kích động Rolling Stones mang tựa đề: "Tôi không thể được những gì không thỏa mãn." Bản nhạc này đã trở thành tiêu biểu cho một thế hệ thanh niên quyết tâm bài trừ mọi bất công trong xã hội. Phong trào này thoạt đầu cổ võ quyền bình đẳng cho giới nghèo và bị áp bức, nhưng dần dần đi đến chỗ kiêu hãnh vì là người da trắng và buông mình vào truỵ lạc.

Trong thập niên 1970 chủ thuyết vị kỷ này càng được tôn sùng nhiều hơn. Nhạc thời trang lúc ấy tôn sùng cá nhân đến nỗi có bản nhạc mang tựa đề: "Tìm cho ra con người số 1". Nhưng hai câu hỏi được đặt ra là: Điều gì sẽ xảy ra khi 'có nhiều hơn' không nhất thiết là 'tốt hơn'? và Điều gì xảy ra khi 'thỏa mãn thật' vượt qua chỗ 'tôn sùng bản ngã'?

Trần gian nói: "Hãy tự đi đến đó mà đoạt lấy" Kinh-thánh dạy: "Ai trong các anh muốn làm lớn, phải làm đầy tớ, và ai muốn đứng đầu, phải làm nô lệ - như Con Người đã đến không phải để được phục vụ nhưng để phục vụ và trao sinh mạng làm giá chuộc nhiều cuộc đời."

Vì vậy, Chúa Giê-xu dạy: "Phước cho những kẻ đói khát sự công chính, vì sẽ được no đủ."

5. Phước lành thứ năm của trần gian có thể diễn tả như sau: "Phước cho những kẻ trả thù, vì sẽ không mất danh dự."

Trả thù là một trong những tính căn bản của con người, dù thực hiện dưới hình thức và chiều kích hay mức độ nào. Người trả thù nhiều hơn là tha thứ.

Chúa Giê-xu trên thập giá đã nói lời cuối cùng: "Xong rồi!" Hay "Đầy đủ rồi!" Nghĩa là giá cho mọi khổ đau, bách hại trong thân phận con người đã trả, không cần ai phải trả thù nữa. Đức Chúa Trời đã chỉ cho chúng ta phương pháp giải quyết hữu hiệu mọi nan đề, đó là tha thứ, chứ không trả thù nữa. Tất cả hận thù cần đem đến đặt nơi chân thập giá và mỗi người nhận lấy tình thương của Chúa đã thương mình mà tha thứ cho mọi kẻ thù.

Chúa Giê-xu dạy: "Phước cho những kẻ thương xót, vì sẽ được thương xót."

6. Phước lành thứ sáu của trần gian có thể diễn tả như sau: "Phước cho những kẻ nhiều mưu lược vì sẽ đạt được mục tiêu."

Khi thèm muốn điều gì, chúng ta thường tìm đủ cách cho được điều đó. Chúng ta tập trung vào mục tiêu và kế hoạch nhiều đến nỗi không thấy được Chúa đang hành động để khuôn rập cuộc đời chúng ta theo đúng chương trình Ngài đã hoạch định. Nhiều khi chúng ta không ngại nói dối về thất bại của mình và như vậy cũng là tự dối mình.

Tâm hồn thường có những cuộc thỏa hợp nhỏ rất nhanh đến nỗi khi linh hồn bị lạc mất, cũng không nhận ra được nữa. Tuy nhiên, mỗi cuộc thỏa hợp, lớn hay nhỏ đều làm cho lớp tối tăm ngăn cách ta với Chúa thêm dày hơn. Đây là lớp tăm tối làm ánh sáng chân lý từ lời Chúa không rọi qua được.

Chúa Giê-xu dạy: "Phước cho những kẻ có lòng trong sạch vì sẽ thấy Đức Chúa Trời."

7. Phước lành thứ bẩy của trần gian diễn tả như sau: "Phước cho những kẻ tranh đấu vì sẽ được vinh quang." Đối với kẻ tranh đấu thì giết hại nhiều bao nhiêu là thành công bấy nhiêu. Nhưng đối với người tin Chúa, tôn Chúa làm vua, chỉ khi nào quay lưng khỏi Chúa mới ham tranh đấu mà thôi.

Từ quan điểm của Chúa, không có buổi lễ long trọng nào sau một cuộc chiến tranh mà kẻ chiến bại quỳ trước anh hùng chiến thắng, nhưng cả hai đều quỳ xuống, hạ mình ăn năn hối lỗi trước Đức Chúa Trời và xin được hưởng ơn khoan hồng, vì đã dùng năng lực của tử thần mà cố tiêu diệt nhau.

Chúa Giê-xu dạy trong phước lành thứ bảy: "Phước cho những kẻ làm cho người hoà thuận, vì sẽ được gọi là con Đức Chúa Trời."

8. Phước lành thứ tám của trần gian như sau: "Phước cho những kẻ cẩn thận không sống thánh thiện quá vì như thế mới hòa lẫn với mọi người được."

Được chấp nhận là một điều ai cũng trông mong. Nhưng trần gian này chấp nhận những kẻ làm điều xấu xa mà thường không chấp nhận những người quá trung tín, thành thật. Học sinh nào cũng hiểu, nếu trở thành học trò giỏi nhất lớp, được thầy thương, thế nào cũng bị bạn ghét.

Những người làm việc với người đời hiểu rằng khi nào ta cố giữ ngay thật thì ta làm cho những kẻ gian dối nổi bật lên. Nhưng người tin Chúa nhớ rằng nếu ta cố giữ thể diện bằng cách về hùa với người đời hư hỏng, phạm tội, thì ta đã sỉ nhục Chúa. Nhưng nếu ta trung tín và sống đạo giữa đời để nêu gương tốt và đưa người đến với Chúa, ta sẽ là người đại diện cho Chúa.

Chúa Giê-xu dạy: "Phước cho những kẻ bị bắt bớ vì sự công chính, vì nước thiên đàng là của những kẻ ấy."

9. Phước lành thứ chín của người đời là: "Phước cho những kẻ không bao giờ quá quan trọng hóa niềm tin của mình nơi Chúa Giê-xu, vì họ sẽ không cho ai khó chịu cả."

Người đời thường chia người có đạo làm hai hạng, một hạng họ cho là tốt và hạng thứ hai họ gọi là mê tín hay cuồng đạo. Người đời thích những ai theo Chúa nhưng không bao giờ công khai nói với họ về Chúa, vì như thế làm cho họ hóa ra người phàm tục.

Nhiều người tin Chúa nhưng khi người ta bài bác đạo cũng không dám lên tiếng bênh vực, vì sợ sẽ bị chê cười và gán cho các danh hiệu không tốt.

Sống trong một xã hội vô thần, nhiều người đành phải âm thầm để khỏi mất những quyền lợi. Nhưng nếu hi sinh danh nghĩa của Chúa để được no ấm, thì thật đáng trách, vì Chúa đã từng hi sinh tất cả, đến nỗi bị người đời giết chết, cũng là vì thương chúng ta, làm sao chúng ta có thể phủ nhận tình thương đó, và nhất là làm hại gián tiếp cho Chúa để được đôi chút quyền lợi tạm thời của đời?

Chúa Giê-xu dạy trong phước lành cuối cùng rằng: "Khi nào vì cớ ta mà người ta mắng nhiếc, bắt bớ và lấy mọi điều dữ nói vu cho các ngươi, thì các người sẽ được phước. Hãy vui vẻ và nức lòng mừng rỡ, vì phần thưởng của các ngươi ở trên trời sẽ lớn lắm..."

Cầu xin Chúa giúp mỗi chúng ta nhận phước lành của Chúa và lánh xa trần gian hư hỏng đồi truỵ này.