Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 12

I Tê-sa-lô-ni-ca 5:1-11 - TỈNH THỨC

1 Hỡi anh em, về thời và kỳ, thì không cần viết cho anh em, 2 vì chính anh em biết rõ lắm rằng ngày của Chúa sẽ đến như kẻ trộm trong ban đêm vậy. 3 Khi người ta sẽ nói rằng: Bình hòa và an ổn, thì tai họa thình lình vụt đến, như sự đau đớn xảy đến cho người đàn bà có nghén và người ta chắc không tránh khỏi đâu.

4 Nhưng, hỡi anh em, anh em chẳng phải ở nơi tối tăm, nên nỗi ngày đó đến thình lình cho anh em như kẻ trộm. 5 Anh em đều là con của sự sáng và con của ban ngày. Chúng ta không phải thuộc về ban đêm, cũng không phải thuộc về sự mờ tối. 6 Vậy, chúng ta chớ ngủ như kẻ khác, nhưng phải tỉnh thức và dè giữ. 7 Vì kẻ ngủ thì ngủ ban đêm, kẻ say thì say ban đêm. 8 Nhưng chúng ta thuộc về ban ngày, nên hãy dè giữ, mặc áo giáp bằng đức tin và lòng yêu thương, lấy sự trông cậy về sự cứu rỗi làm mão trụ.

9 Đức Chúa Trời chẳng định sẵn cho chúng ta bị cơn thạnh nộ, nhưng cho được sự giải cứu bởi Đức Chúa Jêsus Christ chúng ta, 10 là Đấng đã chết vì chúng ta, hầu cho chúng ta hoặc thức hoặc ngủ, đều được đồng sống với Ngài. 11 Vậy thì anh em hãy khuyên bảo nhau, gây dựng cho nhau, như anh em vẫn thường làm.

 

1. Theo ý Bạn, “thời” và “kỳ” (c. 1) khác nhau thế nào?

2. Phao-lô nói: “Chính anh em biết rõ lắm rằng…” (c. 2a). Làm thế nào các tín hữu Tê-sa-lô-ni-ca biết được?

3. “Ngày của Chúa sẽ đến như kẻ trộm trong ban đêm vậy” (c. 2b) nghĩa là thế nào?

4. Điểm giống nhau giữa việc “người đàn bà có nghén” và ngày Chúa trở lại là gì?

5. Đối với người tin Chúa, ngày Chúa trở lại không phải là việc thình lình (c. 4). Tại sao?

6. “Con của sự sáng và con của ban ngày” (c. 5a) nghĩa là gì?

7. Xin cho biết những đặc tính của người “thuộc về ban ngày” (c. 8).

8. Câu 9 cho thấy người tin Chúa có lời hứa gì?

9. “Thức” và “ngủ” trong câu 10 mang ý nghĩa gì?

Sau khi cho độc giả biết về những gì sẽ xảy ra trong ngày Chúa tái lâm (4:13-18), Phao-lô cho thấy họ phải làm gì để chuẩn bị cho ngày đó (5:1-11). Hai phần nầy đều nói về ngày Chúa tái lâm nhưng phần sau nhấn mạnh nhiều hơn về thời gian và thái độ của người chờ đợi ngày đó. Phao-lô đã từng dạy cho các tín hữu ở Tê-sa-lô-ni-ca biết về đặc tính của ngày Chúa trở lại khi ông còn ở với họ. Ông nói: Không cần viết cho anh em vì chính anh em biết rõ lắm rằng ngày của Chúa sẽ đến như kẻ trộm trong ban đêm vậy (c. 1b-2). Chúa sẽ đến như kẻ trộm nghĩa là Chúa sẽ đến thình lình, lúc người ta không ngờ. Vì được dạy rằng Chúa sẽ đến thình lình nên các tín hữu Tê-sa-lô-ni-ca lo sợ mình sẽ bị bỏ lại. Phân đoạn nầy nhằm giải tỏa nỗi lo sợ đó và cũng cho họ hiểu được ý nghĩa của việc tỉnh thức chờ đợi Chúa đến.

Phao-lô dùng hai từ thờikỳ để nói về ngày Chúa trở lại. Thời (chronos) nói về thứ tự thời gian. Kỳ (kairos) nhấn mạnh đến đặc tính hay sự việc xảy ra. (“Thì giờ” và “thời điểm,” BHĐ). Thờikỳ vì vậy nói về việc Chúa đến khi nào và có những gì xảy ra trước ngày đó. Ngày Chúa đến chẳng những thình lình (như kẻ trộm trong ban đêm) nhưng cũng chắc chắn (như sự đau đớn xảy đến cho người đàn bà có nghén). Thật ra sự đau đớn xảy đến cho người đàn bà có nghén nói lên cả hai ý thình lình và chắc chắn. Dấu hiệu của sản phụ khi sắp sinh nở là sự đau đớn, thì trước ngày Chúa tái lâm cũng sẽ có những dấu hiệu như vậy.

Khi người ta sẽ nói rằng: Bình hòa và an ổn, thì tai họa thình lình vụt đến (c. 3a)

Câu nầy nói lên yếu tố bất ngờ của việc Chúa trở lại. Phao-lô nhắc đến hai nhóm người trong phần nầy: Anh emngười ta, nhằm phân biệt giữa người tin Chúa và người ngoại, nói đến hai thái độ và hai số phận trước ngày quang lâm của Chúa. Người ta, tức là người đời, người không có Chúa sẽ tự mãn, Nói rằng bình hòa và an ổn! Bình hòa nói đến suy nghĩ trong lòng. An ổn nói về an toàn bên ngoài, tưởng như không gì có thể thay đổi. Nhưng Phao-lô cảnh báo: Thì tai họa thình lình vụt đến. Lúc người ta ít ngờ đến nhất chính là lúc tai họa xảy ra. Ngày Chúa trở lại là ơn phước cho người tin Chúa nhưng là tai họa cho những người không có Chúa. Bản Hiệu Đính dịch câu nầy như sau:

Khi người ta nói: “Hòa bình và an ninh” thì sự hủy diệt bất thần ập đến, như cơn đau chuyển dạ xảy đến cho người phụ nữ mang thai, họ không sao tránh khỏi (c. 3, BHĐ)

Người phụ nữ mang thai không sớm thì muộn cũng đến ngày sinh nở, đó là việc chắc chắn, ngày Chúa trở lại cũng chắc chắn như vậy!

Đối chiếu với những người không có Chúa, Phao-lô nói đến anh em  (c. 4):

Nhưng, hỡi anh em, anh em chẳng phải ở nơi tối tăm, nên nỗi ngày đó đến thình lình cho anh em như kẻ trộm.

Đối với người tin Chúa, ngày Chúa trở lại sẽ không phải là điều ngạc nhiên: Đến thình lình cho anh em như kẻ trộm. Lý do là vì anh em chẳng phải ở nơi tối tăm. Tối tăm hay bóng tối trong Kinh Thánh thường được dùng để nói về tội lỗi, gian ác, hoặc thiếu hiểu biết về những giá trị tâm linh. Người tin Chúa là người sống trong ánh sáng của Chúa, có hiểu biết về Chúa nên không sợ việc Chúa đến bất ngờ.

Phao-lô cũng gọi người tin Chúa là con của sự sángcon của ban ngày (c. 5a). Con của… là lối nói của người Do-thái nhằm mô tả đặc tính. Con của sự sáng nghĩa là người sáng láng, người có sự sáng, sống trong ánh sáng. Con của ban ngày cũng mang ý nghĩa tương tự. Trong phần thứ hai của câu 5, Phao-lô không nói anh em nữa nhưng nói chúng ta:

Chúng ta không phải thuộc về ban đêm, cũng không phải thuộc về sự mờ tối (c. 5b)

Phao-lô kể mình là một với các tín hữu Tê-sa-lô-ni-ca. Ban đêmsự mờ tối là để đối chiếu với sự sángban ngày ở trên. Đặc điểm của những người con của ánh sáng và ban ngày là:

Chúng ta chớ ngủ như kẻ khác nhưng phải tỉnh thức và dè giữ (c. 6)

Chữ ngủ trong câu nầy mang ý nghĩa thiếu ý thức đạo đức, không còn nhạy cảm với tội lỗi. Tỉnh thứcdè giữ là ngược lại với ngủ. Tỉnh thức mang ý nghĩa cảnh giác, đặt mình trong tình trạng báo động. Dè giữ mang ý nghĩa tiết độ nghĩa là không vì quá nóng lòng về ngày Chúa tái lâm mà đứng ngồi không yên, thiếu bình tĩnh. Đây là một quân bình cần thiết: chúng ta tỉnh thức trông chờ ngày Chúa trở lại nhưng cũng không phải vì đó mà trở thành xao xuyến, không làm việc gì khác.

Phao-lô nhắc lại hình ảnh ban đêm (c. 7) để nói về những hành động liên quan đến ban đêm là ngủ say. Chỉ những người thuộc về ban đêm nghĩa là sống trong bóng tối của tội lỗi thì mới ngủ và say. Chữ say mang ý nghĩa không thể điều khiển chính mình. Ngược lại với người thuộc về ban đêm là người thuộc về ban ngày (c. 8). Ba điều người thuộc về ban ngày làm là: (1) Dè giữ. (2) Mặc áo giáp bằng đức tin và lòng yêu thương. (3) Đội mão trụ là sự trông cậy về sự cứu rỗi.

Dè giữ vừa nói trong câu 6 (xem giải thích ở trên). Áo giápmão trụ là trang phục của chiến sĩ (Ê-phê-sô 6:14-17; Ê-sai 59:17). Trang phục nầy bao gồm đức tin, yêu thương, trông cậy (c. 8). Đây là ba yếu tố được nhắc đến thường xuyên trong các thư của Phao-lô (I Tê. 1:3; I Cô. 13:13).

Các tín hữu Tê-sa-lô-ni-ca đang xao xuyến lo âu về viễn ảnh ngày Chúa tái lâm. Họ sợ mình không sẵn sàng và sẽ phải chịu hình phạt của Chúa, nhưng Phao-lô xác nhận với họ:

Đức Chúa Trời chẳng định sẵn cho chúng ta bị cơn thạnh nộ, nhưng cho được sự giải cứu bởi Đức Chúa Jêsus Christ chúng ta (c. 9)

Cơn thạnh nộ chắc chắn sẽ đến với những người vô tín, chống lại Chúa (1:10; 2:16). Tai họa sẽ thình lình vụt đến với họ (5:3). Nhưng với người tin Chúa, Phao-lô khẳng định: Đức Chúa Trời chẳng định sẵn cho chúng ta bị cơn thạnh nộ (c. 9a). Định sẵn thường được dùng để chỉ về quyền tối thượng của Đức Chúa Trời trong mọi việc. Đối chiếu Khải Huyền 6:16-17 với I Tê. 4:14-17, chúng ta biết rằng khi Đức Chúa Trời trút cơn thịnh nộ của Ngài trên đất thì lúc đó con cái Chúa đã được tiếp đi với Ngài và sẽ không đồng chung số phận với trần gian vô tín.

Trên phương diện tiêu cực, người tin Chúa được tránh khỏi cơn thạnh nộ của Đức Chúa Trời (c. 9a). Còn trên phương diện tích cực, chúng ta được sự giải cứu bởi Đức Chúa Jêsus Christ chúng ta (c. 9b). Lời khẳng định nầy sẽ giúp cho các tín hữu Tê-sa-lô-ni-ca an tâm, không lo sợ về cơn thịnh nộ của Đức Chúa Trời trong ngày cuối cùng.

Phao-lô nhấn mạnh giáo lý cứu rỗi nhờ sự chết của Chúa Giê-xu trong câu tiếp theo:

Là Đấng đã chết vì chúng ta, hầu cho chúng ta hoặc thức hoặc ngủ, đều được đồng sống với Ngài (c. 10)

Vì chúng ta mang ý nghĩa “thay cho chúng ta,” “thế vào chỗ của chúng ta.” Cái chết thay thế của Chúa Giê-xu là căn bản cho sự cứu rỗi của chúng ta. Những chữ thứcngủ trong câu nầy tương tự như trong câu 6, nhưng trong văn mạch nầy, thức ngủ phải được hiểu là sống hay chết lúc Chúa trở lại. Ý của Phao-lô trong câu nầy là, chúng ta là người tin Chúa thì dù là còn sống hay đã chết lúc Chúa trở lại, chúng ta đều được đồng sống với Ngài như điều đã nói trong 4:15-17.

Thiếu hiểu biết về một vấn đề nào đó thường đưa người ta đến chỗ lo âu, sợ hãi. Các tín hữu tại Tê-sa-lô-ni-ca vì thiếu một số hiểu biết về ngày quang lâm của Chúa nên đã buồn rầu (4:13) và lo sợ (5:4). Vì vậy, sau khi trình bày cho họ biết về số phận những người qua đời trước khi Chúa quang lâm (4:13-17) và thời điểm Chúa trở lại (5:1-10), Phao-lô viết:

Vậy thì anh em hãy khuyên bảo nhau, gây dựng cho nhau, như anh em vẫn thường làm (c. 11)

Phao-lô dùng hai từ khuyên bảogây dựng để nói với người Tê-sa-lô-ni-ca. Khuyên bảo mang ý nghĩa “khích lệ” (BHĐ). Gây dựng hay “xây dựng” (BHĐ) liên quan đến Hội Thánh của Chúa (Ê-phê-sô 2:20-22; 4:12). Đây là hai điều mỗi người tin Chúa cần làm để khích lệ nhau khi đã có hiểu biết đầy đủ về Chúa, đặc biệt về ngày Chúa trở lại.