Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 13

I Tê-sa-lô-ni-ca 5:12-28 - NHỮNG LỜI CUỐI THƯ

12 Hỡi anh em, xin anh em kính trọng kẻ có công khó trong vòng anh em, là kẻ tuân theo Chúa mà chỉ dẫn dạy bảo anh em. 13 Hãy lấy lòng rất yêu thương đối với họ vì cớ công việc họ làm. Hãy ở cho hòa thuận với nhau.

14 Nhưng, hỡi anh em, xin anh em hãy răn bảo những kẻ ăn ở bậy bạ, yên ủi những kẻ ngã lòng, nâng đỡ những kẻ yếu đuối, phải nhịn nhục đối với mọi người. 15 Hãy giữ, đừng có ai lấy ác báo ác cho kẻ khá, nhưng hãy tìm điều thiện luôn luôn, hoặc trong vòng anh em, hoặc đối với thiên hạ.

16 Hãy vui mừng mãi mãi, 17 cầu nguyện không thôi, 18 phàm làm việc gì cũng phải tạ ơn Chúa, vì ý muốn của Đức Chúa Trời trong Đức Chúa Jêsus Christ đối với anh em là như vậy.

19 Chớ dập tắt Thánh Linh. 20 Chớ khinh dể các lời tiên tri. 21 Hãy xem xét mọi việc, điều chi lành thì giữ lấy, 22 bất cứ việc gì tựa như điều ác, thì phải tránh đi.

23 Nguyền xin chính Đức Chúa Trời bình an khiến anh em nên thánh trọn vẹn, và nguyền xin tâm thần, linh hồn, và thân thể của anh em đều được giữ vẹn, không chỗ trách được, khi Đức Chúa Jêsus Christ chúng ta đến! 24 Đấng đã gọi anh em là thành tín, chính Ngài sẽ làm việc đó.

25 Hỡi anh em, hãy cầu nguyện cho chúng tôi với. 26 Hãy lấy cái hôn thánh mà chào hết thảy anh em. 27 Tôi nhân Chúa nài xin anh em hãy đọc thơ nầy cho hết thảy anh em đều nghe.

28 Nguyền xin ân điển của Đức Chúa Jêsus Christ, Chúa chúng ta, ở với anh em.

 

1. “Kẻ tuân theo Chúa mà chỉ dẫn và dạy bảo anh em” (c. 12b) là ai? Tại sao phải kính trọng và yêu thương họ?

2. Xin cho biết những mạng lệnh Phao-lô kể ra trong câu 14-15 và ý nghĩa mỗi điều.

3. Xin cho biết những mạng lệnh trong câu 16-18 và ý nghĩa mỗi điều.

4. Xin cho biết những mạng lệnh trong câu 19-22 và ý nghĩa mỗi điều.

5. Theo câu 23-24 tác nhân nên thánh là ai?

6. Tại sao Phao-lô gọi Đức Chúa Trời là “Đức Chúa Trời bình an” (c. 23a)?

6. “Nên thánh trọn vẹn” (c. 23a) là thế nào?

7. “Tâm thần, linh hồn và thân thể” (c. 23b) hàm ý điều gì?

8. “Cái hôn thánh” (c. 26) chỉ về điều gì?

9. Tại sao Phao-lô nhấn mạnh việc phải đọc thư cho Hội Thánh Tê-sa-lô-ni-ca (c. 27)?

10. Xin cho biết ý nghĩa lời chúc phước của Phao-lô ở cuối thư (c. 28).

 

Sứ đồ Phao-lô kết thúc lá thư với những lời khuyên về bổn phận của các tín hữu đối với người lãnh đạo (c. 12-13), đối với mọi người (c. 14-15) và đối với bản thân (c. 16-18).

 

1. Đối với người lãnh đạo

Hỡi anh em, xin anh em kính trọng kẻ có công khó trong vòng anh em, là kẻ tuân theo Chúa mà chỉ dẫn dạy bảo anh em. Hãy lấy lòng rất yêu thương đối với họ vì cớ công việc họ làm. Hãy ở cho hòa thuận với nhau (c. 12-13)

Kẻ có công khó trong vòng anh em là những người tiếp nối chức vụ Phao-lô tại Tê-sa-lô-ni-ca với tinh thần tự nguyện, tương tự như Phao-lô và các bạn ông đã làm (2:9). Theo khuôn mẫu ghi trong Công vụ 14:23, sau khi thành lập Hội Thánh tại một địa phương, Phao-lô chọn những trưởng lão để hướng dẫn Hội Thánh. Đó là nhóm người Phao-lô nói đến trong phân đoạn nầy. Bản Hiệu Đính gọi họ là “những người đang làm việc vất vả giữa anh em.” Đối với những người đó, Phao-lô bảo các tín hữu phải kính trọng họ (c. 14a). Cùng với kính trọng, Phao-lô nói lấy lòng rất yêu thương đối với họ (c. 13a). Lấy lòng rất… trong nguyên văn là “tôn kính hết mực” (“Hãy lấy lòng yêu thương mà tôn kính họ,” BHĐ). Kính trọng và yêu thương là bổn phận của tín hữu đối với người lãnh đạo Hội Thánh.

Lý do các tín hữu phải kính trọng và yêu thương người hầu việc Chúa là vì: (1) Họ làm việc vất vả (có công khó). (2) Họ vì Chúa mà hướng dẫn (tuân theo Chúa mà chỉ dẫn). (3) Họ vì Chúa mà khuyên bảo (dạy bảo anh em).

Cuối phần nầy, Phao-lô viết:

Hãy ở cho hòa thuận với nhau (c. 13b)

Đây là lời khuyên cho cả người lãnh đạo và tín hữu. Có lẽ có những người thiếu vâng lời trong sự hướng dẫn và dạy bảo nên có xung đột và thiếu hòa thuận trong Hội Thánh n6n Phao-lô khuyên: Hãy ở cho hòa thuận với nhau hàm ý hãy sống hài hòa với nhau, sẵn sàng nghe lời khuyên dạy và người hướng dẫn cũng phải xử sự trong yêu thương, không khắc nghiệt.

2. Đối với mọi người

Nhưng, hỡi anh em, xin anh em hãy răn bảo những kẻ ăn ở bậy bạ, yên ủi những kẻ ngã lòng, nâng đỡ những kẻ yếu đuối, phải nhịn nhục đối với mọi người. Hãy giữ, đừng có ai lấy ác báo ác cho kẻ khác, nhưng hãy tìm điều thiện luôn luôn, hoặc trong vòng anh em, hoặc đối với thiên hạ (c. 14-15)

Phao-lô đưa ra những mạng lệnh sau:

(1) Răn bảo những kẻ ăn ở bậy bạ

Răn bảo là cùng một chữ với dạy bảo trong câu 12, hàm ý “nói mạnh” với lòng yêu thương, không phải chỉ khuyên lơn sơ sài. Kẻ ăn ở bậy bạ nguyên nghĩa nói đến những người tánh hạnh không ngay thẳng, nhưng trong khung cảnh tại Tê-sa-lô-ni-ca, đây là những người biếng nhác, không làm việc (II Tê. 3:6-7) nên ý của Phao-lô ở đây là bảo Hội Thánh phải khuyên nhủ và cảnh cáo những người lười biếng, không chịu làm việc: “Xin anh em hãy khuyên nhủ kẻ lười biếng” (BHĐ).

(2) Yên ủi những kẻ ngã lòng

Kẻ ngã lòng trong khung cảnh của Thư Tê-sa-lô-ni-ca nói đến những người có người thân qua đời (4:13) hay những người lo sợ trước viễn ảnh Chúa tái lâm thình lình (5:1-4). Trong Hội Thánh của Chúa, những người sống trong hoàn cảnh tang chế và những người còn non yếu trong đức tin là người cần được an ủi, khích lệ hơn cả.

(3) Nâng đỡ những kẻ yếu đuối

Nâng đỡ mang ý nghĩa giúp đỡ, hỗ trợ. Yếu đuối hàm ý yếu đuối trên phương diện tâm linh. Có thể là nao núng trước sự bắt bớ (3:3-5) hay yếu đuối trước những cám dỗ tình dục (4:3-8). Trong hoàn cảnh của các Hội Thánh như Rô-ma hay Cô-rinh-tô thì yếu đuối mang ý nghĩa không an tâm với nếp sống tự do của người tin Chúa trong những vấn đề về thực phẩm hay việc giữ ngày giữ tháng (Rô-ma 14:1-15:6; I Cô 8-10). Dù là hoàn cảnh nào, các tín hữu mạnh về phương diện đức tin cần giúp đỡ những người yếu đức tin.

(4) Nhịn nhục đối với mọi người

Mọi người nói đến ba nhóm người vừa kể (kẻ ăn ở bậy bạ, kẻ ngã lòng, kẻ yếu đuối). Răn bảo, yên ủi, nâng đỡ những người trên không phải là điều dễ vì có thể họ sẽ không nghe lời khuyên bảo, yên ủi, nâng đỡ của chúng ta. Nhịn nhục vì vậy là đức tính cần thiết. Nhịn nhục nghĩa là kiên nhẫn, không tức giận khi người khác không chịu nghe, dù chúng ta nói những lời xây dựng.

Khi một người không kiên nhẫn với người khác sẽ đưa đến tức giận và sẽ muốn lấy ác báo ác. Lời khuyên tiếp theo của Phao-lô vì vậy là:

(5) Hãy giữ, đừng có ai lấy ác báo ác cho kẻ khác

Trong quan điểm thông thường của đời, lấy ác báo ác là công bằng, người gây ác phải gánh chịu hậu quả mình gây ra. Tiêu chuẩn của Chúa thì hoàn toàn ngược lại (Ma-thi-ơ 5:38-42). Trong Cựu Ước có điều khoản “Mắt đền mắt, răng đền răng” (Xuất 21:23-24) nhưng đây không phải là lấy ác báo ác nhưng là giới hạn hình phạt rõ ràng để người ta không đi quá trong việc bồi thường thiệt hại. Người tin Chúa không trả thù là điều được dạy rõ ràng trong Rô-ma 12:17-21 và I Phi. 2:19-23; 3:9. Tác giả Robert Thomas viết: “Không trả thù là dấu hiệu rõ ràng nhất của một đời sống trưởng thành trong Chúa.”

Đừng có ai lấy ác báo ác cho kẻ khác là ý tiêu cực, trên phương diện tích cực, sứ đồ Phao-lô dạy:

Hãy tìm điều thiện luôn luôn, hoặc trong vòng anh em, hoặc đối với thiên hạ (c. 15b)

Tìm nghĩa là “đeo đuổi” hay “chạy theo” hàm ý luôn luôn cố gắng làm điều thiện. Điều thiện là điều tốt lành, ngược lại với ác ở trên. Thay vì lấy ác báo ác, người tin Chúa phải luôn luôn tìm kiếm làm điều tốt với anh chị em trong Chúa cũng như tất cả mọi người. Phúc lợi của người khác là điều mỗi con cái Chúa phải tâm niệm.

3. Đối với bản thân

Phao-lô đưa ra ba mạng lệnh:

(1) Vui mừng mãi mãi

Vui mừng là đặc tính nổi bật của người tin Chúa theo lời dạy của Chúa Giê-xu (Ma-thi-ơ 5:10-12). Tín hữu trong Hội Thánh đầu tiên đã vui mừng (Công vụ 5:41; 16:25) và lời dạy trong các thư tín cũng nói lên điều nầy (Phi-líp 1:18; 4:4). Điểm đặc biệt của niềm vui trong Chúa là người tin Chúa có thể vui trong những hoàn cảnh khốn đốn nhất (II Cô. 6:10; 12:10). Các tín hữu tại Tê-sa-lô-ni-ca cũng như chính Phao-lô đã có kinh nghiệm về niềm vui nầy (I Tê. 1:6; 3:9).

Một đặc điểm khác của niềm vui trong Chúa là thường xuyên (mãi mãi). Đây không phải là điều dễ đối với Hội Thánh Tê-sa-lô-ni-ca, với bắt bớ chống đối bên ngoài và đụng chạm với nhau bên trong. Nhưng dù gì đi nữa, Phao-lô bảo họ, Hãy vui mừng mãi mãi! Lời khuyên nầy cũng áp dụng cho chúng ta như vậy.

(2) Cầu nguyện không thôi

Mạng lệnh nầy nối tiếp với mạng lệnh trên hàm ý rằng để có thể vui mừng mãi mãi, người tin Chúa cần phải cầu nguyện không thôi. Không thôi không có nghĩa là không lúc nào ngưng nghỉ nhưng nói đến tinh thần và thái độ cầu nguyện liên tục. Đây là thái độ tin cậy và nhờ cậy Chúa trong mọi việc dù thốt nên lời hay không. Giữa những lá thư của Phao-lô có những lời cầu nguyện bộc phát tự nhiên trong tinh thần cầu nguyện đó (3:11-13; II Tê. 2:16-17).

(3) Tạ ơn Chúa trong mọi hoàn cảnh

Phàm làm việc gì mang ý nghĩa trong mọi hoàn cảnh: “Hãy cảm tạ Chúa trong mọi hoàn cảnh” (BHĐ). Người tin Chúa cảm tạ Chúa trong mọi hoàn cảnh vì biết rằng mọi hoàn cảnh của chúng ta đều nằm trong sự tể trị của Đức Chúa Trời (Rô-ma 8:28). Thiếu tinh thần cảm tạ cũng có nghĩa là thiếu lòng tin nơi Đức Chúa Trời (Rô-ma 1:21).

Câu: Vì ý muốn của Đức Chúa Trời trong Đức Chúa Jêsus Christ đối với anh em là như vậy (c. 17b) áp dụng cho cả ba mạng lệnh vui mừng, cầu nguyện và tạ ơn (c. 15-17). Những chữ quan trọng ở đây là: Trong Đức Chúa Giê-xu Christ. Trong Đức Chúa Giê-xu Christ mang ý nghĩa liên kết với Chúa. Người tin Chúa khi liên kết với Chúa sẽ được biến đổi, trở nên một người mới (II Cô. 5:17) và sẽ luôn luôn sống với lòng vui mừng, thái độ tin cậy (cầu nguyện không thôi) và tinh thần cảm tạ. Thực hành ba điều nầy là sống theo ý muốn của Đức Chúa Trời.

Các mạng lệnh tiếp theo liên quan đến nếp sống đạo của người tin Chúa:

Chớ dập tắt Thánh Linh. Chớ khinh dể các lời tiên tri. Hãy xem xét mọi việc, điều chi lành thì giữ lấy, bất cứ việc gì tựa như điều ác, thì phải tránh đi (c. 19-22)

(1) Chớ dập tắt Thánh Linh

Trong II Ti. 1:6, Đức Thánh Linh được nhắc đến trong hình ảnh ngọn lửa và liên quan đến ơn hay ân tứ: Ta khuyên con hãy NHEN lại ƠN của Đức Chúa Trời ban cho. Ngay tiếp theo, Phao-lô cũng nói đến ân tứ tiên tri (c. 20). Vì vậy, Chớ dập tắt Thánh Linh cũng nên hiểu trong ý nghĩa liên quan đến ân tứ Thánh Linh nghĩa là đừng cản trở Chúa Thánh Linh hành động qua những ân tứ thể hiện trong Hội Thánh. Ngược lại với Hội Thánh Cô-rinh-tô (I Cô. 12-14), Hội Thánh Tê-sa-lô-ni-ca có lẽ có nhiều cấm đoán về các ân tứ Thánh Linh nên Phao-lô khuyên các tín hữu hãy để cho Chúa Thánh Linh hành động qua các ân tứ thể hiện trong Hội Thánh.

Theo lời dạy của Chúa Giê-xu, việc làm của Chúa Thánh Linh là cáo trách về tội lỗi (Giăng 16:8) cho nên dập tắt Thánh Linh cũng mang ý nghĩa cố ý át đi tiếng nói của Chúa Thánh Linh trong lòng. Lời khuyên nầy đi chung với lời khuyên kế tiếp: Chớ khinh dể các lời tiên tri (c. 20), hàm ý khi nghe lời phán dạy của Chúa, chúng ta phải để ý nghe và làm theo. Không nghe và không làm theo là chúng ta đã dập tắt Thánh Linh, ngăn cản sự cáo trách của Ngài qua lời tiên tri đã được phán dạy.

(2) Chớ khinh dể các lời tiên tri

Lời tiên tri liên quan đến ân tứ tiên tri (I Cô. 14:1-5). Đây là ân tứ được ban cho Hội Thánh để gây dựng, khuyên bảo và yên ủi (I Cô 14:3). Trong Hội Thánh Tê-sa-lô-ni-ca lúc bấy giờ có những người có ân tứ đó mà có lẽ các tín hữu đã coi thường, không chú ý đến, không chịu lắng nghe. Đối với chúng ta, lời tiên tri là lời Chúa phán dạy trong Kinh Thánh và lời dạy dỗ của những người trung thực giảng dạy Lời Chúa. Chúng ta phải lắng nghe và làm theo.

(3) Hãy xem xét mọi việc, điều chi lành thì giữ lấy, bất cứ việc gì tựa như điều ác, thì phải tránh đi

Đây là lời khuyên liên quan đến sự phân biện, phải biết phân biệt phải trái, đúng sai, tốt xấu. Trong văn mạch liên quan đến ân tứ thuộc linh (c. 19-20), Phao-lô có ý khuyên các tín hữu phải biết phân biệt giữa tiên tri thật và tiên tri giả: giữ và làm theo những lời dạy tốt lành nhưng tránh xa những lời dạy xấu xa, sai lầm.

Những chữ tựa như điều ác có thể hiểu theo hai nghĩa:

·         “Có hình thức gian ác” (BHĐ).

·         “Thuộc loại điều ác.”

Các nhà giải kinh đương thời, dựa vào văn mạch, thường hiểu theo nghĩa sau: khi đã biết điều nào là gian ác, xấu xa thì chúng ta xa lánh, không chấp nhận, nhất là những lời tự xưng là tiên tri mà kỳ thật không phải. Tuy nhiên, hiểu theo ý thứ nhất cũng là điều tốt, đáng làm:

Hãy xem xét mọi việc. Điều gì tốt đẹp thì giữ lấy. Mọi hình thức gian ác thì phải tránh xa (Bản Hiệu Đính)

Những chữ giữ lấytránh đi trong nguyên văn có âm gần giống nhau: katechete (giữ lấy) và apechesthe (tránh đi) giúp người đọc dễ nhớ lời khuyên nầy. “Giữ cho chặt” và “vứt cho xa” là câu tương đương trong tiếng Việt: chúng ta phải giữ cho chặt những điều tốt và vứt cho xa những điều xấu!

Sứ đồ Phao-lô kết thúc lá thư với lời cầu nguyện cho các tín hữu Tê-sa-lô-ni-ca:

Nguyền xin chính Đức Chúa Trời bình an khiến anh em nên thánh trọn vẹn và nguyền xin tâm thần, linh hồn, và thân thể của anh em đều được giữ vẹn, không chỗ trách được, khi Đức Chúa Jêsus Christ chúng ta đến! Đấng đã gọi anh em là thành tín, chính Ngài sẽ làm việc đó (c. 23-24)

Lời cầu nguyện nầy tóm tắt tất cả những lời khuyên từ 4:1-5:22 và cho thấy rằng chỉ một mình Đức Chúa Trời mới có thể giúp cho họ có thể làm theo những lời khuyên dạy nầy: Chính Đức Chúa Trời bình an KHIẾN anh em nên thánh trọn vẹn (c. 23a). Phao-lô gọi Đức Chúa Trời là Đức Chúa Trời bình an (I Cô. 14:33) trong hai ý nghĩa:

(1) Đức Chúa Trời là Đấng ban cho chúng ta sự giải hòa (bình an) với Ngài qua cái chết của Chúa Giê-xu (II Cô. 5:18).

(2) Các câu 4:6, 10-12; 5:12-22 gợi ý rằng có thể có những xung đột, bất hòa trong Hội Thánh Tê-sa-lô-ni-ca và Phao-lô nói đến Đức Chúa Trời bình an để nhắc cho các tín hữu về nếp sống thuận hòa trong Chúa.

Nên thánh hay thánh hóa là một trong những quan tâm hàng đầu của Phao-lô đối với Hội Thánh Tê-sa-lô-ni-ca (3:13; 4:3-4, 7-8). Nên thánh mang ý nghĩa biệt riêng hay dành riêng đời sống cho mục đích của Đức Chúa Trời, một nếp sống không giống như người trần gian. Trọn vẹn không có nghĩa là không còn phạm tội nữa nhưng nói đến mức độ trưởng thành tuyệt đối của người tin Chúa và đó là mục tiêu chúng ta đeo đuổi. Trọn vẹn hay hoàn toàn nói đến chất lượng của sự nên thánh. Còn số lượng của sự nên thánh là toàn thể con người, được Phao-lô gọi là tâm thần, linh hồn và thân thể.

Tâm thần (pneuma, “tâm linh”, BHĐ) là phần trong con người, giúp chúng ta có mối quan hệ tâm linh với Đức Chúa Trời. Linh hồn (psyche) nói đến phần ý chí và tình cảm của con người. Tâm thần, linh hồn và thân thể nói đến toàn thể con người, không bỏ qua một khía cạnh nào. Phao-lô cầu nguyện để tất cả các phần đó được Đức Chúa Trời giữ vẹn (bảo vệ tất cả) cho đến ngày quang lâm (parousia) của Chúa Giê-xu. Đức Chúa Trời giữ vẹn để chúng ta được kể là không chỗ trách được!

Phao-lô khẳng định:

Đấng đã gọi anh em là thành tín, chính Ngài sẽ làm việc đó! (c. 24)

Việc chúng ta được giữ vẹn cho đến ngày Chúa Giê-xu trở lại là điều chắc chắn vì chính Đức Chúa Trời làm điều nầy và đặc tính của Ngài là thành tín: giữ lời hứa và không bao giờ thay đổi.

Ba yêu cầu chót của Phao-lô cho các tín hữu Tê-sa-lô-ni-ca là:

(1) Cầu thay

Hỡi anh em, hãy cầu nguyện cho chúng tôi với (c. 25)

Cầu nguyện cho người hầu việc Chúa là bổn phận của tín hữu. Người hầu việc Chúa rất cần sự cầu thay nầy.

(2) Chào nhau trong tình thân

Hãy lấy cái hôn thánh mà chào hết thảy anh em (c. 26)

Phao-lô nói điều nầy trong nhiều lá thư của ông (Rô-ma 16:16; I Cô. 16:20; II Cô 13:12). Sứ đồ Phi-e-rơ cũng nhắc đến cái hôn yêu thương (I Phi. 5:14). Đây là tập tục trong nhà hội Do-thái được các tín hữu trong Hội Thánh đầu tiên áp dụng. Hôn cũng là cử chỉ thể hiện bày tỏ tình thương với người trong gia đình và Hội Thánh (tín hữu trong Hội Thánh được kể là người trong gia đình với nhau (Ma-thi-ơ 12:46-50). Thánh (hagio) mang ý nghĩa dành cho thánh đồ, cho những người thuộc về Chúa. Cái hôn thánh là cách bày tỏ tình thân của anh chị em trong Chúa với nhau trong khung cảnh văn hóa và địa phương thời đó. Chào hỏi nhau trong tình yêu thương thật là điều áp dụng cho chúng ta hôm nay.

(3) Đọc thư

Tôi nhân Chúa nài xin anh em hãy đọc thơ nầy cho hết thảy anh em đều nghe (c. 27)

Những lá thư của sứ đồ Phao-lô viết cho các Hội Thánh thường mang tính cách luân lưu và được đọc lớn để dạy dỗ các tín hữu (Cô-lô-se 4:16). Riêng lời yêu cầu đọc thư tại Tê-sa-lô-ni-ca mang tính cách quan trọng, Phao-lô nói: Tôi nhân Chúa nài xin anh em (c. 27a). Bản Hiệu Đính dịch là: “Nhân Danh Chúa, tôi yêu cầu anh em hãy đọc thư nầy cho tất cả anh em được nghe.” Lời yêu cầu nầy mang tính cách khẩn trương có lẽ vì đã có người mạo danh Phao-lô viết thư với những dạy dỗ sai chân lý (II Tê. 2:2). Cũng có thể là các trưởng lão trong Hội Thánh đã không truyền lại đầy đủ những lời Phao-lô dạy trước đây cho Hội Thánh (4:11-12; 5:12-13). Một lý do khác là việc Phao-lô giải thích cho những người có người thân qua đời (4:12-18) và ông sợ rằng lá thư chỉ được phổ biến giới hạn cho những người nầy mà thôi.

Phao-lô nhấn mạnh việc phải đọc thư cho toàn Hội Thánh cũng nhấn mạnh về thẩm quyền của Lời Chúa theo tinh thần Phao-lô nói với Hội Thánh Cô-rinh-tô (I Cô. 14:37). Lời yêu cầu phải đọc thư cho toàn Hội Thánh nhắm vào những người lãnh đạo trong Hội Thánh và mang tính cách nghiêm trọng.  “Nhân Danh Chúa, tôi yêu cầu anh em hãy đọc thư nầy cho tất cả anh em được nghe” hàm ý rằng nếu không làm như vậy họ sẽ phải chịu trách nhiệm trước mặt Chúa. Như thể Phao-lô bảo họ phải tuyên hứa trước mặt Chúa rằng họ sẽ làm theo những gì Phao-lô dạy bảo trong thư nầy. Chúng ta cũng phải đọc những lời trong Thư Tê-sa-lô-ni-ca và làm theo, vì đây chính là lời phán dạy của Chúa.

Phao-lô kết thúc lá thư với lời chúc phước:

Nguyền xin ân điển của Đức Chúa Jêsus Christ, Chúa chúng ta, ở với anh em (c. 28)

Ân điển của Chúa Giê-xu là điều sứ đồ Phao-lô luôn luôn ghi nhớ và nhấn mạnh (I Cô. 15:10; I Ti. 1:14). Những lá thư thời đó thường kết thúc với câu, Kính chúc bình an (Công vụ 15:29) nhưng trong các lá thư của Phao-lô, ông thường kết thúc với lời chào “ân sủng” (ơn dành cho người không xứng đáng) như trong Thư Cô-rinh-tô I và II, Ga-la-ti, Ê-phê-sô, Phi-líp, Cô-lô-se, Tê-sa-lô-ni-ca I và II, Ti-mô-thê I và II, Tít và Phi-lê-môn.

Ân sủng của Chúa là điều không thể thiếu và cũng không thể quên trong đời sống người tin Chúa.