Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 11

I Tê-sa-lô-ni-ca 4:13-18 - NGÀY QUANG LÂM

13 Hỡi anh em, chúng tôi chẳng muốn anh em không biết về phần người đã ngủ, hầu cho anh em chớ buồn rầu như người khác không có sự trông cậy. 14 Vì nếu chúng ta tin Đức Chúa Jêsus đã chết và sống lại, thì cũng vậy, Đức Chúa Trời sẽ đem những kẻ ngủ trong Đức Chúa Jêsus cùng đến với Ngài. 15 Vả, nầy là điều chúng tôi nhờ lời Chúa mà rao bảo cho anh em: chúng ta là kẻ sống, còn ở lại cho đến kỳ Chúa đến, thì không lên trước những người đã ngủ rồi. 16 Vì sẽ có tiếng kêu lớn và tiếng của thiên sứ lớn cùng tiếng kèn của Đức Chúa Trời, thì chính mình Chúa ở trên trời giáng xuống; bấy giờ những kẻ chết trong Đấng Christ, sẽ sống lại trước hết. 17 Kế đến chúng ta là kẻ sống, mà còn ở lại, sẽ cùng nhau đều được cất lên với những người ấy giữa đám mây, tại nơi không trung mà gặp Chúa, như vậy chúng ta sẽ ở cùng Chúa luôn luôn. 18 Thế thì, anh em hãy dùng lời đó mà yên ủi nhau.

 

1. “Chẳng muốn anh em không biết” (c. 13a) nghĩa là thế nào?

2. “Người đã ngủ” chỉ về ai?

3. Tại sao người tin Chúa không buồn rầu khi có người thân qua đời? Điểm khác nhau giữa người tin Chúa và người không tin trong hoàn cảnh tang chế là gì?

4. Theo câu 14, điều gì bảo đảm cho sự phục sinh của người tin Chúa?

5. Sứ đồ Phao-lô cho thấy diễn tiến trong ngày Chúa trở lại như thế nào (c. 16-17)?

6. Chúng ta yên ủi nhau như thế nào với lời dạy trong phân đoạn Kinh Thánh nầy?

 

Theo I Tê-sa-lô-ni-ca 3:1-6, Phao-lô sai Ti-mô-thê trở lại Tê-sa-lô-ni-ca để thăm Hội Thánh. Sau khi Ti-mô-thê thăm, trở về và tường trình thì Phao-lô viết lá thư nầy. Ngoài những lời cảm ơn, khích lệ và khuyên dạy, Phao-lô cũng giải đáp một số thắc mắc của tín hữu Tê-sa-lô-ni-ca do Ti-mô-thê thuật lại, đặc biệt là những vấn đề liên quan đến ngày cuối cùng (lai thế học). Tê-sa-lô-ni-ca 4:13-5:11 là câu trả lời của Phao-lô cho vấn đề đó:

1. Số phận của những người qua đời trước khi Chúa Giê-xu tái lâm (4:13-18).

2. Thời điểm tái lâm và cách chúng ta chuẩn bị cho ngày đó (5:1-11).

Phao-lô trình bày chi tiết hơn về vấn đề thời điểm tái lâm trong II Tê-sa-lô-ni-ca 2:1-12. Trong 4:13-18, Phao-lô cho biết điều gì sẽ xảy ra cho những người qua đời trước khi Chúa Giê-xu tái lâm. Phân đoạn nầy thường được gọi là phần Kinh Thánh nói về việc “Được Cất Lên” (The Rapture). Từ rapture phát nguồn từ chữ raptus trong tiếng La-tinh của Bản Kinh Thánh Vulgate (Bản Kinh Thánh tiếng La-tinh của giáo phụ Jerome).

Ngày Chúa Giê-xu tái lâm (kỳ Chúa đến, c. 15) cũng là một từ đặc biệt được Phao-lô dùng nhiều lần trong hai Thư Tê-sa-lô-ni-ca (I Tê. 2:19; 3:13; 4:15; 5:23; II Tê. 2:1, 8, 9). Từ nầy là parousia, mang ý nghĩa sự hiện diện chính thức của hoàng đế, nhà vua hay viên chức cao cấp. Việc Chúa Giê-xu tái lâm được gọi bằng từ parousia cho thấy Chúa Giê-xu sẽ trở lại trong tư cách của một vị vua (Vua Hồi Lai), đó là ngày Chúa Giê-xu quang lâm.

Phao-lô bắt đầu phần nầy với câu:

Hỡi anh em, chúng tôi chẳng muốn anh em không biết về phần người đã ngủ (c. 13a)

Chẳng muốn anh em không biết nhằm ý nhấn mạnh: muốn anh em thật sự biết! Nếu không biết điều gì xảy ra cho người tin Chúa sau khi chết, các tín hữu sẽ buồn rầu. Lý do buồn rầu là vì không có sự trông cậy (c. 13b). Điểm khác nhau giữa người tin Chúa và người không tin trong hoàn cảnh tang chế là chúng ta có hy vọng (sự trông cậy). Người không tin không có hy vọng nầy! Ngủ là một lối nói chỉ về sự chết (Công vụ 7:60).

Căn bản hay bảo đảm cho sự phục sinh của người tin Chúa là sự phục sinh của Chúa Giê-xu:

Vì nếu chúng ta tin Đức Chúa Jêsus đã chết và sống lại, thì cũng vậy, Đức Chúa Trời sẽ đem những kẻ ngủ trong Đức Chúa Jêsus cùng đến với Ngài (c. 14)

Nếu đã tin Chúa Giê-xu chết và sống lại thì việc chúng ta sống lại là điều dĩ nhiên. Thật ra, Phao-lô nói nhiều hơn việc người tin Chúa sống lại. Ông nói: Đức Chúa Trời sẽ đem những kẻ ngủ trong Đức Chúa Giê-xu cùng đến với Ngài (c. 14b). Những kẻ ngủ trong Đức Chúa Giê-xu nói về những người tin Chúa trước khi qua đời. Những người nầy không chỉ sống lại nhưng sẽ được cùng đến với Ngài, nói đến việc được cất lên trong câu 17.

Sứ đồ Phao-lô có lẽ đã nhận được mạc khải trực tiếp từ Chúa trong thời gian ẩn dật tại xứ A-ra-bi (Ga-la-ti 1:17) hoặc Chúa ban cho ông câu trả lời khi có câu hỏi nầy, cho nên ông xác nhận: Nầy là điều chúng tôi nhờ lời Chúa mà rao bảo cho anh em (c. 15a). Với sự hướng dẫn của Chúa Thánh Linh, Phao-lô cho thấy diễn tiến trong ngày Chúa Giê-xu quang lâm như sau:

1. Tiếng kêu lớn.

2. Tiếng của thiên sứ lớn.

3. Tiếng kèn của Đức Chúa Trời.

4. Chúa ở trên trời giáng xuống.

5. Người tin Chúa đã chết được sống lại.

6. Người tin Chúa còn sống được cất lên trời với những người vừa sống lại.

7. Gặp Chúa giữa đám mây, nơi không trung.

8. Tất cả ở luôn với Chúa.

Tiếng kêu lớn nghĩa là tiếng ra lệnh (“khi có hiệu lệnh ban ra,” BHĐ). Hai điều xảy ra sau khi có hiệu lệnh là tiếng của thiên sứ lớntiếng kèn của Đức Chúa Trời. Thiên sứ lớn là Mi-chen, thiên sứ trưởng (Giu-đe 9), có lẽ ra lệnh cho việc thổi kèn. 

Kèn (trong sách Khải Huyền dùng chữ “loa”) không hẳn là một nhạc khí nhưng là một dụng cụ dùng để báo hiệu. Tiếng kèn của Đức Chúa Trời báo hiệu ngày quang lâm của Chúa Giê-xu (I Cô. 15:52).

Hai điều sẽ xảy ra cùng một lúc là: Chúa ở trên trời giáng xuốngnhững kẻ chết trong Đấng Christ sống lại (c. 16b). Sau khi người chết trong Chúa sống lại thì những người tin Chúa vẫn còn sống lúc đó sẽ được cất lên với những người vừa sống lại và gặp Chúa nơi không trung (c. 17a).  

Cất lên mang ý nghĩa lấy đi, đem đi cách nhanh chóng (Công vụ 8:39; II Cô. 12:2, 4; Khải 12:5). Phao-lô cho biết sự việc nầy sẽ xảy ra trong giây phút, trong nháy mắt (I Cô. 15:52). Nơi người tin Chúa được cất lên là không trung: Tại nơi không trung mà gặp Chúa (c. 17a). Kinh Thánh không cho biết rõ không trung là nơi nào nhưng có thể hiểu đó là khoảng không gian giữa trời và đất.

Kết quả sau cùng là: Chúng ta sẽ ở cùng Chúa luôn luôn (c. 17b). Đây là chung kết của niềm tin chúng ta: sống trong sự hiện diện của Chúa đời đời!

Phao-lô kết luận phần nầy với câu:

Thế thì, anh em hãy dùng lời đó mà yên ủi nhau (c. 18)

Lời đó là tất cả những điều Phao-lô vừa trình bày, nói lên hy vọng của người tin Chúa. Chúng ta biết chắc chắn về số phận của những người qua đời trước khi Chúa trở lại và cũng biết điều gì sẽ xảy ra cho chúng ta dù sống hay chết trước lúc Chúa trở lại. Yên ủi mang ý nghĩa khích lệ, không buồn rầu như những người không có Chúa, không có hy vọng.